Hôm nay,  

“Tháng Tư Đen, Tháng Tư Sáng” Từ Đắng Cay Hậu Chiến đến Bình An Tâm Hồn

29/04/201200:00:00(Xem: 45424)
Tác giả có ba tập thơ song ngữ Anh-Việt đã xuất bản. Cô sinh tại Việt Nam năm 1975, định cư tại Hoa Kỳ từ 1994, khi đã 19 tuổi. Năm 2004-05, cô được cấp học bổng Fulbright, bậc tối ưu, để thực hiện nghiên cứu về người Việt tại Thụy Điển. Sau khi tốt nghiệp cao học hai ngành: Lịch Sử Truyền Khẩu & Cộng Đồng tại CSUF.; và Nhân Chủng Học tại Đại học Stanford, cô hiện đang hoàn tất chương trình tiến sĩ.

Trầnguyễn thực hiện Dự án “Tháng Tư Đen, Tháng Tư Sáng” © về những ảnh hưởng của tang thương và mất mát trên đời sống tình cảm của người Việt hải ngoại qua học bổng của tiểu bang California cho Chương trình Báo chí về Y tế Sức khỏe (CEHJF), và do Trường Báo chí và Thông tin Annenberg của Đại học University of Southern California tổ chức. Cô sử dụng phương pháp lịch sử truyền khẩu, cùng kinh nghiệm dấn thân cộng đồng, và tư duy trải nghiệm. Liên lạc: vietamproj@gmail.com.

This project “Black April, Bright April” © is produced using oral history, community participation, and lived perspectives. Trangđài Glassey-Trầnguyễn reporting on trauma, loss, and emotional health in the Vietnamese diasporas was undertaken as part of the 2011-12 California Endowment Health Journalism Fellowships (CEHJF), a program of the University of Southern Californias Annenberg School for Communication & Journalism. Visit her blog at: http://www.reportingonhealth.org/users/trangdai-0.

PHẦN 4/4: THÁNG TƯ SÁNG

Xin cám ơn quý độc giả vẫn theo dõi Dự án “Tháng Tư Đen, Tháng Tư Sáng.” Trong phần cuối của loạt bài bốn phần này, tôi muốn nói đến những sức mạnh mà Nguyễn Thanh Thủy đã tìm được, lẫn tự tạo cho mình, để duy trì cuộc sống của bản thân cũng như của gia đình cho đến ngày hôm nay. Phần này liên quan đến cả ba phần trước, vì nó ôn lại những mấu chốt trong từng giai đoạn, để chúng ta có thể thấy được làm cách nào Nguyễn Thanh Thủy có đủ nghị lực để đối diện với trại tù cải tạo, với một cuộc sống bế tắt ở Việt Nam, và với sự ra đi của trưởng nữ tại quê hương thứ hai.

Sức mạnh đó không chỉ đến từ cá nhân bà, tuy chính sức mạnh nội tâm và niềm tin đã là điều kiện tiên quyết để Nguyễn Thanh Thủy sống còn. Nhiều năm nay, bà đã tận tụy giúp đỡ những gia đình thương phế binh tàn tật, góa bụa ở Việt Nam qua công tác thiện nguyện với Hội Thương Phế Binh và Quả Phụ Việt Nam Cộng Hòa (TPB/QPVNCH) do Bà Hạnh Nhân sáng lập. Nguyễn Thanh Thủy đã giang cánh tay để vực dậy những mảnh đời mà bà biết rất rõ, vẫn đang gặp rất nhiều thiệt thòi, bất công, và đau khổ tại Việt Nam.

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Tenzin Gyatso có nói, "Lòng bác ái là một trong những điều căn bản làm cho cuộc sống có ý nghĩa. Nó là nguồn mạch của niềm hạnh phúc và hoan lạc vô biên” (tôi dịch từ tiếng Anh: “Compassion is one of the principal things that make our lives meaningful. It is the source of all lasting happiness and joy"). Tình thương yêu tha nhân và sự phục vụ đồng bào của Nguyễn Thanh Thủy đã mang đến cho đời bà một ý nghĩa, và một niềm hạnh phúc vô bờ. Lòng bác ái của bà đã giúp bà vui sống, và cũng giúp bà tiếp tục chữa lành những đau đớn, mất mát trong quá khứ. Hằng tuần, khi Nguyễn Thanh Thủy tham gia những cuộc hội họp, xét duyệt những hồ sơ xin cứu tế, những nỗi đau đớn, mất mát của chính bà lại phần nào được xoa dịu.

vb8net-tns-lou-correa-vinh-_nho

Nguyễn Thanh Thuỷ hoạt động với Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị.. Được TNS Lou Correa vinh danh.
Chúng ta hãy ôn lại con đường đi tìm ánh sáng bình an của Nguyễn Thanh Thủy. “Tôi chữa dứt bệnh ung thư, thì bị mất ngủ triền miên, có uống nhiều thuốc ngủ vẫn không ngủ được. Bác sĩ gửi tôi qua Bác sĩ tâm lý ở Bệnh viện Thần kinh để điều trị. Cán sự xã hội hàng tuần tìm hiểu sinh hoạt gia đình tôi, Bác sĩ tâm lý tiếp xúc, và sau đó hướng dẫn cách trị liệu. Tự tôi khắc phục và tự thắng những ý nghĩ sai lệch đưa đến buồn chán, mất ngủ, không muốn sống do hối tiếc đã đi làm nhiều quá, thời gian chăm sóc con ít quá, bất lực không còn khả năng làm việc như trước, quá khứ đau thương quay về trong tâm não, thu nhập gia đình eo hẹp… Bác sĩ chuyên môn hướng dẫn tôi cách chữa trị, biết rõ tại sao tôi không chịu nổi tiếng động lẻng kẻng của xâu chìa khóa, do quá khứ những thời gian bị giam cầm một mình, những câm lặng chịu đựng về nghề nghiệp trở thành bệnh trầm cảm. Con gái thứ hai lại bị bệnh, phải giải phẫu cùng một lúc bướu cổ, bướu tử cung. Tôi hốt hoảng lo sợ đến cực độ. Viễn ảnh ảnh mất con làm tôi mất bình tĩnh. May mắn thay, con tôi bình phục và khỏe mạnh. Sau một thời gian, tôi trở lại cuộc sống bình thường. Tôi dành ra nhiều thời giờ gần gũi đứa con gái thứ hai hơn, và tìm cách sinh hoạt mới, có chút thu nhập cho gia đình, và giải trí nhiều hơn.”

Đối với người Mỹ, sau những kinh nghiệm kinh hoàng của chiến tranh hay tù cải tạo, họ thường nghĩ đến việc điều trị chứng Post Traumatic Syndrom Disorder, tạm dịch là những bất ổn tâm lý sau những chấn thương tâm lý. Nhưng đây là một khái niệm xa lạ đối với người Việt chúng ta. Sau hàng thế kỷ phải đối diện với chiến tranh, người Việt một cách nào đó đã học (và giữ như một bản năng cho mình) những phương cách để tiếp tục sống sau những tang thương mất mát. Nguyễn Thanh Thủy cũng dùng những sức mạnh tinh thần tiềm tàng để giúp bà sống như hôm nay, và sống một cách hạnh phúc và thanh thản. Nhưng việc gặp cán sự xã hội và chữa trị những tổn thương trong tâm lý cũng đã giúp bà rất nhiều.

Tôi vẫn thắc mắc: Nếu không đau đớn mất con năm 2001, nếu gia đình bà không phải gặp bao khó khăn tài chính khi bà bị ung thư và không làm việc được, nếu bà không quá mệt mỏi vì những gánh nặng sức khỏe vẫn đeo mang từ mười ba năm khổ sai – thì liệu Nguyễn Thanh Thủy có lâm vào tình trạng trầm cảm không? Bởi vì như bà nói, “Tôi lúc nào cũng lạc quan. Lúc trong tù, muốn trở về với gia đình và con cái thì phải giữ sức khỏe, phải có ánh sáng mặt trời mới sống được; nên lao động vừa với sức khỏe mình thôi, dù cai tù có áp bức làm thêm tôi cũng không làm. Tôi đã đốt hết hồ sơ mật trước ngày mất miền Nam, nên tôi không ái ngại về việc ảnh hưởng đến nhân viên cộng tác và tôi bình thản trả lời khi bị hỏi cung. Ăn uống thiếu thốn đói khổ, rách rưới tôi chịu đựng được. Tôi đã từng ăn củ chuối, lấy cỏ làm rau, lấy sợi dây bao cát đan áo len để mặc ấm… Biệt giam ở phòng tối, từng ở một mình trong phòng giam hằng cả năm trời. Đi tù Cộng Sản, tôi vẫn giữ vững lý tưởng chống Cộng Sản vì muốn miền Nam Việt Nam Cộng Hòa được tự do dân chủ. Tôi luôn hãnh diện về việc làm trong quá khứ. Tôi làm tròn trách nhiệm cấp chỉ huy, ở lại chia sẻ cảnh khốn cùng với thuộc cấp. Bên cạnh cuộc sống tù, tôi luôn cầu nguyện để Chúa an ủi chia sẻ phần tâm linh, và hy vọng các nước trên thế giới kêu gọi, làm áp lực để Việt Nam Cộng Sản thả tù cải tạo.

Khi ra khỏi tù, tôi sống bốn năm trời trong nhà tù lớn của Cộng Sản, nếm bao tủi nhục của kẻ không tiền, không nơi cư trú, không giấy tùy thân, chồng vợ, con cái mỗi người mỗi nơi, trong khi nhà cửa bị Công Anh Cộng Sản lấy ở. Tôi phải can đảm làm việc gì có thể nuôi con, nuôi Mẹ già cho Việt Cộng thấy dù áp bức tới đâu, tôi vẫn đủ nghị lực vươn lên để tồn tại.

Sang tới Mỹ, cả bầu trời tươi sáng cho gia đình chúng tôi, tất cả đều có công ăn việc làm, dù lương không cao nhưng cũng đầy đủ. Gia đình gặp trở ngại sức khỏe, rồi cũng được giúp đỡ, chữa trị. Tôi lúc nào cũng vui và hạnh phúc vì con gái thứ hai vẫn đến trung tâm Goodwill Industries làm, con trai đã lấy bằng master và có sáu năm quân ngũ trong Không quân trừ bị Hoa Kỳ. Tôi kiêu hãnh thấy Việt Cộng cố trù dập gia đình tôi đến tận cùng, nhưng nay ở Mỹ, gia đình đoàn tụ và hạnh phúc.”

Trong các cuộc nghiên cứu xã hội về ảnh hưởng của tang thương và mất mát trên các thế hệ đi sau, các học giả vẫn ghi nhận mối dây ràng buộc và tương quan mật thiết giữa thế hệ cha mẹ và con cái trong lãnh vực này. Khi thế hệ cha mẹ trãi qua những khó khăn và thử thách, thì ảnh hưởng trên thế hệ con cháu chắc chắn sẽ rất rõ ràng. Họa sĩ Jerry Trương, vốn sinh ra tại Mỹ, vẫn hồi tưởng kinh nghiệm vượt biển và tỵ nạn của ba mẹ anh trong các sáng tác như “Biến Mất” hay “Lớp/Vỏ.”

Tiến sĩ Eliza Noh, một phó giáo sư và người điều phối chương trình Sắc Tộc Học Á Mỹ tại Đại học Cal State Fullerton, đã nhận định về mối tương quan này trong những nghiên cứu của cô về vấn đề trầm cảm trong cộng đồng Á Mỹ. Mẹ cô là người Huế, cha cô là người Đại Hàn, nên Tiến sĩ Noh có một kinh nghiệm trực tiếp của cả hai sắc dân. Cô nói (tiếng Anh, tác giả chuyển ngữ), “Các cuộc nghiên cứu đã cho thấy ảnh hưởng liên-thế-hệ của tang thương, nhất là những nghiên cứu về trẻ em trong những gia đình Nhật bị tản cư thời Đệ Nhị Thế Chiến, hay trong các gia đình tỵ nạn Đông Nam Á và những người sống sót diệt chủng. Trong các nghiên cứu của tôi về nạn tự tử của phụ nữ Mỹ gốc Á, tôi cũng tìm thấy những tương quan liên-thế-hệ, chẳng hạn như bệnh trầm cảm hay những bạo hành đi từ thế hệ này sang thế hệ sau.”

Gần một năm sau khi mất con và phải nằm nhà chữa trị ung thư, Nguyễn Thanh Thủy cảm thấy túng quẫn về tinh thần. Bà cảm thấy bất lực trước hoàn cảnh. Bà bắt đầu mất ngủ, hay bực bội, và thường xuyên nổi giận. Gia đình chìm vào lo lắng, buồn bã, ảm đạm. Con trai bà, Quân Lê, quá lo lắng cho Mẹ, nên khuyên bà đi khám bệnh. Nhưng những bác sĩ tâm lý đã chữa bệnh cho bà đều không giúp được gì cho bà. Không chịu được cảnh Mẹ mình khổ sở, đã gọi đường dây giúp đỡ của Quận, và nói chuyện với Cô J., một cán sự xã hội nhiều kinh nghiệm và tận tâm. Cô J. xin phép nói chuyện với Nguyễn Thanh Thủy, và đã đến tận nhà để gặp bà.

nu_quan_nhan_vnch_hoi_ngo_nho

Ngày Cựu Nữ Quân Nhân VNCH hội ngộ tại Hoa Thịnh Đốn. (Photo: Olivier Glassey-Trầnguyễn)
Cô J. là một cán sự yêu nghề. Cô đã dành rất nhiều thời gian để giúp Nguyễn Thanh Thủy lấy lại cân bằng tâm lý. Khi được hỏi liệu cô có phải cố gắng nhiều hơn bình thường trong trường hợp của Nguyễn Thanh Thủy không, Cô J. đã nói, “Có chứ! Tôi đã cố gắng nhiều gấp bội, nhưng tôi rất quyết tâm muốn giúp Chị Thủy. Tôi thấy Chỉ khổ quá nhiều rồi! Tôi muốn Chỉ được hạnh phúc.”

Cuộc chiến chống lại cơn bệnh trầm cảm của Nguyễn Thanh Thủy không phải là một con đường trơn tru, và ngay cả sau khi đã chữa bệnh xong, bệnh vẫn có thể tái phát. Nhưng chúng ta hãy tìm hiểu xem những yếu tố nào đã giúp bà vượt qua căn bệnh này. Cô J. khẳng định, “Có ba yếu tố chính giúp cho Chị Thủy chữa khỏi bệnh. Thứ nhất, Chỉ tin tưởng ở tôi. Thứ hai, tôi rất muốn giúp Chỉ. Và thứ ba, rất quan trọng, Chị Thủy tin tưởng vào Chúa.” Và theo tôi, Nguyễn Thanh Thủy cũng được phần nào chữa lành với niềm an ủi là con gái út còn sống, và những thành tựu về nghề nghiệp mà con trai bà đã đạt được. Đây là những cái phao cuối cùng để giúp bà ngoi lên mặt nước, hướng vào bờ.

Hành trình gian nan tìm lại sự quân bình tâm lý được đánh dấu bởi những cố gắng để vượt qua những thử thách bắt nguồn từ quá khứ. Nguyễn Thanh Thủy rất sợ tiếng động. Bà không thể lái xe từ ngày qua Mỹ, cũng như không thể giữ chìa khóa trên người. Bà sợ tiếng động, vì từ những đêm thâu thăm thẳm của biệt giam, tâm trí bà đã bị bất cứ tiếng động nào làm kinh sợ. Tiếng chìa khóa khua vào nhau làm bà nhớ đến trại cải tạo, nơi mà tiếng chìa khóa đồng nghĩa với việc hỏi cung thâu đêm, hay với việc một bạn tù bị mất tích ngày hôm sau. Người bị mất tích – bất cứ lúc nào – có thể là chính bà.


Tuy năm năm dài chữa bệnh với Cô J. là một thời gian nhiều thách đố, nhưng vẫn có những biến cố khá thú vị mà chính Nguyễn Thanh Thủy cũng bật cười khi kể lại. Chẳng hạn khi Cô J. thí nghiệm, cho hai nhân viên bảo vệ đi xuống để hộ tống bà lên văn phòng, Nguyễn Thanh Thủy đã biểu hiện những bực dọc, ức uất, và tức giận đến tột độ, nhìn họ với ánh mắt vừa ghét vừa sợ. Chúng ta cùng đi lại đoạn đường này với bà, “Có quá nhiều những biến chuyển trong đời sống gia đình: tôi mất đứa con gái lớn, tôi phải mổ ung thư tử cung, chăm sóc bệnh cho con gái út phải giải phẫu bướu cổ và bướu tử cung, không còn trông coi quá Thiên Nga được. Tôi khởi sự mất ngủ và buồn chán, thích yên lặng, ghét tiếng động, trước mắt là màn hình về quá khứ đau thương. Tôi được Bác sĩ cho phép uống thuốc ngủ, uống ba tháng liền không thấy giảm. Bác sĩ gửi qua chữa trị ở Bệnh viện Thần kinh. Tôi chữa trị trong nhóm của Bác sĩ A. và Cán sự J. Mới đầu, hàng tuần Cô J. đến nhà gợi chuyện, tìm hiểu sinh hoạt gia đình, buồn vui cá nhân đối với chồng con, bạn bè, vv, quá khứ bị tù tội dưới chế độ Cộng Sản, tham gia trong chế độ cũ, bị giam cầm nhiều năm. Sau đó hai tuần, tôi gặp gỡ Cô J. một lần, rồi mỗi tháng một lần. Cô có nhiều phương thức thử nghiệm tận gốc, hồi ức buồn phải tự mình xóa, để chóng hồi phục.

Trong thời gian điều trị, Cô J. biết trong lòng tôi còn nhiều uất ức hận thù với chế độ Cách Mạng đã đày ải áp bức. Cô mới thử xem mức độ biểu hiện ra sao. Một ngày đó, tới giờ hẹn tái khám ở Bác sĩ A., có hai nhân viên bảo vệ mặc áo đồng phục màu Kaki vàng, tay cầm xâu chìa khóa, đi cùng thang máy với tôi, cùng vào phòng đợi của Bệnh viện Thần Kinh. Sau khi ghi danh, nhân viên tiếp bệnh nhân báo cho Cô J. Cô mở cửa gọi tôi vào phòng làm việc. Cô hỏi tôi sao nhìn chăm chăm hai người bảo vệ, có vẻ khó chịu, bực dọc, tức giận họ. Tôi trả lời, “Mỗi lần thấy màu áo kaki này, tôi nhớ hình ảnh con bò vàng, tức ông cai ngục trong trại tù hiện trong não ngay, lại còn lay động xâu chìa khóa, tiếng động mở cửa, đóng cửa phòng giam mà suốt 13 năm tù tôi luôn nghe và bị gây sợ hãi, mất ngủ…

Cô đã hướng dẫn vài cách để theo đó tự tập chữa lấy. Tôi chịu nghe lời chỉ dẫn, thời gian vài năm bớt dần. Sau năm năm, tôi thấy hồi phục và trở lại bình thường, ăn ngủ, đời sống không trở ngại như trước đây.”

Cô J. đã xác nhận với tôi, “Chị Thủy là một học sinh xuất sắc, chịu khó nghe lời tôi, và làm theo lời tôi dặn.” Nhưng những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm lý vẫn là một đề tài tế nhị đối với cộng đồng Việt Nam, nên phần đông những người cần giúp đỡ thường không nghĩ đến việc sử dụng những dịch vụ xã hội sẵn có. Tuy nhiên, theo anh Tri Nguyễn, thì đã có những thay đổi trong cách nhìn về các dịch vụ này trong những năm gần đây trong cộng đồng Việt Nam. Là một chuyên gia tâm lý tại the Community Research Foundation ở San Diego, anh Tri cố vấn cho các gia đình Việt Nam trong vùng. Anh nói (tiếng Anh, tác giả dịch), “Tuy việc sử dụng những dịch vụ xã hội này còn chưa phổ biến trong cộng đồng chúng ta so với dòng chính, nhưng trong những năm gần đây, tôi có nhận thấy sự gia tăng trong việc chấp nhận và sử dụng các dịch vụ này.”

Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng, chữa trị tâm lý lâm sàng không nhổ tận rễ những căn cơ gây ra bất ổn tâm lý và đau khổ cho một cá nhân. Theo tôi, mỗi người là một thành viên của xã hội, nên tiến trình chữa lành cũng cần sự hiện diện của cả xã hội. Và nếu cái kinh nghiệm đau khổ cũng là một kinh nghiệm cộng đồng, thì qua trình chữa lành, xoa dịu cũng cần là một kinh nghiệm cộng thông. Thiết nghĩ, đó cũng chính là lý do mà cộng đồng Việt Nam của chúng ta ở khắp nơi trên thế giới đều có những hội tương trợ, quy tụ những cá nhân có cùng chung một kinh nghiệm nào đó, như những cựu tù nhân, những cựu sinh viên, hay đồng hương cùng một quê quán.

Cho nên qua dự án này, tôi cũng nhắm vào việc đưa kinh nghiệm hỏa lò vào một cuộc đối thoại cộng thông. Tôi chủ trương đưa ra kinh nghiệm tang thương của thế hệ đi trước, như một cuộc hành hương cho thế hệ đi sau và tất cả những ai quan tâm, cùng tìm về một miền đất đã nhiều lần bị chế độ toàn trị niêm phong. Tôi tìm về, để thứ nhất, truy nhận một mảng lịch sử đau thương, không chỉ cho những ai bị đọa đày, trù dập, mà cho cả một dân tộc phải trãi qua những ngày tháng như thế. Thứ hai, tôi tìm về, là để bày tỏ sự biết ơn với thế hệ đi trước. Nếu thế hệ cha mẹ, ông bà đã không kiên trì, vượt khổ từng ngày, thì không biết thế hệ chúng tôi đang trôi dạt nơi nào trong thế kỷ 21 này. Thứ ba, tôi tìm về, là để đưa ra ánh sáng những sự thật mà vì tân toan của kiếp tha phương, vẫn chưa được tỏ bày sau gần bốn thập niên bị chôn giấu. Tôi biết, rất nhiều những bậc như Nguyễn Thanh Thủy đã ra đi, và chứng từ của họ đã mãi mãi đi vào lòng đất.

Nhưng trên hết, tôi tìm về, là để đi tìm công bằng và công lý – cho dù nó là một ánh công lý từ xa – cho những vị đã qua những năm khổ sai của hỏa lò, cho những con dân Việt đã sống qua cái thời ô nhục hậu chiến ấy. Sự công bằng nằm ở chỗ là cuối cùng, tiếng nói của họ được thế hệ đi sau gìn giữ và trân trọng, và đưa vào những diễn đàn thế giới. Công lý ở chỗ những bất công họ chịu và những kinh nghiệm thừa chết thiếu sống được nhắc lại, để mọi người cùng soi rọi, và cùng thấy mình trong đó, cho phép người Việt khắp nơi trên thế giới có thể gắn bó với nhau qua việc ôn lại lịch sử.

Bất cứ ai cũng có thể thấy một mảnh đời mình trong câu chuyện của Nguyễn Thanh Thủy. Người đó có thể là một người Mẹ đã từng mòn mỏi nuôi cháu chờ con chờ rể. Người đó có thể là một đứa bé, lớn lên trong thời hậu chiến nhập nhằng đen trắng, đầy giả trá, với bài học vỡ lòng là phải ngăn cách với mẹ cha. Người đó có thể là một thuyền nhân, khắc khoải mong tin người thân đã bặt tin trong hỏa lò ở phía bên kia đại dương. Người đó cũng có thể là một người di tản buồn, nhưng vực mình dậy, và đấu tranh cho chương trình H.O. được thành hiện thực. Người đó là một cựu tù nhân, đọc chuyện thương tâm ngày cũ, thương bạn, thương mình xót xa. Và còn rất nhiều, rất nhiều những người đó trong từng cuộc đời của người Việt xa xứ.

Câu chuyện của Nguyễn Thanh Thủy là câu chuyện của bao người Việt tỵ nạn, tìm cho mình và gia đình mình một tương lai sáng sủa hơn, để giúp đỡ người thân còn ở Việt Nam, cũng như dấn thân trong các công tác cộng đồng để cải tiến xã hội tại đây cũng như tại quê nhà. Nếu lòng nhân ái làm cho đời sống có ý nghĩa, thì lòng nhân ái cũng có sức mạnh chữa lành cho nhiều người đã từng chịu can qua, như Nguyễn Thanh Thủy. Sức mạnh mà bà tìm thấy đến từ nội tâm, nhưng cũng đến từ nghĩa tình với cuộc đời, với tha nhân. Và bà cũng bám vào sức mạnh thiêng liêng để vươn lên.

Sau năm năm chữa bệnh trầm cảm, bệnh của Nguyễn Thanh Thủy thỉnh thoảng lại tái phát. Chính những vị lương y ẩn danh đã tiếp tục giúp bà tìm lại cân bằng trong cuộc sống. Bởi vậy, “Tôi và gia đình đi nhà thờ Tin Lành đường 17th. Nhà thờ sau này phải bán cho Đại học Santa Ana College, nên dời về nhà thờ đường 13th. Nhà thờ này lại hơi nhỏ, nên dời đến nhà thờ mới lớn hơn, cùng với số tín đồ Việt nam đang có mặt tại nhà thờ này. Đến lượt gia đình tôi dọn qua thành phố Anaheim, việc đến nhà thờ rất xa, mất nhiều thì giờ cho mỗi sáng Chủ nhật, nhưng gia đình vẫn chịu khó lái xe để tiếp tục sinh hoạt tại nhà thờ. Lý do là từ ngày sang Mỹ, tôi chỉ đi một hội thánh này, xem anh chị em trong hội thánh như anh chị em của đại gia đình mình. Ngoài Đức Tin mỗi con cái Chúa dâng lên Chúa, mỗi sáng Chúa Nhật bắt tay hỏi thăm nhau, cầu nguyện cho nhau, chia sẻ buồn vui của nhau trong tuần qua, để nâng đỡ Đức Tin của cộng đồng. Nếu thấy ai đời sống sa sút về sức mạnh tâm linh đến thăm viếng, cầu nguyện, an ủi. Gần 20 năm qua, dưới mái ấm của cộng đồng Đức Tin Thiên Chúa, lòng tôi được thanh thản trong tình yêu thương, trong sinh hoạt tại đây, đôi khi có vài cơn sóng nhẹ, nhưng không đáng kể, gia đình chúng tôi vẫn duy trì sinh hoạt và thờ phượng ở Hội Thánh này.”

Các cộng đồng tín ngưỡng vẫn luôn là nguồn an ủi lớn cho những ai chịu nhiều đắng cay trong cuộc sống, giúp họ khơi lên ánh sáng từ bên trong, những ngọn nến soi rọi đêm đen. Hành trình của Cựu Thiếu tá Biệt động Thiên Nga Nguyễn Thanh Thủy chính là một trong muôn vàn ánh nến đã từ lâu thắp lên ánh sáng Đức tin, Hy vọng, và Nhân ái trên một trang lịch sử bi ai của dân tộc.

Ngày 9 tháng 3 vừa qua, bà Nguyễn Thanh Thủy đã được văn phòng TNS Lou Correa tuyên dương vì những đóng góp tích cực của bà cho cộng đồng Việt Mỹ tại Quận Cam.

Khi được mời chia sẻ về sức mạnh của hồng ân và lời nguyện trong việc chữa lành những vết thương của con người, Cha Đinh Minh Trí, Dòng Tên, vị linh hướng của Phong trào Đồng Hành tại Hoa Kỳ, đã nói, “Gần đây tôi có dịp viếng thăm một bệnh nhân bị xe cán rất là nặng. Tôi mời ông ta mở lòng để đón nhận ơn lành phần hồn lẫn phần xác. Ông ta rất thành thật tâm sự với tôi cuộc đời khó khăn của ông, nhất là về việc làm hòa với Chúa. Chúng tôi đàm thoại về vài cách ông ta có thể tiến tới trong cuộc hành trình đức tin. Ông ta đón nhận hết lòng và rơi lệ. Lòng ông càng bình an, thì bác sĩ lại càng ngạc nhiên về sự hồi phục mau chóng của ông.”

Cha Trí nói thêm, “Đây chỉ là một kinh nghiệm trong cuộc đời phục vụ của tôi được chứng kiến sức mạnh của ân sủng Chúa. Thiên Chúa luôn luôn giang tay, ban tặng nhiều ân sủng để chữa lành và ban sức sống dồi dào cho chúng ta. Nhưng Ngài không ép, mà khiêm nhường chờ đợi. Khi chúng ta mở lòng để Chúa là Chúa trong cuộc đời chúng ta, các ân sủng ấy biến đổi chúng ta.”
Tôi nhớ đến Vị lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Công Giáo Việt Nam, Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, một ngọn thiên đăng. Ngài đã chịu mười ba năm lao tù, và trong thời gian đó, Ngài đã viết những tài liệu quý giá, những bài thơ tha thiết, những kim chỉ nam thiết thực, những chứng từ Đức Tin mãnh liệt. Trong chúc thư, Ngài viết, “Tôi thanh thản ra đi, và tôi không giữ lòng oán hận nào đối với ai. Tôi dâng tất cả những đau khổ tôi đã trải qua cho Đức Mẹ Vô Nhiễm và Thánh Giuse.” Điều mà chúng ta kính ngưỡng ở Ngài, chính là tinh thần lạc quan và niềm hy vọng tràn trề, dù giữa cảnh ba đào.

Trong Tháng Tư Đen thứ 37 này, chúng ta cùng hướng lòng về những sức mạnh tinh thần đã giúp dân tộc chúng ta vượt thắng bao gian nguy, khổ ải, kiên quyết đi tìm Công Bình, Tự Do, và Dân Chủ. Chúng ta cùng chiêm ngắm những ánh nến xung quanh chúng ta, vẫn tỏa sáng trong những người thân yêu và trong cộng đồng của chúng ta.

Để chúng ta cùng trở thành một Tháng Tư Sáng, xóa mờ bất công, tái thiết an bình, hạnh phúc. Để chúng ta cùng nhau chữa lành những vết thương trên thân thể dân tộc Việt Nam, và trên từng con người, từng gia đình của chúng ta. Để sau 37 năm tha phương, chúng ta được cùng bừng sáng trong một cuộc sống mới, một vận hội mới, cùng chỗi dậy trong một niềm tin mới vào đường sống của quê hương Việt Nam.

Để chúng ta có thể chúc mừng nhau một Tháng Tư Sáng trong năm 2012, và những năm tới nữa. Sáng trong hy vọng. Sáng trong niềm tin. Sáng trong chiến thắng của Chân Thiện Mỹ.

Trang Đài Glassey - Trần Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
05/05/201203:19:49
Khách
Thiếu tá Nguyễn Thanh Thuỷ: Người công dân và người chiến sĩ gương mẫu của quốc gia Việt Nam Cộng Hoà- " Non nước cực tang thương, Chí giữ bền, danh không nhục" ( trích)-, một cấp chỉ huy đầy trách nhiệm, một người tỵ nạn đầy lòng nhân ái ( "Nhiều năm nay, bà đã tận tụy giúp đỡ những gia đình thương phế binh tàn tật, góa bụa ở Việt Nam qua công tác thiện nguyện với Hội TPB/QPVNCH").
Cám ơn người viết Trang Đài Glassey- Tran Nguyen đã viết về cuộc đời ngoại hạng của thiếu tá Nguyễn Thanh Thuỷ.
02/06/201205:53:38
Khách
Xin cảm ơn Quang Phan và Melody Trần. Trang Đài sẽ thu xếp để tiếp tục đóng góp thêm bài mới như quý vị khuyến khích.
02/05/201220:09:52
Khách
Melody đã theo dõi bài viết từ phần I, đã hồi hộp, xúc động, và rơi nhiều nước mắt khi đọc về những quãng đời đầy đau thương của cô Nguyễn Thanh Thuỷ. Đã từng đọc và vô cùng cảm phục trước những tấm gương về lòng chung thuỷ, sức chịu đựng và nghị lực của những người mẹ, người vợ trong "Hồi ký những người vợ tù cải tạo." thì nay lòng cảm phục đó lại nhân lên gấp đôi vì chính cô Thuỷ vừa là vợ mà cũng là 1 người tù cải tạo. Xin cầu chúc cô và gia đình thật nhiều sức khoẻ và hạnh phúc. Cũng xin cảm ơn tác giả Trang Đài đã viết loạt bài phóng sự rất súc tích và cảm động này. Mong được đọc thêm nhiều bài viết nữa của Trang Đài.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,264,940
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến