Hôm nay,  

Điên!

11/01/201200:00:00(Xem: 202034)

Điên!

Tác giả: Thanh Mai

Bài số 3453-12-28923vb4011112

Với nhiều bài viết đặc biệt về nhiều thể loại, Thanh Mai là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến và đã nhận giải vinh danh Viết Về Nước Mỹ 2008. Thanh Mai cho biết cô qua Mỹ từ năm 1993, hiện là Electronic Technician của Honeywell Minnesota. Bài mới sau đây là chuyện về “ông xã và thuốc lá”.

***

Đàn ông miệng rộng thì sang,

Ngậm thêm điếu thuốc lại càng sang hơn.

Cái thuở xa xưa còn bồ bịch dung dăng dung dẻ, tôi thật yêu cái dáng chàng hút thuốc lá. Điếu thuốc hờ hững trên môi trông thật khinh mạn, ngang tàng. Rồi cái cách chàng bật lửa cũng hay làm sao, vừa mạnh mẽ vừa dứt khoát thật đàn ông. Ngọn lửa sáng lên từ hộp quẹt zippo soi vào đôi mắt lim dim mơ màng trông rất lãng mạn quyến rũ. Cái cách chàng hơi chằn miệng rít hơi thuốc trông cũng hay hay làm sao...Rồi những vòng tròn thuốc bay bay trên không trung, những sợi khói tan dần trong không gian cũng lung linh huyền ảo đẹp vô cùng...Cộng thêm mùi khói thuốc lá quyện đầy tóc, đầy cả áo quần và đầy cả...nụ hôn tôi cũng thấy thơm và thích luôn. Có phải là khi yêu con tim khờ khạo và con mắt lệch lạc nên mới thấy cái gì của người yêu cũng hay cũng đẹp? Hoặc có phải hồi đó khứu giác của tôi có vấn đề nên thấy mùi thuốc lá thơm tho và thích ngửi nó? Nghĩ lại thuở ấy mình đúng là điên!

Vào cái thời ngu ngơ đó của tôi, chưa có vụ vận động cấm hút thuốc lá vì sự độc hại của nó nên ở Việt Nam thiên hạ hút thuốc đủ nơi, trong nhà ngoài phố đều không phân biệt. Ra đường đi bất cứ đâu như vào quán cà phê, rạp xi nê, công viên, quán ăn, bến xe, cũng gặp người hút thuốc nên tôi cũng như phần đông người khác quen dần với mùi thuốc lá và dễ dàng chấp nhận nó. Thậm chí tôi còn quan niệm đàn ông mà không hút thuốc thấy yếu đuối và không lãng mạn hay ho gì cả. Quan niệm gì mà điên quá không biết.

Chàng nói với tôi đã hút thuốc lá từ năm 14 tuổi. Thấy cha mình hút thuốc hay hay nên lén hút theo và ghiền luôn. 14 tuổi mới học lớp 8 mà đã tập tành hút thuốc thật là hư, nếu là con tôi chắc tôi đét đít cho biết thân nhưng lúc đó nghe chàng kể tôi chỉ cười trừ. Cha chàng khi biết con mình hút thuốc chỉ lắc đầu chẳng biết nói sao vì người lớn cũng hút làm gương xấu cho con thì lấy tư cách gì mà cấm con mình. Tôi hỏi:

- Còn mấy đứa em có bắt chước anh nó hút thuốc luôn không?

Chàng cười:

- Dĩ nhiên. Thằng Tư, thằng Năm, thằng Sáu đều hút cả.

Tôi tò mò:

- Mấy “thằng” đều hút còn mấy “con” thì sao?

Chàng giả bộ ký đầu tôi:

- Chọc quê hả? Cũng may phụ nữ không hút thuốc, chỉ có đàn ông thôi.

Tôi le lưỡi:

- Chỉ có đàn ông nhà anh hút thuốc thôi cũng đủ biến cái nhà thành nhà máy xi măng rồi. Eo ôi!

Một nhà 5 trự đàn ông đều là dân ghiền thuốc lá thì chắc phải hao tài lắm. Tính ra mỗi người chỉ hút sơ sơ mỗi ngày một gói thì phải đốt một ngày ít nhất 5 gói. Trong thời buổi gạo châu củi quế khó khăn tiền đâu mà hút cho xuể nên gia đình chàng phá vườn hoa trồng thuốc lá để tự sản xuất thuốc mà hút. Trồng, tưới, hái, phơi khô, ướp tẩm, xắt sợi rồi vấn thành điếu thuốc. Biết bao công đoạn tự biên tự diễn và bao mồ hôi công sức đổ ra để rồi đốt vài hơi thành mây thành khói hết trơn. Có phải điên không?

Cũng may thời gian khó khăn này chỉ kéo dài vài năm nên sau đó cái vườn thuốc lá nho nhỏ này được biến trở lại thành vườn hoa xinh xắn. Chàng hết ở chung với gia đình mà cùng tôi vượt biển và xây tổ ấm ở cái xứ Cờ hoa lạnh lẽo xa xôi cách cái vườn hoa này cả nửa vòng trái đất. Khung cảnh khác biệt hoàn toàn, hoàn cảnh sống cũng đổi thay, con người cũng thay đổi để thích ứng với môi trường mới.

Ở cái xứ sở mới này, nhà cửa đóng kín mít vì sợ bụi bặm ô nhiễm. Muốn hút thuốc phải ra khỏi nhà hoặc khỏi hãng xưởng, công sở để mùi khói thuốc khỏi phải quyện vào đồ đạc trong nhà và khỏi phải ảnh hưởng đến những người bên cạnh. Các phong trào kêu gọi cai và chống thuốc lá vì ung thư và độc hại ngày càng phổ biến và lan rộng. Thuốc lá là tác nhân của nhiều chứng bệnh mà chương trình Medicaid của các tiểu bang hàng năm phải tốn triệu triệu đô-la để chăm sóc sức khỏe cho họ. Bao nhiêu vụ kiện tụng vì người bệnh và chết vì khói thuốc khiến các hãng thuốc lá phải đứt ruột bỏ ra một số tiền lớn để bồi thường được lan truyền mọi lúc, mọi nơi. Tôi cũng bị tác động và ảnh hưởng rất nhiều, thay đổi cái nhìn và sở thích về vụ ghiền thuốc của chàng.

Cũng là mùi khói thuốc nhưng với hoàn cảnh khác, môi trường khác, và nhất là quan niệm khác trước tôi không thấy mùi khói thuốc lá thơm tho nữa mà ngược lại thấy hôi hôi sao đó. Tôi cũng không còn thấy cái đẹp huyền ảo của khói thuốc mà thấy lung linh cái bóng Tử thần đang nhăn mặt uốn éo trong không gian. Tôi muốn chàng bỏ thuốc lá nên dùng đủ cách nhăn nhó càm ràm, ngọt ngào dụ khị mỗi ngày. Chàng vẫn trơ như đá, vững như đồng, và hút như điên. Trời nóng không nói, trời lạnh cắt da cắt thịt phải co ro khúm rúm đứng ngoài trời mà hút thuốc thì còn gì điên hơn, vậy mà chẳng những chỉ một chàng của tôi điên mà còn cả đám người. Thiên hạ điên hết trơn rồi!

Đến khi một trong mấy tên bạn hút thuốc điên của chàng bị lăn đùng ra ngáp ngáp vì bệnh ung thư phổi thì cả đám tá hỏa hết hồn. Bây giờ thấy quan tài mới đổ lệ. Tôi nhân dịp rủ rỉ với chàng:

- Anh thấy cái hại trước mắt của thuốc lá chưa? Anh bệnh không nói làm chi vì anh tự hút thuốc. Em sợ cho con mình bị bịnh suyễn mà rủi ro hít vào khói thuốc của anh dễ gặp nguy hiểm lắm. Nếu con có chuyện gì em sẽ ân hận suốt đời vì đã không khuyên được anh. Anh ơi, hãy vì em, vì con, vì gia đình chúng ta mà gắng bỏ thuốc đi anh nhé.

Lần này chàng nghe lời và hứa cố gắng bỏ thuốc. Tôi mua kẹo, mua thuốc ngậm để cai thuốc cho chàng và may sao chàng bỏ được. Bỏ thuốc lá dễ ợt chứ khó gì. Dễ ợt nên mới có nhiều người đã bỏ tới mấy chục lần???!!!! Chàng của tôi chắc cũng không ngoại lệ vì năm sau về Việt Nam thăm gia đình, trở lại môi trường “nhà máy xi măng” xông khói thuốc, và ra quán cà phê thuốc lá với bạn bè anh em chàng lại gắn điếu thuốc trên môi mà rít. Tại sao đã bỏ rồi mà ham vui hút lại làm chi? Điên quá!

Tôi không còn thấy thích hình dáng hút thuốc khinh mạn hay ho ngày nào của chàng mà chỉ thấy khó chịu nhìn cái tướng chàng rít điếu thuốc một cách thú vị thế kia. Trông bất cần đời và cũng bất cần vợ thật là dễ ghét. Đã biết vợ không thích mình hút thuốc mà cứ tỉnh bơ coi người ta như tàng hình. Bực ơi là bực và lo ơi là lo. Tôi sợ rằng khi về lại Mỹ chàng sẽ trở lại hút thuốc như xưa nên lựa lúc không có ai nói riêng:

- Ở đây anh gặp lại anh em bạn bè họ rủ không hút cũng khó cho anh nhưng trở về Mỹ anh hứa với em đừng hút nữa nhé.

Chàng gật đầu cho tôi yên tâm, và tha hồ mà đốt thuốc lá liên tục một cách say mê thỏa mãn như bù lại những ngày xa cách nó. Tôi đành mắt nhắm mắt mở nhìn chàng mịt mù trong khói thuốc mà lòng khó chịu vô cùng.

Về lại Mỹ, tôi không thấy chàng hút thuốc lá nữa. Tôi không thấy không có nghĩa là anh chàng giữ lời hứa không hút nữa mà hình như người ta đổi chiến lược hút lén, hút vụng. Lâu lâu thằng con méc tôi:

- Hồi chiều con thấy Ba hút thuốc ngoài vườn.

Hỏi thì chàng chối:

- Đâu có, chắc nó thấy ông hàng xóm hút đó.

Hoặc cười trừ:

- Tối qua thằng bạn cho điếu thuốc anh không nỡ vứt đi kéo một chút cho vui thôi.

Tôi biết ông xã mình nói xạo, cằn nhằn một lúc rồi cũng phải giả lơ vì nghĩ anh chàng hút lén thì làm sao hút nhiều được. Có điều mình phải ra vẻ chống đối không đồng ý để chàng không vùng lên mà hút lại nhiều như xưa thôi. Đầu giờ đã hai thứ tóc, óc thì chai sạn dễ gì bỏ được những thói quen hoặc sở thích đã ăn sâu mấy chục năm. Nhất là cứ vài năm về Việt Nam một lần cà phê thuốc lá với bạn bè gia đình thì bỏ sao được mà bỏ.

Cũng lạ, kỳ này về Việt Nam thăm gia đình cha chàng bảo:

- Ba giờ đang tập bỏ thuốc lá. Thằng Tư, thằng Năm đã bỏ được cả tháng nay. Thằng Hai mày về Mỹ bỏ thuốc lá đi nhen. Ba thấy thiên hạ bị ung thư vì hút thuốc lá dữ quá.

Tôi phụ họa với cha chồng kể:

- Ba nói đúng đó Ba. Anh họ của con vừa rồi bị nhức đầu dữ dội. Đi bệnh viện cấp cứu họ chụp thấy có bứu trong não nên chuyển qua khu ung bứu. Sau khi rọi scan toàn thân và xét nghiệm bứu bác sĩ hỏi ảnh “Ông có hút thuốc lá không” là con nghi có chuyện rồi. Ảnh đã bỏ thuốc lá cách đây 10 năm nhưng không ngờ đến nay bị ung thư phổi và di căn lên óc. Ảnh mới qua Mỹ vài năm cuộc đời sắp sửa lên hương thì vướng bịnh bỏ lại vợ con tội ghê.

Rồi tôi quay qua chàng nói tiếp:

- Còn anh nên nghe lời Ba bỏ thuốc lá đi chứ lỡ có gì thì khổ lắm.

Ông chồng của tôi lý sự bướng:

- Tại anh Danh hút thuốc rồi bỏ nên mới bị ung thư đó. Em thấy anh Lợi và anh Tài của ảnh hút nhiều và hút liên tục mấy chục năm nay có bị ung thư đâu. Theo anh nghĩ nếu cứ hút dài dài thì các tế bào ung thư sợ chất nicotine không dám chui ra quậy đâu. À, em nhìn Ba nữa nè, 80 tuổi với hơn 60 năm làm bạn với thuốc lá mà vẫn còn khỏe ru đầu óc minh mẫn chỉ bị lãng tai thôi. Đâu phải ai hút thuốc lá cũng bị ung thư.

Tôi cãi:

- Thì đâu phải ai hút thuốc cũng bị ung thư nhưng sự độc hại của khói thuốc sẽ gây nên nhiều rủi ro cho sức khỏe. Cho nên thế giới mới bỏ tiền vận động cho người ta bỏ thuốc lá và các hãng làm thuốc lá đã phải bồi thường số tiền không nhỏ cho các khách hàng nạn nhân của họ chứ.

Chàng của tôi tiếp tục lý sự kiểu …điên:

- Thì thiên hạ ngồi không kiếm chuyện mà làm thôi. Các nhà nghiên cứu tìm ra thứ này thứ nọ công bố ùm trời lấy tiếng rồi sau đó lại có những nghiên cứu mới hơn nói ngược lại. Chẳng hạn người ta cho rằng uống sữa tốt cho sự tăng trưởng của xương. Nhưng cũng có nghiên cứu cho rằng uống sữa nhiều sẽ dễ gây nên bệnh ung thư. Có nghiên cứu cho rằng ăn mặn có hại cho bệnh cao huyết áp nhưng cũng có nghiên cứu cho rằng ăn mặn không sao. Anh không tin nghiên cứu gì cả. Chuyện gì tốt cho mặt này thì cũng có cái xấu cho mặt khác. Bịnh hoạn là do số trời thôi. Em không hút thuốc, không uống rượu mà sao em lại bị đủ thứ bệnh vậy? Sống trên đời mà cứ lo sợ kiêng cử đủ thứ thì còn gì mà thú vị nữa. Ngày xưa còn trẻ khỏe thèm ăn đủ thứ không có tiền để mà ăn. Ngày nay thức ăn thừa mứa thì lại kiêng cử vì sức khỏe. Ngày xưa không có tiền mua thuốc lá hút nên phải trồng, phải vấn, phải hút cả thứ dở không ra gì. Ngày nay có tiền, có thuốc thơm đầu lọc hảo hạng thì phải bỏ hút, phải kiêng cử. Điên!

Tôi cãi nữa:

- Nhưng đem tiền mà đốt còn điên hơn! Thời buổi này kinh tế xuống, đồng tiền kiếm được khó khăn. Tiểu bang tăng giá thuốc gần 7 đô một gói gọi là cộng thêm tiền ngu cho những ai hút thuốc mà lại đem tiền đi đốt chẳng những mất tiền mà còn mất sức khỏe không phải điên à?

Anh chàng cười cười không cãi với tôi nữa, chạy vào lục va ly lôi ra một cái hộp được bọc cẩn thận. Chàng vừa mở hộp vừa nói với cha:

- Con tính mua cái máy này đem về tặng Ba nhưng Ba bỏ thuốc rồi thì con tặng cho thằng Sáu. Đây là máy vấn thuốc, hay lắm. Còn đây là hộp đầu lọc và giấy có sẵn. Đây là gói sợi thuốc. Mua cái máy này lần đầu tốn gần trăm đô nhưng sau đó thì mua thuốc và mua đầu lọc về tự vấn tính ra rất rẽ chỉ cỡ 1 đô 1 gói thuốc thôi.

Cả nhà trầm trồ và ngạc nhiên xem chàng thành thục bỏ thuốc vào máy biểu diễn vấn những điếu thuốc đầu lọc vừa nhanh vừa đẹp. Tôi cũng ngạc nhiên không kém, thì ra anh chàng không những bỏ thuốc lá mà còn chơi luôn cái máy về vấn thuốc. Nhìn kiểu biểu diễn kia chắc kinh nghiệm đầy mình rồi.

Vấn xong vài điếu chàng lấy một điếu mời cha, một điếu đưa cho thằng em và một điếu gắn lên môi bật lửa rít một hơi. Dưới ánh sáng leo lét của ngọn lửa tôi ngỡ ngàng nhìn thấy một gương mặt lì ơi là lì, gian ơi là gian và dễ ghét dễ sợ. Tôi đã ở với cái mặt gian này hơn hai chục năm rồi mà chưa điên cũng hay. Hay đã điên rồi mà tôi không biết?

Thanh Mai

Ý kiến bạn đọc
25/01/201219:57:19
Khách
Bài viết rất hay buồn vui, yêu hờn lẫn lộn. Can đảm hy sinh chịu đựng với chồng đến như vậy thì chỉ có gái Viêt Nam.
16/01/201217:55:46
Khách
" Người Điên " này giỏi ghê , Chắc có học qua " Bùa Ngải " và nhờ đó mới khiến " Người Tỉnh " gắn kết hơn hai chục năm được chớ !
13/01/201200:05:22
Khách
Ha! Ha! TM với ông xã hay đùa chọc nhau. Bài này viết để chọc chàng cho vui chứ mà mắng thật như vậy chàng bắt quỳ đấy.
11/01/201222:47:58
Khách
DỌC BÀI CỦA CÔ THẤY THÔNG CẢM VỚI NGƯỜI CÓ ÔNG XÂ HÚT THUỐC,NHƯNG DÙNG CHỮ GIAN MÀ NÓI VỚI CHỒNG THÌ CHỈ CÓ DÂN BA DÁ MỚI CHỈ TRÍCH CHỒNG MÌNH NHƯ VẬY,GÓP Ý VỚI CÔ MAI VẬY THÔI.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,203,377
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến