Hôm nay,  

Nằm Trong Hộp Gỗ, Trông Lên

17/08/201100:00:00(Xem: 182580)

Nằm Trong Hộp Gỗ, Trông Lên

Tác giả: Nguyễn Tài Ngọc

Bài sỐ: 3332-12-28562vb4081711

Tác giả là cư dân Nam Cali, đã góp bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên từ 2009: “Rau Muống Xào Dầu”. Nguyễn Tài Ngọc cho biết ông thường có bài viết trên mạng http://www.saigonocean.com. Bài viết sau đây nguyên là “Một thoáng suy tư” của tác giả, cho thấy cách viết linh hoạt vui vẻ hiếm thấy khi phê phán đủ chuyện thiên hạ sự. Tựa đe được đặt lại theo nội dung bài viết.à

***

9 giờ sáng mà trời đã nóng như thiêu đốt. Chung quanh vắng lặng không một bóng người. Thật là quái lạ vì đây là một cảnh trí không thể nào xẩy ra ở SàiGòn khi đường xá, người ngợm lúc nào cũng đông như mắc cửi, nhất là tôi đang ở một trong những nơi đông đúc nhất: Viện Hóa Đạo ở đường Trần Quốc Toản. 

Tôi đã ở bên trong khuôn viên, bên trái là ngôi chùa, bên phải là một hai gian nhà lụp sụp. Ngày xưa khi tôi đến chỗ này thì đã thấy sư sãi đi ra vào, người làm việc này, kẻ làm việc khác, ấy thế mà sao bây giờ tôi lại chẳng thấy ai. Đi vào một tí nữa là một con đường đá nhỏ, với cánh đồng hai bên. 

Gọi nó là “cánh đồng” vì ngày xưa khi học Trung học nó trông quá lớn đối với tôi, bây giờ nhìn thì chỉ là một một miếng đất nhỏ đầy cỏ dại. Xưa tôi có cảm tưởng cỏ cao đến đầu người, bây giờ nhìn chỉ đến đầu gối là cao lắm. Kế bên cánh đồng bên phải là một hồ nước khá to, vẫn còn đó, nước xanh rì với bèo nổi lềnh bềnh trên mặt nước.

Cuối con đường là một tiền đường rộng lớn, mái tôn cũ kỹ. Cây cối trồng chung quanh che kín mít bốn bên, lá phủ đầy trên mái nhà. Tiền đường này không có tường bao bọc ba bên, cột trụ chống mái nhà xếp hàng ngay ngắn cách nhau bốn thước.

Không khí tĩnh mịch, gió hây hây thổi khô dần mồ hôi trên áo, tôi bước vào giữa bên trong gọi lớn:

-Hello… Có ai ở đây không"

Tôi từ Mỹ về hôm kia. Ngày hôm qua tôi ghé lại khu xóm cũ tìm đến nhà một người bạn cũ là Hải nhưng nhà anh ta đã bán, dọn đi đâu làng xóm không ai biết tung tích. Ngày xưa lúc tôi 14 tuổi Hải là người rủ tôi vào Viện Hóa Đạo học võ Taekwondo. Nhà chúng tôi ở Bàn Cờ, Viện Hóa Đạo là địa điểm học Taekwondo gần nhà nhất. Nếu Hải không rủ thì không thể nào tôi biết được trong Viện Hóa Đạo lại có trường dậy võ. Trường dậy nằm trong tận cùng của khuôn viên, mỗi lần đi học võ, đạp xe đạp lọc cọc qua ngôi chùa, qua những ông sư, chú tiểu đi qua lại trong sân rồi mới đến trường. Chung quanh sân dậy võ là cánh đồng và hồ nước, thành thử cảm tưởng của võ sinh không thua gì học võ trong chùa Thiếu Lâm Tự của những phim kiếm hiệp Trung Hoa. Ông cai quản võ đường này tên là Tòng, đai đen đệ tứ đẳng. Người ông tròn trịa, nhìn tướng đi hai hàng của ông ta từ xa một người sẽ biết ngay là cao thủ võ lâm taekwondo: ông tập đá nhiều quá nên hai háng tách rời như Nam và Bắc Việt Nam.

