Hôm nay,  

Những Ngày Bay Với Sydney

20/10/201100:00:00(Xem: 238217)
Những Ngày Bay Với Sydney

Tác giả: Trần Nguyên Đán
Bài số 3387-12-28597vb4102011

Trần Nguyên Đán là bút hiệu của Mục sư Lữ Thành Kiến, quản nhiệm Hội Thánh Fort Worth, Texas. Sau giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ năm 2007, ông nhận thêm giải Việt Bút 2009 và là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010-2011. NHiều thơ và truyện ngắn của ông hiện có trên tạp chí văn chương da màu trên mạng internet. Bài mới là một bút ký của mục sư nhà văn.

***

Khoảng một năm trước có một người viết văn thông qua website Da Màu ngỏ ý muốn làm quen vì chị là một tín hữu Tin lành tò mò muốn biết về một Mục sư viết văn làm thơ không…bình thường trên các báo văn chương của đời. Tôi đã hơi hồi hộp không biết …bà nhà văn này có ý …nhắc nhở gì mình. Từ sự làm quen ấy, chị mời tôi đến thăm Úc, qua sự giời thiệu của chị, Hội Thánh ở đó bằng lòng mời tôi qua giảng cho một Đại Hội, chị đã… đổ mồ hôi gây quỹ để mua cho tôi một vé máy bay từ Texas, USA đến Sydney, Australia.
Thế là tôi chuẩn bị đi. Và rồi đến ngày đi. Trước ngày đi, tôi vẫn chưa hình dung ra điều này là có thật, cho tới lúc ngồi trên máy bay. Hai ngày trước khi bay tôi mới khám phá ra mình chưa có visa đi Úc, còn chưa có dự định đem passport theo vì còn mơ màng nghĩ rằng mình sẽ đi tới một tiểu bang nào đó của Mỹ như mọi lần. Trước khi lên máy bay tôi còn bị thêm một cú hết hồn nữa vì bà check in tại quầy vé cau có bảo cho tôi biết là tôi không có tên trong chuyến bay, chỉ vì sơ suất kỹ thuật chữ Sr (Senior) nằm dính vào cái họ Lữ dễ thương của tôi. Tôi cảm thấy hơi buồn cười vì mọi thứ đã xảy ra. Tôi đã hỏi Chúa vì sao có những chuyện linh tinh như vậy. Chúa nói rằng để con biết là có sự can thiệp của ta vào chuyến đi này.
Sydney đón tôi cách chừng mực, tháng mười vào mùa xuân buổi sáng 9 giờ trời chưa có nắng nhiều, qua những cửa kính phi trường tôi như nhìn thấy tôi trong tấm gương trong suốt. Như nhiều người khác lần đầu đến một địa điểm mới, tôi tò mò nhìn Sydney chạy ngược chiều với những chiếc xe hơi. Sạch sẽ, không khác các thành phố Mỹ bao nhiêu, nhưng có vẻ yên lặng hơn. Đặc biệt là lái xe bên phải, chạy bên trái. Ngược lại với Mỹ. Một hai lần tôi đã đi lộn qua chỗ driver khiến người lái xe phải nhắc.
Tôi đến, Sydney, tháng mười, trước hết vì một ước vọng nhỏ của một người chăn bầy, Mục sư Nguyễn Hùng Vương: tổ chức một Đại Hội cho Hội Thánh nhà và các Hội Thánh anh em trong vùng. Úc Châu đang là mùa xuân, không khí dễ chịu, mát mẻ, thỉnh thoảng lạnh. Lòng người Sydney cũng mát mẻ, dễ chịu, nhưng không lạnh, trái lại ấm hơn sự mong đợi tôi. Những poster dán đầy trong những khu chợ đông đúc của người Việt Nam cho thấy sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng của đại hội. Tôi nhìn thấy hình của mình dán trên cửa kính của một tiệm phở và những tiệm khác. Khi đi bộ qua những khu phố, tôi gặp một phụ nữ Việt Nam đi ngược chiều và gọi tên tôi làm tôi ngạc nhiên. Bà nói: tôi thấy hình Mục sư trong poster dán khắp nơi, tối nay tôi sẽ đến nghe. Họ của bà cũng là họ Lữ, điều đó làm tôi thú vị.
Tôi đến sớm để có chút thì giờ điều chỉnh giờ giấc ngủ nghê, dự tính tiêu thêm vài ngày rảnh rỗi trước khi vào cuộc, ở không làm gì, tôi được chở đến khu du lịch nổi tiếng của Sydney, mà người Việt gọi là nhà hát vỏ sò (hay con sò), như gọi Washington Monument ở Washington DC là cây bút chì. Trời buổi sáng Sydney có nắng nhưng lạnh, người Việt bảo nếu có mưa thì sẽ ấm hơn (""") Tôi đem theo cái camera nhỏ của mình, chụp bất cứ những thứ gì có thể chụp được, say mê ngắm và chộp những con chim biển bay gần người đến nỗi có thể va chạm vào nhau, có thể hiểu nhau. Vỏ sò quả là một công trình và là một niềm hãnh diện của người Úc với thế giới. Đến gần chạm tay vào những sọc khắc trên đá như những sọc trên vỏ một con sò thật. Đứng trên cao nhìn xuống vịnh bao la như nhìn ra cửa biển của thế giới. Trước khi đi nhà tôi bảo rằng hãy để những vướng mắc ở nhà, mang một tinh thần hoàn toàn thoải mái đến Sydney và enjoy nó trong chừng mực có thể có mà Đức Chúa Trời cho phép. Tôi đã quá mệt mỏi với những mệt mỏi của mình. Tôi muốn sống như một người đang sống. Những ngày trước tôi thường xuyên đau nhức khắp nơi từ suốt vùng bụng phía trước đến vùng lưng phía sau, nhưng ngay khi đặt chân đến Down Under, tên người Việt âu yếm gọi Miệt Dưới, tôi hoàn toàn quên mất sự đau nhức, không hề nhớ đến nó nữa.
Tôi trở nên như một thanh niên ở độ tuổi trên năm mươi, đi theo và gia nhập vào các sinh hoạt của các bạn trẻ dưới ba mươi như một thanh niên thực thụ, không tỏ ra mệt mỏi, đi đâu các bạn cũng rủ tôi theo. Ngày thứ hai tôi được chở đến khu vực nơi dành tổ chức đại hội, một cảm giác tự do trong sáng muốn nhấc tôi bay lên, đó là một golf club. Đây là lần đầu tiên tôi vào bên trong một sân golf chuyên nghiệp và tiếp cận với những golfer chuyên nghiệp trong một khoảng cách rất gần. Một sân golf không lớn lắm nhưng đẹp. Cảnh đẹp làm tôi phải đứng sững lại nhìn. Người bạn nhà văn nói: Mục sư có thể làm nhiều bài thơ ở đây. Tôi đáp: trái lại, ở những nơi có phong cảnh đẹp tôi lại không thể làm thơ được, tôi bận ngắm chúng. Tôi chỉ làm thơ được ở những nơi cảnh không đẹp.
Tôi đến, với một cái gáy lạnh vì có người sờ vào đó nhắc nhở một món nợ, người bạn linh mục ở Alice Springs mà tôi “lỡ” hứa sẽ đến thăm ông khi có cơ hội đến Úc, không chỉ đến thăm ông mà còn thăm khu vực thổ dân Úc mà ông đang công tác, nhưng chớ tin cây loài người là loài có hơi thở trong lỗ mũi, tôi chẳng đến được, chỉ có thể trò chuyện với ông trên điện thoại và hình dung đang ở gần nhau một khoảng cách gần hơn là từ Mỹ đến Úc. Chúng tôi gặp long distance mà thôi, ngậm ngùi chấp nhận điều đó và hẹn lại một ngày đẹp trời ở Mỹ….
Tôi đến, với một cái nhìn tiếc nuối về Melbourne, một thành phố nổi tiếng khác của Úc có nhiều người Việt sinh sống mà tôi muốn đến, vì nghĩ rằng không biết mình còn cơ hội trở lại nơi này nữa không, nhưng không đến được, bù vào đó là Canberra, thủ đô Úc, gần với Sydney hơn.
Đại Hội bắt đầu vào tối thứ sáu ngày 7/10. Nhóm hát dẫn cho Đại Hội là ấn tượng đầu tiên. Họ tập dượt rất kỹ, với một phong cách thuộc linh tựa như Hills Song Church, một Hội Thánh Úc nổi tiếng Sydney, toàn vùng Úc và khắp nơi với những bài ca ngợi và phong cách thờ phượng đặc biệt, dẫn Hội chúng vào sự thờ phượng cách sôi động, khiến những hòn đá cũng có thể nhảy nhỏm lên để ca ngợi Chúa. Sáu hoặc bảy bài hát không làm cho người ta mệt, mà lại thấy khỏe hơn, chuẩn bị để bước vào chương trình thờ phượng một cách trang trọng.
Dường như Đại Hội nào cũng có những tiết mục múa, hát cả. Nhưng điệu múa dựa trên nền của bài “Worthy of the Lamb” của các cô gái xinh đẹp Sydney thu hút tôi vì vẻ thánh khiết của nhạc và những bàn tay vươn dài ca ngợi Chúa, những điệu múa thơ ngây trẻ con mà ngọt ngào, sinh động trong bài “Love” khiến cho người ta cười mà lòng thấy rưng rưng.

Hai diễn giả một từ Việt Nam đến: Mục sư Bùi Thanh Nhàn, một từ Mỹ đến: Mục sư Lữ Thành Kiến. Chủ đề Đại Hội là “Đời Sống Mới Trong Chúa Cứu Thế.” Những bài giảng xoay quanh đề tài ấy. Mục sư Bùi Thanh Nhàn chịu trách nhiệm tối thứ sáu và tối thứ bảy. Mục sư Lữ Thành Kiến đặc trách hai buổi ngày Chúa Nhật, mỗi người hai bài giảng, một người phụ trách huấn luyện truyền giảng, một người lo hội thảo văn học, một mục mới chưa hề có trong các kỳ Đại Hội Tin Lành trước đây. Các bài giảng được ơn Chúa, được feed back tốt từ Hội chúng. Nhiều người nói rằng họ được an ủi, khích lệ từ những bài giảng. Huấn luyện về một mô hình truyền giáo mới áp dụng cách hiệu quả tại Việt Nam, những con số người đến với Chúa hàng năm tại Mỹ Tho quá ấn tượng làm tôi them thuồng như thèm một ly cà phê Gloria Jean nhãn hiệu cà phê đắc ý của Úc vậy, nhưng chẳng biết bao giờ mới có thể áp dụng hiệu quả tại các Hội Thánh Việt Nam hải ngoại, đặc biệt là Mỹ. Buổi Hội Thảo Văn Học đem lại sự thích thú cho các thân hữu, ngay cả tín hữu và các Mục sư. Tôi thích thú đọc vài đoạn Nhã ca cho thân hữu văn nghệ của mình biết rằng văn chương Cơ đốc không chỉ là những câu chuyện “tải đạo” nhàm chán, với những happy ending nhạt phèo, lời lẽ cứng ngắc. Tôi còn nhận lời thách thức của một Mục sư (cũng yêu văn chương) đến dự, rằng sẽ viết một tiểu thuyết Cơ đốc, và tuyên bố rằng mình đang dự tính viết một bài với tựa đề Vẽ Lại Chân Dung Chúa Jesus Một Cách Đúng Đắn. Mục sư Trưởng Ban tổ chức phát biểu rất …thật thà: thú thật khi làm chương trình cho đại hội, tôi đã nghĩ rằng đây là tiết mục buồn chán nhất đại hội, nhưng ngược lại nó lại là một tiết mục vui nhộn nhất đại hội.
Người tham dự có thể nhận được một bầu không khí thuộc linh đầy phước hạnh thật sự bao trùm Đại Hội (một phước hạnh thật chứ không chỉ là một tường trình thắng lợi gượng gạo). Vào buổi tối bế mạc, không khí thuộc linh phước hạnh ấy như vỡ ra và chan hòa vào lòng mọi người khi mọi người được kêu gọi nắm tay nhau quay thành một vòng tròn và một sợi dây thun dài do chính tay họ cột lại từ những sợi thun nhỏ (biểu tượng của những mắt lưới, những số 0) siết lại phía sau lưng như một sợi dây yêu thương của Đức Chúa Trời siết chặt mọi người lại trong tình yêu của Ngài để kết hợp thành một tấm lưới lớn (Hội Thánh), cùng nhau đi ra đánh lưới người, rao truyền tình yêu của Đức Chúa Trời. Trong giây phút ấy, những dị biệt, mâu thuẫn cá nhân cũng được kêu gọi loại trừ trong danh của Chúa, đến với nhau trong sự tha thứ và cảm thông. Chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể đem lại sự phước hạnh thiêng liêng ấy, khi những con người chìm khuất vào bóng tối, chỉ để cho Ngài xuất hiện trong vùng sáng vinh hiển.
Có khoảng 200 người tham dự Đại Hội, trong đó có 15 Mục sư và Truyền đạo và con dân Chúa từ 14 Hội Thánh Việt Nam thuộc các hệ phái trong toàn vùng Sydney. Toàn thể Đại Hội sau đó đã đứng lại để chụp hình chung với nhau và vui mừng ca ngợi Chúa, bày tỏ ước nguyện và hứa nguyện qua hai bài hát “Kết Chúng Con Làm Một” và “Bước Đi Trong Khải Tượng.”
Tôi hiểu lý do tại sao Chúa cho tôi đến Sydney sau một số những trở ngại đã được giải quyết kịp lúc. Tôi thỏa lòng sống trong ơn phước Chúa ban, và tiếp tục hưởng những ngày vui thuộc thể sau đại hội. Các Mục sư diễn giả và ban nhạc đến từ Brisbane được chở đi thăm thủ đô Canberra tham quan vườn hoa tulip, my favorite flower, và đặc biệt, dinh Thủ Tướng Úc. Tại đây tôi đã khám phá ra loài thiên nga màu đen của Úc, với cái mỏ màu đỏ như một vệt son môi. Đồng phục đen bao giờ cũng trang trọng. Trong khi chúng tôi đang thong thả dạo qua những bãi tulip đủ màu, trầm trồ liên tục và chụp hình liên tục, một người đi sau lưng tôi nãy giờ (một người đàn ông) tiến đến gần tôi hơn, đặt tay trên vai tôi, nói nhỏ, chắc vừa đủ tôi nghe: Mục sư, hai bài giảng của Mục sư rất quý báu cho tôi. Tôi đưa tay ra phía sau nắm tay anh mà không quay lại, tôi nói: cám ơn. Lòng tôi có sự cảm động khác với những sự cảm động trước đây, tôi cảm động vì Chúa đã dùng bài giảng để cảm động một người mà tôi tin rằng Ngài sẽ có chương trình cho anh ta. Một người thật sự biết điều mình cần đôi khi là tốt hơn hàng chục người không biết mình cần cái gì.
Một ấn tượng đặc biệt khác của Sydney là lòng hiếu khách của người Việt Sydney. Những người đến từ xa, trong đó có tôi, được mời đi ăn từ sáng đến tối, không bao giờ sợ đói, mà thật sự là sợ no. Mục sư Vương nói đùa: tôi đã phải từ chối nhiều lời mời đi ăn của nhiều người. Nếu Mục sư chịu ở lại thêm tuần nữa, vẫn còn người mời Mục sư đi ăn. Ông nói thêm: Sydney có truyền thống ăn 5 bữa, Mục sư đừng lo. Tôi chẳng hiểu vì sao tôi có thể ăn nổi tất cả các bữa ăn được mời, nhưng quả thật có ngày ăn đến 5 bữa. Bữa ăn cuối vào lúc 12 giờ khuya tại một nhà hàng lớn ở khu downtown (người Úc gọi là city) Một tín hữu khác còn than phiền: con gọi cho Mục sư Vương mời các Mục sư đi ăn, thì ông nói list đã đầy hết rồi. Tôi cố gắng để không nghĩ cách dí dỏm rằng mình đang sống những ngày trăng mật, và hết sức hưởng thụ trăng mật cho đến khi nào dập mật. Để đến lúc đó tính.
Những ngày vui thường qua mau. Buổi chiều cuối cùng trước khi rời Sydney tôi mới gặp được kangaroo, biểu tượng của Australia. Hai ông bà Mục sư Phó quản nhiệm đã tận tình chở tôi đi tìm …dấu vết kangaroo ngay giữa thành phố Sydney và Chúa không phụ công khó của con người, Ngài cho tìm ra một công viên nhỏ có vài con kangaroo lang thang đây đó. Chiếc túi nơi bụng nó khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh tình yêu của Chúa Jesus, bồng ẵm chiên con trong lòng mình. Đặc điểm của con vật dễ thương này là một khi bị tấn công từ phía sau, thì nó chỉ có thể phóng thẳng về phía trước, không thể nhảy lùi. Tôi hỏi: thế nó có U turn được không. Người Việt gốc Úc ngần ngừ một chút rồi bảo: không. Người ấy hỏi: Mục sư sẽ áp dụng vào Hội Thánh như thế nào. Tôi đáp: quá dễ, Hội Thánh có thể tự áp dụng không cần tôi phải diễn giải: chỉ phóng tới trước, nhắm mục đích mà chạy. Tôi yêu cầu được chụp hình chung với kangaroo nhiều kiểu, rồi sau đó một chàng thanh niên đẹp trai nói đùa (có thể nửa đùa nửa thật): nhìn hình không biết ai là kangaroo, ai là Mục sư.
Tôi trở lại Mỹ sau khi từ giã Sydney từ phi trường Sydney. Máy bay stop ở Vancouver, Canada như lần đi. Qua khỏi khu vực hải quan Canada là khu vực hải quan Mỹ với dòng chữ US welcome you. Người hải quan Mỹ rất trẻ nãy giờ có lẽ đã xem qua hàng chục, hàng trăm những passport từ nhiều quốc gia khác nhau đến Hoa Kỳ, nhìn qua passport của tôi, rồi nhìn lên, hơi mỉm cười: back home" Giọng vui, như đồng cảm. Tôi đáp, yes, cũng mỉm cười, pha lẫn chút hãnh diện. Home của mình. Rồi chợt như có ai đó nhéo vào mũi, home của mình, phải không" Phải rồi, vì chẳng có sự chọn lựa nào khác, nhưng có lẽ nào ta đã quên rồi một home country khốn khổ mà ngày ấy, từ đó đã ra đi"
Trần Nguyên Đán

Ý kiến bạn đọc
20/10/201112:49:30
Khách
xin cho sửa lại hai chữ passport thay vì pastport. cám ơn mục sư.
20/10/201103:19:43
Khách
Toi nghi nguoi nhu MS Lu kho co the viet lam hai chu PASSPORT. Than kinh. xXT
20/10/201121:43:06
Khách
Cám ơn Ông (Bà) xuan theo đã sửa giúp chữ passport. Lỗi của tôi đã không xem kỹ lại trước khi gởi bài đi. Đán
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,203,377
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến