Hôm nay,  

Đâu Đó, Có Chỗ Cho Chúng Ta

02/06/201200:00:00(Xem: 235253)

viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả là cư dân Chicago, 35 tuổi. Trong email kèm bài viết, Lê Thị cho biết, "Mới đây, sau khi đọc một số sách của nhà văn Nhã Ca, tôi bỗng có cảm hứng muốn viết và đây là bài viết bằng Việt ngữ đầu tiên của tôi trong 20 năm qua." Bài viết theo lối tự sự, nhân vật xưng tôi đến Mỹ khi còn là một cậu bé “tiếng Việt chưa đủ vốn, tiếng Anh dăm ba chữ chập choẹ,” kể về chuyện tình đồng tính dữ dội. Bài viết đầu tiên, “Tôi Vẫn Là Tôi”, Vietbao Online từ 19 tháng 5, 2012, hiện đã có 10054 lượt người đọc. Sau đây là chuyện tiếp theo.Tựa đề cũng là tên bài hát nổi tiếng “There is a Place for Us” của Leonard Bernstein.

***

Anh gối đầu trên đùi tôi, mắt anh mở to, đôi mắt xanh sâu thẳm ẩn chứa cả bầu trời nhưng giờ đây không còn nhìn thấy nữa. Sự thinh lặng bao trùm không gian, chỉ còn hai chúng tôi, hai tâm hồn tuy gắn bó bên nhau, nhưng cả hai cùng hiểu đây chỉ là những giây phút tạm bợ.

Anh sẽ bỏ tôi đi thật xa, bất cứ lúc nào. Biết bao nhiêu điều tôi muốn hỏi anh, nhưng không mở miệng được nữa. Tôi vuốt tóc anh. Sự thinh lặng bao trùm.

Trong sự im lặng muốn nghẹt thở, tôi cất tiếng khẽ hát bản nhạc anh vẫn thường đệm đàn cho tôi hát. Nhưng lần này, chỉ có tiếng hát đứt quãng của tôi, cố gắng hát bài hát của Carpenter anh vẫn rất yêu.

“Why do birds, suddenly appears
Every time you are near
Just like me, they long to be
Close to you…”*

Anh không nói một lời, bàn tay anh nắm chặt tay tôi, môi anh cố nở nụ cười, vài giọt lệ rơi nhẹ từ khoé mắt. Tôi nhìn anh, lòng đau nhói. Tôi biết chắc anh sẽ đi, phải ra đi. Tôi biết đây là những giây phút cuối cùng chúng tôi còn được ngồi bên nhau. Anh không còn có khả năng nói chuyện, hát theo, không còn khả năng đánh đàn, hay đệm đàn cho tôi hát nữa. Giờ đây anh chỉ nằm đó, lắng nghe, chỉ muốn ôm tôi, muốn cảm nhận tình yêu thương và thông cảm của mọi người quanh anh, của những người đã từng ra vào đời anh. Để rồi, khi giờ sẽ điểm, anh sẽ ra đi tới một thế giới không còn đau đớn, không còn bệnh tật, không còn phân biệt.

Chỉ vài tuần trước đây, anh thú nhận với tôi là anh đã mắc bệnh Aids và đã nhiễm vi khuẩn HIV từ trước khi anh đến với tôi. Chưa kịp để cho tôi có thời gian tiêu hoá cái cảm xúc thổ tả khó nuốt này, thì cặp mắt của anh đột ngột yếu dần, và chỉ vài tuần sau, anh không còn trông thấy gì nữa. Anh đã mù hẳn. Tôi đưa anh đến bác sĩ khám bệnh, sau khi thử máu, bác sĩ nói tế bào Tcell của anh bây giờ đã giảm xuống dưới 4%.

Khi một người bị nhiễm vi khuẩn HIV, nếu không uống thuốc đều đặn thì sẽ chuyển sang bị bệnh AIDS. Bác sĩ ngạc nhiên hỏi anh tại sao không chịu uống thuốc, tại sao lại để đến nông nỗi này. Tôi vẫn còn chưa hoàn hồn, như trên trời rớt xuống, dù cố gắng đến mấy tôi cũng không thể hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra, nói gì đến việc có thể lý giải được nguyên do.

Bác sĩ gọi tôi vào văn phòng riêng của ông, chỉ chiếc ghế đối diện bảo tôi ngồi xuống, và nói G đã từng là bệnh nhân của ông nhiều năm rồi, nhưng những năm gần đây, anh không tới nữa. Bây giờ, anh đã bị bệnh PML (một loại bệnh viêm não cấp tính mức nặng), Anh rồi sẽ hoàn toàn mất hết thần sắc, mất hết thăng bằng, sẽ hoàn toàn mù, mất khả năng nói chuyện, trở thành một người hoàn toàn tàn tật, sẽ chết. Bác sĩ nhắc lại, mọi điều này đều có thể tránh được nếu G uống thuốc đều đặn.

“Người nhiễm HIV nếu uống thuốc đều đặn thì sẽ sống như một người bình thường. Sẽ không bị AIDS. -Ông nhấn mạnh thêm lần nữa- Nhưng bây giờ đã quá muộn.

Tôi ngồi im không một phản ứng. Thông tin mới, đột ngột này làm tôi mệt mỏi, kiệt lực. Cố gắng bám víu chút hy vọng, tôi lấy bình tĩnh hỏi bác sĩ: “Có cách nào chữa trị cho anh ấy? Tình trạng của anh ấy rồi sẽ thế nào?” Bác sĩ nói thật, G chỉ còn một thời gian rất ngắn, khoảng từ 3 đến 6 tháng. Nhưng những ngày cuối sẽ rất khó khăn. Anh sẽ cần được chăm sóc 24/24.

Tôi đứng dậy, rồi lại ngồi xuống, nước mắt tự động tuôn ào ạt không dứt. Tôi chưa bao giờ biết một người bệnh. Chưa chăm sóc ai bao giờ. Sẽ phải làm gì? Tôi cố nuốt nước mắt, đẩy lùi sự sợ hãi, tự nhủ mình phải can đảm lên để chăm sóc G vào những năm tháng cuối cùng anh còn ở bên tôi.

Tôi trở lại căn phòng khám bệnh nhìn G mà ứa gan. Cảm giác buồn giận tràn ngập trong tôi. G là một người hiểu biết, thông minh. Tại sao anh không chịu uống thuốc?

Khi ra khỏi khu khám bệnh, tôi giận dữ bỏ để anh ngồi xuống một hàng ghế bên đường. Tôi đi lấy xe, lái một vòng lấy lại bình tĩnh, và quay lại đón anh. Anh vẫn ngồi im đó, như một đứa bé hồn nhiên đang chờ ba mẹ đến đón nó sau giờ tan học. Tôi dìu anh lên xe. Chân bước chập choạng, mắt không thấy đường, anh hoàn toàn dựa vào tôi.

Sự im lặng nặng nề lại bao trùm hai chúng tôi. Chỉ trong một thời gian ngắn mà biết bao thay đổi. Đầu óc tôi không thể nào hiểu kịp. Còn anh, cặp mắt mù của anh nhìn xa thẳm vào một khung trời vô tận nào đó, miệng mấp máy nhưng anh không thể nói thành lời. Không đè được cảm xúc, tôi oà khóc, uất ức hỏi anh: “Tại sao anh không chịu uống thuốc? Tại sao? Tại sao?” Tôi hỏi hoài, hỏi hoài. Anh im lặng chìm vào thế giới riêng của anh. Cặp mắt anh mất thần. Lòng tôi se thắt. Tôi hỏi anh muốn sống những ngày còn lại như thế nào. Anh chả thèm để ý đến câu hỏi của tôi nữa.

Về đến nhà, anh mò mẫm lấy ra cuốn nhật ký, mở đến trang có làm dấu sẵn, lẳng lặng đưa cho tôi, ra dấu bảo tôi đọc.

Cuốn nhật ký mở ở trang “Sinh Nhật thứ 40,” và


Tôi 40 tuổi.

Hôm nay là sinh nhật của tôi. Tôi đã bước vào tuổi 40. Một điều mà tôi chưa từng nghĩ tới. Trong những năm qua, tôi đã từng chứng chiến những người bạn thân của tôi lần lượt ra đi trong những thập niên 80, 90.

Tôi đã luôn chuẩn bị cho mình một cái chết. Tôi vẫn nghĩ tôi sẽ không bước qua tuổi 39. Các bạn thân của tôi đều không sống qua tuổi 35. Tôi đã từng khóc bạn bè và những người tình, chôn họ trong những mộ phần sâu thẳm.

Tôi đã quyết định chuẩn bị ngày chết cho mình. Tôi đã may mắn được sống trọn vẹn với tình bạn, tình yêu, tại thành phố mà tôi đã tìm ra lẽ sống. Khi tôi chết, tôi cũng sẽ chết trong hạnh phúc, tôi sẽ nằm xuống trong thành phố NY, nơi các bạn bè và người tôi yêu sẽ ở mãi bên cạnh tôi…

…Định mệnh đã cho tôi gặp Lê… Tôi chưa hề nghĩ mình có thể yêu một người và được yêu nhiều đến thế. Cuộc đời tôi đã hoàn toàn thay đổi.

Vào khúc cuối cuộc đời, tôi đã thật sự tìm được tình yêu, tôi đã được sống những chuỗi ngày vui vẻ, hạnh phúc, sống cuộc sống của một người bình thường.

Hôm nay là sinh nhật thứ 40 của tôi. Từ hôm nay trở đi, tôi quyết định sẽ sống như mọi người, sẽ không còn bệnh, sẽ không còn thuốc, sẽ vui, sẽ hạnh phúc, sẽ sống trọn vẹn những ngày tháng cuối bên người tôi yêu nhất đời
. . .

Tôi cố gắng đọc tiếp trang nhật ký nhưng nướt mắt nhoà nhoẹt, những lời lẽ của G giờ đây đối với tôi không còn nghĩa lý gì. Anh rồi sẽ mất trí. Sẽ quên tôi. Sẽ ra đi vĩnh viễn. Sẽ bỏ rơi tôi một mình đối chọi với thế giới cô độc này.

Anh đã từng hứa sẽ ở bên tôi suốt đời. Tôi nhớ ngày hai đứa ngồi ở Province town, Massachusetts, ngắm nhìn những ngọn thuỷ triều khổng lồ dữ dội như bão táp, lòng tôi bấy giờ lại cảm thấy an bình biết bao. Có anh bên cạnh, tôi thấy mình giàu có, an toàn. Tôi nói với anh, dù đời sống có sóng gió thế nào đi nữa, mình sẽ luôn luôn có nhau.

Ngay lúc đó, anh đã nảy sinh ý định vào City Hall làm giấy tờ hôn thú và cử hành đám cưới. Chúng tôi đang ở tại tiểu bang duy nhất trên nước Mỹ hiện chấp nhận hôn nhân đồng tính. Tôi từ chối, nói tôi và anh biết mình yêu nhau là đủ, không cần phải cưới hỏi. G nài nỉ, và cuối cùng chúng tôi cùng đưa nhau vào City Hall thì mới hiểu ra rằng tuy tiểu bang Massachusetts chấp nhận hôn nhân đồng tính, nhưng luật liên bang không công nhận hôn nhân ngoài tiểu bang. Anh không vui, muốn tìm hiểu thêm, nhưng riêng tôi thì không thấy ảnh hưởng và cũng không thèm quan tâm, thắc mắc gì. Tôi nói tôi yêu anh, chúng ta có nhau mãi và không một tờ giấy phép hay mảnh giấy nào có thể định nghĩa được tình yêu của anh và tôi.
Vậy mà, bây giờ...

*


Bệnh trạng của G ngày một thêm tệ hại. Anh đi đứng khó khăn. Từ từ mất hết mọi khả năng tự lập. Tuy tự hứa lòng mình phải can đảm vi G, nhưng có những ngày tôi thấy mình mệt mỏi, kiệt quệ. Tôi sợ hãi khi nhìn thấy G ngày một xuống dốc. Có hôm tôi tuyệt vọng gọi cho người anh ruột đang làm cha sứ tại New Orleans nhờ anh cầu nguyện cho G.

Không bao lâu sau, trong cơn sợ hãi tột cùng, điện thoại reng và tiếng Mẹ tôi ấm áp.

“Mẹ rất lo và hiểu cho hoàn cảnh của con. Con có sao không con? Tình trạng của G thế nào?” Sau bao ngày gồng gánh, cố gắng cứng cỏi, cố đè nén để dồn sức lo cho G, nghe giọng quan tâm của Mẹ, tôi đã để cho mọi cảm xúc oà vỡ, vừa khóc vừa kể cho Mẹ tất cả mọi chuyện, tôi thấy mình như thằng Bé đang được Mẹ che chở. Mẹ vừa lắng nghe, vừa an ủi. Và sau cùng Mẹ bảo: “Con đã từng về nhà nói với Mẹ là con yêu G. Bây giờ hắn lâm bệnh con phải chăm sóc cho hắn đến cùng. Đây chính là thử thách Chúa giành cho con. Con nghe lời Mẹ nhất định không được bỏ hắn. Mẹ và cả gia đình sẽ luôn đứng sau con.”

Chỉ một lời nói của người Mẹ đã vực tôi đứng dậy, giúp tôi hiểu mình cần phải làm gì. Bao năm qua Mẹ chịu đựng bản tính ngang ngược, mọi nết xấu và đời sống bay nhảy đôi lúc truỵ lạc của tôi, lòng Mẹ chi răm rắp lo sợ tôi không trở thành một người tốt.

Niềm tin và tình yêu mẹ dành cho Chúa Trời cũng chính là niềm tin, tình yêu Mẹ truyền cho các con. Tôi thấy như mình vừa mọc lại đôi cánh mới, sẵn sàng với mọi thử thách trước mắt. Tôi lại ngồi bên G và nói với anh tôi sẽ gọi cho Mẹ anh và tất cả người thân yêu của anh. Tôi quyết định sẽ làm hết sức mình để những ngày cuối đời của anh là những ngày vui vẻ, trọn vẹn nhất, đầy đủ tình yêu thương của mọi người thân yêu của anh.

Bỏ qua một bên sự chống đối kịch liệt gia đình G đã dành cho tôi, tôi nhấc điện thoại báo tin cho Mẹ của G về tình trạng của anh. Từ Kansas, bà lập tức lấy chuyến bay về New York. Tôi tiếp tục gọi bạn bè, người thân, gọi cả người tình cũ của G. Ryan, người yêu cũ của G cũng thu xếp đến ngay. Tôi thiết nghĩ anh không còn sống bao lâu, tình yêu thương và sự chăm sóc của gia đình, người thân sẽ đem lại cho anh những ngày cuối đời ấm áp.

Nhưng mọi việc đã không tiến triển theo ý nghĩ ngây thơ của tôi. Những bất đồng ý kiến, sự khác biệt văn hoá, lòng ghen tỵ, cùng với mọi cảm xúc căng thẳng, lo lắng, bất an mà tất cả chúng tôi đều phải dối diện đã biến căn nhà tôi thành một bãi chiến trường. Mẹ của G là một giáo sư người Mỹ sống nghiêm túc, khép kín ở một thành phố nhỏ từ Kansas. Tuy Bà cũng như tôi đều yêu thương G vô vàn, chúng tôi luôn có những ý kiến bất đồng.

Có lần khi bác sĩ nói rằng G có một tia hy vọng nếu thử qua chương trình điều trị tái tạo hệ thống miễn dịch bằng cách chích vào người anh nhiều mũi Steroid để tái tạo chất kháng sinh cho cơ thể. Bà đã không bằng lòng khi biết rằng phương pháp điều trị này sẽ ảnh hưởng đến gan. Tôi thì nghĩ ngược lại, còn nước còn tát, mạng sống của anh đang bị treo lửng, tác hại đến gan thì có là gì quan trọng.

Một lần khác, khi bác sĩ muốn lấy tuỷ sống của anh để thử nghiệm, nhìn mũi kim thật dài trên tay bác sĩ, bà đã la lớn và không bằng lòng cho thử nghiệm. Tôi bực mình nói bác sĩ đừng nghe lời Bà mà cứ tiếp tục.

Bà đã giận dữ nói rằng tôi không có quyền quyết định. Tôi cũng không nhịn được, đáp lại, tôi là chồng của G, quyền quyết định cũng là quyền của tôi. Bà nhìn tôi hỏi thẳng: “Con tôi cưới anh bao giờ? Giấy tờ hôn thú đâu?” Tôi đành chịu thua.

Từ đó, tôi hoàn toàn không có quyền can thiệp đến mọi quyết định về G nữa. Tôi cảm thấy mình hoàn toàn bất lực. Tôi không được ngồi chung phòng bệnh với anh, không được nghe tin tức về anh trực tiếp từ bác sĩ, tôi hoàn toàn không được có bất kỳ ý kiến gì về lối điều trị hay ăn ở của anh.

Ở ngay trong căn nhà của tôi, dần dà tôi như một cái bóng đối. Mẹ anh đã liên kết với Ryan, người tình cũ từ Kansas của anh và họ cùng nhau bàn bạc, quyết định mọi thứ cho G. Mọi ngân khoản trong nhà băng của G và tôi hoàn toàn bị chặn lại. Mọi chi tiết ma chay mà tôi đang sắp xếp cho anh đều bị huỷ bỏ. Ngay cả căn phòng ngủ của riêng tôi và G, giờ đây cũng không “welcome” tôi. Mọi chương trình chữa trị, mọi viên thuốc anh uống, kể cả những món ăn, tôi hoàn toàn không còn được “xía” vào.

Mỗi ngày, nhìn người tình cũ của G nhỏ to bàn bạc nịnh Mẹ anh, tôi bất lực, bất bình. Rồi đến một lúc hết chịu đựng nổi, tôi nổi cơn thịnh nộ đuổi hắn ra khỏi nhà. Bà Mẹ của G như bị mất một trợ thủ đắc lực, bà giận dữ quyết định đưa G về lại Kansas. Bà muốn chôn anh ở một vùng đất anh đã từng phải bỏ đi vì mặc cảm dị biệt, một vùng đất mà chỉ mang nhãn hiệu đồng tính cũng đủ bị kết tội. Tôi đã phản đối kịch liệt. Đã la lối. Đã khóc. Đã năn nỉ. Đã đưa cả ra toà. Nhưng cuối cùng tôi cũng đành thua cuộc. Tôi đã từng hứa với G sẽ ở bên anh suốt đời. Sẽ chăm sóc anh đến ngày anh nằm xuống trong thành phố anh đã sống, đã yêu. Chỉ vì thiếu một tờ hôn thú, tôi không thực hiện được lời hứa.

Đầu óc của G hoàn toàn bị hư hại. Anh không còn biết gì. Anh không nói, không lên tiếng được và cũng không hiểu những gì đang xảy ra quanh anh. Sống với anh hơn 6 năm qua, điều tôi hối hận vô cùng bây giờ là đã bác bỏ đề nghị cưới hỏi của G. Tuổi trẻ nông cạn, không nhìn xa trông rộng, tôi đã thiếu hiểu biết để cho mình rơi vào tình thế này. Tôi hoàn toàn bất lực. Tôi đã không giữ được lời hứa với G. Tôi không có một chút quyền quyết định nào về sự sinh tồn của G. Sống với nhau hơn 6 năm, chỉ trong một chớp mắt, tôi bỗng trở thành người dưng nước lã.

Tôi theo Mẹ anh đưa anh về tận nhà. Suốt đường về Kansas, tôi nhìn G cố gắng tìm hiểu xem anh đang nghĩ gì. Anh không còn khả năng diễn đạt được ý nghĩ của riêng anh. Khi ôm anh từ giã, anh ghì chặt lấy tôi, như muốn nói đây không phải là nơi anh muốn sống những ngày cuối đời của anh. Anh ôm tôi thật lâu. Không muốn tôi rời xa anh. Ba của G đã phải gỡ vòng tay anh ra khỏi tôi và họ đưa anh vào nhà, đóng cánh cửa ngăn cách anh với tôi.

G được gia đình đưa vào một bệnh xá chuyên chăm sóc cho người bệnh. G đã không từ giã gia đình và tôi trong 3 đến 6 tháng như lời bác sĩ tiên đoán. Ước ao được nhắm mắt ngoài 40 của anh đã kéo dài 7 năm trời kể từ ngày Mẹ đưa anh về Kansas. Tôi đã gọi điện thoại hỏi thăm anh mỗi ngày. Tôi bay về Kansas thăm anh mỗi tuần. Cứ mỗi lần đến thăm anh, nhìn cặp mắt xanh sâu thẵm vô thần của anh, tôi lại hối hận và không thể tha thứ cho chính mình. Tôi hối hận đã coi thường tờ giấy hôn thú để rồi hơn sáu năm chúng tôi chung sống bỗng dưng không còn nghĩa lý gì, khiến tôi đã không thực hiện được lời hứa chăm sóc cho anh những ngày cuối đời ở New York.

Vào những tháng cuối cùng của anh, chỉ có Mẹ anh và tôi bên anh. Mẹ anh và tôi đã hiểu nhau, đã bỏ qua và thông cảm cho nhau. Tôi hối hận đã có lúc nặng lời to tiếng với Bà. Bà cũng hối hận đã từng xử ép tôi. Bà và tôi tuy khác biệt về chủng tộc, văn hoá, suy tưởng và những giá trị căn bản trong đời sống, điểm tương đồng lớn nhất đưa chúng tôi gần với nhau là tình yêu vô tận vô điều kiện Bà và tôi cùng dành cho G. Bà yêu anh vì anh là đưa con trai cưng duy nhất của Bà. Tôi yêu anh vì chính anh đã thắp sáng ngọn lửa tình yêu, tình bạn, tình người trong tôi.

Trước khi anh nhắm mắt tôi hát cho anh một lần cuối, và đây cũng sẽ là lần cuối cùng tôi nhắc đến anh, sẽ để cho anh yên nghỉ nơi an bình.

Tôi chỉ ghi âm những kỷ niệm đẹp vào tâm trí. Kinh nghiệm mất mát giữa tôi và anh sẽ là một bài học cho tôi. Tôi mong anh hiểu rằng tôi không có chọn lựa. Nếu có cơ hội làm lại, khi anh hỏi cưới tôi, tôi sẽ không từ chối, sẽ bằng mọi giá đem về tờ giấy hôn thú. Tôi cầu nguyện với lòng tin tưởng trong một ngày gần đây, mọi người yêu nhau sẽ cưới được người mình yêu. Vì tình yêu không kỳ thị tuổi tác, dị biệt, giàu nghèo, giới tính.

Nếu trong thế giới này không còn chỗ cho G và tôi, tôi tin rằng

Theres a place for us
Somewhere a place for us
Peace and quiet and open air
Wait for us
Somewhere



Somehow
Someday
Somewhere!**

Lê Thị

Ghi chú:
* Lời trích từ “Close to You," ca khúc 1970, của Carpenters.
* “Theres A Place for Us” ca khúc của Leonard Bernstein (1918-1990)

Ý kiến bạn đọc
12/06/201223:39:30
Khách
Sống thật, sống vui, sống với tình yêu và mở rộng lòng, đó là những điều TN luôn cố gắng và ao ước thực hiện mỗi ngày. Cảm ơn tác giả sống đẹp và đã chia xẻ với TN câu chuyện của mình. TN rất hâm mộ cách sống và cách viết của tác giả.
Còn chuyện đi lên hay đi xuống, ai trong chúng ta cũng sẽ có ngày để đối diện với chính mình và đối diện với bề trên. TN tin ai cũng sẽ có một phần xứng đáng cho chính mình nên mọi sự phán xét hay những bản án của một người thứ ba đưa ra, TN thấy rất thừa thãi.
12/06/201222:45:21
Khách
Tôi xin thay mặt tác giả LT trả lời bạn ThanhTâm. Theo tôi thì chuyện có thật hay không là tuỳ tâm người đọc. Nếu tâm bạn đầy tình yêu và nhân ái, câu chuyện rất thật, rất nhân bản. Nếu đầy ác tâm, địa ngục đã ở trong lòng bạn.
02/06/201214:27:56
Khách
Touching and beautiful! Cám ơn tác giả.
06/06/201216:36:19
Khách
Xin hỏi, tác giả Lê Thị viết chuyện này kể chuyện thật hay bịa chuyện để yểm trợ hôn nhân đồng tính?Thế giới này không có chỗ, hẳn thiên đàng cũng không có chỗ, e rằng chỉ có một nơi duy nhất…là đi thẳng xuống…
06/06/201216:05:12
Khách
Cau chuyen that la` xuc dong. Nhung dau can phai co' hon thu', neu can thi` viet di chuc' cung tot vay. Neu co' ai trong tinh trang nay thi` nen viet di chuc, noi ro~ rang` thi` khong co' phien ha` ve sau.
05/06/201220:52:54
Khách
Chuyện đọc rất cảm động và rất thật. Tôi cũng ở Chicago. Mong có dịp được làm quen với tác giả, somehow, someday, somewhere…
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,344,521
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.