Hôm nay,  

Football, Anh và Em

10/07/201100:00:00(Xem: 255464)

Football, Anh và Em

Người viết: Karen N. Nguyễn
Bài số 3298-12-28528vb7070911

Karen N. Nguyễn, sinh năm 1962, trưởng nữ trong một gia đình H.O. định cư tại Mỹ năm 1991, hiện là một dược sĩ, làm việc và cư trú tại Virginia. Cô đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận một trong 4 giải chính Viết Về Nước Mỹ 2004. Năm 2008, Karen N. Nguyễn viết “Halloween, Anh và Em.” Tiếp theo, 2010 có “Việt Nam, Anh và Em.” Và vẫn với lối tự sự rỉ rả giữa anh và em, lần này là chuyện về Football. Mong Karen tiếp tục.

***

Hai đội banh bắt đầu dàn trận, cầu thủ bước vào các vị trí chiến lược của mình. Người quarterback nhận được trái banh, giả vờ như đưa trái banh cho người phía sau mình, anh chàng này khom người lại chạy nhanh về phía trước, rồi bất ngờ sau đó cánh tay người quarterback vươn dài ra, anh quăng trái banh lên cao, trái banh bay xoáy trôn ốc thật xa rồi rơi vào tay một cầu thủ khác cùng đội. Tất cả mọi người ngồi trong nhà hàng ồ lên, vỗ tay bôm bốp, phấn khởi, vui vẻ, hào hứng …. Tất cả mọi người, à, không hẳn như vậy, bởi có một người đang ngồi xem football mà đầu óc căng thẳng tột độ: An.

. . .

An không quen coi football. Ngày xửa ngày xưa lúc An còn bé tí xíu, An có nhớ xem football trên đài Mỹ ở Việt Nam những năm 60 với bố. Ký ức của An về football là màn ảnh truyền hình đen trắng, hai hàng cầu thủ xếp đối diện nhau rồi sau đó chen chúc dồn lại thành một khối, tranh giành 1 trái banh nhỏ xiú xiu, không có gì là thú vị, hấp dẫn cả đối với một cô bé tiếng Anh lúc đó một chữ bẻ đôi cũng không biết.
Khi An lớn lên, football là những trận đấu bóng tròn, là những ngày sôi động, hào hứng, nhộn nhịp 4 năm một lần cho giải Mundial. Người Mỹ gọi môn thể thao này là soccer, An biết vậy qua những bài học tiếng Anh, nhưng với An, football là những trận banh trên sân vân động, cầu thủ chạy trên sân dùng chân, dùng đầu để giữ bóng, giao bóng, cấm kỵ không được dùng tay chạm đến quả bóng. Football, với An, là những đêm cúp điện mà muốn đi coi đá banh phải xem nhà đứa bạn nào gần đó có điện để đến coi ké, cả xóm túm tụm lại quanh một cái TV, mỗi khi có cầu thủ nào sút tung lưới đối phương là nghe tiếng “VÔôôôôôôôôô” hay “ Gôôôôônnnnnnn” ầm ĩ cả xóm. Football, với An, là cầu thủ Platini đẹp trai của Pháp với mái tóc quăn, là cầu thủ Maradona của Argentina, là cầu thủ Gullick của Hòa Lan với mái tóc thắt thành nhiều bím, là thủ môn Schumaker của Đức, là thủ môn Dasaev của Liên Xô…Football, với An, gắn liền với những đội bóng châu Âu nổi tiếng như Juventus, Barcelona, Real Madrid, AC Milan,… gắn liền với những cúp C1, C2, C3, những đề tài tranh cãi không bao giờ dứt của những người hâm mộ quả bóng tròn.
Rồi An qua Mỹ định cư. Football ngày nào coi ở Việt Nam trở thành soccer. Muốn coi soccer thì dò trên TV, có khá nhiều trận. Nhưng bây giờ thì An lại không có thời gian. Phần đi học ở community college, phần đi làm, mấy chị em không còn có nhiều cơ hội để coi đá banh như ngày xưa. Mundial 94 tổ chức ở Mỹ, mấy em trai An thâu lại hết tấc cả các trận đấu có trên truyền hình. Trong Washington DC có tổ chức vòng loại Mundial 94, mấy chị em mua vé đi coi, hào hứng vô cùng vì đó là lần đầu tiên được coi đá banh quốc tế ở Mỹ, mua T-shirt kỷ niệm, chụp hình quá xá cỡ. Và đó có lẽ là dịp cuối cùng An coi soccer. Cuộc sống bận rộn trên đất Mỹ lôi An vào như cơn xoáy, An mất dần nỗi hứng khởi coi đá banh khi mấy em trai của mình đi học xa, qua tiểu bang khác làm việc.
Soccer không còn chiếm một vị trí quan trọng trong An. Còn football" Cái trò chơi thể thao mấy chục nguời dàn hàng rồi chất chồng, chen chúc nhau, xô đẩy nhau gần như muốn uýnh lộn đến nơi để giành một trái banh, An không cảm thấy thú vị gì hết. Coi soccer còn thấy mặt cầu thủ, thấy dáng nguời, những người đàn ông áo ướt đẫm mồ hôi chạy tới lui trên sân nhưng vẫn sexy ra phết qua nét cương quyết tỏa ra từ vành môi, khóe mắt, qua sức lực sung mãn nơi những bắp thịt cuồn cuộn trên những đôi chân săn chắc, những bờ vai lực lưõng, An nghĩ vậỵ Còn football ư" Ai cũng đội cái nón bảo vệ to đùng che hết mặt mũi, người mặc đồ chắn lưng, chắn ngực, bảo vệ vai, bảo vệ chân, ai cũng phốp pháp như là robot hay xe tăng vậy, không thấy được ai đẹp trai hết, coi chán chết theo ý An. Ở Mỹ, nhưng An không coi football. Không coi football, không màng tìm hiểu về football. Không biết gì về football cũng chẳng có hại gì, miễn mình học tốt. ra trường. có việc làm ổn định là được rồi, An lý luận.
Nạn mù… football của An kéo dài cho đến khi An quen Jim. Và hôm nay khi Jim mời An đi coi football ở một sport bar, An mới thấy là mình quê dễ sợ. Quê dễ sợ, bởi nãy giờ coi football với Jim An không có khái niệm đội nào là đội nào hết. Tuần trước, lần đầu tiên coi football ở nhà Jim, Jim đã nói cho An biết chàng là ủng hộ viên của đội Cleveland Browns. Trận đó An ngồi coi với Jim mà đầu óc lơ tơ mơ vì không hiểu gì hết, cảm thấy thời gian dài vô tận bởi trận đấu có 4 hiệp, mỗi hiệp 15 phút, mà kéo daì ra đến cả 3 tiếng đồng hồ! Cảm thấy thời gian dài vô tận, buồn ngủ quá xá mà không dám … ngáp vì sợ Jim giận.
Điều An nhớ sau khi coi hết một trận football lần đầu tiên trong đời là đội bóng Jim ủng hộ, Cleveland Browns, cầu thủ mặc aó jersey màu nâu, quần trắng, nón bảo hộ màu cam. Đến trận đấu kỳ này, không có đội nào mặc jersey màu nâu hết! Cầu thủ một đội mặc jersey trắng, cầu thủ một đội mặc jersey vàng. So confusing, An nghĩ thầm trong đầu.
Cuối cùng, chịu không nổi nữa, An khều khều Jim. Đội nào là đội Cleveland Browns vậy anh, An hỏi, và thấy Jim trợn tròn mắt nhìn mình. An nín thở, tim đập bình bịch. Chết rồi, chết rồi, bây giờ thì Jim thấy là An quá đỗi stupid! This might be our last date, An thầm nghĩ trong đầu.
Cầu thủ đội Cleveland Browns đội nón bảo hộ màu cam, không có vẽ hình vẽ chữ gì hết, lần trước anh nói cho em nghe rồi mà em quên sao, Jim nói. Tại lần trước họ mặc jersey nâu, hôm nay mặc jersey trắng, em cứ tưởng là khi họ đổi màu aó jersey thì họ cũng đổi màu nón cho nó khớp, An nói nho nhỏ, và thấy Jim thở ra. Thỏ dài thì đúng hơn.

. . .

An dốt football, mù football, không biết gì hết về football. Cứ ngỡ lần đi coi football với Jim xong là hai đứa ca bản đường ai nấy đi vì không hợp, nào ngờ Jim vẫn quyết định quen An và hơn thế nữa, biến An bằng mọi cách thành một người hâm mộ football.
Đầu tiên, Jim ra nhà sách mua 2 cuốn sách viết về “football for dummies” đưa cho An, khuyên An đọc, chỗ nào An không hiểu thì hỏi Jim. Vậy là An ráng hết sức đọc được vài trang, rồi ..tịt. Càng đọc càng không nhớ, coi hình trong sách cũng không nhớ, An than thở với Jim. Vậy là khi An coi football với Jim, Jim bắt đầu nói mấy điều cơ bản về football cho An nghe.
Mỗi đội football có 4 cơ hội để dời trái banh 10 feet về phía địch, lần thứ tư nếu trái banh còn xa vùng cấm địa quá xá thì họ sẽ đá trái banh –punt- về phía địch, đá càng xa càng tốt để phe địch khi lượm được trái banh sẽ phải bắt đầu ở xa vùng cấm địa của phe ta. Khi phe ta đem banh đến vùng cấm địa -the red zone- của phe địch và mang được banh qua ranh giới, that’s a touch-down, 6 điểm. Phe ta đá trái banh qua giữa hai cây cột có giăng lưới phía sau, sau touch down thì đó là extra point, 1 điểm, còn nếu đá trái banh vào lưới vì thấy không đem banh qua khỏi vùng cấm địa được là field goal, 3 điểm. Sau bao ngày xem football với Jin, An hiểu được nôm na là như vậỵ
Jim chỉ cho An cách nhìn bảng kết quả trong TV, đội nào chơi offense thì có quarterback và có trái banh, đội nào chơi defense thì không. Em nhìn anh chàng quarterback, khi bắt đầu chơi thì anh ta sẽ nhận được trái banh, rồi em sẽ thấy trái banh đi hướng nào, Jim bày vẽ cho An khi An than không biết trái banh được chuyền đi hay quăng đi theo hướng nào. Jim kiên nhẫn trả lời những câu hỏi vớ vẩn không thể tưởng tượng nổi của An về football.
An quen Jim đầu mùa thu, hết muà football thì Jim cũng hòan thành công tác xóa nạn mù… football cho An. An coi các trận playoff với Jim, coi SuperBowl với Jim. Đến lúc này thì An không còn quấy rầy Jim thường xuyên với những câu hỏi của mình. Lâu lâu An mới hỏi mà thôi, và những câu hỏi bắt đầu có chất lượng hơn.
Coi football nhiều, An phát hiện ra nhiều điều hay hay. Cầu thủ football cao lớn kinh khủng, 6 feet là coi như tép riêu, nhí trong nhóm. Đọc thông tin về chiều cao, sức nặng của các cầu thủ, An thấy họ đô con hơn nhiều so với cầu thủ soccer. An nhận xét chơi soccer chỉ cần có đôi gìày, chơi football thì cần đồ bảo hộ từ trên đầu xuống tới chân, bởi va chạm giữa những người khổng lồ có sức mạnh phi thường mà không đủ đồ bảo hộ thì chỉ có chết tới bị thương!
Football đòi hỏi tinh thần kỷ luật cao, đội nào có cầu thủ mà nhúc nhích sớm trước khi bắt đầu mỗi pha giao tranh thì sẽ bị trọng tài phán false start, bị ít nhất 5 yards penaltỵ. Mất 5 yards là đau rồi, nhiều trường hợp vi phạm lỗi bị phạt 10, 15 yards penalty còn tê tái gấp bộị. Mười yards coi ít xỉn vậy chứ đem trái banh đi 10 yards nhiều lúc khó trần ai khoai củ. Chơi football, người phải khỏe, mắt phải tinh, chân phải chạy nhanh hay xuống tấn chắc như cột nhà, tay phải dẻo để chụp banh và giữ banh không rơi trong khi chaỵ hay len lách qua những hàng rào nguời, bao nhiêu là kỹ năng kỹ xảo. Jim có một trái banh football y như trong các trận đấu, đưa cho An coị : trái banh nhẹ hẫng, vậy mà trong TV An thấy mấy người quarterback ném xoáy trôn ốc xa cả mấy chục yards. Bao nhiều điều hay ho về football mà An phát hiện ra sau khi quen Jim và được Jim chỉ về football, cái danh sách thú vị này càng ngày càng dài thêm ….. 
Mùa xuân đến, NFL draft, các đội football tìm tài năng mới trong các trường đại học. Jim in ra vô số thông tin về các mầm non football này, học trường gì, cao bao nhiêu, nặng bao nhiêu, chơi football ở vị trí nào để An.. …nghiên cứu. Em nhìn tên này, tên này trong danh sách nha, đội Cleveland Browns thiếu cầu thủ giỏi ở mấy vị trí này, anh mong họ sẽ chọn mấy anh chàng nàỵ, Jim nói với An. Wide receiver, Left tackle, Center, Safety, v..v..….bao nhiêu là vị trí chơi trên sân, bao nhiêu là tên cầu thủ, An sống sót đưọc sau hai ngày weekend coi NFL draft đến mờ cả mắt, đờ cả người.
Cleveland Browns! Sau bao năm quen Jim, sau bao năm làm vợ Jim, An có thể tóm tắt về đội football này như sau: Đội bóng có một thời oanh liệt, một thời vàng son những năm 50, 60 với khá nhiều hảo thủ, rồi sau đó không còn phong độ như xưa. Cuối mùa football năm 1995, ông chủ đội bóng quyết định dời đội bóng về thành phố Baltimore, đổi tên đội bóng thành Baltimore Ravens. Ba năm trời, thành phố Cleveland không có đội football. Năm 1999, expansion team thành lập lấy lại tên Cleveland Browns, với sân vận động mới toanh xây cạnh hồ Erie trên Cleveland. Điều chua cay là năm 2000, đội Baltimore Ravens đoạt giải Super Bowl. Đau hơn nữa là từ ngày thành lập trở lại, đội football Cleveland Browns chỉ có một năm vào playoff, còn lại là thường xếp hạng cuối bảng trong nhóm của mình, thua 3 đội Pittsburg Steelers, Baltimore Ravens và Cincinnatti Bengals.
Đội football Cleveland Browns chơi không hay nhưng vẫn có vô số người hâm mộ, trong đó có Jim. Trong nhà Jim và An, basement là nơi Jim trưng bày vô số vật dụng có hình, biểu tượng của đội bóng mình yêu thích. Mấy cái kệ chất đủ thứ: sách nói về lịch sử đội bóng và về tiểu sử một số danh thủ của đội, mô hình sân vận động, ly uống nước, gạt tàn thuốc, đồ chơi, vỏ bọc chai bia có hình cái helmet màu cam, mấy con gấu nhồi bông mặc đồng phục football cam và nâu. Trên cái sofa có mấy cái gối dựa màu nâu và cam có hình cái helmet màu cam của Cleveland Brown. Trên tường là đồng hồ, tranh, khăn, cờ, và cả một tấm chăn to tướng ở chính giữa là cái nón football màu cam của độị.
Về Cleveland, thấy món đồ gì hay hay có biểu tượng của đội bóng Cleveland Browns là Jim mua. Một dạo các tiệm MacDonald trên Cleveland có bán con búp bê cổ có lò xo, đầu lắc qua lắc lại, tạc như Tim Couch, chàng quarterback lúc đó của đội bóng. Jim chở An đến 5 tiệm MacDonald khác nhau để mua hamburgers bởi các tiệm giới hạn chỉ bán 2 con búp bê cho một người khách. They will become collectible items, Jim cười cười nói với An, tương lai sẽ có giá lắm, bởi mấy con búp bê này chỉ có bán ở Cleveland thôi đó nghe em. Tim Couch sau đó bị chấn thương, nghỉ một thời gian, lúc quay trở lại cũng không chơi xuất sắc lắm, rồi sau đó bị chuyển qua đội bóng khác, rồi giải nghệ. Cả chục con búp bê Tim Couch nằm trong hộp chất trong tủ nhà An, có bán trên EBay cũng chẳng có ai mua.
Lắm lúc An muốn nói với Jim là tụi mình ở Virginia, hay vợ chồng mình đổi qua ủng hộ đội Washington Redskins bên Maryland, ủng hộ gà nhà thay vì ủng hộ một đội football ở xa lắc xa lơ, mà không dám, vì biết nói vậy sẽ làm Jim giận, giận lắm lắm. Jim sinh ra và lớn lên ở Cleveland, đội football Cleveland Browns là một phần quê hương của Jim, Jim vui và buồn theo những thành công và thất bại của đội bóng. Hơn thế nữa, Jim là season ticket holder, mùa football nào Jim cũng mua đủ vé 8 trận đấu ở sân nhà của đội Cleveland Browns và năm nào cũng về Cleveland xem đội football thân yêu thi đấu. 
Lần đầu tiên về Cleveland coi football với Jim, An khám phá ra nhiều điều thú vị. Ngày đội Cleveland Browns thi đấu, cả thành phố Cleveland náo nhiệt người và người, hầu như ai cũng mặc jersey, T-shirt, sweatshirt có biểu tượng của đội bóng. Các bà các cô còn đeo bông tai, dây chuyền, khoác khăn quàng cổ màu trắng, cam, nâu của Cleveland. Jim và An đi xe điện vào trong downtown Cleveland, trên xe điện đại đa số là cổ động viên của Cleveland Browns. Những hình in trên T-shirt, sweatshirt họ mặc, nhìn kỹ, có thể kể lại cả một lich sử của đội bóng với thời hoàng kim ngày xa xưa. Bố đi xem football với con, vợ đi với chồng, bạn bè, người thân đi với nhau, sôi nổi, hào hứng.
Ra khỏi trạm xe điện, Jim và An đi bộ đến sân vận động. Dọc đường đến stadium có vô số người bày hàng chào mời: T-shirt, sweatshirt, khăn quàng cổ, nón, đồ chơi, chăn, gối dựa, vỏ bọc chai bia, mọi thứ với biểu tượng của đội Cleveland Browns trên đó. Có cả hình một con chó khuôn mặt bặm trợn có vô số nếp nhăn khá hung dữ nhưng hơi hài hước trên các món hàng bày bán: Hình ảnh đặc trưng của Dawg Pound, xóm nhà lá trong sân vận động gần khung thành (east section). Nhiều người bán hàng đeo trên cổ dây chuyền đủ loại có treo lủng lẳng trái football, cái nón helmet màu cam, hoặc dây chuyền kết bằng vô số những khúc xương màu trắng bé tí xíu, một biểu tượng khác của Dawg Pound. Về sau An phát hiện trong xóm nhà lá Dawg Pound có một cổ động viên ngồi ở hàng đầu, đeo mặt nạ hình con chó Dawg Pound ba đầu đội nón màu cam, cầm một khúc xương bằng nhựa to tướng, ủng hộ gà nhà nhiệt tình không thể tả suốt cả trận đấu.
Cleveland Browns Stadium nằm cạnh hồ Erie. Sân vận động không có mái che, gió từ hồ Erie thổi vào đầu mùa football thì mát rượi, sang đến tháng 10, 11 thì lạnh ngắt, qua tháng 12 cuối mùa football thì tê giá buốt xương. Bên ngoài sân vận động có mấy bãi đậu xe khá lớn, lần nào có trận đấu đi ngang qua An cũng thấy có những chiếc xe bus, xe van thật to sơn màu cam và nâu đậu ở đó, vô số người quay quần bên những cái grill nướng hamburger, hot dog, những cái cooler chứa bia, cờ Cleveland Browns bay phất phới trên nóc xe, cười nói ồn ào, nhạc mở ầm ĩ. Tailgate party, Jim nói với An.
Here we go, Brownees, here we goooooo, whoop, whoop, whoop….Những cổ động viên của đội Cleveland Browns hào hứng, sôi nổi hát mấy câu trên, lặp đi lặp lại, trên đường đi vào sân vận động. Nhiều người có mặt sơn nửa trắng nửa cam, nhiều người mặt có temporary tattoo hình cái helmet màu cam hay dòng chữ Cleveland Browns trên gò má. Here we go, Brownees, here we go…..nhóm này hát, nhóm kia hát, làn sóng người sau khi vào sân vận động tẻ ra thành nhiều hàng đi lên thang cuốn lên các tầng trên. Là season ticket holder, Jim và An có chỗ ngồi cố định, năm nào cũng vậy. Chỗ ngồi cố định, coi football một thời gian là quen hết mấy người season ticket holder ngồi kế bên.
Trong sân vận động, có khá nhiều quầy bán thức ăn: hot dog, chip, pretzel, pizza. Giá một ly nước ngọt gần bằng giá một ly bia. Mua nước lanh, người mua sẽ nhận được chai nước không có nắp. Năm 2001 trong trận đấu với Jacksonville, để phản đối quyết định của trọng tài về một đường banh của đội Cleveland Browns ( quyết định này của trọng tài về sau được xếp vào “10 Worst Referee Mistakes in History”), các cổ động viên Clevaland Browns đã quăng cả ngàn chai nước (lúc đó chai nước bán có nắp đậy) xuống sân vận động. Kết quả là từ đó, nước mua ở sân vận động chai nào cũng không có nắp, một biện pháp ngăn ngừa các chai nhựa chứa nước trở thành vũ khí tấn công cầu thủ và trọng tài trên sân.
Đồ ăn bán ở stadium mắc cắt cổ, nhưng An không hiểu tại sao khi ngồi xem football và ăn hotdog, pizza, pretzel thì lại thấy ngon dễ sợ, ngon vô cùng. Bà con thiên hạ uống bia quá xá cỡ, chốc chốc An và Jim và mấy người hàng xóm phải đứng lên để cho một người ngồi trong hàng ghế đi ra mua bia. Stadium cũng có vô số nhân viên đeo cái thùng to tướng chứa bia và nước ngọt đi dọc các hàng ghế chào mời. Bia mua sẽ được rót ra mấy cái ly nhựa, uống được nhưng quăng làm vũ khí thì không. Rượu vào, lời ra, không có trận đấu nào An đi coi với Jim mà không thấy ít nhất một vụ cãi vã về football và security của sân vận động phải đến để giải quyết. Security đến nhanh vô cùng, bởi nhân viên của stadium cứ vài feet lại có một người đứng quay lưng lại sân đấu, ngó lên khán giả để giữ an ninh trật tự trong stadium.
Về Cleveland coi football với Jim, An dần dà sắm cho mình đủ thứ đồ có biểu tượng đội bóng trên đó để mặc cho giống các cổ động viên khác, mùa hè thì T-shirt, baseball cap, necklace, mùa đông thì sweatshirt, jacket, khăn quàng cổ, knitcap, đủ thứ.


Lần nào về Cleveland coi football An cũng thấy vui vô cùng, nhưng càng coi đội Cleveland Browns thi đấu, càng về cuối trân đấu thì niềm vui bay biến đâu mất, để lại một tâm trạng thất vọng não nùng tệ hơn bong bóng xì hơi: bao giờ An đi coi football thì đội Cleveland Browns cũng thua! Thua thê thảm, thua tan nát, thua đến nhục nhã, xấu hổ. Đội football nào thi đấu với Cleveland Browns cũng có thể thắng hết, vậy mới là lạ. Có đội bóng nào mà để đối phương score đến 2 touchdowns trong 30 giây như Cleveland Browns" Có đội bóng nào như Cleveland Browns giây phút cuối của trận đấu cầu thủ tháo helmet trên sân ăn mừng chiến thắng, bị penalty, đội kia giành được bóng, ghi điểm, đội ta thua" 
Bao nhiêu năm trời An làm vợ Jim và theo dõi đội football thân yêu của Jim, chỉ có một năm duy nhất Cleveland Browns vào playoff, một năm duy nhất, rồi bị loại ngay. Vào casino ở Las Vegas, nhìn bảng cá độ, An thấy khả năng Cleveland Browns thắng SuperBowl là 1 ăn 40.
Cleveland cách nhà An và Jim 400 miles, lái xe chạy nhanh tránh cảnh sát bắt sơ sơ cũng mất 6 tiếng. Đi máy bay tính thời gian lái xe từ nhà ra phi trường, check in 2 tiếng trước khi máy bay cất cánh, đến Cleveland đi shuttle ra chỗ mướn xe, lái về đến khách sạn cũng mất gần 5, 6 tiếng. Đi coi football ở Cleveland, tốn tiền, tốn sức, mà chẳng vui gì hết. Jim và An về Cleveland coi football không thường xuyên nữa, vé nhiều khi vừa bán vừa cho bạn bè, bà con trên đó.
Jim không coi football thi đấu thật sự ở sân vận động, nhưng không có nghĩa là Jim không xem đội bóng quê nhà thi đấu. Virginia, cũng như rất nhiều tiểu bang khác, có nhóm Browns Backers, gồm những người yêu mến đội Cleveland Browns và hết lòng ủng hộ đội football này. Browns Backers mùa football là họp lại ở một nhà hàng nhỏ, phòng có bàn ghế đủ cho khoảng trăm nguời ngồi, có mấy cái TV thật to ở hai vách tường đối diện nhau. Những cổ động viên này đến chỗ họp mặt mặc áo, đội nón có biểu tượng của Cleveland Browns, ngồi coi trận đấu trên TV, hoan nghênh vỗ tay quá xá, high five, khi đội bóng mình mến mộ có những đường chuyền banh đẹp, hiệu quả, rồi thở ra, đăm chiêu, trầm ngâm khi đội bóng kia ghi bàn.
Bố mẹ và con cái, vợ chồng, bạn bè, tình nhân, vô số nguời xa Cleveland nhưng vẫn gắn bó với đội football của thành phố này, buồn vui theo dõi trận đấu trên TV suốt 3 giờ đồng hồ bên cạnh pizza, chicken wings, hamburger, french fries, và những ly Pepsi, những ly bia… Đầu buổi, ngay mỗi bàn có mấy tờ giấy, trên đó có một câu hỏi về lịch sử Cleveland Browns, đến half time thì người trưởng nhóm Brown Backers đi thu thập các câu trả lời của các thành viên, công bố lời giải, rồi tổ chức rút thăm. Ai có câu trả lời đúng và được rút thăm trúng sẽ được một món quà nhỏ, khung hình, trái football, cái nón, con gấu, sách có chủ đề Cleveland Browns, vv….món quà gíá trị tiền bạc không nhiều nhưng đem lại niềm phấn khởi cho bao người trong buổi họp mặt.
Đi coi football chung với nhóm Browns Backer, Jim mấy lần được rút thăm trúng, Jim vui và An cũng vui theo. Niềm vui không nhiều, bởi Cleveland Browns thua nhiều hơn thắng. Không biết có phải để lên dây cót tinh thần cổ động viên hay không, đội bóng gởi thư thông báo các season ticket holders sẽ nhận được cái baseball cap có ghi vị trí chỗ ngồi trên sân. Jim bao giờ cũng mua hai vé nhưng chỉ nhận được có 1 cái nón !
Một cái nón, vậy là An, người tò tò đi theo Jim coi ké các trận football của Cleveland Browns, sẽ không có nón đội. Bây giờ đến lượt An…pissed off! Cái nón có mắc chi đâu mà đội bóng hà tiện quá vậy, An nói với Jim. Thôi em đừng có giận, để anh dẫn em đi coi training camp của Cleveland nha, Jim rủ rê.
Training camp của Cleveland Browns nằm ở Canton, Ohio. Lái xe đến đó, Jim và An tìm chỗ đậu xe. Gần training camp có mấy cái nhà thờ nhỏ, hôm nào đội bóng dợt thì có người của nhà thờ ra ngồi cho thuê chỗ đậu xe trong sân nhà thờ, 10 dollars một xe. Trên đường đi bộ đến training camp, An thấy có mấy nhà có sân rộng, chỗ đậu xe nhiều cũng đăng bảng cho thuê -chỗ đậu xe, 7-8 dollars một chỗ.
Đi coi đội bóng tập dợt, chẳng có thi đấu gì hết, vậy mà đường đến training camp cũng đông nghẹt người mặc jersey, đội nón có màu và biểu tượng của đội bóng. Ngay cửa vào training camp có một quả bóng hơi khổng lồ to như một cái nhà hình áo jersey thi đấu của Cleveland Brown. Trên đường vào sân vận động bên trong, hai bên đường có vô số quầy, kiosk bán đủ thứ hàng liên hệ đến đội bóng: T-shirt, sweatshirt, nón, khăn, cờ, găng tay, ly uống nước, thú nhồi bông… Chỉ một hàng dây dài căng giữa mấy cây cọc ngăn sân cỏ và đường dẫn đến mấy hàng ghế nhôm trắng cho bà con ngồi xem cầu thủ tập, Jim nói với An chốc nữa sau khi tập xong một số cầu thủ sẽ ra nơi đó để ký tên kỷ niệm với những người hâm mộ đội bóng.
Em mà may mắn, không chừng sẽ kiếm được chữ ký của một ngôi sao tương lai đó nha, Jim cười nói với An. Ký tên" An chẳng có đem theo tờ giấy, cây viết, quyển sổ nào hết, lấy gì mà xin chữ ký đây..An nhìn quanh, rồi đi đến một cái kiosk gần đó, mua một lá cờ nhỏ cuả Cleveland Brown và mua cây viết. Mất gần mười dollars, An thầm xót trong lòng, tự nghĩ không biết có xin được chữ ký của ai không nữa.
Jim và An đến training camp khá sớm, thành ra kiếm được chỗ ngồi tốt. Nhìn qua phía bên kia sân, An thấy có một khu vực ghế ngồi khá đẹp, có cả mái che. Sao minh không qua bên đó ngồi hả anh, An hỏi Jim. Chỗ đó là để bạn bè, người thân của các thành viên trong đội bóng ngồi xem, Jim giải thích.
An nhìn quanh, thấy có khá nhiều người, trẻ con đã đành, người lớn cũng có, kè kè theo người một binder dày cộm. Có một chàng trai mở cái binder ra cho người bạn ngồi kế xem, An nhìn ké, thấy trong đó toàn hình là hình của các câù thủ football của Cleveland Browns. Hình nhỏ cỡ baseball cards cũng có, hình lớn cũng có .
Đội bóng ra sân, bà con vỗ tay chào mừng quá xá cỡ. Các cầu thủ chia làm 2 nhóm, mặc 2 màu áo khác nhau, một nhóm chơi offense, nhóm kia chơi defense. Khi vào sân, An nhận được một tờ giấy của ban tổ chức, liệt kê tên cầu thủ, áo số mấy, chiều cao, sức nặng, tuổi, chơi vị trí nào. Jim nói với An là sau training camp, sau mấy trận preseason thử khả năng của các cầu thủ, đội bóng sẽ tuyển ra những người giỏi nhất cho các vị trí của đội. Hơn phân nửa số người trong danh sách này sẽ bị loại, Jim nói.
An ngồi xem football với Jim, cầu thủ ở xa xa, An chẳng biết ai với ai.
Cũng thấy có block, có interception, có touchdown, có …. nhưng An chẳng để ý lắm. Training camp, tập luyện chứ đâu có thi đấu thật đâu, mắt An bắt đầu đi lang thang nhìn bà con ngồi quanh, những hàng ghế đông đúc người với người, nhìn những nhân viên của đội bóng chạy quanh sân lo quay phim cảnh các cầu thủ tập dợt, nhìn những vệt nắng chiều trên mấy tàng cây xanh.
Rồi cũng đến lúc đội bóng dợt xong. Bà con ngồi quanh An đứng lên ào ào, đi hay chạy đến hàng dây giăng giữa mấy cây cọc. Em có xin chữ ký cầu thủ không, Jim hỏi An. An cũng chạy đến chỗ xin chữ ký, An nhỏ người, chậm chân, đến sau, chen không đến gần được hàng dây, đành đứng phía sau mấy em bé tay cầm sổ, tay cầm viết và mấy người lớn ôm mấy cái binder dày cộm đầy hình cầu thủ Cleveland Browns.
Lá cờ nhỏ An mua nhẹ hẫng, An không tài nào đưa lá cờ qua khỏi hàng rào người để xin chữ ký được. An sực nhớ là mình đang đội cái nón Cleveland Browns màu trắng có hình con chó Dawg Pound, vội lấy cái nón xuống vẫy vẫy để … xin chữ ký. Không biết có phải vì An là người phụ nữ Á châu duy nhất trong nhóm người xin chữ ký, vì An nhỏ người nhìn thấy tội nghiệp không chen lấn nỗi, không biết lý do nào, nhưng cuối cùng cái nón baseball cap màu trắng của An đặc nghẹt chữ ký của mấy cầu thủ Cleveland Browns. Một cầu thủ rất trẻ có mái tóc nâu, nụ cười và đôi mắt đẹp không thể tả ký tên vào cái nón của An. An choáng váng cả người khi nhận ra đó là Brady Quinn, chàng quarterback của Notre Dame mới được đội bóng chọn mấy tháng trước đó! An quay trỏ về gặp Jim, cười hớn hở. Đâu cho anh xem chữ ký của Brady Quinn, Jim nói. Ngồi xa xa vậy chứ Jim nhận ra hết những cầu thủ nào đến ký tên hôm nay. Em cất kỹ cái nón nha, có chữ ký của anh chàng X, Y, Z nè, mai mốt mấy anh chàng này nổi tiếng là cái nón thành collectible item đó, Jim nói.
Sure, cái nón có chữ ký của Brady Quinn, An cất kỹ lắm, không có đội đi coi football nữa, sợ nắng mưa làm nhòe chữ ký của chàng quarterback đẹp trai này. Cleveland Browns không để Brady Quinnlàm starter quarterback, mà chỉ cho anh chàng ngồi bên ngoài học playbook và học hỏi kinh nghiệm thi đấu trên sân. Không thi đấu, nhưng Brady Quinn lên TV đều đều quảng cáo sport drink. Người hùng của An, tạm gọi là vậy đi, An coi football bây giờ khi Cleveland Browns thi đấu bắt đầu thấy hào hứng hơn, mong một ngày nào Brady Quinn là quarterback đưa đội bóng đi từ chiến thắng này đến chiến thắng khác, mong lắm lắm……..
Mong lắm lắm, nhưng đó là mơ, là ước, là hy vọng bừng lên mỗi đầu trận đấu rồi mất dần theo cây kim đồng hồ, cứ cỡ half time là hy vong tan từ từ y bóng xì hơi. Đội bóng Cleveland Browns thua vẫn cứ thua, dẫn trước vẫn thua, thua te tua, thua nhục nhã. Mùa football mới, season ticket holder được đội bóng hứa hẹn sẽ gởi cho cái ghế nhỏ to cỡ bàn tay y hệt cái ghế minh ngồi ở sân vận động, có cả số ghế, coi như món quà an ủi, Jim và An nhận được vé 8 trận sân nhà mà cái ghế vẫn biệt tăm. Tiền trao, vé giao, làm gì được nhau, An thầm nghĩ, nhưng Jim là chủ xị chuyện mua vé football, An là người ăn theo, An làm ầm ĩ complain chuyện cái ghế đồ chơi coi chẳng được chút nào, An đành làm lơ.
Làm lơ, nhưng tức thì vẫn tức. Muốn đi coi football ở Cleveland với Jim, nếu lái xe thi hai đứa phải rời Virginia thứ Bảy, coi football chủ nhật, sáng thứ hai lái xe về. Tốn tiền toll road (trả 2 bận mỗi chiều ), tiền xăng, tiền hotel, tiền ăn, lúc đi vui biết bao nhiêu, hy vọng tràn trề tin thắng lợi, lúc về mệt và chán quá xá cỡ vì đội bóng thua, cả thành phố Cleveland buồn như đưa đám, lái về mệt đờ người sáng hôm sau lại phải tiếp tục đi cày trả nợ aó cơm. Nếu có vé máy bay on sale, hai đứa tờ mờ sáng Chủ Nhật lái xe ra phi trường, bay lên Cleveland, từ phi trường đáp xe điện vào gần sân vận đông, coi football xong lại chạy câp tốc về lại phi trường để bay về Virginia, lắm hôm về đến nhà thì đã sang ngày mới. Kiên trì, trung thành với đội Cleveland Browns như vậy, mà... Thua là thua là thua, tức cành hông!
Trận đấu Cleveland Browns-Pittsburg Steelers mùa thu năm 2008 là giọt nước làm tràn cốc . Hai thành phố cách nhau chưa tới 200 miles có đội football cùng 1 nhóm, 2 đội bóng coi như là kẻ thù không đội trời chung, ngày Pittsburg Steelers đến Cleveland thi đấu có rất nhiều cổ động viên của Cleveland mặc T-shirt có dòng chữ “ Puck Fittsburg” !!!!! Trên đường tới sân vận động vô số sạp bán đồ kỷ niệm mang nhiều dòng chữ không đẹp đề cập đến anh quarterback nổi tiếng của Steelers và chuyện anh phải ra tòa do quan hệ không đứng đắn với phụ nữ và vô số T-shirt chọc quê Steelers. Trời xám xịt, gió nhiều báo hiệu mưa sắp đến, nhưng bà con thiên hạ vẫn ào ào kéo đến sân vận động, lác đác trong biển người màu nân và cam của Cleveland có rải rác mấy cái T-shirt, sweatshit màu den và vàng của cổ động viên Steelers. Here we go, Brownees, here we go, whoop, whoop, whoop, cổ động viên Cleveland Browns hát một cách hào hứng, sôi nổi, hy vọng tràn trề là đội minh sẽ cho tụi Steelers nếm mùi thất bại chua cay.
Bao nhiêu là hy vọng, bao nhiêu là mong chờ cho Cleveland score touch down dần dà tan biến theo cây kim đồng hồ. Cleveland Browns không cầm chân Pittsburg Steelers được. Ngồi nhìn Cleveland Browns cố dời trái football, first down không thành, second down không xong, third down hết cách, rồi punt, mất banh cho Steelers, trời đẹp mình còn an ủi thở gió mát rười rượi từ hồ Erie và ăn hot dog, fries, đậu phọng rang cho đỡ depressed, ngày hôm đó mưa ào ào, gió thổi khăn giấy bay tung tóe, nản gì đâu !!!!!!!!!
Jim và An ngồi co ro trong mưa lạnh, gió thổi tạt cóng cả mũi, khoác cái poncho nhựa, đầu gối che bàng tấm mền ấm, tay deo găng, xem đội nhà thi đấu trong tuyệt vọng. An nói với Jim coi football như vầy không có vui chút nào hêt anh ơi, và thấy Jim gật đầu đồng ý.
Trận đấu bắt đầu lúc 8 giờ tốt, prime time, dội Cleveland thua, quê ơi là quê, buồn ơi là buồn. Hơn 11 giờ đêm, cổ động viên Cleveland ra về ỉu xìu như bánh đa ngâm nước, không còn hát hò gì hết. Dân ủng hộ Steelers, trái lại, cười vui khoái trá, có người còn cất giọng hát mấy câu hát bất hủ “Here we go…” để chọc quê cổ động viên Cleveland Browns.
Mưa tạnh, nhưng những cơn gió mạnh lúc nãy đã làm đổ trụ điện, trốc gốc cây cối, xe điện không chạy được. Cả ngàn người kéo đến trạm xe điện được nhân viên ở đó giải thích và chỉ trở lại sân vận đông để đi xe bus. Xe bus nào tới cũng có đông nghẹt người chen lên, xếp như cá mòi hộp. Jim kéo An ra 1 góc, nói đợi chừng nào vắng bớt thì mình lên xe bus cho có chỗ ngồi.
Cuối cùng Jim và An cũng lên được xe bus. Một đoàn 6 chiếc xe bus nối đuôi nhau chở các cổ động viên Cleveland chạy như rùa bò qua các khu dân cư tắt điện tối om đến từng trạm xe điện. Nhìn qua cửa sổ, An không biết mình đang ở đâu cả, đường phố tối đen, không có ai đi ngoài đường, cứ như là xe chạy trong ghost town vậy. I don’t know where we are, and I don’t want to know, Jim nói với An. Hai giờ sáng, xe bus đến trạm xe điện nơi Jim và An đậu xe. Lái xe về đến khách sạn, Jim và An lăn ra ngủ như chết.
Mấy tuần sau đó, cái ghế nhựa nhỏ xíu xiu có in số ghế của Jim về đến. Cuối mùa football rồi, quá trễ, An nghĩ …. Jim đem cất cái ghế lên kệ, chung với mấy món đồ kỷ niệm về đội bóng.
Năm 2009 là năm đầu tiên An và Jim không về Cleveland xem football. Jim mua đủ 8 trận đấu trên sân nhà, kỳ này đội bóng gởi cho An và Jim 2 cái nón có in stadium section va hàng chữ season ticket holder trên đó. Bao nhiêu vé mua, Jim bán hết. Cleveland Browns có hệ thống mua bán vé online, mình bán vé các trận đấu với giá tối thiểu bằng gíá in trên vé, face value. Cleveland Browns thi dấu tệ quá, vô số cổ động viên bán tất tật các vé của mình, cung nhiều hơn cầu. Cận ngày thi đấu, các vé không bán được có thể đem cho các hội thừ thiện, charity donation, mùa tax khai thuế được.
Khởi đầu mùa bóng 2009, Cleveland Browns thi đấu không thành công lắm, 12 trận đầu chỉ thắng duy nhất 1 trận, nhưng đến lúc mọi người chán nản cực độ thì đội bóng lại bắt đầu thắng. Mùa bóng thi đấu 16 trận, Cleveland Browns thắng liên tục 4 trận cuối cùng, những trận đấu trong cái lạnh tê người, buốt giá chân tay. Kết quả mùa bóng 2009: 6-10, 6 trận thắng, 10 thua, coach Eric Mangini giữ được cái job của mình. An nói với Jim là ông Mangini không mất job chắc tại đội Cleveland Browns tháng 12 thắng được kẻ thù Pittsburgh Steelers trên sân nhà 13-6 on National TV, Thursday Night Football, lần đầu tiên thắng Steelers trong 13 lần giao tranh, và Jim gật gù, possibly,yeah.
Muà bóng 2010, An hào hứng theo Jim về Cleveland xem football. Cleveland Browns thi đấu với 1 kẻ thù khác, Cincinnati Bengals. Đầu tháng 10, gió từ hồ Erie thổi vào mát rượi. Trời nắng đẹp, ngồi coi football và ăn hot dog, chips với salsa vui và ngon gì đâu…Vui hơn nữa là Cleveland Browns thắng. Lúc anh chàng quarterback của Cleveland quì gối xuống lúc cuối trận đấu, An bàng hoàng nhìn lên bảng kết quả, không thể tin đuợc là phe ta thắng phe địch 23-20!
Trên đường ra khỏi sân vận động, An và Jim đi trong 1 biển người mặc áo, đội nón màu cam và nâu đầy biểu tượng của Cleveland Browns, hát hò đến khản cổ, không khí vui và náo nhiệt không thể tả. Nhiều người lái xe trên đường mở kính xe, hỏi vọng ra khi thấy bà con thiên hạ cười nói, nhảy múa trên đường xem kết quả trân đấu ra sao, khi nghe “WE WON!!” thì cũng hét to “YEAHHHHH !!!!!” hay bật còi xe inh ỏi. First time you came to Cleveland to watch football and they won, right" Jim hỏi An và An gật đầu. Jim vui, An vui, cái cảm giác đội nhà thắng, vui ơi là vui……..
Ngaỳ 24 tháng 10 năm 2010, Cleveland Browns thắng New Orleans Saints, the 2010 SuperBowl Champions, thắng đậm 30-17. Ngày 11 thang 7 năm 2010, Cleveland Browns thắng New England Patriots 34-14. Sau đó đội bóng bắt đầu tuột dốc, những trận cuối thua tan nát. Năm 2010, Cleveland Browns thắng 5, thua 11. Coach Eric Mangini mất job.
Năm 2011, An cùng Jim xem NFL draft trên TV. Offense, defense, phía nào của Cleveland Browns cũng cần cầu thủ mới. Các mầm non college players được đội bóng chọn, An ngồi xem NFL draft với Bill, thấy ai cũng cao lớn kinh khủng. NFl lockout do contract disputes giữa các cầu thủ và chủ các đội bóng xảy ra mấy tháng rồi, các phương tiên truyền thông đều nói là có chiều hướng khả quan, các đội bóng dều có lịch thi đấu, nhưng tháng 9 này An và Bill có về Cleveland xem đội nhà thi đấu với Cincinnati Bengals hay không, câu hỏi đó chưa có lời giải đáp.
Em biết không, nếu NFL lockout tiếp tục, đội Cleveland Browns không thi đấu mùa này, thì đây là mùa bóng đầu tiên Cleveland Browns sẽ lập kỷ lục không thua trận nào hết, Jim nói với An.
Nói là nói vậy thôi, An biết. Jim giận đội bóng quê nhà chơi không hay, mấy năm rồi không vào nổi đến playoff, rồi nói vậy, chứ thương Cleveland Browns thì vẫn cứ thương.
Gần đến mùa football, An nhớ làn gió thoảng từ hồ Erie, nhớ sân vận động của Cleveland Browns, nhớ những nguời cổ động viên, những fans của Cleveland với áo và nón màu nâu và cam đủ hình, đủ kiểu, nhớ những câu hát bất hủ “Here we go, Brownees, here we go, whoop, whoop, whoop…….”, nhớ những hình cầu thủ football nổi tiếng của Cleveland Browns đúc bằng đồng dọc theo tường sân vận động, nhớ không khí ồn ào, căng thẳng, hào hứng, náo nhiệt bao trùm khán giả xem thi đấu, nhớ những hàng cầu thủ tranh giành trái banh, nhớ những lần đi xem football với Jim.
An nôn nao muốn về Cleveland xem đội nhà thi đấu, real football, và An biết Jim cũng mong lắm, mong nhiều hơn An nữa.
Sau bao năm làm vợ Jim, bây giờ An đã trở thành một football fan.

Karen N. Nguyen

Ý kiến bạn đọc
21/07/201121:27:00
Khách
Football là môn thể thao mà mấy người VN lớn tuổi, ít khi muốn ngó tới. Đến nỗi mỗi cuối tuần mấy ông bạn già đều rủ đến xem họ cá độ, bên nào thua thì chung bia hoặc thức nhắm, còn tôi thì được tham gia miễn phí vì không thích football. Vậy mà sau tham dự vài lần, tôi cũng chạy tuốt vì chẳng thấy gì hấp dẫn qua trò chơi này. Nay vừa đọc đến cái đề tài này là mình muốn chạy rồi, nhưng tò mò xem thử. Thì thấy cô Karen N.Nguyễn viết rất hay khiến người không thiết tha gì với banh cà na như tôi cũng biết luật chơi và chia sẽ được nỗi hào hứng của dân ghiền. Kể ra thì cô là người rất nhẫn nại và kiên trì với football, thật là cãm phục. Mong cô viết tiếp.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,294,753
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thểm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm - thường gọi đùa là giải á hậu - Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới của cô.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông. Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu.
Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20 trân trọng chào mừng thêm một người viết mới. Theo bài viết, từ 1978, Ngọc Ánh đã là tác giả những trang nhật ký của một nữ sinh viên viết từ Sài Gòn, được đăng trên bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại tại San Diego. Và từ 1979 thì cả nhà người viết đi tù. Người chồng bị kết án tử hình. Cháu bé mới sinh một tuổi theo mẹ vô nhà tù. Nhưng hơn 10 năm tù đày cộng sản không làm bà gục ngã. Và rồi, tình yêu đến... Thư kèm bài, bà viết “Tôi tên thật là Trần Ngọc Ánh, hiện đang sống tại thành phố Victorville, CA. Lần đầu tiên tôi viết bài tham dự "Viết về nước Mỹ" và hy vọng sẽ có nhiều bài viết về chủ đề này gởi đến Việt Báo trong năm nay...” Khi thêm bài mới, mong tác giả bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” tác giả Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng. Năm 15 tuổi vượt biên cùng một người anh, tới Mỹ năm 1986 và thành công dân Mỹ với tên Crystal H. Vo. Cô hiện là cư dân San Gabriel, CA. và làm việc tại Sở Xã Hội Quận Hạt. Trong những năm ngừng viết về nước My,õ cô kết hôn, thành con dâu một gia đình Mỹ và đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau đây là bài viết mới nhất của cô sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016. Với sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, bà có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, là bài viết mới nhất, khi tác giả bay từ Arkansas về họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Và...
Chỉ với bài viết đầu tiên, tới vào tháng cuối, Tác giả đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau bài đầu tiên, bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây là bài viết của cô về lần đầu họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1953, tốt nghiệp Sư Phạm Sài Gòn khóa 12. Vượt biên sang Mỹ 1982, và từ đó tới nay định cư tại San Jose; Nghề nghiệp: Mechanical Designer, về hưu tuổi 65. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện vui về nhóm bạn trường Sư Phạm Sài Gòn, khóa cuối cùng, ra trường năm 1975, kèm lời ghi của tác giả: “Thân tặng các bạn lớp Nhất 9/Nhị 15, khóa 12 (1973-75) Sư Phạm Sài Gòn.”
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tháng Bảy, mùa Vu Lan, xin mời đọc bài viết về Mẹ của Minh Nguyệt Graves. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến