Hôm nay,  

Thằng Bé Tị Nạn Bất Đắc Dĩ

21/05/201200:00:00(Xem: 319720)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả đã góp cho Viết Về Nước Mỹ năm thứ 12 nhiều bài viết đặc biệt. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biên đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

Tùng khẽ nhếch vai để cái túi đi học đeo sau lưng trở lại tư thế gọn gàng. Nó ngoái cổ ra sau kiểm tra lần cuối cẩn thận, và đẩy cửa, giữ vẻ thản nhiên bước vô nhà.

Nó kinh ngạc khi thấy "Dad" John của nó đăm chiêu đi qua đi lại trong phòng khách. "Ủa, sao hôm nay ổng về sớm vậy cà?" Tùng nghĩ thầm. Thấy Tùng đi vào, ông mừng rỡ chạy lại ôm nó.

-Ồ, con đã về! Con đi đâu làm ta lo quá!

-Con đi học về, Dad!

Đang hoan hỉ, ông John bỗng xịu xuống, trở nên nghiêm khắc. Ông buông Tùng ra, đứng lên lạnh lùng:

-Con nói dối. Hôm nay nhà trường điện thoại cho "Mom" nói con không đi học khiến ta phải bỏ làm về kiếm con cả ngày nay.

Thằng Tùng sợ đến rụng rời tay chân. Trời ơi, vậy là lộ tẩy rồi! Nó mới nghỉ học có một ngày, đã gọi về nhà? Cái trường chi quái ác. nó vẫn cố chống chế:

-Con đi học thiệt mà Dad.

-Đừng dối ta, đó là một thói xấu. Hãy cho ta biết chuyện gì xảy ra, và con đã làm gì vì ta đã gọi cảnh sát, tí nữa ta và mom phải báo cáo với họ.

Nghe hai chữ "cảnh sát", Tùng càng hoảng. Câu chuyện không nhỏ như nó nghĩ. Hồi còn ở quê nhà, thỉnh thoảng nó cũng trốn học mấy lần đi tắm sông với tụi bạn, có ai hay đâu. Qua đây mới lần đầu tiên đã bị bắt tại trận. Tùng cảm thấy vừa lo vừa ngượng ngùng vì lỡ nói dối bố mẹ nuôi nó. Nó đỏ mặt ngượng nghịu cúi đầu, không dám nhìn ông John.

Giữa lúc Tùng chưa biết trả lời như thế nào thì cánh cửa bật mở. Bà Linda, "mom" của nó hớt hải đi vào, nói không ra hơi:

-Kiếm khắp nơi mà vẫn không...

Bà ta ngưng lại khi thấy Tùng đứng đó. Bà trợn xòe mắt như không tin ở chính mình, kêu lên, "Lạy chúa tôi!", quên hết cơn mệt chạy lại ôm choàng Tùng.

-Tùng con đi đâu cả ngày?

Vừa nói, bà Linda vừa nhìn thằng bé từ đầu đến chân xem nó có bị xây xát trầy trụa chỗ nào không. Thái độ đầy quan tâm của "mom" làm Tùng thêm bối rối, cúi gầm mặt. Sau khi xem xét và thấy Tùng vẫn lành lặn, bà Linda yên tâm nắm tay nó kéo vào bếp.

-Tội nghiệp con tôi, chắc nó đói rồi, vào đây mẹ lấy pizza cho ăn.

Nhưng ông John đã cản lại:

-Khoan đã, tí nữa rồi ăn. Tùng phải nói chuyện gì khiến con nghỉ học không xin phép hôm nay. Lát nữa cảnh sát sẽ lại đây đó.

-Ông sao gấp quá, để cho con ăn xong rồi hỏi cũng được mà.

-Bà thương nó quá không được. Nên nhớ nó mới qua và chưa rành luật lệ. Tôi phải biết nó đã làm gì để trả lời với họ chứ.

Nghe ông John nói, bà Linda không biết làm sao hơn, cúi xuống dỗ Tùng:

-Cũng được. Tùng nói cho mom biết tại sao con không tới trường hôm nay đi. Nếu con chỉ đi chơi mà không làm gì bậy, mom sẽ tha. Lần sau đừng như vậy nữa.

-Con, con...

Thằng Tùng ấp úng, nó biết nói sao bây giờ? Đã đành nó trốn học và nói dối là hai lỗi lớn. Nhưng nào phải nó đi chơi hay làm gì bậy đâu.

-Con đi... shopping.

-Shopping ư? Con mua gì ở đó? Hai ông bà ngạc nhiên.

Tùng tháo cái túi đi học trên lưng xuống. Lúc này, ông bà John và Linda mới chú ý đến cái túi gồ ghề hơn mọi ngày trên lưng thằng bé. Nó cẩn thận lấy ra một gói giấy: cái xe lửa chạy bằng pin.

Ông John thảng thốt:

-Trời! Con lớn rồi sao còn chơi cái đồ này?

-Tiền đâu con mua nó? Bà Linda tiếp.

-Con đi bỏ báo mua cái này cho em con ở Việt Nam.

Thằng Tùng bỗng bật khóc. Nó như được cởi mở tấm lòng.

Hai ông bà John và Linda nhìn nhau. Họ linh cảm đứa con nuôi trước mặt đang mang một tâm sự chồng chất mà nó giấu kín. Nguyên nhân sự nghỉ học của nó hôm nay có lẽ bắt nguồn từ đó...

Tâm sự của thằng Tùng: Nó là một thuyền nhân bất đắc dĩ.

Nói ra thì có vẻ hi hữu, nhưng trên đời có nhiều chuyện xảy ra một cách kỳ cục không ai có thể liệu định được. Và một trong những cái “ kỳ cục” đó đã xảy ra với Tùng hơn một năm trước đây, khi nó vẫn còn mang giỏ mía ghim lang thang trên bến đò Kiên Lương mỗi buổi chiều kiếm thêm chút tiền giúp đỡ gia đình.

Đúng ra nhà thằng Tùng cũng không nghèo lắm. Trước ngày giải phóng, ba nó là Trung Úy Pháo binh đóng ở Cà Mau, má nó làm cô giáo tiẻu học. Nhưng tai họa đã giáng xuống gia đình Tùng sau ngày 30/4 năm đó. Ba nó phải đi học tập cải tạo. Tưởng chỉ có 10 ngày là xong, ai ngờ đến 6 năm sau, khi Tùng rời quê nhà vẫn chưa gặp lại ba. Má nó bị cho nghỉ dạy vì là "vợ sĩ quan Ngụy". Gia đình Tùng khốn đốn từ đó. Đã mất việc, lại thêm phải nuôi ba nó trong tù, má Tùng phải tất tả làm đủ mọi việc để nuôi bốn miệng ăn. Ban ngày bà ra chợ trời, buôn đi bán lại, tối về bà phải nhận may vá thêm cho anh em Tùng đủ điều kiện cắp sách đến trường.

Cuộc sống mỗi ngày mỗi khó khăn. Tính, em nó, còn nhỏ chưa biết gì nhiều, nhưng Tùng đã lớn, dù nó chỉ học lớp Sáu. Sự nghèo khổ và nhọc nhằn đã khiến Tùng khôn trước tuổi để thấy những sợi tóc bạc ngày càng rậm trên nét mặt khắc khổ của má. Những lần bà phải đôn đáo vay mượn trong mỗi dịp gửi đồ tiếp tế cho ba nó trong tù...đã đẩy Tùng ra ngoài xã hội.

Mỗi chiều sau khi đi học về, Tùng đi bán mía ở bến đò Kiên Lương. Nó vô vườn mua rẻ mấy cụm mía về lóc vỏ, và chặt thành từng khúc nhỏ khoảng bằng đốt ngón tay. Xong rồi nó đi kiếm tre, gọt thành những cây nhỏ, mỗi đầu cây tẻ thành sáu nhánh nhỏ khác, vót nhọn, và gắn mía vào, vậy là thành một ghim. Mía ghim.

Nó không bán ở chợ vì ở đó đã có nhiều thằng nhỏ khác bán. Ra nghề sau nên Tùng phải chịu khó lặn lội ra tận bến đò. Tại đây cũng tấp nập không kém chi ở chợ, nhất là vào buổi chiều. Ghe thuyền là một trong những phương tiện giao thông chính của xứ Rạch Giá đầy mương rạch này. Khách hàng của Tùng phần đông là mấy bác xích lô, hay xe ba gác, hoặc những người từ thôn xóm chung quanh khi tan chợ trở về. Ngồi trên ghe gió chiều hiu hiu, có ghim mía nhai đỡ buồn miệng, khỏi phải lóc vỏ, bỏ cùi, mà giá lại rẻ mạt: có 50 xu. Nhai xong nhổ bã xuống rạch là xong, thật tiện.

Công việc làm ăn của Tùng tiến hành suôn sẻ. Mỗi ngày nó kiếm được ít tiền đưa cho má để dành mua quà nuôi ba nó. Cuộc đời bán mía ghim của Tùng không biết sẽ kéo dài bao lâu, nếu một ngày nọ...

Hôm đó Tùng ế hàng. Bán từ chiều đến gần tối mịt rồi mà rổ mía vẫn còn vơi nửa. Điệu này hôm nay nó huề vốn là may. Đáng lẽ Tùng về nhà, nhưng nó vẫn ráng kiên nhẫn ở lại. Biết đâu còn nhiều người về bến đò trễ cũng nên. Đang thơ thẩn tìm khách, nó nghe gọi:

-Mía.

Tùng mừng húm thấy một thanh niên từ chiếc ghe lớn nãy giờ đậu im lìm dưới chân cầu đi ra.

-Mía bao nhiêu một xâu?

-Dạ 50 xu.

-Mày còn mấy xâu?

-Để coi. 1,2,3... 32 xâu.

-Tao mua hết, vị chi là 16 đồng phải không?

Đang mừng nghe nói được mua hết, Tùng khựng lại khi thấy anh thanh niên đưa tờ 100 còn mới toanh. Tiền đâu mà thối? Nãy giờ nó mới bán được có hai mươi mấy đồng, thêm mười đồng tiền lẻ má nó đưa để thối lại, cộng chung cũng chưa đến bốn chục. Tùng lúng túng:

-Anh có tiền lẻ cho em xin, em không có đủ tiền thối.

Hơi ngần ngừ một chút, anh thanh niên nói:

-Thôi cho mày luôn đó nhỏ.

Tùng tưởng mình nghe lầm, nó trợn mắt nhìn anh thanh niên, ông khách rộng lượng nhất trong cuộc đời bán mía mà nó đã gặp. Bỗng nhiên nó nhận thấy cái anh này sao lạ quá, nhứt định không phải là dân ở đây. Nhất là ảnh ốm và trắng, không giống dân bản xứ ở đây ai cũng nở nang và đen sạm. Nó chợt nghĩ đến những tin đồn mà nó đã nghe, không dằn được, buột miệng hỏi:

-Có phải anh ở Sài gòn xuống đây vượt biên không?

Người thanh niên tái mặt, anh quăng hết mấy xâu mía xuống sông và chụp lấy thằng Tùng, bụm miệng nó lại. Diễn biến xảy ra quá đột ngột nên Tùng không kịp phản ứng, chống cự một cách vô vọng, và bị người thanh niên vác xuống thuyền.

Tùng cố vùng vẫy thật kịch liệt, chân nó đạp tùm lum làm văng luôn một chiếc dép xuống sông. "Trời ơi, cha này định làm gì đây? Vượt biên thì cứ vượt biên. Tui có đi báo công an đâu mà bắt tui?" Nhưng nó chỉ ú ớ không thành lời.

Đem Tùng xuống khoang tàu và đóng cửa lại, người thanh niên cầm một cây sắt dí trước mặt Tùng, "ngồi im, làm ồn tao đập chết thả xuống sông". Tùng hoảng sợ thôi vùng vẫy. Thanh niên đè nó xuống sàn, và thả tay ra. Bây giờ Tùng mới hơi hoàn hồn chút đỉnh và đưa mắt nhìn quanh. Trời đất ơi! Cái khoang thuyền bé xíu mà đầy những người là người, già trẻ lớn bé, đàn ông lẫn đàn bà, hầu hết đều lạ hoắc từ đâu tới.

Một người đàn bà ngồi gần cất giọng hỏi:

-Thằng nhỏ nào vậy? Sao tự nhiên bắt nó?

Hùng, người thanh nhiên phân trần:

-Tui định mua ít mía mang theo, ai ngờ thằng này biết mình sắp "đi" nên phải đem nó xuống đây đó chứ, lỡ nó đi la tùm lum là bể hết, tù rã đám.

Tùng mếu máo:

-Em đâu biết gì đâu, thả em về đi anh ơi, hu hu!

Đám người vượt biên ngơ ngác nhìn nhau. Hùng lại lên tiếng:

-Mày không biết thực không?

-Thiệt mà, cho em về đi.

Anh Hùng quay sang nói với mấy người trong ghe:

-Coi bộ thằng này chỉ tình cờ thôi, nhưng vì an toàn, khi nào mình khởi hành mới thả nó ra được.

-Hu hu! Em về trễ má em đi kiếm.

Một người đàn bà khác lại dỗ nó:

-Thôi em chịu khó ngồi đây chút xíu, tí nữa anh Hùng cho em về nhà...Đây chị cho em một trăm mang về cho má.

Bà nhét vào túi áo nó tờ giấy bạc. Nếu ngày thường, có lẽ Tùng đã la lên sung sướng, bữa nay nó phát tài rồi. Nhưng không hiểu sao nó chỉ cảm thấy lo lắng, linh cảm điều gì bất thường.

Điều bất thường đã đến. Đang im lặng bỗng có tiếng gấp rút gõ cửa.

-Ai đó? Hùng hỏi.

-Tui, Tư đây Hùng, mở cửa mau.

Một người đàn ông ló đầu vào thở hổn hển:

-Lộ rồi, đám kia bị bắt hết và tụi du kích sắp đến đây đó, nhổ neo dông liền đi.

Cả khoang thuyền rúng động nghe tin dữ. Từng khuôn mặt hốt hoảng. "Chết cha, làm sao bây giờ?". "Lên bờ trốn". "Khổ thân tôi"... Mỗi người một câu, không ai còn nhớ đến Tùng đang ngồi một góc. Nó cũng lo lắng không kém. Lỡ tụi du kích tới đây thấy nó cùng đám vượt biên này thì mười cái miệng nói cũng không xuôi. Nó mà đi tù thì chỉ khổ cho má nó.


Anh Hùng hồi nãy cũng la lên:

-Bà con bình tĩnh. Bây giờ ai mà lên bờ là bị chôp liền. Đằng nào ghe cũng chuẩn bị rồi, ta đi luôn.

Vài tiếng hô lên đồng ý.

-Anh Hùng nói đúng, mình đi luôn may ra kịp.

-Một liều ba bảy cũng liều.

-Nhưng thằng em tui chưa tới mà?

-Thân ông lo chưa xong, còn lo ai? Muốn đi tù chung cho vui hả?

-...
-Vậy thì mình đi, Hùng lên tiếng. Ai lên phụ tôi kéo cái neo sau, còn anh Tư chuẩn bị lái.

Mọi người đã hạ quyết tâm, chia nhau công việc để ghe có thể rời bến.

Lúc này thằng Tùng muốn trốn lên cũng không ai buồn để ý. Nhưng, có lẽ số phận đã an bài, cái số của nó phải sống xa gia đình nên Tùng cứ nằm yên run rẩy, nó cũng sợ đám du kích sắp đến như mấy người trên ghe. Tùng cảm thấy vừa mệt vừa đói, đầu óc choáng váng. Nó cảm thấy cái ghe chuyển động, tiếng lâm râm cầu nguyện của những người đàn bà trong khoang...và thiếp đi lúc nào không biết.

Thế là chiều hôm đó, trên chuyến tàu vượt biên vội vàng đã mang theo một hành khách không mong đợi: thằng bán mía ghim ở bến đò Kiên Lương.

Tàu đi được bốn ngày thì được tàu Mỹ vớt đưa vào bờ Mã Lai, và đến Pulau Bidong sau đó. Mọi người trên đảo ai nghe câu chuyện của Tùng cũng đều gật gù cho là...số mệnh, không ai có thể vượt biển một cách kỳ cục như thằng Tùng.

Hôm đó sau khi tỉnh dậy, nó cảm thấy khát đến khô cả cổ, bèn mò dậy kiếm nước uống. Anh Hùng thấy nó trước tiên trên boong.

-Cha chả, thằng bán mía, sao mày còn ở đây?

-Cho em miếng nước.

Hùng đưa cho nó ly nước. Uống xong, Tùng bắt đầu tỉnh trí và nhớ lại mọi việc.

-Trời ơi, mấy anh cho em về nhà chớ đi đâu đây?

Nó hốt hoảng nhìn chung quanh. Trời đã tối lắm rồi, có lẽ tàu chạy xuôi xẻ cũng được mấy tiếng và đang tiến dần ra cửa biển.Bốn bề chỉ thấy nước mênh mông. Xa xa một vài ánh đèn chập chờn từ những tàu đánh cá hay một trạm gác nào đó, leo lét. Thỉnh thoảng lại thấy vài cụm sậy thấp thoáng trong bóng đêm dày đặc.

Ba bốn người từ dưới khoang đi lên, họ cũng chợt nhớ ra thằng Tùng. Một bà ái ngại hỏi anh Tư lái tàu:

-Mình đi xa chưa? Hay là tấp lại chỗ nào cho thằng nhỏ lên rồi đi tiếp?

-Trời đất, bộ giỡn sao chớ? Tối um vầy biết đâu mà vô. Rồi lại tụi du kích nghe tiếng ra túm hết cả tàu thì bà tính sao đây?

-Nhưng mà cũng phải cho thằng nhỏ về nhà chứ.

Tùng thút thít năn nỉ:

-Không sao đâu chú ơi, chú cho tàu chạy vào gần bờ rồi cháu nhảy xuống bơi vô được mà.

-Nói thiệt với mày nghe nhỏ, không phải tao ác hay là gì hết. Nhưng mày là dân ở đây thì cũng biết, đằng kia toàn là rừng sậy không hà, mày bơi chưa tới là đã lún sình ngủm củ tẻo rồi. Mà tao cho ghe vô gần hơn thì cũng lún luôn, chết cả đám. Thôi mày đi theo tụi tao luôn đi. Được đi Mỹ "chùa" không tốn một cắc mà còn than gì nữa? Tao sợ má mày hay tin mày đi rồi bả còn mừng nữa à.

Thằng Tùng thất vọng nhìn chung quanh. Nó biết chú Tư nói thiệt. Nó bơi như rái cũng khó qua nổi mấy vũng lầy trước khi vào đất liền. Tùng ngồi xuống ôm mặt tấm tức, tự xỉ vả mình ham tiền ở lại trễ tại bến đò làm chi cho bị... tai bay vạ gió như vầy...

Vậy mà trong ghe, Tùng lại được đi định cư sớm nhất. Nó ở đâu có 3,4 tháng thì được hội nhà thờ bảo lãnh sang làm con nuôi của ông bà John và Linda, một cặp vợ chồng Mỹ già không con cái.

Mấy tuần đầu ở đảo, Tùng nhớ nhà, nhớ ba má, nhớ thằng Tính em nó và khóc hoài. Nó giận tất cả mọi người trong ghe đã ép uổng nó đi theo. Chuyến ghe nó đi thật thuận buồm xuôi gió, không hải tặc, không đói khát. Mấy người lớn tuổi nói trong ghe có "quí nhân" đi theo nên được tai qua nạn khỏi. Và họ bảo nhau quí nhân đó chính là thằng Tùng. Đâu có ai vượt biên một cách bất ngờ như nó đâu. Hồi đó hải tặc lộng hành, ít có ghe tị nạn nào thoát khỏi, vậy mà ghe nó đi êm ru. Vì vậy ai cũng thương và tử tế với nó, họ chia nhau an ủi và nuôi nấng Tùng trong suốt thời gian ở trại vì nó không có ai thân nhân ở nước ngoài cả.

Đêm trước khi Tùng lên đường, mọi người mở tiệc tiễn "quí nhân". Mỗi người một lời khuyên nhủ làm Tùng cảm động quên hết giận hờn. họ nói riết, Tùng cũng tin là tại số phận của nó phải như vậy. Đây là ý của Trời Phật muốn giúp nó ra nước ngoài ăn học để một mai thành tài giúp đỡ cha mẹ lúc tuổi già. Cuộc sống bon chen lúc còn bán mía ở bến đò Kiên Lương và biến cố vừa qua đã làm cho trí óc Tùng tiến một bước dài.

Trước khi từ giã, anh Hùng, người đã bắt nó xuống tàu hôm nọ nắm tay nó xem bói. Anh vỗ tay xuống bàn, la lên:

-Trời ơi, bà con coi bàn tay thằng này nè. Cái đường xuất ngoại của nó dài và rõ như vầy thì đúng là số của nó phải đi du học rồi. Nói thiệt, nếu hôm dó tui không nắm cổ nó kéo xuống ghe thì cũng có người khác làm mờ.

Bốn tháng sau khi đến Mỹ, Tùng nhận được lá thư đầu tiên của má nó từ Việt nam gởi sang. Còn gì mừng hơn được nhìn lại nét chữ của người mẹ thân thương từ quê nhà. Nó ngấu nghiến đọc đến thuộc lòng cả lá thư mà vẫn cứ đọc. Lại có cả thư của thằng Tính nữa chứ, em nó viết: "Em là Tính em của anh nè anh Tùng, anh còn nhớ em hôn? “ Tùng đang khóc cũng suýt bật cười đọc dòng chữ ngây thơ trên. "...Ba có viết thơ về nói bị đau bao tử mà má không có tiền mua thuốc. Em muốn đi bán mía như anh nhưng má không cho, má sợ em cũng bị bắt đi Mỹ luôn má ở nhà một mình buồn. Anh ráng đi làm như anh con Hà rồi gởi thuốc về cho ba nghe. Mà anh cũng nhớ mua cho em cái xe lửa điện như của con Hà vậy nghe, em ở nhà một mình buồn quá. Nhớ nhe anh Tùng..."

Dòng chữ ngây thơ của em nó làm Tùng khắc khoải. Ba nó đang bệnh trong tù, mà thuốc Tây ở chợ trời thì Tùng dư biết là mắc lắm, làm sao mua nổi? Chưa kể má nó thiệt thà có khi còn mua nhầm thuốc giả nữa. Còn cái xe lửa điện. Tùng nhớ hồi ở Rạch giá mỗi lần nhìn chị em con Hà gần nhà chơi cái xe lửa điện của anh tụi nó từ ngoại quốc gởi về mà mơ ước cũng có một cái, nhất là thằng Tính, mê cái xe lửa kinh khủng. Tùng chìu em, vác cuốc đi đào đủ một lon sữa bò đầy giun để con Hà cho gà ăn thì nó mới cho chơi chung. Đến bây giờ em nó vẫn còn mơ ước cái xe lửa.

Tùng muốn xin tiền bố mẹ nuôi để nó mua đồ, nhưng lại không dám. Ông bà John và Linda thương nó như con ruột, chăm lo cho nó ăn học đầy đủ, nên nó không muốn xin thêm điều gì làm phiền ông bà. Tùng quyết định đi làm để tự mình kiếm tiền. Mà làm gì bây giờ nhỉ? Bán mía như ở Việt Nam ư? Mỹ họ đâu có ăn mía ghim. Mía họ đóng hộp để lạnh, khi nào ăn thì khui ra là xong. Tùng đâu thấy thằng Mỹ con nào bán mía ngoài đường.

May sao thằng Tâm bạn chung lớp chỉ nó gia nhập làng bán báo. Gì chứ bán báo ở Mỹ dễ ợt, người ta đặt mua hàng tháng, bọn nó chỉ đem bỏ từng nhà là xong. Và Tùng đi bỏ báo.

Hôm qua mới được lãnh lương nên sáng nay nó và thằng Tâm rủ nhau nghỉ học để mua đồ. Đã lỡ giấu bố mẹ nuôi từ đầu nên Tùng phải nhờ thằng Tâm chỉ dẫn. Thằng này qua đây đã lâu mà lại thường theo anh chị nó sắm đồ nên rất rành đường xá. Đầu tiên, hai thằng đến tiệm thuốc tây Việt Nam có bán loại thùng thuốc đóng sẵn. Tùng nhờ người bán hàng chỉ loại thùng có thuốc trị bao tử để gởi về. Xong xuôi cả hai lại đáp xe bus tới mấy tiệm bán đồ chơi để Tùng tìm mua cái xe lửa điện cho em nó. Lang thang mãi rồi Tùng cũng kiếm được cái vừa ý, và nhất là hợp với túi tiền nhỏ nhoi của nó.

Có điều thằng Tùng chưa rõ là nhà trường Mỹ không giống như ở Việt Nam. Trước kia nó có trốn học đi coi đá banh, hay tắm sông với bạn bè mấy ngày cũng không ai để ý. Nhưng ở Mỹ, con nít thường được chú ý, cho nên khi cô giáo buổi sáng thấy Tùng vắng mặt không xin phép đã gọi điện thoại về nhà. Câu chuyện đổ bể...

Ông John và bà Linda im lặng nhìn nhau. Họ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đứa con nuôi của họ chỉ mười mấy tuổi đầu đã trải qua bao lận đận, và cuộc đời của nó thật hi hữu. Đây hẳn là ý Chúa. Chúa đã mang thằng nhỏ đầy tình nghĩa trong trái tim son trẻ kia về đặt trong sự thương yêu của hai người để giúp nó được lớn lên trong một xã hội tự do, bác ái, và để cho nó có cơ hội giúp đỡ cha mẹ nó tận bên kia Thái Bình Dương.

Bà Linda ôm Tùng trong lòng, bà cũng khóc tự hồi nào.

-Ôi, con yêu dấu của mẹ. Cha mẹ không trách con nữa. Con thật là một đứa con ngoan.

Lúc bà nội Tùng còn sống, nó thường nghe bà kể chuyện ông lão ăn mày nghèo khổ, một đêm trong miếu cổ nằm mộng thấy mình trở thành quan Tể tướng, giàu sang quyền quí, sống cuộc đời cực kỳ hạnh phúc. Giật mình tỉnh dậy trời chưa sáng, tất cả đều hết, ông lại là kẻ ăn mày nghèo khó giữa đêm tối âm u...

Tùng mong mình cũng như lão ăn mày nọ. Tất cả chỉ là một giấc mơ. Nó ước ao một sáng thức dậy, thấy mình vẫn còn nằm trên chiếc giường tre ở quê nhà, nghe tiếng gà gáy, tiếng lục đục của má nó sửa soạn ra chợ. Thấy chân thằng Tính gác trên bụng và hơi thở phì phò trên má... Cho đến khi cảm giác êm ái của chiếc giường nệm và cái lạnh cuối năm của xứ người đưa nó về thực tại. Có những đêm Tùng nằm mơ thấy mình trở về Rạch Giá, lang thang trên bến đò với rổ mía, gặp lại ba má, bạn bè, để rồi tỉnh dậy trong tiếc nuối ngẩn ngơ.

Đêm nay Tùng lại nằm mơ thấy mình về Việt Nam. Giấc mơ kỳ lạ. Nó thấy "Dad" John lái xe chở nó và "Mom" Linda chạy trên xa lộ Mỹ, vậy mà khi ổng quẹo vào exit là đã tới...Rạch Giá môt cách ngon lành. Tùng vào nhà gặp má nó, thằng Tính, và điều mừng rỡ nhất là có cả ba nó nữa. Ông hết ở tù rồi. Tùng khệ nệ khiêng thùng quà mà nó dành dụm từ mấy tháng nay vào cho má nó. Nào vải, nào thuốc... và dĩ nhiên có cả cái xe lửa điện cho thằng Tính nữa. Rồi trong khi má nó và "Mom" làm cá rô kho tiêu trong bếp, "Dad" John và ba nó ngồi nhậu thật tương đắc. Ngoài sân, thằng Tính lui cui chơi cái xe lửa, thỉnh thoảng khoái chí cười nắc nẻ.

Tùng cảm thấy mình thật hạnh phúc. Nó đã có ba má, rồi lại có cả "Dad" và "Mom" nữa, tất cả đều yêu thương nó. Ô hay, ai nói Việt Nam và Mỹ xa lắm cách cả một đại dương? Với Tùng, nó thấy thật gần gũi, nhất là trong những giấc mơ như vầy.

ThaiNC

Ý kiến bạn đọc
04/06/201209:28:38
Khách
Nội dung câu truyện hay, có tình nghĩa. Lời văn mộc mạc, chân thật. Mong muốn dược dọc thêm.
Một diều nên lưu ý, không nên dùng nhóm chữ "hạ quyết tâm" như trong câu
"Mọi người đã hạ quyết tâm, chia nhau công việc để ghe có thể rời bến."
21/05/201213:32:07
Khách
Truyện hay quá, rất cảm động, đầy tình người. Cám ơn tác giả. Mong được đọc tiếp truyện ngắn khác.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,308,731
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.