Hôm nay,  

Kỷ Niệm Với Valassis

15/03/201200:00:00(Xem: 124099)
Tác giả là cư dân Vancouver. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là “Bóng Quê Hương,” viết về mảnh vườn rau Việt trong căn nhà ở mướn, đậm đà. Bài viết thứ hai của tác giả là những kỷ niệm vui về nơi làm việc đầu tiên trên đất Mỹ tại Valassis, Colorado.

Tôi xách chiếc túi đựng chai nước và hộp cơm, bước qua cánh cửa kiếng đặt chân vào không gian xưởng sau khi cất lời cám ơn người thanh niên da đen mở cửa cho tôi.

Tôi chưa có ID card của xưởng cấp để có thể tự ra vào. Các dãy kệ sắt cao ba bốn tầng chứa đầy nguyên liệu. Nhiều chiếc fortlift đang di chuyển. Những anh chàng da đen to lớn đang điều khiển chiếc xe nâng hàng một cách khéo léo. Âm thanh điệu nhạc rap phát ra từ chiếc loa computer trên chiếc bàn làm việc của bộ phận receiving kê sát một cửa cuốn. Người thanh niên da đen sau khi mở cửa cho tôi quay vào bàn và nhún nhảy theo điệu nhạc. Mấy người trong bọn họ làm cho nơi làm việc sinh động. Một phụ nữ có gương mặt gầy gò trông giống người Trung quốc, mặc chiếc áo khoác rộng thùng thình, đang bước ra phía cửa nơi tôi vừa bước qua. Tôi hỏi thăm nơi cất chiếc túi và văn phòng. Người phụ nữ chỉ tôi phòng lunch và các bàn làm việc của văn phòng xưởng. Tôi bước nhanh về phía được chỉ và để đại chiếc túi trên một chiếc bàn rồi quay ra.

Tiếng máy chạy rầm rầm. Chắc đã vào ca. Hôm nay là ngày đi làm đầu tiên của tôi trên đất Mỹ sau hơn một tháng nhập cư và sau nhiều ngày đi xin việc. Tuy nhiên đó cũng là thời gian cần thiết để tôi làm các giấy tờ tùy thân và kịp lấy cho mình bằng lái xe để có thể tự ôm vô - lăng.
Những trải nghiệm đầu tiên trong những ngày sinh sống tại xứ sở mà rồi đây tôi sẽ phải xem như quê hương thứ nhì, ví dụ như lần lên DMV làm ID rồi cũng đến đó thi viết và thi thực hành để có bằng lái xe, đã cho tôi nhiều cảm giác thú vị.

Tôi trình diện Shift Manager. Một anh chàng trẻ tuổi, đầu trọc, mặc bộ đồ rộng – quần jean và chiếc áo thun không cổ dài đến ngang đùi – không có vẻ gì là xếp cả. Anh ngỏ lời chào vui vẻ, tự giới thiệu: I’m Ryan – rồi dẫn tôi băng ngang khu vực sản xuất đến chiếc máy mang số 6. Khi đi ngang khu office đặt giữa các dãy máy, một cô gái người Mễ cười rồi nhoài người hỏi tôi với phát âm ngập ngừng:

- You speak Espanol?
- Sorry! Ma’am. I don’t.

Ryan bước đến trước chiếc máy trapper và nói đây là vị trí tôi làm việc hôm nay và làm mẫu để hướng dẫn công việc cho tôi.

Công việc của tôi là phải thu từng chồng sản phẩm – những tập giấy quảng cáo gọi là books – chạy ra liên tục trên băng chuyền và đặt trên trapper để trap lại. Tôi phải lưu ý số thứ tự của số lượng có cho từng zip code và không trap lẫn lộn giữa zip code này và zip code khác. Số 001 luôn luôn ở trên cùng của bó có zip code mới. Bưu điện sẽ dựa vào đó để phân loại và phân phát. Ngoài ra còn trap sao cho cân đối, dày đều nhau và xếp lên pallet cũng ngay ngắn. Sau đó wrap tất cả lại bằng cuộn plastic mỏng, ghi order notes trên một tờ giấy, bỏ lên phía trên và di chuyển pallet sang một bên, rồi lại lấy pallet khác cho order mới và cứ thế tiếp tục làm.

Công việc không khó chỉ cần nhanh tay và có một chút thẩm mỹ. Sau 30 phút đầu lúng túng với tốc độ của máy và lật xem liên tục số in trên books vì sợ lố, tôi bắt nhịp với tốc độ và làm tốt công việc của mình.

Người phụ nữ vận hành máy số 6 cũng là người Mễ, không nói được tiếng Mỹ, di chuyển liên tục theo chiều dài của máy để bỏ giấy thêm vào các pocket, chỉnh cho giấy cuốn xuống băng chuyền đều đặn. Cô đến giúp tôi kiểm tra các book đã trap nhất là phần in địa chỉ. Chúng cần rõ ràng và không mất chữ hoặc số. Khi thấy tất cả đúng cô cười và đưa một ngón tay cái lên với tôi.

Tôi thấy cô gái ngồi ở bàn làm việc lúc nãy, giờ di chuyển khắp nơi trong khu vực, lúc ở máy này, lúc ở máy khác. Cô nói chuyện với các operator và phụ bỏ giấy vào các pocket. Một lúc sau cô đến chỗ máy của chúng tôi và cũng làm như vậy hoặc chỉnh máy cho chạy nhịp nhàng hơn. Cô đến nhìn vào màn hình computer đặt gần chỗ tôi đứng và ghi số lượng books đã làm ra. Có lẽ cô là leader phụ việc cho Ryan. Cô hỏi tên tôi. Tôi trả lời rồi cũng hỏi lại tên cô. Cô nói tên mình thật chậm rãi: Emelda – rồi mỉm cười, nắm nhẹ tay tôi, nhanh chóng bước sang máy khác. Cô không nói được tiếng Mỹ nhưng hình như hiểu rõ khi nghe nói. Thỉnh thoảng Ryan trao đổi với cô điều gì đó và cô nhanh chóng gật đầu và làm ngay điều vừa được nghe.
Hầu hết công nhân của ca đều là người Mễ. Chỉ có Ryan là Mỹ trắng; một anh chàng lái fortlift mang material đến cho các máy là người da đen, một cô gái da đen gầy cũng đứng máy trapper và tôi là anh chàng châu Á duy nhất. Hèn chi Emelda hỏi tôi có biết tiếng Tây Ban Nha không vì hầu hết họ đều nói tiếng Mỹ bập bõm. Tôi cũng thế và hy vọng đôi bên sẽ hiểu nhau khi có dịp trò chuyện.

Tôi mới nhận ca và đang lúi húi làm công việc của mình thì nghe tiếng hỏi:

- Anh người Việt hả?

Tôi ngước mắt lên nhìn và thấy hai anh chàng, tay đang xách túi và áo khoác nhìn tôi cười. Tôi gật đầu chào.

- Nghe nói có người Việt mới vào làm ở night shift, ghé lại coi. Tụi này làm ca ngày. Ca ngày còn có nhiều người Việt. Anh làm ca đêm có một mình.
- Ừ! Hơi buồn. Tôi là Long.

- Tui là Khiêm. Cha này tên là Ngữ.

Ngữ là người Việt gốc Hoa, thấp bé nhưng giọng oang oang. Kim nói:

- Ổng tên Ngữ mà mỗi lần gọi ổng, tụi Mễ cứ kêu: Ngu! Ngu! Ổng chửi thề mỗi khi nghe gọi nhưng mà tụi nó đâu có phát âm như mình được.
Tôi không nén được tiếng cười. Ngữ chửi thề rồi nói:

- Đm! “Ngu” nhưng mà tụi nó đâu làm lại mình. Tụi nó sợ tui với thằng Khiêm lắm. Không đứa nào chạy máy lại.

Ngữ đột ngột lớn tiếng với Khiêm:

- Mà tao nói với mày đừng chạy nhiều. Chạy nhiều tụi Mỹ khoái nhưng tụi Mễ ghét mình. Hơn tụi nó một chút thôi cho tụi nó nể là được rồi.

Khiêm nhìn tôi làm, trả lời Ngữ: ”Thì tui làm bớt lại rồi.” rồi nói với tôi:
- Anh làm như vầy nè nhanh hơn.

Nói xong Khiêm bỏ túi đồ sang một bên rồi thế vào chỗ tôi. Thao tác của Khiêm không nhanh nhưng không có động tác thừa. Tôi cám ơn rồi làm theo sự chỉ dẫn của Khiêm. Emelda đi ngang gọi tôi: Loong! Rồi chỉ Khiêm nói tiếp: “Khiêm, number one.” Khiêm cũng đưa tay chào Emelda rồi nói:

- Anh coi cặp vú nó nhảy kìa. Con Mễ nào ngực cũng tổ mẹ. Cha Ngữ này nhiều lần lo nhìn vú, pocket hết giấy không lo bỏ. Tui phải phụ chả.

Tôi mỉm cười với nhận xét của Khiêm. Ngữ lên tiếng:

- Mày làm như mày không dòm. Ngó cho đỡ buồn ngủ. Thôi! Dìa. Đứng từ hồi 5 giờ sáng tới giờ, mỏi chân quá. Có gì hỏi tụi này nghe. Mà công chuyện này dễ lắm, làm vài tuần là quen.

- OK! Cám ơn các bạn. Rất vui khi gặp người Việt làm chung – Tôi chào Kim và Ngữ.

Bước đi vài bước, Khiêm lại nháy mắt với tôi rồi hất mặt về phía một cô Mễ có thân hình và bộ ngực đồ sộ đang đi ngang qua.

*
Anh rể tôi là người rất chu đáo. Khi biết gia đình tôi sắp sang, trong một lần đi sửa chữa nhà, anh thấy chủ nhà để không ở góc sân chiếc Ford Taurus đời lâu lắm, hình như 1987. Anh xem rồi tỏ ý đổi tiền công công việc anh làm cho chủ nhà để lấy chiếc xe dù không biết liệu chừng có sửa nó được hay không. Chiếc xe không nổ máy, windshield bị mấy lằn nứt nhưng vỏ xe còn tốt. Anh kéo xe về nhà chờ tôi qua để cho. Anh chỉ tôi cách thay nhớt engine, dầu thắng, dầu tay lái, coolant . . . Bình điện xe cũng còn tốt. Một người đồng hương đến giúp và rất may, chiếc xe chỉ phải thay một món đồ nhỏ với giá vài chục đô. Thế là tôi có chiếc xe riêng để đi làm. Chị tôi chở tôi ra DMV để làm giấy tờ sang tên. Ngồi chờ đến lượt năm phút và làm việc trong ba phút, tôi đã chính thức là chủ một chiếc xe hơi. Nhớ lại hồi còn ở bên Việt Nam, việc đi làm giấy tờ xe là một cực hình cho người dân. Hãng cũng gần nhà nên tôi cũng bớt lo vì không phải lái trên freeway. Đoạn đường đi hàng ngày sẽ giúp tôi luyện tay lái vì tôi là tài xế cho cả gia đình. Hơn một năm rưỡi sau tôi mới mua chiếc xe khác. Hàng tuần, chiếc Ford vẫn được chạy loanh quanh. Tôi không biết có ai chịu mua nó không nhưng tôi rất quý nó. Nó thể hiện sự Cho & Nhận khi tôi bắt đầu một cuộc sống mới.

Roberto chào tôi khi thấy tôi bước xưởng. Roberto vào làm sau tôi nửa năm. Tên Mễ này cao lớn, râu mép rậm, giọng nói to, và rất mến tôi. Vợ hắn lại thấp người và tròn quay. Cô ta vào làm sau tôi một tháng. Tôi thường thấy Roberto đưa vợ đi làm. Ít lâu sau, hắn cũng vào làm luôn. Roberto nói hãng làm nệm của hắn cho nghỉ việc bớt công nhân. Roberto lịch sự, thích nói chuyện về lịch sử các nước. Khi biết tôi là người Việt, Roberto nói rằng hắn biết về chiến tranh Việt Nam. Tôi hỏi do đâu mà biết. Roberto bảo là đọc trong sách. Nhờ học ESL mấy lớp và nghe cô giáo kể, tôi cũng biết được cuộc chiến đấu của người dân Mễ Tây Cơ chống lại quân Pháp và ngày kỷ niệm chiến thắng Cinco de Mayo. Tôi nói cho Roberto nghe và hắn tỏ ra rất thích thú, hãnh diện về dân tộc. Hắn cũng khen tôi làm việc rất giỏi và nói rằng hồi mới vào làm việc hắn quan sát cách thức tôi làm rất nhiều. Tôi cũng ngạc nhiên vì nhận ra tên Mễ này có thao tác làm việc rất giống thao tác của tôi. Té ra là hắn đã quan sát tôi từ khi mới vào làm. Tôi cười và nói đùa với Roberto:


- Nhưng mày không bắt chước được cách bỏ giấy của tao.

Roberto đưa hai bàn tay to đùng ra:

- Mày thấy mấy ngón tay của tao không? Nó to gấp đôi ngón tay của mày.

Cả hai chúng tôi cười vui.

Một hôm, tôi thấy Roberto nói chuyện với một thằng Mỹ trắng. Tôi lại gần và thấy tên này còn trẻ nhưng gương mặt cũng đầy râu mép, râu cằm vàng hoe. Đến break time, hắn lại gần Roberto trò chuyện. Roberto lấy thức ăn từ trong túi xách ra và chia cho hắn. Hắn cầm lấy và ăn một cách tự nhiên. Thấy liên tiếp nhiều ngày như thế, tôi hỏi chuyện, Roberto nói:

- Nó và bạn gái mới moved qua bên này để kiếm việc. Đang ở nhờ người quen.
Tôi chạnh lòng:

- Tụi nó còn trẻ quá!
- Ừ! Nó mới 21, còn bạn gái 19.
- Nó tên gì vậy?
- Zac.

Tôi lái xe ra khỏi parking hướng về nhà. 4g15’ sáng. Trời còn tối thui. Một bóng đen đang đi bộ phía trước. Khu vực này toàn là hãng xưởng, vắng hoe, ánh đèn vàng từ các bờ tường, lối vào các văn phòng hay các cột đèn từ xa xa rọi lại nhìn mờ mờ. Phải qua khỏi ngã tư mới có nhà dân. Xe các đồng nghiệp của tôi đã rẽ các hướng khác, chỉ còn xe tôi trên đường. Đến gần, bóng đen quay lại, giơ tay ra hiệu xin quá giang. Tôi nghe dặn tuyệt đối không cho người lạ đi nhờ. Tôi định chạy luôn thì thấy bộ râu vàng. Thì ra Zac. Tôi dừng lại cho Zac mở cửa lên ngồi. Tôi hỏi nhà ở đâu. Zac nói tên đường rồi nói tôi chạy đến đâu thì cho nó xuống đó cũng được, nó sẽ đi bộ tiếp. Tôi tính thầm từ chỗ nhà tôi, Zac cũng phải đi thêm khoảng 2 dặm nữa. Tới nhà chắc cũng đến 6 giờ. Tôi tặc lưỡi rồi nói:

- Tao chở tới nhà mày luôn.
- Cám ơn Loong nhiều lắm.

Tôi nhủ thầm:” Mình đã khổ sao lại có thằng Mỹ khổ hơn thế này?” và nhớ có lần Khiêm nói:”Mỹ nhiều thằng khổ lắm anh ơi! Người Việt mình coi vậy chứ không thấy ai đứng đường ăn xin. Anh xuống downtown thấy Mỹ đen, Mỹ trắng cũng có cầm nón, cầm bảng homeless ở mấy ngã tư nhiều lắm.” Mấy ngày sau liên tiếp, Zac vẫn xin tôi cho quá giang, xin từ trong hãng. Làm việc suốt đêm cho đến 4 giờ sáng, tôi chỉ muốn về nhà ngay để ngủ nhưng nghĩ đến Zac đi bộ mấy dặm đường cũng sau 10 tiếng đồng hồ làm việc như tôi, tôi ra quyết định:

- Zac! Tao có một chiếc xe cũ. Tao cho mày! Mày lấy không?

Zac yes rối rít! Tôi nói OK rồi tiếp:

- Tao chỉ mày nhà tao – mọi hôm tôi đi đường khác – rồi 12 giờ trưa mày đến nhà tao lấy xe. Đừng đến sớm quá, để tao ngủ.
Đúng 12 giờ, có tiếng chuông. Tôi ra mở cửa. Zac và một cô gái trẻ đứng đó. Một phụ nữ đang ngồi sau tay lái một chiếc xe màu trắng đậu chờ ngoài sân cũng đang nhìn vào. Chắc là người quen chở Zac tới. Zac giới thiệu bạn gái. Tôi không nghĩ cô gái có mái tóc đen, gương mặt trông rất hiền hậu và còn nhiều nét trẻ con này đã 19 tuổi. Tôi mời cả hai ngồi rồi lấy tờ giấy trắng viết vài dòng chữ bán xe. Tôi nói:

- Tao cho nhưng ghi là bán cho mày 100 đồng. OK?

Zac gật đầu. Tôi nói tiếp:”Cho tao mượn ID của mày” rồi ghi vào tờ giấy bán xe. Tôi ký tên rồi Zac ký tên. Tôi đưa chìa khóa xe cho Zac.
- Giấy tờ có hết ở trong xe. Mày ra coi. Insurance còn ba tháng, xăng còn nửa bình.

Zac cười hớn hở. Tôi sang Mỹ, ngoài anh chị em tận tình giúp đỡ, tôi còn được người này, người kia cho quần áo, chăn nệm. Có cô chú còn cho tôi ấm trà và bình đun nước. Vợ tôi từng khóc mếu máo vì cảm động bởi lòng tốt của nhiều đồng hương xa lạ. Tôi còn đang ở thuê, làm công việc với đồng lương tối thiểu lại ngồi ký giấy cho một người Mỹ chiếc xe hơi. Sự Cho & Nhận luôn tiếp diễn trong cuộc sống của chúng ta. Ta Nhận để vững tin vào tình người trên con đường đang đi và ta Cho người khó khăn hơn mình để thấy tình thương rộng mở sẽ mang lại nhiều hạnh phúc. Không chừng ta lại Nhận hạnh phúc đó nhiều hơn người được Cho. Cô bạn gái của Zac ra đến cửa quay lại, hai tay xếp trước bụng, cúi đầu cám ơn. Trông cô ta giống như một thiếu nữ Việt Nam thùy mị và lễ phép. Cô ta chỉ lớn hơn con tôi vài tuổi. Nhìn Zac lái xe đi với cô bạn gái ngồi kế bên, chúng đang nói gì đó với nhau, bước vào nhà, khép cửa lại, đầu óc tôi cứ lâng lâng.

*
Tôi vào hãng đúng vào lúc ca của Khiêm đang clean khu vực chạy máy. Thấy tôi, Khiêm lại gần nói:

- Hôm nay có buổi họp về việc treo cờ. Tui không đồng ý treo cờ đỏ. Tui nói tui sẽ kiếm cờ vàng. Tụi mình con dân H.O. không mà treo cờ đỏ sao được.

Tôi nhìn một dãy treo hàng chục lá cờ của những nước có công nhân đang làm việc trong hãng: Mỹ, Mexico, Trung Cộng, Canada và nhiều lá cờ khác mà tôi không biết. Không có lá cờ nào đại diện cho Việt Nam. Cha của Khiêm và cha của tôi đều đã bị chính quyền cộng sản đày ải nhiều năm trong các trại tù với tên gọi đầy tính giáo dục và nhân văn: trại cải tạo. Các địa danh và ngày tháng lặn lội tiếp tế cho cha chẳng thể nào tôi quên được.

Buổi họp vào giờ break time thứ nhất trong phòng lunch. Ca đêm chỉ có dân của ba quốc gia: Mỹ, Mexico và Việt Nam. Có mấy ông bà trong Company Diversity Committee ngồi dự. Ba lá cờ xếp gọn gàng được trao cho ba nhóm. Đại diện mỗi nhóm sẽ đứng lên phát biểu cảm tưởng. Jeff, anh chàng da đen lái fortlift nói đầu tiên rồi đến Matinez, là QC, đại diện nhóm sắc tộc Mễ và tôi, người Việt duy nhất, nhận lá cờ đỏ và đứng lên phát biểu. Tôi lúng túng một lúc mới nói được:

- Tôi xin cám ơn mọi người và rất hân hạnh được phát biểu trong cuộc họp về tính đa dạng sắc tộc cũng như văn hóa trong các sinh hoạt của nước Mỹ. Đây chỉ là ý kiến của của riêng tôi chứ không phải của toàn thể những công nhân gốc Việt trong hãng. Đối với tôi, màu sắc của lá cờ, đỏ hay vàng, sọc hay sao, không quan trọng. Điều quan trọng là người dân của nước tôi có sung sướng, hạnh phúc trong cuộc sống hay không. Người dân có được sự tự do, dân chủ và tất cả quyền của con người hay không. Trẻ con có được giáo dục để trở thành những công dân tốt hay không. Lá cờ sẽ cho thế giới, khi nhìn vào nó, biết rằng đó là một đất nước đẹp đẽ, dân nước đó sống hạnh phúc và tự do chứ không phải khi nghe đến Việt Nam mọi người chỉ nghĩ đến chiến tranh, nghèo khổ và nhiều điều xấu xa khác. Lá cờ này không mang lại cho hàng triệu người Việt tha hương niềm tự hào, không làm cho người dân những nước khác nhìn thấy nơi nó những hình ảnh và suy nghĩ tốt đẹp. Sự có mặt của tôi trên đất Mỹ này cũng từ những sự không đẹp đẽ đó. Tôi từ chối treo lá cờ này.

Mọi người vỗ tay và sau buổi họp nhiều người đến bắt tay tôi. Tôi hơi ngượng vì chưa bao giờ phát biểu về một vấn đề như vậy. Ryan, Jeff và Roberto hỏi tôi: ”Lá cờ vàng là lá cờ nào?”

Đầu tuần sau, bước vào hãng tôi có cảm giác có sự thay đổi. Nhìn lên dãy cờ treo trên cao, lá cờ vàng sáng đẹp và không thể nhầm lẫn đang lay động cùng với những lá cờ của quốc gia khác. Khiêm đã tìm được. Tôi gọi các đồng nghiệp lại và chỉ:

- Đó là lá cờ tôi đề cập đến.

*
Đang chạy máy. Lúc này tôi đã điều khiển toàn bộ một máy và chịu trách nhiệm một nhóm ba công nhân. Ryan lại gần và nói tôi lên văn phòng. Ryan kêu Emelda thế chỗ của tôi. Vào đến văn phòng, Ryan lấy ra một bộ giấy tờ và cho tôi biết tôi đã được tuyển chính thức. Do đó, title của tôi cũng sẽ từ Technician I thành Technician II. Tôi cám ơn rồi nói với Ryan:

- Đây là một tin vui. Tuần sau cũng là sinh nhật của tôi. Tôi muốn mời toàn bộ ca của mình đến nhà hàng Việt Nam ăn mừng. Tôi muốn giới thiệu với các bạn các món ăn của nước tôi. Anh thấy sao?

- Để tôi thông báo mọi người trong cuộc họp giữa giờ.

- Mình sẽ đến nhà hàng sớm khoảng 1 - 2 tiếng đồng hồ để ăn uống rồi đi làm.

Sau đó, tôi cho mọi người biết địa chỉ của nhà hàng và hẹn gặp tất cả vào ngày đầu tiên của tuần làm việc. Tôi đãi các bạn Mỹ và Mễ các món ăn Việt như gỏi cuốn, chả giò và phở bò. Tôi giải thích các món ăn trên làm như thế nào và ăn ra sao. Đến khi ăn phở thì chỉ cách cầm đũa, bỏ thêm tương đen, tương đỏ, vắt chanh, them ngò gai, rau quế. Mọi người lóng ngóng làm theo. Martinez nói:

- Loong! Cho tụi tao uống bia nghe.

- Mày hỏi Ryan! Nó là boss. Tụi mình còn phải làm việc.

- Một chai thôi.

Tôi nhìn Ryan thấy hắn mỉm cười. Thế là ai muốn uống bia sẽ có một chai bia. Lão Mễ già Andre có mái tóc luôn bóng mượt, hồi tôi mới vào làm cũng tị nạnh với tôi lắm sau được tôi giúp khi làm không kịp đã trở nên thân thiện, sau khi ăn gỏi cuốn và chả giò được nhân viên nhà hàng hỏi ăn phở gì, tô large hay medium đã giơ một ngón tay lên và kêu:”Large!” rồi lại “No! No! No! Medium” rồi vỗ bụng làm cả đám cười vang.

Xong bữa, đám đàn ông bắt tay tôi còn phụ nữ thì từng đứa đến ôm tôi và nói “Happy Birthday”. Tôi vỗ vai và cám ơn từng người rồi tất cả lái xe về hãng. Tiếng máy lại rầm rầm vang vang. Ryan gặp tôi nói lời cảm ơn và khen thức ăn Việt Nam ngon quá. Nó xoa bụng:”Chắc hôm nay tôi không cần ăn dinner.” Còn tôi nghĩ đến Khiêm, chắc sẽ ngạc nhiên khi biết tôi đã “ôm” tất cả các cô nàng Mễ trong ca.

Valassis, Colorado – nơi làm việc đầu tiên trên đất Mỹ đã cho tôi nhiều kỷ niệm như vậy.

Lê Khánh Long

Ý kiến bạn đọc
02/04/201214:10:34
Khách
Cảm ơn tất cả các bạn về những giòng khích lệ. Sẽ cố gắng viết tham gia với chương trình VVNM như sự xẻ chia tâm tư. Thân kính. LKL
19/03/201203:16:29
Khách
Bài viết súc tích sống động ân nghĩa rất hay! Ai đến xứ này đều phải bắt đầu cùng một con đường... Và những điều hay tốt sẽ theo ta đến cuối cuộc đời với những nụ cười! Cảm ơn tác giả.
15/03/201204:50:53
Khách
Bài viết vui vui làm tôi nhớ lại những ngày đầu đến Mỹ.
15/03/201204:32:19
Khách
Lời văn nhẹ nhàng, tình cảm - đã thấy từ bài "Bóng Quê Hương". Mong tác giả tiếp tục.
16/03/201200:02:47
Khách
Rất sống động và lôi cuốn. Cảm phục tinh thần nhường cơm xẻ áo của tác giả.
15/03/201217:35:14
Khách
Baøi vieát raát hay vaø suùc tích. Xin caùm ôn taùc gia.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,062,250
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013.
Jenny, cô phóng viên Mỹ tuổi đời chưa quá 30.
Sau vài tháng đắn đo suy nghĩ và bàn bạc với con cái,
Đã có hàng triệu người Việt định cư tại xứ Mỹ này
Năm 1975, để bảo tồn Hội Dòng, những tu sĩ Dòng Đồng Công
Thay mặt các anh chị em nhóm Việt Bút, tôi đến tòa soạn Việt Báo nhận 35 quyển sách mới
Vào một ngày thứ Bảy cuối tháng 07/2019, các bác sĩ và y tá cùng nhân viên trong bộ phận Xứt Môi và Răng Hàm Mặt
Sân chùa Kim Cang đông tấp nập trong ngày lễ Vu Lan.
Về lại Cali năm nay, tôi nghĩ mình chắc sẽ có nhiều nỗi vui mừng, xúc động.
Nhạc sĩ Cung Tiến