Hôm nay,  

Xếp Cũ Của Tôi

24/01/201200:00:00(Xem: 181948)

Xếp Cũ Của Tôi

Tác giả: Ý Thảo

Bài số 3465-12-28935vb3012412

Tác giả đã có dịp cùng người thân dự sinh hoạt Viết Về Nước Mỹ từ lâu nhưng chỉ mới góp bài từ năm thứ 11 của giải thưởng. Bài viết đầu tiên là “Hồng Điểm”, bài thứ hai là một truyện vui, “Ông Già Vợ Trúng Số Độc Đắc”ï Bài viết thứ ba của Ý Thảo kể về ông bảo trợ người Mỹ và kỷ niệm về chuyện nghỉ Tết Nguyên Đán của người Việt trong cơ sở Mỹ thời mới định cư.

***

Thứ Bẩy cuối tuần, trong lúc chờ đợi bà xã nhẩn nha mua sắm trong chợ, tôi đi lang thang ra gian hàng bán sách báo, băng nhạc ở phía bên hông chợ nhìn ngắm cho đỡ buồn. Đang đứng vẩn vơ thì bỗng tôi nghe có tiếng người gọi:

- Thảo, phải Thảo không? 

Tôi quay lại. Một người đàn ông đứng tuổi đang đẩy xe chợ đầy hàng hóa hướng về phía tôi. Tôi còn ngờ ngợ chưa biết là ai thì người đó đã nói tiếp:

- Đình đây, hồi đó cùng làm MIC ở Pacoima, nhớ không?

Tôi à lên một tiếng. Thì ra là anh chàng đã ở chung với tôi một nhà, làm chung với tôi một hãng từ những ngày đầu tị nạn đây. Đình bây giờ mập mạp, trắng trẻo khác hẳn Đình đen đủi, gầy còm ngày xưa nhiều, bảo sao tôi nhận cho ra. Tôi vui mừng đáp:

- Đúng rồi, Thảo đây. Lâu ngày quá không gặp. Bà xã đâu mà đi chợ một mình?

Đình cũng cười:

- Ừ lâu ngày thật. Bà xã mới trở vào chợ mua thêm mấy bịch lá chuối, vì sợ gặp phải lá rách không đủ gói bánh chưng. Thế còn bà xã ông đâu mà ông thảnh thơi dữ vậy?

- Bà xã tôi hả, bả “thả” tôi ra ngoài đi lang thang, vì bả muốn tự do mua sắm theo ý bả. 

Nói chuyện mới biết Đình ở cách nhà tôi không bao xa, vậy mà cả bao nhiêu năm rồi đâu có “đụng” mặt nhau. Đình lập gia đình sau tôi nhiều năm, nên con hắn bây giờ mới vào đại học, còn các con tôi thì đã ra trường từ lâu. Hỏi thăm về công ăn việc làm thì Đình cho biết hắn vẫn còn làm việc với MIC, tại chi nhánh chính ở Los Angeles, và đã lên chức supervisor của ca ngày. Tôi chưa kịp hỏi thêm thì vợ Đình bước ra, bà chào tôi rồi cùng Đình đẩy xe về. Trước khi bước đi Đình ngoái cổ lại nói với tôi:

- Ông Paul chết rồi, hồi năm ngoái.

*

Nghe tin ông Paul mất, ký ức của tôi quay cuồng với những kỷ niệm của quá khứ, từ những ngày đầu loạn lạc của năm 1975, sau những ngày trèo non, vượt biển di tản từ vùng cao nguyên, về đến Sài Gòn, rồi tới trại tị nạn Pendleton, Nam Cali. Đêm ngủ trong giá lạnh của núi rừng, ngày đi lang thang dưới nắng gắt để tìm người thân và chờ mong có người bảo trợ ra ngoài, để tái lập cuộc đời mặc dầu chẳng biết “ất, giáp” gì về xã hội Mỹ. Và ông Paul là người xếp đầu tiên của tôi khi tôi mới chân ướt chân ráo đặt chân đến nước Mỹ. Ông đã góp phần tô điểm cho cuộc đời trôi nổi của tôi, nhất là trong giai đoạn đầu tiên sống ở xứ này.

...Sau khi ở trại Pendleton hơn một tháng, gia đình anh tôi và tôi được một gia đình người Mỹ và hội Lutheran bảo trợ đến định cư ở vùng San Fernando Valley. Chúng tôi được đưa về tạm trú ở nhà của ông bà Mỹ, còn hội Lutheran giúp về tài chánh.

Vốn liếng tiếng Anh của tôi hạn hẹp, đọc chữ thì hiểu nhiều hơn nghe, nói thì người Mỹ phải “nghe và đoán” một hồi mới hiểu. Sau này, nhờ chịu khó đi học thêm tiếng Anh trong lớp học thiện nguyện ở nhà thờ cuối tuần, cộng thêm những đàm thoại thực dụng hàng ngày với gia đình người bảo trợ, tôi mới có thể nói chuyện bằng tiếng Anh với người khác dạn dĩ hơn và lấy được bằng thi viết lái xe hơi ngay trong tháng đầu tiên.

Ngày còn ở Việt Nam tôi đang học đại học, nên lúc đến nhà người bảo trợ, tôi thực sự muốn tiếp tục đi học lại. Tuy nhiên, sau khi tham khảo với người bảo trợ, ông ta bảo là tôi cần phải đi làm để có thể tự lo cho mình (mặc dầu tôi có thể xin trợ cấp của chính phủ và xin học bổng để đi học), nên tôi đành phải bỏ qua ý định đến trường. Sau này tôi gặp lại một số các bạn cũ cũng đến Hoa Kỳ trong cùng thời gian, họ may mắn gặp được những người bảo trợ khuyến khích, giúp cho đi học nên có bằng đại học trước tôi nhiều năm. Một thời gian sau, khi biết nhiều về gia đình người bảo trợ, tôi nghĩ rằng ngoài lý do ông không muốn chúng tôi sống dựa vào sự trợ giúp của chính phủ, ông ta cũng không coi trọng vấn đề học vấn cho lắm vì chính cá nhân ông khi học xong bậc trung học thì đi làm nghề tài xế lái xe chở hàng hóa cho hệ thống siêu thị Safeway. Ông lập gia đình với bà vợ làm y tá nên cuộc sống của họ cũng khá sung túc, đâu cần phải học cao, có bằng cấp này bằng cấp nọ. Vì thế, thay vì khuyến khích và giúp tôi đi học lại thì ngày ngày, sau khi đi làm về, ông dẫn tôi và anh tôi đi tìm việc làm. 

Anh của tôi trước đây trong quân đội là sĩ quan Hải Quân, nhờ tướng to con, có sức khỏe nên chỉ trong vòng tuần lễ đầu sau khi đến nhà người bảo trợ là tìm được việc làm trong kho hàng của một hãng phân phối mỹ phẩm. Còn tôi, có lẽ vì dáng nhỏ con, thư sinh ốm yếu, đi đến đâu cũng hì hục điền đơn nhưng không có chỗ nào nhận cho làm, ngay cả Safeway là nơi ông bảo trợ đang làm việc cũng thẳng thừng từ chối. Mà công việc làm đâu có khó gì cho cam, chỉ cần mang bao tay đứng nhặt mấy cái bánh bỏ vào hộp khi bánh từ lò nướng được chuyển đến nơi mình đứng qua một hệ thống dây chuyền!

Sang tuần lễ thứ ba, trong lúc tôi đang phụ người bảo trợ cắt cỏ ngoài sân, thì tình cờ người hàng xóm của ông ghé sang chơi. Ông bảo trợ của tôi than thở với người hàng xóm về việc khó tìm được việc cho tôi, thì ông hàng xóm tên David vui vẻ bảo để ông hỏi bố của ông đang làm manager của một hãng làm về những phụ tùng của máy bay xem có cần người làm thêm không thì ông sẽ giới thiệu cho vào làm.

Nhờ có “tay trong”, cuối tuần lễ đó tôi được ông Paul nhận vào làm việc ở công ty MIC. Tôi được nhận vào ca hai, làm từ 2:30 chiều cho tới 12 giờ đêm, giờ làm việc rất thuận lợi cho tôi vì buổi sáng tôi có thể đi học thêm ở trường đại học cộng đồng. Lương căn bản của tôi là $2.8 một giờ, cộng thêm 10 xu phụ trội một giờ cho ca hai, hơn lương khởi đầu của anh tôi đến những 25 xu. Hãng của tôi ở thành phố Pacoima, cách nhà ông bảo trợ khoảng 10 cây số. 

Trước ngày tôi chính thức đi làm, sau khi đi lễ ở nhà thờ về, ông Paul ghé nhà ông bảo trợ đón tôi đến hãng xem qua nơi làm việc cũng như chỉ dẫn nơi lên và xuống xe bus. Đây là sự giúp đỡ vượt qua sự mong đợi của tôi. Trước đó mấy ngày tôi đã xin được bản đồ và nghiên cứu tuyến đường đi làm bằng xe bus rồi. Khoảng cách từ nhà tôi đến hãng không xa, nhưng vì phải đi hai chuyến xe bus, xe chạy lòng vòng qua nhiều ngả đường, hơn nữa tôi còn phải đi bộ từ nhà ra trạm xe và từ trạm xe bus đến chỗ làm nên mỗi chuyến đi và về mất khoảng gần một tiếng rưỡi. Sau khi đi làm được mấy ngày tôi để ý thấy chuyến về chỉ lèo tèo có một vài hành khách trên xe, cộng thêm hãng tôi làm ở thành phố Pacoima, khu vực mà ông bà bảo trợ của tôi nói có nhiều tệ nạn trộm cướp, cho nên đôi lúc tôi cũng rất “lạnh xương sống”, nhất là lúc nửa đêm đứng một mình đợi ở trạm xe.

Ông Paul chở tôi đến xem hãng vào ngày Chủ Nhật, vì là ngày nghỉ nên tôi không thấy những sinh hoạt bình thường của hãng. Ngày hôm sau bắt đầu vào làm việc tôi mới ngại ngần vì không khí ngột ngạt và bụi bặm ở đây. Trên bốn bức tường bao quanh bằng xi măng là mái nhà làm bằng sắt, không có máy lạnh mà chỉ có mấy cái quạt to tướng gắn trên nóc nhà đang chạy phành phạch. Nhiệt kế gắn ở trên tường chỉ qua con số 110 độ F. Nhân viên lúc nào cũng phải mang giày trước mũi có bọc sắt để bảo vệ các ngón chân, đeo kính bảo vệ mắt và dùng khăn bao mũi và miệng để ngăn bụi. 

Ông Paul cho biết, hãng tôi làm chỉ là một chi nhánh nhỏ của công ty MIC. Công việc chính ở chi nhánh này là làm gia tăng sự bền bỉ của các cơ phận như là cánh phi cơ, cánh quạt của động cơ, bộ phận giữ các bánh xe (landing gear), trục máy (crankshaft) v.v... Những người làm trong phòng máy thì phải mang găng tay bằng cao su dầy cộm và đội nón an toàn bao trùm cả đầu, nón này có gắn ống hơi thổi không khí vào để thở, nhìn tựa như các phi hành gia. Công việc làm của những người này là dùng ống thổi, thổi những viên bi bằng sắt từ trong một thùng ép hơi lên một số “vùng” trên cánh phi cơ để uốn nó theo một độ cong được chỉ định, công việc đòi hỏi độ chính xác cao. Sau đó thì cánh phi cơ sẽ được chuyển qua dàn máy chạy tự động để được thổi những viên bi nhỏ li ti trên toàn bề mặt của cái cánh phi cơ này. Sau khi hoàn tất công đoạn “thổi bi”, cánh phi cơ sẽ được gửi đến một chi nhánh khác để hoàn tất những công đoạn chuyển tiếp trước khi được đem trở về hãng ráp máy bay. Làm cả hai công việc “thổi bi” trong phòng máy này đều cần người có nhiều kinh nghiệm.

Tôi là thợ mới tập nghề nên bắt đầu làm việc với những cái máy nhỏ, “thổi bi” vào những cánh quạt của động cơ hay là những bộ phận nhỏ của phi cơ. Khi sử dụng tôi chỉ cần đứng bên ngoài và thọc tay qua hai lỗ bằng bàn tay điều khiển máy ống thổi, thổi những viên bi hoặc cát vào các bộ phận cơ khí này. Đây là công việc “chân tay”, đòi hỏi công nhân phải cẩn thận, khéo léo và tỉ mỉ. 

Ông Paul nhắc nhở tôi khi làm việc phải cẩn thận vì nếu không mang bao tay vào thì các viên bi này có thể bắn thủng qua tay mình dễ dàng. Nghe qua tôi cũng cảm thấy ớn nhưng thầm nghĩ, mình có được một việc làm như đang khát gặp nước, phải nhắm mắt chấp nhận, không nên suy tính nhiều, nếu người ta làm được thì mình cũng làm được thôi!

Như vậy là ông Paul trở thành xếp đầu tiên của tôi ở xứ Mỹ. Lúc mới gặp ông, nhìn mái tóc “muối nhiều hơn tiêu” của ông, tôi đã đoán ông phải hơn 60 tuổi. Nhưng sau này hỏi thăm ông xếp Bob tôi mới biết ông chỉ ngoài 50 tuổi. Ông Paul có một giọng nói nhỏ nhẹ và khàn khàn, dáng ông mảnh khảnh, ốm yếu. Trông ông có vẻ yếu ớt, nhưng thực ra ông rất năng động. Ngoại trừ giờ ăn, lúc nào tôi cũng thấy ông luôn luôn bận rộn, lúc nào cũng có việc để làm.

Trước đây đọc sách hay xem phim chúng ta vẫn thường nghĩ rằng làm xếp lớn ở một hãng xưởng thì chỉ cần chỉ cần ngồi trong phòng lạnh lo xem xét giấy tờ, sai bảo thuộc hạ làm việc, miễn sao công việc và kết quả mỹ mãn là xong. Nhưng khi vào làm với ông Paul thì tôi thật ngạc nhiên, ông không ngại cầm chổi quét sàn nhà đôi lần trong ngày hoặc săn tay áo chui vào gầm máy sửa chữa với thợ khi máy hư. Nói chung thì việc làm “thượng vàng hạ cám” ông đều sẵn sàng nhúng tay vào để công việc trong hãng được trôi chảy. Sau này, tôi cũng có cơ hội làm việc ở những công ty khác, tôi thấy những xếp lớn của những công ty này cũng không quản ngại khi phải làm những công việc như thuộc hạ. Có lẽ đó là lý do mà Hiệp Chủng Quốc Mỹ tuy sinh sau đẻ muộn nhưng tiến bộ vượt xa bao quốc gia khác?! 

Trước khi tôi thực thụ làm ca chiều, ông Paul đã cho tôi tập sự làm ca buổi sáng với ông trong hai tuần lễ đầu, ông chỉ cho tôi cách sử dụng những cái máy cơ bản để làm quen với công việc. Trong những giờ nghỉ giải lao, ông Paul thường hỏi han về cuộc sống của tôi trước đây và lý do gì đã đưa đẩy tôi và những người Việt Nam phải bỏ quê hương ra đi. Những lúc như thế tôi có dịp tâm sự nhiều với ông. Ông thường nghe tôi nói nhiều hơn là phát biểu ý kiến riêng tư của mình, ngay cả khi tôi “nóng máu” phát ngôn đả phá chính phủ Mỹ đã phản bội Miền Nam Việt Nam… lúc ấy ông cũng chỉ “trả lời” bằng nụ cười hiền từ. Chắc ông cũng thông cảm và hiểu được tính “ngựa non háu đá” của tôi.

Khi tôi chuyển xuống ca hai với ông Bob, hàng ngày tôi chỉ gặp ông Paul có khoảng 2, 3 tiếng đồng hồ mỗi ngày trước khi ca buổi sáng chấm dứt lúc 4:30 chiều. Ông Paul thường dùng khoảng thời gian này hướng dẫn tôi biết thêm về máy móc và những công việc khác như xem các bản vẽ, sử dụng các công cụ đo đạc, hàn chì, hàn đồng, biết giải quyết những trở ngại khi máy bị hư… Nói chung ông là người thầy dạy tôi những kiến thức về việc làm ở đây mặc dầu trong ca chiều tôi cũng đã có xếp Bob chỉ bảo.

Có lẽ tôi là công nhân duy nhất trong hãng hăng hái học hỏi về máy móc và muốn làm được mọi công việc. Điều này làm cho mấy đồng nghiệp người Mễ làm ca sáng khó chịu và dị nghị vì mấy người này chỉ muốn làm một hay hai công việc quen thuộc mà thôi. Có lúc họ bảo tôi:

- Tai sao mày phải học và biết sử dụng nhiều máy ở đây? Biết nhiều thì khi hết việc của máy này họ sẽ bắt mày làm qua máy khác. 

Tôi chỉ cười mà không đáp trả lại câu nào.

Ca chiều của tôi chỉ có hai người làm là tôi và ông xếp Bob. Sau mấy tuần làm việc với nhau, xếp Bob hỏi han và biết tôi về khuya bằng xe bus trên một tuyến đường vắng khách mà còn phải xuống xe và chờ ở trạm kế tiếp để chuyển sang một chuyến khác mới về tới nhà, ông Bob thương tình cho tôi quá giang về nhà mặc dù nhà tôi ở không thuận đường của ông. Tôi xin trả tiền xăng nhưng ông một mực từ chối. Ông bảo tôi là hãy cố gắng để dành tiền để mua xe đi làm khi có điều kiện. Bốn tháng sau tôi mua được chiếc xe hơi đầu tiên trong đời. 

Nói về xe hơi tôi lại liên tưởng đến chiếc xe truck Datsun màu đỏ cũ kỹ và lối lái xe của ông Paul. Đôi lúc tôi cũng thấy khiếp đảm vì lối lái xe cao bồi của ông khi ông lái xe như bay từ ngoài đường vào sân đậu xe. Có lần tôi hỏi ông là xe của ông cũ quá rồi, sao không mua một chiếc xe mới để chạy cho thoải mái. Ông cười bảo ông rất thích chiếc xe truck này, nó rất tốt, bền và ít tốn xăng. Hơn nữa, ông còn phải để dành tiền lo cho thú vui của ông, đó là thú nghiên cứu và tự lắp ráp những chiếc máy bay nhỏ một người lái. Cái thú vui này đã chiếm hầu hết thời gian rảnh rỗi của ông sau công việc làm ở hãng. Lắp ráp máy bay rồi ông cùng con trai của ông là David, kéo máy bay đi tham gia những cuộc bay đua với nhiều người khác. Những cuộc bay đua này thường được tổ chức ở Fresno, cách nhà ông chừng 200 miles. Nhìn hình ông tươi cười đứng bên cạnh chiếc máy bay nhỏ xíu, trông thật oai vệ, đầy sức sống.

Sau năm tháng làm việc tôi đã xin ông Paul cho Đình, người bạn mà tôi đã gặp trong chợ hôm nay, vào làm cùng. Đình trước đó là binh nhì trong binh chủng Hải Quân, vào những ngày cuối cùng của miền Nam, hắn đã chạy theo tàu, không đem theo được gia đình thân thuộc. Vào trong trại tị nạn hắn nhập bọn với người bạn của anh tôi, cũng là sĩ quan Hải Quân. Ở với người bảo trợ được hai tháng gia đình chúng tôi dọn ra căn nhà mướn thì Đình và bạn của anh tôi cũng dọn vào ở chung nhà.

Đình không rành tiếng Mỹ nên khi vào làm việc, Đình được làm chung một ca với tôi, và tôi là người nhận lãnh phần thông dịch, chỉ bảo Đình việc làm và cách sử dụng máy móc. Đình cũng khá lanh tay, lẹ miệng nên cũng được các xếp ưng ý. 

Trong mấy tháng đầu trước khi có Đình vào làm chung giờ, tôi tưởng là làm ca chiều chỉ có một thầy, một thợ thì thoải mái, nhưng vào mỗi buổi chiều trước khi về, ông manager Paul đã giao cho xếp Bob một bảng liệt kê những công việc phải làm, cộng thêm xếp Bob của tôi là một người rất chăm chỉ làm việc, vì thế sau khi hết việc xếp lớn Paul đã giao phó ông còn làm lấn sang những việc chưa cần phải hoàn tất hôm ấy, cho nên ngoài giờ nghỉ giải lao, tôi và ông xếp này làm quần quật cả đêm. Nhiều hôm tôi phải ở lại làm tới 2, 3 giờ sáng mới về để hoàn tất công việc, vì vậy tôi rất được lòng cả hai xếp. Nhờ thế, cả xếp lớn lẫn xếp bé đều chấp thuận lời yêu cầu của tôi đó là tôi có thể từ chối không đi làm thêm hai ngày cuối tuần nếu được hỏi tới. Thực ra thì tôi cũng không cần yêu cầu như vậy vì trong hãng lúc nào cũng có mấy người Mễ sẵn sàng “bao thầu” làm vào ngày cuối tuần vì được trả lương nhiều hơn.

Không bao lâu sau lần “yêu cầu” không phải đi làm thêm giờ vào cuối tuần, vào dịp Tết Nguyên Đán đầu tiên ở xứ người, tôi lại đưa thêm một “yêu sách” là ngày mùng một Tết tôi cũng không đi làm. Tôi vẫn nghĩ rằng Tết là một ngày trọng đại nhất trong năm, ngoài việc cúng gia tiên, gia đình cùng vui vầy sum họp, được ăn ngon, mặc đẹp, được lì xì, dẹp qua một bên mọi lo toan của công việc vất vả trong năm vừa qua, Tết còn là khởi đầu một ngày tốt đẹp cho 365 ngày sắp đến. Vậy thì tại sao phải đi làm mà không nghỉ ở nhà cho thoải mái? Bị xếp Bob hỏi tại sao, thì tôi có dịp hát bài “phong tục, tập quán…” cho xếp nghe. Tôi còn ca cẩm là công, tư chức ở xứ tôi được nghỉ tới mấy ngày ăn Tết lận chứ không phải chỉ có nghỉ 1 ngày New Year như ở xứ Mỹ này đâu, và có những vùng quê Việt Nam, người ta còn tổ chức hội Tết mừng Xuân kéo dài đến cả tháng, vì tháng Giêng là tháng ăn chơi... Không biết có phải vì bùi tai với lời giải thích hay là thấy tôi chăm chỉ làm việc, cộng thêm là xếp lớn Paul là người đã nhận tôi vào hãng nên xếp Bob cũng “ép bụng” chấp nhận yêu sách của tôi? Và “tiền lệ” nghỉ làm ngày đầu năm đã được tôi tiếp tục đem ra áp dụng trong mấy chục năm qua sống ở xứ người.

Năm sau, gần đến ngày Tết, xếp lớn Paul đã nhắc khéo tôi:

- Tết này anh cũng nghỉ nữa phải không? 

Dĩ nhiên tôi cười và gật đầu lia lịa. Không hiểu ông Paul đã tìm hiểu về phong tục tập quán của ngày Tết từ đâu mà ngày mùng Hai tôi đi làm lại, ông ghé xuống đưa cho tôi và Đình mỗi đứa 1 cái phong bao lì xì trước khi ông ra về. Tôi nhìn ông Paul ngại ngần:

- Ngày Tết qua rồi mà...

Ông Paul cười hóm hỉnh:

- Không phải hôm nào đó anh đã nói Tết celebration kéo dài cả tháng hay sao? Tôi phải chạy lên tận China Town mới mua được phong bì đỏ cho hai anh đó. Chúc năm mới vui vẻ và... làm việc thêm hăng hái.

*

Hai năm sau, chán làm công việc thợ máy, tôi xin xếp Paul nghỉ việc. Ông hỏi tôi sao xin nghỉ, tôi đưa ra lý do là tôi đã biết hết việc ở đây rồi, và công việc cũng không cho tôi cơ hội thăng tiến. Ông đề nghị cho tôi lên làm xếp ca buổi tối thay cho ông Bob vì ông này có thể được thuyên chuyển về một chi nhánh khác, tôi cũng từ chối vì thấy trách nhiệm thì có mà lương thì không hơn thợ máy bao nhiêu. Cuối cùng ông đề nghị với hãng cho tôi làm kiểm soát viên, nhưng tôi phải đi làm tại hãng chính ở gần trung tâm thành phố Los Angeles vì địa điểm tôi đang làm đã có người làm việc này rồi. Công việc mới đòi hỏi phải nói chuyện với thân chủ, xem những bản vẽ, nghiên cứu những yêu cầu của các thân chủ, soạn thảo và hướng dẫn công việc cho các thợ máy dựa trên những yêu cầu của khách hàng, cùng kiểm soát hàng hóa mà các người thợ đã hoàn tất cho đúng tiêu chuẩn khách hàng đòi hỏi. Dĩ nhiên tôi chấp nhận công việc này vì có cơ hội học hỏi, lương cao và “bảnh” hơn, tôi có thể mặc áo chemise trắng tinh và quần đen ủi thẳng nếp do hãng cung cấp, không như là bộ đồ xanh thợ máy thường mặc lúc nào cũng biến thành màu đen sau mỗi ngày làm việc, khi về nhà tắm rửa thì nghe những viên bi bằng sắt từ đầu tóc rơi xuống lách cách và thấy những dòng nước đen ngầu từ thân thể xả ra mà lo là không biết bao giờ sẽ nhuốm phải bịnh lao.

Sau khi tôi chuyển về làm hãng chính ở Los Angeles, vì công việc bận rộn nên tôi ít có dịp nói chuyện với ông Paul. Làm việc ở đó được chừng gần một năm thì tôi lập gia đình và dọn về ở vùng Cerritos. Rồi tôi lại bận rộn hơn vì vừa đi làm vừa đi học thêm ở Cerritos College nên tôi không có dịp trở lại hãng cũ ở Pacoima thăm viếng ông Paul, ông Bob và Đình. Sau khi học đủ tín chỉ để chuyển sang đại học 4 năm thì tôi quyết định nghỉ việc để đi học toàn thời gian ở CalPoly Pomona lấy bằng kỹ sư điện tử. Tôi có trở lại thăm hãng ở Pacoima một lần nhưng không gặp ông Paul vì ông đang đi nghỉ hè, tôi nhờ xếp Bob nhắn lại lời hỏi thăm ông. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi có trở về thăm hãng cũ một lần nữa thì được biết ông Paul đã về hưu, xếp Bob đã lên làm manager, còn Đình đã lập gia đình và chuyển về làm việc ở Los Angeles. Công việc làm đã đưa đẩy tôi thay đổi chỗ ở đôi ba lần và vì bận rộn với những lo toan cho đời sống gia đình thường ngày, tôi hầu như gác lại một phần đời đã qua, hoặc thỉnh thoảng có thoáng nhớ lại nhưng rồi cũng quên đi...

Thế mà đã trên ba mươi năm trôi qua rồi, tôi giờ tóc cũng “nhiều muối hơn tiêu” như ông Paul ngày đầu gặp gỡ. Còn ông Paul, giờ này nếu còn sống thì ông cũng đã ngoài 80 tuổi. Sinh, lão, bệnh, tử là lẽ thường tình của con người, ông Paul cũng không vượt qua định luật tự nhiên của thế gian. 

Đã nhiều năm không tôi gặp lại ông Paul, nhưng hình bóng ông vẫn không phai nhòa trong ký ức của tôi. Tôi cũng không quên những kinh nghiệm thực dụng ông đã dạy cho tôi và không bao giờ quên ông là người đã giúp cho tôi vượt qua những khó khăn của những ngày đầu mò mẫm trên xứ Mỹ. Hôm nay nghe tin ông Paul qua đời, lòng tôi cũng vương một nỗi buồn man mác. Tôi tự bảo mình nên viết một đôi giòng về ông coi như là một nén hương lòng gửi về người quá cố với những trân trọng và tri ân cho dù có muộn màng.

Ý Thảo

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,384,021
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Nhạc sĩ Cung Tiến