Hôm nay,  

Nhật Ký Florida: 35 Năm Gặp Lại

15/07/201100:00:00(Xem: 33475)

Nhật Ký Florida: 35 Năm Gặp Lại

Tác giả: Phương Nam
Bài số 3302-12-28532vb6071511

Tác giả tên thật Phạm Thu Ly, cùng gia đình định cư tại Mỹ từ 1994, hiện là cư dân Santa Ana, cho biết”nhờ đọc được những lời khuyến khích chân tình từ bác Trùng Quang nơi trang Viết Về Nước Mỹ, tôi mạnh dạn gởi bài viết đầu tiên này.”Bài viết của tác giả này tình tiết đều là sự thật, chỉ có tên nhân vật là đổi khác. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.

***

Đầu tháng 12/2010, em dâu ở Florida gọi báo tin cuối năm nay gả con gái, hỏi anh chị có sang được không em gởi thiệp mời" Tôi nói đi chứ, chị sẽ sắp xếp đến ngày đó mình gặp nhau.
Tuần sau tôi nhận được thiệp, đám cưới đúng ngày 01/01/2011. Thiệt là khéo chọn ngày… Như vậy là NewYear năm nay chúng tôi sẽ không có mặt ở nhà! Nhưng đã hứa rồi, phải đi thôi. Phải đi, trước là dự tiệc cưới cháu đáp lễ ba năm trước đây em dâu và hai con đã sang Cali dự đám cưới con gái út, sau cũng muốn cho ông xã tôi và chú em gặp gỡ thăm nhau. Đã mười năm rồi hai anh em chỉ nói chuyện qua điện thoại, tuổi già lại đau bệnh hoài, biết mai này ra sao, ai còn lại, ai sẽ ra đi trước"! Thôi thì kỳ này đi thăm nhau, biết đâu có thể là duyên trời xui khiến…
Tôi gọi đại lý hỏi vé, ngày đi là 31/12 không còn ngày nào sớm hơn! Kề sát ngày cưới quá, tôi cũng thấy lo lo, hậu quả những trận mưa bão vừa qua vẫn còn để lại dư âm làm tôi hết sức ưu tư… ngộ lỡ có gì! Thôi, cũng cầu xin ơn trên ban cho điều may mắn chứ biết làm sao hơn! Vợ chồng Út và cháu ngoại Nathan 3 tuổi cũng tháp tùng theo, nói trước thăm chú thím, dự đám cưới em xong, sau đó sẽ cho con đi Disney World chơi cho biết.
Vậy là bầu đoàn thê tử chúng tôi gồm có năm người, bắt đầu chuẩn bị, dự trù đi khoảng một tuần vì ai cũng phải đi làm trở lại đầu tuần sau đó.

12/28/2010
Em dâu lại gọi. Chị mua vé chưa" Nhớ đi nha chị. Tôi nói vé mua xong rồi, chắc cứng một trăm phần trăm, đừng có lo. Em bảo: Báo chị thêm một tin vui nữa. Chị còn nhớ chị Minh không" Tôi mơ hồ… Chị Minh nào" Hồi ở quận X. nhà chỉ đối diện với nhà máy xay lúa đó chị… À, nhớ rồi, nhớ rồi, mà sao thím lại nhắc đến chị ấy, chỉ có qua Mỹ không" Dạ, chỉ đi du lịch, đang ở Washington DC. Em vừa liên lạc được với chỉ qua một người quen, chỉ hứa sẽ sang dự đám cưới cháu Hương đó chị. Vậy sao, kỳ này vui lớn, vui dữ dội à nghen, mà chỉ hứa có chắc không" Chắc chị, em mới cho số phone của chị, lát đây thế nào chỉ cũng gọi thăm chị đó, nghe em nói có anh chị sang chỉ mừng lắm. OK, cám ơn thím nghen, thôi mình phải cúp phone cho chỉ gọi lại chứ.
Gác điện thoại, lòng bồi hồi xôn xao chưa dứt, thì có tiếng reo…Alô, xin cho gặp cô Thu. Tôi cầm phone lên, nghe tiếng, biết chắc là chị chứ không ai khác, tôi vô đề ngay Chị Minh phải không" Chị trả lời kèm theo tiếng cười dòn dã chân quê. Trời ơi, sao biết tui hay dậy" Em đợi phone chị nãy giờ, thím nó có cho em hay rồi, giọng chị em còn nghe quen, không quên được đâu. Cô Thu còn nhớ chị là đủ chị dui rồi…
Chúng tôi hỏi thăm nhau tíu tít, chuyện bây giờ, chuyện hồi xưa…Mới đây mà chị em tôi không gặp đã ba mươi lăm năm trời. Ôi, chuyện đời sao chỉ như một giấc mộng" Tôi dặn, còn ba hôm nữa em sẽ gặp chị, từ bây giờ đến ngày đó, có rảnh chị gọi cho em, đọc số đìện thoại cho em ghi cái đã…
Thế là mỗi ngày, chị em tôi gọi thăm nhau, tỉ tê vài mươi phút, lục lọi lại trí nhớ, tôi hỏi chị hết chuyện này đến chuyện khác. Qua lời chị tâm sự tôi cũng được biết, sau 75 chị cùng bốn đứa con đã dời vào Sài Gòn, rồi nhờ liên lạc được với ông xả ở bên Mỹ, anh ấy đã chi viện tiền đô khá nhiều để lo cho mẹ con chị, còn xây dựng một căn nhà khá khang trang, bốn đứa con no đủ ấm êm, ăn học nên người, nay tất cả trưởng thành có chồng, có vợ, có con, đều nhờ vào tiền đô của bố gởi về. Hiện tại các cháu còn làm chủ một cửa tiệm khá lớn bán mua hàng điện tử. Chị đi du lịch vì muốn biết đất nước Mỹ, nhân đó cũng muốn kiếm ít tiền đô bằng việc giữ baby cho người cháu, mỗi tháng ngàn đô la.
Vậy cũng mừng cho mẹ con chị. Lòng tôi bất chợt thoáng có chút ưu tư. May mà có cái vụ đi Mỹ theo diện HO cho nên giờ gia đình chúng tôi mới được như thế này, nếu nước Mỹ không mở rộng vòng tay đón nhận và người Hoa Kỳ không từ tâm, nhân ái cưu mang tất cả những người lính VNCN bị tù cải tạo, những bé con lai, những người đoàn tụ nhân đạo… không biết giờ này chúng tôi và bè bạn sẽ ra sao" Chị còn có đô la của anh ấy, còn chúng tôi có gì ngoài hai bàn tay đơn, cuốc đất trồng khoai qua ngày đoạn tháng! Cùng thời, người ta đi HO.4, HO.5 còn chúng tôi mãi đến thứ 21, cũng bởi không có tiền chi phí cho dịch vụ.
Cuối cùng chị em tôi đành đợi ngày 31/12 hẹn gặp tại Tampa.

Thứ sáu 12/31/2010
Mới 4 giờ sáng Nathan đã bị mẹ gọi dậy để rửa mặt thay đồ, tội nghiệp thằng cháu ngọai còn ngái ngủ, mắt mở chưa ra, mơ mơ màng màng, thấy thương làm sao. Mẹ nói sẽ cho leo lên máy bay, bay cao trên bầu trời, thế là bé tỉnh dễ dàng, mặc quần áo xong qua gõ cửa phòng cậu nói cậu ơi chở Nathan ra phi trường. Mẹ vừa khoác thêm cái áo lạnh xong là kéo túi hành lý nhỏ xíu ra xe.
Trời hôm nay khá lạnh nên ai cũng mặc thêm áo ấm thật dày, bốn người lớn chúng tôi vai mang tay kéo, còn kèm thêm một thùng nào nem nào chả, nào giò bì, chả Huế, nào chả lụa, giò thủ, bánh chưng…làm quà cho gia đình chú thím.Chúng tôi lục đục lên xe, trực chỉ phi trường John Wayne. Sau khi dặn dò con trai đủ thứ, tôi bảo con nhớ nói Deon, bà nội hôn mấy cái từ giã, ít hôm nội về.
Phi cơ cất cánh đúng 6 giờ 45 sáng, đến Phoenix nghỉ độ một giờ rồi chuyễn chuyến khác bay một lèo đến phi trường Tampa lúc 3 giờ rưởi chiều (giờ Florida), tôi mừng, thở phào nhẹ nhõm. Cháu gái là Hương (cô dâu tương lai) ra đón chúng tôi, bác cháu ôm nhau mừng rỡ. Tôi hỏi cháu cô Minh đã tới nhà con chưa" Dạ rồi bác, cô đang ở tiệm con, bác có muốn gặp con chở bác ghé tới. Thôi con cho về nhà để bác trai và anh chị nghỉ cho khỏe, chút xíu mình đi sau cũng được.
Vì đã được báo trước cho nên tôi nhìn là biết chị ngay. Đúng là người ba mươi lăm năm cũ, nay mới gặp lại, đang đứng trước mặt tôi đây, thời gian đã làm nhạt phai nét thanh xuân cả tôi lẫn chị, chị bây giờ không còn trắng trẻo mịn màng như thuở nào, khuôn mặt căng tròn phúc hậu giờ đã nhường chỗ cho những nếp nhăn với màu da nâu sẫm, vẻ mặt chị có nét ưu tư, nghiêm nghị. Tôi vẫn còn nhớ chị có hai cái răng mọc hình chữ V, trông ngộ mắt, chỉ khi chị cười mới thấy. Tôi ôm chị trong vòng tay mà nước mắt trào ra vì mừng vì vui quá…
Nhìn kỹ chị vẫn còn đẹp (mà đẹp lão), tuy không trắng trẻo mịn màng như xưa nhưng chị cũng không đến nỗi tiều tuỵ, gầy gò như những người vợ, người mẹ khổ cực, lam lũ bên quê nhà. Chị cũng nhìn tôi hồi lâu nói, cô Thu không thay đổi gì mấy, có điều lúc còn đi dạy dáng gầy gầy, mặc áo dài eo ếch thon thả thấy mê, giờ…hơi tròn tròn chút xíu, nhưng lớn tuổi phải tròn tròn mới sang mới đẹp… Tôi nói cám ơn đã ca tụng làm người ta nở mũi to như trái cà chua.
Cháu chủ tiệm nails này là Khanh, chị lớn của Hương cũng vừa xong người khách, chạy tới ôm tôi chặt cứng nói, có gia đình hai bác qua ba mẹ con và tuị con mừng lắm. Tôi bảo bác cũng rất là vui được gặp mấy con. Ô la là có cả Út Vân nữa, nay thấy khác nhiều, đẹp hẳn ra, trông xinh gái quá cở. Nó nhìn tôi hớn hở nói con nhìn bác gái không ra…
Ba năm trước Hương và Vân có sang Cali cùng với mẹ, Khanh bận trông coi tiệm nên không đi được, tính ra Khanh và chúng tôi đã trên hai mươi năm không thấy mặt nhau, nghĩ mà giật mình! Các cháu bây giờ đều khôn lớn, thành đạt cho nên mình cũng già, cũng tàn phai, mai mốt lú lẫn rồi đi theo ông theo bà mà bỏ con bỏ cháu. Chuyện đời vốn vậy mà… Hai mươi năm không gặp cháu, ba mươi lăm năm không gặp bạn hiền xưa, giờ gặp nhau nơi xứ người, tha hương ngộ cố tri, tâm trạng tôi lúc này lâng lâng như vừa nhấp xong chút rượu, lòng tôi thênh thang rộng mở như có ngọn sóng nhỏ dâng tràn, mát mẽ như có một luồng gió len nhè nhẹ dẫu ngoài trời Tampa đang đầy nắng ấm. Cảm giác thật là tuyệt vời, khó diễn tả làm sao!
Từ giã Mahatthan Nails, tất cả đều tập trung về nhà của Khanh, đông vui hết biết. Hai anh em chú Tỷ quàng vai nhau thấy mà thương! Khui thùng quà ra, cháu lấy mỗi thứ một cái, xắt ra, xếp trên chiếc đĩa to, cả nhà quay quần dưới nền nhà trải tấm nylon, vừa ăn vừa trò chuyện rôm rã. Chị Minh cứ cầm đủa chẳng gắp thức ăn cứ hỏi đủ thứ, làm trả lời không kịp. Chuyện của từng gia đình lúc còn ở VN, chuyện hôm nay ở Mỹ, chuyện các con các cháu… tất cả làm thành một bản trường ca bất tận. Trên counter, hai ông anh em cũng rầm rộ không thua kém, đang điều tra nhau quyết liệt, còn nhắc tới những lúc đi mở đường, những trận đánh, những lần dắt lính đi hành quân, ai mất, ai bị thương tên chi tên chi hai anh em cũng đều nhớ hết. Chú Tỷ gắp miếng mồi rồi đưa cao ly bia lên, hai anh em cụng ly nghe lốc cốc. Nhắc chuyện vui thì cười rộn rã, hít cả con mắt lại, nhắc đến chuyện buồn, thì giọng chùng xuống ngậm ngùi, chú em lâu lâu chêm. một tiếng chửi thề…
Nói chuyện tới khuya, tôi cáo lỗi vì phải còn phụ cháu làm món chả giò để mai đãi khách, mọi người lần lượt ai về nhà nấy, bác cháu tôi bày đồ hàng ra gói chả giò, vừa làm, vừa nói chuyện tới 2 giờ sáng mới xong.

Thứ bảy 01/01/2011
Mặt trời dần lên cao, nắng đẹp báo hiệu một ngày ấm áp. Các cháu trang trí nhà cửa thật đẹp mắt, gọn gàng, bàn thờ ông bà đèn thắp sáng trưng, một lọ hoa tươi đẹp rực rỡ đặt bên cạnh mâm ngũ quả được sắp rất mỹ thuật, công phu. Trước sân nhà có nhiều bóng mát, một dây pháo dài ngoằn được treo trên cành cây cao chờ đợi.
Đàng trai vừa mang mâm quả bước vô tới sân là dây pháo được châm ngòi nổ đùng đùng vang trời, chát cả lỗ tai, dây pháo quá dài, nổ hoài không chịu dứt; làm mấy cô gái bên họ nhà trai đứng chờ ngoài nắng có vẻ sốt ruột…
Hai họ chào hỏi nhau, lễ nghi tuy đơn sơ mà đầy đủ: một con heo quay được phủ tấm khăn điều, cái đầu chú heo đưa ra, miệng ngậm cái hoa hồng màu đỏ. Tôi lầm thầm niệm Nam Mô A Di Đà Phật... Rồi mâm quả trầu cau, bánh trái, rượu trà… lần lượt được nhà gái đón nhận trong niềm vui tràn đầy, tất cả được mang đặt trên cái bàn lớn phía dưới, trước bàn thờ Tổ Tiên. Nhìn ánh mắt rỡ ràng, hân hoan của cha mẹ cô dâu lúc này tôi chợt thấy trào dâng lên một niềm xúc động. Đây là lần đầu tiên gả con gái với đầy đủ nghi lễ trang trọng thế này, chắc hẳn trong trái tim của kẻ làm cha mẹ ấy phải hãnh diện, vui sướng lắm chứ sao không"
Rồi tối đến, bữa tiệc cưới chính thức cũng được diễn ra trong một khung cảnh rất ấm cúng, tươi vui rộn ràng. Cô dâu nhỏ nhắn xinh xinh, nói năng dịu dàng, nhẹ nhàng cử chỉ, e ấp trong chiếc áo cưới trắng tinh cùng chú rễ khoác bộ suite trắng, đang tay trong tay chầm chậm tiến bước lên lễ đài giữa tiếng nhã nhạc êm ái, dìu dặt làm tăng thêm phần trang nghiêm cho buổi lễ cưới hôm nay. Quan khách, bạn bè ngồi tham dự hai bên nồng nhiệt vỗ những tràng pháo tay vang rền, không dứt…
Chị cả cô dâu còn kẹt lại ở VN, chị kế là Khanh đằm thắm trong chiếc áo đầm dài màu xanh nước biển, vai khoác thêm dải luạ càng làm tăng vẻ yêu kiều duyên dáng bên cạnh ông xã cao lớn như người Mỹ, có giọng nói rặt người xứ Huế ấm áp, tính tình hiền hòa dễ thân thiện, vợ chồng có hai bé trai ngoan đáo để. Em út là Vân làm phù dâu cho chị, mặc chiếc váy ngắn màu rượu chát, khuôn mặt tròn sáng đẹp như nụ hoa đang hé nở. Chú thím ấy không có con trai, chỉ có cô con gái nuôi và bốn con gái ruột.
Trong khi chờ đợi nhập tiệc, chị Minh rủ tôi ra ngoài chụp thêm mấy tấm hình, chị muốn khi về lại VN có nhiều hình để khoe con cháu. Con trai lớn của chị là học trò của tôi ngày trước, nó dặn mẹ nói cô Thu cho con xin mấy tấm hình.
Thế là tiệc cưới cháu Hương đã thành tựu viên mãn. Tàn tiệc ra về ai nấy cũng đều thở phào nhẹ nhõm, chúng tôi lại râm ran trò chuyện gần hai tiếng đồng hồ, rồi vì quá mỏi mệt mấy cậu trẻ lăn ra nằm đại dưới nền nhà, đã hơn 2 giờ sáng rồi còn gì. Trước khi ra về chú em còn dặn mai anh chị lên nhà em uống cà phê.

Chúa nhật 01/02/2011
Mới 7 giờ sáng chú đã gọi, nói chị Minh đang ngồi chờ…Thiệt là hết nói nỗi! Tôi ừ ừ… mà mắt mở chưa ra! Phải dậy thôi chứ biết làm sao chừ"
Nhà gần, hai đứa tôi đi bộ cho khỏe gân cốt. Quang cảnh xóm làng nơi đây quá tĩnh lặng, yên bình, dọc hai bên đường nhiều cây cao to che phủ, cho nhiều bóng mát. Đường sá nhỏ hẹp, xe cộ không nhộn nhịp ồn ào, nhà cửa không thấy có vườn cây, sân nhà không thấy ai trồng bông hoa rực rỡ, có điều lạ là không hiểu sao sân cỏ nhà nào cũng giống nhau đều khô cháy.
Chỉ 5 phút là tới nhà, thắc mắc lúc nãy được chú cho biết mùa lạnh ở đây lạnh dữ lắm, nhà nào cũng vậy, cỏ cây hoa lá gì cũng chết ráo. Cả bọn năm người chúng tôi ngồi quanh chiếc bàn dài vừa nhấm nháp cà phê vừa chuyện trò. Cũng vẫn là những mẫu chuyện của những ngày xưa thân ái như mấy hôm nay vẫn nói, vẫn kể, nhưng sao mỗi lần đem ra nói vẫn cứ thấy mới hoài nên cứ nói hoài không thấy chán.
Ông xã tôi hồi trước đóng quân ở quận X, có biết chị nên mấy chị em cũng dễ dàng hòa nhập với nhau, thế là cả bọn khởi sự ra nhắc lại chuyện ngày xưa tiếp. Phải nói chị Minh cũng có bộ nhớ thiệt hoàn hảo, chú thì cũng có hạng chứ chẳng thua ai… nhưng khi giám khảo là tôi và thím sắp nhỏ chấm điểm thì hạng nhất vẫn là anh chàng chiến binh tài ba đó, chị Minh và chú được xếp hạng nhì, còn tôi...hạng chót! Nghe mấy người nhắc chuyện cũ, tôi cứ to mắt, nghếch tai ra mà nhìn mà ngóng, mười chuyện tôi chỉ nhớ hai, ba. Chú em hỏi tới đâu, anh chàng kể vanh vách tới đó còn thêm chị Minh phụ trợ, chú ngồi nghe lâu lâu chêm vào một câu, rồi gật gật cái đầu hói sọi bảo Em phục anh sát đất, anh nhớ dai không thể tưởng tượng được…
Chú còn muốn biết mấy trận đánh ở đồi Hoàng Hoa Thám (Suối Nhuôm, Sông Lũy) năm nào, anh chàng cùng chiến hữu đã chiến thắng vẽ vang. Ông xả lại một phen tường thuật giống như một phóng viên chiến trường dạn dày kinh nghiệm.
Kể một hồi, anh chàng kết luận - Không phải chỉ một mà là hai trận, trận đầu tháng sáu và trận sau tháng mười, cùng năm1970. Chú biết không, sau hai trận đó Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu và ban nghi lễ đi trực thăng ra tận sân vận động Chi Lăng (Quận Hòa Đa) làm lể gắn huy chương và tưởng thưởng cho toàn đại đội một trăm ngàn đồng. Chị Minh cười cười hỏi: Chú, ông Tổng Thống có nói gì với chú không" Sau khi gắn cho tôi cái anh dũng bội tinh và ngôi sao vàng xong Ổng bắt tay tôi rồi vổ vai hỏi: Em có gia đình chưa, bao nhiêu tuổi rồi" Tôi nói: Dạ có rồi, em 22 tuổi... Chú Tỷ xen vô - Lúc đó anh làm đại đội trưởng phải không" Anh ừ. Anh lên trung úy chưa" Đâu có, mới thiếu úy thôi, sau này về quận Thiện Giáo, ở đại đội ông Thổ Thêm, đánh mấy trận nữa mới lên trung úy.
Tôi thay ông xả viết đoạn này vào đây là để anh có chút hy vọng tìm được những anh em, chiến hữu của mình để có thể liên lạc với nhau, tìm thăm nhau sau những năm dài đã bặt tin vì binh biến.

Chúng tôi hỏi chị tình hình bên quê nhà những năm gần đây, bỗng nhiên chị chuyễn tông. Cô còn nhớ thầy Trâm hiệu trưởng trường cô dạy không" Nhớ chớ sao không, ảnh bây giờ ra sao rồi chị" Chết rồi! Tôi giật mình. Sao vậy chị Minh" Ổng bị ung thư gan, chết hồi năm ngoái. Còn vợ con ảnh bây giờ ra sao, còn ở quận X không chị" Dọn vô trong khu kinh tế, nghe đâu cũng cực… Tôi ngồi lặng một thoáng, Tôi nhớ đến Tiểu đoàn 230 nơi ông xã tôi đóng quân, nhớ con đường đến trường mỗi sáng phải đi ngang qua quận X, nhớ mấy cha nội lính có, sĩ quan cũng có, mỗi khi chị em chúng tôi đẹp đẻ, xinh tươi trong chiếc áo dài đi qua, là mấy ổng chọc thôi là chọc làm cô nào cô nấy chân bước không nỗi vì run… Tôi nhớ ngôi trường mái ngói đỏ au, nhớ hai dãy phòng học, nhớ các cô bạn đồng nghiệp, nhớ rất rõ từng khuôn mặt thơ ngây của đám học trò nghèo, nhớ những lần phạt đòn roi…mà nước mắt tôi chợt trào ra. Làm sao tôi quên được đám học trò tội nghiệp, nhớ năm 2000 về, tôi có ghé lên trường hỏi thăm nhưng toàn những khuôn măt xa lạ vô cảm! Thôi thì bằng tâm tư của một đồng nghiệp ngày nào, tôi xin thầm lặng gởi đến anh lời cầu ngyện… mong anh được thanh thản ở cỏi vĩnh hằng.
Đang khi bần thần thì trong nhà điện thoại reo vang… Cháu Khanh gọi nói đi chợ trời cho vui bác. Tôi OK. Phải đi ra ngoài một chút cho thư giãn đầu óc. Theo cháu lên xe, tôi để ý thấy cháu cho xe chạy trên một chiếc cầu dài về hướng biển 275 N. Hỏi cháu tên cầu cháu nói Howard Frankland Bridge, đây là chiếc cầu dài nhất trong ba chiếc cầu nằm chung trong Old Tampa Bay. Nói là vịnh nhưng tôi nhìn thấy biển rộng mênh mông, trải dài bát ngát tận chân trời. Nhìn xa thật xa bên phải và trái, giữa khói sương lờ mờ hiện ra hai vệt dài màu trắng xám, đó là hình tượng của hai chiếc cầu Gandy Bridge (wy 92) và Courtney Camphell (wy 60). Chị Minh ngồi bên suýt xoa, chỉ có ở Mỹ thôi, cầu gì mà đẹp và dài hết biết.
Lái xe cở 40 phút là tới chợ. Nhìn vào tôi thấy không náo nhiệt, đông vui bao nhiêu, cháu nói bữa nay đi hơi trễ nên coi bộ vắng. Bác nghe nói bên Florida trái cây tươi ngon mà lại rẽ nữa, con coi có thì mua về ăn cho đã. Đi vòng vòng một hồi không thấy có cây trái gì ngon, cháu ghé hàng bán giỏ xách mua một cái tặng cho chị Minh để làm kỷ niệm. Ghé hàng cá tươi, cháu lựa năm sáu con cá măng nói về nấu bánh canh chả cá ăn đổi món, cá măng làm chả dai và ngon lắm bác. Tôi nói bên Cali, chợ trời đông đúc náo nhiệt lắm nhưng mà không có bán hàng hải sản, chợ trời ở đây có bán cá tôm cua sò ghẹ tươi ngon quá. Về nhà tôi phụ cháu nạo cá làm chả hấp, chả chiên, nấu nồi bánh canh to đùng, bác cháu to nhỏ một hồi, chẳng mấy chốc đã xong.

Thứ hai 01/03/2011
Sau khi ăn sáng xong chúng tôi chuẩn bị đi Orlando để đến Disney World, nhân tiện đưa dùm chị Minh trở về để lo một vài việc quan trọng. Như vậy là chúng tôi gần gũi nhau chưa được bao lâu đã phải chia tay. Chị bịn rịn từ giã gia đình chú em, chúng tôi ra xe trực chỉ Orlando lúc ba giờ chiều.
Cháu Hương giao cho chiếc xe van nhỏ gọn, nói không mấy khi gia đình hai bác qua chơi, cứ lấy xe con đi đi, con có dư một chiếc. Từ Tampa đến Orlando mất 2 giờ lái xe, xe chỉ có năm chỗ mà chúng tôi bạo gan ngồi chen nhét băng sau bốn người. Chị thì không muốn phiền người bà con, tôi thì muốn kéo dài thời gian gần gũi chị cho nên… làm liều một chuyến, cũng may dọc đường không có chuyện gì xảy ra. Chỗ chia tay là trước cửa chợ Tiến Hưng, chị sẽ có người ra đón tại đó. Trong khi chờ, tôi lấy cái máy ra nói con gái chụp cô và mẹ tại chỗ này một tấm kỷ niệm, nhớ có tên chợ Tiến Hưng nghe con, để mai mốt già hom hem mẹ lấy hình ra xem lại để mà thấy bồi hồi trong dạ. Nghe tôi nói vậy chị chảy nước mắt, tôi thì quay mặt đi để dấu những ngậm ngùi! Xe tới, ôm chị lần cuối tôi hẹn khi đi chơi về sẽ lại gọi thăm nhau.
Chúng tôi tạm nghỉ tại Motel Days Inn, tắm rửa xong, ba của Nathan đưa hai mẹ con đến thăm Thái - một người bạn thân, nghe nói có đãi món phở, còn chúng tôi nghỉ ngơi sớm để mai may ra khỏe cẳng, khỏe người chạy theo kịp thằng cháu ngoại.

Thứ ba 01/04/2011
Con gái chọn chơi ở Magic Kingdom park đầu tiên, Thái có người cô làm trong đó, đưa được bốn người chúng tôi vô miễn mua vé, cũng đở (nghe nói 98 đô một vé), còn ba Nathan phải tốn tiền. Cháu ngoại vui mừng hớn hở, chạy lăng xăng chỗ này sang chỗ khác như con khỉ con liến lắc nghịch ngợm, ông ngoại thì chạy theo giữ nó cho tôi chụp hình.
Từ nào tới giờ hai đứa tôi chưa từng đi đâu chơi xa, cũng chưa hề biết Disney World là cái chi chi, nay đứng trước cảnh sinh động, nguy nga tráng lệ, nhộn nhịp, đông vui thế này tôi chỉ biết đứng nhìn ngơ ngẫn…Wow, người ở đâu mà nhiều quá thế này, cố tránh mà đi cứ vẫn đụng vào nhau! Disney World rộng mênh mông với những rừng cây bạt ngàn, xe chạy cả buổi mà vẫn chưa thấy tới nơi muốn tới, rồi những đoàn xe bus tấp nập đưa đón du khách vào thưởng ngoạn, parking trải dài vô tận. Ngay cổng vào, một quả cầu bạc khổng lồ, lóng lánh trên cao tỏa sáng chói lòa dưới ánh nắng mặt trời, chiếu xuống những ngọn nước nhân tạo đặt theo hình vòng quanh những bức tường lớn bằng đá bóng loáng, lấp lánh như dát bạc…đón chào du khách.Cảnh đẹp quá sức tưởng tượng, mùa này là mùa của trăm hoa đua nở nên đẹp lạ kỳ, đẹp rực rỡ, chỗ nào tôi cũng muốn chụp hình cho cháu ngoại, để mai mốt lớn lên cháu sẽ biết được hồi nhỏ mình đã từng có lần đặt chân tới nơi đây.
Vợ chồng tôi theo từng bước chân của tiểu gia đình nhà nó vui chơi nhiều trò, ba đứa cùng ngồi vào chiếc xe con nhỏ xíu chạy trên hai đường ray, rồi cùng đi xe điện, xe vô đường hầm tối thui mà thằng cháu không hề hoảng sợ chút nào, miệng còn cười toe toét, rồi cưởi voi bay, chạy đua ngựa, còn đi tàu lữa trong những khu rừng hoang dã.
Cả bọn chúng tôi đón xe điện để qua khu Ferryboat, nhìn những xe điện chạy loang loáng quanh co trên những chiếc cầu cao, tôi thấy muốn chóng mặt.Từng dòng người nhộn nhịp, tấp nập cùng xuống bến tàu. Đó đây cảnh đẹp lạ thường, xa xa những tòa lâu đài hồng mái đỏ, cao chót vót dần hiện ra giữa trời nước mênh mông trong lành, bên kia bờ một chiếc tàu ngược chiều đang êm ả lướt tới, cảnh đẹp nên thơ như một bức tranh.
Đến khu vui chơi Mickey’s Toontown Fair, cháu ngoại mừng hí hửng nói- con chuột Mickey giống của Nathan. Tôi nói đứng yên cho ngoại chụp hình, nó chịu liền, tôi làm một hơi ba bốn tấm cho hai mẹ con.Qua những nhà hàng, những nơi trưng bày bán đồ lưu niệm…cũng làm tôi lạ lẫm, ngẫn ngơ nhìn không chán mắt.
Theo chân con đi qua rồi mà tôi cứ muốn nhìn ngoái lại tòa lâu đài xanh nhạt có những đỉnh cao chót vót, trước sân dàn nhạc đang hòa tấu một bài nhạc ngoại quốc, các vũ công đang biểu diễn ca vũ, nhảy múa rất là ngoạn mục. Cây thông sao mà cao quá sức, ngẫng nhìn muốn mỏi cả cổ, đèn sao, quả châu giăng đầy, chắc là khi trang trí trên cây thông người ta đã phải dùng cần cẩu là cái chắc.
Đằng kia, một đám đông người đang dồn lại.Việc gì đây" Thì ra họ đang nhìn môt cổ xe ngựa rất đẹp, phía trước chú ngựa cao to mập ú nghiêm chỉnh kéo xe chạy lốc cốc, lốc cốc…làm tôi nhớ lại những xe thổ mộ ngày xưa. Chuẩn bị sẳn sàng tôi dặn - hai ông cháu canh xe ngựa đến gần thì đứng im cho em chụp hình. OK, đẹp quá.
Hồi đi không nhớ mang theo máy quay phim, chỉ toàn hình chụp, mai mốt nhìn tấm ảnh cũng không nhớ nỗi đã chụp ở nơi nào, tôi đúng là…là Tư Ếch đi Sài Gòn có khác!
Đi hồi lâu thấy đói cả bọn kéo vào một nhà hàng. Lại phải xếp hàng tiếp, chúng tôi tìm chỗ ngồi nghỉ chân, con rể lo phần ẩm thực, chúng tôi ăn món gà chiên dòn, khá đắt, nhưng ngon. Đi thêm vài nơi cho cháu chụp hình một hồi, thấy Nathan có vẻ mệt, mắt lim dim, mẹ nó nói thôi về, mai chơi tiếp nha con" Nó dạ, nói con buồn ngủ quá.
Cả một Disney World mênh mông, vĩ đại, lộng lẫy, đẹp vô cùng tận như vậy mà tôi chỉ gom lại có mấy dòng, thật là tôi có lỗi lớn lắm. Xin hãy bỏ quá cho dùm vì tôi vừa phải chăm kỹ thằng cháu ngoại liến láo, vừa phải chạy từ chỗ này sang chỗ khác làm phó nhòm, còn phải đứng chờ đến lượt cháu con mình được vào bên trong vui chơi, rồi còn sắp hàng đợi mất cả 30 pnhút mới đến phiên Nathan chụp hình lưu niệm với mấy chú Tigger và Winnie the Pooh nữa. Hai chân tôi cứ đi qua, đi qua không dừng lại, thế mà chỉ có chừng ấy đã mất hết cả ngày, mỗi nơi chỉ là lướt qua chứ đâu có thời gian dừng ngắm lâu hơn được.
Tôi nghĩ phải vài tuần đi dạo, chiêm ngưỡng Disney World cũng chưa đủ huống chi chỉ có một vài ngày như chúng tôi thì làm sao có thể nhìn thấy và hiểu hết Disney cho được và như thế thì làm sao không có điều thiếu sót"
Cả ngày đi chơi vui quá, chiều tối về vợ chồng Thái và Thoại goi phone mời đi ăn hải sản. Tiệm không lớn lắm nằm sát bờ biển, cua ghẹ còn tươi sống bò ngọ nguậy trong mấy cái thùng, Nathan và hai con của Thái thích lắm, cứ muốn thò tay vào bắt! Hai cậu trai chọn món chế biến ngay tại chỗ, tôi mà đãi thì tôi sẽ không chọn món này.
Ngoài sân, có mấy bộ bàn ghế kê sẳn cho khách ngồi ăn uống thoải mái. Lâu rồi không ăn cua tôm, nay phần đói bụng, phần lạ miệng nên ăn thấy rất ngon.Về lại Motel, Nathan có vẻ oãi, cu cậu cả ngày cứ chạy lăng xăng, bi bô luôn mồm, bây giờ chắc mệt nên đòi ngủ sớm.

Thứ tư 01/05/2011
Sáng ra con gái nói muốn đi nữa mà mỏi giò quá mẹ ơi, ngán Nathan quậy, con mệt quá. Nghe nói không đi Disney nữa,Thọai xin nghỉ làm để đi chơi cùng chúng tôi, tiếc ngày nghỉ của cháu, tôi áy náy, nhưng cháu nói lâu ngày không gặp, nay gia đình cô qua đây tụi con mừng lắm, nghỉ một hai ngày đâu có gì. Thế là cả bọn lên xe tìm chỗ để ăn đồ biển tiếp (Bình, con rể tôi mê ăn đồ biển lắm).
Chạy lòng vòng một hồi ra hướng biển, xuống xe hỏi thăm nhưng nơi này chẳng thấy có bán gì ăn, sẳn có cái park gần bên Nathan đòi xuống chơi cầu tuột, chúng tôi cho các cháu xuống chơi một hồi, chụp nhiều hình, ba thằng boys như hợp nhau, chơi giỡn rất vui vẻ, rượt đuổi nhau làm mình chạy theo muốn hụt hơi!
Nơi đây cảnh đẹp, mát mẻ, nhiều cây cao lớn, đó đây có nhiều người thưởng ngoạn, khí hậu thật lý tưởng cho người điạ phương. Trước khi lên xe, Thái và Bình bàn hướng đi, lộ trình tìm nơi ăn uống cũng tiện trên đường chúng tôi về lại Tampa.
Bữa tiệc hôm nay chúng tôi đãi để đáp lại tấm thịnh tình hai cháu dành cho khách phương xa. Đây là một nhà hàng Mỹ, rất sang trọng, phong thái hao hao giống nhà hàng bên Tây, thức ăn ngon miệng, khá thịnh soạn, khung cảnh ấm cúng trữ tình.Tàn bữa, hai gia đình chia tay trong bùi ngùi vì biết cơ hội gặp lại rất hiếm hoi.
Chúng tôi trở về lại Tampa lúc 10 giờ đêm. Chưa kịp thở, chị Minh gọi tới, hỏi đi chơi có vui không". Ôi vui quá xá là vui chị ơi…Sao trả lời giống một câu trong bài hát nào vậy cà" Đố chị đó…Nhớ không ra, nhưng biết bài này ca sỹ Quốc Anh hát phải không" Em chịu, không nhớ bài gì! Khỉ, trả lời vậy mà cũng đố.
Tôi cười, chị cười theo dòn tan…

Thứ năm 01/06/2011
Tôi hỏi cháu ở đây có bán món mì quảng không" Cháu nói có mà ở ẹt bác ơi, lâu lắm rồi tụi con không được ăn, thèm lắm. Con nghe nói bên Cali có người Việt đông, có nhà hàng nhiều món ngon lắm phải không bác" Khỏi phải hỏi, chính xác như thế. Mai bác về rồi, bữa nay bác nấu cho cả nhà món mì quảng Phan Thiết của mình nha. Mấy cái miệng reo lên…Wow, đã quá, đã quá.
Hai bác cháu đi chợ Liên Hoa, chợ tuy nhỏ nhưng bán cũng đầy đủ, cô chủ chợ nghe cháu giới thiệu bác con bên Cali mới qua nên chào mời, hỏi han rất là vui vẻ.
Về nhà tôi xắn tay áo lên vào bếp. Không biết vì chẳng có đối tuợng để tâm tình (chú đã về nhà chú nghỉ trưa) hay vì ông xả thương vợ cực mấy ngày nay, cũng lò dò ra ngồi phụ lặt rau, khui nước soup gà, giả tỏi, vừa làm vừa hỏi han đủ thứ, trả lời bắt mệt nghỉ.
Khanh cũng phụ bác đắc lực, vừa làm vừa kể tôi nghe chuyện VN, vừa thở than mẹ con cứ bệnh hoài mà còn ráng đi làm, tụi con nói nghỉ mà mẹ chẳng chịu, ba con thì nay đau, mai bệnh, bây giờ già rồi, thay đổi tính tình, khó chịu lắm bác ơi…Tôi nói cho cháu hiểu nỗi buồn cùng tâm trạng của người già và an ủi - Con ráng đi, cha mẹ già rồi cũng không còn ở với mình bao lâu nữa đâu, thôi kệ ba con nói gì thì nói, con đừng cải mà bị rày, nhỏ nhẹ nói với ba, thế nào ba cũng hiểu con thôi…
Hai bác cháu tâm tình một hồi, chẳng bao lâu xong nồi mì quảng cho ba chục người ăn. Buổi chiều đó tôi còn sung sức làm cho các cháu thêm một nồi giả cầy, mẻ chua tôi đã cố tình trộn sẵn hôm trước. Cánh đàn ông nghe nói có món giả cầy, toét miệng ra cười khoái chí mà không biết tôi nấu có ra hồn chi không.
Nấu nướng xong xuôi, chiều các cháu từ tiệm nails về tập trung dàn trận làm tới bến, một hồi đã cạn soong mì, làm tôi cũng thấy vui vui trong dạ. Có điều khi nhớ đến chị Minh cũng cảm thấy buồn chút chút.
Chiều mai là ngày cuối cùng chúng tôi ở đây, 4 giờ chiều phải ra phi trường Tampa để về lại Cali rồi. Mới đó mà đã qua một tuần lễ họp mặt vui chơi, tiệc tùng rôm rã, thoải mái. Phải về vì hai con và ông xả còn phải đi làm vào đầu tuần tới.
Thu xếp hành lý gọn gàng từ đầu hôm, tôi lại nằm gát tay lên trán, suy nghĩ coi mình còn gì chưa làm, còn gì thiếu sót, nhớ lại những sự việc trong mấy ngày qua, nhớ những nơi đã đến, những đoạn đường đã đi qua, rồi nhớ lại những điều đã nói, chưa nói…cứ thế mà thao thức hoài không ngủ được, trong khi bên cạnh anh chàng nhà tôi cứ bình thản ngáy!
Nằm hoài mà hai mắt vẫn cứ mở to, chán quá, tôi nhẹ nhàng trở dậy ra nhà bếp rót một ly nước ấm, ngồi nhìn một lượt căn bếp sạch sẽ, bóng loáng, nhìn vật dụng cháu trưng bày thầm khen cháu mình thật biết vén khéo, ngăn nắp, gọn gàng..Tôi nhìn lai chỗ cái TV, hai hôm trước đây mấy chị em ngồi hát karaoké, vui vẻ, ồn ào, náo nhiệt biết bao nhiêu mà giờ vắng ngắt!
Đang ngậm ngùi, tôi chợt nhớ lại lúc nói ông xả hát”nhạc rừng”…ổng chữi…tôi chợt bung ra cười, cười…sãng khoái, làm ngụm nước vừa cho vô miệng đã trào ra văng tung toé. May là cả nhà ai cũng ngủ say, chứ không thôi sẽ giật mình cho là tôi bị bệnh tâm thần!

Thứ sáu 01/07/2011
Rồi cũng đến lúc phải giã từ. Có bữa tiệc nào mà không tàn, có cuộc vui nào mà không đến hồi kết thúc" Hữu duyên thì gặp gỡ, tận duyên thì chia xa…Hiểu vậy mà sao lòng vẫn có những ngậm ngùi, vẫn có những bồi hồi xuyến xao trong dạ!
Em dâu đi làm lúc 4 giờ sáng, đã nói lời từ giã tối qua. Bây giờ tiễn chúng tôi chỉ có chú em tôi nghiệp, cháu rễ làm tài xế. An vị trên xe rồi, nhìn chú đứng trên sân đưa tay vẫy vẫy, nước mắt tôi chợt trào ra! Dáng chú gầy gò, mệt nhọc, bệnh hoạn… biết mai này cơ hội gặp có còn không" Ông xã tôi nhìn chú, thở ra rồi chép miệng… Thiệt thấy buồn quá!
Xe chạy tới tiệm đón Khanh cùng đi phi trường. Thật là bất ngờ…Tôi nghĩ.
Trên xe bác cháu, chị em cũng từ biệt nhau rồi, vậy mà khi bước vô sân bay, Khanh ôm tôi thật chặt, nói như khóc - con tạm biệt… Tôi nghe như có tiếng nước mắt tôi rơi đâu đó, cố nuốt sâu trong cổ họng, tôi dặn: mấy con ráng mai mốt qua Cali thăm hai bác nghen. Cháu ngoại Nathan cũng nhìn dì Khanh, mẹ nó dạy - chào dì ở lại bình an, Nathan phải về Cali, bye, bye…
Khanh ôm chặt cháu hôn, rồi quay vội ra ngoài không nhìn lại.
Phi cơ đưa chúng tôi trở lại John Wayne lúc 10 giờ đêm.
Phương Nam

Ý kiến bạn đọc
21/07/201103:23:34
Khách
- Được gởi bởi PN 07/20/2011
8 NAILS ơi. Người làm nghề nails phải không? Khổ nhọc cả ngày mà vẫn dành thì giờ đọc bài của PN. cám ơn bạn nhiều, cũng cám ơn mấy ý kiến rất là hay của bạn. Thực lòng mà nói bài này PN đã gởi hồi tháng 01/2011, nhưng mãi đến hôm nay mới được cho lên trang báo. Ban Biên Tập được quyền sửa đổi hay cắt bỏ cũng như viết lời dẫn các bài viết. PN. thấy không cần có ý kiến làm gì vì khi thấy những bài viết của mình được đưa lên báo cho người người đọc là đủ vui trong lòng rồi. PN không có tham vọng gì ngoài ý muốn cho đầu óc mình không sớm bị mai một...Hãy để PN. bằng lòng những gì mình có được nghe bạn. Thân chúc bạn an lạc.
16/07/201110:06:02
Khách
Tại sao dùng chử "hoành tráng" mà không là nguy nga, tráng lệ? Tác giã là giáo viên trước 75 thì tại sao dùng tiếng của tụi VC? Tiếng VC ngộ không digest nổi. Xin lổi nha, chỉ cần một chử của VC thôi cũng làm bài viết mất giá trị.
Thử
19/07/201118:48:56
Khách
Tác giả Phuong Nam đã viết nhiều bài rồi, sao tui vẫn thấy lòi dẫn nhập y chang nhau. Bài nào lòi dẫn nhập cũng copy một kiểu. Tại sao Tác giả không lên tiếng để Ban Biên Tập sủa lại đôi chút tuỳ theo hoàn cảnh ra đòi của tác phẩm để nguòi đọc thấy đuọc sụ mói mẻ đôi chút của Tác giả. Xin lỗi,chỉ nhiều chuyện tí xíu dậy thoi.
8nails
16/07/201102:31:22
Khách
Bài viết hay và cảm động. Nhủng không biết tác giả là ai?
04/08/201106:10:06
Khách
- Được gởi bởi Phương Nam:
Kính gởi Ban Biên Tập.
PN. chân thành cám ơn BBT đã cho bài viết của PN được lên online để ai ai cũng đều xem được. Có một ý kiến nho nhỏ xin BBT giúp dùm. Trong bài NHẬT KÝ FLORIDA... phần dẫn nhập không được chính xác, kính mong quý BBT có thể nào sửa dùm cho PN vài chữ được không? "......tôi mạnh dạn gởi bài viết đầu tiên này" xin đổi lại là...." tôi mạnh dạn gởi bài viết này. Bài này của tác giả tình tiết và tên các nhân vật đều là thật" để PN có thể giới thiệu với các cháu bên FLORIDA xem cho vui. Rất cám ơn.
19/07/201101:46:09
Khách
- Gởi VULINH 07/18/2011
Bài viết này của Phương Nam, trên đầu bài đã có giới thiệu mà, chắc là bạn đã nhầm lẫn khi xem trên cái list. Đúng là trong danh sách Ban Biên Tập đã quên không có ghi tên tác giả. Mong bạn hãy xem lại sẽ thấy. Cám ơn VULINH nhiều
19/07/201101:32:51
Khách
Được gởi bởi PNam 07/18/2011
-Kính gởi Ban Biên Tập.
Trong bài viết NHẬT KÝ FLORIDA - 35 NĂM GẶP LẠI, Phương Nam sơ ý có dùng một từ không hợp với thời trước 75 ( từ của việt cộng - theo lời một độc giả góp ý). Đó có thể là do trí nhớ của PN.quá tồi. Vậy kính nhờ BBT.nếu có thể sửa hộ dùm cho từ "hoành tráng" (nằm trong đoạn...Thứ ba 01/04/2011" Con gái chọn.......Từ nào tới giờ........" ) thành ra là... "nguy nga tráng lệ..."Chân thành cám ơn Ban Biên Tập.
-Kính gởi Anh (Chị...)Thử:
Trước hết xin rất cám ơn lời góp ý của anh, chị. Thật lòng mà nói PN rất vui sau khi đọc được những dòng không vui của anh,( chị...) Vui vì anh, (chị...) đã bỏ nhiều thời giờ quý báo ngồi đọc trọn cả bài viết rất là dài dòng chẳng ra hồn của PN. Có đọc kỹ lưỡng nên anh, (chị ...) mới thấy cái từ "hoành tráng" là chữ của tụi việt cộng hay dùng! Than ôi, quả tình là PN... đã quá già nên lú lẫn. Có thể vì mỗi ngày cứ nghe trên TV, trên radio hoài cái từ quái quỷ đó mà bị nhập tâm chăng? Dẫu sao thì cũng đã bị anh, (chị...) bắt tại trận mình dùng từ không đúng, mong rằng anh (chị...) sẽ thông cảm cho PN. Một lần nữa PN.THÀNH THẬT XIN LỖI VÀ RẤT CÁM ƠN NHỮNG LỜI GÓP Ý QUÝ BÁO. Đa tạ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,211,196
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến