Hôm nay,  

“Chìa Khóa Vàng” Của Má

12/05/201200:00:00(Xem: 174818)
Chủ Nhật 13-5 là Mothers Day 2012. Xin mời đọc bài viết mới của Anne Khánh Vân, giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2007. Cô sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 2007, cô lnhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ” kể về một gia đình VN có ông bố từng được người Mỹ nhận làm con nuôi từ thời còn nhỏ, mà suốt 50 năm thăng trầm, cả nhà vẫn cứ hụt giấc mơ tới nước Mỹ. Khi biết có giải thưởng, tác giả đã vận động khắp nơi và chỉ trong 10 ngày, đưa được ba má từ Việt Nam qua Mỹ du lịch để kịp dự họp mặt phát giải thưởng trong tháng 8, 2007. Mới đây, Khánh Vân đã đón được ba má chính thức sang theo diện đoàn tụ.

Tôi vừa đưa tía Hai Lúa đi thi bằng viết lái xe. Virginia không giống Cali. Không được thi bằng tiếng Việt. Nếu thi trên giấy thì có thể xin mang theo người thông dịch. Thi trên máy computer thì chỉ mình ên đi vô phòng thi mà thôi. Và nếu lở thi rớt thì phải đợi 24 giờ sau mới được thi lại chứ không có chuyện ngồi đợi chút xíu cho tỉnh hồn tỉnh vía rồi xin vô thi lại.

Tía tôi oai lắm. Ông thi trên máy computer nên chỉ mình ên đi vô phòng thi. Lần này khi ra khỏi phòng thi, mặt tía tôi tươi tươi và gật gật chứ không vàng, không xanh, không đỏ như những lần trước.

Tuy Tía thi đậu, nhưng người mừng nhất, theo tôi biết, không phải là tía đâu mà chính má Hai Lúa.

"Chao ơi, ông Hai Lúa thi đậu rồi!" Má Hai Lúa của tôi mừng quá, vừa chọc tía, vừa la “toáng" lên như thế. Bà nói thêm, "Nãy giờ ông ở trỏng thi mà tôi ngoài này cứ đọc kinh cầu nguyện cho đầu óc ông sáng suốt."

Gần 40 năm qua, hình như đây là lần đầu tiên tía thể hiện lại được khả năng "đương đầu" và có thể "làm được" của mình. Hình như đây là lần đầu tiên Má Hai Lúa thấy "Người đàn ông" của bà đã sống lại!

Hơn 35 năm sống “bất đắc chí” với Sài gòn đổi đời sau ngày 30 Tháng Tư, năm 1975, tía Hai Lúa của tôi ngày càng mập ra nhưng chậm chạp. Từ khi qua Mỹ và bắt đầu đi học, tía có dần gầy đi, nhất là qua mấy kỳ thi... trượt.

Thấy tía má cùng “hỉ hả”, tôi buột miệng hỏi tía, "Vậy ba sụt bao nhiêu ký?"

Tía cười cười, "Chắc 2." Tôi hỏi đùa nhưng tía có vẻ trả lời thiệt.

Để có được nụ cười ấy, đúng là ông đã trải qua nhiều e dè, trăn trở. Sau khi lo cho ông có đủ tài liệu thi bằng viết, có lần tôi hỏi tía Hai Lúa, "Ba đã sẵn sàng để đi thi bằng lái xe chưa?" tía tôi trả lời, "Thì chừng nào con rảnh." Tôi lại phải hỏi lại, "Con phải biết ba có sẵn sàng chưa thì mới sắp xếp công việc để nghỉ và đưa ba đi thi.Vậy ba đã sẵn sàng chưa?" Tía trả lời, "Khi nào ba sẵn sàng thì sẽ cho biết."Nói tóm lại câu trả lời chỉ là "chưa sẵn sàng!" nhưng nói tới nói lui, ông vẫn không được xác định.

Xem ra, vượt qua sự ngần ngại để bắt tay vào việc để sẵn sàng đượng đầu không phải là chuyện dễ.

Sau khi tía Hai Lúa thi đậu bằng viết lái xe, ngay buổi chiều cùng ngày, tôi tập tía lái xe. Trước khi ra khỏi nhà, tía hỏi, "Chìa khóa đâu?" Vừa nghe mấy tiếng "chìa khóa đâu", tức thì tôi thấy cái đầu mình chạy sang chuyện một chiếc chìa khoá khác.

Nhớ hôm má Hai Lúa mới qua Mỹ đoàn tụ, Má lục hành lý và lấy đưa cho tôi một sợi dây chuyền bằng vàng với cái mặt là một chiếc chìa khoá. Nhìn cái chìa khóa hơi bị… bự, làm tôi bỗng ngần ngại.

Thấy tôi chần chừ, má Hai Lúa nói, "Trước khi đi má có đặt làm ba cái chìa khóa cho ba đứa tụi con. Má đã đưa cho Châu một cái, cho Hí một cái. Cái của con là nhỏ nhất."

Ý của má Hai Lúa chắc là vì các em tôi "bự con" hơn nên chìa khóa của tụi nó "bự" hơn. Tôi nhỏ con hơn nên kích thước chìa khóa đã được thu nhỏ lại để đeo cho cân xứng. Ấy vậy mà tôi vẫn chưa bao giờ nhìn thấy cái chìa khóa nào bự như thế. Tôi nghĩ bụng, "Cái cổ mình mà phải đeo chiếc chìa khóa này mỗi ngày chắc nó sẽ sớm bị… khóa luôn quá, hết cục kịch nhúc nhích!" Để má Hai Lúa vui lòng, tôi đã cởi sợi dây chuyền đang đeo và đeo vào cổ "của hồi môn" bà vừa cho: Chiếc chìa khóa "nhỏ nhất".

Hôm sau vào sở làm, mấy con mắt tinh ranh của đám bạn vừa nhìn thấy chiếc chìa khóa…"nhỏ nhất" trên cổ tôi đã liền hỏi, "Anh yêu mới tặng chìa khóa mở tim hả?"

"Xì, đoán trật lất hà, tụi quỷ." Mà tụi nó đoán vậy chắc cũng không mấy sai vì hình như chỉ có mấy người yêu mới tặng chìa khóa… mở tim cho nhau. Tôi nói tiếp, "… của má tao cho đó!"
Bọn tinh ranh nói tiếp, "Ồ, vậy má trao chìa khóa mở kho bạc cho mày hả?"

"Tao mà biết nó mở được cái gì thì chết liền!"

Trả lời bọn quỷ bạn xong, chính tôi bỗng thấy mình tự hỏi về công dụng hay ý nghĩa của cái cái chìa khoá. Điều gì đã khiến trước ngày rời xa quê hương, Má Hai Lúa gom góp số vàng y bao năm dành dụm mang đi làm ba cái chìa khoá để “chia của” cho ba chị em tôi.

Thắc mắc này từng làm tôi bần thần nhớ chuyện này chuyện kia.

Thẳng thắn mà nói, má Hai Lúa của tôi không phải là một đứa con được bà ngoại tôi yêu thương. Từ khi còn bé, má đã là đứa con phải làm việc nhiều nhất và thường xuyên bị bà ngoại "thương cho roi cho vọt" một cách “dư dả”. Khi lớn lên, được ba Hai Lúa đi theo thương, có lối thoát, má không lấy người bà ngoại "chấm" mà đi theo người má thương nên bị bà ngoại giận mấy chục năm.

Trong các chị em má, có nhiều người theo "phe" bà ngoại nên "phe" bà hơi đông. Thế là mẹ con tôi bị bỏ rơi khi nghèo, bị ganh ghét khi dư giả chút đỉnh, và có khi còn bị chê trách. Ấy vậy mà trong nhiều năm cuối cùng, chính má lại là người thay thế những người con "cưng" của bà ngoại, chăm sóc lo cho bà ngoại lúc tuổi già khó khăn. Còn với những chị em từng “ít vui vẻ” với má Hai Lúa, má lại thường "giấu" chị em tôi giúp đỡ họ. Khi chị em chúng tôi biết được chuyện và trách tại sao má lại "dại" vậy thì má Hai Lúa tôi đã trả lời, "Ai xấu xa, hãm hại má những gì, má rõ hơn ai hết kia chứ, nhưng có Chúa, con ơi. Chúa nhìn thấy, ông ngoại nhìn thấy. Má làm tất cả cho ông ngoại…"

Bị những cái kiểu thiệt thòi và oan ức ròng rã trong cuộc đời như má Hai Lúa vậy mà má có thể bỏ qua được, thật không dễ chút nào.

Có những "kỷ niệm" với bà ngoại, tôi vẫn chưa thể quên. Không phải là vì tôi "có gen" bà ngoại nên "giận dai" nhưng có lẽ vì sự việc xảy ra khi tôi còn quá thơ dại, bộ nhớ còn quá trống trải, nên nó bị khắc sâu trong đó hơi bị lâu. Có những chuyện đã hơn 30 năm, tôi vẫn chưa tìm được cách để quên. Lúc ấy chắc tôi khoảng 7, 8 tuổi. Đi học về cùng các bạn trong xóm, thấy bà ngoại đi chợ, tôi kêu lên, "Thưa bà ngoại cháu mới đi học về." Bà ngoại đi qua đường, đến trước mặt tôi nói, "Tao không phải bà ngoại của mày, đừng kêu tao là bà ngoại." Tôi ôm mặt khóc hu hu chạy về nhà, "Má à, tại sao bà ngoại lại làm vậy?" Vì còn bé, và cũng vì chưa biết lý do bà ngoại giận má, cũng không biết bà ngoại hơi "ghét ai…ghét cả tông ti họ hàng" nên tôi khóc và chạy.


Ấy là chuyện thời còn bé. Tuy chưa quên nhưng tôi cũng đã biết cách để bỏ qua. Nếu chuyện đó mà xảy ra bây giờ, sau khi nghe bà ngoại nói vậy, chắc tôi sẽ vẫn cười hì hì với bà, chạy tới ôm bà và nói, "Cháu vẫn cứ gọi bà ngoại, gọi hoài, gọi hoài, gọi tới khi nào bà ngoại chịu làm bà ngoại cháu thì mới thôi."

Tâm lý chung, chúng ta có khuynh hướng kiên nhẫn với những người lạ hơn là với chính người thân trong nhà. Tôi đã được chứng minh điều này trong thời gian làm việc thiện nguyện ở một viện dưỡng lão. Những người thiện nguyện kiên nhẫn chăm sóc, giúp đỡ và chuyện trò với các ông bà cao tuổi hơn là chính các con của họ. Cũng dễ hiểu thôi. Khi đã biết mọi "thói hư tật xấu" của nhau và mệt mõi chịu đựng lẫn nhau thì không cần nhiều để sự kiên nhẫn giáp ranh giới hạn. Hai bên sẽ đụng nhau kình kịch và mọi thứ dễ dàng nổ tung. Với những người lạ, nhờ không biết gì về tiểu sử trong quá khứ của nhau, chúng ta sẽ vô tư hơn, rộng lượng hơn, kiên nhẫn hơn,…

Nghĩ cho cùng, một kiếp người thấy vậy nhưng cũng chóng trôi qua. Kiếp sau, chưa chắc gặp lại được những người mình thương, huống hồ những người mình chỉ thương vừa vừa. Mình làm từ thiện, giúp người này, kẻ khác. Những người đó có khi cũng là những người rất đáng ghét với một số người nào đó, nhưng mình lại thấy đáng thương và giúp đỡ. Vậy thì mình cũng có thể tha thứ, bỏ qua và giúp đỡ chính những người thân như thế trong chính cuộc đời này, kiếp sống này.

Tôi nhớ ông ngoại tôi rất khéo tay và là một người rất thích khâu vá. Trên gối, trên mền… sẽ thỉnh thoảng thấy những hình trái tim, với mũi khâu rất khéo. Ông không chỉ khâu vá những thứ trong nhà mà cả những thứ của người khác. Đi lễ nhà thờ thấy sách đáp ca bị rách, ông đã âm thầm mang về nhà khâu. Cứ mỗi lần vài ba cuốn. Khâu xong, ông lại mang trở lên nhà thờ, đổi lấy những cuốn rách khác. Cứ như thế cho đến khi cả trăm cuốn sách đều được khâu vá lại lành lặn. Cha cố nhà thờ khám phá mà không hiểu từ đâu, do "những" ai làm, hay là "phép lạ". Cha thông báo trong lễ và có nhiều người đã "bật mí" cho cha biết ai đã là "Ông già Noel" "làm phép lạ". Chính là ông ngoại Cả Viên của tôi.

Nhớ đến ông ngoại, tôi chỉ cần nhớ bấy nhiêu đó thôi và hiểu được con người đại lượng của ông để mà hạnh phúc và hãnh diện làm cháu của ông. Ai ông cũng thương, ai ông cũng giúp. Ông luôn có được lý do để bỏ qua, dù đó có là điều không thể nào tha thứ cho được. Sở thích khâu vá của ông ngoại chính là tính cách của ông. Ông ngoại luôn muốn vá lại tất cả những gì bị rách, bị đứt, bị sút tả tơi. Không chỉ thích hàn gắn lại mọi thứ, ông còn muốn làm cho thật đẹp.

Ông ngoại tôi mất, dường như ông cũng để lại cho bà ngoại tôi một chiếc chìa khóa. Bây giờ má tôi cũng đã trở thành con… cưng của bà ngoại. Chị em tôi từ đó cũng đã có thêm được chỗ trong lòng bà nhiều hơn.

Tình yêu thương thường không thể đòi hỏi tự nhiên mà có. Nó cần được gieo, được trồng, cần được dành thời gian, cần được liên tục chăm sóc, và có nhận phải có trao… Tuy nhiên, tôi cũng rất tin, khi sống tốt, sống bao dung, sống vị tha thì dù có bị thiệt thòi chút đỉnh, đó cũng là một hình thức gieo trồng những hạt giống tốt để chính mình sẽ được hưởng trái ngọt khi đến mùa gặt.

Trở lại với chuyện “chìa khoá vàng” của má Hai Lúa, khi trao nó cho tôi, má Hai Lúa nói, "Chìa khóa mở cửa công danh sự nghiệp cho chính con và cho những người thân khác."

Tôi cười, "Sứ mệnh này có hơi "nặng ký" cho đôi vai "gầy gò" của con đó nghen má Hai Lúa. 

Tuy má Hai Lúa nói vậy nhưng khi ôn lại tôi thấy một công dụng khác nữa. Ý nghĩa cái chìa khoá vàng của Má nhắc tôi nhớ về sức chịu đựng, tình thương yêu. Đó là một chiếc chìa khóa vô hình mở được cánh cửa của lòng người.

Hình như món chìa khóa vàng này bà chỉ dành cho ba chị em tôi mà không dành cho tía một cái. Hay là hai cái người đó đã…"bí mật" trao chìa khóa cho nhau mà chị em tôi không biết. Có thể sau bài viết này, tôi sẽ phải hỏi má "chìa khóa của tía đâu." Tôi nghĩ, nhưng rồi chợt nhớ ngày Tía Má mới sang đoàn tụ tại Mỹ, Má Hai Lúa của tôi đã nói với tía Hai Lúa tôi rằng, "Ông và tui, những gì không hài lòng nhau trước kia, hãy quên đi hết."

Có lẽ câu nói ấy và cách bà nói cũng đã là chiếc chìa khoá vàng.

Má Hai Lúa của tôi suốt đời là một người kiên trì chịu đựng; thường khi có khuynh hướng chịu trận chứ không vùng lên chống trả lại nên thường bị nhiều thiệt thòi, không chỉ với bà ngoại mà còn cả với ông chồng. Nhưng nhìn lui, bà đã hưởng nhiều ơn trên, đâu có thiệt thòi gì. 

Má tía tôi nay đã có được cơ hội làm lại cuộc đời. Không cần chờ qua mãi kiếp sau mới được làm lại mọi thứ từ đầu. Làm lại một cuộc đời đẹp ngay trong kiếp này. Còn cơ hội quý hiếm nào bằng!

Tôi viết bài này để thương tặng má Hai Lúa Huỳnh Nhi, của tôi và để củng thương nhớ Ông Ngoại Cả Viên. 

Viết thêm:

Trên đây là bài viết tôi dự tính từ lâu mà chưa viết nổi vì bận rộn. Đã tưởng sẽ lỡ dịp Mothers Day năm nay, nào ngờ vẫn xong. Được vậy là nhờ Bác Thom. Xin kể:
Sau khi bài viết "Yêu Thương Tương Kính", được đưa lên Việt Báo Online, tôi rất xúc động khi đọc được phần Ý Kiến Độc Giả phía cuối bài, "Được gửi bởi Thom (Guest) vào 02/19/2012. Xin phép trích nguyên văn:

"Chúc mừng Anne. Nhớ lại lần đầu đọc bài viết về mùa đông, trời tuyết đi bộ với giầy há mồm...mà thương quá. Đã định hỏi có muốn có cha mẹ... nuôi cho đỡ buồn không! Thế rồi lần lần biết về Anne nhiều hơn qua Việt báo và rất mừng cho Anne vì cháu rất... và rất có... bản lãnh. Chúc cháu VUI-KHOẺ và viết thật nhiều, vì cháu viết rất hoàn hảo, đem lại sự thích thú cho người đọc. Thân."

Thưa Bác Thom,

Được cha mẹ ruột của mình yêu thương là chuyện có thể gọi là tự nhiên, nhưng được những bậc cha mẹ chưa bao giờ gặp cũng cảm thông và thương mến là điều thật đáng cất vào "kho báu" của cuộc đời.

Dù chưa được biết bác, nhưng khi đọc những lời chia sẻ, cháu thấy thật ấm lòng. Nhờ sự khuyến khích của bác Thom mà cháu thêm bài viết này kịp cho ngày Mothers Day.
Cháu cảm ơn Bác Thom.

Anne Khánh Vân

Ý kiến bạn đọc
16/05/201206:32:36
Khách
Lần đầu đọc bài viết của cháu , về những phấn đấu trong cuộc sống của một thiếu nữ và những gì đã và đang xảy ra vói cháu ...tôi rất xúc động ..thấy thương và phục. Tôi đã nghĩ là có thể giúp được gì cho cháu .Thực tế chỗ tôi ở là Nevada....Và tôi đã chẳng làm gì cả !!!Bây giờ..thì mừng cho cháu...cây..mà cháu đã trồng..cho nhiều trái ngọt và tin rằng cháu còn thành công nhiều hơn nữa trên đường đời,và nhớ đừng bao giò thôi "VIẾT".Thân-Thom.
23/05/201223:34:32
Khách
Dạ, KV xin cảm ơn thật thật nhiều những lời chia sẻ và khuyến khích chân thành của bác Thom, cô Thu, chị Thuỷ, chị Tường Vân, và độc giả Lam Tuyen Seaton, cùng nhiều độc giả khác.
Khó có niềm vui và hạnh phúc nào bằng.
Xin được cảm ơn cả cô Khánh Thọ đã viết thư riêng: "Khánh Vân ơi, bài viết lôi cuốn, cô đọc xong lại thấy tiếc vì hết mau quá!" Dạ phải, có một vài đoạn đã được để dành lại cho những bài viết sau đó cô... hihi

KV cầu mong những điều tốt lành hạnh phúc nhất đến với tất cả chúng ta.
Rất quý mến,
KV
12/05/201211:30:55
Khách
Em viết dễ thương, mộc mạc, giản dị mà thật sâu lắng, thấm vào lòng độc giả. Cám ơn em nhé, vì đã nhắc chị nhớ đến "chiếc chìa khoá" của mẹ mình tặng con cái. Lòng nhân hậu và tính chịu thương chịu khó lẫn... chịu đựng. Chị không có một chiếc chìa khoá trên cổ như em, nhưng nó luôn trong tim chị mỗi khi gặp những trắc trở, bất công trong cuộc đời. Và chị vẫn luôn tạ ơn Trời Phật, ơn Đời ơn Người đã ban cho mình một người mẹ tuyệt vời như thế. Một lần nữa, cám ơn em nhé...
Tường Vân
13/05/201207:44:04
Khách
Bài viết rất sâu sắc. Câu chuyện tuy đơn giản nhưng chứa đựng nhân sinh quan thấm đẫm tình người.
14/05/201211:19:05
Khách
Mong co Khanh Van viet thuong xuyen. Toi rat thich doc van cua co, vua hom hinh vua real. Chuc mung co da bao lanh duoc ong ba qua My doan tu. Toi roi My gan nam nay hien song o Kenya nen it co dip doc bao VN vi toi lam mat cai website Saigon Bao, may tuan nay tim duoc nen chung vo muc viet ve Nuoc My ma toi rat thich. Cam on co viet bai viet that hay va co y nghia cho ngay Mother's Day.

Thu
12/05/201220:39:49
Khách
Bài viết rất thâm thuý và đầy tính nhân bản. Cám ơn Tác giả Khánh Vân.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,718,033
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới, tựa đề được đặt lại theo nội dung.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh tại chỗ do chính ông chụp. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây là bài mới ghi chép sơ lược ngày 30 tháng Tư năm xưa.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ. Bài mới của ông, tuy không phải chuyện nước Mỹ nhưng là chuyện trong lòng người Việt tị nạn cộng sản tại Mỹ thường nghĩ tới, được viết về việc Saigon bị đổi tên với lời ghi trân trọng: Để kỷ niệm 30 năm ngày Quốc Hận 30 tháng Tư trên đất Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Tampa, Florida, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới của ông mở đầu bằng câu “Đôi khi tôi nghĩ, viết về một nơi chốn khác, cũng là một cách Viết Về Nước Mỹ.” Cách viết đối chiếu chi tiết tinh tế của tác giả cho thấy không chỉ đúng như ông nghĩ mà còn làm hiện rõ cả tính cách người (hơi hơi) Mỹ gốc Việt.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Maui là hòn đảo du lịch nổi tiếng của Hawaii. Du ký vui được cùng viết bởi “Ba Bà Ca Li”, ba tác giả thân quen với bạn đọc Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Tác giả là một chuyên gia phát triển quốc tế của USAID, sinh trưởng ở Bếntre, sang Mỹ năm 1973, đã về hưu từ lâu và đang định cư ở Orange County. Ông tham gia VVNM năm 2015, được chấm giải Danh Dự năm 2016 và giải á khôi “Vinh Danh Tác Phẩm” năm 2017. Bài mới của ông viết về bà Mẹ hơn 100 tuổi và tâm trạng tế nhị, phức tạp của người con khi cầu nguyện cho Mẹ thân yêu.
Nhạc sĩ Cung Tiến