Hôm nay,  

Thấp Thoáng Nụ Cười

11/08/201100:00:00(Xem: 226241)
Thấp Thoáng Nụ Cười

Tác giả: Tịnh Tâm
Bài so:á 3326-12-28556vb5081011

Tác giả là cư dân vùng Little Saigon, đã viết về nước Mỹ từ 2009 và vừa nhận thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 11, với bài "Thương Yêu Còn Mãi", kể chuyện xẩy ra tại một cửa hàng tại Bolsa chuyên chuyển tiền về Việt Nam. Bài viết mới của tác giả góp cho mùa Vu Lan năm nay là chuyện về tình Mẹ.

***

Trên những sườn núi quanh con,
thấp thoáng nụ cười của mẹ

Đã hơn mười năm Nai sống nơi đây, vùng sa mạc mùa hè nóng cháy da, mùa đông lạnh cóng rát. Ngày mới tới chốn nầy, Nai gọi về mẹ. Mẹ hoảng kinh.
- Nhưng mẹ ơi, dù nắng dù mưa, dù nóng dù lạnh, con vẫn OK. Nóng
đã có máy lạnh. Lạnh đã có máy sưởi. Bất cứ chỗ nào, trong nhà, trên xe, trong trường học, nơi làm việc. Chỗ con ở là thành phố lớn nhất của Nevada đó. Đừng lo cho con, mẹ nha!
- Ừ, mẹ biết. Bởi Chúa luôn ở cùng con. Chúa luôn yêu thương con.
Đã hơn mười năm, mỗi ngày, trên đường đi và về, Nai vẫn nhìn những dãy núi gần gũi thân thương vây quanh. Những dãy núi nầy thấp lè tè. Chỉ xanh tươi vào những ngày xuân. Nên quanh năm thường trọc lóc, trụi lũi, nâu sẫm, nằm lù lù đó đây trước mặt, sau lưng, bên phải, bên trái. Trông khá ngộ nghĩnh. Hơn mười năm nhân lên thành con số ngày, rồi con số lượt, Nai đã bao nhiêu lần ngắm núi" Cho đến tận bây giờ, Nai vẫn không thôi ngắm núi mỗi bận đi và về.
- Núi như thể là bạn thân thiết của con, mẹ biết không"
- Ừ, mẹ biết. Nai ơi, lát nữa tới trường, sau khi đậu xe, con hãy nhìn
quả núi thấp nhất ở phía nam, mẹ sẽ ở đó.
- Dạ.
Quả thật, dưới ánh nắng của mặt trời ban mai, trên một trái núi nhỏ râm mát, dáng mẹ nghiêng nghiêng tựa lưng vào sườn núi, nhìn Nai và dịu dàng mỉm cười.
Hôm nay là ngày lễ tốt nghiệp của Nai. Nai biết mẹ sẽ vào dự. Mẹ sẽ
rất hạnh phúc khi thấy cô công chúa bé nhỏ của mẹ trong bộ áo mũ màu đen trang trọng. Công chúa của mẹ vừa vượt qua cuộc hành trình dài hơn mười năm, đầy ắp cam go nhưng cũng tràn ngập niềm vui trong cuộc tìm kiếm tri thức, học hỏi kinh nghiệm để chữa bệnh cho những em bé mới chào đời đã mang trong người chứng bệnh bẩm sinh.
Tối qua, Nai lục lọi dưới đáy tủ tìm cây bút máy héro và gói mực tím mà Nai đã đem theo trong hành trang xa quê của mình. Cây bút còn nguyên. Gói mực bột vốn là những hạt li ti giờ đã vón thành cục. Không sao, Nai cẩn thận cho vào cái ly thủy tinh nhỏ. Rót nước vào. Những sợi mực tím uốn mình trườn lên, như múa dẻo. Bao hoài niệm tuổi thơ dồn dập ùa về. Nai bỗng òa khóc.
- Nín đi, công chúa của mẹ! Nín đi con. Mẹ đang ở cạnh con nè.
- Dạ, con đâu muốn khóc. Chỉ là… bỗng dưng nước mắt chảy ra thôi.
Mẹ đừng lo cho con, nha mẹ.
Ngẫu nhiên có giọt nước mắt rơi vào ly mực. Tan loãng. Cây bút lâu không dùng, bị nghẽn, Nai chấm nó vào ly mực. Lấy ra. Một giọt mực nhỏ xíu cỡ giọt nước mắt rơi xuống trang giấy, loang nhẹ. Và nhanh chóng khô đi. Lõm xuống. Rồi Nai nắn nót nét chữ cho ngay thẳng vuông tròn, như thuở bé thơ:”Mẹ ơi. Con nhớ mẹ. Con thương mẹ… Tháng tới con sẽ theo đoàn bác sĩ về Việt Nam làm thiện nguyện. Đây cũng chính là mơ ước của mẹ về con, phải không"”
Trong thoáng im lặng tuỵêt đối, hình như Nai nghe được nhịp đập của trái tim mẹ. Nai lại cảm thấy bé bỏng trong lòng mẹ như ngày nào. Ấm áp. Bình an.
. . .

- Nai ơi, con luôn ở trong tim mẹ.
Nai im lặng, lắng nghe hơi thở mẹ từ bên kia trái đất. Nai biết mẹ cũng đang lắng nghe mọi điều từ Nai.
- Mỗi sáng, bắt đầu một ngày mới, mẹ luôn cám ơn Chúa đã gìn giữ các con bình an, và cầu xin Ngài luôn ở cạnh các con, che chở các con.
Các con của mẹ là Nai và Thỏ. Thỏ nhỏ hơn Nai hai tuổi. Hồi ở Việt Nam, hai chị em còn học trung học, mẹ đã tâm nguyện:
- Bằng mọi cách mẹ sẽ đưa các con ra khỏi đất nước nầy. Mẹ muốn các con được sống cho ra sống. Mẹ tin Chúa sẽ giúp mẹ.
- Sống cho ra sống nghĩa là gì hở mẹ"
- Là sống mà không phải sợ hãi, không phải cúi đầu. Là được sống chân thật với chính mình, với mọi người. Là không phải đeo nhiều cái mặt nạ để che đậy cảm xúc thật của mình.
- Con vẫn chưa hiểu.
- Ví dụ, lẽ ra nên buồn thì phải vui, nên khóc thì phải cười.
Nhưng lúc đó thì Nai hãy còn quá nhỏ để hiểu. Hơn thế nữa, Nai quá bận rộn với bao nhiêu bài vở, bao nhiêu kỳ thi… Nai còn phải đọc sách, nghe nhạc, học đàn... Mẹ luôn nhắc nhở, khi có đời sống nội tâm phong phú, có trái tim biết yêu thương, người ta sẽ sống đẹp hơn. Cuộc đời nầy sẽ tốt lành hơn.
- Mẹ ơi, sao hồi con còn ở Việt Nam, mẹ không nói cho con biết bi kịch của đất nước mình.
Tận phía bên kia quả địa cầu, giọng mẹ hốt hoảng:
- Đừng nói chuyện đó qua điện thọai con ơi. Nguy hiểm lắm.
- Mẹ sợ hả"
- Ừ, mẹ sợ.
- Ủa, sao hồi ở bển con đâu thấy có gì đáng sợ"
- Vì mẹ đã ôm hết mọi nỗi sợ cho con rồi.Vì con còn nhỏ. Con cần có khoảng trời tuổi thơ vô tư, hồn nhiên, an bình. Con hiểu không" Nhưng khi rời khỏi vòng tay mẹ, nếu sống ở quê mình, con sẽ biết sợ, phải biết sợ, Nai à. “Sợ” là bài học đầu tiên khi con bước vào đời.Vì nếu không biết sợ, con sẽ không tồn tại.
Và rồi Nai đã hiểu vì lẽ gì, bằng mọi giá, mẹ đã đưa chị em Nai rời bỏ quê hương ruột thịt để đến xứ sở nầy, để được “sống cho ra sống”.
Mẹ không muốn con gái của mẹ, sau ngày cưới chẳng bao lâu, sẽ hằng đêm, hằng đêm, thao thức đợi chồng về. Sẽ khó lòng biết được, sau giờ làm việc, chồng của con gái mẹ đang say mềm trong quán nhậu nào, rồi sau đó, sẽ sa đọa những nơi nao. Và mẹ không muốn các con của mẹ hằng ngày phải đeo những cái mặt nạ khóc cười đủ hình đủ dạng mỗi khi bước ra ngoài. Phải đối diện với những điều trơ tráo đảo điên, vô cảm, vô nhân tính.
- Thôi, quên tất cả đi con. Giờ hãy kể chuyện học hành của con cho mẹ nghe.
- Dạ, mọi việc đều OK. À, tuần rồi con viết một bài tiểu luận phê bình
ông tổng thống, con khen ổng thì ít, mà chê thì nhiều.
Mẹ lại hốt hoảng:
- Rồi có sao không con"
Tôi cười ngất:
- Con được điểm cao nhất lớp đó. Thầy khen con quá chừng. Thầy còn đọc bài của con cho cả lớp nghe.
Mẹ thở phào, rồi lại dặn dò:
- Nhớ luôn cầu nguyện, nghen con, sáng thức dậy, cầu xin một ngày bình an, tối trước khi đi ngủ, cám ơn Chúa một ngày bình an, nghen con. Chúng ta đang sống trong thời đại đầy rẫy bất trắc, tai họa.
- Mẹ ơi, tối kia, con đậu xe ngoài đường, bị ai đó tông vào, cái kiếng chiếu hậu bể nát. Cửa móp xọp.
Mẹ hốt hoảng:
- Con… Con có sao không"
- Không, chỉ có cái xe bị nạn thôi.
Mẹ thở dài:
- Hú hồn! Của đi thay người con à.
Nai cười vang:
- Mẹ ơi, người đụng xe con có để lại tờ giấy ghi rõ tên, số phone, công ty bảo hiểm, số hợp đồng bảo hiểm. Họ sẽ đền cho con. Mẹ đừng lo.
Mẹ im lặng một lát rồi chép miệng. Nai hiểu, chuyện Nai kể gợi mẹ nhớ đến những học sinh bé bỏng của mẹ bị xe đụng, chết oan ức, đớn đau.

. . .
Công chúa Nai của mẹ trong vài năm đầu ở Mỹ không dễ dàng để thích nghi với cuộc sống. Cô công chúa nhà nghèo vừa học vừa làm, đầu tắt mặt tối. Giữ trẻ, dạy đàn, bưng phở là ba việc chính. Thỉnh thoảng lục tìm đồ da chai trong mấy thùng rác cũng khá tiền nhưng Nai không làm nữa sau một lần đáng nhớ. Sáng sớm hôm đó, Nai đang lúi húi bên thùng rác thì chủ nhà, một ông già Mỹ trắng, đi ra. Ông ta khoác tay bảo Nai đừng làm nữa. Nhìn cảnh nầy ông không thể chịu đựng được. Mỗi thùng rác Nai kiếm được bao nhiêu tiền, ông sẽ bù cho. Nai xin lỗi, cám ơn và bỏ chạy. Dĩ nhiên chuyện nầy Nai không kể mẹ nghe.
Còn mẹ, rất nhiều đêm mẹ không ngủ được. Đến nỗi mẹ bị bệnh mất ngủ từ đó. Dù tin cậy, phó thác cho Chúa, nhưng lòng mẹ vẫn thắc thỏm lo âu. Con là máu thịt của mẹ, là tất cả… tất cả đời mẹ. Con quá bé bỏng giữa xứ lạ quê người. Con không có mẹ kề bên để ấp ủ bảo bọc. Có lần mẹ giật mình thức giấc giữa khuya bởi cơn ác mộng: Con của mẹ bị lạc đường, ngồi khóc một mình giữa vùng hoang vu tuyết phủ trắng xóa. Và y như rằng, hôm đó, giờ đó, bên nầy trái đất, Nai đang ngồi run rẩy ở trạm xe bus lạnh căm căm, đang nhớ mẹ, đang ao ước rúc đầu vào lòng mẹ.
. . .

“Ngày tháng năm...
Giọng mẹ nhỏ nhẹ dịu hiền, thủ thỉ kể rằng: Con đang quẫy đạp trong bụng mẹ, bỗng im re khi mẹ hát: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào…”. Mẹ còn đọc thơ cho con nghe nữa. Mẹ nhắm mắt, hình dung con đang khoanh tròn trong lòng mẹ. Hai bàn tay mẹ đặt trên bụng, truyền từng lời vào tim con:
“Bé hỏi mẹ: - Mẹ ơi, con từ đâu đến vậy. Mẹ đã nhặt được con ở tận nơi nào" Mẹ ôm chặt bé vào lòng, và trả lời, nửa cười nửa khóc: - Con ơi con, con đã được giâú kín trong lòng mẹ như chính những thèm khát, ước mơ của nó…Khi trong thời con gái, trái tim mẹ nở xòe như một đóa hoa, con đã lượn quanh nó như một mùi hương phảng phất… ” (1).
Và rõ ràng là mẹ cảm nhận được tim con xao động. Mẹ sung sướng tin rằng con sẽ là người nhạy cảm và thông minh, ngoan ngoãn và hiền lành.

“Ngày tháng năm…

Nét chữ của mẹ sáng bừng hạnh phúc: “Buổi sáng mẹ nghe đau quằn quặn trong bụng. Ba đi mua thuốc đau bụng. Mẹ uống, không thấy bớt mà càng lúc càng đau hơn. Ba chở mẹ tới trạm xá. Mẹ quằn quại uốn gập trên ghế chờ, thấy đủ chín ông trời nhưng cố kìm nén không kêu la, vì mắc cỡ. Chừng năm giờ chiều con chào đời. Đôi mắt con mở to, tròn vo, đen nhánh…”

“Ngày tháng năm…
Mẹ đặt con vào chiếc nôi tre. Đôi mi con khép hờ, miệng chúm chím cười. Thỉnh thoảng con lại chu môi mút chùn chụt ngon lành. Mẹ hát ru : “ Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước. Em đến tôi một lần…” Chưa hết bài hát, con đã ngủ ngoan. Nhưng mẹ vẫn tiếp tục hát cho giấc mơ con đẹp thêm.

“Ngày tháng năm…
Ngày tháng năm… Ngày tháng năm…”
Đó là lời mẹ hồi còn trẻ với những tháng ngày đầu đời làm vợ làm mẹ, đối diện với bao nỗi khốn khó đói nghèo, túng quẫn cùng cực nhưng lòng mẹ vẫn luôn nở hoa với niềm vui trong thiên chức thiêng liêng. Nai đã từng ấp ủ những dòng chữ của mẹ như ấp ủ một món quà quý báu nhất đời.
Đó là những hoài mong của mẹ về Nai mà Nai vẫn hằng hướng đến từng ngày. Đó là nhân chứng tuổi nhỏ của Nai, sống động hơn bất kì cuộn phim nào, yêu thương hơn bất cứ tình yêu nào. Nhờ cuốn nhật kí mẹ viết, Nai hình dung rất rõ từ lúc Nai chưa mở mắt nhưng đã biết quẫy đạp vui buồn giận hờn trong bụng mẹ. Rồi cái răng sữa đầu tiên của Nai nhú lên…Nai nhay mạnh núm vú mẹ đến tứa máu. Mẹ chảy nước mắt vì đau thì ít mà vì thương Nai khát sữa thì nhiều.
Mẹ viết rằng, mỗi khi ôm Nai vào lòng, cho Nai bú mớm, mẹ quên hết mọi ưu tư phiền muộn. Mỗi khi nhìn Nai cười, mẹ cảm thấy có thể băng qua vạn nỗi gian truân. Hạnh phúc là chiếc đũa thần, có thể biến tiếng rên rỉ khóc than thành lời ca điệu hát. Có thể hóa muối thành vàng. Hóa bữa cơm dưa mắm của thường dân thành mâm yến cao sang của bậc vua chúa. Và cứ thế, trong tình yêu thương và hạnh phúc ngập tràn, mẹ say mê viết …

“Ngày tháng năm… Ngày tháng năm…” Mãi đến khi Nai vào lớp Một, mẹ mới mua cho Nai một cuốn tập. Mẹ trang trí bìa tập bằng con búp bê xinh xắn toét miệng cười tới tận mang tai. Như nhắc nhở Nai hãy luôn cười thật tươi, cười hết cỡ với cuộc đời. Mẹ tập cho Nai viết vài dòng đầu cuốn nhật kí. Mẹ bảo, sau nầy nó sẽ là kỷ vật vô giá…Vậy là Nai cứ lần theo nét chữ mềm mại chân phương của mẹ, cố nắn nót cho ngay thẳng vuông tròn .
Sinh nhật lần thứ mười hai của Nai, mẹ tặng Nai một cuốn tập dày, bìa cứng mạ viền vàng. Trang đầu tiên mẹ viết: “Sẽ có lúc con khổ đau, chán chường , tuyệt vọng… Thì con hãy bước ra ngoài. Hãy nhìn lên bầu trời cao rộng. Mây rất êm và nắng rất mềm… Kìa trên ngọn cây cau đầu ngõ, vài chú chim nhỏ đang rướn cổ hót vang. Kìa nơi cuối chân tường, mấy nụ hoa bé xíu vừa mới nhú…”

Rồi mẹ chép mẫu bài thơ Mây và Sóng của Tagore vào vở chép thơ của Nai.
“… Con làm sóng nhé, mẹ làm mặt biển.
Con lăn, lăn như làn sóng vỗ, tiếng con cười giòn tan vào gối mẹ.
Và không ai trên đời nầy biết được mẹ con ta đang ở đâu.”(2)

Các trang sau, Nai nương theo nét chữ của mẹ, cứ ngay thẳng vuông vắn tròn trịa thương yêu. Những bài thơ ngắn dài trải gần hết cuốn tập.
Ngày bước chân lên máy bay, Nai hăm hở như được đi chơi xa, một chuyến đi đầy thi vị, hứa hẹn mọi điều tốt lành. Máy bay cất cánh. Nai háo hức bay cao giữa bầu trời mênh mông với những đám mây mềm mượt, óng ánh rực rỡ trong nắng vàng… Bay cao với bao ước mơ hoài bão đẹp như giọt sương long lanh ban mai trong trẻo, quyến rũ như những vì sao xa nhấp nháy lung linh đêm huyền thoại...
Có thể nói rằng, trước khi máy bay hạ cánh ở cái phi trường rộng ngợp kia và lùi lại từ lúc được tượng hình trong lòng mẹ, Nai là một cô công chúa sung sướng nhất trên đời. Nai luôn được mẹ nâng niu. Nai được bạn bè gọi là cô bé ngồi bên khung cửa sổ.
Phải, Nai vẫn thường ngồi bên khung cửa sổ. Đó là cái cửa sổ rất đặc biệt. Bệ cửa rộng chừng năm tấc, có thể leo lên ngồi thoải mái. Hồi nhỏ chị em Nai vẫn chơi đồ hàng trên bệ cửa. Mỗi lần mẹ đi vắng, khóa cửa nhốt hai đứa trong nhà, Nai và em đu lên mấy cái chấn song, trợn mắt thè lưỡi chọc quê bọn nhóc bên ngoài. Thỏ khoái chí tự cho mình là khỉ. Còn Nai, tưởng tượng mình là cô công chúa, chờ bà dì ghẻ độc ác tới dụ ăn táo để rồi thừa trí khôn ném trái táo tẩm thuốc độc ra vườn. Với ý nghĩ đó, có lần người hàng xóm đi ngang, thấy tội nghiệp cho gói kẹo, Nai liền vứt đi. Thỏ khóc ầm lên bắt đền.
Bên khung cửa sổ, Nai ngồi vừa ngậm ô mai vừa đọc những cuốn sách cũ kĩ đầy sức hút mê hoặc mà mẹ vẫn mua về từ các cửa hàng giấy vụn. Những cuốn sách dẫn bước chân Nai vào các cung điện nguy nga tráng lệ cổ kính.
Rồi vâng lời mẹ, Nai đã lên đường. Xa tất cả… Hình ảnh cô bé ngồi bên khung cửa sổ chỉ còn trong kỉ niệm. Nai không có thời gian ngồi đợi mụ dì ghẻ để ném tung trái táo độc. Không có thời gian làm công chúa dạo gót son trong vườn thượng uyển với xiêm y lụa là tha thướt, điệu đàng vén ống tay áo rộng, khẽ hái một bông hoa. Chẳng thể ngữa mặt nhìn mây bay. Nghe gió thoảng. Thức tận khuya để chiêm ngưỡng đóa quỳnh tinh khôi trắng nuốt từ từ hé nở. Ngắm chán chê nụ hồng còn đẫm sương mai. Theo dõi bọn chim sâu tha từng cọng rơm về làm tổ trên cây khế gần giếng. Chơi đùa cười hét thỏa thuê với em Thỏ…
Không còn nắn nót từng câu thơ tròn trịa niềm thương yêu… Không còn! Không còn! Tất cả đã lùi xa. Chú gà con yêu thích lớp vỏ êm ái đã phải chui ra . Cô bé ngày nào đã phải rời khung cửa sổ với cái đầu trần, đôi chân trần. Mà bên ngoài thì có nắng có mưa có cả bão giông. Mà trên đường đi không có hoa quấn theo gót chân như trong vườn thượng uyển….
Và có lẽ cũng như Nai, mẹ chẳng có bất cứ sự chuẩn bị nào cho Nai và cho chính bản thân mẹ khi cho Nai đi học xa tới tận nửa vòng trái đất. Mẹ quên mất rằng mỗi lần Nai phải chích thuốc, mẹ luôn ngồi bên cạnh ôm Nai, Nai chỉ việc nhắm mắt, rúc đầu vào lòng mẹ, một tay sờ vú mẹ để quên đi cái mũi kim đau điếng bên tay kia, dù bấy giờ Nai đã học cấp ba.
Nai đâu thể tưởng tượng nổi mình sẽ gặp những gì nơi đất khách quê người. Những gì" Những gì" Suốt ngày, ngoài giờ học, Nai phải chạy đôn chạy đáo kiếm tiền để trang trải chuyện ăn học. Tối về, bao nhiêu bài vở phải làm. Nai thèm ngủ như ngày bé thèm que kem. Nhiều lúc Nai đã khóc, những giọt nước mắt nóng hổi khi Nai nép mình ở bến xe bus lúc chiều xuống, gió lạnh tê. Có lúc trong góc thư viện kín, Nai đã từng chán nản gục đầu, trốn tránh thực tại bằng cách hồi tưởng lại khoảng đời vô tư hạnh phúc. Tiền! Tiền! Lúc nào nó cũng làm Nai bất an. Nai ghét nó! Ghét nó! Ghét thậm tệ! Nhưng nó vẫn cứ đeo bám theo Nai. Dày vò hành hạ Nai! Quanh quẩn xoay vòng trong ý nghĩ của Nai. Có khi đang ngồi làm, có lúc đang học trong lớp, tự nhiên như một phản xạ tự vệ trong cuộc sống, Nai lấy máy tính ra tính xem tháng nầy tiền nong ra sao. Nai trừ Nai cộng. Lo lắng hao hụt thiếu đủ… Thấp thỏm. Nai mới đóng học phí sáng nay dù đã hơn nửa mùa học vì mới thu đủ lương. Ôi! Ước gì Nai bé lại, ngày xưa, trong lòng mẹ.
Nơi xứ lạ, trong những giấc mơ xám xịt mỏi mệt chập chờn, hình ảnh mẹ, khu vườn đầy hoa và nắng và bướm, và bóng dáng cánh chim lưng trời đã mất hút…Tất cả nhạt nhòa dần. Trên đầu lưỡi Nai, vị ngọt thơm ngon của cọng cỏ non, vị chát hấp dẫn của trái táo rừng đã tan loãng.
Nai đâu dám kể tất cả cho mẹ nghe, dù mẹ cứ năn nỉ. Chẳng hạn chuyện Majumi, người bạn Nhật Bản giỏi nhất lớp Toán, không biết duyên cớ gì mà đùng đùng bỏ ngang việc học hành, xách gói về nước . Hay Angel, cô gái Đài Loan nhí nhảnh vui tươi như chim sơn ca không dưng bị chứng trầm cảm. Hoặc kinh khủng nhất là Kim, một sinh viên Việt Nam, đã uống thuốc ngủ tự tử.
Khi xa quê nhà đi học, cuốn nhật kí của mẹ viết cho Nai được Nai xếp đầu tiên vào hành trang của mình. Nai thường đem nó ra, ấp vào ngực, ngay chỗ trái tim, để nghe tiếng mẹ yêu thương. Để được cảm giác an ủi chở che. Để khi buồn nhớ, Nai giở từng trang, nâng niu khe khẻ như sợ nó hao mòn. Và chính cuốn nhật ký đó là tất cả yêu thương và nghị lực mà mẹ đã vun vén cho Nai, để đôi bàn chân nhỏ của Nai dù rướm máu, vẫn tiếp tục bước tới trên những đoạn đường rải đầy đá dăm sắc nhọn.
Phải, cuốn nhật ký nầy là kỷ vật, là gia tài vô giá của mẹ dành riêng cho Nai. Mai nầy, Nai cũng sẽ làm như mẹ, viết vào nhật ký cho con của Nai những dòng chữ yêu thương, ngay thẳng vuông tròn.
Ngày được tin mẹ mất, và được biết mẹ đã hiến dâng tấm thân trần thế của người cho y học, Nai chỉ biết ôm cuốn nhật ký mà khóc.

*

Có một giọt nước mắt vừa rơi vào ly mực. Tan loãng. Nai chấm cây
bút vào, rồi nhẹ nhàng nắn nót từng nét chữ, như thuở bé thơ:
“Mẹ ơi, con vẫn thấy, mỗi ngày, trên những sườn núi quanh con, thấp thoáng nụ cười của mẹ.”
Tịnh Tâm
(1) Bài thơ “ Buổi sơ khai” của Tagore. Đào Xuân Quý dịch.
(2) Bài thơ “ Mây và Sóng” của Tagore. Nguyễn Đình Thi dịch.

Ý kiến bạn đọc
02/09/201122:07:16
Khách
Xin cảm ơn tác giả Tịnh Tâm ! Tôi đã khóc ... ngay từ những dòng đầu tiên của câu chuyện. Những gì thơ mộng nhất, ngọt ngào nhất, thương yêu nhất, lãng mạn nhất, âu yếm nhất, dễ thương nhất, nhõng nhẽo nhất, yêu kiều nhất, thú vị nhất, thương cảm nhất, etc. của tình mẹ con, đã được giàn trải trong truyện này. Tôi rất yêu câu truyện này ! Và lần đầu tiên, tôi cảm nhận được sợi dây giữa mẹ và con và hiểu vì sao có sợi dây đó (ngoài lý do nhân duyên, nghiệp quả). Sợi dây này, chẳng bao giờ đứt. Và tôi hiểu hơn về hoàn cảnh của các bạn sinh viên du học: đi học xa mẹ và cả xa quê hương. Hèn gì VietBao chọn Tịnh Tâm để trao giải thưởng danh dự. Mong Tịnh Tâm mãi viết và xin cảm ơn Vietbao.com. P.S: vẫn sụt sịt
11/08/201113:59:34
Khách
Bài viết hay lắm! Xin cám ơn tác giả!
13/08/201111:22:12
Khách
Rất hay, rất cảm động! Cám ơn tác giã.

Thử
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,304,207
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.