Hôm nay,  

Đời Em

15/02/201200:00:00(Xem: 107578)

Đời Em

Tác giả: Nguyễn Thị Hữu Duyên

Bài số 3484-12-289534vb4021512

Tác giả sinh năm 1957, cư dân Santa Ana. Bài viết về nước Mỹ mới đây của tác giả là Ước Vọng Của Tin đăng trong báo xuân Việt Báo Tết Nhâm Thìn, thể hiện tình thương yêu và ý chí của một gia đình Việt Nam trên đất Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.

***

Em tên Thanh, năm đó em mười ba tuổi, cái tuổi ông bà hay nói "ăn chưa no, lo chưa tới". Bà con hàng xóm thường vuốt mái tóc đen nhánh của em trầm trồ:

- "Con bé này lớn lên thanh niên cả xóm theo nó đó"

Em hỏi chị hai:

- "Sao người ta nói với em như thế?"

Chị bẹo cằm em, nhìn em hảnh diện:

- "Vì em đẹp quá, đẹp nhất xóm này đó, em biết không?"

Em cười, chạy vào đứng trước gương: Tóc em đen, dài, mượt, đôi mắt trong veo rực sáng long lanh, đôi môi đỏ hình trái tim vành vạnh, làn da trắng mịn, hồng hào. Em mĩm cười với mình trong gương, thầm nhủ: lớn lên em sẽ dự thi hoa hậu.

Ngày kia, sáng ngủ dậy, em thấy mọi người nhốn nháo, ngoài đường đầy những lính, và những người có quấn miếng vải đỏ trên cánh tay đi tới đi lui hấp tấp. Mẹ kéo hết các con vào nhà đóng cửa lại, mấy chị em chen nhau nhìn qua cửa sổ. Những lá cờ lạ không giống như lá cờ vàng có 3 sọc đỏ như em từng thấy. Cờ đỏ có hình ngôi sao vàng trên đường phố đầy khắp ngõ, em tự hỏi ở đâu mà nhiều thế?

Không hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra cho mọi người nhưng dường như ai cũng bất an, bất ổn. Mẹ với ba hằng đêm thì thầm to nhỏ, tâm trạng lo lắng, hoang mang. Một tuần sau ba đi ra phường rồi không thấy trở về, mẹ lên hỏi, được biết ba phải đi học cải tạo năm tháng.

Năm ngày trôi qua, năm tuần trôi qua, rồi năm tháng trôi qua, ba vẫn chưa về. Đêm đêm mấy mẹ con nhóm lại cầu nguyện cho ba mà đầm đìa giọt vắn, giọt dài.

Cho đến một hôm, mẹ về nhà, mặt buồn rũ rượi, gọi các con lại, giọng lo lắng:

- "Ba bị đưa đi ra miền trung rồi, chưa biết bao giờ được về.”

Mọi người ngồi bó gối nhìn nhau, em bật khóc lớn kêu “ba ơi”; rồi đến chị hai, anh ba và cả mẹ. Từng đôi vai run lên, từng gương mặt nhoè lệ. Nỗi lo lắng cho ba, cho ngày mai, hiện lên trong từng ánh mắt sợ hãi, bất lực và đầy thất vọng.

Bắt đầu những chuổi ngày vất vả, anh ba đi học một buổi, đi bán bánh mì một buổi. Chị hai phụ với gia đình dì chiên tàu hủ; chưa quen nên bị dầu văng bỏng tay, mẹ nhìn chị rơi nước mắt. Phần mẹ nặng nề hơn, mẹ đạp xe ra chợ Cầu Muối mua về từng bao khoai lang; rửa từng củ khoai, nấu từng nồi khoai, bán từng gánh khoai. Đôi vai của mẹ dần chai theo từng gánh khoai nuôi con ăn học, nuôi chồng đi cải tạo.

Một năm, rồi hai năm, ba bị đưa ra miền Bắc, nơi mà mấy mẹ con chưa từng biết đến, nghe nói khắc khổ và lạnh lẽo lắm về mùa đông.

Mỗi lần anh ba em nói chuyện gì đó mà có nhắc đến hai chữ “việt cộng” thì mẹ em gọi lại thì thào:

- "Con nói lớn quá, nó nghe được là nó đưa con đi cải tạo ở cái cây gì đó, xa xôi và khổ lắm”. Mẹ muốn nói đến khu cải tạo “Cây cầy” ở Tây Ninh, mà mẹ không nhớ tên.

Anh ba rụt vai, lè lưỡi ra vẽ sợ hãi lắm.

Cho đến một hôm, mẹ đưa em và anh đi xuống nhà dì tư, em út của mẹ ở Vũng Tàu. Mẹ ấp ủ, nâng niu bàn tay hai anh em suốt đoạn đường ngồi trên xe đò, mẹ không nói gì chỉ lau nước mắt từng chập.

Mẹ gửi hai anh em theo dì đi vượt biên, mẹ ngũ lại một đêm dặn dò đủ thứ, khóc hết nước mắt rồi trở về Sài gòn sau khi đã cầu nguyện dâng hai anh em và dì trong bàn tay bảo vệ của Chúa.

Trước khi xuống tàu dì bảo hai anh em đâm một thau nghệ thật nhiều, vắt lấy nước nghệ được một tô lớn, dì kéo em vào phòng tắm, hai dì cháu thoa nghệ lên đầy người, luôn cả mặt mày tay chân.

Dì căn dặn em:

- "Khi nào gặp bọn hải tặc con giả vờ nằm trùm chăn run như người đang bị sốt rét vậy, nhớ không? Nếu nó thấy con bệnh thì hy vọng nó sẽ tha cho không bắt con theo nó."

Em gật đầu chứ không dám hỏi chi cả, em chỉ biết một điều là mọi người nữ đều phải tìm mọi cách làm cho xấu đi, càng xấu càng tốt.

Em nhìn vào gương, em không giống em nữa mà là một cô bé nào đó, da vàng chạch, chỉ có đôi mắt là long lanh mà thôi. Dì bôi thêm vào mí mắt em màu xanh và tím bầm, em nhìn vào gương và thấy ghê sợ chính mình. Em đã trở thành cô bé lọ lem qua bàn tay của dì.

Đêm xuống em bật khóc vì nhớ đến ba mẹ và chị hai quá, dì rầy:

- "Không được khóc, trôi hết nghệ thì khổ"

Dì lấy kéo cắt mái tóc của em còn lại vừa chấm vai, rồi tiện tay vò cho rối bung lên, bôi thêm ít thuốc đỏ, một tí keo cho khô cứng, nhìn như tóc cháy nắng.

Dì cho em mặc vào 2 lớp quần áo, lớp trong là chiếc áo chật bó ngực đến khó thở, lớp ngoài thật củ kỹ xốc xếch rộng xùng xình như mặc đồ khính của ai vậy. Dì kề tai nói nhỏ:

- "Vì vú con lớn rồi nên mặc áo rộng cho tụi nó đừng thấy"

Vậy là em đi vượt biên.

Lúc ấy em còn quá nhỏ để nhớ hết những nỗi kinh hoàng khi tàu lênh đênh trên biển cả. Chỉ nhớ nỗi sợ hãi khôn cùng khi bóng đêm buông xuống và những lần tàu phóng lên cao rồi rơi xuống, em ói thóc ói tháo, ói đến mật xanh, vẫn còn đăng đắng tận cuống họng đến bây giờ.

Ngày thứ ba tàu gặp cướp biển nhưng họ không bắt ai cả, tám người nữ trên tàu tính luôn em đều được an toàn. Bọn chúng chỉ thu tóm vàng vòng rồi đi. Dì rỉ tai em:

- Nhờ dì cầu nguyện với Chúa nên Chúa che chở đó.

Qua đến đảo, sáu tháng sau mấy dì cháu được định cư ở Mỹ.

Tiểu bang Ohio, một tiểu bang nhỏ ở miền đông nước Mỹ, mùa đông lạnh thấu xương, tuyết rơi trắng xóa có hôm ngập đến đầu gối.

Được một nhà thờ Mỹ bảo trợ, họ mướn cho ba dì cháu 1 căn chung cư 2 phòng. Em thật ngạc nhiên với những quần áo, đồ chơi đầy phòng, kẹo bánh, thức ăn đầy tủ lạnh.

Hai anh em tranh nhau ăn kẹo Chocola cho đến ngán mới chịu thôi.

Mỗi sáng em phải chuẩn bị sẵn sàng đứng sẵn chờ người ở nhà thờ đến chở hai anh em đi học. Dì luôn cho hai anh em ăn mì gói và hót dog.

Những người Mỹ này rất tốt với chúng em. Đầu máy, ti vi cũng được chở tới. Họ cho nhiều phim hoạt hình và dặn mấy dì cháu xem mỗi cuốn phim ít nhất năm lần để học tiếng Anh.

Mùa giáng sinh đầu tiên, nhà thờ Mỹ tìm được một nhóm Việt Nam nhóm tại nhà “Hội Thánh Tin Lành Ân Điển” và đưa ba dì Cháu đến dự lễ Giáng Sinh vào đêm 24 tháng 12. Lần đầu tiên em được nghe về Chúa Giêsu là Đức Chúa Trời đã vì yêu thương nhân loại mà giáng sinh xuống trần gian, qua tử cung của trinh nữ Mari, chịu mang lấy kiếp người để cứu người có tội.

Thời gian qua nhanh, hai anh em được sự bảo trợ của chính phủ và sự bảo bọc của dì đã lớn dần.

Ngày em tốt nghiệp Hight School là ngày dì mừng nhất. Hôm ấy dì diện bộ đầm thật đẹp chở em đến trường, chờ đợi dự lễ.

Nước mắt dì lăn dài trên má, em nhớ đến mẹ.

Năm em học hết cấp một, mẹ đưa em đi lãnh thưởng, phần thưởng hạng ưu. Em mặc chiếc áo đầm trắng thật đẹp ba mua ở Sàigòn đem về hôm tết, nắm tay mẹ đi bộ đến trường. Trời mưa suốt đêm qua, có nhiều vũng nước còn đọng lại bên đường. Một chiếc xe honda chạy ngang, nước trong vũng văng toé vào người hai mẹ con, chiếc áo đầm trắng của em nhớp nước dơ, em tức tửi oà khóc, mẹ luôn miệng dỗ dành. Không còn thời gian để quay về nhà thay áo khác.

Hôm ấy niềm vui của em không trọn vẹn.

Hôm nay niềm vui của em cũng không trọn vẹn vì thiếu mẹ.

Ước gì có mẹ trong ngày con tốt nghiệp ở đất nước văn minh bậc nhất này chắc mẹ sẽ vui biết bao nhiêu. Mẹ ơi, mẹ ơi, em nghẹn ngào trong vòng tay dì mà nhớ mẹ ngút ngàn.

Em cũng nhớ đến ba.

Mẹ viết thư cho em:

Trong thời gian cải tạo ở miền Bắc khắc nghiệt, ba và các bạn đã ăn từng con sâu, con sùng, con dế, con gián, con chuồn chuồn, con chấu chấu, con cào cào, con còng cọc,

Ba nói, con gì còn ngo ngoe, nhúc nhích, cục cựa, cục kịch được thì chia nhau nhai nuốt. Lúc đầu ghê quá, nhưng nghĩ đến vợ con nên ráng nghiến răng nhai, nhắm mắt nuốt, để có chất tươi vào người sống lây lất chờ ngày đoàn tụ. Niềm vui chưa được trọn, một lần nữa mẹ lại lo nuôi bệnh cho ba, Trung tâm ung bứu Bình Thạnh là nơi ba trút hơi thở sau cùng với bệnh án: Ung thư bao tử thời kỳ cuối.

Em khóc mấy đêm liền.

Em tiếc nuối mãi vì không được ở cạnh ba, không được chăm sóc cho ba, không được chính tay nấu những món ăn ba thích, không được ôm ba trong lúc ba nhắm mắt.

*

Thanh miên man thả trôi dòng suy nghĩ trong khi ngồi chờ đợi đến giờ khai mạc lễ tốt nghiệp High School của con gái. Thanh nhìn đồng hồ, còn ba mươi phút nữa. Chồng và con trai đang đứng chờ ở lối vào sân để chụp hình cho con gái.

Tốt nghiệp kỷ sư điện Thanh vào làm ở một chi nhánh của hãng máy bay. Hãng chuyên sản xuất các xe đẩy thức ăn, cánh cửa nhà vệ sinh, các kệ, ghế những bộ phận bên trong của chiếc máy bay.

Chinh làm ở đây trước Thanh hai năm.

Giờ ăn trưa hai người thường gặp nhau. Trong hãng có đủ mọi sắc dân, nhóm nào thì ngồi chung với nhóm ấy. Nhóm Mỹ gốc Tàu, nhóm Mỹ gốc Do Thái, nhóm Mỹ gốc Mễ, nhóm Mỹ gốc Việt là đông nhất, và cũng ì xèo nhất.

Không phải là luật lệ, nhưng hầu như vô hình chung có một luật bất thành văn trói buộc khiến mọi người tự tìm đến với nhau và tạo thành nhóm.

Luật: đồng màu da, đồng tiếng nói, đồng văn hoá, đồng cảnh ly hương, đồng nỗi buồn viễn xứ. Ai có thức ăn ngon thì mời cả nhóm cùng ăn, chia nhau trái cây, bánh kẹo thậm chí trái ớt cũng chia. Chinh hay xin ớt nhất vì vua ăn ớt mà lại hay quên mang theo. Có hôm Thanh tặng Chinh bịch ớt hiểm cay sè khiến Chinh sặc sụa vì nhai cả trái. Mấy chị ghẹo:

- Wao, người trồng ớt cay như vậy là đủ biết rồi nhen.

- Biết gì? Thanh ngây thơ hỏi.

- Biết người hay ghen chớ gì nữa, ông bà có câu: “Ớt nào mà ớt chẳng cay. Gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng hi,hi,hi”

Thanh đỏ mặt chưa kịp nói gì thì kẻng báo hết giờ ăn. Chinh nhanh bước theo Thanh.

- Mấy chị nói cho vui mà, còn ớt cứ mang thêm cho anh nha.- Chinh nói vội khi vừa đến lối rẽ, mỗi người một khu vực riêng.

Trong hãng nhiều anh thương thầm trộm nhớ Thanh, nhưng hình như Chinh là người Thanh dành cho cảm tình hơn hết.

Mọi người thách đố nếu Chinh cua được Thanh thì họ sẽ chung lo tổ chứa đám cưới cho hai người. Đường đi về chung nhau một đoạn Chinh hay cố ý chờ đợi và lái sau xe Thanh.

Nhờ vậy mà một hôm Chinh được ra tay giúp người đẹp.

Đang chạy bỗng xe Thanh bị bể bánh, thế là tấp vô lề, còn đang lo lắng thì thấy Chinh phía sau cũng tấp vô. Chinh giúp thay bánh sơ cua và mang bánh xe đi vá. Thanh thầm mang ơn Chinh trong lòng. Lâu dần tình cảm sinh sôi nảy nở, Thanh mời Chinh về nhà cho dì “ xem tướng”, dì khen Chinh không tiếc lời, đẹp trai, lễ phép, gia đình đạo đức, còn chọn lựa ai hơn nữa.

Lúc đầu mỗi tháng dì nấu phở, hoặc bún bò hay bún mắm mời Chinh về ăn một lần. Về sau mỗi tuần một lần, dần dần thêm ngày thứ bảy hai người, đi chợ, đi mua sắm, đi chơi với nhau. Cuối cùng đến giai đoạn không gặp thì nhớ, thì thương.

Ai cũng khen hai người giống như “loan với phượng”, “xứng lứa vừa đôi,” “nam thanh nữ tú” đủ thứ từ dùng để nói đến sự xứng hợp của Thanh và Chinh.

Thế rồi đám hỏi, đám cưới, đám đầy tháng, đám thôi nôi, đám này lôi đám nọ, đám nọ kéo đám kia, cho đến hôm nay hai đứa con đã lớn.

Con gái 18 tuổi năm nay tốt nghiệp lớp 12, con trai 15 tuổi. Cả hai đều là học sinh giỏi của trường.

*

Trống nhạc đã nỗi lên, từng đoàn học sinh với sắc áo màu trắng kéo nhau lũ lượt vào sân lễ đài.

Từ xa Thanh thấy con gái đang tiến dần vào sân, những gương mặt hân hoan vui mừng, xen lẫn những tiếng kêu gọi, huýt sáo, những bó hoa đưa lên vẫy gọi con, cháu, anh, chị, em trong đoàn học sinh tạo nên một không khí tưng bừng. Lòng Thanh vui mừng khôn xiết. Màn ảnh ti vi đang hiện ra bóng dáng đứa con gái yêu thương đang đi đến chỗ ngồi trong hàng ghế học sinh danh dự.

Thanh đứng lên vẫy gọi con, vô tình đụng rớt bó hoa của người bên cạnh. Thanh nhặt lên rối rít xin lỗi, bà già Mỹ trắng đôn hậu nói: “You are very welcome”.

Thanh bắt chuyện, được biết bà phải mất 6 giờ bay từ Chicago qua dự lễ tốt nghiệp của cháu ngoại.

Người Mỹ rất quan trọng ngày tốt nghiệp High School của con cháu, họ lũ lượt kéo nhau đến dự lễ thậm chí không đủ vé vào cửa vì trường chỉ cho vé giới hạn có quy định cho mỗi học sinh. Nhiều gia đình đông người thân quá phải đợi ở bên ngoài sân lễ.

Quang cảnh vui như ngày hội, nào bông hoa đủ loại, nào bong bóng đủ cở, nào quà cáp lễ mễ.

Chồng và con trai Thanh đã trở lại chỗ ngồi, giờ chào cờ bắt đầu.

Thanh gục vào vai chồng thổn thức, nhớ lại những buổi chào cờ khi xưa với lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay phất phới mà ba từng giải thích: màu vàng tượng trưng cho da vàng của dân Việt, màu đỏ là máu đỏ, ba sọc là ba miền bắc, trung, nam. Dân tộc Việt nam da vàng, máu đỏ, nước Việt nam có ba miền, lá cờ thể hiện đầy đủ ý nghiã thân yêu ấy, mỗi lần nhìn là rung động trái tim yêu nước, thương nòi.

Thanh như thấy mình đang đứng chào cờ trong sân trường nữ trung học, ngước mắt nhìn lá cờ đang được kéo dần lên, Thanh nghe tiếng phần phật bay của lá cờ trước gió và bài quốc ca hùng hồn hoà lẫn tiếng trống, nhạc vang vang: “Này công dân ơi quốc gia đến ngày giải phóng, đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống ”

Bài quốc ca chấm dứt, lá cờ Mỹ tung bay trong gió lồng lộng, oai nghi, sừng sững.

Ngày Thanh học thi quốc tịch, Thanh hiểu được ý nghĩa lá cờ Mỹ mà lòng vô vàn khâm phục một quốc gia hiệp chủng với năm mươi tiểu bang được tượng trưng bởi năm mươi ngôi sao màu trắng, mười ba sọc ngang đại diện cho mười ba tiểu bang đầu tiên.

Ở đây ít người Việt nên không thấy cờ Việt Nam, ở Cali có cộng đồng người Việt đông cờ Việt nam thường được treo chung với cờ Mỹ, thấy cũng ấm lòng.

Thanh đã bảo lãnh được gia đình anh ba qua Mỹ, mẹ không chịu đi viện lý do là không muốn lià nơi chôn nhau cắt rốn, không muốn bỏ mồ ba hoang lạnh.

Chị hai không chịu đi Mỹ mà ở lại với mẹ. Người yêu của chị hai đã mất tích trong chuyến vượt biên, chị hai tìm nguồn vui bên mẹ.

Chị bảo, đời chị xem như đã yên ổn rồi.

Đời em thì cũng được Thượng Đế an bày xong. Hãy sống hết lòng với những gì mà Thiên Chúa đã dành cho em.

Thanh nhắm mắt nhớ đến ước mơ được làm hoa hậu.

Mỗi lần nhắc đến ước mơ này Chinh thường ôm Thanh vào lòng thì thầm: “Em đã là hoa hậu của anh rồi còn mơ gì nữa”

- Nhưng em muốn hoa hậu của mọi người kia.- Thanh nũng nịu

- Chờ anh trúng số độc đắc anh sẽ tổ chứa thi hoa hậu tuổi năm mươi cho em dự thi nhé, chắc chắn em sẽ là hoa hậu đó.- Chinh nheo mắt.

- Với anh là giám khảo chứ gì?- Thanh dí ngón tay vào trán Chinh.

*

Thời gian trôi qua nhanh.

Dòng đời cũng trôi qua nhanh quá.

Đã bốn mươi tám năm trôi qua đời em.

Như một giấc mộng trôi qua trong đêm dài.

Như những bông hoa ấu trôi trên dòng sông. (*)

Bềnh bồng, bềnh bồng.

Đời em với đầy đủ các hương vị: chua, cay, ngọt đắng.

Đời em, một phần ở Việt nam, ba phần ở Mỹ,

Nơi nào cũng ôm ấp và nuôi nấng đời em trong vòng tay yêu thương.

Nguyễn Thị Hữu Duyên

Chú thích:

(*) hoa của trái ấu hay củ ấu, Trapa bicornis / Trái ấu, củ ấu Đúng ra phải gọi là củ ấu, vì ấu là một loại thủy sinh. Củ ấu có vỏ rất cứng, thường được luộc chín trước khi ăn. Tục ngữ có câu: “Khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét trái bồ hòn cũng méo”

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,206,380
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến