Hôm nay,  

Hồi Ức Tháng Tư Của Long Mỹ 1

25/06/201200:00:00(Xem: 152716)
Tác giả: Paul LongMy Choate
& Trương Kim Hoàng Thư
Bài số 3610-12-29010vb2062512

Tác giả hồi ký này, Hải Quân Đại Tá Hoa Kỳ Paul LongMy Choate, hiện là một cấp chỉ huy trên Hàng Không Mẫu Hạm nguyên tử lớn nhất của Hải Quân Hoa Kỳ USS CARL VINSON (CVN-70). Đây là con tầu đã tung ra các đợt tấn công đầu tiên trên không ở Afghanistan sau biến cố 9/11 và cũng chính nó là chiếc tàu đem thi hài Osama Bin Laden thủy táng trên biển. Tháng Tư 2012, cũng chính con tầu này đã tiến vào Thái Bình Dương, chính thức đánh dấu việc Hoa Kỳ chuyển trọng tâm chiến lược sang Á Châu.
Sinh tại Sàigòn năm 1967, bố Mỹ - mẹ Việt, Paul Long Mỹ Choate là đứa cháu ngoại của gia đình họ Trương, có các bà dì ruột là những tác giả Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, có người hiện là thành viên ban tuyển chọn chung kết như Trương Ngọc Bảo Xuân, và các tác giả từng nhận giải thưởng như Trương Ngọc Anh, Trương Kim Hoàng Thư... Rời Việt Nam khi mới 3 tuổi rưỡi, hồi ký của Long Mỹ được viết bằng Anh ngữ và Dì Tám của Pau là Trương Kim Hoàng Thư -tác giả từng nhận giải thưởng danh dự Viết Về Nước Mỹ 2002- giúp dịch sang Việt ngữ và viết thêm phần hồi ức gia đình.
Hình ảnh: 1.. Ông ngoại họ Trương bế cháu ngoại Long Mỹ năm 1968, đứng cạnh là cô Út. Chỉ ít tháng sau, ông bị cộng sản giết trong trận Tổng Công Kích Saigon đợt 2, năm Mậu Thân.
2. Năm 2012, Hai dì cháu Paul và Hoàng Thư trước mẫu hạm CVN-70, ngày Paul được vinh thăng Đại Tá Hải Quân.

***

*Tháng Tư, 2012

Sau 26 năm trong binh chủng Hải Quân, tôi vẫn cảm thấy mình còn trẻ và hăng say. Tôi sẽ đảm nhiệm chức vụ mới trong 30 tháng, trên hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson (CVN-70) hiện đang rẽ sóng trong vùng biển Úc Đại Lợi.
Từ San Diego lấy chuyến bay đêm tới Perth bên Úc, tôi chuyển sang máy bay vận chuyển nhỏ mang tên HQ C2 COD. Cùng đi trên chuyến bay có ông Đại sứ Úc. Mặc dù chiếc C2 COD thuộc loại nhỏ nhưng nó là loại máy bay cực mạnh để chuyên chở dụng cụ, máy móc và những người lính từ bờ lên hàng không mẫu hạm ngoài khơi.
Lơ lửng trên máy bay, tôi nhìn xuống. Ngoài đại dương, chiếc tàu khổng lồ trông rất nhỏ, nhỏ như hải âu xếp cánh chơ vơ theo khúc gổ trôi trên biển xanh. Khi sà xuống, bắt được dây hãm, một cú giật thật mạnh tưởng chừng vừa đâm thẳng vào bức tường, âm thanh điếc tai, phát sợ, máy bay ngừng cấp tốc. Đây là một trong cách tất cả các máy bay đáp trên tàu. Giống như một tai nạn được điều khiển lúc hạ cánh (controlled crash landing). 
Khi máy bay dừng lại, có hai hàng thủy thủ, mỗi bên 4 người với đồng phục đội ngủ chỉnh tề, chào đón chúng tôi.
Thật sự tôi chưa bao giờ ngờ có cảnh đón tiếp trên tàu chiến, nhưng trong trường hợp này, chiếc tàu đã thật sự dừng lại trong khoảnh khắc. Và rồi, tôi cũng có thì giờ nhìn xa ra đại dương, sóng lặng gió êm, rất xanh rất đẹp, mùi biển mặn, hơi gió thổi lên mặt, khoan khoái.
Nhiều lần ra khơi, tôi nhớ rằng bình tro cốt của ông ngoại tôi đã chìm đâu đó trên biển cả trong một cơn bão cùng với mấy chục người họ hàng bên mẹ, chung một chiếc ghe khi vượt biên từ Việt Nam vào năm 1979. Không cần biết là trong lòng đại dương nào, tôi nghĩ, hễ có biển là có ông ngoại tôi.
Ông tôi như một thiên thần hộ mệnh luôn luôn bên cạnh bảo bọc và giúp tôi thoát khỏi hiểm nguy đã nhiều lần. Tôi tin như vậy.
Tháng Tư, nhìn biển nhớ ông ngoại, cũng là lúc tôi thấy lại chính mình từ buổi đầu thơ ấu.

*Saigon 1967-1970
Tôi sanh năm 1967 tại Sài Gòn, nhà thương Đức Chính. Ba tôi người Mỹ, tên Robert Choate và mẹ người Việt, tên Thị Lài. Lúc còn bé mẹ thường đội nón cho tôi để che khuôn mặt lai của tôi lại.
Mẹ tôi thường kể, tháng Năm, năm 1968, khi Cộng sản Bắc Việt tổng công kích Sài Gòn lần thứ nhì, từ cư xá Phú Lâm A, gia đình mẹ tôi theo người ta tản cư ra đường Lục Tỉnh để ẩn náu trong ngôi nhà thờ. Chúng tôi tin rằng chùa và nhà thờ là hai nơi an toàn nhất để lánh nạn, nơi mà sẽ không bị bom hoặc bị tấn công bởi hai bên trong một cuộc chiến tranh.
Ngày chúng tôi tản cư ấy cũng là ngày Ông ngoại tôi bị Việt cộng bắn chết. Dì Ba và dì Tư đã khiêng xác ông về nhà.
Mẹ tôi thường nhắc -Ông ngoại rất yêu thương tôi. Mỗi ngày sau khi đi làm về đến nhà ông thường một tay bồng tôi một tay cầm lái, chở tôi đi một vòng khu cư xá trên xe Vespa của ông. Lúc đó ông ngoại đang làm việc trong Tổng nha Cảnh sát Quốc gia của chính phủ miền Nam và ông cũng là một nhiếp ảnh gia cho nên tôi có một số hình hồi còn bé.

* 1970: Thành phố Pineville, Louisiana
Cuối năm 1970 khi tôi lên 3 tuổi rưỡi, Ba Mẹ và em gái tôi, bé Kim Loan, rời khỏi Việt Nam (VN) qua Mỹ và đến cư trú ở khu phố nhỏ xíu ở phía nam gọi là Pineville thuộc tiểu bang Louisiana (LA). Tên phố này được xác định rõ ràng theo nghĩa đen bởi cả phố được che phủ bằng những tàng cây thông. Đây là nơi tôi đã gặp gia đình bên nội.
Ông nội tôi, Dr. Julian Choate, là một Nha sĩ và bà nội, giảng sư Addie Bea Choate, dạy môn Pháp Văn tại trường đại học Louisiana.
Gia đình chúng tôi sống rất chật vật trong ngôi nhà nhỏ bên cạnh nhà Ông Bà. Thời gian đó cựu chiến binh trở về từ VN như Ba tôi không được dân chúng ủng hộ. Tìm mãi không được việc làm, thất chí, Ba tôi bắt đầu nghiện ruợu và hút xách.
Đấy là thời gian rất khó khăn. Chúng tôi không có xe hơi, việc đơn giản nhứt như đi chợ mua đồ ăn thật vất vả, nhứt là vào mùa lạnh. Chợ cách nhà khoảng một dặm, Mẹ tôi ẵm bé Kim đi bộ, tôi nắm áo theo đuôi. Mẹ chỉ mua đủ đồ ăn vừa hai túi xách thôi vì còn phải bế bé Kim. Trong nhà cũng không có đồ đạc gì hết. Bà nội cho mẹ một số vải. Bà rất ngạc nhiên vì ngày hôm sau mẹ tôi đã may mấy bộ quần áo cho anh em tôi bằng những mảnh vải nầy. Cuối cùng, ba tôi trở lại gia nhập Hải Quân (HQ). Ba tôi đã ra khỏi HQ vào năm 1968 vì ông không muốn bỏ chúng tôi ở lại Việt Nam.
Sau Louisiana chúng tôi còn dời địa chỉ vài lần nữa.

*1986: Gia nhập Hải quân

Năm 1986, khi gặp lại dì Thư, tôi chỉ là một cậu bé mới lớn. Cuộc sống quá thiếu thốn, không có tiền, không có xe, không biết tương lai ra sao. Ba mẹ tôi đã ly dị vài năm trước đó và gia đình tôi ai cũng phải chịu rất nhiều đau khổ. Khi còn ở Louisiana tôi đang học tại một trường đại học cộng đồng ngành electronics và nhiều lúc tôi tự hỏi "mình phải làm gì để có cuộc sống tốt hơn hiện tại?" Sau cùng, tôi đã dẫn hai đứa em lên Los Angeles. Gặp lại đại gia đình bên ngoại, dì Thư thường chở tôi đi ăn phở hay vào tiệm dì đang làm việc, ăn thức ăn Ý và bàn về những cách có thể giúp ích cho tương lai, có học vấn khá và tìm việc làm tốt nuôi thân. Dì nói tôi có thể chuyển vào đại học cộng đồng, vừa học vừa làm giống như dì và tiết kiệm tiền để học cao hơn, còn như nếu tôi muốn vào Hải Quân giống như ba của tôi thì cũng tốt, nhưng vô HQ phải nhứt quyết tiếp tục việc học.
Sau cùng, tôi quyết định gia nhập HQ, vì vô đó tôi cũng sẽ tiếp tục học và có cơ hội tốt nếu muốn học cao hơn trong ngành electronics.
Tháng 9 năm 1986, khi bắt đầu vô trại huấn luyện tại Great Lakes, tiểu bang Illinois, tôi không hề biết những hy sinh, chịu đựng và cực khổ như thế nào để đạt đến sự thành công.
Ban đầu, họ dạy tôi sửa chữa thiết bị điện tử, máy tính và máy bay phản lực HQ. Đó là công việc khó khăn, làm việc ban ngày vùi đầu học tập mỗi đêm.
Khi một người lính mới đầu quân, đang ở giữa thời gian huấn luyện, ai cũng phải trải qua một thời gian dọn dẹp, sơn sửa và làm tất cả những gì họ được lệnh phải làm. Thời gian đó thật cực nhọc từ tinh thần lẫn thể xác vì mới rời khỏi gia đình, xa bạn bè và chới với trong một khuôn khổ mới.
ongngoaipaula
Dạo đó đã mùa đông với cái lạnh buốt da xé thịt. Ngay ngày đầu tiên chúng tôi bị cạo đầu láng cóng và thay bộ đồng phục lính màu xanh, ống quần rộng thùng thình gọi là bell bottom. Dì Thư tôi hỏi: "có phải lý do ống quần rộng để dễ tuột ra lúc rớt xuống nước?" Đúng. Thêm nữa, là để có thể làm thành cái phao khẩn cấp. Tiếp đó mỗi người được phát một túi đựng thật to với vài bộ quân phục và đồ dùng rồi sắp đều hàng tiến tới doanh trại giữa trận mưa lớn. Cái túi đã nặng, thấm nuớc mưa ướt đẫm càng nặng thêm lên. Nước mưa lạnh cóng và nước trên đường đã ngập cao cỡ 1 foot (khoảng 0.31m). Bởi vì cả đội mặc quân phục mới, lúc dầm mưa, thuốc nhuộm màu xanh từ bộ quân phục chảy ra và biến những con đường chúng tôi đi ngang thành màu xanh. Lúc chúng tôi tới nơi, mắt cá chân của mọi người bị thuốc nhuộm lan ra cũng trở thành màu xanh.
Bởi những ngày tháng quá gian khổ trong trại huấn luyện này mà tôi nhất quyết muốn trở thành một sĩ quan.

*1988: Patuxent River Maryland. Gặp gỡ Tracy

Sau khi kết thúc phần huấn luyện ở Pensacola, Florida, tôi được gởi tới đồn trú trong quân khu Hải quân tại Patuxent River, Maryland.
Đây là một tiểu bang thật xinh đẹp. Vào mùa thu, rất nhiều màu sắc khác nhau của các loại cây. Có cây lá đỏ rực, có cây nửa vàng nửa xanh e ấp, vàng tươi rực rỡ, vàng cam lóng lánh, nâu thẫm dịu dàng cổ kính, và từ từ rơi rụng. Có phải, thường nhìn cảnh đẹp của thiên nhiên làm cho chàng trai mới lớn như tôi với một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể tráng kiện, lòng tôi mơ màng vu vơ?
Tôi gặp cô ấy lần đầu tiên tại phòng tập thể dục vào tháng 6 năm 1988. Đúng ra cô đến để gặp một chàng trai khác, nhưng cô chưa hề biết mặt người ấy như thế nào, vì vậy khi thấy tôi, cô nhờ tôi đi vào phòng tập tạ nhìn mặt người đó và tả cho cô nghe. Không thấy ai trong phòng tập tạ, tôi trở ra. Vài ngày sau, trong lúc đi bộ ngang qua phòng tập thể dục tôi bị một quả banh đập vào người khi nó bị trúng vành rổ và văng hướng tôi, lúc quay lại, thấy cô ấy một lần nữa. Cô Tracy!
Chuyện tình của chúng tôi bắt đầu từ hôm đó, chỉ là sự tình cờ vậy mà chúng tôi đã sống cùng nhau đến bây giờ. Chúng tôi cưới nhau trong nhà thờ tại đồn trú HQ năm 1990 và đứa con trai đầu lòng tên Robert được sinh ra vào năm 1991.
Năm 1992, tôi cùng gia đình chuyển đến căn cứ Tinker Air Force Base tại Oklahoma để học về "avionics systems," sinh thêm hai đứa, con gái tên Elizabeth năm 1992 và đứa út tên David năm 1994.
Ba của Tracy trước đó cũng trong Hải Quân và cô đã di chuyển chỗ ở nhiều lần lúc còn nhỏ. Cô sinh ra để làm con của HQ, rồi vợ của HQ, một người có tinh thần đủ mạnh và thích hợp để chịu đựng trong lúc gia đình xa cách.
Không có gì cô ấy không thể làm!

* Pensacola, Florida

Trong hai năm kế tiếp tôi được huấn luyện về hệ thống điện tử (advanced electronics systems). Sau đó, tôi được tuyển chọn để thành một kỹ thuật viên (aircrew-man in-flight technician). Công việc của tôi là điều khiển và sửa chữa hệ thống thông tin điện tử (electronic comunication, navigation systems onboard) của máy bay HQ C-130 trong các phi vụ. Nhưng trước tiên, tôi phải trải qua 16 tuần bay và được huấn luyện cách thức tự tìm sự sống tại vịnh Pensacola, Florida.
Đối với tôi, đấy là một thời kỳ huấn luyện đặc biệt nhưng cực kỳ khó khăn vì sức tôi bơi rất yếu. Trên máy bay HQ, một người lính có trách nhiệm về máy móc, bắt buộc phải có khả năng tự sống sót và tồn tại trong những trường hợp tai nạn khẩn cấp, đặc biệt là lúc rơi xuống biển.
Tại Pensacola, trong một chiếc tàu nhỏ họ đưa chúng tôi ra vịnh Pensacola và ném chúng tôi xuống.
Nước biển lạnh buốt óc, khi máy bay trực thăng đến và bốc chúng tôi lên thì hai bàn tay của tôi đã hoàn toàn tê cóng. Nó tê đến nỗi tôi không còn cảm giác để cởi sợi dây kéo của bộ quân phục. Họ muốn cho chúng tôi biết con người có thể chết một cách nhanh chóng như thế nào khi bị rơi xuống đại dương. Những cuộc huấn luyện lần ấy là, chúng tôi phải bơi 1 mile (1,609m) trong 45 phút. Tôi rớt kỳ thử nghiệm lần đầu, nhưng được phép thi lại lần thứ hai và tôi đã thông qua kỳ thi, bơi trong 44 phút. Cuộc huấn luyện thứ nhì là, chúng tôi đã phải nhảy xuống từ một tháp cao, sau đó bơi bên dưới mặt nước 50m và một lần nữa tôi lại rớt. Tôi có cảm tưởng như thể buồng phổi sắp nổ tung, nhưng họ nói rằng chúng tôi phải thoát khỏi dưới nước, và thi thêm một lần nữa, sau cùng tôi đã thông qua tất cả vào ngày cuối.
Lần huấn luyện helicopter dunker, tôi đã bị thương.
Dunker đại khái là một cái thùng mà họ cho 5 người ngồi trong đó đặt trong máy bay trực thăng lớn, sau đó thả xuống một hồ bơi và lật ngược lại. Đó là cách dạy chúng tôi làm thế nào để thoát khỏi máy bay khi rớt xuống biển. Trong lúc chui ra khỏi dunker, tôi đã bị bàn chân của ai đó đá ngay vô đầu bất tỉnh dưới nước, nhóm thợ lặn cứu thoát tôi. Phần thưởng, hay phạt cho điều này? Họ ra lệnh cho tôi chui vô dunker một lần nữa, nhưng lần này bịt mắt tôi lại vì họ nói rằng tôi phải tự tìm cách giải thoát khi tai nạn xảy ra vào ban đêm.
Nhiều người bị thương hoặc rớt trong những đợt thử nghiệm đều không được phép bay và nếu bị rớt có nghĩa là sẽ bị trả về nhà. Mặc dù bị chấn thương trong dunker, tôi giữ bí mật vì không muốn bị loại bỏ.

*1990: Phi Đội đầu tiên

Thời điểm này căn cứ tôi đóng tại Patuxent River, Maryland. VQ-4 là phi đội đầu tiên của tôi. Nhiệm vụ của phi đội là bay các phi vụ liên lạc thông tin liên tiếp 24 giờ một ngày. Hoa Kỳ cần khả năng thông tin với tàu ngầm Hải Quân, để ra lệnh cấp bách khi cần phóng nuclear missiles trong trường hợp chiến tranh xảy ra. Đó là một phi đội đặc biệt mà hầu như ít ai biết đến. Công việc của tôi là thiết bị máy truyền thông và sửa chữa bất cứ bộ phận nào bị hư hỏng trong chuyến bay. Hầu hết các phi vụ cho mỗi người thi hành liên tục 10 tiếng. Thông thường chúng tôi bay khoảng 200 giờ trong thời gian hai tuần hành quân.
Đấy là thời gian tôi bắt đầu chuyến du lịch vòng quanh thế giới bởi vì khi máy bay bay thì nó bắt buộc phải hạ cánh, và chúng tôi luôn luôn đáp xuống nhiều địa điểm khác nhau. Tôi lên xuống bờ biển phía đông, từ Maine tới Florida, Canada, Nova Scotia, Greenland, Iceland, England, Bermuda, Azores, và Rota Spain.
me-paul
Trong vòng ba năm, tôi đã có hơn 2,000 giờ bay và cơ thể bắt đầu suy sụp. Tôi cũng đã bị thương ba lần trong lúc thi hành các nhiệm vụ. Tôi đã từng gãy một bàn tay và thính giác bắt đầu có trở ngại.
Một lần, suýt chết. Trong lúc sửa chữa bộ phận power amplifier trong chuyến bay, tôi bị một cú điện giựt mạnh, nhờ bạn tôi anh Petty Officer Scott McCullough nắm phía sau áo bay và kéo tôi ra khỏi luồng điện. Lúc đó chúng tôi đang bay trên biển Atlantic Ocean. Phải mất ba tiếng mới có thể hạ cánh khẩn cấp tại Dover Air Force Base, xe cứu thương chờ sẵn và đưa tôi đến ngay bệnh viện. Điều duy nhất tôi nhớ là tỉnh dậy trong bệnh viện ngày hôm sau, và cảm thấy rất khỏe, mới biết rằng bằng cách nào đó, tôi thoát chết.

*1996 Trở thành Sĩ Quan

Sự khao khát để trở thành một sĩ quan HQ đã nung cháy trong lòng tôi khi mới bắt đầu vào trại huấn luyện năm 1986 và tôi đã theo đuổi nguyện vọng đó trong 10 năm.
Chuyện ấy không dễ dàng, tôi đã cố gắng năm kỳ thi mới tiến tới Second Class Petty Officer (E5), cố gắng bốn kỳ để tiến lên First Class (E6), và cố gắng ba lần để trở thành một sĩ quan.
Năm 1994, HQ đã lựa chọn và gửi tôi vào Đại học Oklahoma theo chương trình enlisted commissioning. Hai năm sau, tôi tốt nghiệp bằng cử nhân và được chấp nhận là một sĩ quan HQ.
Kể từ khi trở thành một sĩ quan tôi đã giúp được 8 người thành công với chuyên nghiệp của họ và chỉ dẫn họ trở thành những sĩ quan giỏi.


* Hậu Phương:
Hồi ức của "Dì 8 Thư"

Sau khi xảy ra biến cố 9/11 năm 2001, hàng trăm ngàn thanh niên nam, nữ rất dũng cảm đã phải chịu đựng nhiều cuộc chuyển quân dài trong khu vực chiến tranh tại Iraq và Afghanistan. Trong đám thanh niên đó có Paul, con trai trưởng của chị Hai. Mặc dầu là dì, nhưng tôi chỉ lớn hơn Paul có vài tuổi, nên cứ xem nó như đứa em trai.

* Tháng 10, 1974
Tôi vừa mới lên lớp sáu, nhỏ út lớp hai, theo gia đình chị Ba tôi, di dân từ Sài Gòn qua sống tạm tại nhà chị Hai, ở John Island, South Carolina.
Trên chuyến máy bay PanAm lúc chúng tôi đi, chỉ có le que vài người khách, ngoài ra đa số là những đứa bé còn bú sữa, nằm trong những thùng nho nhỏ có cùng kích thước y chang nhau. Cùng đi với đám con nít là mấy bà Sơ.
Tôi hỏi chị Ba:
-Sao toàn con nít không vậy?
Chị tôi giải thích:
-Đó là mấy đứa bé mồ côi trong cô nhi viện được nước Mỹ bảo lãnh.
Tuy tuổi còn nhỏ nhưng mất cha sớm, tôi sớm biết buồn. Nhìn mấy đứa bé trong thùng thấy tội nghiệp, vừa sanh ra đã bị chiến tranh cướp mất cả cha lẫn mẹ!
Từ khi chị Hai đem hai con theo chồng qua Mỹ sống -đã gần bốn năm- tôi nhớ mỗi lần nhận thơ và hình chị gởi về, cả nhà xúm lại coi hình, sao thấy chị Hai đẹp và sang quá xá, còn hai đứa cháu thì thiệt dễ thương. Chị Tư cứ luôn miệng xuýt xoa:
-Nếu tui mà gặp tụi nó là tui hun cho đã.
Chị Năm và chị Bảy nhắn:
-Qua Mỹ, Tám hun hai đứa dùm nha.
Xuống phi trường, không thấy hai đứa cháu, chỉ có chị Hai và anh rể ra đón.
Mới tới Mỹ, nhìn chung quanh thấy cái gì cũng đẹp cũng to lớn và lạ mắt. Hít thở không khí trong sạch, sao khác không khí ở VN. Thời tiết vào tháng Mười đã lạnh, con đường từ phi trường về nhà chị mất gần hai tiếng, hai bên xa lộ toàn màu xanh của rừng thông và cây cỏ, ngoài trời lấm tấm mưa. Cảm giác thật buồn, không biết tới chừng nào mới gặp lại má, mấy chị và anh còn ở VN, nhưng thay vào là những cảm giác lạ làm tạm quên sự xa cách.
Về nhà chị Hai khoảng 1 giờ trưa, không thấy hai đứa cháu, tôi hỏi:
-Ủa, Paul và bé Kim đâu vậy chế?
Chị trả lời:
-Hai đứa đi học, khoảng 3 giờ chiều xe trường mới chở tụi nó về.
Tôi leo lên giường hai tầng, nhỏ út nằm tầng dưới, ngủ một giấc gần 6 giờ chiều. Đang ngủ lơ mơ cứ thấy đứa nào leo lên leo xuống, thỉnh thoảng để mặt kề sát mặt tôi, nhưng không hiểu sao tôi không tài nào mở mắt ra được, văng vẳng nghe tiếng chị Hai la:
-Pauly, đừng phá, để yên mấy dì ngủ.
Có lúc nghe tiếng:
-Mở mắt! Mở mắt! Mở mắt!
Lúc thì nghe tiếng cười khúc khích của bé Kim chạy ra chạy vô. Nửa tỉnh nửa mơ, như bị lạc giữa đường không biết mình đang ở đâu. Mùi đồ ăn chị Hai nấu làm tôi tỉnh thức.
Ngồi dậy thấy hai đứa cháu đứng cạnh giường nhìn mình. Dì cháu nhìn nhau cười cười mắc cỡ.
Paul ốm và cao hơn lúc nó đi rất nhiều. Khuôn mặt nó không thay đổi với nước da hơi ngăm ngăm. Bé Kim lớn bộn, tóc đen dài dễ thương, da trắng bóc như búp bê Nhật. Hai đứa mặc bộ đồ lính bộ binh, món quà má tôi gởi theo, trên vai áo có gắn 3 mai vàng. Má tôi nói cho Pauly chức Đại Úy. Paul thích bộ đồ lính này lắm, đi học về là nó thay bộ đó, cuối tuần nó mặc cả ngày luôn đêm, đến bốc mùi. Chị Hai la, bắt nó cởi ra để giặt, vậy mà nó rươm rướm nước mắt lúc đưa cho chị. Nó canh vừa sấy xong là xỏ vô mặc tiếp. Bộ đồ lính này thay phiên chuyền xuống từng đứa cháu, tới giờ chỉ còn lại cái áo phai màu nhỏ xíu mà chị Ba còn giữ "làm của".
Mẹ Paul rất hiền cho nên ở nhà mấy em gọi chị là chế Hai Hiền. Mỗi lần chị em xúm lại nhà chị chơi, đám nhỏ hay bắt chị kể chuyện thời chị còn là nữ sinh Trưng Vương. Vì Ba Má tôi chỉ có một trai ở giữa và bầy con gái 7 đứa xung quanh nên chị tôi vừa là chị vừa là anh trong gia đình, làm những việc mà đứa con trai lớn trong nhà phải làm, chẳng hạn như sơn phết, đóng đinh, đóng vách, nối dây điện, và luôn cả lợp ngói. Tánh chị tuy hiền nhưng rất cộc và rất khó. Tôi nhớ hồi nhỏ mấy chị lớn và anh tôi rất sợ chị Hai, còn đám nhỏ cỡ tôi thì chị rất cưng cho nên đứa nào cũng thương và ít sợ chị.
Chị gặp anh Robert, ba của Paul cũng là một sự tình cờ tại nhà người em bà con.
Chị kể:
-Sau khi gặp chế, anh viết thơ về nhà, xin phép cha mẹ đựơc làm quen với chế. Bà của Paul trả lời thơ "Nếu con thương người con gái này và nhất quyết sẽ đùm bọc cổ suốt đời thì con hãy tiến tới."
Anh đem lá thơ vô nhà trước thăm Ba sau đưa lá thơ đó cho Ba tôi xem và xin phép Ba để được quen với chị.
Ba tôi nói "gia đình này đàng hoàng".
Chỉ trong vài tháng anh xin phép Ba để cưới chị.
Lúc chị tôi mang thai cháu Paul vài tháng thì anh rể phải trở về nuớc sáu tháng, chưa kịp làm hôn thú. Một hôm, chị tôi leo lên treo cái màn che bớt gió vì Phú Lâm lúc đó còn rất trống và gió dữ dội lắm. Có lẽ vì với cao nên chị bị đau bụng, ba tôi hối hả chở chị vô nhà thương, đó là nhà thương Đức Chính, còn má tôi thì đón xích lô đem đồ vô sau. Ba đưa chị vô nhà thương rồi phải đi làm. Buổi chiều Ba trở lại chị tôi đã sanh được bé trai. Ba tôi mừng quá trời vì Ba chỉ có một con trai, bây giờ cháu ngoại đầu lòng là cháu trai hổng mừng sao được! Ba ẳm cháu ngoại lên, đếm từng ngón tay, ngón chân, vuốt lên khuôn mặt đỏ hỏn, ba cười, nói:
-Cháu ba sau nầy số nó sẽ rất tốt.
Chị tôi nói:
-Ba Má đặt tên cho nó dùm con.
Lúc đó chắc thấy mặt nó nhăn nhíu như rồng con, nên Ba phì cười, nói tiếp:
-Vài tháng nữa da nó sẽ căng ra và đẹp nên ba đặt tên nó là Long Mỹ, một con rồng đẹp, Trương Long Mỹ.
Vậy là gia đình họ Trương có thêm một thành viên mới, thêm một con rồng vì anh tôi cũng tên Long. Khi ba Paul trở qua VN, làm giấy tờ khai sanh lại, Paul mang họ cha, trở thành Paul LongMy Choate.
Cả nhà thương nó quá trời, kể cả chị Ba tôi là người không thích con nít, vậy mà cứ vài ngày, lãnh lương ra là có rinh về một bộ đồ cho nó. Người trong nhà thương nó nhiều hơn ai hết chắc phải là ba tôi, lúc đó tôi cũng còn nhỏ nhưng tôi nhớ trước khi đi làm, ba tôi ẳm nó, sau khi đi làm về ba tôi lại ẳm nó một bên và nhỏ út bên kia.
Buổi sáng cuối tháng 5 năm Mậu Thân, cháu tôi được ông Ngoại bồng đúng 11 tháng thì ba tôi bị cộng quân giết chết.
Hình ảnh xót xa oan nghiệt về cái chết của Ba tôi, ghi khắc vào lòng như một vết thương đau đớn, đúng hơn như vết đứt đã được may vá lại nhưng mỗi lần đụng vào vẫn thấy đau.
Vết thương ấy không bao giờ lành như vết sẹo không bao giờ phai trong trí nhớ.
Chỉ một tháng sau khi chúng tôi qua Mỹ, Ba của Paul được lệnh chuyển đi, gia đình chị Hai dọn đi tiểu bang khác, tôi ở với gia đình chị Ba nên không gặp Paul.

* Và 12 năm sau
Thoắt một cái, 12 năm trôi qua. Tôi gặp lại cháu năm 1986 ở Westminster, California.
Paul cùng hai đứa em từ Louisiana (LA) ra đây để gặp chị tôi sau một thời gian phải sống ở nhà bà nội. Anh rể và chị tôi đã ly dị, ba Paul đang còn trong HQ, rày đây mai đó. Lúc ấy chị tôi đã tái hôn với anh rể bây giờ. Paul cho chị tôi hay là trước khi rời LA nó đã xin vô Hải Quân, đã thi đậu và khám sức khoẻ, chỉ đợi FBI điều tra lý lịch xong là họ sẽ rước đi. Có lẽ chị tôi một tay lo săn sóc anh rể, một tay lo cho ba đứa con, thấy tương lai quá mịt mù nên chị nói với Paul:
-Nếu con muốn có cơ hội học hỏi, việc con vô HQ là đúng.
Mấy dì thương cháu, bàn ra:
-Sợ chiến tranh chạy qua Mỹ, bây giờ sao còn đút đầu vô lính? Thôi, mẹ không nuôi con nổi thì mấy dì nuôi cho đi học.
Chị Hai tôi nghĩ xa hơn: "Làm sao được vì gia đình nào cũng chân ướt chân ráo mới dọn về Cali." Sau 6 năm dài ở North Carolina, Má và mấy chị tôi lúc đó mở một hãng may quần áo dưới Los Angeles, thời gian nầy ai cũng làm việc rất cực nhọc và thiếu thốn.
Tôi mới chuyển qua đại học Cal Poly-Pomona và đang làm việc vào buổi tối cho một nhà hàng Ý ở Pasadena. Có mấy lần vào dịp cuối tuần Paul qua chơi, tôi chở nó vô ăn, Paul rất thích ăn đồ Ý, nhất là món chicken parmigiana, lúc thì veal marsala, và lúc nào cũng uống hai ly Coke. Ăn xong nó đi bộ về chỗ tôi ở, cách đó mấy con đường, coi tivi, chờ tôi đi làm về mang theo một phần togo, vừa ăn hai dì cháu nói chuyện chơi. Nhớ lại khoảng thời gian này là lúc Paul đang lưng chừng ở giữa đường không biết đi về hướng nào. Tôi dù thân với cháu nhưng không biết khuyên Paul như thế nào cho đúng vì chính bản thân tôi cũng không biết mình phải làm gì. Bởi vì ngành tôi muốn học từ nhỏ bỗng dưng bị cắt ngang, không cách nào tiếp tục theo được nữa, nên tôi nói với cháu:
-Nếu Paul muốn ở lại học với dì Tám thì cứ ở đây, hai dì cháu cùng đi học, đâu có gì phải lo. Còn như vô Hải Quân thì cũng đâu có sao, sĩ nông công thương binh, có cố gắng thì có thành công mà.
Ngày Paul lên đường, tôi không tiễn vì không thích màn tiễn đưa. Liên tiếp mấy năm trời Paul lăn lóc trong quân ngũ, tôi lăn lộn với lớp học và trường đời. Thời gian đó tôi chỉ biết tin tức Paul qua chị Hai hoặc má tôi. Chẳng có gì nhiều ngoài những nơi Paul đang đóng và sẽ tới.
Nhớ lại hồi còn ở VN, chiến tranh triền miên, gia đình tôi lúc đó sống trong cư xá Phú Lâm A, những người anh của mấy đứa bạn, chẳng hạn anh V. con trai bác Th. kế bên nhà, anh hiền và nhút nhát khỏi chỗ chê, đi học về là trốn trong nhà. Anh là bạn của anh tôi nên thỉnh thoảng thấy mấy anh tụ năm tụ ba ngồi nói chuyện trước cửa nhà, anh tôi nhỏ hơn, lúc đó cở 14 tuổi. Đến năm anh V. 18 tuổi, vô lính, ra trận đầu tiên không trở về. Còn anh M. nữa, con trai bác X. mỗi lần xe Jeep bắt lính rảo tuần vòng cư xá, mẹ anh bảo chạy qua nhà tôi núp bởi vì ai cũng biết nhà tôi toàn con gái, anh tôi chưa tới tuổi vô lính, với lại anh được miễn quân dịch, nên họ không bao giờ xét nhà tôi, mà nếu có lỡ xét họ cũng buồn thôi, một lũ con tên lót chỉ toàn có Kim hay Ngọc.
Mấy lần tôi gặp anh M. ngồi một góc trên gác nhà tôi, mặt mày xanh lè như lá chuối, tôi hay ghẹo, "lêu lêu anh chết nhát! Trốn quân dịch!" chắc lúc đó có lẽ vì sợ quá nên anh chả thèm nghe mấy lời độc ác mỉa mai của tôi. Sau này thấy không trốn được nữa, hay anh đã lớn, anh đầu quân. Tôi gặp anh về thăm nhà hai lần trong bộ quân phục, thấy anh như người lớn oai phong lắm, không còn la đám em nữa. Tôi không dám qua chơi với em anh lúc anh ở nhà vì sợ anh nhớ mấy câu ngu dại tôi nói mà ký đầu tôi!
Rồi cũng như anh V., anh M. ra trận vài lần cũng không bao giờ trở về.
Còn anh Tr. "tây lai" con Bác H. nữa. Đám con nít trong cư xá gọi anh là tây lai vì anh có nước da trắng hồng, mũi cao như tây. Anh Tr. đi trận Quảng Trị (1972 mùa hè lửa đỏ) về là thành danh anh hùng, bắn hạ mấy chiếc xe tăng, được đăng trang bìa đại ảnh báo Sóng Thần, hình ở trần, vai vác khẩu súng ống to, loại bắn xe tăng, trang trong là hình mấy cô nữ sinh choàng vòng hoa chiến thắng đẹp và oai phong lắm, nghe bác H. nói anh Tr. được về phép cả tháng, sau đó có về lần nữa đem cô vợ có bầu mấy tháng ở với bác H., rồi sau cùng, anh đi luôn, mất xác....
Tôi còn nhớ trước khi có vợ, thỉnh thoảng anh được về phép. Anh thường lái chiếc Honda lượn vòng quanh hai dãy nhà trong cư xá, kiếm chị Năm tôi chọc ghẹo. Có khi gặp chị Năm đi bộ chơi với chị Tư, anh lượn ngang mặt, dựng đứng chiếc xe lên trên 1 bánh, rồ ga nghe muốn bể lỗ tai.
Tội nghiệp anh, tuổi trẻ của anh chỉ có bấy nhiêu thôi.
Lúc tử trận, anh chỉ mới ngoài đôi mươi.
Số phận nhiều anh lớn trong cư xá Phú Lâm hồi gia đình tôi ở VN là vậy đó. Cũng nhờ có biết bao người lính như mấy anh tôi biết, chúng ta được sống bình yên một thời gian ở VN.
Trên thế giới, bao giờ mới hết chiến tranh, để mọi người sống hạnh phúc, có một giấc ngủ thật an lành bên những người mình yêu, thương, cho những người vợ nhìn thấy chồng khi mở mắt sau giấc ngủ say mê, cho những đứa con được nhìn thấy cha mỗi buổi sáng trước khi cắp sách đi học.
Paul là một đứa trẻ rất hiền lành ít nói và biết vâng lời, theo đời quân ngũ chắc không đến đổi nào.
Tôi cầu nguyện cho cháu tôi và tất cả những người chiến sĩ, xong công vụ, bình an trở về nhà bên người thân yêu, càng sớm càng tốt.
Và tôi cũng mong sẽ có một ngày nào đó, ngày gần đây, thế giới không còn chiến tranh nữa.

*Buổi sáng 9/11/2001:

Tôi có thói quen coi tin tức trước khi đi làm.
Sáng hôm đó bật TV thấy chiếu chiếc máy bay đâm thẳng vào tòa Twin Towers tại New York, chiếc khác đâm vào Ngũ Giác Đài, còn chiếc nữa đâm thẳng xuống cánh đồng …. đài nào cũng đồng loạt loan tin khủng bố đã tấn công nước Mỹ. Tôi cứ ngỡ đó là một đoạn phim thế giới tận thế. Kinh ngạc và hoàn hồn, tôi lái xe vô sở.
Bãi đậu xe vắng hơn mọi ngày, có lẽ nhiều người sợ nên nghỉ làm. Tôi vô thang máy lên nơi làm việc, thấy đồng nghiệp tụm ba tụm năm, chưa ai làm việc mà chỉ chú ý vô internet coi tin tức. Cũng những cảnh hãi hùng tôi đã thấy hồi sáng trên TV. Nhìn quanh không thấy ông sếp, tôi lại phòng ông định hỏi coi ông có nghe tin tức chưa vì ông vô sở rất sớm, ông đã nói trước, giọng trầm và thật buồn:
-Cô có biết là tôi đã có mặt trong buổi lễ khánh thành tòa Twin Towers năm 1973? đó là một building thật hùng vĩ tuyệt vời của nước Mỹ, vậy mà chỉ trong chốc lát bị tiêu tan bởi tụi khủng bố, mấy ngàn người ở trong đó, không thể tin được!
Tôi chào ông trở về bàn, cảm thấy hơi lo, nhấc điện thoại tôi gọi cho má hỏi thăm Paul. Má nói vừa nghe chị Hai báo tin Paul đang ngoài biển và sẽ qua Trung Đông. Lúc đó chỉ mới 8 giờ sáng, tôi nghe intercom của nhóm an ninh trong sở báo mọi người hãy túc trực chờ tin tức. Tôi vén màn nhìn ra bầu trời trong xanh, nơi tôi ngồi là tầng 10, ngay đỉnh cột cờ, sáng nay lá cờ Hoa Kỳ vẫn bay phất phơ trong nắng ấm nhưng chỉ được kéo lên lưng chừng để báo tin nước Mỹ đang mang đại tang.
Bỗng nhiên, thấy rất nhiều xe cảnh sát, xe cứu thương, xe chữa lửa … đồng loạt bao quanh building sở, chuông báo động vang lên inh ỏi, nhóm an ninh loan báo trên intercom "Vì lý do an ninh, tất cả nhân viên được phép về, xin liên lạc ngày mai để biết thêm tin tức, chúc mọi người bình an."
Tôi lái xe về nhà mở TV coi tin tức, trong lòng rất lo và nghĩ nhiều về cháu Paul.
Paul Long Mỹ Choate
Nguyên tác Anh ngữ
Trương Kim Hoàng Thư

dịch và viết thêm.
Kỳ tới: Hồi ký Long Mỹ về chiến trường Iraq.

Ý kiến bạn đọc
01/07/201213:08:25
Khách
Thân gửi Hương,

T rất cám ơn những lời chia xẻ.

Thân thương,

18/07/201203:27:51
Khách
Mỗi khi đọc những bài viết về lính tim tôi đau nhói. Bài này làm tôi nhớ anh của tôi khi anh đi lính hồi còn ở Việt Nam, cảm giác mẹ tôi mỗi khi nghe tin một trận đánh đẫm máu. Anh tôi đánh trận Quảng Trị 1972 mùa hè đỏ lửa và cũng không bao giờ trở về. Tôi đọc bài này cho mẹ nghe, mẹ tôi lớn tuổi rồi, mẹ tôi nói hảnh diện cho dòng máu Việt Nam. Bài này làm tôi nhớ quê hương chiến tranh đau khổ của những người lính, vợ lính, những người mẹ và gia đình Việt Nam. Cám ơn.
28/06/201204:12:21
Khách
Thuở nhỏ sống cơ cực quá mà lớn lên thành người hữu dụng cho đất nước như vậy thật đáng nễ phục
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,088,134
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.