Hôm nay,  

Tâm Bệnh

04/12/201100:00:00(Xem: 316130)

Tâm Bệnh

Tác giả: Phạm Hoàng Chương
Bài số 3420-12-2880vb8120411 

Tác giả đã nhận Giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009, Là một nhà giáo vui vẻ mà nghiêm túc, cĩ hồi ơng từng bị bà con đồng hương bắt làm Chủ Tịch Hội Ái Hữu Ninh Thuận. Ơng chủ tịch và ơng thầy nay về hưu, an cư tại Riverside, Nam Cali. Sau đây là bài viết mới nhất của ơng.

***

Tôi có duyên với đạo Phật từ lúc còn rất nhỏ. Trong nhà có nhiều sách truyện kể về tiền thân đức Phật,khi làm con nai lê mình tới miệng cọp mẹ nuôi con sắp chết đói , khi làm con thỏ nhảy vào đống lửa hy sinh…Lớn lên đọc Kinh Hiền Ngu, Địa Tạng,Lăng nghiêm… nghe kinh nào hay, tìm tòi mua thỉnh về đọc cho kỳ được, Pháp Hoa, Kim Cang, Viên Giác… Thấy mẹ hay đi chùa, tụng kinh, bố thí, phóng sanh , mà không rành nhiều về nghĩa lý huyền diệu của Đạo, bèn bỏ công tóm lược hết cốt tủy của đạo trong một cuốn vở ,để lại cho bà nghiền ngẫm trước khi bỏ nước đi vượt biên. Trong những cuốn kinh Đại thừa đó, có một Kinh do cư sĩ giảng nhưng lại dành cho hạng bồ tát trình độ cao là Duy ma Cật, trong chứa nhiều câu nói khó hiểu. Kinh ghi chuyện trưởng giả Duy ma Cật( một cư sĩ tại gia có biện tài vô ngại) một hôm lâm bệnh nặng, Phật sai các đệ tử lớn tới thăm. Các đại đệ tử hỏi vì sao ông bệnh. Trưởng giả đáp,”Tôi bệnh vì chúng sinh bệnh”. Thoạt nghe như câu nói đùa, hay một cách chơi chữ hóc búa làm lúng túng các đệ tử, nhưng nghĩ kỹ lại, chính đó là một trong những giáo lý căn bản của đạo Phật: Tâm đại bi.
Có ai làm cha mẹ, gặp cảnh con cái bại não, tê liệt, ung thư, mù lòa câm điếc,đau ốm thập tử nhất sinh, mới hiểu thấm thía câu nói này. Hay có con cờ bạc rượu chè, hút xách hư hỏng lang thang, thất nghiệp lêu bêu, trộm cắp giết người, vướng vòng lao lý khổ sai, mới hiểu lòng cha mẹ thương con bao la đến đâu. Cha mẹ ví như bồ tát trong nhà. Phật nói: “Vào thời không có Phật ra đời, hãy hết lòng thờ cha mẹ, vì cha mẹ chính là Phật tại gia vậy”. Con cái đói khô, què quặt mù lòa, cha mẹ ăn sơn hào hải vị nào có thấy ngon, ngủ giường êm ái nào có chợp mắt. Con cái hư hỏng cờ bạc nghiện ngập, lòng dạ cha mẹ như kim châm muối xát, sống mà như đã chết rồi. Con cái “bệnh”, nên cha mẹ “bệnh” . Chúng sinh làm ác, đọa vào cảnh khổ, lòng bồ tát cũng khổ, cũng “bệnh” theo.
