Hôm nay,  

Chuyện Về Những Chiếc Xe

20/04/201200:00:00(Xem: 129285)
Tác giả sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, đang làm việc trong phân xưởng in của một nhà máy tại địa phương. Sau đây là bài Viết Về Nước Mỹ thứ ba của cô.

Người ta thường ví những chiếc xe đẹp như những người phụ nữ đẹp! Do vậy, các siêu người mẫu, Hoa Hậu, Á Hậu... thường được mời chụp hình, quay phim quảng cáo cho những chiếc xe sắp tung ra thị trường nhằm gây sức thu hút từ giới tiêu thụ! Riêng với tôi, một chiếc xe không chỉ đơn thuần là một phương tiện đi lại mà nó còn nói lên tính cách, sự thăng trầm của một đời người và quan trọng hơn hết nó còn gắn liền với cả vận mệnh của một dân tộc nữa!!!

1. Chiếc xe: phương tiện đi lại không thể thiếu.

Hồi còn ở Việt Nam trong lúc chuẩn bị đi Mỹ tôi cũng đã trải qua vài tuần lễ đi học lái xe hơi vì ai cũng khuyên rằng "Không biết lái xe là không có job!". Thật vậy, khi đã đặt chân đến đất nước này tôi mới thấy hết tầm quan trọng của một chiếc xe là vô cùng to lớn. Có nhiều người đến định cư ở Mỹ khá lâu mặc dù không biết tiếng Anh nhưng nhờ biết lái xe nên họ cũng có thể tìm được những việc làm trong cộng đồng của mình! Ở Mỹ từ thiếu niên 16 tuồi đến cụ già 90 hầu như ai cũng có bằng lái xe (Driver license), nó còn được xem như là một Thẻ Căn Cước khi cần xuất trình để nhận diện mà người Mỹ quen gọi là ID (Identity Card). Do sự cần thiết của chiếc xe như vậy nên giá cả xe cũng rất linh động để đáp ứng cho mọi khách hàng từ vài ba trăm cho đến vài chục ngàn hay cả triệu mỹ kim một chiếc xe là chuyện có thật.

Mỗi một chiếc xe phản ánh một cá tính, một quan niệm sống, một bước ngoặc trong cuộc đời của người chủ sở hữu nó! Lúc trẻ các chàng trai, cô gái còn háo thắng thích loại xe sport hai cửa với dáng vẻ thể thao, nhanh gọn và cũng không kém phần mạnh mẽ! Đến tuổi trung niên, người ta "đầm" lại thích loại xe bốn cửa để tiện dụng cho cả gia đình. Và khi tuổi già bóng xế lúc mà con cái đã dọn ra ở riêng và người bạn đời cũng đã "đi trước" thì chiếc xe là kẻ đồng hành chia xẻ những vui buồn với người lái trong suốt quãng đời còn lại!

Đối với giới trung lưu ở Mỹ thì một người đàn ông sở hữu ba, bốn chiếc xe là chuyện bình thường. Bởi như đã nói ở trên chiếc xe cũng ví như một người phụ nữ, nên mỗi chiếc xe đều có một tính cách riêng và nét hấp dẫn riêng của nó! Ngoài chiếc sedan bốn cửa cổ điển để đi làm mỗi ngày chủ nhân còn có thêm chiếc pick-up truck để tiện cho việc mua sắm các hàng hóa cồng kềnh mà xe thường không thể tải nặng. Vào cuối tuần, hoặc các dịp tiệc tùng đặc biệt dành cho hai người thì chiếc convertible mui trần là thích hợp hơn cả, nó làm tăng nét lịch lãm và sành điệu cho người lái một cách đáng kể! Chưa kể là trong garage của người yêu tốc độ thường có thêm một chiếc mô-tô 750 hay1500 phân khối để chủ nhân có thể vi vút tong những buổi đẹp trời. Đó là những cánh mày râu có rủng rỉnh tiền nên có khả năng sưu tầm "xế đẹp" về làm của riêng, nhiều người không tiền nhưng vẫn có bệnh mê xe cũng đông vô số chẳng hạn như ông xã tôi đây! Trên thị trường vừa có sản phẩm xe mới là chồng tôi cho vào "bộ nhớ" ngay lập tức, nhiều lúc đang chạy trên freeway thấy thấp thoáng từ xa một "em" trông thật hấp dẫn là chàng phải bằng mọi giá tiến đến sát bên để "nghía" cho bằng được mới thỏa lòng. Do đó chỉ cần thấy cái đít hay cái đầu của một "em" nào ở trước hay sau tầm ngắm thì chàng sẽ đọc vanh vách hiệu xe, đời xe cho tôi biết ngay. Nhưng! Mặc dù mê xe như vậy nhưng khả năng tài chánh có hạng nên cho đến nay chồng tôi vẫn phải "trung thành" với chiếc SUV từ đời 2005!!

Thỉnh thoảng trên đường phố đôi khi tôi hay bắt gặp những chiếc xe của thập niên 60, 70 vẫn còn lưu hành do một số người vẫn còn ưu ái nét đẹp cổ điển của chúng. Những "người đẹp cao niên" này gần như phải giải phẩu thẩm mỹ toàn diện từ dàn máy cho đến dàn đồng, bù lại chúng là niềm kiêu hãnh của những chủ nhân vì đã biết sưu tầm loại "hàng độc" vô giá!!!

Người ta cũng thường hay ví von "xe là người" chắc cũng không sai! Chỉ cần đi ngang qua một chiếc xe đang đậu ở các parking lot là ta có thể đoán được được phần nào về người chủ của nó. Có những chiếc xe chất đầy ấp các thứ lỉnh kỉnh từ quần áo, vật dụng đến cả các rác rưởi từ trên ghế cho đến gầm xe thậm chí không còn chỗ trống cho người ngồi cạnh thì ta cũng đủ hình dung căn nhà họ ở cũng tương tự không kém. Ngược lại, có những chiếc xe được chăm sóc sạch sẽ từ trong ra ngoài thậm chí không một tí bụi nào có cơ hội bám trên thành xe thì dư biết chủ nhân là người rất ngăn nấp và yêu xe!

Hình như mỗi một địa phương hay một dân tộc đều có một "gu" sử dụng xe thì phải? Hồi còn ở miền Bắc tiểu bang Pennsylvania thỉnh thoảng tôi mới bắt gặp một chiếc xe pick-up truck lưu thông trên đường phố. Ấy vậy mà tại miền Nam Texas này hình ảnh xe pick-up truck và chiếc nón cao bồi miền Viễn Tây đã là một biểu tượng rất quen thuộc của mọi người dân. Chẳng ai buồn ngạc nhiên khi thấy có những Đại lý bán độc nhất một loại xe pick-up truck vì sản phẩm này quá phổ biến tại đây, từ thanh niên cho đến các bậc trung niên hay lão niên, nam cũng như nữ ai cũng đặc biệt yêu thích chúng.

Một khía cạnh khác nữa là trong khi các hãng xe của Nhật như Toyota, Honda, Nissan... đang "làm mưa, làm gió" tại thị trường Mỹ và trên thế giới thì họ lại gặp thất bại thảm hại ở Đức! Thật vậy! Trải qua ba tuần lễ rong ruỗi từ miền Bắc xuống miền Nam của Đức quốc tôi đã hết sức ngạc nhiên vì thấy các loại xe "Made in Japan" quá hiếm hoi tại xứ sở này, lý do hết sức đơn giản rằng xe Nhật không rẻ, vỏ xe không dày, trọng lượng không nặng... đưa đến cảm giác không an toàn cho người sử dụng! Một điều rất thú vị là người Đức rất ý thức tốt về bảo vệ môi trường nên việc sử dụng xe đạp, xe điện, xe lửa rất phổ biến tại đây.


2. Chiếc xe: bước thăng trầm của một đời người.

Mỗi một chiếc xe đánh dấu một bước ngoặc trong cuộc đời của mỗi người. Tôi nhớ lại chiếc xe đạp cọc cạch của mình hồi còn ở Việt Nam suốt mười mấy năm đèn sách từ Trung Học lên đến Đại Học. Lúc mới ra trường đi làm thời bao cấp lương mỗi tháng quá ít ỏi nên nếu không có sự "tài trợ" của gia đình thì chẳng biết đến bao giờ tôi mới có đủ tiền mua một chiếc xe gắn máy cho riêng mình. Đến giữa thập niên 90 trong khi những bạn đồng nghiệp của mình "lên đời" với những chiếc Dream 2, Spacy, xe tay ga đắc tiền thì tôi vẫn "chung tình" chiếc Honda 82.

Lần đầu tiên đến Mỹ được làm chủ một chiếc xe bốn bánh tôi thật xúc động làm sao mặc dù đó chỉ là một chiếc xe hơi cũ đã hơn 115.000 mile! Có thể nói đây là một cuộc "lên đời" ngoạn mục của không riêng gì tôi mà hầu như tất cả những người Việt Nam nào đã trải qua những ngày tháng ăn bo bo, khoai mì độn cơm thì làm sao có thể tưởng tượng cũng có ngày mình tự vận hành một chiếc xe hơi riêng trên các xa lộ của xứ cờ hoa này. Tôi nhớ đến bạn tôi, một người con gái quê ở Cà Mau trình độ học vấn chỉ mới lớp 5 trường làng, hồi còn ở Việt Nam chị sống bằng nghề may, đến mùa cá chị thường theo ghe của gia đình phụ đi biển. Hồi mới sang đây chị đã chật vật lắm mới lấy được bằng lái xe vì rớt phần lý thuyết hàng chục lần do không hiểu bài thi; với vốn tiếng Anh quá hạn hẹp nhưng bù vào đó chị rất siêng năng cần cù lúc nào cũng làm hai job nên mỗi khi cần đổi xe mới chị thường "pay off" ngay mà không phải trả góp như bao người khác.

Đã hơn ba thập niên đã trôi qua, giờ đây chẳng ai còn xa lạ với hình ảnh hàng loạt xe Honda, Toyota, Acura, Lexus, BMW, Mercedes ... đời mới trong các khu Shopping Center của người Việt Nam tại Mỹ; điều này nói lên sự thành công của một cộng đồng gốc Việt sau bao gian truân, thử thách nơi xứ người.

Tôi lại miên man nhớ đến ba tôi: một công tử con nhà giàu 18 tuổi đã có xe hơi riêng ở khoảng thập niên 50; trước 30 tháng 4 năm 1975 ba mẹ tôi từng sở hữu vài chiếc xe hơi và vài căn nhà trong nội thành Sàigòn. Sau ngày giải phóng ba tôi cũng giống như hàng triệu người khác dùng xe đạp làm phương tiện duy nhất để đi lại. Tôi còn nhớ chiếc xe đạp lúc ấy được xem như là báu vật của một gia đình, nó vừa là đôi chân vừa là điều kiện sinh nhai của mọi người. Một chiếc xe đạp Trung Quốc hay Liên Xô là niềm mơ ước của bao người thời đó!!!

Cũng vào những năm đầu sau ngày “Giải phóng Sàigòn” lúc đó gia đình cô tôi nằm trong diện cải tạo Công thương nghiệp bị đuổi đi Kinh Tế Mới, cô đã đem chiếc xe Toyota mới mua của mình để đổi lấy cuộc sống được ở lại thành phố cho cả nhà. Còn phần ba tôi hồi Cộng Sản mới vào Saìgòn bị "đóng mộc" là Ngụy quân, Ngụy quyền nên ông không thể nào tìm được công việc làm ở đâu cả, với kinh nghiệm lái xe mấy chục năm ròng rã cuối cùng ba tôi quyết định mua một chiếc Taxi cũ chạy kiếm sống qua ngày.

Hơn 37 năm trôi qua giờ đây người dân trong nước đã có một số người có cuộc sống sung túc hơn, có thể sắm cho mình một phương tiện di chuyển khá hơn. Riêng hàng đại gia và giới Showbiz Việt còn tậu được xe hơi "siêu sang", du thuyền đắt tiền hay máy bay riêng để phục vụ cho việc kinh doanh của họ thêm nhiều thuận lợi.

Tuy nhiên, theo tin tức của một tờ báo trên mạng xã hội cho biết là giá xe hơi tại Việt Nam đang đắt nhất trên thế giới!? Nó gấp hơn hai lần so với các nước phát triển và gấp 1,5 lần so với trong khu vực, ngoài ra người tiêu dùng phải trả giá đắt gấp ba lần cho một chiếc xe sản xuất từ Mỹ! Việt Nam đang đứng trước một nan đề về ùn tắc giao thông do lưu lượng xe và người đang là quá tải tại những thành phố lớn mặc dù đã có nhiều biện pháp giải quyết nhưng vẫn chưa có kết quả thỏa đáng. Do vậy, việc tăng thuế nhập khẩu xe hơi, thuế trước bạ, phí lưu hành xe, phí giữ xe... hàng loạt nhằm mục đích hạn chế giấc mơ "xế hộp" của nhiều người!


Tội nghiệp cho dân Việt Nam sau bao năm miệt mài phấn đấu giờ đây dẫu có tiền mua xe nhưng lại không "có đường" để chạy!

3. Chiếc xe: gắn liền với vận mệnh của một dân tộc.

Nếu ai đã từng sống ở Việt Nam vào thời điểm cuối tháng 4 năm 1975 thì chắc sẽ chứng kiến cảnh bát nháo "bỏ của chạy lấy người" của người Sàigòn lúc bấy giờ. Trong cảnh hỗn loạn đó có kẻ đã bỏ lại chiếc xe hơi thân yêu là phương tiện duy nhất đưa họ đến các sân bay hoặc bến cảng để tranh tìm một chỗ ngồi chật hẹp trên những chuyến phi cơ hay chuyến tàu cuối cùng rời bỏ quê hương. Chẳng biết thân phận của những chiếc xe ra sao nhưng chắc chắn chủ nhân của nó đã khóc hết nước mắt cho quê hương, gia đình và bản thân suốt những năm tháng sống đời tha hương nơi đất khách quê người!

Cho đến giữa thập niên 80 của thế kỷ trước hình ảnh chiếc xe đạp cọc cạch vẫn quá quen thuộc với bao nhiêu người Việt Nam khắp từ Nam ra Bắc. Trong trường tôi học ngày đó từ Hiệu trưởng cho đến các Giảng Viên, Công Nhân Viên và Sinh viên ai cũng có một "con ngựa sắt" làm chân, chỉ trừ khi đi công tác thì Hiệu trưởng mới được dùng"ô-tô con" theo "tiêu chuẩn" của nhà nước ban hành. Trong trường thỉnh thoảng cũng có vài chiếc xe gắn máy đời mới mà chủ của chúng thường là những sinh viên diện COCC (Con Ông Cháu Cha) lắm tiền nhiều của mang tiếng đi học nhưng thực chất là trốn "Nghĩa vụ quân sự" nên giỏi chỉ cúp cua hay đua xe hơn là học chuyên môn.

Khoảng đầu thập niên 90 trở về sau lúc này tôi đã đi làm cho các công ty Quảng cáo nên có nhiều cơ hội thực hiện những buổi ra mắt các mẫu xe mới của Mazda, Toyota, Honda, Subaru, BMW... Đặc biệt trong lần trở lại Việt Nam kỳ này chính bản thân người Nhật cũng đã hết sức ngạc nhiên vì độ bền của những chiếc xe gắn máy Honda 50cc từ những năm 1965 nhưng đến thời điểm đó vẫn còn lăn bánh trên các nẻo đường của Sàigòn. Cũng từ đây dòng sản phẩm của Honda đã để lại dấu ấn trong lòng người tiêu thụ về độ bền bỉ của nó. Do vậy, vào khoảng giữa năm 1999 khi quảng cáo và tung ra thị trường sản phẩm xe Honda Future tôi và những chuyên gia người Nhật đã không khỏi ngạc nhiên khi dòng xe này đã thực sự trở thành cơn sốt suốt mấy tháng liền tại các showroom. Đơn đặt hàng khắp nơi gửi về mà sản xuất vẫn không đủ đáp ứng cho nhu cầu của giới tiêu thụ. Tương tự, khi làm quảng cáo về chiếc Toyota Land Cruiser chúng tôi không ai có thể ngờ rằng nó đã gặt được thành công rất mỹ mãn. Những thực tế khách quan này đã khiến cho các "ông trùm" sản xuất xe hơi và xe hai bánh của Nhật thấy được Việt Nam đang có một tiềm năng khá béo bở để đầu tư và khai thác khi cuộc sống của người dân đã "phất lên" bởi nền kinh tế thị trường với xu hướng toàn cầu hóa sau nhiều năm "ạch đụi" bởi đường mòn Kinh tế Xã Hội Chủ Nghĩa cục bộ!

Ở Mỹ khá lâu được thấy vô số xe hơi xuôi ngược mỗi ngày nhưng chưa một lần nào tôi có cái cơ hội nhìn tận mắt các loại xe đắt tiền như Rolls Royce Phantom, Ferrari, Maybach, Lamborghini, Bentley... trên đường pho, có chăng chỉ trong các show xe mà thôi! Vậy mà ở Việt Nam tình trạng "chơi trội" của các hàng đại gia về hải sản, lâm sản, nông sản, bất động sản ... với đám cưới rước dâu bằng dàn xe "siêu sang" biểu diễn qua các phố phường từ Bắc chí Nam đã trở thành một trào lưu thời thượng. Điều này đã phản ánh sự xuống cấp trầm trọng về tính nhân bản cùng triết lý sống của một xã hội đang lấy vật chất làm thước đo của mọi mối quan hệ. Một chiếc xe tự bản thân nó chỉ làm đẹp cuộc đời nhưng một số người đã lạm dụng hình ảnh đó để "đánh bóng" cho tên tuổi của họ!

Chuyện về chiếc xe hơi ở nước Mỹ cũng khá ngoạn mục và đầy kịch tính!

Từng có châm ngôn "Cái gì tốt cho GM thì tốt cho nước Mỹ!". GM đã được biểu tượng cho nền kinh tế của Hoa Kỳ từ bao lâu nay vậy mà ngày 1 tháng 6 năm 2009 hãng General Motors được thành lập trên 100 năm tại tiểu bang Michigan đã tuyên bố phá sản trong giai đoạn của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Sự sụp đổ của hình tượng công nghệ sản xuất xe hàng đầu nước Mỹ đã gây chấn động thế giới và gây hoang mang trong lòng mọi người dân Hoa Kỳ. Hàng trăm ngàn công nhân trong và ngoài nước đang có nguy cơ mất việc, hàng ngàn đại lý của GM sắp đóng cửa vì làm ăn thua lỗ. Đây cũng là bước thử thách đặt ra cho Tổng Thống Obama trong năm đầu tiên nhậm chức!

Bằng mọi giá phải giữ GM! Đó là lời khẳng định của ông chủ Nhà Trắng và chính quyền đã bơm 50 tỉ dollar để tái thiết tập đoàn xe hơi này! Kết quả là tất cả dòng sản phẩm của GM đã được giữ lại mà không phải bán ra nước ngoài! Chưa hết! Với kế hoạch sản xuất hợp lý hơn, tính toán cặn kẽ hơn chỉ một năm sau đó GM đã lấy lại vị trí đầu bảng của mình và lập nên kỷ lục với doanh thu xe bán chạy nhất trong nước Mỹ cũng như tại Trung Quốc. Kể từ đó đến nay GM đã tái khẳng định sức mạnh của mình và gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực kinh doanh xe hơi khắp nơi trên thế giới. Đây cũng là một trong những sự kiện chứng tỏ nền kinh tế của Hoa Kỳ đang trên đà hồi phục với chỉ số việc làm đang gia tăng mỗi ngày!

Lại thêm một mẩu chuyện khác chung quanh chiếc xe hơi thương hiệu Honda!

Vào năm 1959 Honda đã "đổ bộ" vào nước Mỹ với những mẫu xe gắn máy nhỏ tại một cửa hàng ở thành phố Los Angeles, lúc này Nhật Bản vẫn còn là một nước nghèo do ảnh hưởng của thế chiến thứ hai. Chẳng bao lâu sau đó họ đã tung ra dòng sản phẩm xe hơi đầu tiên với tiêu chí bền và tiết kiệm nhiên liệu nên lấy được cảm tình của người tiêu dùng. Sau hơn 50 năm miệt mài đầu tư và sáng tạo không ngừng Honda đã dẫn đầu top 5 xe hơi bán chạy nhất tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong năm 2011 do thiên tai sóng thần và động đất xảy ra tại Nhật Bản khiến hoạt động sản xuất của Honda bị gián đoạn trên toàn cầu, thêm vào đó những lệnh thu hồi xe liên tiếp xẩy ra đã kéo Honda xuống hàng thứ sáu sau Hyundai. Cũng nên biết rằng mặc dù Hyundai chỉ mới "chập chửng" đến Mỹ vào năm 1986 nhưng họ đã có những thành tựu đáng kể nhờ vào mẫu mã đẹp, giá phải chăng cộng thêm một phương cách bảo hành xe khá tốt nên ngày nay những sản phẩm của họ đã trở nên rất gần gũi với mọi người dân.

Nhìn những chiếc xe Made in Japan hay Korea lưu hành trên khắp đường phố người ta còn có thể hiểu được vị trí chiến lược của các quốc gia này trong các lĩnh vực thương mại, chính trị, ngoại giao ... tại Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Nói cách khác, chiếc xe hơi ngày nay không còn đơn thuần là một sản phẩm để buôn bán giữa các nhà Tư Bản mà nó còn biểu hiện sức mạnh của một dân tộc trên vũ đài thế giới nữa!

4. Những chiếc xe của một đời người.

Theo tôi cuộc đời của một chiếc xe cũng tương tự như cuộc đời của một con người vậy! Bên cạnh những chiếc xe "về hưu" do tuổi đời chồng chất thì cũng có những chiếc bị giữa đường "gẫy gánh" do tai nạn giao thông mặc dù vẫn còn phơi phới xuân xanh. Có một hôm tình cờ lang thang trên xa lộ tôi chợt bắt gặp từng đoàn xe truck 18 bánh đang chở các "xác" xe đã bị đập dẹp nằm chồng chất lên nhau được đưa đến những nơi chờ ngày làm cuộc tái sinh. Nhìn những "người đẹp một thời" từng tung hoành ngang dọc, được biết bao người ái mộ mà giờ đây cũng sắp hoàn tất một kiếp làm xe mà bỗng thấy nao lòng!

Người Mỹ thống kê trung bình một đời người sử dụng khoảng 5 chiếc xe! Có thể hiểu ngầm đây là những chiếc xe mới toanh có tuổi thọ trung bình trên 120.000 mile tương đương với số tuổi của một người từ 75-80. Tuy nhiên, theo tôi mỗi chúng ta còn gắn liền với nhiều loại xe khác nữa trải dài trong suốt một đời người.

Lúc mới vừa chào đời ta được cha mẹ đặt nằm trong chiếc xe nôi, lớn lên khoảng 5 hay 6 tuổi ta tập tành lái những chiếc xe đạp con con ba bánh hay bốn bánh. Đến tuổi thiếu niên chúng ta đã có thể rong ruỗi đến trường trên chiếc xe đạp hai bánh đầy tự tin. Tuổi 16 tại Mỹ học sinh đã có bằng lái và được cha mẹ cho một chiếc xe hơi cũ để vừa đi học vừa đi làm part-time. Sau khi ra trường có công việc ổn định họ có thể biến những chiếc "Dream car" của mình trở thành hiện thực. Đến tuổi lập gia đình chắc ai cũng có ít nhất một lần được ngồi trong chiếc xe hoa vào ngày trọng đại nhất của đời mình. Rồi đến ngày nọ khi tuổi già bóng xế ta được đưa đến bệnh viện bằng chiếc xe cấp cứu và khi về nhà ta được con cháu bế đặt vào một chiếc xe nhưng lần này lại là chiếc xe ... lăn. Giờ đây ta chỉ còn biết ngồi tựa cửa nhìn theo những bóng xe lướt qua khung cửa sổ mà nhớ về những chiếc xe đã lần lượt đi qua cuộc đời mình một cách ngậm ngùi! Đến ngày nọ khi hơi đã tàn sức đã kiệt ta vẫy tay chào cuộc sống này và ra đi về cõi vĩnh hằng trên một chiếc xe tang có người thân và bằng hữu tiễn đưa đến nơi an nghĩ cuối cùng!

Những chiếc xe đã gắn liền với cuộc đời của mỗi chúng ta từ lúc mới lọt lòng cho đến ngày xuôi tay nhắm mắt và mãi mãi sẽ không bao giờ có vé khứ hồi riêng cho bất kỳ một ai cả!!!

Theo thống kê cho biết mỗi năm tại Hoa Kỳ có trung bình hơn 40.000 người bị chết vì tai nạn giao thông, có khoảng 115 người bị thiệt mạng mỗi ngày và cứ mỗi 13 phút thì nó cướp đi mạng sống của một người.

Ở Mỹ 12 năm, tôi đã đụng xe và bị xe đụng cả thảy 5 lần, 3 lần xe được đưa vào Body Shop riêng lần cuối cùng vào năm 2008 thì xe bị kéo vào "nghĩa địa" còn người được đưa thẳng vào Emergency Room của bệnh viện! Với bề dày thành tích này nên hơn ai hết tôi biết rằng tuổi thọ của người và xe gắn liền rất mật thiết với nhau và chỉ là trong đường tơ kẻ tóc. Tai nạn xẩy ra không chỉ vì riêng ta bất cẩn mà đôi khi còn do sự mất kiểm soát của những người chung quanh. Không ai biết chuyện gì sẽ xẩy ra trên đường chỉ trừ khi người và xe đã về đến nơi an toàn. Do vậy, một trong những câu nói phổ biến khi chia tay của người Mỹ là "Drive Safe!".

Xin cầu chúc cho tất cả mọi người cùng chiếc xe yêu quý của mình luôn được "Thượng lộ bình an" và "Đi đến nơi, về đến chốn".

Nguyễn Bích Thuỷ

Ý kiến bạn đọc
18/01/201323:14:39
Khách
Tac Gia co cai nhin rat tinh te va co nhan xet gan nhu chinh xac truoc moi su viec cua Thoi Dai...dung la: "Những chiếc xe đã gắn liền với cuộc đời của mỗi chúng ta ". Cam on da doc mot Bai Viet rat hay.
22/04/201206:05:19
Khách
Bài viết giá trị thiết thực. Cám ơn tác giả.
20/04/201203:19:21
Khách
Rất triết lý! Tăng kiến thức cho người đọc về lĩnh vực xe hơi. Bài viết khá lôi cuốn từ đầu đến cuôi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,315,620
Năm nay, Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm, ngày 13 sắp tới, sẽ là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc sớm bài viết mới của Song Lam. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Tác giả là một nhà giáo hồi hưu, sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota, hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và dạy Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Với nhiều bài viết đặc biệt, ông đã tham dự và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Tên thật của nhà giáo họ Đặng là Thống Nhất và người em trai của ông có thên là Độc Lập. Bài viết mới của ông bắt đầu bằng một lời cảm thán với lịch sử “Thống Nhất- Độc Lập fì đâu mà...
Tác giả là một dược sĩ, cư dân Chino Hills, California, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bà là nhà văn có 3 tác phẩm đã xuất bản. Ngoài văn chương, sở thích của bà là đàn đương cầm, đã có 2 CD độc tấu nhạc cổ điển và tân nhạc. Sau đây là một truyện ngắn mới được dành cho Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả định cư tại Canada từ 9/1982, tốt nghiệp đại học dược khoa Toronto 1985. Năm 2011, ông góp bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, một chuyện vui sống động trên chuyến bay từ Hongkong về Bắc Mỹ. Sau đó là bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ” là bài viết thứ ba của ông, không chỉ sống động mà còn xúc động trong cách viết, cách kể. Sau đây là bài mới nhất của ông, ngày viết được ghi là 30 tháng Tư 2018.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất. Hình ảnh một gia đình này nói lên được phần nào hiện trạng của một gia đình giàu có trong xã hội Ả Rập.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Sau đy là bài viết mới của bà.
Captovan hoặc Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Năm mươi năm sau Mậu Thân, tác giả đã góp thêm hai bài viết đặc biệt: “Saigon 68 và Ông Sáu Lèo”, kể về Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, và bài “Anh Lính Chiến và Người Phóng Viên”, kể về cuộc hành quân tại Phú Lâm A. Bài viết về Mậu Thân thứ ba của ông.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Hôm nay, ngày 30 tháng Tư, mới đọc một hồi ức về ngày này. Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Ông hiện là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Bài viết thứ tư của ông là chuyện Cần Thơ 43 năm trước.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến