Hôm nay,  

Đà Nẵng - Chicago: Chuyện Của Bill

12/01/201200:00:00(Xem: 278032)
Đà Nẵng - Chicago: Chuyện Của Bill

Tác giả : Nguyễn Văn
Bài số 3454-12-28924vb5011212

Giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ bắt đầu năm Canh Thìn 2000. Ngay năm đầu, đã có tác giả Nguyễn Văn tham dự với bài “Dưới Mái Trường Senn.” Sang năm Nhâm Thìn 2012, năm thứ 12 của giải thưởng, có thêm “Chuyện Của Bill” cùng bút hiệu Nguyễn Văn. Bài viết nhận trong tháng 12, đã được dành cho báo xuân Việt Báo Tết Nhậm Thìn. Mong tác giả tiếp tục viết và vui lòng bổ túc địa chỉ để nhận Việt Báo Tết gửi biếu.

***

Hồi mới đến Chicago, tôi sống ở khu Uptown. Tôi thuê phòng trong một khu chung cư tồi tàn trên đường Winthrop. Căn phòng nằm ở tầng trên cùng trong tòa nhà năm tầng, loại studio dành cho người độc thân. Căn phòng trông cũ kỹ đến nản lòng. Thảm lót sàn mòn vẹt, đó đây dính đầy vết ố. Lớp men ở bồn rửa mặt tróc ra nham nhở. Tường được sơn màu vàng sậm, thứ màu dễ làm cho đầu óc con người ta trở nên ủ ê, biếng nhát. Những bức tranh sexy rẻ tiền từ người thuê phòng trước đây còn dán nhan nhản, rách nát trên vách. Nơi phía đầu chiếc giường thấy treo bức ảnh Chúa Jesus tay cầm thánh giá, đôi mắt buồn vời vợi. 
Đưa tôi đi xem phòng là tay chủ nhà tên Sam, chừng sáu mươi tuổi. Lão sống một mình trong căn phòng ở tầng trệt, không thấy vợ con gì. Lão Sam dẫn tôi leo lên hết năm tầng lầu, rồi lọt thỏm trong một dãy hành lang bốc mùi ẩm mốc, ngai ngái đến buồn nôn. Lão thở hồng hộc như tay đô vật vừa xong một trận giác đấu. Nhìn cái thân hình đẫy đà quá khổ của lão, tôi bỗng đâm ra ái ngại. Tôi bảo lão:
“Ông nên làm một cái thang máy.”
“Không cần!” Lão đáp khò khè.
Sau khi xem qua khắp lượt từ phòng ngủ cho tới buồng tắm, lão nói với tôi bằng thứ tiếng Anh rít chịt. “Một trăm Dollars một tháng, gồm cả tiền điện, tiền sưởi. Phải đặt cọc trước cũng ngần ấy tiền…” Tôi than phiền điều kiện tồi tệ của căn phòng, đề nghị lão giảm giá. Lão lúc lắc chiếc đầu bóng hói của mình, chép miệng cụt lủn: “No way!”
Nếu rủng rỉnh một chút, tôi đã không chui vào cái xó hôi hám này. Lão Sam buộc tôi phải ký vào bản hợp đồng thuê nhà với những điều khoản rắc rối đến mơ hồ. Tôi đã bỏ ra gần ba ngày để dọn dẹp, lau chùi lại tất cả mọi thứ, giặt cả thảm lót sàn nhưng không tài nào xua được hết mùi hôi.
Cũng trong khu nhà ổ chuột này, tôi quen một người Mỹ trắng. Anh tên William Ford, thường gọi là Bill.
*
Bill cao đến một mét tám, người gầy gò, trạc khoảng bốn mươi tuổi. Anh ăn vận lếch thếch, râu tóc bù xù, dáng vẻ như kẻ mặc kệ đời. Đôi mắt sâu với cái nhìn buồn rầu, mệt mỏi. Nghe kể, Bill từng đi lính ở Việt Nam.
Tôi biết Bill ngay trong tuần đầu tiên ở khu chung cư. Vào một đêm, lúc đang chuẩn bị đi ngủ tôi bỗng nghe tiếng động ngoài hành lang. Hình như có ai đó vừa ngã. Lẽ ra tôi nên lo việc của mình, thay vì thế tôi lại hé cửa nhìn ra. Bên dãy phòng đối diện, một người đàn ông vận bộ đồ lính nhàu nát, râu tóc rối bời, đang ngồi bệt trên lối đi. Nhìn khuôn mặt đờ đẫn, tôi biết gã đã nốc đến bí tỉ. Thấy tôi, gã than:
“Tao không mở được cửa. Mày giúp giùm. Làm ơn!”
Tôi nhìn vào cánh cửa phòng đóng im ỉm bên cạnh gã, cất giọng bực bội:
“Đây là phòng của mày à?”
“Chính xác!”
Vừa nói gã vừa ném cho tôi một chùm chìa khóa dễ đến mười chiếc với đủ kiểu loại, kích cỡ. “Chiếc màu xám ấy.” Gã lè nhè. Hai tay chống xuống sàn nhà, gã cố đứng lên trên đôi chân mềm oặt của mình, rồi cứ thế lê từng bước xiêu quẹo qua khung cửa. Gã để nguyên quần áo, giày vớ, ném mình xuống chiếc giường. “Good night!” Gã lầm bầm trong miệng như thể nói với chính mình. Mắt nhắm nghiền. Kể từ giây phút ấy, thế giới bên ngoài hình như không còn tồn tại với gã nữa.
Khi quay lại phòng mình, tôi bỗng chạm mặt lão Sam nơi hành lang. Vừa thấy tôi, lão rít lên:
“Mày không cần phải giúp hắn. Đêm nào mà hắn chẳng thế. Tao chỉ mong thằng khốn ấy biến đi cho khuất mắt. Đồ nát rượu!…”
Lúc bước xuống cầu thang, lão vỗ vai tôi theo kiểu mấy ông bố thường làm khi khuyên răn đứa con trai hư hỏng của mình. “Mày còn trẻ, phải lo học hành, kiếm việc làm, đừng có mà đàn đúm say sưa với mớ giẻ rách này!”
Mấy hôm sau, Bill rủ tôi đi bar. Thấy tôi có ý thoái thác, anh nài nỉ:
“Tao muốn mời mày uống một ly. Đó là điều tối thiểu tao có thể làm để cảm ơn mày!”
Tôi theo Bill đến quán. Quán nằm ở góc đường Winthrop với Argyle, cách khu nhà trọ chừng năm phút đi bộ. Đám đệ tử lưu linh ở đây thuộc đủ sắc dân, đủ thứ giới tính. Quán khá rộng. Những chiếc ghế bọc nệm da đen bóng được kê dọc theo quầy rượu sát tường, chạy dài đến phía bên kia vách, nơi qua khung kính có thể nhìn thấy xe cộ lẫn khách bộ hành xuôi ngược trên đường phố. Phía bức tường đối diện với cửa ra vào treo một chiếc Tivi khổ lớn, đang phát hình chương trình thể thao trong ngày. Trên quầy có cả hàng trăm thức uống, từ loại rượu đắt tiền như Louis XIII giá tới cả nghìn, đến beer Budweiser chỉ một Dollars một chai. Mấy chiếc đèn màu từ trên trần nhà hắt xuống những vệt sáng nhòa nhạt, uể oải. Bill và tôi chọn hai chiếc ghế trong một góc khuất để ngồi. Bill gọi rượu Whisky. Tôi kêu beer Miller Lite. Chúng tôi uống chay, không có mồi.
Tay chủ quán bar nhìn Bill, hất đầu như chào. Hắn có dáng dấp của kẻ anh chị. Môi ngậm rịt điếu xì gà lớn bằng ngón tay. Tóc cắt ngắn. Râu quai nón được tỉa xén một cách cầu kỳ. Bắp thịt cánh tay vồng lên, cuồn cuộn dưới lớp áo như vận động viên cử tạ.
“Hắn chỉ giỏi khoe mẻ với lũ mặc váy thôi!” Bill mỉa mai.
“Người quen à?” Tôi hỏi.
Bill tia một làn nước bọt xuống sàn nhà, thì thào:
“Hắn tên Tony, bố gốc Do Thái, mẹ người Ý. Tại sao tớ biết thằng khốn ấy à? Bọn tớ học chung lớp và đều có tên nhập ngũ lúc tốt nghiệp trung học. Không biết gia đình chạy chọt thế nào, bác sĩ ký giấy xác nhận hắn không đủ sức khỏe để tòng quân. Mọi việc, có lẽ do lão bố xếp đặt. Bố hắn làm nghị viên thành phố. Thật là thứ rác rưởi!” Giọng Bill khinh miệt không che đậy. “Tớ đã chạm mặt tử thần không biết bao nhiêu lần ở chiến trường Việt Nam, trong khi thằng khốn ấy thì ngày nào cũng ngồi thản nhiên ở đây nốc rượu vang với hút xì gà. Thử hỏi Chúa có công bằng không? Hơn nữa, túi hắn lúc nào cũng rủng rỉnh tiền. Ngoài quán bar này ra hắn còn có cả một dãy nhà cho thuê nằm trên đường Sunyside….” Bill nâng ly rượu lên dốc ngược vào miệng. Bao nhiêu thứ nước đỏ như màu mận chín chảy tuột hết vào cuống họng. Anh nốc rượu theo kiểu uống nước lã. Anh bảo đó là thói quen từ thời còn ở lính. Uống như thể lần cuối cùng được uống. Không có ngày mai. Không có tương lai.
“Một ly nữa, cục cưng!” Bill giơ chiếc ly về phía cô phục vụ, cất giọng rổn rảng.
Bill có thói quen gọi tất cả các cô tiếp viên ở đây là cục cưng. Cô gái tên Ana. Vóc người nhỏ nhắn. Ana là cô gái lai, mang hai dòng máu nửa Mỹ, nửa Á. Một vẻ đẹp vừa dịu dàng vừa pha lẫn đôi nét hoang dại. Một khuôn mặt rất dễ nhìn.
Khi Ana đem thức uống đến, Bill giới thiệu tôi là hàng xóm của anh, tên Nguyễn, người Việt Nam. Tôi rất ngạc nhiên khi nghe Ana chào lơ lớ bằng tiếng Việt.
“Hi… anh! Ana là …Vietnamese!”
“Ồ! Xin chào.”
“Nice to see you!” Ana nói xong, bận bịu quay đi.
Thật lạ lùng, Bill biết rõ về cô gái hệt như chuyện của mình. Bill kể: “Ana lớn lên trong một nhà thờ ở miền trung Việt Nam lúc mới ba tháng tuổi. Khi biến cố 1975 xảy ra, Ana được một Sơ người Mỹ dắt theo lên máy bay, di tản khỏi Việt Nam. Lúc ấy con bé mới hai tuổi. Con bé không còn nhớ chút gì về nơi sinh ra mình. Mọi chuyện đều do bà Sơ già, người nuôi em từ bé kể lại. Khi sang tới bên này, Ana được một cặp vợ chồng không con cái ở Chicago này nhận nuôi. Khi con bé vào đại học thì cha mẹ nuôi cũng qua đời vì già yếu. Bây giờ nó sống một mình, chỉ làm thêm ở đây mấy ngày cuối tuần. Con bé đang học năm thứ hai đại học và muốn trở thành y sĩ…”
Càng ngày, tôi càng thân với Bill. Chúng tôi xem nhau là bạn, mặc dù về tuổi tác, số tuổi của tôi chỉ bằng một nửa của anh. Bill đã giúp tôi hiểu hơn về con người và lối sống Mỹ. Lúc đầu làm quen, tôi chỉ muốn qua anh, học thêm tiếng Anh. Đặt biệt là về cách phát âm. Bill rất rành thổ ngữ và tiếng lóng vùng trung tây. Anh sử dụng ngôn ngữ đời thường, bộc trực không chút kiểu cách. Thú thật, tôi đã ảnh hưởng không ít lối dùng từ của anh. Đằng sau cái vẻ bụi bặm phớt đời đến cô độc của mình, từ trong sâu thẳm, Bill lại là con người đa cảm và sầu muộn. Một tâm sự trầm uất đến u uẩn.
Bill đang thất nghiệp. Còn tôi là dân tị nạn mới đến Mỹ được vài tháng, đang lãnh trợ cấp để theo học các lớp Tiếng Anh miễn phí tại Harry S. Truman College. Tôi thấy Bill không bận tâm lắm về chuyện tìm việc làm. Chúng tôi rảnh rỗi phần lớn thời gian trong ngày. Anh thường chở tôi trên chiếc xe Buick cũ kỹ của mình, đi mọi nơi trong thành phố. Anh bảo tôi:
“Mày đừng có suốt ngày chúi mũi vào mấy trang sách. Chữ nghĩa là thứ dễ làm con người ta trở nên hoang tưởng. Phải bước ra thực tế. Phải lăn mình vào đời sống hiện tại!”
Trong các món ăn Việt Nam, Bill thích phở và bánh xèo. Anh xơi được cả nước mắm. Anh biết được vài bài hát của Trịnh Công Sơn. Chúng tôi hay ăn uống, mua sắm ở khu chợ Việt Nam vào những ngày cuối tuần hoặc các dịp lễ hội.

*
Xin nói một chút về khu chợ Việt ở đây. Vietnam Town theo cách gọi của người Mỹ, hoặc khu thương mại Việt Nam theo cách gọi của người Việt nằm trên đường Argyle, đoạn nối giữa đường Sheridan và Broadway. Chợ nằm trong khu Uptown. Hồi đó, quán xá còn thưa thớt chứ không nhộn nhịp như bây giờ. Càng ngày khu thương mại ở đây càng có khuynh hướng lan rộng về phía đại lộ Broadway. Ở đây có đủ thứ cửa hiệu, đủ loại dịch vụ; từ chợ bán thực phẩm, nhà hàng ăn uống, quán phở, phòng mạch bác sĩ, văn phòng khai thuế, dịch vụ du lịch, đến bãi đáp cho những chuyến xe đưa rước các con bạc khát nước muốn tìm kiếm vận may bằng trò đỏ đen ở Casino. Cũng có hội người Việt và các tổ chức thiện nguyện tư nhân; nơi giúp bà con đồng hương trong các dịch vụ đơn từ bằng tiếng Anh, hướng dẫn những người mới đến các thủ tục giấy tờ cần thiết hầu tránh những rắc rối do rào cản ngôn ngữ và sự kỳ thị sắc tộc nếu có. Hội người Việt còn mở lớp dạy tiếng Anh cho người lớn và tiếng Việt cho các em nhỏ. Khi cần, hội cũng có thể đứng ra tổ chức tang ma, tiễn đưa những người neo đơn xấu số về bên kia thế giới.

Đường Argyle cũng từng là nơi tọa lạc hãng phim Essanay Studios nổi tiếng một thời. Tên tuổi của nó đã gắn liền với những cuốn phim hài của vua hề Charles Chaplin (Sạc Lô) từ năm 1915, thời hoàn kim của nền phim không lời. Bây giờ, tòa nhà này thuộc về tài sản của trường St. Augustine’s College.
Khu Uptown chỉ cách Dowtown của Chicago khoảng vài cây số về phía bắc nhưng lại có bộ mặt khác hẳn. Trừ những dãy nhà có lối kiến trúc cổ theo phong cách châu Âu, tọa lạc bề thế trên đại lộ Broadway, nếu theo những con đường nhỏ đi sâu vào trong một chút sẽ thấy một Uptown bẩn thỉu, nhớp nhúa và buông thả đến bệ rạc. Lòng đường đầy giấy báo, ly nhựa cùng mọi thứ rác rưởi vương vãi khắp nơi. Góc đường nào cũng thấy lố nhố những tay vô công rồi nghề, đám say sưa nghiện nghập.
Theo lời Bill. Nơi đây từng là sào huyệt của một đám anh chị đường phố. Băng đảng này xuất hiện từ những năm đầu của thập niên sáu mươi kéo dài đến thập niên tám mươi, băng GayLords. Bố già Al Capone, tên tội phạm khét tiếng một thời của Mỹ cũng từng sống và gây tội ác ở thành phố Chicago này, cách đám hậu bối GayLords hơn ba mươi năm. Trong ký ức người dân nơi đây vẫn còn nguyên nỗi hãi hùng khi nhắc lại đám ôn thần này. Từ đâm chém, buôn bán ma túy, bắt cóc tống tiền đến bảo kê gái điếm, không chuyện gì chúng không làm. Hồi đó, cứ khoảng sáu bảy giờ tối là không ai dám ló mặt ra đường. Phố xá vắng hoe như bãi tha ma. Trình trạng này kéo dài suốt hàng năm trời. Dư luận nghi ngờ đằng sau băng nhóm tội ác này có sự chống lưng của cảnh sát. Cho đến một ngày chẳng còn ai nghe thấy đám con trời này tác oai tác quái nữa. Chúng tan biến một cách lặng lẽ như thể chưa từng có mặt trên cõi đời này. Theo lời kể của những thành viên trong nhóm thì ma túy chính là thủ phạm giết lần mòn băng GayLords chứ không phải thành tích truy quét tội phạm của cảnh sát như báo chí từng thổi phồng một thời. Phố xá dần dà trở lại tháng ngày bình yên vốn có của nó.
Từ sau năm 1975, khu phố này bắt đầu xuất hiện những người nhập cư mới, nạn nhân của chiến tranh Đông Dương. Một cuộc chiến mà người Mỹ muốn lãng quên nhất trong lịch sử. Họ là người Việt, Việt gốc Hoa, người Cambodia, người Lào…Chính những người tị nạn lếch thếch và rách rưới này đã làm bộ mặt khu Uptown khởi sắc. Những cửa hiệu của người gốc Á bắt đầu mọc lên, bén rễ trên các con phố, nơi đã từng một thời nhuốn máu và xác chết của đám anh hùng dao búa. Khu Uptown ngày nay ngoài những gì đã được biết đến, một khu phố với những nhà hát lớn như Aragon Ballrom, Riviera Theater, câu lạc bộ Jazz Green Mill, những quầy hàng Café, tiệm bán đồ lưu niệm; còn là một khu phố đa dạng về văn hóa cùng các lễ hội của người châu Á. Đặc biệt là về ẩm thực. Dân Việt Nam sống ở đây khoảng chừng vài ngàn người.

*
Một đêm, Ana điện thoại bảo tôi đến bệnh viện gấp vì Bill đang gặp rắc rối. Giọng cô run rẩy, gấp gáp trong ống nghe.
Tôi đến bệnh viện Memorial Hospital lúc ba giờ sáng. Bill đang nằm bất động trên giường bệnh ở phòng cấp cứu. Mặt anh tái xanh. Khắp người dây nhợ treo chằng chịt. Bác sĩ bảo trình trạng anh rất nguy ngập, cần tiến hành giải phẩu gấp. Tôi phải miễn cưỡng ký vào một số giấy tờ theo thủ tục của bệnh viện vì Bill không còn người thân nào. Ana ngồi rũ người trên chiếc ghế trong một góc ở phòng đợi. Đôi mắt cô đỏ hoe. Bên cạnh là hai người đàn ông, một vận y phục cảnh sát, người còn lại mặc đồ dân sự. Cả hai vừa nói chuyện vừa ghi chép gì đó vào cuốn sổ tay. Tôi cứ đi qua đi lại một mình ngoài hành lang.
Ana kể cho tôi nghe chuyện xảy ra ở quán bar đêm ấy. Giọng cô vẫn chưa hết nỗi kinh hoàng. Đôi vai cứ rung lên từng lúc:
“Lúc ấy khuya lắm, khách khứa chỉ còn lại một mình Bill. Tony bỗng nói năng cợt nhã, y định…sàm sỡ tôi. Bill ngồi trong góc, cất tiếng chen vào. Chú ấy gọi Tony là tên đốn mạt. Hai người bắt đầu to tiếng. Họ gầm gừ như hai con sói, cuối cùng lao vào nhau. Tony chợt chạy ra phía sau quầy rượu chộp lấy khẩu súng ngắn, chỉa vào người Bill. Tiếp theo là tiếng nổ. Tôi sợ quá ngồi co rúm trong góc. Chưa tới năm phút sau, cảnh sát và xe cứu thương đến….”
Tony bị cảnh sát bắt ngay đêm ấy. Gã phải đóng một số tiền thuế chân để được tại ngoại chờ ngày ra tòa.
Bill nằm mê man suốt ba ngày liền. Bác sĩ bảo vết thương của anh rất nặng. Viên đạn được bắn đi ở cự ly gần nên đã phá vỡ hết cả phần nội tạng ở khoang bụng. Tôi và Ana cứ trúc trực bên cạnh không dám rời vì sợ anh chết. Đến ngày thứ tư, Bill tỉnh lại được một lúc. Anh cứ nhìn chằm chặp vào Ana. Tiếng nói yếu ớt, không nghe được lời gì. Chúng tôi trò chuyện bằng cách viết ra giấy.
Bill nhờ tôi về phòng trọ lấy ít đồ dùng cá nhân. Anh còn dặn tôi lấy giùm quyển nhật ký có bìa da màu hồng nhạt.
Tôi ghé vào chổ Sam, nhờ lão lấy chìa khóa mở cửa. Lão biết chuyện của Bill qua báo chí. Giọng Lão the thé như tiếng mấy mụ nạ dòng:
“Đồ chết tiệt! Đã đến nửa đời người lại còn đi đánh nhau vì một ả kẹp tóc. Ở đời con người ta chết vì nhiều thứ lắm, nhưng chết vì gái thì thật là ngu!”
Lão càu nhàu là Bill còn nợ lão một tuần tiền nhà chưa thanh toán. Nếu Bill chết đi, lão sẽ mất toi mấy chục bạc. Lão càng nói càng hăng:
“Mày đừng có khinh khi tiền bạc! Ở xứ cái này, không phải Chúa Trời mà chính tiền bạc là thứ quyền năng nhất. Kệ xác mày là ai, nếu không có tiền thì mày cũng chẳng khác gì một người đã chết!...” Lão cứ lải nhải, không có dấu hiệu gì cho thấy là lão sẽ ngừng lại, ngay cả ngừng lại vì mệt.
Hôm sau, tôi mang mọi thứ vào cho Bill. Anh chỉ quyển nhật ký của mình, bảo tôi đọc. Bill còn nhờ tôi tìm trong chiếc ví của anh một tấm ảnh. Đó là tấm hình được ép giữa một lớp nhựa mỏng, rất chăm chút. Hình chụp một cô gái đứng trước biển, tóc xõa gió bay. Phía mặt sau là câu tiếng Việt, nét chữ con gái nắn nót, “Tặng Anh Bill. Đà Nẵng, ngày 19 tháng 6 năm 1972. Nguyễn Thị Lan”
Bill không nói thêm với tôi lời nào. Anh nằm, mắt nhắm nghiền, hơi thở nghe đều đều như ngủ.
Tôi thức suốt đêm để đọc quyển nhật ký của Bill. Anh tự nhận mình là người vô tích sự. 
“…Tôi sinh ra ở khu Uptown của Chicago. Gia đình có ba người, cha mẹ và tôi. Cha tôi làm công nhân trong một hãng cơ khí. Ông làm việc mười hai tiếng mỗi ngày. Cuộc sống công nghiệp cứ làm ông quay tròn như chiếc kim đồng hồ. Ông không có thời gian để ý đến tôi. Mẹ tôi làm nội trợ, đi chợ, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, giặt giũ quần áo, và hàng trăm thứ việc không tên khác…. Bà lại nghiện rượu nặng. Bà có tật xấu là cứ rượu vào thì lời ra. Suốt ngày bà càu nhàu luôn miệng. Nói chán bà lại lăn ra ngủ. Cha tôi làm việc quần quật cho tới lúc chết nhưng cuộc sống gia đình vẫn không khá lên được. Ông chết vì tai nạn xe hơi vào một buổi sáng khi đang trên đường đến chổ làm. Cảnh sát nghi ngờ ông ngủ gật trong lúc lái xe. Lúc ấy, tôi mới vừa xong trung học. Mẹ tôi cũng bỏ theo ông sáu tháng sau đó. Bà chết vì chứng xơ gan. Đó là kết quả của những tháng ngày bà trầm mình trong rượu. Còn lại một mình, sẵn máu phiêu bạt, tôi đăng ký vào lính. Cuộc đời tôi bắt đầu rẽ sang một lối khác…”
“ Thời gian đó, Mỹ đã lún sâu vào cuộc chiến ở Đông Dương. Năm 1970, tôi được đưa sang Việt Nam. Tôi làm việc ở bộ phận tải thương. Thực tế, đó là công việc nhặt xác chết. Chiến tranh tàn khốc hơn tôi tưởng…”
“Tiểu đội của tôi bị điều đi Đà Nẵng vào mùa xuân 1972. Chiến sự càng lúc càng trở nên ác liệt. Cái xứ sở nhiệt đới này càng ngày càng làm tôi ớn đến tận cổ. Ý nghĩ một ngày nào đó mình sẽ nằm ngay đơ trong quan tài khiến tôi muốn phát rồ.…”
“Tôi gặp lan trong một dịp đi phố. Lan bán nước giải khát ở gần sân bay. Cô sống với người mẹ mù lòa. Tôi thích Lan từ cái nhìn đầu tiên. Ánh mắt cô ấy toát lên vẻ bao dung và chịu đựng đến nao lòng. Lan nói tiếng Anh rất kém, còn tôi cũng chỉ bập bỏm được vài câu tiếng Việt. Chúng tôi giao tiếp nhau quanh quẩn trong vốn từ vựng nghèo nàn của mình. Thật ra trong tình yêu, mọi lời nói đều vô nghĩa….”
“Tôi về nước vào tháng ba năm 1973, sau hiệp định Paris hai tháng. Cảm ơn Chúa! Tôi vẫn còn lành lặn. Tôi muốn đưa Lan theo nhưng cô ấy không đồng ý. Cô ấy không thể bỏ lại mẹ của mình, hơn nữa cái thai trong bụng Lan cũng đã lớn lắm.…”
“Năm sau, tôi quyết định quay lại Việt Nam tìm Lan. Hiệp định Paris chỉ khoát lên bộ mặt của cuộc chiến tranh một nền hòa bình giả tạo. Điều đó nghe khôi hài kinh khủng. Mật độ các trận giao tranh vẫn dày đặc. Không có dấu hiệu gì cho thấy tiếng súng sẽ ngừng hẳn. Đà Nẵng trông điêu tàn như một thành phố chết. Chổ quán nước ngày xưa giờ là bãi đất hoang. Hàng xóm cho biết Lan đã sinh được một bé gái, còn sống ở đâu thì không ai rõ. Tôi đã bỏ ra suốt một tuần liền, dò hỏi khắp nơi nhưng vẫn không thu được chút manh mối nào. Đi lại trong thời chiến là một việc mạo hiểm. Tôi có thể chết như bỡn vì một cách nào đó không đoán trước. Tôi trở về Mỹ trong tâm trạng hụt hẫng đến kỳ lạ...”
“…Mọi việc tưởng đã chìm trong quên lãng, mãi đến gần hai mươi năm sau, định mệnh đã an bài cho tôi gặp Ana ở quán bar. Tôi có linh cảm đây chính là giọt máu của mình….”

Hôm sau, tôi đem quyển nhật ký và tấm hình đưa cho Ana lúc cả hai cùng vào bệnh viện thăm Bill. Cô nhìn tấm ảnh đến thờ thẫn. Đúng là cô gái trong ảnh có khuôn mặt rất giống Anna, chỉ hơi khác chiếc mũi.
Bill mất đúng một tuần sau đó. Lúc hấp hối, anh tỉnh lại được mấy phút. Tay cứ nắm chặt Ana không chịu rời. Người mỗi lúc một lạnh dần. Mắt nhìn lạc thần, trống rỗng. Ana vừa lay người anh vừa thét lên: “Cha!...”
Tiếng kêu của bao nhiêu dồn nén, tức tưởi. Âm thanh vỡ òa, ngân vang đến đau đớn. Ana đổ qụy xuống bên cạnh chiếc giường Bill đang nằm. Người cô run lẩy bẩy. Khuôn mặt Bill dãn ra, thanh thản. Từ trong hố mắt của anh tuôn ra những giọt nước mắt. Bill đã nghe thấy tiếng kêu của Ana.
Có lẽ, đó là thứ âm thanh hay nhất Bill được nghe trong suốt cuộc đời mình. Anh đã không còn điều gì nữa để chờ đợi trong cõi đời này, ngoài cái chết. Trong phòng, tiếng khóc của Ana vang lên mỗi lúc một rấm rức.

Nguyễn Văn

Ý kiến bạn đọc
16/01/201204:52:42
Khách
chuyện của anh bill thật là cảm động.tôi cũng là một người sống ở tiểu bang il nhưng vì là người dến sau ..khoảng năm 2000 .sau đó chuyển ra vùng lân cận nên không am hiểu lắm những gì ở khu vn.chiến tranh thường mang đến những thảm cảnh đau lòng...cám ơn câu chuyện đầu năm của anh
16/01/201202:09:50
Khách
RẤt hay Tôi ở Chicago buiding Kenmore 1979. Truyện nầy ít nhiều nhắc nhớ
vài kỹ niệm thời mới qua Mỹ.... Trúc
17/01/201200:46:09
Khách
Hi all,
Mình là nguyễn văn, cảm ơn tất cả đã bỏ thời gian đọc truyện của mình, xin ghi nhận tất cả mọi ý kiến đóng góp dù khen hay chê. Mình cũng còn trẻ. Xin đừng gọi bằng ông. Chúc tất cả năm mới sức khỏe và hạnh phúc. Thân.Văn.
17/01/201205:49:05
Khách
Truyện rất hấp dẫn, tôi đọc 1 mạch, không ngừng nghỉ. Tác giả có lối viết dàn dựng khá giống O' Henry của Mỹ.
Cám ơn và rất mong được đọc thêm các tác phẩm khác của ông.
14/01/201217:30:58
Khách
rat hay ve cot truyen cung nhu cach hanh van. Cam on tac gia.
13/01/201223:17:36
Khách
Một câu chuyện quả là hết sức cảm động. Một kết cục không thể ngờ. Cảm ơn tác giả Nguyễn Văn thật nhiều & mong đọc thêm những truyện mới.
13/01/201221:01:15
Khách
Hi Ô. Nguyễn Văn , tôi đã đọc bài viết " Bill ... " truyện rất cảm động . Tôi càng thích bài viết nầy hơn vì tôi đã sống tại " xứ " Chicago nầy được 28 năm rồi và những nhận xét và mô tả về khu thương mại của người Việt định cư tại thành phố nầy rất là chính xác cả về lịch sử cùa nó nửa . Không biết ô. còn định cư tại thành phố nầy hay là đã tìm về những miền ấm áp hơn ? Nhi Nguyen .
18/01/201202:36:56
Khách
mình sắp chuyển đến chicago trong 1 ngày không xa .... nếu bạn nào muốn làm quen với mình thì email cho mình nha :[email protected]
18/01/201215:36:30
Khách
Truyện rất hay. Đây thực sự là một cây bút có lối hành văn rất độc đáo. Một thứ văn chương toàn cầu. Cảm ơn tác giả rất nhiều. Chúc anh sức khỏe và tiếp tục cống hiến đến bạn đọc những tác phẩm mới. (À, mình còn phát hiện anh còn có những truyện ngắn khác nữa, đăng trên QUANVAN.NET.)
19/01/201220:17:39
Khách
Truyện hay quá. Theo tôi được biết thì tác giả Nguyễn Văn của "Chuyện của Bill" Và truyện "Dưới mái trường Senn" không phải cùng một người, chỉ là sự trùng tên. Tác giả Nguyễn Văn "Chuyện của Bill" còn trẻ, độ khoảng 40 tuổi thôi. Cảm ơn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,573,282
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến