Hôm nay,  

Giang Hồ Hiểm Ác

09/08/201100:00:00(Xem: 121230)

Giang Hồ Hiểm Ác

Tác giả: Lưu Thy

Bài số: 3324-12-28554vb3080911

Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Lưu Thy là “Ipad Ai Biết” cho thấy tấm lòng tử tế của người viết. Bài thứ hai sau đây là một chuyện vui cho thấy thêm sự tinh... quái của cách kể chuyện. Bài được chuyển đến bằng eMail. Mong tác giả sẽ góp thêm những bài mới và vui lòng bổ túc ít dòng sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.

***

Tôi ở cái thành phố này cũng gần 10 năm có. Vẫn độc thân một mình, bà con anh em họ hàng gì cũng không. Ngày ngày đi làm rồi về nhà ôm cái tivi hay đọc báo chợ. Cái check lương tháng nào là xài bay tháng nấy. Có vợ con gì đâu mà lo xa cho mệt, bạn bè cũng không nhiều, thật thân thiết lại càng không. Ở cái nơi người Việt nhiều nhưng kiếm được người đồng hương cùng quê thì như mò kim đáy bể. Ấy vậy mà tôi cũng gặp được một người, tình cờ thôi, đang đi chợ lựa mua thùng mì gói thì nghe cái giọng bèn bẹt không chạy đi đâu được: ” Chú quơi, chú lấy cái thùng mì này nè, ăn ngon hơn!”. Hỏi qua hỏi lại mới đúng là đồng hương thứ thiệt. Từ đó về sau, tôi mới có bà con xa, mới có con cháu gọi mình bằng chú từ trên trời rơi xuống!

Chú cháu thiệt à nha! Mặc dầu khác họ nhưng hoàn toàn là chú cháu thứ thiệt, không có chuyện “Đừng gọi anh bằng chú!”. Từ khi có con cháu bà con xa này, cái điện thoại di động của tôi mới biết reng reng, cái bill trả tiền mới dài dài thêm một tí. Nó mới từ Việt Nam qua nên cái gì cũng lạ lẫm, tôi đương nhiên lên chức cố vấn cuộc đời cho con nhỏ. Giấy tờ cũng tôi, sửa xe cũng tôi, đến cả cái chuyện đi cãi lộn giùm cũng là tôi.

Ở đâu cũng vậy, cái ưu tiên trước mắt là công ăn việc làm. Con nhỏ mới nhờ tôi cố vấn nên kiếm việc gì làm. Con nhỏ ở Việt Nam là giáo viên lớp một, nghề này qua đây là bỏ xó. Tôi mới hỏi nó:

-Thế thì ở Việt Nam ngoài nghề dạy trẻ, con còn biết làm gì nữa không"

Con nhỏ nhíu mày suy nghĩ hồi lâu mới nói:

- Con biết nấu cơm.

- Thôi đi! Bên này nấu cơm dễ ẹt, ai cũng làm được, không cần mày. Cái nghề nào ít người biết thì may ra.

- Con còn biết may đồ. Quần áo của con ở Việt Nam con đều may hết đó!

Biết may quần áo, cái này có thể dùng được đây. Hôm sau tôi mới dẫn nó tới cái tiệm giặt gần nhà xin việc. Ông chủ tiệm đang lúc cần người, nhận ngay con nhỏ vô làm, công việc là nhận đồ giặt ủi và sửa chữa lên lai quần áo. Có việc làm kiếm tiền lại hạp với khả năng, con nhỏ thích lắm, cứ gọi điện thoại kể chuyện công việc làm mới, khen khách hàng lịch sự tử tế với nó. Nghe nó kể, tôi cũng vui lây.

Đâu được chừng một tháng, con nhỏ tới gặp tôi mặt làu bàu vừa nói vừa muốn khóc:

- Chú kiếm cho con việc khác đi. Con vừa bị đuổi việc, thấy con mới qua là họ xí gạt liền. Có cái con mẹ đem đồ tới tiệm gởi giặt cứ khen con đẹp, nhỏ nhắn dễ thương, rồi lò dò hỏi thăm chuyện gia đình, chuyện bên Việt Nam. Con cứ tình thật mà kể say kể sưa quên cả kiểm lại cái áo đầm bả gửi giặt. Hôm sau bả tới lấy, chỉ ngay cái chỗ có vết hư, dữ dằn chửi bới đòi bồi thường cái áo. Con bị bay mất tuần lương, ông chủ thì lại không thông cảm còn hùa theo bả lớn tiếng với con. Sao trên đời lại có cái hạng người ghê gớm như vậy hở chú, con cũng không hiểu nỗi!

Tôi chỉ biết an ủi con nhỏ, bảo có người này người nọ, đâu phải ai ai cũng vậy, rồi lò dò đọc báo kiếm cho nó cái chân giữ trẻ. Nó đã dạy lớp một bên Việt Nam, giờ giữ trẻ là hợp quá rồi. Tôi gọi lấy hẹn xong đưa cái địa chỉ và số điện thoại cho nó bảo ngày mai tới xem sao. Nghe thấy giữ con nít, con bé mới tươi tươi một chút.

Ít ngày sau, tôi gọi con nhỏ hỏi thử công việc thế nào thì nghe trong điện thoại có tiếng con nít oang oang. Nó đã làm chỗ mới được ba ngày nay, công việc cũng nhẹ nhàng, chỉ coi hai đứa con nít 5 và 7 tuổi, một trai một gái. Nó khen hai đứa bé dễ thương, ông bà chủ lịch sự tử tế, tôi nghe cũng yên tâm.

Đúng một tháng sau, đi làm về vừa lò mò tính mở cửa thì thấy con nhỏ ngồi một đống dưới bệ xi măng. Nhìn thấy bộ mặt thiểu não chán đời này là tôi biết có chuyện gì rồi. Mở cửa cho nó vào, để nó ngồi yên đâu đó, rót cho nó ly nước cam lạnh ngắt để cho nó hạ hỏa bớt rồi tôi mới hỏi:

- Có chuyện gì nữa đây" Sao thấy bộ mặt mày tao cũng quải quá đi!

- Cái số con nó sao sao đó chú ơi. Cái job giữ trẻ tưởng đâu êm xuôi ai ngờ con lại gặp hai đứa con nít ranh. Cha mẹ nó dặn con không cho tụi nó coi tivi với chơi game. Tụi nó lừa lừa con sơ hở nằm trên sa lông ngủ, hai đứa chụp hình xong bắt chẹt ra điều kiện phải cho tụi nó coi tivi với chơi game, nếu không nó đưa cái hình con ngủ cho cha mẹ nó coi. Chú nghĩ thử coi con phải làm gì đây. Dấu giếm được tuần lễ là nội vụ đổ bể, con bị mất việc mà còn bị cha mẹ hai đứa con nít quỷ sứ chửi cho một trận. Con giận quá chú ơi là chú!

Con nhỏ vừa nói vừa huơ huơ tay, mặt mày hầm hầm. “Đó là lỗi của con, ai biểu đi làm mà ngủ làm chi cho nên nỗi!”. Trong đầu thì nghĩ như vậy, nhưng tôi không dám nói ra sợ đổ thêm dầu vào lửa, chỉ biết an ủi con nhỏ:

- Sao lúc đó không gọi cho chú ngay để chú kiếm cho việc khác mà làm.

Con nhỏ òa lên khóc nức nở, nước mắt nước mũi lòng thòng, vừa nói vừa tức tưởi:

- Mới làm có một tuần lại bị đuổi con đâu dám gọi cho chú. Con mới lấy báo đọc kiếm việc làm khác. Chú ơi là chú! Con tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Con xin được chân bán hàng cho tiệm tạp hóa..

- Mày lơ ngơ mà đòi làm nghề này.

- Con đâu có biết! Thấy con lanh lẹ mới chỉ sơ qua đã làm được, ông chủ giao tiệm cho con một mình rồi bỏ đi mua hàng. Ổng vừa đi xong, khách ra vô nườm nượp, con tính tiền bỏ bao cho khách mà cái tay muốn ê ẩm luôn. Đang bán thì thình lình ổng về, con cười toe toét tính khoe với ổng là con có gian buôn bán, chưa kịp mở miệng là ổng đã la um sùm..

- Cái ông gì mà cà chớn vậy, tại sao lại la con"

Con nhỏ hạ giọng thiểu não:

- Con lại bị xí gạt. Thấy con ma mới, tụi nhỏ choai choai chưa tới tuổi mua bia thuốc lá ào ào sắp hàng vô mua. Đông khách là vậy! Ông chủ xanh mặt đưa tiền công cho con xong nói “Cảm ơn! Xin đừng trở lại”. Chú ơi là chú! Con hết bị người lớn gạt, con nít bắt chẹt giờ lại bị cái đám choai choai thừa nước đục thả câu. Con sợ con người quá chú ơi!

Con nhỏ nói xong òa khóc hu hu. Nhìn nó khóc tôi chỉ biết ngồi im không nói được câu nào. Tội nghiệp con nhỏ, mới hạ sơn hành hiệp đã gặp ngay giang hồ hiểm ác!

Chở con nhỏ về nhà, trên đường về tôi lấy đường tắt để né mấy con đường kẹt xe, chạy lòng vòng ngang qua khu hãng xưởng. Cái bảng cần người làm đập ngay vào mắt. Tôi dừng xe thắng gấp. Vào hỏi thăm xong lấy bộ đơn điền nộp tại chỗ cho con nhỏ. Nghe nói hy vọng hơn 90%, công việc lại dễ dàng chỉ đứng coi máy chạy. Con nhỏ hiền quá cứ bị con người ăn hiếp, cho nó làm việc với cái máy là khỏi phải lo. Tôi về nhà gọi cho con nhỏ biết xong mới yên tâm mà đánh một giấc. Nó chắc cũng vậy, nghe lại cái giọng yêu đời hớn hở trên điện thoại là biết ngay.

Con nhỏ hình như có duyên làm việc với máy móc. Tôi thỉnh thoảng có gọi hỏi thì nó lúc nào cũng trả lời “Vẫn thường vẫn thường”, có khi thì hối hả cúp máy nói “Con phải đi sắp tới giờ rồi, phải đi ngay không trễ”. Lâu ngày gặp lại thì nó hình như có hơi hơi khác, mắt cứ láo liên nhìn lên nhìn xuống, nhìn phải nhìn trái, cái bàn chân phải thỉnh thoảng đạp đạp, hai tay đôi lúc cứ như bóp bóp nhấn nhấn trong không khí. Tôi có cảm thấy là lạ trong đầu, nhưng lúc đó chú cháu ít thì giờ nói chuyện, không kịp hỏi cho tới khi con nhỏ nghỉ việc.

Lần này thì có khác hơn mấy lần trước, nó tự động xin nghỉ chứ không bị đuổi việc. Mặt mày không thiểu não buồn bã, trông nó rắn rỏi hơn, không khóc lóc rầu rĩ mà như đã nhất quyết một điều gì đó, nó nhìn tôi nói:

- Con lại bị người ta ăn hiếp nữa rồi! Tưởng đâu làm với máy là yên, ai ngờ mấy người làm chung với tay xếp thấy con còn trẻ có sức, hùa nhau mà đùn việc làm khó cho con. Ma cũ ăn hiếp ma mới chú ơi! Chú thấy đấy! Từ khi làm chỗ này con không có thì giờ rảnh, làm riết tay chân con cứ phản xạ tự động nhịp nhịp bấm bấm như robot. Con suy nghĩ kỹ rồi chú ơi, trong tay mình mà không có gì hết thì luôn luôn bị người ta ăn hiếp. Kỳ này con đã quyết rồi…

Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Con đã quyết làm gì"

- Con sẽ ghi tên đi học để có một cái gì đó. Có rồi con sẽ phục hận, con sẽ trả thù. Sao con căm thù con người quá chú ơi. Con hận quá đi. Con thề sau này có cơ hội thế nào con cũng báo thù. Con sẽ báo thù…

Nhìn cái mặt đăm đăm dữ dằn của con nhỏ, tôi đâm sợ. Không dám nói gì thêm chỉ biết nói theo:

- Con tính vậy cũng được. Con còn trẻ, cũng nên đi học lại. Con người có người tốt người xấu, không phải ai ai cũng vậy đâu. Thỉnh thoảng nhớ liên lạc với chú…

- Có gì con sẽ nhờ chú. Con hận quá chú ơi!

Đó là lần cuối cùng tôi gặp nó. Nói thì nói vậy nhưng nó không gọi cho tôi. Tôi cứ sợ nó nghĩ ông chú này cũng giống như những con người giang hồ hiểm ác nó gặp. Cái con cháu ngây thơ yêu đời của tôi ngày nào sao lại ra nông nỗi như thế này. Càng thương cho nó tôi lại càng bị nhiễm lây cái tính của nó, nhìn ai ai chung quanh tôi cũng đâm nghi ngờ dè dặt.

Bẵng đi một thời gian dài, trong lúc đang lui cui lựa mấy cái DVD ca nhạc onsale tính mua về nhà coi cho đỡ buồn thì có người nào đó đập vai la lớn: “Chú Dzi ơi là Chú Dzi!”. Quay đầu lại coi ai thì té ra là con nhỏ Hồng. Lúc này nó trông khác ơi là khác, tóc hi lite tí đỏ tí nâu, ăn bận mốt miết khỏi chê. Nhất là cái gương mặt thì ôi thôi tươi như hoa, không còn cái vẻ giận người đen bạc như lần cuối cùng gặp nó. Con nhỏ miệng mồm tía lia:

- Chú Dzi có bận gì hông" Đi ăn phở với cháu. Kỳ này cháu đãi!

Ngồi vào bàn xong con nhỏ gọi bồi kêu món ăn một cách điệu nghệ, không quên kêu thêm cho ông chú ly cà phê sữa đá. Nhìn nét mặt hớn hở của nó, tôi thấy hình như nó chẳng còn nhớ một chút xíu nào hết cái thời gian làm công bị đày đọa ăn hiếp ngày nào. Lâu ngày gặp lại, con nhỏ này đưa tôi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Cái gì làm cho nó thay đổi mau chóng như vậy" Có trời mới biết được!

Biết tôi tò mò ghê lắm nhưng nó không chịu nói ngay, chờ cho người bồi đem hai tô phở với ly cà phê sữa đá ra rồi mới thong thả hả hê vừa cười vừa nói:

- Con trả được thù rồi chú ơi. Mấy người hồi xưa bắt nạt con, mấy con Mỹ lựu đạn lường gạt, mấy ông già mắc dịch, mấy bà ngồi lê đôi mách, mấy đứa con nít ranh, mấy thằng choai choai cà chớn giờ muốn gặp con là phải ngồi đó mà chờ. Chờ con kêu mới được tới, con hỏi mới được trả lời. Ngồi yên không dám mở miệng hó hé một tiếng. Con bảo gì làm nấy. Con trả được thù con sướng ơi là sướng.

Quá đỗi ngạc nhiên tôi mới hỏi:

- Bộ mày trúng số lotto, hay lấy thằng chồng tỷ phú người ăn kẻ ở đầy nhà, hay mày đang làm cảnh sát chìm chuyên thẩm vấn tra tấn phạm nhân đây"

Con nhỏ trố mắt nhìn tôi kinh ngạc, hình như chê cái đầu óc không được thông minh lắm của ông chú, rồi mới thong thả trả lời:

- Chú ơi là chú! Đâu cần phải trúng số hay lấy chồng tỷ phú mới trả được thù. Chú biết mà, con thì làm sao mà thành cảnh sát được, với lại cái nghề này con ghét ơi là ghét…

Thấy con nhỏ dài dòng lý sự, không kiên nhẫn được nữa, tôi mới cắt ngang:

- Thế thì mày làm cái gì mà trả được thù"

Con nhỏ trả lời tỉnh bơ:

- Giờ con đang làm nghề tóc nail! Già trẻ lớn bé đàn ông đàn bà con nít choai choai gì gì đi nữa con cũng đè đầu, lột da, rứt móng tay được hết. Con đã đè là phải ngồi yên, đừng có léng phéng cục cựa càm ràm mà chết với con!

Lưu Thy.

Ý kiến bạn đọc
07/11/201801:49:09
Khách
Vui thiệt ! Thời buổi nầy tiền còn vô như nước không Lưu Thy !
12/08/201117:13:38
Khách
Hahaha cám ơn LT cho mình 1 nụ cười đầu tiên trong ngày.
Cheers,
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,676,714
Tác giả dự viết về nước Mỹ ngay từ năm 2000, năm đầu tiên của giải thưởng. Sang năm 2012, cô nhận giải bán kết với bài “Check Point”.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon.
Thế Vận Hội năm 1984 tại Los Angeles, theo kết toán của Ban Tổ Chức, đạt số lời 250 triệu mỹ kim. Đây là chuyện hiếm có trong lịch sử thế vận.
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ.
Tác giả định cư tại Houston từ 1993, sau hơn 20 năm làm nghề bán bảo hiểm nhân thọ, hiện đã về hưu. Năm 2007-2008, ông đã góp ba bài Viết Về Nước Mỹ:
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp:
Tác Giả sinh trưởng ở miền Nam sông nước, sang Mỹ trước năm 1975, đã về hưu từ lâu và đang cư trú ở Orange County. Ông bắt đầu tham dự VVNM năm 2015
Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2016 tại Ba Lan là nơi hẹn của hơn hai triệu người. Để tới được nơi hẹn, phái đoàn giới trẻ gốc Việt tại Hoa Kỳ đã đi qua 4 nước Âu châu,
Thư tác giả gửi Việt Báo: “Đây là bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tôi. Tên VN của tôi là Nguyễn văn Tới (trong nhà kêu 6 Cam). Hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Sau đây là bài viêt mới của cô.
Nhạc sĩ Cung Tiến