Hôm nay,  

Phép Lạ Đêm Chúa Giáng Sinh

14/12/201100:00:00(Xem: 127169)

Phép Lạ Đêm Chúa Giáng Sinh

Người viết:

Minh Đạo&Nguyễn Thạch Hãn

Bài số 3429-12-2889vb4121411

Tác giả là một cựu sĩ quan VNCH, hiện là cư dân Houston, đã góp nhiều bài giá trị và nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Bài viết mới nhất của ông là chuyện phép lạ cho một gia đình Việt trên đất Mỹ trong mùa giáng sinh.

***

Saigon vừa qua một cơn mưa rào ngắn ngủi, nhưng không khí vẫn còn oi ả, “Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu!”. Những cơn mưa bất chợt chẳng làm tươi mát thành phố chút nào, chỉ gây thêm vất vả cho những kẻ buôn thúng bán bưng và mấy người chạy xe hai bánh.

- Chị Đoan ơi, Ông xã chị bị xe tông nằm ngoài đường kìa, ra mau mà coi.

Chị Đoan hối hả dắt thằng nhỏ chạy ra ngoài đầu hẻm. Đám đông nghe tiếng người khóc vội dạt qua một bên, nhường chỗ cho chị len vào. Anh Đoan nằm bên vũng nước, bất động, đứa con gái đứng cạnh khóc mếu máo. Chị điếng hồn chẳng biết phải làm sao, vừa khóc vừa gọi anh:

- Anh ơi tỉnh dậy đi, đừng làm em sợ, tỉnh dậy đi anh, hu...hu.. hu...

Anh vẫn thoi thóp thở, nhưng không cục cựa được. Có tiếng một bác xich lô:

- Vực anh ấy dậy, tôi chở về nhà cho.

Hai người phụ với chị, khiêng anh lên xe. Có người phân bua:

- Tôi thấy anh ấy chở con nhỏ bằng xe đạp, đến ngã tư chiếc xe hơi tông vào ảnh tài xế ngừng lại một chút rồi chạy mất, chắc sợ bị bồi thường.

Người khác xen vô:

- Chắc mấy “Đại Gia” mới biết chạy xe hơi, chạy ẩu tông nhằm người ta.

Chiếc xe đạp vẫn nằm đó, bánh xe trước cong hẳn qua một bên, người hàng xóm dắt về giúp Chị.

“Có ai thấy số xe không?”, người khác hỏi.

“Chạy nhanh quá, làm sao thấy được”.

Mấy người phụ khiêng anh Đoan đặt trên chiếc chiếu trải giữa nhà. Ông Y Tá nhà ở gần đó chạy vào bắt mạch, banh mắt mở miệng nạn nhân coi một lúc rồi nói:

- Không sao đâu, ngày mai sẽ tỉnh dậy bình thường, ảnh chỉ bị thương chút xíu ở đầu thôi. Đừng chở đi nhà thương, thế nào cũng bị phạt tội “NGU” vì miệng có hơi mùi rượu.

Chị chẳng biết tội “NGU” là gì, nhưng cũng nghe lời ông Y Tá. Bây giờ ở thời “Giải Phóng” người ta đẻ ra nhiều thứ tội để đè đầu đè cổ dân đen, muốn ăn tiền hay bắt bỏ tù ai, cứ việc gán cho hắn một cái tội! Những thứ tội chưa từng có trong tiếng Việt trước đây. Buổi tối ba mẹ con, nằm dưới đất quây quần bên Anh.

*

Anh Đoan hiền lành, chơi Guitar điêu luyện và ca rất mùi!. Đó là năng khiếu Trời cho, Anh chỉ học hành nhạc lý sơ sài qua sách vở và bạn bè thôi. Có những bản nhạc anh chỉ nghe một vài lần, thế mà cũng mò ra nốt nhạc dễ dàng, ca đôi ba lượt là thành thạo ngay. Đôi khi rảnh rỗi lại đàn và ca nhè nhẹ những bản nhạc vàng ngày xưa cho Chị nghe. Anh thương yêu vợ con và chăm chỉ làm ăn, lại hay giúp đỡ người lối xóm. Nói chung, ai cũng quý mến anh. Chị Đoan, mẹ mất sớm, cha đi tù cải tạo, học hành dở dang bậc trung hoc. Chị chẳng biết làm gì để sống và thăm nuôi cha. Đồ đạc trong nhà cứ bán dần, cho đến một ngày, chị gặp anh trong chợ. Anh cũng độc thân, trai mới lớn, hai người quyết định lấy nhau, dựa nhau mà sống. Anh Đoan, cha mẹ mất sớm, nhờ bà chị nuôi nấng từ nhỏ. Anh còn người anh ở bên Úc và người chị vẫn ở Saigon. Hai kẻ mồ côi đơn độc dễ dàng thông cảm và gần gũi nhau. Ngày đám cưới, bà chị làm một tiệc nhỏ tại nhà đãi bà con lối xóm, cũng gọi là tươm tất. Sống với nhau được hơn một năm, chị đẻ đứa con gái lớn. Cảnh nhà túng quẫn, Chị phải ở nhà trông con nên không có tiền đi thăm nuôi cha. Anh bàn với Chị bán căn nhà của cha để lại, mua căn nhà nhỏ trong xóm lao động, còn dư tiền mua vài chỉ vàng phòng thân, còn lại lấy vốn làm ăn và đi thăm nuôi cha. Từ đó gia đình anh Đoan dọn vế xóm lao động trong con đường hẻm chật hẹp lầy lội này. Dân trong xóm làm đủ thứ nghề, buôn thúng bán bưng, chạy xích lô, ba gác, khuân vác, thợ nề, thợ mộc, v…v không thiếu thứ gì! Lại có cả những người trở về từ vùng kinh tế mới, che đỡ vài miếng vải ny-lông làm chỗ chui ra chui vào. Về đây chẳng bao lâu anh chị có thêm thằng con thứ hai. Sáng sớm, anh đạp xe chở theo đứa con gái, đi mua đồ, đồng thời mua một ít trái cây cho chị mang ra sạp gỗ đầu hẻm bán cùng với nồi xôi bắp. Nếu có ai mướn làm thêm việc gì anh đều nhận ngay. Kể ra cũng đủ sống, thỉnh thoảng lại gom góp mua chút quà đi thăm cha già. Ngày qua ngày, ai dè xảy ra vụ đụng xe bất nhơn này.

*

Sáng hôm sau, Anh vẫn mê man bất tỉnh, bà con lối xóm hối Chị chở anh vô nhà thương. Cả ngày hôm đó, Chị ngồi ngoài hành lang chờ đợi. Mấy người thăm nuôi bịnh dặn Chị phải chuẩn bị tiền và đợi, người ta sẽ gọi lãnh xác hay đóng tiền. Nếu may ra Anh không chết, thì phải có tiền đóng lệ phí nhà thương và “chi” cho Bác Sĩ, Y Tá, và Y công dọn dẹp. Nếu không chỉ có nằm đó chờ chết dần thôi. Tiền phải cất cho kỹ kẻo tối ngủ chúng lắt mất hết. Chị vội về nhà gom hơn chỉ vàng, mang ra chợ bán. Buổi tối, ba mẹ con nằm ngủ ngay hàng hiên bệnh viện chung với mấy người thăm nuôi khác.

Y Tá gọi chị Đoan đóng tiền để Anh được chữa trị. Anh hôn mê hơn một tháng mới tỉnh dậy, chân trái và tay trái vẫn bị tê liệt. Người ta hỏi tên tuổi anh là gì, anh ú ớ chẳng biết trả lời ra sao, hỏi địa chỉ nhà ở đâu anh cũng không biết, lại chỉ vào chị hỏi có biết ai đây không, anh cũng chẳng biết chị là ai. Chị bèn chỉ vào chiếc nhẫn cưới đang đeo trên tay anh nói:” Anh là ông xã của em, nhớ không?” Anh chẳng biết “Ông X㔠nghĩa là gì, chỉ nhìn Chị ngơ ngác. Mọi người đều kết luận anh mất trí nhớ hoàn toàn. Mỗi lần di chuyển phải khiêng Anh lên xe lăn, nằm thêm vài tuần nữa, người ta chuyển anh lên lầu ba bệnh viện Chợ Rãy, nơi dành riêng cho bệnh nhân tâm thần. Cuối cùng Bác Sĩ cho chị biết họ cũng không làm gì thêm được, khuyên chị nên chuyển Anh qua bệnh viện quân đội, Bác Sĩ sẽ làm thủ tục giới thiệu.

Từ khi qua bênh viện Quân Đội, mỗi ngày Anh được châm cứu chung quanh mắt phải. Anh vẫn tỉnh nhưng không tự làm vệ sinh cho mình được, Chị phải giúp đỡ Anh, như thay quần áo hoặc khiêng anh lên xe di chuyển đến phòng “Vật Lý Trị Liệu”. Ở đây anh nằm chung với những người bệnh tâm thần, Chị vẫn luôn túc trực cả đêm lẫn ngày để hầu hạ anh bởi vì Anh không tự kiểm soát được vấn đề vệ sinh cá nhân như đi tiêu đi tiểu. Anh luôn đi ngay trên giường như một đứa trẻ sơ sinh. Thỉnh thoảng lại đập đầu vào thành giường binh binh. Chị sợ Anh không chết vì bệnh gì khác hơn là bị bể đầu. Đôi khi thấy bịnh nhân khác la khóc Anh cũng la khóc theo. Chị cố nén tiếng khóc và sự sợ hãi để được gần bên Anh. Phải có một tình thương bao la vô bờ bến mới có thể chịu đựng được bao nhiêu nhọc nhăn, khổ cực trong lúc chăm sóc cho Anh. Chăm sóc một đứa con nít còn dễ hơn chăm sóc cho anh rất nhiều.

Một đêm, không biết anh xoay xở ra sao mà té xuống đất, bỗng nhiên như một phép lạ, chân tay Anh cử động được như thường, từ đó anh có thể tự lo được vấn đề vê sinh cá nhân, nhưng đầu óc anh vẫn là của đứa bé 2, 3 tuổi. Anh nghịch ngợm và vô tư như một thằng ranh con. Đôi khi Anh cởi hết quần áo và chạy lông nhông khắp cả phòng bệnh nhân. Lúc nửa đêm chợt phá lên cười vang cả phòng. Có đêm Anh đứng trên giường vạch chim tè vào mình chị đang ngủ dưới đất rồi cười vang rất nghich ngợm. Anh “quậy” quá nhà thương đành phải cho Anh xuất viện.

Ra khỏi bệnh viện, anh nhìn cái gì cũng thấy lạ, như chưa từng thấy bao giờ trên cõi đời này. Về tới nhà bà con hàng xóm lại thăm, Anh ngơ ngác chẳng biết ai là ai, Anh không nhận ra cả hai đứa con của mình. Thấy đông người quá, Anh sợ quá khóc tu tu như một đứa trẻ con, mọi người đều cười, nhìn Chị ái ngại. Ba mẹ con luôn thay phiên nhau để canh chừng Anh, không cho ra khỏi nhà. Thấy Anh ngu ngơ, thằng con trai vỗ tay vui mừng:” Từ nay Ba không đánh đòn và bắt con đi học nữa, vui quá!”. Anh nhìn Chị như một đứa trẻ con nhìn mẹ, chẳng có cảm giác gì về tình nghĩa yêu thương vợ chồng.

Chị luôn luôn săn sóc và vỗ về Anh, khiến Anh an tâm và thoải mái hơn trong căn nhà xa lạ của gia đình, nơi mà vợ chồng Anh đã từng sống những ngày vất vả nhưng đầm ấm bên nhau với hai đứa con thơ dại mà Anh luôn yêu thương nồng nàn.

Mỗi sáng chị thức sớm gánh một bên nồi xôi bắp, bên kia mớ trái cây gọt sẵn đi cùng khắp phố phường để bán cho đám dân lao động. Đầu óc Anh hình như cũng khá hơn một chút theo tuổi đời, nhưng cũng vẫn là trí khôn của một đứa trẻ khù khờ. Đồ đạc trong nhà lại được bán dần đi để phụ vào tiền ăn. Anh còn một cây đàn guitar, lúc chưa bị bịnh, vẫn hay đờn cho chị nghe, Nhờ cây đàn ấy mà Anh “cua” được Chị! Chị do dự mãi rồi quyết định giữ lại, không bán, đó là một “bảo vật” không thể mất được, biết đâu một ngày nào đó hết bịnh anh sẽ lại đàn cho chị nghe những bản nhạc ngày xưa mà chị từng say mê, Chị nhủ thầm như thế. Thỉnh thoảng chị lại che mặt khóc thầm, không dám cho ai thấy, kể cả Anh và hai đứa con của Chị. Từ nay Chị phải bôn ba một mình, bước thấp bước cao trên con đường đời gập ghềnh, cái điểm tựa vững chắc của Chị đã không còn nữa. 

Một hôm Chị vừa về đến nhà Anh chay ra khoe:

- Hôm nay tôi khôn lắm rồi nghe bà!

- Khôn làm sao anh kể em nghe coi.

- Tôi bán hết mấy cái dưới rồi.

Chị ngạc nhiên không hiểu bán mấy cái dưới nghĩa là làm sao? Anh dẫn Chị vào bếp, chỉ vào sóng chén, thì ra Anh đã bán hết mấy cái nồi nấu ăn chỉ còn vung thôi. Chị bảo Anh ra đứng ngoài đầu hẻm, bán cho người nào thì đòi lại. Anh ra đứng một lúc rồi trở về nhà bảo Chị:

- Tôi dòm mãi mà chẳng biết ai cả, người nào cũng giống nhau.

- Thế người đó ra sao?

- Thì người nào cũng để trên vai.

Ý Anh muốn nói mấy người đi mua ve chai đều có quang gánh trên vai hết. Chị nhìn nét mặt Anh “ngây thơ vô tội” nên không đành lòng, nên phải đi qua hàng xóm mượn nồi nấu ăn. Ngồi nấu cơm mà trong lòng ngổn ngang trăm mối, chẳng biết than thở cùng ai, nước mắt lại trào ra. Đứa con gái nhỏ chạy vào bếp phụ chị, thấy mẹ khóc nên hỏi làm sao Chị khóc vậy. Chị nói dối nó là khói trong bếp làm cay mắt vậy thôi. Buổi tối, Chị đi ngang hai đứa nhỏ đang rù rì ngoài hè, nghe con bé lớn nói:”Tao thấy mẹ khóc nè”, thằng nhỏ bèn hỏi lại:”Thế chị có dỗ mẹ không?”. Chị nghe chúng nói với nhau như vậy cũng bật cười và quên hết muộn phiền. Hai đứa con là nguồn an ủi duy nhất, là động lực tiếp sức cho Chị buôn ba trên đường đời.

Ông Hai, ba của chị, trở về từ trại tù cải tạo. Ông được đi Mỹ theo diện HO. Chị đã có gia đình nên phải chờ đợi đi sau. Thỉnh thoảng Ông gởi quà hay tiền về nên đời sống gia đình đỡ vất vả rất nhiều. Đứa con gái Chị học hành cũng khá, giúp mẹ trông coi dọn dẹp nhà cửa ngoài giờ học. Đứa con trai học hành có chậm trễ chút đỉnh nhưng cũng không đến nỗi gì.

Nhân dịp Ông Hai mới gởi tiền về, chị đi mua ngay cái nồi cơm điện. Mấy mẹ con lần mò học nấu cơm, được vài lần cả nhà đều thành thạo, Anh cũng dòm theo có vẻ thích chí lắm. Một bữa Chị đi bán hàng về, thấy Anh đứng trước nhà, mặt mày hớt hải nói với chị:

- Hôm nay có ai trù ẻo tôi hay sao ấy! Có cái mùi gì kỳ lạ lắm cơ!

Chị vội vào nhà thấy nồi cơm điện bốc khói cháy đen thui đầy nhà. Anh đã nấu cơm mà quên đổ nước, lại biết lấy cây đũa nhét vào cái nút điện để cho nó không bật lên được. Chị giận quá mới la anh:

- Anh nấu cơm cái kiểu gì vậy?

- Cũng nấu bình thường thôi.

- Anh phá quá, hư cái nồi nấu cơm rồi, hôm nay không cho anh ăn cơm nữa.

Anh trả lời rất vô tư:

- Nhịn cũng được, chỉ sợ đói bụng thôi.

Nghe Anh nói vậy chị không nín cười được, đành phải tha lỗi cho Anh.

Một hôm có người bạn cũ ghé thăm, anh bạn nói với chị:

- Hôm nay ảnh làm tôi quê quá chị ơi.

Chị tò mò hỏi:

- Ảnh làm gì mà anh quê? 

- Tôi đang đi xe ôm ngang qua đây thì anh ngoắc lại, tưởng có chuyện gì khẩn cấp, ai dè ảnh nói sao lâu quá hổng cho ảnh thuốc hút. Tôi phải dẫn ảnh lại hàng thuốc lá lẻ, móc trong bóp không đủ tiền. Ảnh biết ý nói:”Không cần con mèo đâu, anh cho tôi con Ngựa cũng được.”. Trời ơi, ảnh cũng biết giá cả lắm nghe, thuốc lá con ngựa rẻ hơn thuốc con mèo nhiều. Cho mấy điếu thuốc con ngựa, Ảnh cám ơn tôi rồi hẹn mai mốt gặp lại.

Chị Đoan nghe mắc cỡ muốn chết, nhưng không dám la Anh, tội nghiệp!

Một lần khác có người bà con lại thăm, mời Anh hút thuốc rồi lịch sự để bao thuốc lá trên bàn, lúc ra về Ông cất bao thuốc vào túi. Anh vội nói:

- Người ta để cho tôi luôn mà sao ông lại mang về.

Chị Đoàn phải xin lỗi người bà con đó, xin ông đừng để ý vì Anh không bình thường, nhưng ông khách cũng ngượng ngùng để lại bao thuốc cho Anh.

Buổi chiều đi bán hàng về, ngang qua quầy bán thuốc lá lẻ gần nhà, bà bán thuốc kêu chị lại:

- Ai bảo cái thằng Đoan dại, nó khôn lắm đấy, mày biết không, nó lại đây mua thuốc lá lẻ, tao nói đưa cho tao 2000 tao bán cho 3 điếu. Nó đưa tao 1000, tao đưa nó 1 điếu. Ngày hôm sau nó lại đưa cho tao 1000 nữa, nhất định đòi cho được 2 điếu. Tao nói 1000 chỉ có một điếu thôi. Nó cãi, hôm trước nó đã đưa cho tao 1000 rồi mà. Tao cũng chịu thua nó luôn.

Phía sau nhà, chị Đoan có trồng một vườn rau nhỏ, dặn anh mỗi ngày nhớ tưới rau. Mấy ngày chẳng thấy anh tưới, chị hỏi “Sao Anh không tưới?”

Anh trả lời:

- Tưới ngày chẵn thôi, ngày lẻ không tưới.

- Thế hôm nay ngày gì?

- Không biết.

Chị chỉ cười trừ, nhớ khi xưa lúc anh chưa bị bịnh, Anh vẫn giành làm hết công việc nặng nhọc cho Chị. Chị thương yêu Anh như những ngày mới gặp nhau, khi Chị còn bơ vơ không nơi nương tựa. Chị nhủ thầm hãy sống với Anh cho “hết lòng” Trời Phật sẽ “độ” gia đình Chị.

Chị Đoan có người cháu bà con từ quê lên trọ học, Chị vẫn nấu cơm cho cháu ăn chung. Hôm thi mãn khóa cháu về trễ nên cả nhà ăn cơm trước, Anh buột miệng hỏi:

- Bà này thần kinh hả, sao không chờ “chồng” về ăn.

Chị ngỡ ngàng tưởng Anh chọc quê Chị, nhưng nhìn vẻ mặt Anh thấy rất tự nhiên, bèn hỏi lại:

- Ai là “chồng” em?

- Thằng Dũng ấy.

- Thế Anh là gì của em?

Anh Vừa chỉ tay vào chiếc nhẫn trả lời rất ngây ngô:

- Tui là ông xã, này ông xã có nhẫn cưới đàng hoàng nè.

Rồi cứ thế Anh đi nói tùm lum với hàng xóm, đến tai bà chi dâu. Bà chị đến chơi tò mò hỏi:

- Tôi nghe người ta nói

Chị Đoan biết ngay bà chị muốn nói gì:

- Chị nghe người ta nói em có chồng khác phải không? Tại miệng ảnh nói bậy bạ đó mà, ảnh kêu thằng cháu ở dưới quê lên trọ học là chồng của em, vừa tức vừa buồn cười. Không tin chị cứ hỏi ảnh mà xem.

- Chị thấy cũng không công bằng cho thím, tuổi còn trẻ mà phải gách vác người bệnh tật như chú ấy. Hay là để chị mang chú ấy về nhà chăm xóc. Thím cứ tự nhiên

Chị Đoan rớm nước mắt, nắm tay bà chị:

- Chị thông cảm cho em như vậy, em rất cám ơn. Nhưng mà vợ chồng lấy nhau, lúc vui vẻ cũng như lúc hoạn nạn phải nương tựa lẫn nhau, huống hồ em thương ảnh không hết mà, ảnh đâu có làm lỗi gì với em. Lúc ảnh còn khỏe mạnh, ảnh vẫn luôn luôn săn sóc, chiều chuộng em, chúng em nghèo thật nhưng sống với nhau đầy hạnh phúc. Đôi khi em cũng buồn một chút rồi thôi, nhìn mặt ảnh ngây thơ vô tội như một đứa con nít, miệng thì nói nhưng trong đầu chẳng có suy nghĩ gì cả.

Bà chị an ủi:

- Anh chị thương thím, muốn chia sẻ bớt nhọc nhằn cho thím vậy thôi, chứ không có ý gì khác.

- Em cám ơn anh chị, nhưng em nguyện sẽ lo cho ảnh suốt đời, mấy đứa nhỏ nhà em cũng thương ảnh lắm, ngoài giờ học chúng giúp em chăm sóc ảnh.

Nhờ tiền của Ông Hai gởi về, chị đỡ vất vả nhiều lắm. Đời chị đã mang số con cò lặn lội bờ ao nên chẳng có gì than van, mong cho hai đứa con chóng lớn, ngoan ngoãn nên người hữu dụng, là chị hạnh phúc lắm rồi.

Tới ngày cả gia đình chị được gọi làm thủ tục đi Mỹ. Bà chị dâu sợ chị Đoan mang Anh qua Mỹ rồi bỏ bê nên đề nghị để anh lại Việt Nam, nhưng chị không chịu.

Lúc ra đi, Anh nhất định mang theo cây đàn guitar, lúc nào cũng ôm khư khư trong lòng chỉ sợ ai lấy mất.

Chị Đoan qua Mỹ ở chung nhà với ông Hai, nơi ngoại ô thành phố Lincoln thuộc tiểu bang Nebraska. Ông Hai làm việc trong ban bảo trì của một trường tiểu học gần nhà, chị Đoan được người đồng hương dẫn vào làm hãng sản xuất thịt hộp, hai đứa con tiếp tục đi học. Đời sống kể ra cũng tạm yên ổn. Có người chỉ cách chữa được bịnh cho Anh, dùng phương pháp “Phản Xạ Thần Kinh”, nghĩa là kích thích những sợi dây thần kinh trên đầu và cổ, bằng phương pháp xoa bóp. Anh có vẻ khá dần ra, những chuyện xưa đôi khi cũng nhớ lõm bõm, thỉnh thoảng lại khẩy đàn guitar “từng tưng” một mình và ca nghêu ngao vu vơ! Ít lâu sau, Ông Hai quyết định tiến thêm bước nữa, lập gia đình mới, nhân cơ hội đó anh chị Đoan xin dọn ra ở riêng trong một khu chung cư cũng gần đó.

Anh ở nhà một mình cả ngày chỉ coi TV và nghe nhạc cho hết giờ. Đầu anh giống như một tờ giấy trắng, những hoạt cảnh trên TV bây giờ đã vẽ đầy trên trang giấy đó. Anh có thể nghe và hiểu được tiếng Anh. Đôi khi Anh có thể nói được cả những lời đối thoại của mấy phim cũ chiếu đi chiếu lại trên TV hay những quảng cáo chạy hàng ngày. Đặc biệt Anh rất mê những phim hoạt họa cho con nít. Anh giống như những cao thủ võ lâm trong mấy truyện chưởng, sau khi bị đánh trọng thương rơi xuống vực thẳm, mất hết võ công may gặp được Cao Nhân chỉ điềm trở thành thiên hạ vô địch! Đó là các nhân vật tưởng tượng của Kim Dung. Anh Đoan là nhân vật có thật bằng xương bằng thịt ở ngoài đời và chiếc TV đúng là vị thầy chỉ dạy cho Anh.

Một hôm đi làm về, Chị ngạc nhiên thấy Anh đang đứng nói chuyện với ông bà già Mỹ hàng sóm rất hăng say vui vẻ. Chị không ngờ anh lại nói được tiếng Anh lưu loát tự nhiên như vậy. Chị hỏi có phải ông già hàng xóm dạy cho Anh phải không, Anh trả lời là học trên TV thôi, nhưng ngày nào cũng qua chơi với ông bà già để tập nói tiếng Anh. Ông già giới thiệu anh đi học Anh văn buổi tối ở nhà thờ Lutheran. Lớp học miễn phí cho những người di dân như Mễ, Phi Châu, Đông Âu, VN Anh học rất mau lẹ, như những đứa trẻ con VN lớn lên ở bên Mỹ. Thày giáo là một bà già Mỹ hồi hưu, bà từng là giáo sư âm nhạc của trường Đại Học University of Nebraska Omaha. Bà cũng là trưởng ca đoàn của nhà thờ Lutheran. Bà Batch, vị thày dạy Anh Văn cho Anh, giáng người to lớn mập mạp nhưng có giọng ca cao vút và rất mạnh mẽ. Thấy Anh Đoan khỏe mạnh và chăm chỉ thực thà nên Bà giới thiệu cho Anh làm việc trong ban bảo trì của nhà thờ. Công việc cũng chẳng khó khăn gì, chỉ là cắt cỏ chung quanh nhà thờ, quét dọn và sửa chữa lặt vặt. Đôi khi giúp các hội đoàn trang trí trong những ngày lễ lớn.

Chồng Bà Batch là cựu Đại Úy phi công đã mất tích trên chiến trường VN ngày xưa. Chiếc máy bay chiến đấu F4C, do ông lái, rơi giữa rừng già cao nguyên, người ta không tìm được xác phi công, cho nên chỉ ghi là mất tích. Thực sự ai cũng biết là Ông đã chết rồi. Ông là một trong số hơn 1300 quân nhân có tên trên bức tường đá đen ở Washington D.C. còn ghi là MIA/POW. Bà vẫn mòn mỏi chờ trông có một ngày nào đó Ông sẽ trở về với Bà, nhưng phép lạ chẳng hề xảy ra. Bà luôn cảm thấy có sợi dây vô hình ràng buộc tâm hồn Bà với xứ sở VN xa xôi đó. Từ ngày Ông mất, Bà Batch vẫn ở vậy dù lúc đó bà còn rất trẻ lại chẳng có con cái gì. Mặc cho ai phản bác cuộc chiến VN là “Vietnam Syndrome” hay những cựu chiến binh VN là “Baby Killer”, Bà vẫn nghĩ ông Bob chồng Bà đã chiến đấu cho một lý tưởng cao cả, một NOBLE CAUSE giúp miền nam VN chống lại làn sóng đỏ CS đang lan tràn qua vùng Đông Nam Á. Ông đã không làm tròn được ý nguyện, nên trong sâu thẳm trái tim Bà vẫn muốn làm một cái gì đó để đền bù lại cho Ông. Có lẽ trên nước Trời cao thẳm kia, Ông vẫn mỉm cười dang tay đợi Bà. Nhiều đêm nằm trằn trọc trên chiếc giường rộng thênh thang, nỗi cô đơn từ đâu kéo về đầy ắp trong tim, Bà lại nhớ Ông vô vàn vội tìm ly rượu mạnh giải sầu. Ai đó từng nói “Người say không biết buồn”, đối với Bà ly rượu nồng chẳng ngăn được giòng nước mắt lăn hoài trên gối. Nỗi đau đớn buồn phiền trong trái tim đã hành hạ thể xác Bà không it, có lúc Bà đã phải dùng thuốc ngủ mỗi đêm, nhưng vẫn không sao quên được nỗi nhớ nhung khi màn đêm kéo xuống. Bà phải tìm những việc thiện nguyện để bù lấp những khoảng trống khủng khiếp của cuộc đời. Làm việc để quên đời và quên mình!. Tiền bạc vật chất không thiếu thốn, nhưng cái Bà không có và hằng ao ước là một gia đình ấm cúng cho riêng Bà. Đã nhiều lần bà làm thủ tục xin con nuôi nhưng không thành công. Chiến tranh thật tàn nhẫn, những thiệt hại không chỉ là những người lính đã bỏ xác trên chiến trường mà còn là những người vợ mang nỗi quạnh hưu, đau đớn trong tim suốt đời! Ôi biết bao nhiêu thảm kịch đã sảy ra cho những quả phụ trong thời chinh chiến!

Bà Batch rất quý mến và thương yêu Anh Đoan như con ruột của Bà. Gặp gia đình Anh, Bà như người chết đuối vớ được cái phao, hay đúng ra Bà đã tìm được một lý do để sống nốt cuộc đời còn lại cho có ý nghĩa và luôn luôn bận bịu với những toan tính tương lai cho gia đình Anh. Bà đã tìm lại được những nụ cười từ nơi sắp nhỏ, tìm được giấc ngủ ngon với đầy mộng đẹp, không phải cho Bà mà cho gia đình Anh Đoan. Những ngày rảnh rỗi Bà dạy thêm cho Anh tập ca và chơi đàn piano. Hàng ngày Bà vẫn đón đưa Anh đi làm hoặc tham gia công tác thiện nguyện trong nhà thờ. Bà vận động nhà thờ mua tặng anh một chiếc xe cũ, rồi dạy anh lái xe cho đến khi thi đậu bằng lái.

Từ ngày Anh đi làm có chút tiền lương mang về, gia đình càng thêm đầm ấm và thoải mái. Bà Batch tuần nào cũng lại thăm gia đình, đôi khi mang tặng quần áo hay những đồ đạc quyên góp được từ nhà thờ, hay dúi vào tay hai đứa nhỏ một chút tiền tiêu vặt. Bà chỉ chờ những dịp lễ lạc để có cớ mua quà tặng cho gia đình Anh. Mỗi khi mấy đứa nhỏ bịnh tật, Bà lại chở đi khám Bác Sĩ hay nhà thương. Bà đại diện Anh liên lạc với Thày cô trong trường mỗi khi hai đứa bé có vấn đề với trường học. Bà tự nhận là Bà Nội của chúng. Cuối tuần Bà chở cả gia đình Anh về nhà chơi bày biện ăn uống theo lối Mỹ, còn chị Đoan cũng nấu đồ ăn VN đãi Bà. Bà mê nhất món chả giò và nem cuốn, còn phở bao giờ cũng húp hết nước vẫn chưa đã thèm!. Chưa đến ngày cuối tuần Bà đã lo hỏi thăm rối rít mấy đứa nhỏ muốn ăn gì để Bà nấu sẵn. Đôi khi dẫn hai đứa nhỏ đi picnic, sở thú, hoặc coi các trận đấu thể thao, mục đích cho Anh Chị có thời giờ thong thả. Thấy hai đứa nhỏ học hành giỏi giang, Bà đã âm thầm lập riêng “quỹ đại học” để chúng có đủ tiền học hết 4 năm Đại Học.

Và lúc kinh tế khó khăn, hãng đóng thịt hộp làm ăn ế ẩm, chị Đoan bị cho nghỉ việc. Với đồng lương it ỏi của Anh, gia đình cũng khó trang trải đủ hết chi phí. Đang lúc khốn khó không biết soay sở ra sao thi bà Batch thuyết phục vợ chồng anh Đoan dọn về ở chung với Bà, cả hai cùng có lợi, anh chị Đoan đỡ được tiền nhà, còn Bà đỡ được tiền mua thuốc ngủ! Bởi vì cả nhà mỗi tối đều ăn cơm chung quây quần bên nhau rất ấm cúng. Hai đứa nhỏ luôn quấn quit bên Bà, chúng chưa từng có Bà Nội, Bà ngoại nào trong đời cho đến hôm nay. Bà đã cai hẳn được hai bịnh “ghiền”, ghiền rượu và ghiền thuốc ngủ!

Tuy thương yêu và tận tình giúp đỡ gia đình Anh nhưng Bà chưa hề mời gia đình đi dự lễ nhà thờ bao giờ cho đến một hôm, đó là vào dịp lễ Chúa Giáng Sanh. Mấy tuần trước ngày lễ, Bà xin cho anh được tạm nghỉ làm để chuyên chú vào việc tập hát và đánh đàn với ban nhạc nhà thờ. Anh được đề cử làm lead singer cho ca đoàn trong buổi lễ nửa đêm Giáng Sanh.

Sau những chuẩn bị vất vả, chuyên cần, Ngày lễ Chúa Giáng Sanh cũng tới. Bà Batch dẫn cả gia đình anh lên ngồi hàng ghế đặc biệt gần ca đoàn, rồi giới thiệu trước cộng đoàn:

“Hôm nay chúng ta hân hoan cử hành lễ Chúa Giáng Sanh và đặc biệt đón nhận một gia đình tị nạn từ ViệtNam. Don là con đỡ đầu của tôi và ca đoàn sẽ hợp ca với chúng ta trong thánh lễ đêm nay. Don cũng sẽ cống hiến quý vi một bản thanh ca VN. Xin Chúa nhân từ chúc lành cho gia đình Don và toàn thể quý vi.”

Tiếng vỗ tay ran cả nhà thờ.

Ca đoàn trình diễn đủ loại nhạc Giáng Sanh từ những bản classic như “Do you hear what I hear, Here comes Santa Claus, Jingle Bells, Let It Snow, O Holy Night, Silent Night…” đến những bản nhạc Pop tân thời như “Have yourself a Mery Little Christmas, Joy To The World, Hey Santa ”. Anh Đoan luôn chứng tỏ là một lead vocalist có giọng ca mạnh mẽ và truyền cảm. Cuối cùng trước khi tan lễ anh xin được hát bài thanh ca VietNam truyền thống “Đêm Đông Lạnh Lẽo Chúa Sinh Ra Đời”.

Cả nhà thờ nhộn nhịp và hân hoan vô cùng, buổi lễ rất sinh động chưa từng có. Mọi người đều đứng dậy vỗ tay tán thưởng rất lâu. Lễ xong, rất nhiều người lại bắt tay và chúc mừng gia đình Anh Đoan đã đến với cộng đoàn và với Chúa nhân từ.

Anh Đoan ôm hôn bà Batch và thì thầm bên tai Bà “Từ nay mãi mãi con là con của Mẹ.”

Bà Batch đôi mắt đỏ hoe nói:”Cám ơn Thiên Chúa đã cho Mẹ một đứa con ngoan và một gia đình hạnh phúc.”

Hôm nay, người mừng nhất có lẽ là Bà Batch và chị Đoan. Bà đã tìm thấy niềm vui sau những tháng ngày dài cô đơn và trông chờ người chồng không bao giờ trở về từ chiến trường. Bà đã có một gia đình yêu thương và đầm ấm cho riêng Bà. Từ nay những ngày lễ Thanksgiving và Christmas Bà cũng có những đứa con, đứa cháu quây quần bên bàn ăn như tất cả các gia đình khác. Bà cũng sẽ được đoàn tụ cùng con cháu bên cây Giáng Sanh để mở quà, và nhất là được nhìn thấy những ánh mắt vui mừng trìu mến, được đón nhận những nụ hôn nồng ấm đầy tình thương yêu. Những lúc trái gió trở trời Bà cũng có con cháu túc trực bên cạnh ân cần hỏi han săn sóc. Bà cũng sẽ có những ngày “ Birth Day” hân hoan mà Bà đã quên mất từ lâu.

Còn chị Đoan, thật sự phép lạ đã sảy ra đêm Chúa Giáng Sanh. Chị đã tìm lại được người chồng mất tích đã lâu. Người chồng đi khỏi đời chị từ hôm anh Đoan bị tai nạn xe hơi ở Saigon, nay đã trở về với chị với gia đình thương yêu đầm ấm. Mùa đông năm nay thật là ấm cúng, mặc dầu tuyết giăng ngập trời đêm NOEL. Những hàng cây bên đường phủ đầy tuyết trắng xóa, trong không gian yên lặng bỗng nghe tiếng ca thanh thót:

“God I know you're listening

And you can hear

The need of every broken heart

And all their tears

I don't have a lot to offer

Just this one simple prayer

That this Christmas everyone would know

Somebody cares…”

Lời cuối:

Cám ơn chị B. đã kể câu chuyện này và cho phép chúng tôi viết lên đây để cống hiến quý vị độc giả. Cầu chúc Chị và gia đình luôn tìm thấy hạnh phúc trong tầm tay.

Minh Đạo-Nguyễn Thạch Hãn

Ý kiến bạn đọc
29/03/201918:11:59
Khách
Truyện đã nêu cao được tình nghĩa cao đẹp, đức tính hy sinh cho nhau của những cặp vợ chồng Việt Nam, lồng trong tình thương bao la dạt dào của một người Mẹ Hoa Kỳ. Kết thúc có hậu của câu chuyện mang lại niềm vui nhẹ nhàng, lưu lại sự hân hoan trong tim người đọc.
23/11/201702:01:27
Khách
Đọc thấy thương quá. Nghe như chuyện thần tiên!
07/01/201221:35:08
Khách
Cám ơn ThuyLe.
Chi Đoancó lẽ là một trong số những người Vợ Hiền còn sót lại từ những thế kỷ trước.
Chị thật là người vợ đảm đang.
Thạch-Hãn
06/01/201221:39:47
Khách
Mot cau chuyen qua suc cam dong. Mot nguoi vo that dung nghia vo hien. Doi nay de gi tim duoc nhung nguoi vo nhu the nay?
Cam on tac gia da ghi lai mot cau chuyen that cam dong!
17/12/201102:45:46
Khách
Cám ơn "Guest" đã thưởng thức bài viết của chúng tôi.
14/12/201107:42:47
Khách
Câu chuyện cảm động, đầy tình người. Cám ơn tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,759,235
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả tên thật Trần Thị Hậu. trước 1975 học ở Trưng Vương, Văn Khoa, từng tham gia viết bài cho các Đặc San của trường, các báo Thiếu Nhi, Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Tác giả đã dạy Anh Văn ở Cao Đẳng Sư Phạm quê nhà. Từng giảng dạy Việt ngữ tại Học Viện Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng. Hiện đang giảng dạy Việt ngữ tại Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside).
Đây là một chuyện ma có thật trong khu mộ dành cho người gốc Việt, người Nhật, người Tầu tại một nghĩa trang ở Honolulu, Hawaii, nơi có bản sao kiến trúc đền Byodo-In nổi tiếng của Nhật Bản.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California,
Từ San Jose, tôi đón xe đò Hoàng xuôi Nam. Từ hôm cùng với mấy đứa con của Hà bí mật bàn tính chuyện tổ chức buổi lễ sinh nhật thứ 60 cho Hà ở San Diego, tôi rất nôn nóng chuẩn bị cho chuyến đi này.
Tác giả là một chuyên gia từng làm việc tại nhiều vùng tại Hoa Kỳ. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Hoa Phượng Florida,” và “Hoa Xoan Bên Thềm Cu.”
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC, Phi Luật Tân, gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Nhạc sĩ Cung Tiến