Tôi học võ chỉ để tiêu khiển thì giờ vì dáng vóc thư sinh của tôi không thể nào phù hợp với màn đấm đá. Nhưng Hải thì khác. Hải vai u thịt bắp, tướng cô hồn các đảng, đánh nhau chỉ cần hét lên một tiếng là đối phương đã khiếp đảm, huống chi nghĩ đến chuyện nhào vào xáp lá cà. Hải học trước tôi hai năm, mỗi cú đấm hay cú đá của Hải mạnh như búa bổ đầu người, đứa nào không khéo đỡ, chẳng may lãnh một chưởng vào thân thể thì khỏi cần nghĩ đến việc nằm ngủ với vợ trong mười tháng tới.

Lúc thi đai nâu, ngoài đi đường quyền và giao chiến với thí sinh mình không biết trước, mỗi người còn phải đấm vỡ một cục gạch đỏ. Ai nấy mang theo gạch từ nhà nên đứa nào đứa nấy cả ngày trước ngâm gạch cho mềm, với ảo tưởng là khi đi thi, đấm thì gạch dễ vỡ. Hải thì không. Gạch có nung đỏ cho cứng, hay hai, ba cục chồng lên anh ta đấm cũng vỡ như thường. Hải có một cú đá cầu vòng liên cước không thằng nào đỡ nổi. Bắt đầu với chân phải trước đá cầu vòng hướng về bên trái, chân vừa hạ xuống, xoay người, chân trái đá ngược vòng ra phía trước rồi cứ thế tiếp tục hai chân tái diễn cùng kiểu đá. Hải đá liên tiếp xoáy như bông vụ, đà tiến không lùi, một khi bắt đầu thì như xe lửa trờ tới, chỉ có thằng nào ngu mới đứng trời trồng lãnh thẹo nên đứa nào đứa nấy phải lùi ra xa. Tôi chưa bao giờ bị Hải đá, nhưng khi tập võ trong giờ giao chiến, có một bận tôi đã có kinh nghiệm bị một người khác đá ngay giữa ngực. Đau thấu trời xanh thì không nói gì rồi, nhưng trong rất nhiều giây tôi không thể nào mở mồm nói, một cảm giác kinh hoàng vì tôi tưởng đã bị câm không bao giờ nói được nữa. 

-Hello… Có ai ở nhà không" Hello…

Không thấy ai trả lời, tôi lại hỏi một lần nữa. Lần này thì chưa dứt câu, một người trong võ phục trắng, mang đai đen từ đằng sau bước ra:

-Hỏi ai vậy mày" Phải mày là Ngọc không"

Tôi nhìn người vừa mới trả lời câu hỏi của tôi. Đúng là Hải rồi, nhưng sao hắn ta trẻ quá, nhìn giống như ngày xưa khi đi học, không mấy thay đổi, khác với bao những người khác tôi gặp lại sau nhiều năm xa cách.

-Ừ tao nè. Tao ghé vào nhà tìm mày nhưng người ta nói nhà mày bán rồi, không ai biết mày ở đâu.

-Mày là thằng vong ân bội nghĩa, đi Mỹ được rồi là bỏ quên luôn anh em, không thăm viếng.

Ngạc nhiên vừa mới gặp Hải đã trách, tôi lên tiếng:

-Hôm qua tao đến nhà thăm, không tìm ra mày nên hôm nay tao mới lặn lội đến đây.

-Thôi mày ơi, những hạng người quên bạn bè như mày tao không thèm chơi, cần dậy một bài học cho mày biết mùi….

Vừa nói dứt câu, Hải đã xông tới phùng mang trợn mắt với ý định đánh tôi. Bất ngờ vì hành động hung hãn của Hải, tôi lùi dần:

-Ê! Có gì thì nói chuyện bình thường, mình lớn rồi, đâu phải là con nít mà tính chuyện đấm đá.

-Nói với mày thì cũng như không, chỉ lãnh thoi vào mặt thì mày mới hiểu.

Và với câu nói sau cùng, Hải tung quyền đấm đá tôi tới tấp. Tôi hoảng hốt vừa đỡ vừa lùi, nhưng chốc lát không thể nào lùi được nữa vì đã bị dồn vào góc tường. Chưa kịp lấy lại bình tĩnh thì Hải đã bắt đầu món liên cước độc chiêu. Tôi tránh được ngọn đá thứ nhất nhưng cú đá quẹt ngược người thứ hai của Hải làm tôi lãnh đủ ngay giữa ngực. Đau thấu trời đất, tắt cả tiếng nói, chưa bao giờ đau thế. A, vậy là 10 tháng khỏi nằm ngủ với vợ, tôi chỉ kịp nghĩ vậy, rồi ngã ra bất tỉnh.

. . .

Mở mắt nhìn, tôi ngạc nhiên vì đang nằm ở một nơi không phải là võ đường dậy võ ở Viện Hóa Đạo, mà là trong một hộp gỗ. Trông lên trần nhà, tôi biết ngay là mình đang ở Mỹ, không phải ở Việt Nam. Có tiếng khóc thút thít của một người đàn bà, lắng nghe kỹ tôi mới biết đó là tiếng của vợ tôi, nàng đang nói chuyện với một người nào:

-Chuyện xẩy ra đột ngột quá chị ơi, không ai ngờ hết. Sáng Thứ Bẩy nào em cũng đi bộ với cô bạn láng giềng, chồng cô ấy thì đi đánh tennis với anh Ngọc. Ảnh đánh tennis sớm hơn tụi em, 6:30 sáng đã đi rồi, trong khi 7:30 tụi em mới đi. Em đi chưa hết nửa đường thì chồng cô ấy gọi, nói là đánh vừa xong hết hai sets, anh Ngọc ngồi xuống ghế uống nước thì thình lình ngã ra bất tỉnh. Ảnh lay anh Ngọc mà anh Ngọc không dậy nên gọi 911 rồi gọi em. Xe cứu thương tới chở anh Ngọc đi nhà thương. Khi em đến thì họ nói là không cứu anh Ngọc được nữa vì anh bị nhồi máu cơ tim, đã chết ở ngay trên sân tennis rồi. Anh ấy khỏe lắm, thể thao tối ngày, hàng năm vẫn đi bác sĩ khám tổng quát không bị gì, không phải uống thuốc gì hết mà bỗng dưng bị heart attack thì thật là chuyện bất ngờ em không đời nào nghĩ đến…..

Nói xong thì vợ tôi òa lên khóc.

À ra thế. Cú đá của Hải vào ngực làm tôi lăn ra bất tỉnh chỉ là chuyện tưởng tượng trong đầu óc vì tôi bị heart attack ở bên Mỹ. Hèn gì trong giấc mơ tôi thấy lạ vì Hải trông trẻ quá, và Viện Hóa Đạo không một bóng người, khu đất vẫn còn rộng rãi. Sự thật thì bây giờ Viện Hóa Đạo chỉ còn lại một tí, phần lớn khuôn viên đã đổi thành khu giải trí sầm uất và khách sạn Kỳ Hòa ở trên đường 3 tháng 10.

Bây giờ thì tôi nhớ ra hôm chơi tennis đó. Hùng, bạn đánh tennis với tôi trẻ hơn tôi tám tuổi nên mấy tháng gần đây tuần nào chơi tôi cũng thua. Không những chỉ thua thường mà thua đậm. Hôm đó Hùng thắng 6-0, 6-0, tôi tức trào máu họng nên bị heart attack chết mà tôi không biết. Chết thế mà hay, chơi tennis cứ thua mãi thì còn mặt mũi nào nữa. Tôi đã hơn 50, sống cũng quá đủ rồi.

Thay vì ở trong cơn mộng ảo về Viện Hóa Đạo tìm lại anh bạn cũ, tôi đã thăng thiên bên Mỹ, hiện thời nằm trong quan tài buồn ngó dáo dác lên trần nhà.

Tôi đã dặn vợ khi tôi chết thì thiêu ngay lập tức, đừng tổ chức lễ an táng hay gọi ông Bẩy Thầy Chùa đến làm gì, thế mà nàng không nghe lời tôi vì hôm nay hiển nhiên là nàng tổ chức đám tang của tôi. Cái mình dặn không làm thì nàng lại làm, cái mình dặn theo kiểu Bắc Kỳ khách sáo đừng làm thì nàng lại không làm thật! Tôi dặn là cứ mua cái quan tài rẻ tiền nhất, nàng mua cái quan tài rẻ tiền thật, thế có chết không chứ! Ván hòm trông như là gỗ mạt cưa, chẳng phải là gỗ lim đắt tiền. Thế thì còn gì là mặt mũi tôi khi quan khách đến thăm viếng. Ai cũng sẽ rù-rì bảo nhau: “Tội cho cái ông Ngọc, không biết sống như thế nào nhưng chết thì nghèo rớt mồng tơi, phải nằm trong quan tài làm bằng mạt cưa!” Tôi bảo nàng theo kiểu Bắc Kỳ khách sáo tôi là người xuề xoà về cách ăn diện; bây giờ chết đi nàng cho tôi xuề xòa thật, chỉ mặc cho cái quần đùi và cái áo thun T-Shirt! Lương tôi có phải nào là nghèo khó chật vật gì đâu mà nàng không dám bỏ tiền mua cái hòm cao cấp, hay may cho tôi một bộ quần áo vest xịn mặc khi chết mà lại cho tôi mặc cái áo T-Shirt ba đô-la Việt-kiều-mang-về-Việt-Nam-cho-sẽ-bị-chổi-phang-lên-đầu như thế này" Đám cưới tôi không có limousine chẳng sao vì lúc ấy nghèo, sau này đi làm gây dựng sự nghiệp mình muốn đi limousine thì dễ thôi, thế nhưng đám ma thì là un point final rồi , đâu còn đời sau gì nữa mà nàng lại nhẫn tâm cho tôi mặc quần xà-loỏn với áo thun trắng như thế"

Bạn bè, người nhà thân thuộc ai cũng biết tôi đã nói là nếu tôi chết thì đừng gửi hoa làm gì cho tốn tiền nên đám ma của tôi chẳng thấy ai gửi hoa phúng điếu. Chung quanh chỗ tôi nằm không thấy một vòng hoa làm tôi cũng hơi … quê. À, không, ở góc tường bên phải có mỗi một vòng hoa duy nhất. Để tôi đọc xem ai gửi: “Anh Ngọc, Thượng lộ bình an – MCDD” MCDD là chữ viết tắt của Mấy Cô Dữ Dữ, nhóm bạn Regina Pacis của vợ tôi. Đọc xong mà tôi thật cảm động. Mấy Cô Dữ Dữ thật sành tâm lý, biết tôi là Bắc Kỳ nói không là có, nói có là không nên họ đã mua hoa gửi đến. Một vòng hoa này có ý nghĩa hơn là cả nghìn vòng hoa thiên hạ gởi đến Michael Jackson. Michael Jackson làm gì được Mấy Cô Dữ Dữ gửi vòng hoa chia buồn ngày đi tầu bay giấy đâu" Mấy Cô Dữ Dữ chỉ gửi đến cho tôi thôi!

Chương trình bắt đầu 11 giờ. Đã 11 giờ hai phút mà phòng tang lễ nhỏ xíu chỉ đầy có phân nửa, chứng tỏ là khi còn sống tôi không được nhiều người thích cho lắm. Khác với đám cưới Việt Nam mời 6 giờ, 8 giờ mới bắt đầu buổi lễ vì khách đến luôn luôn trễ, một Chấp sự trong nhà thờ đến microphone bắt đầu buổi lễ. Tại sao đám tang Việt Nam ở hải ngoại bắt đầu đúng giờ mà đám cưới dân An Nam Mít lại cho khách ngồi đợi một, hai tiếng dài cả mõm" Vì có thể có một đám tang kế tiếp, hoặc nhân viên nhà quàn đợi sẵn, có giờ giấc hẳn hòi để làm nhiệm vụ của họ, chẳng hạn như 11 giờ bắt đầu thì nhân viên, máy móc đợi sẵn để 12:30 hạ huyệt, lấp đất.

Trễ bao nhiêu giờ thì họ tính tiền bấy nhiêu, và tiền mình phải trả nhất định là không rẻ. Tôi nghĩ khách đi dự đám cưới Việt Nam nên theo kiểu đó. Trễ bao nhiêu thì mình trừ tiền cho đám cưới bằng ấy. Hai vợ chồng một giờ/ 40 đô-la, hai người là $80. Trễ hai giờ thì trừ $80 x 2 = $160. Nếu mình định cho $200 thì chỉ cho $200-$160 = $40. Nếu mình định cho $100 thì $100-$160 = -$60. Nói với cô dâu chú rể họ còn thiếu mình $60 đô-la. Viết rõ lý do bỏ vào phong thư. Nếu ai cũng làm như vậy, lời đồn một lúc sẽ đến tất cả mọi người. Đám cưới bảo đảm sẽ tổ chức đúng giờ, không thì cô dâu chú rể sẽ gồng mình trả nợ đám cưới không có tiền phụ trội của khách giúp.

Ca đoàn của Hội Thánh lên hát, không phải bài “Tôi đưa anh sang sông” của Nhật Ngân, nhưng là bài Thánh ca “Xin anh đi luôn đừng trở lại”. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam nào cũng thế, và nhà thờ của tôi cũng không nằm trong trường hợp ngoại lệ: ca sĩ gia nhập ca đoàn khi còn trẻ đẹp hai mươi tuổi. Năm mươi năm sau những ca sĩ thượng hạng này không từ bỏ ca đoàn, cứ như là Quốc Hội của bất cứ quốc gia nào trên thế giới: một khi ai đã thành dân biểu rồi thì sẽ mọc rễ, không bao giờ từ chức. Có một bà cụ năm mươi năm trước tôi nghe hát trật tông, bây giờ hát tông vẫn trật. Mỗi năm hát nhạc Giáng sinh cụ nhất quyết theo ca đoàn tập dợt chín tháng 10 ngày. Giọng cụ to mà lại hát cao lên thấp xuống theo ý muốn của mình nên không ca sĩ nào dám đứng gần cụ hết vì sợ bị hát theo sai. Nhà thờ đã ít người mà ai cũng muốn làm ca sĩ nên khi ca đoàn lên hát thì không còn người nào ngồi ở dưới nghe. 

Tôi chỉ dám phê bình kém xây dựng có mỗi một điều ấy thôi, còn không thì tôi rất thán phục các ca sĩ trong ca đoàn vì có cả năm trăm bài Thánh ca mà ai nấy mở sách ra cũng đều biết hát. Chả bù cho tôi khi mới làm Trưởng ban Thanh niên, tôi chỉ biết điệu hát chừng ba bài, mà trong ba bài ấy thì có một bài tôi hát được nhất vì biết rõ tông điệu.

Tuần nào thanh niên cũng nhóm họp lại học Kinh Thánh. Hai, ba người luân phiên thay nhau hướng dẫn. Chương trình luôn luôn bắt đầu bằng hát Thánh ca. Người hướng dẫn chỉ định bài hát và phải hát to lên để những người không biết hát hát theo. Hai người khác chọn đủ thứ bài Thánh ca khác nhau khi họ hướng dẫn nhưng đến phiên tôi thì trăm lần như một, tôi bảo các bạn mở Thánh ca hát chỉ có mỗi một bài tủ của tôi là bài Tại Chốn Trận Tiền:

Đời tôi nay đã tình nguyện ký tên gia nhập thập tự đoàn, Dù giao chiến còn trường kỳ, dù tranh đấu gay go, nguy nàn;

Mặc áo giáp nịt gọn gàng, tuốt gươm thần thẳng tiến, quyết chiến. Nếu anh tìm, ắt sẽ thấy tôi tại chốn trận tiền.

(Điệp khúc)

Tiếng chân rầm rập quân ta mạnh mẽ vô cùng, xua đối phương tan rồi, vang khúc thắng oai hùng;

Tiếng chân rầm rập quân ta mạnh mẽ vô cùng, trỗi khúc thắng ca nơi tận chung.

Vinh diệu thay tên tôi, thuộc hàng quân thánh đây! Giê-Hô-Va vạn năng giúp tôi mạnh mẽ đây!

Vinh diệu thay tên tôi liệt vào quân lính chiến! Muốn kiếm tôi, anh phải xông pha vào chốn trận tiền.

. . .

Bài này tiếng Anh là At the Battle’s Front, nhạc Mỹ điệu dồn dập, biến đổi nhanh chóng như xông trận, phù hợp với lời nhạc, khá hay, dễ hát, mời quý vị vào nghe ở link sau đây tôi tìm trên Youtube:

http://www.youtube.com/watch"v=LYxkLRILe5w

Vợ tôi lên nói đôi dòng về tôi, rồi anh Duy lên hát solo một biệt Thánh ca. Không biết có phải số tôi là số con rận hay không: tôi không đi nhà thờ, nhưng lâu lâu tôi đi nhà thờ một lần thì quả y như rằng hôm đó anh Duy lên bục hát một biệt Thánh ca cho tất cả con chiên nghe. Ca sĩ chính hiệu con nai vàng nổi tiếng ở ngoài đời bạn bè rủ tôi còn không đi nghe, ấy thế mà đi nhà thờ thì tôi bị tra tấn ngồi nghe ca sĩ karaoke hát. Hôm nay chết tôi cũng không thoát được bài hát cuối cùng của anh Duy, thế có đau không chứ! Nào ai thấu hiểu cái cực hình ghê gớm, đau khổ, chịu trận ngồi nghe anh Duy hát biệt Thánh ca: đây là một trong những lý do tôi thà xuống địa ngục còn hơn là đi nhà thờ.

Phần chính của tang lễ nào cũng là một ông Mục sư lên giảng một bài giảng. Tôi nằm lâu sốt ruột nên muốn ông Mục sư giảng ngắn gọn cho nhanh. Nhiều ông giảng lâu quá, tuần nào cũng là một bộ kiếm hiệp Kim Dung Thiên Long bát bộ, người nghe chưa được Chúa cứu rỗi linh hồn thì đã ngã lăn đùng ra chết vì ngồi lâu quá mệt mỏi. Rất hiếm người có tài ăn nói trước công chúng như Tổng Thống Ronald Reagan. Cử tọa thích nghe vì ông có đầu óc khôi hài, nghe không buồn ngủ. Tôi đã định nghiên cứu để phát minh ra một cái microphone có sensor: khi phát hiện được cử tọa bắt đầu ngáy khò khò thì nó tự động tắt, người đang nói có nói bao nhiêu cũng chẳng ai nghe hết. Bảo đảm tất cả bài giảng sẽ dài không quá mười phút, và tuổi thọ của con chiên sẽ tăng thêm ba năm.

Bài ông Mục sư giảng thì cũng nói chung chung, chẳng phật ý ai (chủ yếu là không phật ý người sống -con chiên- còn đi nhà thờ, chứ tôi thì chết ngắt, có phật ý cũng chẳng sao): Tôi là người hiền lành (sự thật thì trái ngược), tôi đã sung sướng về gặp Chúa (không, tôi còn muốn sống ở trần gian, chỉ vì bực mình thua ván tennis mà tôi lên máu chết), và mỗi người chúng ta rồi cũng sẽ lên thiên đàng gặp Chúa (gặp ở nơi nào, Lò heo Chánh Hưng, SàiGòn, Việt Nam, hay Niagara Falls, Buffalo, New York thì không nói rõ).

Lễ lạc xong hết, quan khách đến xem mặt tôi một lần cuối cùng trước khi tôi vĩnh viễn ra đi. Tôi nhận ra ông Kiệt mặt lúc nào cũng xanh như tầu lá, ra vào bệnh viện tối ngày. Mấy lần gặp ông ta ở nhà thờ, tôi chắc chắn là ông ta sẽ chết nay mai, thế mà tôi lại đi trước ông ấy, thật không công bằng một tí nào! Đây là một huyền bí của đời sống mà nhất định khi gặp Chúa tôi sẽ chất vấn để tìm hiểu nguyên do.

Bà Phan, tôi không gặp đã lâu lắm, lên thì thầm:

-Thầy Ngọc an nghỉ nơi nước Chúa. Ngày nào tui còn gặp mà bây giờ Thầy đã đi rồi. Lâu quá tui hổng thấy Thầy đi nhà thờ. Thầy còn nhớ ngày sinh nhật ông nhà tui 75 tuổi, Thầy viết một bài thơ vui cho ổng không" Ổng để bài thơ ở đầu giường, thỉnh thoảng tối trước khi đi ngủ ổng lấy ra đọc cho tui nghe, ổng với tui cười hoài. Tụi tui nhớ Thầy hết sức vậy đó. Bây giờ thì hy vọng là Thầy với ổng sẽ gặp nhau trong nước Chúa. Thôi tui đi nghe Thầy.

Ông Phan mất cách đây đã một năm. Trước đó, tôi thỉnh thoảng làm thơ chọc ghẹo mọi người, già trẻ lớn bé. Không ngờ chỉ có một bài thơ của tôi ông đọc mãi mà nó… giết ông ấy. Giời ơi, thơ tôi đọc một lần là đã rởn da gà, ông Phan đọc mỗi tối trước khi đi ngủ thảo nào nó giết ông ấy lần mòn cũng phải. May là cả hai vợ chồng không báo cảnh sát chứ không thì tôi đã mang tội ngộ sát, dùng thơ văn để giết người.

Ông Huỳnh chia buồn với vợ tôi, rồi nói lẩm bẩm cho tôi nghe:

-Lâu quá không thấy Thầy Ngọc đi nhà thờ…

Câu này tôi nghe rất nhiều người hỏi nên lần nào có người hỏi, tôi đã chuẩn bị sẵn câu trả lời:

- Dạ, mấy năm nay tôi đã đổi đi chùa, sắp sửa được phong lên chức Thượng Tọa Thích Ở Nhà.

Một gương mặt quen thuộc rất vui tính, mang niềm vui đến mọi người, Thu Hương ở Texas, bạn Regina Pacis của Loan, đến nhìn thẳng vào tôi:

-Hương thật là thất vọng nơi anh, anh Ngọc. Anh hứa là sẽ mặc quần tắm Speedo khi chết mà sao Hương không thấy"

Hương nói làm tôi sực nhớ cách đây ba, bốn năm đi dự đám tang của một người bạn, tôi và Thu Hương đã thề non sông là khi chết, tôi sẽ mặc quần tắm Speedo và Thu Hương sẽ mặc bikini. Tôi nhớ rõ là vợ tôi cùng các cô bạn Regina Pacis khác đều có nghe cuộc đàm thoại này mà sao vợ tôi lại không mặc quần tắm Speedo cho tôi" Hay là nàng ghen tương những cụ bà 90 tuổi sẽ thấy thi hài tôi trong mảnh quần tắm hấp dẫn"

Ngày xưa mới lấy nhau trong một vài năm đầu, vợ tôi và vài người khuyến khích tôi đi học làm Mục sư. Dĩ nhiên là tôi đâu có ngu dại gì gặp cô nào xinh đẹp mà không khen tặng, nên làm Mục sư là chuyện tôi không bao giờ nghĩ đến. Bây giờ nằm chèo queo nghe ông Mục sư giảng tôi mới biết rõ lý do tại sao tôi không muốn soạn bài mỗi Chủ Nhật một lần: tôi không thể nào giảng khách sáo cho con chiên nghe được.

Tôi mà là mục sư được mời đến giảng tang lễ của tôi thì tôi sẽ nói thẳng sự thật, ngắn gọn trong vài phút để mọi người còn kịp thì giờ đi ăn trưa ở nhà hàng Việt Nam đang quảng cáo đại hạ giá bớt 60% giá một tô phở (chỉ có bánh phở, khách muốn thịt thì tính tiền riêng hai đô-la một miếng): Tôi chết thật là đáng đời vì tính tình tôi khó chịu, Chúa cho tôi đi sớm để khỏi làm phiền người khác đang cần sự yên lặng nghỉ ngơi. Người nào cà-chớn như tôi thì Chúa cho hui nhị tỳ sớm nên hãy xem gương của tôi mà nên sửa đổi ngay từ bây giờ.

Dĩ nhiên là sẽ có những người tôi khuyên răn đến đâu cũng vô ích vì họ không bao giờ chịu sửa đổi cuộc sống. Chúa sẽ cho họ đi chuyến tầu suốt đến đâu đó bằng xe lửa cao tốc tối tân kiểu Trung Hoa, chạy thẳng một lèo không xì-tốp, không thương tiếc: những người khi đi dự tang lễ chuyên môn đến trễ giờ. 

Nguyễn Tài Ngọc

Ý kiến bạn đọc
21/09/201108:04:15
Khách
hahaha
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,303,496
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo