Hôm nay,  

Nghe Tàn Cát Bụi Tháng Năm Bay

15/04/201200:00:00(Xem: 228312)
Tác giả đã 2 lần liên tiếp nhận giải Viết Về Nước Mỹ: Năm 2009, giải danh dự, với bài "Tình Nghĩa, Nghĩa Tình" và Giải Tác Phẩm Trong Năm 2010, với bài “Việc Làm Ơi, Mi Đi Đâu"” Đến Hoa Kỳ năm 1984, Khôi An hiện là cư dân Bắc California. Nghề nghiệp: kỹ sư điện tử tại công ty Intel. Bài viết mới là một tự sự xúc động về Tháng Tư với lời ghi: Tặng những người có cha mẹ đã chết trong trại tù sau 1975.

Trong tâm hồn người ta, có lẽ có một khoảng ở mãi thời niên thiếu. Khoảng đó lớn hay nhỏ, tùy theo mỗi người, nhưng tôi tin rằng ai cũng có.

Và, khoảng đó ở trong mười mấy người bạn cuả tôi, chắc là khá lớn. Bởi vì chúng tôi - trong đó có những người đã xa nhau ba mươi năm và chưa hề gặp lại - vẫn thường xuyên nhắc chuyện xưa, vẫn gọi “mày”, xưng “tao”, và vẫn cười thích thú với những câu chuyện được lặp lại tới lần thứ mấy mươi. Tình bạn dường như đứng lại lúc chúng tôi chia tay và không già theo năm tháng. Có lẽ vì chúng tôi đã cùng nhau đi qua một phần đời với quá nhiều thay đổi khốc liệt, nên tình nghĩa trở thành vượt thời gian.

Năm 1975, khi miền Nam bị cưỡng chiếm, chúng tôi là những đứa bé chưa qua tiểu học hay vừa vào trung học. Đã đói với nhau, khóc với nhau. Và cũng có những phần riêng mà mãi tới bây giờ chúng tôi mới nói với nhau…

N là cô bạn thân ở cùng xóm với tôi. Trước 1975, ba của N ở trong quân đội. Còn con nít nên tôi chẳng biết ông làm chức gì, chỉ thấy ông từng đi ngoại quốc và mang về những món đồ kỷ niệm như con búp bê Nhật mặc kimono, con búp bê Thái Lan mặc áo kim tuyến cong tay muá … Những thứ đó chưng trong phòng khách mà mỗi lần đi ngang tôi đều chậm chân ngắm qua cửa sổ. Trong những buổi tối êm đềm, những đồ vật rực rỡ dưới ánh đèn néon sáng xanh vẽ nên một cảnh gia đình đầy đủ và hạnh phúc. Tháng 5, 1975, ba N đi trình diện “chính quyền Cách Mạng”; theo đúng giấy tờ căn dặn, ông đem theo quần áo, đồ dùng cho một tháng. Lúc đó má của N đang có thai. Hơn sáu tháng, ba N vẫn chưa về. Một ngày kia, thấy con nít trong xóm ngấp nghé trước cửa nhà N, tôi ghé vô thăm. Căn phòng khách - bức tranh hạnh phúc mà tôi từng chiêm ngưỡng – tối mờ và hoang lạnh đến rợn người. Giữa khoảng trống trơn là một cái hộp… ồ không, đó là một cái quan tài nhỏ xíu. Em bé mới sanh đã chết. Má N đứng trong góc nhà, mắt bà sâu hun hút và thất thần. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy thế nào là đau khổ.

Má N càng ngày càng héo hắt. Bà đi làm rẫy, vài tháng mới đem những thứ trồng được về cho các con. Khoảng năm 1977 chúng tôi đói lắm, mỗi bữa tôi được một chén nước canh có lác đác mấy miếng nui, nghe nói là đồ tiếp tế từ tận bên Tây, và chắc N cũng chẳng khá hơn. Má N thỉnh thoảng mang về mấy trái mít và vài quầy chuối, nhưng những món đó không phải để ăn mà để bán lấy tiền đong gạo và gom góp đi thăm nuôi ba cuả N, lúc đó mới biết là bị giam ở vùng núi rừng Vĩnh Phú ngoài Bắc. Con nít thời đó thật ngoan và can đảm, đói tới nhức đầu nhưng vẫn nuốt thèm ngồi bán từng múi mít thơm phức cho những người có gốc gác Cách Mạng, có tiền.

Một năm, rồi hai năm… Ba của N vẫn bị tù biền biệt. Trong căn nhà vắng cả cha lẫn mẹ, chắc N lạc lõng lắm. Nhưng tính N đơn sơ, ít nói. Nó chỉ quần quật lo cho một đám em từ củ khoai, miếng sắn tới chén cơm độn bo bo. Nỗi buồn luôn thấp thoáng trong đôi mắt đen đầy chịu đựng, nhưng ít khi N nói ra là nó nhớ ba.

Không giống như M.

M là một người bạn khác trong nhóm mười mấy đưá chúng tôi. M được yêu mến nhất trong đám vì tính tình xởi lởi, hay che chở và chiều bạn. Điều đặc biệt ở M là tình thương dành cho bố. Tôi chưa bao giờ gặp bố của M vì ông đi tù trước khi chúng tôi thân nhau. Nhưng M nhắc tới bố thường xuyên, mắt nó khi thì long lanh theo những ký ức vui, khi thì sũng nước. Thương M, chúng tôi dần dần thương cả bố cuả M. Tôi tưởng như mình cũng đã thân quen với người bố hay chở vợ và bốn đưá con đi dạo phố bằng xe Vespa, người bố vui tính hay kể chuyện tiếu lâm, người bố tâm sự với đứa con gái nhỏ tên M như nói chuyện với người lớn. Bề ngoài M cứng cỏi, nhanh nhẹn nhưng tâm hồn M nhạy cảm. Có một lần, tôi thấy M vưà viết lăng nhăng trên miếng giấy nháp vưà rơi nước mắt. Nhìn vào, tôi thấy đó là hai câu “Bố đã đi rồi sao Bố ơi, Muà thu đang đẹp, nắng xanh trời.” Tôi lặng người, bóp nhẹ vai M. Nó nhớ bố, đau lòng quá nhưng nó không biết làm thơ để trút nhớ thương thành chữ. Nó đành mượn những bài thơ mà nó đang học. Nó xoá chữ “Bác” và thay bằng chữ “Bố” trong hai câu thơ Tố Hữu khóc “Bác” Hồ.

Điều lạ lùng là dù thiếu thốn từ sự chăm sóc cuả cha mẹ tới miếng ăn hàng ngày nhưng chúng tôi vẫn học giỏi, lao động chăm, và ngoan lắm. Với đầu óc ngây thơ chúng tôi tin lời những người cầm quyền nói rằng thành quả của mình sẽ đem điểm tốt giúp cho những người cha bị tù đày. Chúng tôi cảm nhận rằng sự ngoan ngoãn của mình sẽ bù đắp lại những đau khổ cuả người lớn, trong đó có cha mẹ chúng tôi và cả những cô giáo có chồng cũng bị đi tù. Hôm nào tới phiên lớp chúng tôi quét đường thì con đường sạch như lau, hôm nào phải cạo trúc thì chúng tôi mím môi mím miệng dùng dao kéo và cả mảnh chai ra sức cạo từng đống trúc trong khi bụng đói réo từng cơn. Chúng tôi thương yêu đùm bọc nhau, không hề giả dối đòn phép, và chúng tôi tiếp tục khóc thương những người thân yêu đang bị đày ải khi đọc những vần thơ ca ngơị sự “nhân đạo thần thánh” và những “ưu việt vĩ đại” của chính quyền “giải phóng”.

Có lẽ vào năm 1978… Một ngày kia M đến lớp với đôi mắt sưng mọng. Mẹ của M vưà từ ngoài Bắc trở về với cái tin bố nó đã qua đời. Tội nghiệp, mới tuần trước M còn nắn nót ngồi viết thư cho bố để mẹ nó đem theo, cuối thư nó còn đề “con ráng học giỏi, sinh hoạt Đội thật giỏi để cho bố mau được Cách Mạng khoan hồng.” M không biết là lúc nó viết giòng chữ đó, bố nó đã chết rồi. Bố nó chết mà Cách Mạng không báo tin, để cho mẹ nó chắt chiu bán ba tháng tiêu chuẩn dầu lửa lấy tiền mua vé xe ra Bắc, để cho chị em nó nhịn ăn đổi gạo mua mắm ruốc làm muối sả thăm nuôi.

Rồi tới năm thứ mười, 1985, ba của N cũng được thả về. Ông về, nhưng không có nét gì của người cha cao lớn với nụ cười rộng tới mang tai năm xưa. Lưng ông khòm, tóc ông bạc trắng, ông hay nhức đầu và la hét hoảng loạn. Vài tháng sau ông mất.

Bây giờ, khi nhìn lại, tôi nghĩ thế hệ chúng tôi, lớp thiếu nhi năm 1975, thật là đặc biệt. Chúng tôi quá nhỏ nên không có những kỷ niệm hào hùng cuả cờ bay trên cổ thành Quảng Trị, không có hành trang lãng mạn của thời Luật Khoa-Duy Tân, Văn Khoa-Cường Để, nhưng chúng tôi đủ lớn để có ít nhiều ký ức về miền Nam trước khi bị chiếm. Chúng tôi lớn lên dưới “mái trường Xã Hội Chủ Nghĩa” nhưng gốc trong lòng vẫn là lời dạy dỗ của cha mẹ, và những bài công dân đức dục từ những lớp học đầu tiên trước cuộc đổi đời. Có lẽ nhờ đó mà nhiều đoá hoa tử tế đã mọc trên vũng lầy tan hoang, đau khổ. Nghèo nàn thiếu thốn nhưng chúng tôi đãi nhau bằng chân tình; cực khổ, tủi nhục không làm chúng tôi tranh giành chụp giựt; và những tình bạn đứt đoạn trong chia ly thảng thốt lại là mối thân thiết giữ chúng tôi với nhau cho tới hơn mấy chục năm sau. Khi thoát ra thế giới tự do chúng tôi không quên những lần đói vàng mắt ngày mới lớn, cho nên nếu dành dụm được chút tiền sau khi lo cho gia đình là chúng tôi gửi về cho bạn. Trong tôi, cảm giác vui vẻ, thân mến, “đã thèm” bên nồi cà ri, nồi chè nấu với nhau bằng tiền của người bạn bên Pháp chắt chiu gởi về năm 1981 vẫn còn rõ nét tới bây giờ... Thùng đồ đầu tiên tôi nhận được, làm cho tôi có cảm giác hết sức quan trọng và người lớn, là một hộp nhỏ trong có vài thỏi kẹo, mấy vỉ thuốc, và vài chai thuốc sơn móng tay. Dĩ nhiên những đồ đó không phải cho tôi xài mà để bán. Ngày đó tôi không nhớ để hỏi anh bạn - mười bảy tuổi, vừa chân ướt chân ráo đến Úc - đã kiếm đâu ra những chai sơn móng tay đó. Tôi chỉ đoán là bạn tôi được mẹ cho vài thứ từ phần quà gởi cho bà ngoại để san sẻ cho tôi. Ngày nay chắc người gởi chẳng còn nhớ gì về những chai sơn móng tay nhỏ xíu, nhưng hộp quà đó vẫn mãi mãi ở trong tim tôi.


Khoảng thời gian khổ sở đó đã tạo những dấu ấn rất đậm nét trong chúng tôi, đã làm nên phần lớn tính tình và ngay cả những thói quen là lạ của nhiều người. Tôi hay dùng tiếng “tội nghiệp” để diễn tả tình thương giạt dào dành cho con nít. Tôi hay ôm các con, các cháu vào lòng, xuýt xoa “tội nghiệp quá” làm có lần con gái tôi bắt bẻ “Con có bị gì đâu mà mẹ tội nghiệp con?” Giờ thì các con tôi đã hiểu “tội nghiệp” cuả tôi cũng có nghĩa là thương nhiều lắm lắm, nhưng chỉ có mình tôi hiểu rằng cách dùng chữ kỳ cục đó bắt nguồn từ những thương cảm tới xót xa, đau lòng mà tôi dành cho các em tôi thời đói khát, thèm thuồng từ muỗng cơm tới mẩu bánh mì.

Ôi, những dấu ấn trên những tâm hồn non nớt, kể ra thì còn nhiều lắm. Chuyện ngày xưa bạn tôi sáng đi học và làm trưởng lớp, chiều phải đem cà rem bán ngay trước cửa trường; chuyện bạn tôi thời đã “trổ mã con gái” mà vẫn phải xếp hàng mua gạo, bị xô đẩy đến đầu bù tóc rối nên tái mặt thót tim khi gặp bạn cùng trường đi ngang… Trên đất Mỹ thanh bình yên ấm ngày nay, ký ức kể lại nghe như những chuyện nho nhỏ tầm thường, chỉ có những người trải qua mới hiểu những chuyện đó đã chát tới chừng nào. Cũng may- hay phải nói là kỳ diệu, những dấu ấn khổ sở, tủi nhục đó đã không phá hoại tâm hồn chúng tôi. Ngược lại, rất nhiều người trong đám chúng tôi đã học sự khiêm tốn, hiểu đời và thương người từ những năm tháng thiếu thời vất vả.

Lật tấm hình xưa thăm dĩ vãng
Ký ức buồn như một vết thương (*)


Mỗi năm khi nước Mỹ vào Xuân là ký ức tháng Tư xưa lại trở về. Bây giờ, trong thời đại Internet, tin tức trao đổi dễ dàng và nhiều hơn bao giờ. Chuyện xưa như những tấm hình hành quân Hạ Lào 1972, cảnh hoảng loạn của Sài gòn vào giờ phút cuối 1975, và tin mới như danh sách sáu mươi mốt thi hài của các tử sĩ ở An Lộc mùa hè 1972 vưà được cải táng sau bốn mươi năm.

Đám-trẻ-thơ-ngày-xưa, chúng tôi, năm nay cũng chuyền cho nhau những tấm hình thuyền nhân vượt biển và những tấm hình trại tỵ nạn. Những hình ảnh xưa làm dậy lên trong lòng chúng tôi bao cảm xúc. Nỗi nhớ thương người ở lại mà chỉ có những người đã trải qua mới thấm thía, những xót xa thân phận bắt đầu cảm thấy trong tâm hồn còn non trẻ. “Liemsing chiều thê lương, ngồi hứng nước trên giường, những giọt mưa nước mắt, người tị nạn Đông Dương” (**). Liemsing, Galang, Bidong, Battaan, Panat Nikhom… rất nhiều người trong đám chúng tôi đã đi qua trường đời lớn nhất, học những bài học đẹp đẽ cũng như cay đắng nhất từ những trại tạm dung này.

Thế là thư qua thư lại, tựa như chưa từng xa nhau. Chúng tôi cùng ôn lại những tan nát ngày đó…

ĐH viết: Hồi tháng 6/75, ba tui bị bắt đi “cải tạo”, mẹ tui gần trở nên điên. Tui nhớ ngày nào đi học về thấy mẹ tui ngồi ở bậc thềm, đầu tóc bù xù.Hỏi mẹ làm gì,mẹ nói ngồi chờ ba tui. Sau này mẹ tui nói lúc đó tính tự tử rồi chia 4 chị em tui ra, 2 đứa gửi ông bà nội,2 đứa gửi ông bà ngoại (ngoài Bắc).Cũng may bà giữ lại được bình tĩnh.Sau này được đọc bài thơ Bà Mẹ Điên của Trần Trung Đạo, tui thấy giống hình ảnh mẹ tui lúc đó.

…Tui còn nhớ lúc mẹ tui nhận lá thư đầu tiên của ông già từ trại cải tạo, khóc quá trời.Tui không dám khóc trước mặt mẹ và các chị em vì nghĩ mình là con trai duy nhất trong nhà.Tui ngồi ngoài sân mà mắt cay xè, nhớ bố và thương mẹ, đó là cảm giác của thằng con nít lúc đó. Tui ngồi một lúc rồi mới dám vô nhà.

K viết: Ngày 28/4 mẹ K dắt cả nhà tới cư xá Hải Quân (ở gần trường Trưng Vương, khúc đường sau này mở ra đi qua hãng Ba Son) để tìm gia đình người bạn tên là D, mong được đi chung. Nhưng lúc đó người ta tràn vào náo loạn, những người lính kéo kẽm gai rào khu này lại. Trong không ra được, ngoài không vào được nên đành đi về. Sau ngày 30/4 mới hay là gia đình D cũng kẹt lại. Ba của D là trung tá Hải Quân bị đi tù và chết ngoài Bắc. Ngày đó chuyện đi tù chết là chuyện xảy ra quá nhiều, giờ ngẫm nghĩ lại những người đi tù và chết chắc chắn trải qua một giai đoạn cực khổ và nhiều khi cả đau đớn khủng khiếp lắm.

LT viết: Ngày đó nhà LT có dịp đi nhưng ba LT nói mình buôn bán chứ không làm chính trị nên không lên máy bay… Thế là cả nhà ở lại! Sau đó bị Việt Cộng kiểm kê tài sản tùm lum, ở trường trong những ngày đầu nhập học, đang học lâu lâu lại bị bà Hiệu trưởng kêu lên tra hỏi ba má dấu tài sản ở đâu!

Kể chuyện xưa rồi chúng tôi xem lại những tấm hình trường lớp trước năm 1975 và tiếc cho một cái gì quá trong sáng đẹp đẽ bị phá nát một cách quá tàn nhẫn.

Dù sao, suy nghĩ lại, tôi thấy chúng tôi vẫn còn may mắn. May mắn vì khi cuộc đổi đời khốc liệt xảy ra thì chúng tôi còn nhỏ. Nghĩa là chúng tôi còn có chút hy vọng, nghĩa là đường tương lai còn dài. Tuy đói khổ, tuy xa cha thiếu mẹ, nhưng chúng tôi còn đỡ hơn nhiều người chung quanh. Chẳng hạn như cô dâu mới cưới hơn một tháng, còn trẻ như một vuông luạ mới, đi nhận xác chồng. Chẳng hạn như người thiếu phụ hai mươi sáu tuổi, chồng tử trận, dắt bầy con năm đứa chạy tìm đường sống. Chẳng hạn như người thương binh mất hai chân, vết thương chưa lành, bị đám người tiếp thu đuổi ra khỏi y viện…

Vậy mà đã 37 năm.

Hầu hết chúng tôi bây giờ nhiều tuổi hơn cha mẹ ngày đổi đời năm ấy. Chúng tôi là gạch nối giữa những người lớn ở Việt Nam trước thời Cộng Sản và những em bé thời 1975 và cả những đứa bé sinh ra ở Việt Nam cũng như ở châu Âu, châu Mỹ, và châu Úc sau này. Chúng tôi học được cái hay của đất nước mới và khắc khoải không biết làm sao để dùng những điều đã học để giúp cho sự tồn tại cuả nước Việt và văn hoá Việt. Chúng tôi loay hoay không biết mình có bi quan quá hay không khi nghĩ rằng những thành quá cá nhân rực rỡ của người Việt trên thế giới vẫn chưa đủ để cho thế hệ trẻ tự hào và hăng hái gìn giữ lịch sử, truyền thống Việt. Chúng tôi ngậm ngùi khi thấy người Việt, dù có cùng một quá khứ đắng cay, cùng một bài học lịch sử, cùng một niềm mơ ước dân chủ ấm no cho quê hương mà vẫn chưa đứng lại được với nhau. Chúng tôi thấy thế hệ mình có trách nhiệm lớn nhưng lại chưa làm được gì nhiều.

Vì thế, không phải chỉ có tháng Tư, mà tháng nào trong năm cũng có thể làm chúng tôi chạnh lòng nghĩ tới thời gian qua quá mau

Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay (***)


Khôi An

Chú thích:
(*) Thơ Khôi An
(**) Liemsing Chiều Tị Nạn - Thơ Thái Trân
(***) Ta Về - Thơ Tô Thùy Yên

Ý kiến bạn đọc
03/05/201201:31:08
Khách
Tôi nghĩ bài viết này rất hay mà mô tả một hoàn cảnh bi đát qúa chừng. Đọc thì thông cảm một phần liên hệ sự đau khổ của nhừng người mà cháu nói đến. Cũng thấy được tình hình khó khăn như thế không có thể phá hết hy vọng trong lòng người mà trải qua giai đoạn đó. Cảm động lắm.

Chú Sáu
16/04/201214:42:39
Khách
Câu chuyện cảm động, giọng văn nhè nhàng sâu sắc.. Hay quá chị Khôi An!
18/04/201200:57:41
Khách
Hay và đầy ý nghĩa nhân văn.
17/04/201219:36:57
Khách
Cám ơn các bạn đã đọc và thích bài viết
18/04/201206:58:58
Khách
Bài viết thật hay và cảm động. Những dòng chữ được viết ra từ trái tim người viết đi thẳng vào trái tim người đọc. Có những đau buồn cơ cực nên quên đi để vui mà sống. Nhưng cũng có những tan hoang đau khổ cần ôn lại để giữ lửa trong tim đừng tắt vì tuổi tác hay vì cơm áo gạo tiền. Cám ơn bài viết của Khôi An đã nhắc kỷ niệm xưa để thấy rằng "Chúng tôi thấy thế hệ mình có trách nhiệm lớn nhưng lại chưa làm được gì nhiều."
16/04/201202:00:48
Khách
Bài viết thật hay và cảm động.

Nếu phải thu thật gọn lại thì những hàng chữ này vừa gây thật nhiều xúc động, lại vừa gợi biết bao hy vọng cho tương lai đất nước.

" ... Chúng tôi lớn lên dưới “mái trường Xã Hội Chủ Nghĩa” nhưng gốc trong lòng vẫn là lời dạy dỗ của cha mẹ, và những bài công dân đức dục từ những lớp học đầu tiên trước cuộc đổi đời. Có lẽ nhờ đó mà nhiều đoá hoa tử tế đã mọc trên vũng lầy tan hoang, đau khổ."

Cảm ơn tác giả

Thân mến
d
16/04/201200:20:52
Khách
Bài viết hay tuyệt.
24/04/201216:14:38
Khách
Hi Lam Tuyền, tui, và HTran
Các bạn đã đọc và còn bỏ công lưu lại ý kiến, Khôi An rất cám ơn
24/04/201215:06:13
Khách
Cám ơn Khôi An. Truyện rất cảm động, tuyệt vời.
18/04/201216:52:15
Khách
Dù đã bao năm qua, khi đọc những chuyện về chuỗi ngày đau buồn sau 30/4/75, vẫn thấy bàng hoàng, đau đớn!
Cãm ơn tác giã!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,224,447
Nhạc sĩ Cung Tiến