Ở Mỹ tôi có một số bạn thân ở VN qua. Anh Khoa có đứa con trai tuổi teen, ngày xưa đua đòi bè bạn,ham chơi lười biếng, bồ bịch trai gái, tung xe liên miên,… cũng đã “bệnh”nhiều năm trời. Bệnh đây là “tâm bệnh”, là đau khổ vì con. Tôi nói,” Con anh hư hỏng là trách nhiệm của anh. Sinh con mà không dạy là thiếu bổn phận làm cha mẹ”. Khoa đổ thừa cho hoàn cảnh bận bịu bon chen kiếm sông nơi xứ người xa lạ, không có thì giờ theo dõi, dạy dỗ con cái đúng mức . Tôi nói ,” Lí do anh bào chữa không sai,nhưng….” Anh lại nhăn nhó, nói thêm, “Chẳng những vậy, ảnh hưởng xấu của bạn bè hư hỏng, trường Mỹ không dạy môn Đức dục, tinh thần dân chủ quá mức và luật pháp bảo vệ dứa trẻ của xứ sở mới làm cha mẹ không còn quyền hạn nữa khi trẻ bắt đầu rời bỏ mái trường trung học.” Anh còn nói, “Phước nhà không có, nên cha con vượt biên đơn chiếc, lủi thủi không có cô chú ông bà gần gũi bên cạnh khuyên nhủ thường xuyên, nên nó theo bạn bè tiêm nhiễm thói xấu”. Tôi bảo, “Đâu được, mình phải cố gắng tìm cách mà cải hóa nó , kiếm bạn gương mẫu cho nó chơi, don nhà tới khu Mỹ trắng đàng hoàng trí thức, mua sách đạo đức, phim ảnh “học làm người” cho chúng xem, thường xuyên giảng giải điều phải điều trái, hay ít ra, cư xử đạo đức lương thiện trong cuộc sống hàng ngày cho chúng thấy, noi theo..”
Khi đứa con qua giai đoạn thiếu niên xốc nổi, hối hận, biết lo, học hành đỗ đạt, đi làm lương cao, lấy vợ , mua nhà, có con, Khoa hết “bệnh”, về hưu an hưởng tuổi già nhiều năm, tưởng đã yên thân, nào ngờ kinh tế Mỹ mấy năm nay xuống dốc, chính phủ nợ nần te tua vì gánh nặng chiến tranh, an sinh y tế xã hội, hảng xưởng lay off nhân viên hàng loạt, cơn “bệnh” của Khoa lại bùng phát trở lại. Cha mẹ bệnh vì con bệnh, bồ tát đau vì chúng sinh đau.
Hai năm trước, đứa con ấy đang làm manager lương cao hơn gần trăm ngàn, bị hãng lỗ lã, laid off, thất nghiệp, nằm nhà giữ con cho vợ đi làm, Cái nhà lầu rung rinh muốn bay mấy phen vì thuế nặng và mortgage hàng tháng cao. Con vợ phải một mình chống cự, gánh gồng, đôi khi gia đình vì thế mà hay lục đục. Khoa có lương hưu thong thả ở không, tháng tháng tiền đều đều rót vô nhà bank, nhưng thằng con lao đao lận đận với các job interviews. Ba bốn chỗ lai rai gọi phỏng vấn, lần nào cũng tuột luốt, có lần vào final phỏng vấn tới đợt thứ ba, khấp khởi tưởng sắp được nhận, đòi lương cao 75 đến 85 ngàn, khiến chủ thối lui, mướn người chịu lương thấp hơn. Khoa tức quá, trách con không biết theo thời, thời buổi nguời khôn của khó, kinh tế bấp bênh, tiền đâu mà họ trả cho mày mức lương đó. “Biết người, biết ta” trăm trận trăm thắng. Còn chỉ biết ta mà không biết người thì thua là cái chắc. Ngày xưa ba làm có 28 ngàn mà mua được nhà, nuôi hai con lên đại học”. Nó nói luơng trừ 30% thuế ra, phải trả tiền nhà, tiền xăng,hao mòn xe cộ, bảo hiểm, tiền babysit , còn lại chả bao nhiêu, thà ở nhà giữ con còn hơn. Khoa nói,”Thì thời buổi khó khăn, ai sao mình vậy,đâu phải mình con. Còn hơn là lêu bêu thất nghiệp cho thiên hạ thương hại, cho hư người ra, chán nản, lười biếng, lụt nghề, nguời ta chê”. Bị chủ “xù”, nó học bài học khôn từ đó, hứa từ nay sẽ khiêm tốn xin mức lương thấp thì vừa lúc tiền thất nghiệp cũng chấm dứt. Hai tháng sau, may sao một chỗ muốn mướn ,nhưng lại bắt làm “ca” khuya 8 giờ tối đến 6 giờ sáng. Làm khuya mất sức, cả tuần không thấy mặt vợ con, nên hai vợ chồng đều không nhận. Lại nằm nhà giữ con. Rồi xe hư, nó mượn tiền Khoa thay thắng, sửa xe, nay hụt tiền trả mortgage, mai mượn tiền đóng thuế nhà, cũng trả lại sòng phẳng… nhưng xem bộ thằng con túng quẫn, ăn xài tằn tiện, mặt mũi hốc hác đăm chiêu lo buồn..Mỗi lần chở con tới thăm Khoa mặt mày buồn thiu, Khoa thấy hai cha con lủi thủi, mặt con tiều tụy, dàu dàu, đăm chiêu, ít cười ít nói mà thở dài muốn bệnh luôn…
Xoay qua Lộc, một anh bạn khác, có đứa em vợ trên 55 tuổi, 25 năm trước mới qua Mỹ không lo học tiếng Anh, học nghề, xin việc nhà nước hay làm hãng lãnh check để vào dòng chính với người ta, cứ tà tà cắt cỏ lấy tiền mặt, phì phèo thuốc lá, uống bia, giao du bè bạn. Có vợ con bên VN nhưng giận vợ, không chịu bảo lãnh qua, lăng nhăng qua mấy cuộc tình không đi đến đâu,rốt cục vướng vào một cô làm nails không chồng mà có tới ba đứa con , hai đứa lớn lêu lổng bụi đời, nhờ đứa nhỏ 10 tuổi mà xin được welfare đi làm nails lậu. Ăn ở không hôn thú, tưởng gá nghĩa cho vui, ai dè lại để cho dính bầu, lọt ra đứa con gái lấy họ mẹ, lại bám vào welfare. Lớn tuổi, làm nặng không nổi, bỏ nghề cỏ, xoay ra xin đi bán xăng độ nhật. Mỗi lần bị laid off, không được tiền thất nghiệp,vì chuyên lãnh tiền mặt. Đôn đáo chạy khắp nơi xin việc, trẻ có bằng cấp còn kiếm không ra việc, huống chi là già yếu tay ngang trong thời buổi này. Gặp kinh tế xuông, chủ cho làm có 2 ngày một tuần, chỉ đủ tiền share phòng,ăn uông bậy bạ qua ngày, vợ chán nản xách hai con nhỏ bay qua Texas sống, ở nhà chủ tiệm nails bao,kiêm lái xe tới đưa đón đi làm. Cái xe cũ cà tàng cậu ta nay hư máy, mai đứt dây belt, cứ tới anh vay mượn xin xỏ tiền sửa. Lộc than, “Ngoài tôi ra, chú ấy còn vay mượn được của ai? Tôi không giúp thì ai giúp cho đây? Anh nghĩ, không tiền, bạn bè xa lánh, tối ngày đơn thân độc mã, gầy rộc đen đúa ,mái tóc bạc trắng, thấy mà thê thảm. Đã vậy, không bỏ được thuốc lá, lúc nào cũng phì phèo trên môi nhả khói, có lúc tuyệt vọng, đòi tự tử, nói chết sướng hơn sống”. Tôi ngao ngán lắc đầu.Vợ Lộc nói như mếu:
-Chết được đã là phúc. Chỉ sợ tật bịnh sống không ra sống, chết không ra chết, bệnh viện nhà nước chữa trị cho một thời gian chắc cũng chán, đuổi ra, lại phải tới tay mình lo.
Vợ chồng Lộc đúng là bồ tát đang mắc “ tâm bệnh”. Em bệnh, nên anh chị bệnh. Chúng sinh vô minh, không biết lo xa, lâm vào cảnh khổ, nên bồ tát khổ theo.
Anh Quyền, một bạn khác, đi cải tạo về năm 83 thì vợ bị tai biến mạch máu não, câm ngọng ú ớ, tay chân tê bạị, phải ngồi xe lắn cho tới khi theo chồng qua Mỹ diện H.O. Bác sĩ Mỹ ở đây cũng bó tay nên suốt 25 năm, anh phải ngồi nhà nuôi vợ, hưởng tiền caretaker. Rồi chính anh vì thiếu vận động mà bị tiểu đường, cholesterol cao, huyết áp, năm ngoái lăn đùng ra chết, bỏ lại chị vợ ngồi xe lăn ngơ ngác với đứa con gái mới ra trường phải lo đi kiếm việc . Lúc trước, anh nhờ tôi coi tử vi, có lần tôi tới thăm, anh kể lại quãng đời sinh viên ưu tú ngày xưa suýt nữa được đi Pháp học,nhưng số con rệp, cuộc đời lại rẽ qua một lối khác, đi lính, ở tù, rồi ứa nước mắt nói,” Qua Mỹ , bạn bè kẻ đi học lại, người có việc làm, có xe có nhà, còn tôi như người đi bên lề xã hội, sống nhờ chính phủ, lãnh quả báo mắc nợ vợ nửa đời còn lại, không biết chừng nào mới trả xong.Chắc khi nào chết mới hết nợ.” Quyền “bệnh” vì vợ “bệnh”. Mà tôi thấy anh trong tình cảnh đó, cũng muốn “bệnh” luôn.


Kinh tế nước Mỹ thê thảm, nợ nần hàng chục ngàn tỷ, ngân sách Liên bang tiểu bang thâm thủng, thiếu hụt, thất nghiệp tràn lan. Cali u ám, phố xá vắng vẻ, nhan nhản các gian thương xá cho thuê bỏ trống, người đi thưa thớt…. Mỗi lần lái xe freeway xuống exit, hay ngừng ở ngã tư, cảnh tượng homeless tiều tụy ăn mày co ro xin xỏ đã trở thành quá quen thuộc đến nỗi lúc đầu tôi còn moi bạc cắc trong cái hộp nhỏ trong xe ra, móc túi kiếm tiền lẻ cho, thét rồi cũng đuối sức…Mình về hưu rồi, mà nhiều homeless quá, đi đâu cũng thấy. Có ông già Mỹ đen thui ,ủ rũ , ngày nào cũng ngồi gục đầu trước cửa tiệm nọ đường Mission, không biết khi đói, moi thùng rác ăn và ngủ ở xó xỉnh nào. Những thanh niên Mễ gấy ốm, áo quần cũ mèm, râu ria không cạo, đeo backpack lang thang trên các vỉa hè ở Anaheim kiếm việc, tụ tập ở Home Depot chờ khách gọi đi làm cỏ, cuốc đất. Một người đàn bà da trắng sắc mặt nhợt nhạt, quần áo xơ xác, cầm bảng xin ăn qua lại lơ láo ở góc đường Harbor… Muốn cứu giúp hết mà sức mình có hạn, đành nhìn chỗ khác làm ngơ, con tim lạnh lùng vô cảm. Lương tâm cắn rứt, nhưng lý trí lại tự bào chữa bằng một câu hỏi: Các vị sinh đẻ ở đây, lúc trẻ sao không biết lo học hành, làm việc, để bây giờ thân tàn ma dại phải lê lết như thế? Lỗi ai? Lỗi các vị hay lỗi tôi? Các vị sống theo bản năng, biếng nhác, bỏ nhà cha mẹ đi bụi đời, rượu chè thuốc lá…vui chơi không biết tự lo cho tương lai, để bây giờ ra đường lê lết sống bằng bố thí thương hại của kẻ khác. Hay tại đó là Nghiệp quả các vị đang trả cho cái nhân lười biếng trước kia, hay từ nhiều kiếp trước? Phần số con người đâu ai giống ai, cùng sống một nước văn minh có chính phủ lo mà hoàn cảnh tài năng khác nhau,nghị lực khác nhau thì hậu quả tất phải khác nhau. Ở Mỹ tang thương như vậy, thử hỏi ở các nước Cọng sản, Bắc hàn, Bắc phi, Trung Đông còn thê thảm đến đâu….
Nạn nhân của chiến tranh, nghèo đói, bịnh tật, các nước đâu đâu cũng có. Những lò thiêu ở Đức thời Hitler, hố chôn tập thể ở Nga, Tàu, Việt nam Tết Mậu thân, Cambuchia thời Pol Pot, hay mới đây ở Libya thời Gadhafi…phơi bày trên phim ảnh, báo chí, làm ta xót xa đau lòng bi thương. Rôi khủng bố, pháo kích, bom mổ liên tục ở các nước Trung đông, chết hàng chục hàng trăm người vô tội, nghe mà muốn bệnh. Những tin tức con người chết vì tham vọng của một thiểu số lãnh tụ độc tài chỉ nghe, thấy trên tin tức, báo chí, phim ảnh, chưa tận mắt chứng kiến, nhưng ở xa quá, lâu dần cũng trở nên nhàm chán. Chỉ có những tin về Việt nam hàng ngày trên mạng, trên Tivi, báo chí, mới tác động cực mạnh trên não trạng và trái tim của người Việt tỵ nạn trên đất tự do. Cùng một giòng máu, cùng một quê hương, lịch sử, phong tục, còn ai thương người Việt hơn người Việt?
Bạn bè cũ tôi gần tuổi 70, nay nghe người này tai biến mạch máu não, mai nghe người kia trụy tim, người nọ mọc bướu chết, bạn bè các nơi thông tin góp tiền về giúp. Lại nghe một bạn học cũ ở nhà quê có 8 đứa con, một đứa bị tê liệt, hàng ngày phải ra bờ sông câu cá đem về nuôi con, nóng ruột chờ có tiền gửi về giúp. Mấy tháng trước, vàng lên giá, ở Hà nội cậu trai Lê văn Luyện 17 tuổi đột nhập cắt cổ giết chết 2 vợ chồng chủ tiệm và bé gái nhỏ mười mấy tháng rồi bỏ trốn. Xôn xao cả nước vì đạo đức dân Việt suy đồi, tuổi phạm tội ngày càng trẻ hơn. Rồi tài xế “xe ôm” cướp của hiếp dâm 2 nữ du khách Âu châu. Người lớn mà sao ngu muội , chỉ thấy cái lợi trước mắt, không nghĩ đên hậu quả tù đày ra sao. Mới đây, Nguyễn thiên Kim 26 tuổi ở Saigon dùng dây điện xiêt cổ thai phụ tên Thanh 27 tuổi cướp vòng vàng trị giá 25 triệu, quăng xác xuống giếng , hai tháng sau lại xiết cổ thêm cô bé tên Phi 17 tuổi lấy 10 triệu đồng và trang sức trị giá 28 triệu, bị kết án tử hình. Hôm nọ, báo VN Express đưa tin anh Phúc nào đó ở Nhatrang, vô các nhà thương phá thai thu góp xác bào thai trong thùng rác về chôn san sát thành một nghĩa địa con nít để đánh động lương tâm các bà mẹ nhẫn tâm giết con. Thấy sô phụ nữ phá thai không giảm, anh chị năn nỉ dỗ dành các bà mẹ nghèo chuẩn bị “phá” cho xin hài nhi mới sanh đem về nuôi giữ một thời gian cho tới khi nào có việc làm đủ sông cứ đến lấy lại đem về nuôi. Nghĩa cử cao đẹp của anh chị, tấm ảnh một lũ trẻ con lớp ngồi, lớp đứng, lớp chập chững đi, quay quần bấu víu quanh cha mẹ nuôi làm tôi rưng rưng nước mắt, muốn gửi ngay tiền về góp một tay giúp anh làm việc thiện.
Hôm qua,VNExpress lại đăng tin ở thôn Do Lễ,xã Liên Sơn,Hà nam, có cụ Đáp, bà mẹ mù 94 tuổi đơn thân độc mã nuôi người con trai 54 quặt quẹo bị bại não từ lúc mới sinh suốt nửa thế kỷ qua, kèm theo hình ảnh hai mẹ con tàn phế bên cạnh 2 bát cháo trắng. Hình ảnh và câu chuyện làm tôi đau thắt,ám ảnh mãi trong đầu suốt đêm chập chờn không ngủ được. Tuổi 90, lẽ ra đã được mồ yên mả đẹp, sao lại còn phải chịu cảnh mù lòa tắm rửa nuôi ăn đứa con không hồn co quắp bằng trẻ lên 5. Chỉ nội lo lắng không biết khi mình chết, ai lo cho con, cũng đủ đã xé nát tâm can lắm rồi, huống chi là ngày ngày lê la sờ soạng, rmò mẫm ra vào, nấu nướng, rửa ráy, thân già tứ chi đau nhức rã rời.
Vẫn biết là Nghiệp báo, song thấy người thân tàn ma dại run rẩy chờ chết, mình không bệnh cũng muốn bệnh theo. Cho nên tháng tháng nhịn tiêu xài các món không cần thiết, tôi cũng nhín được chút chút gửi về nước cho những hoàn cảnh như vậy. Được cái, mấy em tôi, con ruột con nuôi tôi, học trò cũ… cũng có lòng thương người, mỗi lần nhận email forward gủi hình, địa chỉ các người bất hạnh như vậy, thường tự động thay nhau kêu gọi, gửi tiền về giúp. Con nuôi, bác sĩ Cao Xuân Minh ở Saigon cứ vài tháng lại tổ chức đi khám chữa bệnh cho thuốc miễn phí cho đồng bào nghèo vùng sâu vùng xa. Bé Quỳnh ở miền Đông, hay gủi tiền về giúp đồng bào nghèo bệnh. Thêm vào đó, đọc các mẩu chuyện tử vi tôi kể loáng thoáng qua các bài viết đăng trên VVNM , nhiều độc giả đã thích thú viết thư, email, hay goi phone liên lạc nhờ coi giùm tương lai số mạng, lại sòng phẳng hậu hỉ gửi cả check trả công. Tôi nói thẳng không coi tử vi lấy tiền, nhưng tiền này tôi nhận là cho những người hoạn nạn ở Việt nam làm phước, và hồi hướng phước đức lại cho họ một phần, ai nấy cũng đều hài lòng, có người còn hỏi cho ra địa chỉ để nhờ thân nhân ở VN đích thân mang tiền tới thăm, cho thêm. Như cô nha sĩ Nhật thu Mai trên San Jose, cô nha sĩ Thanh ở San Bernardino,nha sĩ Hưng, Bảo Trân, Như Ý, bé Quỳnh, Từ Mẫn, bà bác sĩ Nam, Diệu Huyền …cho tiền giúp cô nhi viện Đức Sơn ở Huế, như cô Linh đang bệnh ở Georgia, nghe lời tôi, liên tục gủi tiền về Vn nhờ thân nhân đi mua chim, cá rùa, phóng sanh, hay mang tiền tới các cô nhi viện ở Saigon , các gia đình hoàn cảnh đơn chiếc bệnh hoạn theo địa chỉ tôi cho. Ngoài ra,cũng may tôi có anh bạn thân tên Tuấn, vừa đạo sĩ, vừa coi tử vi xếp sòng ở Saigon, mỗi khi tôi cần, sẵn lòng mang tiền đi giao tận nhà cho các kẻ khốn cùng, cho cô nhi viện,hay tới các quán cơm từ thiện nhét tiền vào tay các sinh viên nghèo, phu đạp xe, giới lao động sắp hàng dài chờ ăn cơm giá rẽ hay miễn phí…Anh hay email tôi các bài giảng về Phật pháp, kéo thêm ở đâu nhiều vị mộ đạo các nơi nhập bọn, kể cả đám em gái sùng đạo của tôi, cùng nhau hoằng pháp, nối dài thêm nhiều cánh tay làm việc thiện. Biết tin thầy diện chẩn nổi tiếng ở Saigon chữa khỏi nhiều bệnh nhân lâu năm miễn phí, tôi nhờ anh đi tới nơi điều tra liên lạc, giới thiệu cho các người quen bị bệnh kinh niên tới đó chữa. Học trò cũ Anh Minh tôi giới thiệu thêm lương y Tạ Minh, trị bệnh bằng diện chẩn. Đọc ở đâu các vị thuốc trị bệnh nan y hay mà rẻ tiền, tôi vội vàng phát tán trên mạng. Cũng nhờ có hai báo điện tử VN Express và VietNam Net mà biết thêm được những nạn nhân của bệnh tật và cùng khổ ở VN để cứu giúp.
Những việc thiện nho nhỏ đó, so với các việc bố thí bạc tỷ vĩ đại của những nhà tỷ phú đại bi như vợ chồng Bill Gates, hay nhận nhiều con nuôi ở xứ sở nghèo khổ như tài tử Brad Pitt và Angelica….chỉ là hạt cát trong sa mạc, giọt nước trong biển cả, nhưng tôi vui, anh Tuấn vui,cô Linh vui, các em các con tôi vui, nhiều ân nhân khác vui….vì đã thực hiện tâm BI, vì Phật nói, “của cho không quí bằng Tâm cho”,hay “ đừng chê việc thiện nhỏ mà không làm,đừng thấy việc ác nhỏ mà cứ làm”, và nếu chỉ biết ái ngại nói xuông câu “tâm tôi bệnh vì chúng sinh bệnh” thôi, thì không ích lợi gì cho ai cả, mà phải biết cọng thêm chữ TRÍ vào chữ BI , tức là suy nghĩ tìm cách làm sao chữa trị được bệnh khổ cho chúng sinh . Chữ TRÍ muốn được thực hiện tốt, lại cần phải có cái DŨNG kèm theo để thúc đẩy, là sự can đảm dẹp bỏ lòng bỏn xẻn, thói vị kỷ, tâm vô cảm của cái tiểu ngã nhỏ hẹp, để mở rộng tâm bồ tát, hướng ra ngoài biển khổ cứu vớt tha nhân.
PHC

Ý kiến bạn đọc
07/12/201116:35:06
Khách
email tac gia:[email protected]

Ong TA Minh o SG, vui long nhân email dộc giả hỏi bệnh . Email là [email protected]
Ông ta không duoc Mỹ cho du lịch ở Mỹ để chữa bịnh cho bà con Mỹ, theo đơn 1 VK yêu cầu.lo giấy tờ, và tài trợ, vì ông vô sản ỏ Vn: Mỹ sợ ông ở lại Mỹ luôn nên không cấp vísa. Nên nếu về dược VN gặp ông , kể bịnh, cho ông khám và trị thì tôt hơn.
04/12/201118:03:52
Khách
Cảm ơn tác giả đã chia sẻ những kinh nghiệm đời sống. Xin ông giúp cho địa chỉ hay điện thoại của lương y Tạ Minh trị bệnh bằng diện chẩn. Xin hỏi có thể liên lạc qua email hay phone để nhờ giúp coi tử vi được không?

Mi NT
05/12/201101:38:23
Khách
Bài viết rất ý nghĩa và đầy lòng nhân ái! Hy vọng 100 người đọc 1 người thực hiện được cái tâm của tác giả thì thế gian cũng bớt nhiều đau khổ lắm rồi... Nhiều người viết chỉ để ca cẩm mình lấy cái danh hảo mà vui chứ gặp những chuyện như vầy thì lẩm bẩm mà nhắm mắt lại...
05/12/201107:00:12
Khách
Kính gửi bác,cháu rất thích bài của bác vì luôn đem lại cho người đọc niềm hy vọng,cái nhìn tích cực vơí cuộc sống,giữa người với người. Xin cho cháu được xin số phone hoặc e-mail của bác để được bác gửi tin tức như những người bác đang gửi và xin có ngày được gặp bác để xin bác chỉ giáo cho vận hạn. Kính chúc bác luôn mạnh khỏe nhiều người được nhờ Tâm lành ,thiện của bác.
Cháu Ngọc : e-mail: [email protected]
cell: (714)277-5497.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,230,970
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến