Hôm nay,  

Trông Người Mà Ngẫm Đến Ta

03/03/201200:00:00(Xem: 228848)

Bài số 3499-12-289549vb7030312

Tác giả đã 2 lần liên tiếp nhận giải Viết Về Nước Mỹ: Năm 2009, giải danh dự, với bài "Tình Nghĩa, Nghĩa Tình" và Giải Tác Phẩm Trong Năm 2010, với bài “Việc Làm Ơi, Mi Đi Đâu"” Đến Hoa Kỳ năm 1984, Khôi An hiện là cư dân Bắc California. Nghề nghiệp: kỹ sư điện tử tại công ty Intel. Sau đây là bài viết mới nhất.

***

Thời Xuân Thu (từ năm 722 tới năm 481 trước công nguyên) ở Trung Hoa, nhà Chu suy yếu. Các thế lực nổi lên chiếm đất xưng vương ở khắp nơi, liên tục tranh giành quyền lực, xâu xé lẫn nhau, và triều đình bù nhìn Đông Chu gọi họ là các chư hầu. Trong 14 chư hầu mạnh thời đó có nước Việt ở vùng ven biển phía Đông Trung Hoa (nay là vùng Thượng Hải) và nước Ngô nằm ở phía Bắc của nước Việt, vùng cửa sông Dương Tử. Khi đời vua thứ nhì của nước Việt là Câu Tiễn mới lên ngôi, vua Ngô là Hạp Lư đem quân sang đánh phá nhưng bị lọt vào ổ phục kích của quân Việt. Hạp Lư trúng tên, chạy về Ngô, trước khi chết trăn trối bảo con trai là Phù Sai nhất định phải rửa hận. Từ đó hai nước Ngô, Việt có mối thâm thù. Sau ba năm luyện tập ngày đêm, Phù Sai đem quân đánh nước Việt, Câu Tiễn khinh địch nên bị thảm bại, phải đem tàn quân bỏ chạy vào núi Cối Kê. Phù Sai bao vây ráo riết, Câu Tiễn định liều chết phá vòng vây nhưng hai cận thần mưu trí là Văn Chủng và Phạm Lãi khuyên Câu Tiễn phải giữ tính mạng, chờ cơ hội. Câu Tiễn ra hàng, Phù Sai không tiêu diệt nước Việt nhưng bắt vợ chồng Câu Tiễn và Phạm Lãi đem về Ngô. Vua tôi Câu Tiễn trải qua 3 năm tù đày ở nước Ngô, ngày lao động khổ sai, đêm về ngủ trong ngục đá, hết sức phục vụ, hết tâm nhẫn nhịn nhưng Phù Sai vẫn ghét bỏ, nghi ngờ. Đến khi Phù Sai đau nặng, để tỏ dạ trung thành Câu Tiễn phải tình nguyện nếm phân Phù Sai để chẩn bệnh; sau đó Phù Sai mới cảm động, tha cho Câu Tiễn trở về nước Việt.

Về đến nước Việt, vua tôi Câu Tiễn quyết chí rửa hận. Dựa trên bảy kế sách diệt Ngô của Văn Chủng, Câu Tiễn làm việc suốt ngày đêm. Ngày thì cày bừa, dệt cửi với dân, đêm thì nghiền ngẫm binh thư. Khi buồn ngủ thì lấy cỏ lục xoa mắt cho cay để tỉnh ra, giường nằm lót bằng gai, ở ngay chỗ ngồi làm việc treo một quả mật, thỉnh thoảng lại nếm để nhớ mãi nỗi đắng cay, tủi nhục. Trong nước thì tích lương thực, luyện quân, trọng dụng nhân tài, đối xử với trăm họ như một nhà; với Ngô thì dâng mỹ nữ để đưa vua Ngô vào con đường trác táng, dùng báu vật để mua chuộc gian thần, tiêu diệt trung thần, gây nghi ngờ, chia rẽ trong triều đình Ngô.

Sau 10 năm “nằm gai nếm mật” Câu Tiễn đã đưa nước Việt trở thành một quốc gia hùng mạnh. Trong khi đó, Phù Sai tin tưởng vào sự trung thành cuả Câu Tiễn, không chú ý tới sự phục hồi của nước Việt mà chỉ lo giao tranh với Tần và Tấn. Khi đã đủ mạnh, Câu Tiễn bốn lần đem quân sang đánh Ngô. Thảm bại, Phù Sai phải sai sứ giả đem của cải cầu hòa nhưng vẫn không tỉnh ngộ. Cuối cùng, năm 473, Câu Tiễn đánh vào tận cung điện nước Ngô. Thành Cô Tô cháy rực trời, Phù Sai đâm cổ tự sát trong đám loạn quân. (Theo wikipedia)

*

Gần 2500 năm sau…

Bây giờ không còn nhiều người biết Câu Tiễn là ai, nhưng “nằm gai nếm mật” đã trở nên một thành ngữ để diễn tả những lúc chịu nhiều cay đắng, gian khổ nhằm đạt được mục đích khó khăn và lớn lao.

Thời gian đầu đến Mỹ cuả tôi và bạn bè - những người trẻ Việt Nam - không ít nước mắt rơi, không ít vấp ngã đau điếng trên những bậc thang đi lên từ số không. Tuy nhiên, đó không phải là “nằm gai nếm mật” bởi vì trong lòng chúng tôi không có đắng cay, thù hận. Những khó khăn trên đất mới - lúc đeo sách vở nặng trĩu đứng chờ xe bus hàng giờ trong gió lạnh hay khi đi quét dọn để kiếm sống - chỉ làm chúng tôi thêm cẩn thận chắt chiu từng đồng Financial Aid cuả chính phủ cho học sinh nghèo. Những ký ức từ quê hương điêu tàn chỉ làm cho chúng tôi càng chăm chỉ làm việc và hướng về tương lai bằng những ước mơ trong trẻo, bằng hy vọng xanh biếc tình người... Những khó khăn lúc đó, đối với chúng tôi, chỉ là cái giá nhỏ và tất nhiên cho những thành tựu trong đời.

Hồi chân ướt chân ráo qua, gặp lại người quen bên đảo, mừng quá sức. Chúng tôi góp tiền xăng cùng đi học với một anh bạn lanh lợi, mới qua vài tháng mà đã có hai jobs và gom đủ tiền mua xe, một chiếc Toyota màu trắng với hơn 250 ngàn miles trên đồng hồ. Điều nó còn chạy được là một sự “kỳ diệu” đối với tôi! Không hiểu xe có bệnh gì mà những người ngồi ở ghế sau khi xuống xe thì người khét lẹt mùi xăng. Vậy mà tôi vẫn không phiền hà, mặc cảm gì cả. Sự ngây thơ, tin yêu đã đánh bạt mùi khói, chúng tôi vô tư sánh vai với các bạn Mỹ, thẳng tiến trên con đường tương lai. Con đường có ước mơ an bình, no ấm cho quê hương, có thương yêu tha thiết cho gia đình, và cả những mong muốn đơn giản như tậu một chiếc xe làm chân.

Thời 80, Toyota đáp ứng ý thích cuả mọi khách hàng với đoàn xe hùng hậu, từ Cressida sang trọng lộng lẫy để cạnh tranh với Cadillac của General Motors, Supra hừng hực sức sống, “dân chơi” không kém gì Corvett của Chevrolet, Celica trẻ trung, Camry thanh lịch, Corolla hữu hiệu, tới Tercel nhỏ nhắn, bền bỉ với giá nhẹ nhàng...

Quan trọng hơn, Toyota đồng nghĩa với bền, đáng tin cậy, và đáng tiền. Qua hệ thống sản xuất của Toyota, “Kaizen” - tiếng Nhật nghĩa là cải tiến - đã trở thành tên gọi của một khuôn mẫu sản xuất cực kỳ hữu hiệu và không ngừng tiến bộ được cả thế giới học hỏi và kính phục. Toyato áp dụng “Kaizen” hàng ngày, mọi nhân viên từ tổng giám đốc đến thợ lắp ráp đều có bổn phận quan sát và có thể ra lệnh ngưng cả guồng máy nếu thấy điều gì trục trặc. Sau đó toàn bộ hãng sẽ cùng chung sức giải quyết vấn đề.

Ngày đó Toyota là niềm tự hào của kỹ nghệ Nhật Bản.

*

Thấm thoát mà hơn 20 năm đã trôi qua từ những ngày tôi vác ba lô đi học trong chiếc xe Toyota 250 ngàn miles đó

Nước Mỹ đã leo lên đỉnh của kinh tế toàn cầu trong cuối thập niên 90 với hiện tượng internet. Tiền đổ vào tưởng như quơ tay là nắm được. Mãi tới 7, 8 năm sau người ta mới chịu tin rằng internet cũng không thể làm tiền mọc ra từ trên cây, nhưng thay đổi phong cách “lè phè” cuả thời “làm chơi ăn thật” là điều rất khó. Những hãng có thực lực còn ráng gượng được, các hãng yếu tuột dốc như xe không thắng. Từ giữa thập niên 2000, Toyota đã yếu đi. Lác đác đã thấy xe Toyota bị trục trặc nhỏ từ khi còn mới, điều chưa từng xảy ra trước đây.

Và Honda lặng lẽ tiến lên, thay thế Toyota để trở thành tiêu biểu cho những ưu điểm của xe Nhật.

Cuối năm 2009, mấy tai nạn liên tiếp xảy ra liên quan tới xe Toyota. Hãng Toyota bảo rằng do lỗi của người lái, hoặc do chân ga bị vướng vào thảm xe. Một chuỗi tai nạn chết người nữa xảy ra, Toyota vẫn cả quyết rằng chân ga chỉ bị trục trặc nhẹ. Tới khi cơ quan điều tra của chính phủ Mỹ chứng minh thủ phạm là một lỗi lớn từ hệ thống computer của xe. Lúc đó số tai nạn chết người đã lên tới 89.

Toyota gục ngã như người bị đột quỵ.

Quốc hội Hoa kỳ phạt hãng Toyota hơn 16 triệu đô la và Toyota phải thâu hồi hơn 10 triệu chiếc xe. Dư luận Nhật xôn xao trong vài tuần, vì đó là một điều mất mặt rất lớn cho kỹ nghệ xe hơi Nhật Bản, một số người còn có ý bất bình với hình phạt xem như quá nặng. Nhưng mọi chuyện lắng êm khá nhanh khi hãng Toyota trả phạt và không phân trần gì nữa. Giới tiêu thụ cũng ngừng chú ý, họ đã có cách đối phó đơn giản: không mua xe Toyota.

Theo dõi tin tức, tôi cũng tiếc cho danh hiệu Toyota, một thời đồng nghĩa với “tốt và an toàn”. Rồi việc nhà việc sở cũng làm tôi lãng quên…

Một buổi chiều tháng 10 năm 2011, tôi lên đọc tin trên Việt Báo. Đập vào mắt tôi là một tấm hình đẹp với tiêu đề hấp dẫn: The One and Only.

http://www.toyota.com/oneandonly/

Tò mò, tôi bấm vào nút “Vietnamese”

Coi xong tôi lắc đầu, cười. Đoạn phim ngắn với vai chính là một nam tài tử nổi tiếng của Nam Hàn và chiếc xe Toyota Camry đỏ thẫm. Anh chàng đẹp trai xém bị mất vợ, xém bị đi tù, nhưng nhờ những trang bị tuyệt vời của chiếc Camry, anh ta đã đánh gục kẻ ác, dìu người yêu lên xe lái về phía chân trời hạnh phúc. Chỉ gói trong vài phút mà cũng đầy đủ tình tiết lâm ly “phải có” của phim Đại Hàn: tình, tù, tai nạn, mất trí, tráo người…

Nhưng, vưà cười xong, tôi nghĩ lại và phục Toyota. Không phải vì họ quảng cáo rầm rộ, cũng không phải vì họ có sáng kiến lạ. Mà bởi vì tôi thấy được cố gắng quay trở lại của họ.

Vụ động đất và sóng thần tháng 3, 2011 đã làm người Nhật được chú ý tới rất nhiều. Em bé Nhật cầm miếng bánh được cho riêng bỏ vào thùng đồ ăn chung rồi quay trở lại chỗ xếp hàng chờ đến lượt mình, người kỹ sư vật lộn hơn 20 tiếng đồng hồ không nghỉ để sửa lò nguyên tử, những đoàn người chia sẻ chăn chiếu trong trật tự ở những nhà tạm trú lạnh tím mặt cóng tay…tất cả đều làm cả thế giới nhỏ lệ xót thương và nghiêng mình ngưỡng mộ. Cơn đại nạn làm sụp đổ bao cơ sở vật chất nhưng lại làm tăng thật nhiều sức mạnh tinh thần - “soft power” - của nước Nhật trên toàn thế giới. Họ xứng đáng được cảm phục.

Tuy nhiên, cuộc đời không có gì là hoàn hảo, và dân tộc Nhật cũng không ngoại lệ.

Tôi thân với nhiều người Nhật vì duyên bè bạn và duyên gia đình. Ai hiểu rõ về văn hoá Nhật cũng đều thấy, và những người bạn trẻ chính gốc Nhật cũng đồng ý, rằng người Nhật nhã nhặn ôn hoà khi giao thiệp làm ăn, rất lịch sự trong vai chủ nhà tiếp khách. Nhưng họ làm những việc ấy với một niềm tin rằng dân Nhật là một dân tộc cao siêu, với một niềm tự hào mấp mé mức kỳ thị.

Sự phân biệt này rõ nhất đối với dân tộc Hàn.

Mối liên hệ Hàn-Nhật luôn đắng nghét vì những lý do lịch sử sâu xa. Những hành động thiếu tính người - trong đó ghê tởm nhất là bắt các thiếu nữ Hàn “phục vụ” cho đoàn quân viễn chinh của Nhật, những tang tóc, đau thương, nhục nhã mà người Nhật đổ trên người dân Hàn trong thế chiến thứ hai có thể đã bớt đậm nét sau hơn 60 năm, nhưng cả hai bên vẫn chưa quên và sẽ không quên…

Ở Nhật có gần một triệu người Hàn trải dài năm thế hệ. Họ là những người đã bị đem qua Nhật làm lao dịch thời chiến tranh. Cho tới bây giờ 75% vẫn là người tạm cư. Họ vẫn chưa được vào quốc tịch Nhật.

“Người Nhật chẳng bao giờ nói ra là họ không thích chúng tôi. Nhưng nếu đi mướn nhà với cái họ Hàn thì họ nói 'tiếc quá, tôi vưà cho muớn mất rồi'” 

“Con cái của chúng tôi khó mà kiếm được việc làm tốt. Rất nhiều người Hàn phải lấy tên Nhật, giả bộ là người Nhật cho dễ sống.” 

Đó là lời của những người trung niên trong những gia đình đã 4, 5 thế hệ sinh ra, lớn lên, và về với cát bụi trên đất Nhật.

Bởi vậy, khi “con cháu cuả Thái Dương Thần Nữ” dùng chàng đẹp trai Min-Ho Lee và các nữ tài tử Nam Hàn để khôi phục sự quyến rũ của xe Toyota, đó phải là kết quả cuả một tính toán rất kỹ, một bước lùi, một sự “xuống nước” để đạt mục đích to lớn hơn rất nhiều. Đội ngũ chuyên về bán hàng và tâm lý người tiêu thụ của Toyota hẳn đã dày công nghiên cứu thị trường. Gần đây, giới tài tử, ca sĩ Nam Hàn thu hút sự yêu mến trên khắp thế giới, ngay cả trong đám thanh niên ở Hoa Kỳ, nhất là các cô cậu gốc Á. Đám con cháu tôi - sinh ra và lớn lên ở Mỹ, thường tự phong là “sành điệu” - cũng xem ca nhạc Nam Hàn. Trong phòng tụi nó, trên tường, bên cạnh hình Taylor Swift và Zac Efron, còn có những khuôn mặt “Xung”, “Lee”,”Kim” của Nam Hàn…

Dùng tài tử Hàn trong phim với những tình tiết rất “Đại Hàn”, khúc quảng cáo có vẻ là một sự “hy sinh” của lòng tự hào Nhật Bản, ít ra là trong hãng Toyota. Với bốn thứ tiếng: Anh, Tàu, Hàn, Việt để nhắm vào người tiêu thụ khắp nơi, cùng với xe được cải tiến từ kỹ thuật tới hình dáng cộng với chương trình cho mượn tiền dễ dãi, Toyota đang cố gắng hết mình để lấy lại lòng tin yêu đã mất.

Để trả giá cho vài năm xao lãng trách nhiệm, Toyota đang đi qua giai đoạn gần như “nằm gai nếm mật”. Ban lãnh đạo Toyota đang cùng nhau cố gắng hy sinh để nâng hãng dậy.

Nhìn những cố gắng của người ta để cứu chỉ một hãng, tôi đau lòng.

Đã gần 4 thập niên rồi, cả đất nước Việt Nam không ngừng chảy máu.

Thập niên 80 nước Việt bán gỗ quý, trầm hương, ngà voi.

Rừng biến mất, voi tuyệt chủng, qua thập niên 90 nước Việt bán người qua lao động xuất khẩu, qua phụ nữ Việt “lấy chồng xa”, qua những cô gái, em bé lang thang xứ người trong hoàn cảnh đau khổ rợn người, hơn cả những gì các thiếu nữ Hàn phải chịu trong tay kẻ thù Nhật thời thế chiến.

Người bán giá không được cao mà còn bị thế giới lên án, qua thiên niên kỷ 2000 chính đất nước Việt đã trở thành món hàng.

Thác mất, sông đỏ ngầu màu máu, biển ngày càng thu nhỏ

Người Việt Nam phải làm sao để cứu nước Việt đã và đang bị đục đẽo tới cạn kiệt? Dân tộc Việt Nam rồi đây còn chỗ nào để sống?

Càng ngẫm nghĩ tôi càng buồn cho sự nhẫn tâm của những người có quyền thế ở Việt Nam. Đâu rồi niềm tin đơn giản cuả văn hoá Việt “tiền bạc bao nhiêu cũng không bằng để đức cho con cháu”?

Và tôi buồn cho sự bất lực cuả chính tôi. 

Nhưng…không làm gì trước cái sai cũng là có lỗi. Vì thế tôi làm với khả năng quá nhỏ cuả mình.

Tôi viết một bài để chia sẻ khắc khoải cho Việt Nam qua những câu chuyện cuả người ta.

Những điều rất khô khan, vậy mà viết câu cuối cùng này tôi lại muốn rơi nước mắt.

Khôi An

Ý kiến bạn đọc
24/12/201820:27:16
Khách
Howdy vietbao.com

Need a dependable merchant account for your adult product business?
With over 20 years of experience, EthosPay makes credit card processing easy for all types of adult related businesses.

Get Pre-Approved Fast and Start Processing in 72 Hours
Apply Online: http://bit.ly/adult-merchant-account

Regards,
EthosPay


UNSUBSCRIBE or REPORT SPAM
http://bit.ly/Remove_Your_Site
04/03/201209:18:28
Khách
Kiến thức rộng + khả năng nhận xét sâu sắc. Từ chuyện ngày xưa nằm gai nếm mật, qua chuyện ngày nay Toyota với ca sĩ Hàn, tác giả Khôi An với sự nhạy cảm đặc biệt đã "nhìn những cố gắng của người ta để cứu chỉ một hãng" mà thấy "đau lòng" vì "đã gần 4 thập niên rồi, cả đất nước Việt Nam không ngừng chảy máu." Cám ơn bài viết hay. Cám ơn đã chia sẻ những khắc khoải vì Việt Nam.
03/03/201221:47:07
Khách
Đại Hàn xấu hoắc mà cũng có người mê!!!!!!.
04/03/201215:58:04
Khách
Hoàn toàn chia sẽ nổi khắc khoải này với tác giả.
09/03/201203:16:17
Khách
Cám ơn TT. Vâng người Nhật họ rất quý trọng và tự hào về dân tộc họ, đó là một trong những lý do chính cho sức mạnh của nước Nhật.
Rất ngạc nhiên và cảm kích khi LTV đã góp ý bằng cả 1 bài thơ!
03/03/201206:48:52
Khách
Nhận sét sâu sắc, đầy nổi ưu tư về đất nước và con người VN. Chỉ tiếc là còn ít người VN nghĩ như vậy lắm. Vận mệnh đất nước còn đảo điên lắm. Không hổ thẹn là con cháu Hai Bà. LTV
06/03/201200:38:52
Khách
Xin cảm ơn tác giả đã cho 1 bài viết hết sức cảm động ... và con bao nhiêu bé thơ Việt bị bán ở Cambodia nữa, trong đó khách làng chơi người Việt không phải là ít. Tình người chả lẽ nào chỉ còn kỷ niệm ? Dầu cho dân tộc Nhật trong quá khứ có kỳ thị, có gây chiến tranh, nhưng ở Cambodia hiện nay không hề có bé nào từ Nhật bị đem bán cả.
05/03/201219:26:54
Khách
Cám ơn LTV đã đọc và cùng cảm xúc.
08/03/201206:58:59
Khách
Đất nước tôi
Hình Cong như chữ S
Người dân tôi chân chất hiền lành
Thế mà sao
Vẫn đói nghèo sau những năm dài khói lửa chiến tranh
Vẫn chưa được hưởng những quyền tự do căn bản

Nhiều cảnh khổ làm ta rơi nước mắt
Buồn rất nhiiều cho thân phận dân oan
Phải làm gì đây để thoát khỏi kiếp lầm than
Đưa đất nước đến ngày mai tươi sáng

Hãy cùng nói những điều cần phải nói
Để bảo tồn mảnh đất của tiền nhân
Dẩu phải hy sinh gục ngã nhiều lần
Ta thề quyết bảo tồn quê hương Việt

Hãy siết chặt bàn tay trên toàn thế giới
Hãy quên đi những khác biệt tỵ hiềm
Để cùng nhau tranh đấu cho nòi giống Rồng Tiên
Được Hạnh Phúc, An Bình, Tự Do và Dân Chủ

Đường đi tới dẫu còn nhiều gian khổ
Hãy vững tin đi vì đó là ườc vọng của mọi người
Rồi có ngày bóng tối sẽ tan thôi
Để nhường bước cho ngày mai tươi sáng

LTV
06/03/201218:29:27
Khách
Cám ơn anh Thái NC và 'tui' đã chia sẻ.
Bạn titoe nghĩ người Hàn không đẹp, KhA cũng nghe nói là người Hàn đời thuờng không đẹp như tài tử.
Nhưng "đẹp xấu tuỳ người thưởng thức", phải không titoe :-)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,779,676
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến