Hôm nay,  

Dưới Vòm Thông Xanh…

07/07/201200:00:00(Xem: 774612)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả là một nhà báo quen biết tại Dallas, từng dự phần biên tập, chủ biên các báo Ca Dao, tuần báo Trẻ, Thời Báo... Phan cũng từng góp nhiều bài viết về nước Mỹ giá trị và đã nhận giải danh dự Viết Về NướcMỹ. Bài mới của Phan là chuyện buổi trưa của Dallas mùa hè 96 độ, ghi nhận từ góc quán cà phê.

***

Trưa nay, dưới vòm thông xanh của Starbucks Galleria, cái nắng trăm độ F của Dallas giảm được 4%, còn 96 độ. The Weather Channel còn cho biết, gió tây nam 5 dặm/ giờ. Nhưng dường như nơi đây bị các building cao ngất vây kín khoảng sân có cây xanh, làm không gian đọng lại như giọt cà phê khô trên cây que Starbucks; cây que quậy chán rồi lặng thầm một góc bàn như những người đi chán rồi nhốt đời vào một góc quán cà phê. Tôi cũng ngồi search chán các web thì ngắm thiên hạ, bởi đâu chỉ riêng mình từ chối máy lạnh bên trong Starbucks.

Nơi thời tiết đang nực giông này, một người đàn ông Mỹ trắng chừng bốn mươi-có gương mặt năm mươi. Cái nét già háp vì rắc rối hôn nhân của ông ta mà gặp đạo diễn đang tìm vai, thì ông ta bỗng trở nên giàu có và nổi tiếng! Chỉ tội cây que ở Starbucks, chưa thấy ai xài lại bao giờ.

Có lẽ tôi đã quen mắt với hình ảnh những người ngồi đợi nơi quán cà phê này, người đợi một hai người bạn thường tự tại bằng một việc làm giết thời gian như delete bớt những message trong điện thoại, hay xem thời tiết, kết quả thể thao trong iPhone… Người đợi nhóm bạn thì thường nhìn địa thế, rồi kéo bàn nhập lại, kê ghế sẵn cho bạn bè đổ bộ. Người đợi già nhân ngãi thì thường mua sẵn cho người sắp đến thức uống để mãi non vợ chồng. Nhưng người chờ bồ bịch không giấu được sự bồn chồn. Đặc biệt là đôi mắt luôn ở ngoài parking như ông Mỹ già háp đang giãn hết cỡ đồng tử chờ mong!

Và người phụ nữ trắng, cao ráo, đã đến. Bà (cô) ta ngồi xuống bàn là mở ngay iPad. Tôi cố gắng tìm từ xưng hô với cỡ tuổi người này thật khó! Gọi là bà thì tội nghiệp cho người phụ nữ còn hẹn hò; nhưng gọi là cô thì khô quá! Hình như Bùi Giáng tiên sinh gọi là “nường”, vì chữ “nàng” ướt át hơn - như nàng thơ của nhà thơ; còn “nường” thì chung chung, chỉ những ả còn available, hay ít nhất cũng độc thân tại chỗ…

Khi người đàn ông đi mua thức uống cho bà ta trở ra, họ chú mục vào iPad. Cách nhìn chung vào màn hình của họ không phải chuyện làm ăn; họ đang chia sẻ cảm xúc về nghệ thuật, hoặc giả vài tấm ảnh hay một đoạn tùy bút, thơ tình lãng mạn gì đó, nên thỉnh thoảng lại hôn nhau tình tứ, làm trời chuyển mưa…

Người thanh niên Trung đông khác, mặc đồ bệnh viện, cũng lướt web từ khi ngồi xuống bàn. Đôi mắt anh ta nói rõ là người thiếu ngủ; cho đến khi có cô gái thật đẹp, dáng thể thao mạnh khoẻ. Cô mặc áo bó, quần short ngắn đến không thể ngắn hơn, làm cho cặp giò rám nắng thêm đẹp, thêm dài, tới tận đôi giày tennis shoes trắng muốt. Có lẽ cô gái mới từ trong gym ra, chứ nắng này mà chạy bộ ngoài đường thì chết nóng. Mặt cô ửng hồng, mồ hôi ướt tóc mai thành lọn. Đẹp não nùng.

Cô ngồi xuống bàn, hôn nhẹ anh Trung đông râu ria, rồi tự đi mua cho cô một ly nước trắng, làm những người đang chiêm ngưỡng cô bất bình thì phải! Tôi chỉ thấy luật bù trừ hiện rõ nơi cặp này. Người đàn ông dư kí lô thì uống ly bơ sữa gì đó bự sự, hút thuốc liên miên ngay cả khi nhai ngấu nghiến một thanh chocolate to như trái chuối. Trong khi cô gái như gió thoảng thì uống nước trắng và ăn trái apple từ tốn, nhỏ nhẹ… làm trời đổ mưa.

Mưa đá bằng hạt bắp, hạt đậu nành giữa trời đang hừng hực nóng là chuyện thường ở Dallas. Mưa đá rơi chỉ vài phút rồi tiếp theo là những hạt mưa to, chát chúa trên mặt đường, nóc xe… Những cây dù che mưa nắng của Starbucks như nạn nhân của sự giận dỗi của thời tiết khùng điên nơi đây, nói tới Dallas thì ai chả biết cụm từ “crazy weather”! Nhưng mọi người hưng phấn, vui hẳn lên với mưa mau vì nhiệt độ hạ liền hơn 10 độ F sau vài phút mưa đá và vài phút mưa mây… Không gian như phục sinh, lá thông xanh mướt, long lanh những hạt mưa như pha lê khi nắng lên trở lại; nắng nhanh chóng sấy khô những hạt mưa cứu hoả thành Đà để giữ vững danh hiệu “crazy weather” cho Dallas.

Đôi tình nhân có tuổi đã no mắt hạnh phúc sau khi được nhìn nhau trong âu lo, sự mệt mỏi ngày tới trong mắt họ khác hẳn thơ ngây của tuổi hẹn hò nhiều năm trước là lo âu bị bạn bè, người thân bắt gặp trốn học đi cặp kè. Hai người họ sóng bước ra parking sau cơn mưa mau, chia tay nồng nàn với nụ hôn tình trưa ở thành Đà thường nóng bỏng - mưa đá - rồi khô mau…

Cơn gió thoảng ngả đầu vào vai anh chàng Trung đông, nhắm mắt dưỡng thần. Chứ biết làm gì với con ma điện toán say mê website hơn người tình. Anh ta như sắp thánh chiến tới nơi! Nhưng xong việc là đóng xập cái laptop, đánh thức cô gái một cách khiếm nhã để lấy lại bờ vai. Mọi thứ dồn vào cái backpack cẩu thả của anh ta; dọn dẹp qua loa cái bàn; cái cùi trái apple do cô gái bỏ trên bàn, anh ta… tộng vào miệng mình, rồi lật đật ra xe, một mình, vọt mất. Bỏ lại sau lưng đóa muộn phiền.

Vài tên sinh viên ngẫu nhiên ra về khi cô gái uể oải rời quán! Không ngờ thanh niên Mỹ cũng biết câu, “ra đường thấy cánh hoa rơi/ đưa tay nâng lấy cũ người mới ta…”

Khí trời dễ thở hơn sau cơn mưa chớp nhoáng, những cuộc tình bóng mây cũng tan mau, nhường không gian xanh thông cho người mẹ Mỹ rất sang cả, bà mặc bộ đầm vét tuyệt đẹp, khó hình dung nổi người phụ nữ 4 con mà còn đẹp dáng đến thế! Lại cái tuổi lừng khừng giữa bà và cô, nhưng ở một tầng lớp khá hơn, người ta có ý thức và điều kiện hơn về bản thân. Bà có 4 cháu bé từ 10 tuổi xuống 8, rồi 6, rồi 4… cái report tình yêu của bà hình bậc thang cho thấy hạnh phúc ổn định trong đời sống bây giờ quả hiếm hoi! Bốn cháu bé dễ thương, ăn mặc chỉnh tề. Hai trai, hai gái xen kẽ. Hai trai đồng phục quần jean xanh, áo sơ mi ca rô đỏ trắng; thì hai gái cũng đồng phục đầm bông mùa hè.

Bốn đứa trẻ ngồi hàng dài trên ghế băng. Chúng ngoan thật, không làm ồn, không đòi hỏi, vòi vĩnh gì hết. Mẹ chúng đang làm việc ráo riết trên cái laptop ở bàn riêng. Năm phút, rồi mười phút, bà sử dụng đến cái cellphone nhập cuộc với laptop để làm công việc gì đó - có vẻ gấp gáp.

Hai mươi phút đã trôi qua, những đứa trẻ có giáo dục, phong độ kỷ luật của chúng thật đáng nể! Chỉ cậu con trai lớn nhất, thấy mẹ lấy cọng dây charge từ cặp táp đen ra, chú bé nhanh nhẹn rời khỏi ghế băng, đi cắm điện cho mẹ charge laptop. Hôn mẹ một cái, rồi trở lại trông em cho mẹ làm việc. Chú bé này rất khá, chú nói khẽ với các em như kể chuyện, nhưng các em của chú cứ khúc khích cười - chả biết chúng cười nội dung chuyện kể hay cười gương mặt anh Hai rất hài hước!

Người đàn ông mặc đồng phục với hai cháu trai đã đến! Ông hôn vợ trước, rồi trở qua ghế băng ôm hôn chung 4 đứa con. Sau đó, ông dẫn chúng vào trong mua thức uống, mua bánh, trái…

Những đứa bé kỷ luật thật đáng nể! Mỗi đứa đã có phần, chúng tự biết bày phần ăn, thức uống của mình ra cái bàn mà cha chúng đã chọn. Nhưng tất cả ngồi yên, chờ đợi.

Anh Hai trong gia đình này take care cho cô em út quá dễ thương. Gia đình này thích hôn, chú bé-anh Hai bày thức ăn, nước uống của cô em út ra xong, dặn em ngồi đợi cho ngoan, hôn em, rồi trở về chỗ của mình, bày phần ăn, thức uống của mình ra. Trong khi cha chúng đang bỏ đường , khuấy ly cappuccino cho mẹ chúng. Người cha bưng ly cà phê sang bàn vợ đang làm việc, lại hôn. Một người hôn mời, người kia hôn cảm ơn. Cái hôn của người Mỹ nhẹ nhàng, tự nhiên - làm đẹp nơi công cộng.

Tội nghiệp bà (cô) hớp ly cappuccino - biết là nóng nhưng cứ như người nghiện xì ke thấy thuốc, không nhịn được phút giây nào nữa! Làm ông chồng lại phải bỏ con để sang làm nguội ly cà phê cho vợ. Đâu đó, ông trở lại bàn riêng với 4 đứa con.

Những đứa bé kỷ luật đáng nể như quân đội đã thay đổi hoàn toàn phong cách trên bàn ăn. Gia đình này có cách ăn rất vui. Đầu tiên là người cha nhắm mắt lại! Các con ông, không theo thứ tự nào hết, thậm chí chúng còn cố tình gạt cha, đứa anh Hai nói đứa chị Ba cho cha ăn đi! Nhưng cô em Út vội ngắt bánh của mình - đút cho cha ăn. Bàn tay bé xíu của bé đút luôn vào miệng cha làm cha đoán trúng phóc loại bánh gì, ai đã cho cha ăn. Làm cả nhà họ cười - hạnh phúc.

Anh Hai nhắc lại với chị ba: “cho cha ăn đi!” Nhưng chị Ba thay vì ngắt miếng bánh của mình và đút cho cha, thì nó lại đưa ngón tay trỏ mũm mĩm của nó lên môi mình để ra dấu cho anh chị em… lừa cha! Nói chung là người nhắm mắt sẽ được ăn thử một miếng bánh, sau đó phải nói đúng tên loại bánh mình vừa được cho ăn, loại bánh đó của ai thì khi mua đã biết rồi nên không cần nói mà khó nhất là nói đúng bàn tay của ai đã đút bánh cho mình ăn?


Tụi nhỏ nhà này ngoan và kỷ luật đáng nể, làm trò chơi của họ rất vui nhộn nhưng không ồn, không làm phiền người khác. Mấy cô chú bé tí đã biết tự kềm chế tiếng cười của mình nơi cộng cộng mới đáng phục! Nhưng không phải chúng không biết chơi ăn gian! Con nhỏ chị Ba, nắm tay thằng anh Tư - đang cầm mẩu bánh của anh Hai - đút cho cha ăn.

Cha chúng đoán đúng loại bánh, đúng bàn tay của anh Tư trong gia đình. Nhưng phải chịu thua sấp nhỏ vì có tay chị Ba cầm tay anh Tư - nghĩa là hai đứa cho cha ăn chứ không phải một!!!

Trò chơi của họ tuần tự từng người nhắm mắt, làm tôi nhớ những bữa ăn trong gia đình mình thuở nhỏ! Con ruồi, con muỗi bay qua cũng nghe vì: ăn không được nói; đũa bát không được kêu loảng xoảng là bất lịch sự! Những bữa ăn nặng nề trong không gian nghẹt thở khi được ngồi ăn chung bàn với cha mẹ trở thành nỗi ám ảnh tuổi thơ vì rất dễ bị trách phạt. Sao người Việt lại không biết biến một bữa ăn bình thường thành những kỷ niệm gia đình cho con cái về sau…

Đến phiên cô Út nhắm mắt, bị cả nhà gạt mới đau! Cha và hai anh, một chị chơi nắm tay nhau, rồi ra hiệu cho mẹ từ bàn bên kia sang đút bánh cho Út ăn. Mẹ cũng chơi ăn gian công ty với cha và anh Hai, chị Ba, anh Tư để cùng lừa cô Út. Bà đút bánh cho bé Út xong, không về chỗ làm mà ngồi xụp xuống gầm bàn.

Út đoán sai tên bánh đã đành, mở mắt ra, thấy bốn người còn nắm tay nhau nên Út đoán là cả nhà đút bánh cho Út ăn! Bỗng đâu tay mẹ từ gầm bàn đưa lên… Út tự ái bị gạt, khóc quá chừng! Làm ai nấy không nhịn được cười.

Người mẹ trở về bàn làm việc với laptop, cellphone; người cha dỗ con gái út bằng cách vác nó lên vai, ông nghêu ngao hát trên lối đi bộ hành để khỏi ồn người khác. Cô bé ngủ luôn trên vai cha. Các anh chị nó dọn bàn, bỏ thùng rác. Rồi ngồi đợi cha mẹ bằng kỷ luật nhà binh như cũ.

Gia đình vui nhộn đã rời quán, người mẹ thu xếp nhanh laptop, điện thoại vào cặp táp, bà hôn chồng con rồi lật đật chui vào cái xe nhỏ của ông chồng đã lái đến đây, biến đi lo cơm gạo gia đình. Người chồng thu xếp cho các con vào chiếc xe van mà vợ ông đã chở chúng đến. Chiếc xe lăn bánh, chở niềm hạnh phúc hiếm hoi trong đời bây giờ tan biến vào dòng đời đang xuôi ngược trên Dallas Tollway.

Trưa Galleria không phải khu Việt nam nên ít gặp những mặt người buồn tênh, nhưng nhạc Trịnh như hằn trên gương mặt người thanh niên cỡ ba mươi, cái “tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người” đang tua tủa râu không cạo trên gương mặt háp nắng dù trời mới vào hè. Anh ta cũng thuộc loại ngồi đồng khả kính vì từ khi tới đây, tôi đã thấy anh ngồi không hứa hẹn giờ về, hay có ý đợi ai. Tôi thử hình dung ra anh ta làm nghề gì?

Người Việt không làm construction như người Mễ, hơn nữa quần áo anh ta không phải giới construction. Vậy, hành nghề cắt cỏ thuê! Cũng không, vì dân cắt cỏ thì đôi giày có màu xanh cỏ bám ngoài, bất kể giày đen hay trắng.

Anh bạn trẻ này chắc chắn không phải thợ máy lạnh hay thợ sơn vì hai người thợ đó có phong cách đặc biệt so với những thợ khác là họ thường trầm tĩnh, ít nói… bởi một người cứ bị ám ảnh té thang và môt người luôn sợ điện giựt, làm cho gương mặt họ luôn căng thẳng nghề nghiệp.

Anh ta càng không phải thợ cable vì giới này khá ồn. Không tin cứ đến Starbucks FireWhell Mall, hay Starbucks ở Buckingham Rd & Jupiter Rd, là những quán pha cà phê ngon hơn nhiều chỗ khác, quán lại đẹp, có không gian lãng mạn cho hẹn hò mà lại có cả sự yên tĩnh cho những người cần tới internet của Starbucks để làm việc, nhưng thường gặp cánh cable ở hai nơi đó. Có lẽ ngành nghề hightech có nhiều chuyện để cãi hơn nghề thường vì người Việt nào cũng là người giỏi nhất trong ngành nghề của mình!

Có thể anh chàng này làm nghề delivery! Cái nghề này ăn mặc đơn giản nhưng không bụi bặm như giới làm việc ngoài trời. Nhìn kỹ, anh ta không bị trắng xanh của giới làm hãng điện tử. Tôi loại bỏ dần những phán đoán, nhưng chợt nhớ ra làm thất vọng! Giới deli phụ tùng sửa xe, hay pizza thường hai tay hai màu - tay trái đen hơn tay phải, do lái xe trời nắng…

Chẳng đoán nổi anh ta làm nghề gì với vóc dáng háp nắng mà quần áo không phù hợp với những nghề… giang nắng! Giả sử anh ta làm một nghề trí thức hơn thì không có cửa vì nhìn mặt không thấy trí tuệ; và cái cách ngồi quán của anh ta thuộc loại vô công rỗi nghệ hơn là giải khát, giải khuây; anh ta cũng không giống người thất nghiệp! Và cuối cùng là không biết anh ta người Việt hay Thái, Lào, Miên… Tôi chỉ thấy ly Starbucks của anh ta đã cạn từ lâu lắm rồi, gió thổi ngã ly thì anh dựng lại trên bàn để thỉnh thoảng nâng ly; bao thuốc lá rỗng tuếch nhưng thỉnh thoảng lại mở ra… sự khánh tận vụng về!

Người thanh niên ngồi đó như khúc củi mục. Có rất nhiều củi mục ở những quán cà phê Việt nam, -như một hôm, tôi tình cờ bị hấp dẫn bởi cái tên quán hay hay nên ghé thử! Không ngờ trong quán lớn, có nhiều bộ sofa cho khách uống cà phê, những bộ sa lông cũ kỹ như shop bán đồ cũ, trưng bày nhếch nhác những bình hoa giả bụi bặm, tranh ảnh xiêu vẹo đến không ai buồn chỉnh đốn lại chúng cho ngay ngắn - hay nghệ thuật treo tranh bất như ý thì tôi không biết! Chỉ thấy đúng mười người thanh niên cẩu thả về ăn mặc, phong cách và ngôn ngữ nơi công cộng. Hai mươi con mắt căng thẳng theo dõi trận bóng rổ trên màn hình tivi; nhưng mười cái miệng không ngớt chửi thề, cãi nhau… ai cũng cầm trên tay một cái iPhone như chờ tin nóng; ai cũng ra vẻ là người sành sõi; nhưng nghe kỹ thì ai cũng đang thua! Nên họ chẳng ăn uống gì cho quán có thu nhập; nhưng hút thuốc thả cửa trong quán có rất nhiều những tấm bảng “No smoking” trên tường. Hôm đó tôi nghĩ kỹ mới thấy mình sai chứ quán không sai! Bởi cái tên “Qúa Vãng” là nhắc lại một góc quê nhà, có thể là quán cóc ở đầu con hẻm cụt, đã không còn nữa trong đời sống hải ngoại…

Người thanh niên ngồi đó, có lúc thấy anh giống ông đạo mùa bên Nhật vì không cãi nhau hay chửi thề với ai. Ông đạo mùa chỉ ngồi nhìn mùa qua mà đắc đạo. Khi nói về mùa xa, ông nói tới hồi sinh; khi nói đến mùa tới, ông nhắc lại tiền kiếp. Nghe nói, ông đạo mùa bên Nhật hoá cánh thiên di để chở mùa đi tái tạo giao thoa giữa con người và thiên nhiên. Anh bạn trẻ không chừng hoá đá ngây ngô nếu cứ ngồi vô công rỗi nghệ.

Thật ra anh có để mắt đến những người đi xe đạp! Có lẽ anh đã từng là một cậu bé mê xe đạp; anh đang sống với hoài niệm về những vòng quay… Và thỉnh thoảng một người đi xe đạp lại đến, dựa cái xe vào thành ghế băng của quán Starbucks này. Có người khóa lại, có người không. Họ lật đật vào quán mua một ly gì đó, bưng ra bàn giải khát hay bận việc thì vừa đạp đi vừa uống trên đường…

Đến anh chàng sinh viên nọ, chắc là trên đường về, anh ghé Starbucks làm một ly giải khát. Khi anh khoá cái xe đạp đua của mình vào thành ghế, rồi vào trong quán xếp hàng mua thức uống. Ngoài sân, đôi mắt người thanh niên sáng lên từ khi anh chàng sinh viên đến; đúng hơn là cái xe đạp đua đến vì họ có chào hỏi gì nhau đâu mà nói là quen biết hay bạn bè. Điều lý giải có thể chỉ dừng lại ở mức một người me xe thì thấy xe đẹp là mắt sáng lên - dù không phải của mình cũng trầm trồ khen ngợi, ngắm nghía cho đã mắt…

Nhưng mọi chuyện vỡ lẽ khi người sinh viên đang xếp hàng trong quán đã khuất tầm nhìn đến chiếc xe đạp của mình ngoài sân, (hơn nữa anh sinh viên chắc yên tâm là mình đã khoá xe cẩn thận), thì người thanh niên nhanh như cắt! Không ngờ anh ta thủ sẵn trong người cây kếm cắt khá lớn chứ không nhỏ. Anh cắt “bụp” sợi khoá-khóa người ngay chứ kềm cắt của Mỹ thì cọng cáp bọc nhựa có to gấp ba lần cũng đứt dễ dàng!

Vài người thấy và hiểu chuyện chứ không riêng gì tôi, nhưng chuyện quá đột ngột, diễn ra quá nhanh, nên ai cũng chỉ kịp đứng lên, nhìn theo tấm lưng gầy còm của người thanh niên đang gò lưng trên chiếc xe đạp đua, lao vút về góc khuất con hẻm ngoằn nghèo giữa các building, biến mất một kẻ gian đã kiên nhẫn ngồi canh me chiếc xe đạp giá trị nhất trong những chiếc xe ghé lại Starbucks hôm nay!

Chỉ còn lại mình tôi mang gương mặt Á đông trong xã hội Starbucks Mỹ này! Bao nhiêu ánh mắt kỳ thị nhìn về tôi đến xấu hổ; đến tôi phải gấp cái laptop của mình lại, rồi ra về. Một ngày nắng ở thành Đà có mưa đá; một ngày vui được thấy nhiều điều nhưng điều nhớ nhất là màu da của mình dễ bị ngộ nhận…


Phan

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,030,563
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến