Hôm nay,  

Chuyện… Bắt Hình Dong

21/07/201100:00:00(Xem: 173519)
Chuyện… Bắt Hình Dong

Tác giả: Bảo Trân
Bài số 3308-12-28538vb5072111

Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. Việc làm: Nhân Viên Bộ Xã Hội. Đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm, Viết về nước Mỹ 2009 với bài “Con Bé”, chuyện kể về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu. Sau đây là bài mới của cô.

***

Từ ngày bước qua ngưỡng cửa cái tuổi “bên kia đồi” (over the hill) tôi đã “hối hả” đi tìm những niềm vui mới để chạy đua với thời gian còn lại. Tôi thầm nghĩ, sau ba mươi mấy năm trời “cày sâu cuốc bẫm”, vất vả nuôi con, bây giờ chúng đã công thành, danh toại, thì cũng tới lúc chúng tôi nên nghĩ tới thân mình kẻo lại lâm vào cảnh… chưa lãnh tiền hưu đã ra tiền tử.
Thế nên, mỗi năm tôi cố gắng dành dụm một số tiền, tự thưởng cho hai vợ chồng một chuyến du lịch xa, vài chuyến du ngoạn gần, để chúng tôi có thể thư giãn trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, bù lại những ngày làm việc mệt nhọc. Những ngày cuối tuần chúng tôi cũng có những niềm vui khác nhau: sáng Chủ Nhật, tôi theo Thảo đi học chụp hình, thực tập săn ảnh, còn tối thứ Bẩy nào không phải nấu nướng cho con, hay không bận rộn việc gì khác, thì Thảo và tôi lại hòa mình vào những cuộc hội họp lành mạnh ở nhà mình hay nhà bạn bè, ăn uống, hát ca-ra-ô-kê, rồi học nhẩy đầm (mà mấy người bạn của tôi gọi là xập xình) với nhau.
Tuần trước, sau khi tính toán tiền nong để trả cho chuyến đi chơi Trung Âu vào tháng Tám xong xuôi, thấy còn rủng rỉnh chút ít nên tôi lên mạng tìm mua một cái máy chụp hình mới cho tôi để sửa soạn đi săn ảnh đẹp. Từ bao nhiêu năm nay tôi vẫn an phận với cái máy hình Canon PowerShot S3 IS cũ rích cũ mèm, nhưng từ ngày theo Thảo đi học chụp ảnh rồi tôi lại muốn có một cái máy hình tốt hơn để nhìn cho có vẻ… nhà nghề. Hơn nữa, theo như chương trình du lịch kỳ này thì chúng tôi sẽ được đi qua những con đường có nhiều kỳ hoa dị thảo, và nhất là được đến thăm viếng “Lâu Đài Tình Ái” (Neuschwanstein Castle) ở vùng Hohenschwangau, một lâu đài tuyệt đẹp, được mô tả là nằm trong khung cảnh “non nước hữu tình”. Tôi đã được nhìn thấy tấm hình chụp toàn cảnh lâu đài này trong một cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật cách đây không lâu. Và theo lời của tác giả tấm hình thì muốn chụp được hình lâu đài với đầy đủ chi tiết, rõ ràng như thế thì người chụp ảnh phải đi lên cao, rồi zoom tới. Như thế thì cái máy cổ lỗ sĩ của tôi làm sao mà chụp cho ra hình, ra ảnh!
Mày mò mãi, tôi mới tìm được hai cái máy hình ưng ý: Canon Rebel T3i và Panasonic Lumix DMC-G3. Nhưng đọc tới đọc lui hơn chục bài giới thiệu, phê bình hai cái máy này mất mấy ngày mà tôi cũng không quyết định được nên chọn cái nào. Đúng là mỗi cái một vẻ, mười phân vẹn… chín. Thảo nói, phải nhìn cho tận mắt, cầm xem có vừa tay không, đeo thử lên xem có nặng lắm không rồi hẵng mua, kẻo lại than thở đau lưng, mỏi cổ, hết muốn chụp hình. Tôi thấy cũng có lý nên lục địa chỉ cái tiệm bán máy hình nổi tiếng trong vùng Nam Calif, cái tiệm đã quảng cáo là có nhiều loại máy hình nhất, và đôi khi không tính thuế, để cuối tuần đi mua máy.
. . .

Thứ Bẩy, ăn sáng xong, chúng tôi lên đường. Theo dự định thì chúng tôi đến tiệm bán máy hình ở thành phố Santa Ana trước, rồi khi về ghé đi chợ ở Tiểu Sài Gòn. Có lẽ chúng tôi tới tiệm hơi sớm, nên khách chưa đông mấy. Thế cũng tốt, tha hồ cho chúng tôi đặt câu hỏi. Khi chúng tôi bước vào, thấy có hai người đang đứng trước quầy gian hàng máy Canon nghe người đại diện thương mãi (sales rep) của hãng Canon giới thiệu máy hình, vài ba người khác đang trả tiền mua mấy cái kính lọc ánh sáng, túi xách. Thảo bảo tôi cứ đến gian hàng Canon nghe người này giải thích, Thảo phải đi tìm cái túi nhỏ cho ống kính anh mới mua.
Sau khi người khách đứng nghe trước tôi bước qua gian hàng khác, tôi mới rụt rè hỏi người sales rep về sự khác biệt của hai cái máy tôi muốn mua. Anh ta cười nói:
- Tôi là người đại diện của hãng Canon thì đương nhiên tôi phải nói máy Canon tốt rồi, đúng không" Bà có bao giờ sử dụng máy Canon chưa"
Tôi nói tôi cũng có một cái Canon PowerShot S3 IS loại ống kính dính liền, và tôi cũng có xài ké cái Canon EOS 40D của ông chồng tôi vài lần. Tôi thấy máy hình có thay đổi ống kính cũng chụp được nhiều hình hay hay nên tôi muốn mua máy mới. Anh ta bảo:
- Vậy thì sao bà không mua cái Rebel T3i đi, để hai người có thể thay đổi ống kính với nhau"
Tôi cầm máy Canon Rebel T3i lên ngắm nghía một hồi, thử đeo lên cổ thì cảm thấy cái máy hình này có vẻ hơi nặng đối với tôi. Tôi để máy hình xuống, cám ơn người đại diện của hãng Canon rồi đi tìm người bán hàng xem thử máy Panasonic.
Tôi gặp được ngay một người bán hàng đang đứng vẩn vơ trước tủ kính máy Pananosic. Nghe tôi hỏi anh ta đem ra cho tôi xem hai cái máy Panasonic: Lumix DMC-G3 với ống kính dài bán kèm theo 14-42mm và Lumix DMC-GF3 với ống kính dẹp 14mm. Thật tình mà nói, mới cầm thử hai cái máy này là tôi thấy thích ngay, vì chúng nhỏ, gọn vừa tầm tay, đeo lên cổ cũng thấy nhẹ nhàng. Tuy nhiên tôi thích cái máy G3 hơn cái GF3 vì nó có cái kính ngắm nhỏ (view-finder) mà cái GF3 không có, và cái màn hình lớn (LCD) ở đằng sau có thể xoay ngược, xoay xuôi và gập vào trong để bụi bậm không dính trên mặt kính. Người bán hàng bảo nó cũng được liệt vào hàng máy ảnh “nhà nghề” vì có thể thay đổi được một số ống kính ngắn dài. Nhưng khi nghe nói tới giá cả thì tôi cũng hơi ngần ngại. Tôi im lặng tính toán trong đầu, nếu tôi mua cái máy Lumix G3 này và thêm cái ống kính dẹp 14mm, thì giá thành của nó sẽ vượt quá giá thành của cái máy Rebel T3i đến hơn hai trăm bạc, mà xem lại thì cái máy Panasonic này không mấy “pro” bằng cái máy Canon. Hơn nữa, nếu gắn cái ống kính “cồng kềnh” 45-200mm vào cái thân hình mảnh dẻ của cái máy G3 này để chụp xa hơn thì nhìn nó có vẻ hơi “dị dạng”.
Thấy tôi cứ đứng trầm ngâm trước quầy hàng chẳng nói năng gì nên người bán hàng đem hai cái máy hình cất lại trên tủ kính rồi “phán”:
- Hai cái máy này cũng chưa có trong kho, vì cái GF3 mới được trình làng cuối tháng 6, còn cái G3 thì mới ra đầu tháng 7, muốn mua thì cũng phải ghi tên chờ đợi.
Rồi không đợi nghe tôi nói tiếng cám ơn, anh ta quay sang vồn vã chào hỏi hai người khách tóc vàng, cao to vừa bước tới.
Tôi đi tìm Thảo bảo đi về, không để anh có dịp mua cái túi bọc ống kính cầm trên tay. Tôi tự nhủ thầm là tôi sẽ không bao giờ trở lại cái tiệm bán máy hình ở Santa Ana nữa. Nếu mai mốt “lỡ” công ty này có những chương trình đại hạ giá năm, bẩy chục phần trăm thì tôi sẽ không quản ngại đường xa để cất công lên một cửa hàng khác của họ ở thành phố Pasadena mà mua sắm.

Về đến khu phố Tiểu Sài Gòn cũng đã quá mười hai giờ, hai chúng tôi ghé vào tiệm mì gần đó ăn trưa. Trong lúc chờ đợi nhà hàng đưa thức ăn tới, tôi ngồi nhìn ra bãi đậu xe vắng vẻ. Tôi không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến tình hình kinh tế suy thoái hiện thời. Chỉ năm ba năm trước thôi, cái khu thương mãi này đã đông đảo đến nỗi khó tìm ra một chỗ đậu xe vào giữa trưa, thế mà bây giờ cứ y như chùa bà Đanh. 
Bỗng đôi mắt tôi chạm phải cái bảng hiệu của một tiệm bán hàng điện tử và đồ gia dụng gần đó, nơi mà một người bạn trong nhóm “xập xình” của tôi nói đang có những mặt hàng bán đại hạ giá, nồi cơm điện, bình nấu nước nóng đâu có chừng năm, sáu chục đồng một cái, còn có microphone không dây, máy mixer để hát karaoke cũng đang được bớt từ 30% tới 50% nữa.
Tôi đang cần một cái nồi cơm điện mới. Nồi nấu cơm của tôi vẫn còn dùng được, nhưng nó hơi to cho hai chúng tôi, nấu hai lon gạo mà cứ dính ở đáy nồi. Hơn nữa, từ hồi tôi chuyển sang ăn cơm gạo nâu, gạo đỏ thì tôi phải gắn thêm cái timer để canh giờ nấu cơm qua đêm, vì những loại gạo này cần phải được ngâm trong nước ít nhất là ba tiếng đồng hồ trước khi nấu thì hột cơm mới mềm. Tôi nghe nói sau này mấy hãng điện tử Nhật đã tung ra thị trường một loạt nồi cơm điện mới, có nhiều chức năng, nấu cháo, nấu xôi, nấu cơm gạo trắng, hay gạo nâu đều được cả, muốn nấu loại nào thì cứ việc bấm nút dành cho loại đó, chả phải cần ngâm nghiếc, đợi chờ gì.
Thêm nữa, tôi cũng đang muốn có thêm một cái mixer để chuyển đổi cái dàn máy trong nhà bếp của tôi thành một dàn karaoke như trong phòng gia đình. Dàn máy này cũng có một cái tivi nhỏ, amplifier, dvd player rồi, tôi chỉ cần gắn thêm một cái mixer nữa thôi là tôi với bạn bè có thể vừa ăn, vừa… hát.
Nghĩ thế nên tôi rủ Thảo sau khi ăn mì rồi đi coi nồi điện, máy hát xem có mua được gì không.
Khi tôi và Thảo bước vào tiệm, tôi chẳng thấy có ai ngoài hai ông bán hàng, một người đứng bên trong quầy hàng, tựa tay trên tủ kính, nhìn mông lung ra bãi đậu xe, còn một người đứng phía ngoài quầy hàng im lặng nhìn hai chúng tôi.
Tôi đi hết một vòng chung quanh mấy cái thùng hàng có trưng bầy nồi cơm, bình nấu nước, chảo điện ở bên trên mà cũng không thấy cái nào có gắn giá rẻ như lời quảng cáo. Tôi nhẹ nhàng hỏi người đàn ông đứng trước quầy hàng:
- Tôi nghe nói nồi cơm điện hiệu Tiger on sale, cái nào vậy anh"
Người đàn ông hất hàm về phía góc cửa ra vào:
- Mấy cái nồi ở phía ngoài cùng đó.
Tôi đi vòng lại hướng người bán hàng chỉ, tìm kiếm. Người đàn ông vẫn đứng tại chỗ nói với ra:
- Nhưng mấy cái nồi này ráp ở China.
Nghe nói thế tôi dừng bước không tìm nữa. Từ lâu rồi, tôi đã nghe nhiều tin tức không mấy tốt lành về hàng hóa “Made in China”, mà khổ là 80 % đồ dùng bán ở Mỹ đều có dán nhãn hiệu này. Hơn nữa, từ ngày tham gia cái phong trào tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, nên khi đi shopping tôi vẫn cẩn thận nhìn kỹ mấy cái nhãn hiệu trước khi mua sắm.
Tôi đi vào chỗ trưng bày tivi, máy hát, tìm Thảo. Anh đang xăm xoi một cái mixer mong mỏng. Thấy tôi đến gần anh bảo:
- Cái này chắc được, cũng đơn giản thôi. Nhưng hôm nọ nghe Sam nói chừng $250 mà sao bây giờ thấy gắn giá tới $300.
Thảo vặn vặn mấy cái nút trên máy. Bỗng có tiếng người vẳng lại từ đằng sau:
- Mấy cái nút đó đâu phải nút volume mà anh muốn control lớn nhỏ.
Tôi quay lại, nhìn người đàn ông vừa lên tiếng, người đang đứng trước quầy tủ kính. Ông ta không có vẻ gì là muốn “chỉ bảo” cặn kẽ cho chúng tôi về cách sử dụng cái máy này. Thảo vẫn kiên nhẫn “tìm hiểu” cái mixer một mình. Tôi chỉ cho Thảo thấy mấy cái lỗ nhỏ bên cạnh chỗ cắm microphone nói:
- Chỗ này chắc để cắm dây key control trên microphone.
Người bán hàng đứng tại chỗ lại lên tiếng:
- Key control ở trên máy rồi. Còn mấy cái microphone dây xưa quá, bây giờ đâu có ai xài.
Nói xong, ông ta hướng tia nhìn ra phía cửa. Tôi cảm thấy bất mãn nên nói với Thảo:
- Thôi mình đi.
Chúng tôi dời chân. Khi đi ngang qua chỗ người bán hàng Thảo nói - Cám ơn anh - Người bán hàng đứng bình thản nhìn chúng tôi bước đi không một lời đáp trả.
Vừa lái xe ra khỏi trung tâm thương mãi Thảo vừa lắc đầu nói:
- Không hiểu tại sao cái tiệm này còn tồn tại được với cái lối bán hàng không cần khách như thế! Chẳng lẽ họ bán được nhiều hơn với lối mua bán ở trên mạng, gởi hàng đi xa, nên chẳng đếm xỉa gì đến khách ở địa phương"
Tôi cũng ngạc nhiên không kém Thảo. Tôi tưởng là trong thời buổi kinh tế suy thoái này thì những người bán hàng sẽ vui mừng lắm khi thấy có khách đến xem hàng. Họ sẽ chỉ bảo cặn kẽ và giới thiệu với khách những món hàng bầy bán trong cửa tiệm. Hay là tại họ thấy hai chúng tôi có vẻ “quê mùa” quá, chắc gì đã mua được những thứ hàng “hiện đại” của thế kỷ này" Hay họ ơ thờ vì nhìn thấy cái lối ăn mặc quá “giản dị” của tôi" Mấy hôm nay trời Calif tự nhiên nóng như lửa đổ, tôi lười biếng diện nên “đánh” cái quần dài lưng chừng có tên gọi “capri”, với một cái áo thun ngắn tay rồi thản nhiên đi dạo phố. Tại tôi nghĩ chút nữa đằng nào tôi cũng đi chợ, lại phải qua hàng tôm cá, diện cho đẹp mấy thì áo quần cũng bị ướp hết mấy cái mùi nồng nặc này thôi.
Mấy người bán hàng không biết tính tôi rồi, phải chi, họ ân cần với tôi một chút, thì có thể tôi và Thảo đã mua được những món hàng chúng tôi muốn hôm nay. Tôi còn nhớ, năm một ngàn chín trăm…hồi đó, Thảo và tôi tính đi tìm một cái receiver/amplifier giá rẻ rẻ thôi, nhưng khi bước vào trong tiệm UEI, đang đứng lớ ngớ trước một rừng máy móc, thì được mấy chú em UN, NBT chạy tới, chỉ vẽ rõ ràng về cái hay dở của từng loại máy. Một hồi sau chúng tôi đã hân hoan bưng cái máy Denon ra về, mặc dù cái máy này vượt chỉ tiêu cái máy chúng tôi muốn mua khá xa.

*
Buổi tối Thảo lên mạng, tìm tòi một lúc cũng ra cái máy mixer cùng hiệu chúng tôi vừa mới xem trong tiệm hồi chiều, ở một tiệm bán máy karoke trên vùng Los Angeles, giá chỉ $249 đồng, tính luôn cả thuế. Thảo nói:
- Đi chơi về rồi mình sẽ đi lên tiệm đó coi.
Còn cái máy hình của tôi muốn mua, có một tiệm bán máy hình trên mạng đang rao bán cùng giá với tiệm máy hình ở Santa Ana, và không phải trả thêm tiền thuế mua hàng hay cước phí vận chuyển gì cả, nhưng tôi không tin tưởng lắm ở cái tiệm lạ này nên không dám mua. Tôi mở qua trang mạng của hai tiệm Adorama và B & H mà ông chồng tôi vẫn thường mua hàng ở đó tìm kiếm, nhưng họ chưa có máy, cả hai tiệm đều đang đợi hàng về. Tôi ghi tên mình vào danh sách chờ đợi của B & H, để khi nào có hàng họ sẽ báo tôi hay. 
Tôi email cho Sam, người bạn đã giới thiệu với tôi về chương trình đại hạ giá ở tiệm bán đồ điện tử “không cần khách” này, kể rõ ngọn ngành. Sam viết lại cho tôi mấy hàng chữ an ủi:
- “Chúc mừng! salesperson không tiếp đãi tử tế thì đỡ tốn tiền. Lần sau photocopy vài chục tờ trăm, nhét nửa kín nửa hở, bước vào mạnh dạn với demand voice.” -
Bảo Trân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,309,575
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen đã hơn 15 năm sinh hoạt với Việt Báo viết về nước Mỹ. Tác giả là cư dân miền Bắc California vừa thông báo đã “trả thẻ, về hưu.” Hy vọng viết về nước Mỹ năm thứ 21 sẽ thêm bài viết mới.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, từng nhận Giải Danh Dự VVNM 2001 và giải chung kết VVNM 2004. Khởi viết cùng lúc với giải thưởng Việt Báo, tác giả đã xuất bản cuốn sách đầu tiên, "Cạnh Đền" và mới nhất là "Bước Chân Định Mệnh". Hai cuốn sách gộp chung gần 1.000 trang truyện ký về cuộc đời của chính tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ bảy của bà kể về chuyện họp mặt trường cũ trên du thuyền.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà kể về người bảo lãnh của gia đình, một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù cải tạo, vừa ra đi tại Atlanta.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ khác thường. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết tên thật là Lâm Túy Mĩ (Milam Túy Hoa). Trước 1975, làm việc cho ngân hàng Việt Nam Thương Tín chi nhánh Nguyễn Tri Phương, Quận 5, Saigòn. Năm 1976, sau đợt đổi tiền, bị sa thải vì có chồng là "ngụy quyền". Vượt biển, và định cư ở Hoa Kỳ từ hè năm 1979. Từng là nhân viên thành phố Long Beach trên 28 năm. Sau hưu trí, hiện là cư dân Santa Ana. Mong tác giả tiếp tục viết.