Hôm nay,  

Tôi Đi Làm Kho Lúa Cho Người Mỹ

24/03/201200:00:00(Xem: 134259)
Tác giả tên thật: Nông Phiên; Sinh năm 1965 tại Sài gòn. Giáo viên Sư phạm Kỹ Thuật. Công việc hiện tại: Electro-mechanic Technician. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Phi Yên là một tự sự vui vẻ, linh hoạt về công việc lưu trữ ngũ cốc tại Mỹ, lần đầu được đề cập bởi người gốc Việt. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.

vb7net_hinh-vvnm_medium_0

Những “bồ lúa” kiểu Mỹ thường gặp trong các vùng có nông trại. Hình do tác giả gửi với ghi chú “bac Le beach.”
Ba tôi lúc còn sống hay bảo, thằng này rồi sẽ lấy vợ sớm hơn anh em, Xa nhà sẽ nên. Chẳng biết ông có tài đoán vận mạng hay không mà đúng thiệt!

Đời tôi ba chìm bảy nổi, thay đổi địa chỉ luôn đến nỗi khi điền đơn thi quốc tịch phải xin thêm giấy để ghi cho hết 12 cái địa chỉ trong vòng 8 năm từ khi đặt chân đến Hoa Kỳ... Mà đã thôi dừng bước giang hồ đâu, hai đứa con tôi cũng theo bố mẹ chúng thêm năm sáu cái địa chỉ vào cái list tôi đang nói trên đấy thôi.. Âu cũng là phần số, tôi nghe nói thân cư Thiên Di, thân tự lập thân gì gì đó, chẳng hiểu cho lắm cứ nghiệm lại đời mình, nghiệm lại những công việc, những nơi chốn đã qua thì thấy rõ ràng như đường xa lộ 405 vào buổi sáng Chúa Nhật ngay!

Nếu bạn có dịp lái xe xuyên bang hoặc ngang miền có những nông trại, ruộng lúa, bắp bạt ngàn hai bên đường, bạn có thể nhìn thấy những khối hình trụ tròn thật cao lớn từ dưới đất vươn lên trời trên đầu chóp nhọn hình nón lá hoặc bằng ngang, có hệ thống băng tải, cầu thang nối các khối lại với nhau ở tuốt trên ngọn. Bạn sẽ tự hỏi cái kiến trúc kia để làm gì ở chỗ khỉ ho cò gáy này? Xin thưa ngay- đó là những bồn chứa nông phẩm của những công ty thu mua lương thực tại địa phương hay nôm na gọi là cái Bồ Lúa theo kiểu nhà mình. Chính tôi cũng rơi vào câu hỏi đó cho đến một ngày…

Cầm tờ đơn xin việc kèm theo thơ giới thiệu của sở thất nghiệp, tôi ngập ngừng đứng trong lobby sơ sài nhưng gọn gàng cuả hãng Wright Coop thì một người đàn ông tầm thước đeo kiếng trắng bước đến vui vẻ hỏi , Ông cần giúp gì? –À, tôi có hẹn lúc 8 giờ với công ty để xin việc làm. Ông ta hấp háy đôi mắt bảo-Tốt lắm, rất đúng giờ. Xin ông đợi 5 phút, Redman sẽ phỏng vấn ông. Ông ta là chairman của công ty chúng tôi.- Cám ơn ông. Tôi máy móc trả lời, thầm hỏi cái quái gì mà cần đến chairman phỏng vấn mình cơ, mình xin việc làm chân tay chứ có hùn vốn cổ phần cổ phiếu gì đâu. Tự hỏi vậy nhưng bụng thì thấy có gì không ổn rồi…Một lát thì nghe tiếng “Come on in” trong phòng Chairman. Tôi bước vào quan sát khá nhanh người đối diện, đó là một người Mỹ trắng trung niên áo sơ mi trắng đơn giản, gầy, tóc bạch kim hớt cao và da mặt từ mang tai xuống đỏ như gà chọi. Cái cổ đỏ và cái tên Redman làm tôi có một liên tưởng buồn cười trong đầu. Sau cái bắt tay, ông ta điềm đạm ngồi xuống sau bàn giấy và bắt đầu câu chuyện trong khi lướt mắt qua những tờ giấy tội nghiệp của tôi.

-Anh đã làm qua việc elevator operation bao giờ chưa?

-Dạ, mới nghe lần đầu. Nhưng tôi có background về cơ khí và bảo trì máy, tôi nghĩ nếu có cơ hội training ngắn tôi có thể bắt tay ngay vào việc thưa ông.
-Ông từ nước nào đến? Giọng ông có accent kiểu người Á châu?

-Tôi là người Việt Nam. Xin lỗi vì tôi không nói trôi chảy lắm.

Tôi nuốt nước bọt trong cổ thấy chút đắng, ai biểu không chịu luyện tiếng Anh cho khá thêm..

-Không sao, chúng tôi đang thiếu một người helper cho việc vận hành nhà kho và phân phối cho các bồ lúa gạo ở bên kia kìa, anh thấy không?

-Vâng, tôi thấy.

Tôi nhìn theo ngón tay Redman chỉ ra cửa sổ phòng, lờ mờ rằng ông ta muốn nói đến cái dãy khối liền nhau mấy cái hình trụ tròn bằng xi măng cao ngất kia, cỡ 200 feet là ít. Cái gì vậy cà???

Redman cúi xuống giây lâu vào tờ đơn nhỏ bé của tôi, dường như đang cân nhắc về gã xin việc có một cái tên khó gọi trước mặt, chưa bao giờ đụng tay vào máy cấy máy cày hoặc biết việc đồng áng gì sất, không biết lái xe truck số tay để kéo nặng, chưa biết bụi đất sình lầy mưa nắng sớm hôm là gì (City Boy là tôi) và một tên Cowboy cứng cáp, bụi bặm đồng quê đúng nghĩa American Country Style ở trong đầu ông trước khi tôi bước vào…

Đột ngột ông ngửng đầu, nhẹ nhàng bảo:

-Tôi thấy anh có khả năng về cơ khí, công việc không có gì khó, tuy nhiên anh... cứ về trước đi để đơn lại, nếu cần tôi sẽ gọi.

Tôi kêu thầm, thế là hỏng! Mỹ mà nói thế là ...hỏng đứt đuôi con thằn lằn rồi. Trong đầu tôi lởn vởn hình ảnh vợ dại con thơ và những ngày sắp tới với những tuyệt vọng thấy trước ở cái thành phố nhỏ xíu ít người ít việc này. Thành phố cao bồi miền Tây của tiểu bang Kansas này ngoài hãng bò ra thật khó kiếm việc kỹ nghệ gì khác… Lấy hết can đảm tôi nhìn thẳng vào mắt cuả Redman:

-Xin ông vui lòng mướn tôi. Ông thấy đó, thất nghiệp không làm người ta dễ chịu chút nào. Nếu ông mướn tôi, thì ông sẽ cứu được một gia đình 4 người. Tôi hứa sẽ không làm ông thất vọng!

Tôi bước ra cửa, quay lại chào ông.-Tạm biệt! Quên mất bắt tay theo phép lịch sự.

Tôi ra về với bước chân nặng nề như chưa bao giờ buồn thế. Hỏng! Tại sao lại là chairman phỏng vấn mà không là người khác, nếu người khác phỏng vấn có khi mình được rồi, họ đang cần người mà, mình có giấy giới thiệu chứ có xẹt ngang qua gõ cửa đâu?

Rồi mang cả lô chữ cứ, nếu, nếu... nảy ra trong đầu, tôi lái xe về nhà. Kể lại câu chuyện xin việc cho bà xã, nghe, nàng an ủi tôi

– Thôi, mình lại bày keo khác anh đừng buồn làm chi.

- Ừ, anh chẳng buồn nữa, mai anh lại kiếm chỗ khác xem sao.

Tôi đáp mà thấy giọng tôi yếu xìu như cọng bún thiu sao mà buồn hiu…

Đến tối sau bữa cơm, ra ngoài đem thư vào nhà tôi reo lên

- Em ơi mình được chính phủ cho tiền foodstamp nè, em coi, nhiều chưa... rồi được medicare khám bệnh miễn phí nè...

Hai vợ chồng tôi đang vui thì điện thoại reng. Cầm phone lên, tôi nghe bên đầu giây một giọng đàn ông

– Có phải ông tên P. không?

- Vâng , là tôi đây.

– Ông Redman đã đồng ý nhận ông làm việc. Ngày mai nhé, 6:30 sáng ông bắt đầu được không?

- Vâng, ngày mai tôi sẽ đến. Cảm ơn ông.

Tôi liếc nhìn vợ tôi đang căng thẳng hồi hộp chờ đợi.. .chầm chậm đặt phone xuống. Một giây, hai giây.. rồi la thật to - YE.E.E.E.S.S! Em ơi mai anh đi làm rồi, ông chủ mới gọi đồng ý nhận anh! Hai vợ chồng tôi ôm nhau vỡ oà vì sung sướng.- Cảm ơn Chúa, em ạ. Làm sao có thể diễn tả hết nỗi vui mừng trong tôi, khi gia tài của chúng tôi chỉ vỏn vẹn cái xe cà tàng và hơn trăm đồng bạc trong cái account nhà băng đã teo đi thảm hại từ độ “Thu tàn đông phớt lạnh, bước chân thất nghiệp mỏi mòn lê…”

Ngày đầu tiên trôi đi thật nhanh, cùng start với tôi là Richard, cao gầy có hàm ria tựa Josh Brolin (tài tử phim No country for the Old man) và nụ cười thật hiền, hắn làm nghề giao sữa tươi dưới phố. Chúng tôi được giới thiệu sơ đồ của kho chứa lúa mì, bắp và bobo (tiếng Mỹ gọi là milo) và đi xem hệ thống xả (withdraw) các bồn nằm ở tầng hầm cũng như hệ thống đổ (feed) vào các bồn ở tít trên cao. “Cái gì vậy cà” hôm nay coi như đã tỏ, tưởng tượng bạn đặt một cái máng xối xuống đất trên đó đặt hai dãy lon Coca. mỗi dãy 16 cái đối xứng nhau, trên đầu dãy lon đó bạn đặt thêm một cái máng xối nữa. Máng xối trên thật ra là một băng tải chạy bằng động cơ điện hình chữ V đựơc phụ thêm bởi hệ thống “roller bearings” cho nhẹ tải khi chuyển lúa đổ vào các bồn khác nhau. Tương tự như vậy cho cái máng xối dưới dùng để xả lúa ra, giống như ta rót nước vào miệng ly và tháo nước ra từ một lỗ dưới đáy ly vậy.

Chiều cao của cái bồn bao nhiêu thì chiều cao của cái elevator còn hơn thế. Đây là hệ thống chính yếu gồm cả ngàn cái hộp nhựa khum như lòng bàn tay để múc lúa, được lắp vào một vòng dây sên theo chiều thẳng đứng. Khi cho elevator chạy, những cái hộp nhựa liên tục múc lúa từ bồn phân phối nằm âm ở dưới đất chạy lên trên đỉnh, đổ vào cái băng tải trên top rồi lại chạy xuống múc tiếp.

Ngày đầu Rich và tôi đã được giao “bửu bối” là 2 cái xẻng và 4 cái chổi để tráng miệng. Ôi cái hầm ở tầng dưới, xộc lên mùi cuả lúa mì cuả bắp mục, bobo mục do lâu ngày vương vãi, vón cục khắp nơi, chổ khô chỗ lẹp nhẹp nước. Phải dùng đèn pin để dò đường, Tom Cat bảo, hắn làm ở department gần đó, hôm nay được lệnh qua nhà kho hướng dẫn tụi tôi - You gonna have fun! - Hai tên cận thị như Rich và tôi khó khăn lắm để nhích qua những đống xà bần rớt thành đụn lớn dọc theo cái băng tải. Tôi bị mất đà phải chống tay vào tường bêtông. Eo ôi! Bụi, Bụi ơi là bụi, quanh ta là cát bụi, bụi giăng đầy đến nỗi mấy chục ngọn đèn công suất cao gắn hai bên vách chỉ còn leo lét ma trơi như những ngọn nến mà thôi!

Tôi nghĩ bụng, chí ít cũng năm năm rồi không gội đây... chẳng thơ mộng chút nào như đường hầm mình lái xe lên phi trường LAX ngày nào... đang nghĩ thì đạp phải con chuột chết, soi đèn dòm kỹ thì không phải một chú mà là một tiểu đoàn mập ú những chuột và dán thây phơi ngoài chiến địa!

Từ tầng hầm muốn lên tầng thượng phải dùng ManLift, là một cái chuồng sắt nhỏ đủ đứng được 2 người, lên xuống bằng hệ thống ròng rọc và quả tạ rất... cổ điển. Tom Cat lên trước, Rich và tôi lên cùng lượt sau, cũng may là cái chuồng cũng được làm cao hơn đầu hắn nhích nhê 2 inches, Hắn cao hơn tôi cái đầu chấp luôn cái cổ, nếu phải khum người hoặc ngoẹo cổ 200 feet lên xuống mỗi ngày vài chục bận, chắc là tử... tận.


Lên tầng thượng tôi thấy khác một trời, đương nhiên là vẫn bụi bặm nhưng khô ráo, thoáng và đầy nắng. Những tia nắng sáng xuyên qua những ô cửa kiếng chớp nằm dọc theo hành lang của Top house này làm tôi sảng khóai hẳn. Tom Cat mở một vài nắp bồn, có cái sâu hút tôi thấy gió bốc lên thổi vào mặt, có cái vừa đầy tới miệng và vãi ra ngoài một đụn cao. Hắn thoăn thoắt thả dây thước có mang quả tạ nhỏ xuống miệng bồn, vừa làm vừa hướng dẫn chúng tôi đo làm sao để biết tính toán bao nhiêu lúa còn lại trong bồn và bao nhiêu giạ có thể bỏ vào thêm được nữa.

A! Cái khoản hình học lượng giác này tôi chưa bị “lụt”. Cái thời học ban C hồi trung học ở Việt nam bị thầy Nhiều, thầy Trữ cạo tới chân xương giờ đây có chỗ dụng võ đây. Rich phục tui sát đất vì tôi ro ro nói đúng phóc những mẫu câu hỏi trainning mà Tom Cat đặt ra, Khi Rich còn đang loay hoay với cái máy tính thì tôi đã phun ra rồi, anh ta nghệt mặt – Hey P. howd you know that?

Tôi cười đáp

– Tôi còn nhớ chút chút, nhờ mấy ông thầy Toán ngày xưa.

Tôi mở cửa hông cuả hành lang, gió lồng lộng ở độ cao 218 feet nhìn xuống toàn bộ khu nhà kho, dãy văn phòng và những dãy phân xưởng hoá chất phân bón, shop sửa xe máy cày, phân xưởng cơ khí, cho thuê đồ nghề, tiệm tạp hoá nhỏ và một chiếc máy bay lọai đầm già đậu lẻ loi gần phân xưởng hoá chất, có thể họ dùng để rải thuốc trừ sâu đây... tất cả nhỏ xíu như cái bàn cái ghế ở nhà tôi. Hít một hơi sâu vào lồng ngực tôi phóng tầm mắt nhìn ra xa để thấy một màu xanh biếc ruộng lúa mì, ruộng bắp và bobo bạt ngàn ngút mắt, thẳng hàng như ô chữ. Màu vàng của những ngọn bobo đang muà chín tới, sắp thu hoạch gợi nhớ ruộng lúa quê hương mình nhọc nhằn bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà tự nhiên nước mắt tôi rưng rưng.

Kansas nhờ địa hình đất bằng, mùa đông nhiều tuyết, độ ẩm cao nên sản xuất nhiều milo nhất nước Mỹ. Chúng ta ít để ý đấy thôi, bột bobo và bột bắp cung cấp cho kỹ nghệ thực phẩm chế biến, bánh kẹo, nhất là những gói snack ta hay mua để ăn vặt. Mình ăn gạo, Mỹ ăn bột mì bột bắp là chính.

Nói tới gạo tôi phải nói ngay đơn vị đo lường ở Mỹ, nông dân ở đây bán nông phẩm đo lường theo Bushel và Peck (1 bushel=4 pecks) cho các công ty thu mua địa phương, không đo bằng pounds như ở siêu thị cho người tiêu dùng, cũng tương tự như nông dân quê mình đong lúa tính bằng giạ bằng lít mà không tính bằng kílô. Còn tại sao nó tương tự thì tôi chịu! Có lẽ do mua tươi mà bán khô chăng…?

Khi tôi về nhà vợ tôi ra mở cửa tròn con mắt

- Trời đất! anh chui vào đâu mà trắng toát zdậy? Từ đầu đến chân kìa!

– Thì đi làm kho lúa chứ đi đâu?- Tôi cười trả lời, bước vô nhà tính ẵm con gái đầu lên nựng thì nàng la chói lói
-Ừ! Ừ Ừ! ..Anh quên!

Kể từ đó tôi quen dần với công việc rất nhanh với một niềm vui hăng say yêu đời. Không biết thì hỏi, biết thì bắt tay vào làm. Tôi chẳng nề hà công việc nào. Ông Monte sau khi đưa tôi cái check đầu, nháy mắt nói

– 20 năm nay từ hồi lập công ty này, chưa có một tên Asian nào vào làm, mày là thằng đầu tiên!

Tôi nghe thấy mừng nhưng cũng hơi lo, rằng mình mà biếng nhác thì những tên Asian sau này sẽ bị kỳ thị, chắc... thở không nổi!

Tôi quá lo xa đấy thôi. Vốn liếng Tiếng Anh của tôi khá hẳn hồi nào tôi cũng chẳng hay bởi quanh tôi là Mỹ đồng quê chính hiệu, họ thật thà không so đo tỵ nạnh, ghét bảo ghét, thương thì bảo thương. Già Geogre trên 70 vẫn cặm cụi với chổi xẻng cả ngày, tôi hỏi sao ông không nghỉ hưu, ông móm mém bã thuốc lá, nhổ toẹt xuống đất, đáp
– Làm việc thì tốt hơn là ngồi không.

Tôi ôm sau lưng già Geogre, chọc

– Còn chắc lắm, mới 40 thôi mà…

Cả ông Jerry quai nón tôi cũng chọc mỗi khi nhờ ông qua phụ tải bắp, bobo lên những toa xe lửa ship đi tiểu bang xa. Jerry quai nón xưa có đi lính Mỹ đóng quân ở Đà Nẵng, người mập tròn có tiếng cười rổn rảng như chuông vỡ, ghiền càphê Fogger hạng nặng. Tôi hỏi xưa đi hành quân gặp VC ông bụng bự như vậy sao mà chạy đây? - Xưa tao khác, đâu có giống bây giờ, nhưng gặp VC hả, tao nằm xuống thảy lựu đạn cho chắc ăn, hề hề..

Mùa thu hoạch đã tới, nông dân quanh vùng liên tục chở luá hay bắp hay bobo vào bán cho công ty chúng tôi. Tuỳ theo bảng giá mỗi ngày và tùy theo đợt mua, những xe truck xe bồn các loại đậu dài trước trạm cân đo và thử mẫu. Ở trạm này có nhân viên cân cả xe và lúa, đồng thời cắm một cây thước hình trụ dài thọc xuống nhiều góc khác nhau để lấy mẫu đem vô phòng kiểm tra tạp chất. Tạp chất nhìều tỷ như nhiều bông cỏ, rơm, đất bụi... giá mua sẽ thấp hơn. Sau khi cân, họ sẽ chạy vòng qua kho lúa nơi Rich và tôi đã sẵn sàng cả tháng nay dọn dẹp các bồn sạch sẽ, kiểm tra động cơ, vô dầu mỡ, tính toán để có đủ chỗ chứa.. và họ xuống xe, xả hết xuống hầm. Xe trống chạy tới đánh một vòng về văn phòng lấy tiền và biên nhận, xe đầy đang đợi tiến lên..stop..leo xuống..xả lúa xuống hầm tiếp. Tôi và Rich hai tên, một ở trên nhà Top house để chuyển hướng băng tải vào bồn theo số đã định, một ở dưới làm đề lô cho các tài xế xả lúa và điều chỉnh elevator cho nhịp nhàng.. đó là tại sao tôi luôn phải đeo CB trong người để liên lạc bằng vô tuyến với Rich. Tên nào ở trên thì phải đo thước dây và báo liên tục cho tên dưới biết mà liệu dừng lại dây chuyền. Ðại khái :-bồn 15 ready, Gửi lên!. Bồn 10, còn 20 feet, 10 feet.. 5 feet. Stop!

Nhiều khi chưa kịp nói stop thì bồn đã đầy! Nhiều khi luá đang chạy ngon ơ thì hệ thống bị kẹt. Ác mộng là đây! Bạn thắc mắc hả, hãy tưởng tượng bạn đang vói rót nước vào cái ấm đặt trên tủ lạnh thì thấy ngay…lúa tràn lên miệng bồn, đùn lại thành đống, dội ngược lòng máng tung toé trên băng tải. Băng tải dưới sức nặng của luồng lúa tiếp tục chạy lên bắt đầu chậm lại từ từ trong khi hai bên rià cuả nó lúa vãi thành hai dãy dưới sàn nhà. Luồng lúa tiếp tục chạy ngược về thang máy và như dòng thác, nó đổ ầm ầm xuống lại cái hầm cho đến khi thang máy ngừng chạy mới thôi! Có nghĩa là Rich và tôi phải phi thân đóng hết các động cơ và chụp lấy cây xẻng, vừa cào vừa xúc, dọn chỗ để giải phóng hệ thống thang máy và băng chuyền đang bị kẹt cứng vì lúa bị dồn lại. Nghĩa là xúc và xúc từ máng xối ở dưới cho tới miệng bồn trên Top House vài trăm feet!. Ôi!, ác mộng... em đến rồi đi không hẹn trước, làm nội công của tôi ngày càng thâm hậu. Có hôm phải xúc năm sáu trăm giạ bàn tay tôi chai cứng, xương sống xương chậu lẫn lộn mất tiêu cảm giác. Dần dần tôi biết đứng tấn thấp hơn khi xúc, xúc và xoay hông đều sang hai bên, xúc với một tay cầm sát vào cổ xẻng một tay cặp sát vào hông.. chuyện không nghĩ ra là tôi luyện võ công hàng ngày mà lại được trả tiền nuôi vợ con!... Bây giờ vợ tôi nàng cứ chép miệng - Hồi xưa anh đi làm ở Wright Co óp là lúc anh... đẹp giai nhất! Vai ra vai, eo ra eo, bụng nhỏ, bụng sáu múi hẳn hoi chứ đâu có ..một múi như bây giờ!! – Tôi cười hì – Thì ít ra anh cũng có “...một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn là một múi suốt trăm năm!”

Như vậy đó, suốt 3 năm tôi như con kiến chăm chỉ… tha bụi lúa về nhà. Đúng như ông Redman nói công việc không gì khó, chỉ cần chăm chỉ, như lúc đầu ông đã e ngại tôi không kham nổi. Cảm ơn Chúa! Tôi đã thay đổi cái nhìn của ông, và cả cái nhìn của những người đồng sự. Những bác nông dân đến liên hệ mua bán, những người thanh tra sở Nông nghiệp, những tay tài xế xe tải rong ruổi xuyên bang, tài công xe lửa… là những người tôi tiếp xúc và học hỏi thật nhiều. Họ sẵn sàng chỉ cho tôi những gì họ biết như những người bạn, rất chân chất, rất đồng quê.

Căn hầm bây giờ đã được tổng vệ sinh không còn xác chuột và mùi ẩm mốc nữa, sáng sủa như đường hầm đi phi trường LAX. Động cơ được nâng cấp, băng tải thường xuyên bảo trì đúng chương trình. Các bồn lúa được chăm sóc và trộn đều để bảo đảm độ ẩm cần thiết không khô quá không ướt quá. Có 3 bồ bắp vài chục ngàn bushel loại kém phẩm đã được tôi giải phóng bằng cách trộn thích hợp vào những hợp đồng lớn ship bằng xe lửa cho khách hàng. Một lần nữa kiến thức Toán và Vật lý học ở VN đã giúp tôi.

Khi tôi ngồi vào buồng lái xe lửa trên đường rầy cặp ngang hông cuả kho lúa để load hàng lên toa, tôi kéo còi hụ vang cả công ty. Các xếp thò tay ra cửa sổ văn phòng vẫy tay chào lại. Tôi nghe vang vang trong CB – Hey! Ra mà xem Asian guy của tụi mình lái xe lửa kìa!...

Tôi học được tính cần mẫn ở công ty lương thực, từ ông chủ, chairman, superintendants.. cũng khoác áo coverall, cầm xẻng cầm chổi, đeo khẩu trang, cũng dầm mưa dãi nắng, cũng chịu đựng gió tuyết, mưa dầm để hòan tất công việc trước mắt... như tôi. Họ làm một cách bình thản không phải vì lên gân với nhân viên. Điều này khiến một City Boy là tôi phải suy nghĩ về tư cách lãnh đạo và phẩm chất của một môi trường, trong đó sự chia xẻ và hợp lực không có phân chia thứ bậc. Môi trường như vậy tất sẽ thành công, mỗi nhân tố sẽ nhận được phần thưởng của mình.

Cảm ơn thành phố cowboy Dodge City, cảm ơn hãng bò, hãng lúa, những tình tương trợ mà tôi có duyên nhận được từ Ngọc-Hường, Đạt-Ngọc, Bobby, Thành Luân, Ricky, Mark Paul… Những kỷ niệm bên nhau mà tôi ghi nhớ mãi không quên trong đời lang bạt hải hồ, có lẽ còn mãi dính vào số phận tôi đến khi retire chăng? ./.

Phi Yên

Ý kiến bạn đọc
05/04/201821:54:03
Khách
Hay quá bro Phiên Nông, WW đã đọc qua lâu rồi, giờ đọc lại thấy càng hay hơn :)
04/04/201220:26:34
Khách
Một thầy giáo dạy kỷ thuật ở VN đi làm kho lúa thì phải giỏi hơn một anh nông dân ở Mỹ rồi. Người có tri thức làm việc gì cũng thành công từ công việc lao động trí óc đến lao động tay chân cũng vậy. Bài viết nói lên một khía cạnh rất thật của những trí thức Việt Nam phải đánh đổi nhiều thứ khi đến bến bờ tự do.
24/03/201221:11:12
Khách
like
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,174,451
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất, tác giả viết cho mùa Vu Lan.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Bài mới là chuyện mừng đón cháu ngoại sinh đúng ngày bão lụt ở Houaton, Texas.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông là nhà hoạt động văn hóa cộng đồng, là thầy dạy võ, và không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Với sức viết mạnh mẽ, vừa có thêm tới 7 cuốn sách mới đang ra mắt khắp nơi. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây, là bài mới viết cho mùa lễ Vu Lan.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của tác giả cho mùa Vu Lan 2017 giống như bông hồng đỏ dành cho một bà mẹ vẫn tiếp tục sống vui sau cuộc bể dâu thời hậu chiến bi thảm.
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016) và năm thứ hai được giải “Á khôi” Vinh Danh Tác Giả (2017). Hiện ông đã về hưu và đang định cư ở Orange County.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bài được chuyển đến bằng điện thư. Mong Lanh Nguyễn tiếp tục viết và vui lòng bổ túc phần sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến