Hôm nay,  

Mơ Một Ngày Độc Lập

03/07/201100:00:00(Xem: 36006)

Mơ Một Ngày Độc Lập

Tác giả: Phương Nam
Bài số 32190-12-28520vb8070311

Tác giả tên thật Phạm Thu Ly, cùng gia đình định cư tại Mỹ từ 1994, hiện là cư dân Santa Ana. Bà cho biết nhờ đọc được những lời khuyến khích chân tình từ tác giả lão thành Trùng Quang nơi trang Viết Về Nước Mỹ, bà đã mạnh dạn viết. Sau đây là bài của bà nhân Lễ Độc Lập Hoa Kỳ 2011.

***

Trước khi ra xe, cậu con trai đưa mẹ tờ báo Việt ngữ và chỉ vào “cái tít” trên trang Địa Phương ”Lễ Độc Lập Hoa Kỳ - Đốt pháo bông bất hợp pháp sẽ bị phạt $1,000”.
“…Chúng tôi không chỉ là biên giấy phạt vào ngày mùng 7 mà bất kỳ ngày nào chúng tôi thấy một người nào đó sử dụng pháo bông bất hợp pháp ở Garden Grove… Trung Úy Kevin Boddy, chỉ huy cảnh sát tuần tra khẳng định khoảng 80 nhân viên cảnh sát, lính cứu hỏa và tình nguyện viên từ Garden Grove Cert (Toán Ứng Cứu Khẩn Cấp Cộng Đồng) sẽ tìm bắt pháo bông bất hợp pháp vào ngày 04 tháng 07… Tất cả các công viên sẽ đóng cửa lúc 5 giờ chiều.”
Bà chậm rãi đọc, xong chép miệng:
- Ái cha…Mẹ còn muốn họ cấm luôn cho rồi. Để tránh tai nạn và những điều không hay có thể xảy ra, chỉ tập trung tại một địa điểm như hồi năm nào mình đi xem đó, là được rồi. Thiệt là đem tiền đi đốt, thấy mà tiếc hết sức!
- Mẹ nói vậy chứ mấy năm nay nhà mình cũng mua pháo bông về đốt đó"
- Mẹ biết, nhưng mà mình có hoang phí như họ đâu, chỉ là hòa cùng niềm vui với người bản xứ. Người ta kìa… Con nhìn lên trời đi rồi mới thấy tiếc!
Rồi bà nhìn con trai vừa cười vừa nói:
- À, mà mẹ cũng kỳ thiệt, nếu ai cũng nghĩ như mẹ thì đời chắc không còn gì gọi là sinh thú phải không"
– Mẹ biết rồi mà còn hỏi, con thấy trong báo nói chỉ ở Garden Grove thôi, chỗ mình đây chắc không sao đâu mẹ.
- Mẹ không biết, con hỏi kỹ đã rồi mới đi mua, kẻo bị phạt cả ngàn đó…
- Dạ con biết rồi.Thôi con đi công chuyện một chút con về.
Cháu nội, cháu ngoại đã ngủ trưa, bà một mình ngồi nhớ chuyện xưa nay…
Đã tám năm rồi gia đình bà dọn về an cư tại thành phố này, mỗi năm cứ đến July 4th là cái xóm bà rộn ràng hẳn lên. Được sự chấp thuận của Santa Ana City, nơi xóm bà ở được phép đốt pháo bông trong ngày Lễ Độc Lập. Oai chưa" Nhưng chỉ được đốt những loại pháo thường thường nho nhỏ thôi.
Đối diện với nhà bà là nhà vợ chồng bà Maria, người Mễ. Ông làm nghề cắt cỏ, rất vui tính, dễ thân thiện, cả hai ông bà đều hiền lành, thỉnh thoảng có trái đu đủ, trái bưởi ông thường đích thân mang sang biếu tặng nhà bà. Không biết từ hồi nào gia đình bên đó có “truyền thống” cứ đến ngày lễ này là bà con, bè bạn cùng vợ chồng người con trai độc nhất với đứa cháu nội gái của ông bà tập trung về đây tổ chức đốt pháo bông.
Mới 3 giờ chiều mọi người đã lo đem xe xuống đường để dành trọn cái sân trống, bà Maria lăn xăn đi ra đi vào mang những khay thịt to tướng để trên dãy bàn dài. Con trai và cháu nội bà thì loay hoay đốt than cái lò nướng, chuẫn bị món thịt nướng là cái chắc. Một cái lều trắng lớn được căng lên, người lo sắp ghế sắp bàn, người lo dọn ly dọn dĩa…
Chẳng mấy chốc thì họ hàng bạn bè kéo tới tấp nập ước chừng cả ba bốn chục người, người nào cũng tay xách tay mang nào bia, nào nước ngọt, nào trái cây…Những túi đựng pháo thì chắc chắn là không thể thiếu được, thấy náo nhiệt hết sức.
Bà ngồi trước hiên kín đáo nhìn sinh hoạt của nhà người láng giềng dễ mến, bà cười một mình…
Nói vậy chứ nhà bà cũng đâu có thua gì. Mấy hôm trước con trai đã mua sẳn mấy túi pháo to, hôm nay cũng rộn ràng với món thịt sườn bò Đại Hàn B.B.Q. với đầy đủ rau quả, bia rượu, bánh trái. Còn có cả một nồi cà ri dê to tướng bà đã nấu tối hôm qua, nó nói mẹ nấu ngon ngon để chung vui cùng mấy ông bạn Mễ dễ thương, những người láng giềng tốt bụng.
Rồi các con bà cũng lục đục bày biện lò và bàn ghế ra, bạn bè chúng nó bắt đầu tới, cũng tay xách tay mang y chang nhà đối diện, có điều nhân sự bên bà thua là cái chắc.
Mới đó mà trời đã muốn tối. Bọn trẻ nhỏ hai bên nhà bắt đầu rục rịch, chaỵ tới chạy lui. Bên kia râm ran bằng ngôn ngữ Spanish, bà chẳng hiểu gì cả, bên này thì Vietnamese và English, pha trộn với nhau. Bọn trẻ chỉ được chơi những cây pháo nhỏ, được người lớn đốt sẵn cho, sợ những tia pháo trúng vào mặt, đứa nào cũng cầm đưa ra xa, né né, thấy mắc cười sao đâu… Những nhà cùng một dãy với nhà bà cũng có mấy người ra nhập cuộc, họ cũng đang chơi trên phần sân nhà họ, bà thấy ai cũng hân hoan lắm, cười nói vui vẻ.
Lúc bấy giờ một anh chàng Mễ đem cái ghế thang ra đặt giữa lòng đường. Ồ, bắt đầu rồi đấy. Những cây pháo có tiếng nổ lớn và có tầm vọt mạnh, được họ đem đặt lên trên cái ghế thang và bắt đầu châm ngòi. Ai cũng bịt tai lại hồi hộp chờ đợi và rồi…lẹt xẹt…lẹt xẹt…những tia lửa nháng ra thật nhanh, rồi những tiếng đùng… đùng… thật to vang lên, bông pháo phóng vút lên cao và từ từ nở bung trên bầu trời…Mọi người thi nhau đốt liên tục làm cả khu xóm náo động hẳn lên, khác với ngày thường nhà nào cũng đóng cửa im lìm, có vào ra chăng nữa thì cũng như những cái bóng âm thầm lặng lẽ.
Lúc này khắp mọi nơi đều vang rền những tiếng nổ đì đùng, bầu trời cao rộng đầy những bông pháo đủ màu, đủ cở. Vừa ăn vừa cụng ly vừa thay phiên đốt pháo, mùi thịt nướng thơm lừng xen lẫn mùi khói pháo tạo thành một thứ hương kỳ lạ.
Đến cở 10 giờ đêm là thưa dần… rồi chấm dứt. Không ai bảo ai, hai bên cùng thu dọn đồ nghề, mấy cây chổi được mang ra với nhiệm vụ quét dọn, thu dẹp bãi chiến trường đầy xác pháo.
Những cái bắt tay thân ái giã từ, những vòng ôm thắm thiết, những tiếng bye bye, good night, take care…nghe rộn ràng. Các con bà cũng dọn dẹp hướng nhà mình, chẳng mấy chốc đoạn đường sạch sẽ như cũ, bạn bè cũng lần lượt ra về.
Cuộc vui tàn, trả lại cho bóng đêm sự tĩnh lặng, trả lại cho vòm cây lời tự tình của lá, trả lại im ắng cho trăng sao. Cuộc vui tàn, để lại trong lòng bà những nỗi bùi ngùi nhớ nhung xót xa khó tả!
Rồi ký ức như vừa được khơi dậy làm bà nhớ lại những ngày tháng đầu tiên khi gia đình bà đến Mỹ vào tháng tư, năm 1994. Chỉ ba tháng sau là đến Lễ Độc Lập của đất nước Hoa Kỳ…
Chiều hôm đó, mới có 5 giờ, tụi nhỏ - bạn học của con bà – đã điện thoại gọi tới, nhắc đi coi đốt pháo bông tại sân vận động Westminster High School. Mới qua, nhớ quê, nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ đủ thứ…nên khi nghe “rủ rê”, ông bà ừ liền để cháu chở đi coi cho giải bớt cơn sầu nhớ nước đau lòng con quốc quốc!*
7 giờ mới bắt đầu mà chưa chi chúng đã hối ông bà sữa soạn, chúng nói đi sớm sớm để có chỗ đậu xe. Vội vàng ăn dằn bụng chút xíu, bà mang theo cái khăn quàng cổ và cái áo len dày tổ bố rồi cùng ông và các con ra trước nhà đứng chờ “tài xế”.
Mới qua chưa sắm được xe, các con bà đi học đều nhờ vào bạn.Vô trường học chưa bao lâu mà tụi nhỏ đã được bạn bè thương mến, mỗi ngày tình nguyện chở đến lớp, tan học chở về nhà. Bà thấy tình nghĩa thế này, chỉ ở Mỹ mới có.
Cuối tuần bà đền ơn bằng cách nấu món gì ngon ngon đãi các cháu để gọi là có qua có lại, cho toại lòng nhau.
Bà nhớ chuyện nọ rồi lan man sang chuyện kia, chưa xong đã thấy bạn của con lái xe trờ tới. Cả đám sáu người lục đục lên chiếc xe thiệt lớn. Chao ôi… nó mở máy lạnh nghe mát tận ruột gan, ý nghĩ thoáng qua trong đầu bà thiệt lẹ - Hồi cha sinh mẹ đẻ tới giờ, lần đầu tiên trong đời bà mới được ngồi trong chiếc xe sang trọng như thế này. Khi còn ở Việt Nam những lúc đi buôn bán, bà toàn đi trên những chiếc xe than, bụi khói bốc ra mặt mày lem luốc như cô bé lọ lem. Sau này cũng có những chiếc xe sang hơn nhưng bà không bao giờ được bước lên vì túi tiền eo hẹp! Nhờ đi qua Mỹ bà mới được hưởng.
Cháu lái xe chạy qua các ngã đường, bà nhìn phố xá thấy đâu cũng đẹp, đẹp mà không hỗn độn xô bồ, ồn ào xuôi ngược như bên quê nhà. Bà nhìn hoài vẫn không thấy có người đi bộ, dọc hai bên đường nhà nào cũng đóng cửa kín mít, bà thắc mắc hỏi thì cháu nói: - Bên này nhà ai nấy ở, ít khi qua lại với nhau bác à… Bà ngạc nhiên và nghĩ chỉ nước Mỹ mới vậy.
Cháu nói: - Sắp đến rồi. Bà nhìn thấy phía trước là cả một rừng người. Con bà hối đi sớm là đúng lắm, đông ơi là đông, cháu cho xe chạy lòng vòng mấy bận tìm chỗ đậu cũng thiếu điều muốn đuối!


Không biết từ cơ man nào mà người nhiều vô số kể, như trăm nhánh sông cùng chảy về biển lớn. Họ hối hã, lũ lượt tiếp bước bên nhau cùng tập trung về tại nơi sân cỏ nhà trường để chờ xem buổi bắn pháo bông mừng ngày Độc Lập. Bà nhìn thấy gương mặt người nào cũng hiện rõ nét hân hoan, quang cảnh hôm đó rất là náo nhiệt không thể tả. Còn có những gian hàng bán nước uống, thức ăn nhẹ cho những người thưởng ngoạn, trẻ con Mỹ có, Mễ có, chúng bi bô với nhau bằng tiếng Anh, tiếng Mễ, chúng chạy nhảy lăng xăng cười nói rộn ràng đông vui lắm.
Mới đó mà những vạt nắng chiều cũng dần phai, nhường chỗ cho màn đêm từ từ buông xuống. Bấy giờ là lúc mọi người chờ đợi nôn nao…
Và rồi chỉ trong phút chốc thôi, từ khắp nơi những tiếng nổ lẹt xẹt đì đùng, nhỏ có lớn có…rồi nhiều loạt tia sáng xẹt cao lên không trung. Ồ, kìa…Những chùm pháo hoa lúc đầu chỉ là những điểm sáng bé xíu, sau tiếng nổ bụp…xẹt…chỉ trong khoảnh khắc thi nhau nở xoè ra đủ màu: xanh, tím, hồng, trắng, đỏ, cam, vàng…đẹp rực rỡ lạ thường. Rồi vô số những bông pháo được bắn liên tục lên cao, tới tấp nở bung làm sáng rực cả bầu trời xanh thẫm. Có những loại pháo khi tỏa sáng trên trời cao, bà nhìn như có hình dáng cây dừa sắc trắng, sắc vàng óng ánh như kim nhủ tỏa nhiều cành. Đẹp nhất là khi chúng tỏa ra và bắt đầu rơi, để rồi sau đó biến mất tức thì, làm bà cứ xuýt xoa hoài, ngẫng cổ nhìn không chớp mắt!
Sau những tiếng nổ đùng đùng chát chúa muốn lùng bùng cả cái lỗ tai, bà chứng kiến vô số những chiếc pháo thăng thiên được phóng vút lên trời, bông pháo như những đám hoa tuyết từ trên cao rơi xuống, rơi xuống không ngừng nghỉ, lớp này chưa kịp tan thì lớp khác với những tia ngũ sắc được hòa hợp vào nhau, tạo thành những vòng pháo tròn xoe đủ màu rực rỡ. Chỉ giây lát thì những bông pháo tan dần rồi biến mất. Rồi hàng loạt những đợt khác lại xuất hiện. Mỗi lần pháo hoa nở bung trên bầu trời là những tiếng Wow…Wow…xen lẫn những tiếng reo hò, la hét, cỗ vũ…vang dội. Nhờ cháu giải thích, bà hiểu những tiếng wow…wow ấy diễn tả sự ngạc nhiên thích thú. 
Càng về đêm, bà thấy cảnh đốt pháo càng rộn ràng hơn và những tiếng reo hò càng lúc càng giòn dả hơn, làm xao động cả một vùng trời đất. Và cứ thế, những chùm pháo bông cứ liên tục được đốt lên rồi tỏa sáng, cảnh đẹp đẻ đó diễn ra và kéo dài cho đến nửa đêm.
Lần đầu tiên trong cuộc đời bà mới thấy cảnh này, nên bà không khỏi kinh ngạc xen lẫn ngẫn ngơ, bà cứ trầm trồ, mắt mở to ngước nhìn say sưa, muốn mỏi cả cổ! 
Chung quanh bà một rừng người thấp cao lố nhố. Ngoài người Mỹ trắng mắt xanh mũi cao, người Mỹ đen tóc xoăn tít với hàm răng trắng bóng, những người Mễ to con với nước da màu nâu sậm, bà biết còn có giống dân Việt Nam của bà da vàng, người nhỏ nhắn, mũi tẹt…cũng đang khoa tay, nhảy tưng lên vui mừng hò hét. Bà nghĩ những lúc náo nhiệt như thế ấy mà hoàn toàn không xảy ra sự hỗn loạn, quậy phá, ẩu đã thì hay quá, không giống như ở xứ sở của bà…
Lúc vào đã cực, lượt ra về còn cực hơn. Biết bao nhiêu là xe cộ, chiếc nọ san sát chiếc kia, cứ nhích tới từng chút từng chút, bà thấy nóng ruột, bà lại “nghĩ bao đồng”…Xe hơi nhiều còn hơn xe đạp bên xứ sở của bà, thiệt đúng là chỉ ở Mỹ mới có cảnh này.
Cháu đợi mãi rồi cũng đến lúc lái xe rời khỏi chỗ tồn động. Ra tới đường mấy đứa bàn nhau đi ăn, bà và ông ngại tốn kém con cháu nên từ chối khéo. Ông bảo: - Bác buồn ngủ quá, thôi để khi khác, nãy giờ kẹt xe cũng mất khá nhiều thời gian. Rồi ông lại càm ràm: - Coi một lần cho biết với người ta, năm sau không đi nữa, trên TV cũng có, ở nhà xem cho khoẻ khỏi phải lo đụng xe, kẹt xe, mà mình còn coi được các tiểu bang khác nữa. Đúng như lời ông nói bà cũng biết đêm đó trên toàn 50 tiểu bang của Hoa Kỳ đâu đâu cũng đốt pháo bông để vui mừng ngày độc lập.
Nghe ông càm ràm, bà nói nhỏ: - Nhìn cảnh này thấy vui quá, thấy hâm mộ quá, đã con mắt vô cùng, nước Mỹ cái gì cũng vượt trội hơn người. Chỉ có điều nhìn đất nước người ta, ngẫm lại đất nước mình thấy buồn trong dạ sao đâu! Rồi bà thở dài, ông cũng thở dài, mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng mình, ai cũng làm thinh không nói.
Bà không đủ từ để diễn đạt đầy đủ trọn vẹn cái đêm hội hoa đăng (Cách gọi riêng của bà như thế) của người bản xứ, nhưng bà biết trong đêm hôm ấy người dân của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã rất hân hoan, rất vui mừng vì Độc Lập thật sự đã ở trong tim họ. Bà còn biết chắc một điều cũng có những người Việt Nam như ông, như bà… mang tâm trạng của kẻ tha hương, nặng sầu vong quốc, nên khi nhìn đêm đốt pháo hoa mừng Lễ Độc Lập của nước Mỹ, chợt thấy trĩu nặng lòng một nỗi buồn u uẫn!
Đêm đó bà không ngủ được, cứ thao thức hoài, thỉnh thoảng bà nghe ông thở dài, thở ngắn…
Bà đứng dậy hé tấm màn cửa sổ rồi thẫn thờ nhìn ra ngoài cảnh vắng lặng của trời đêm, bà hiểu rất rõ nỗi buồn của chồng bà, ra đi mà Quê Hương bỏ lại!
Mới hồi nào…Một đời lính trận vẫy vùng, một thời uy vũ anh hùng dọc ngang, chưa chi trận chiến đã tàn, bó tay lìa súng lệ chan máu đào! Chinh y cởi, bỏ chiến hào…cam đành chịu kiếp tù lao nhục hình!
Bao mong ước của một thời quân ngũ. Chợt rã tan như thân phận bọt bèo. Lệnh buông súng – Anh hùng đành thất thủ. Cả mộng đời tươi đẹp cũng tàn theo!...
…Những người lính năm nào xông pha chiến trận. Đem vinh quang cho Tổ Quốc chúng ta. Lấy máu xương điểm hoa gấm sơn hà. Đời xơ xác bởi bị trả thù hèn hạ. Đói khát, bệnh đau, cùm gông buốt giá. Tấm thân tàn trí nảo hết tinh anh…
Sáu năm dài ông bị đọa đày trong ngục tù cộng sản, bà ngoài đời cũng lắm khốn khó truân chuyên.
…Tấm bạt sờn phai trải chỗ này, trước hàng hiên lạnh dưới tàng cây, đèn nhà đối diện không còn sáng, chắc hẳn người người đã ngủ say. Quang gánh làm tường che chắn lạnh, co ro trong tấm áo mong manh, xót nỗi cơ hàn rưng ngấn lệ, chạnh tình chồng vợ thức thâu canh…
Ngày đi thăm người tù, bà chẳng có gì mang theo cho chồng ngoài mùi hương cũ …
…Đêm nằm thức suốt thâu canh, suy đi tính lại vẫn đành tay không, thân em chiếc lá giữa giòng, mặc cho mưa gió bão dông phủ phàng…
Và bây giờ tuy đã được bình yên trong một đất nước tự do, bà và ông vẫn luôn còn những tiếng thở dài, còn những ưu tư sầu muộn, nhớ nhung hoài cái nơi mình được sinh ra và lớn lên, nơi mà ông và bà đã… phải bỏ lại sau lưng vùng trời kỷ niệm, bốn mươi sáu tuổi đời đi kiếm tương lai, gói hành trang nhẹ bổng vắt trên vai, tạm quên những tháng năm dài lao khổ… Đó là nơi được gọi là TỔ QUỐC.
Tự dưng bà muốn viết ra ý nghĩ của bà về ngày Lễ Độc Lập của đất nước Hoa Kỳ, về những điều bà tận mắt chứng kiến cùng những nỗi niềm ưu tư khắc khoải cho một quê hương xa vời cả nửa vòng trái đất.
Thêm một bài thơ được bà trân trọng cất vào trong cái tập di sản thơ của riêng mình, để cho con cháu bà mai sau còn nhớ mãi…
Đêm rất đẹp với muôn màu rực rỡ. Pháo đầy trời tỏa sáng ở trên cao. Đầy tiếng cười, nhiều giọng nói xôn xao. Niềm vui lớn vỡ trào trên đất Mỹ.
Thấy không em, hội hoa đăng tuyệt kỷ. Giữa không trung chẳng hiện thị vì sao. Chỉ đèn hoa kỳ diệu lắm sắc màu. Không hương tỏa mà ngạt ngào quyến rủ.
. . .
Quê hương mình mịt mờ xa vạn lý. Cũng bởi vì quốc nạn phải vong gia. Nhìn người vui em có nhớ quê nhà. Có mơ ước thanh bình trên đất Việt"
Đêm tàn. Bên ngoài cửa kính màu trời cũng sáng dần lên. Một ngày mới bắt đầu…
Bà thầm khấn nguyện, cầu xin hồn thiêng sông núi, anh linh Tiên Tổ hãy phù trợ cho đất nước Việt Nam thân yêu thôi không còn chế độ độc tài cộng sản, để người dân được sống trong tự do, nhân quyền, dân chủ thực sự.
Bà ao ước một lúc nào đó không xa, bầu trời Viet Nam của bà sẽ rợp đầy những pháo hoa muôn màu rực rỡ, tỏa sáng từ Nam ra Bắc, cũng sẽ giống những đêm Lễ Độc Lập tại xứ Hoa Kỳ này. Rồi bà lại hy vọng một ngày rất gần, rất gần… sẽ được nhìn thấy cảnh người Việt trên khắp năm châu bốn biển cùng nhau hân hoan trở lại quê hương, thiết tha tay bắt mặt mừng với những dòng lệ chảy dài trên môi trên má.

Phương Nam

Ý kiến bạn đọc
05/07/201105:15:09
Khách
Cô Phuỏng Nam. Hôm nay con lại đọc thêm một bài viết nũa của Cô. Con thật sụ xúc động lắm. Con đang suy nghĩ thật nhiều cho vận mệnh của đất nuúoc mình không biết rồi sẽ ra sao! Nguyện xin ỏn trên cúu khổ cúu nạn cho đất nuóc Việt Nam. Con cám ỏn cô Phuong Nam đã cho con và đọc giả thuỏng thúc một bài viết rất hay và cảm động về ngày lễ đọc lập của Mỹ.
Chào Cô,
Phuong Đông
03/07/201103:39:01
Khách
Khong hieu sao doc bai viet cua Phuong Nam, toi thay xuc dong qua. Nhat la doan viet ve nhung van tho, niem mo uoc dat nuoc que huong mot ngay that su TU DO THANH BINH!

============================
Quí Ông/Bà Vui lòng viết tiếng Việt có dấu. Các lời bình với tiếng Viêt không dấu sẽ không được hiển thị.

VB Admin
07/07/201103:57:13
Khách
-Phương Nam: 07/06/2011
Cám ơn Ban Biên Tập đã sửa lại từ WOW, nhưng hai chữ đầu đã sửa còn hai chữ sau thì chưa. Mong BBT giúp cho trót. Đa tạ.
05/07/201123:58:33
Khách
- Được gởi bởi Phương Nam 07/05/2011
Nhờ Ban Biên Tập sửa lại từ WOW, chứ không phải WOU và ..."Chỉ đèn hoa kỳ diệu lắm sắc màu..." chứ không phải Cn hoa kỳ diệu..." Thành thật cám ơn BBT.
- Phương Nam chân thành cám ơn Thuylan đã đọc và có ý kiến về bài viết của PN. Chúc ThuyLan luôn an lạc
- Phương Nam xin đa tạ tấm tình của em Phương Đông. Cám ơn em đã hết lòng ủng hộ cô. Mong PĐ. luôn vui khoẻ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,234,182
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông sanh năm 1962, sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Sang Mỹ năm 2006, hiện cư ngụ tại Quận Cam Nam Cali. Đã làm nhiều nghề để sinh sống. Hiện nay là nhà báo tự do.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới của ông được ghi lời đề tặng trang trọng:
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là hai bài mới của ông.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông tên thật Trần Vinh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Mong ông tiếp tục viết.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên ông là “Một Vòng 5,000 Miles” ký bút hiệu Thăng Nguyễn. Tiếp theo, 2014, là bài “Đưa Cha Mẹ Già Qua Mỹ”. Thêm một bài mới, Sau bốn năm ngừng viết, Họp Mặt Cựu HS Tân Hiệp. Kiên Giang Tại Georgia.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài đăng hai kỳ.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Bài viết mới của ông là chuyện cập nhật mùa bão, xin phổ biến kịp thời.
Nhạc sĩ Cung Tiến