Hôm nay,  

Đám Tang Tử Tế

02/07/201100:00:00(Xem: 126550)

Đám Tang Tử Tế

Tác giả: Nguyễn Trung Tây, SVD

Bài số 32189-12-28519vb7070211

Tác giả là một Linh mục dòng truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago, đang ở Alice Springs, Northern Territory, lo cho thổ dân vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu. Với nhiều bài viết giá trị, ông là tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười, 2010.

***

Sáng thứ Hai ngày 18 tháng 6. Phố Melbourne tấp nập thường lệ một ngày đô thị. Trên lề đường Flinder, tiếng chân nhanh nhanh bước tới công sở rộn ràng khua vang. Góc đường William, đèn xanh bật sáng, hàng xe hơi bám sát nối đuôi nóng nẩy gầm gừ phóng tới.

Tháng 6, Úc Châu mùa Đông, mây xám dầy cộm che kín bầu trời. Vài khuôn mặt ngái ngủ, tay giơ cao, che miệng ngáp, mắt lơ đãng nhìn hai ba người ồn ào tại một góc phố. Tiếng người to tiếng chưa dứt, bất ngờ tiếng súng chát chúa nổ vang! Ngay tại góc đường William Street và Flinder Lanes, hai người đàn ông và một cô gái bật ngửa, té ngã. Vài người che miệng, có kẻ rú to! Mấy phút sau, xe cảnh sát nóng nảy chớp đèn phóng tới. Xe cứu thương bám sát theo sau hú còi khua vang. Một buổi sáng thứ Hai bận rộn dừng lại. Chưa ai hiểu chuyện chi đã xẩy ra.

Khoảng một tiếng đồng hồ sau, qua tin tức truyền hình và truyền thanh, cư dân Melbourne mới biết nguyên nhân dẫn đến tiếng súng. Nhận ra cô Kara Douglas bị hung thủ Christopher Hudson hành hung ngay giữa phố thị, Luật sư Brendan Keilar và anh Paul de Waard, hai người khách qua đường cùng nhảy vào can thiệp. Hung thủ Christopher lạnh lùng rút súng bắn trọng thương ông Brendan và anh Paul, đả thương trầm trọng cô Kara. Một tiếng đồng hồ sau, bệnh viện đưa tin anh Paul và cô Kara đang trong tình trạng hôn mê, nhưng riêng ông luật sư Brendan 43 tuổi đã trút hơi thở cuối cùng, để lại vợ và ba người con nhỏ.

Tiếng đạn nổ vang vào lúc 8:20 buổi sáng thứ Hai ngày 18 tháng 6 ngay giữa khu phố sầm uất Melbourne lấy đi một mạng người, gây thương tích trầm trọng hai người; nhưng tệ hại nhất, viên đạn sắt cũng đã đả thương trí mạng triết lý tử tế của nhân loại. Luật sư Brendan Keilar giờ đã ngủ yên trong nghĩa trang. Nhưng triết lý tử tế vẫn còn đang nằm hấp hối không biết sống chết lúc nào... Giờ này, có lẽ cư dân Melbourne còn đang thắc mắc tự hỏi không biết mình còn nên tiếp tục hành xử tử tế nữa hay không, bởi coi chừng có ngày mình dám mất mạng như ông luật sư Brendan! Bây giờ, nếu người vợ biết chồng mình có tính hào hiệp, giữa đường ưa nhào vào can thiệp chuyện thiên hạ, liệu người vợ có nên tiếp tục yên lặng" Bởi biết đâu, có ngày rồi chính mình và những đứa con cũng sẽ phải mặc áo tang đi theo sau quan tài của chồng và của bố …

Cẩn tắc vô ưu là thế!

I. Người Tử Tế: Coi Chừng!

Ngày hôm nay, bởi những luật lệ chằng chịt và ý thức hệ mới trong xã hội, người Tử Tế của những năm 2000 trước khi quyết định giúp ai cũng phải hết sức cẩn thận, kẻo không phước đâu chưa thấy mà lại thấy họa rước vào thân.

Khi gặp một em bé té ngã lăn quay nơi công cộng, người cẩn thận sẽ không vội vàng chạy lại bồng em đứng dậy. Chớ, chớ! Chớ có mà dại, bởi ai biết đâu đấy, bố mẹ em bé hoặc chính em sẽ đâm đơn kiện ngược lại người Tử Tế đã “cố tình” động chạm đến thân thể của em…

Tôi nhớ, trong một lần chạy bộ ngoài đường, vừa chạy được mấy bước, tự dưng tôi nhận ra thấp thoáng hai bóng người. Người phụ nữ khuôn mặt Á Châu đang hốt hoảng khua tay miệng kêu lớn,

— Help! Help!

Trong khi đó bên cạnh bà ta, người phụ nữ Tây Phương khoảng bẩy mươi tuổi, khuôn mặt trầy trụa vết bầm, đang cầm khăn tay cố gắng bôi xóa dòng máu đỏ phun ra từ hai lỗ mũi. Tôi hốt hoảng dừng lại, miệng hỏi người đàn bà Á Đông, “What is happening"”, mắt nhìn theo những dòng máu đỏ tươi, trong đầu nghĩ ngay tới số điện thoại cấp cứu. Nhưng người đàn bà Úc khoác tay điệu bộ dứt khoát xua đuổi, chân bước tới, miệng nói,

— I’m OK. I’m fine.

Trong khi đó, người phụ nữ Á Châu mặt mày hốt hoảng tiếng đực tiếng cái kể chuyện bà vừa mới thấy người đàn bà Úc xiêu vẹo té ngã sấp mặt xuống mặt đường xi măng… Nghe thủng lỗ tai câu chuyện, tôi chạy đuổi theo người đàn bà đang dần dần khuất dạng cuối đường. Nhận ra tôi, người đàn bà lập lại điệp khúc cũ, “I’m fine. I’m OK”, trong khi đó, một tay tiếp tục cầm khăn tay lau những dòng máu đang tuôn chảy, tay kia ra hiệu dáng vẻ dứt khoát xua đuổi!

Tôi dừng lại những bước chân, quay lại phân bua với người Tử Tế khuôn mặt Á Châu,

— Sorry! What can we do"

Phải, chúng ta có thể làm được chi, nếu bạn đang sống trong một xã hội mà ý thức hệ về tự do cá nhân được tôn trọng, con người có quyền từ chối không chấp nhận sự giúp đỡ từ những người lạ mặt, và ngay cả những người thân trong gia đình.

II. Làm Được Chi"

Đúng là như thế, chúng ta có thể làm được chi, nếu người hàng xóm đã từng được chúng ta giúp đỡ trong cơn túng thiếu, giờ này tự dưng lạ mặt, không còn nhớ tới tình hàng xóm tối lửa tắt đèn và luôn cả số tiền mà họ đã nhăn mặt nói khó, chìa tay ra mượn năm xưa.

Mà nói có Ông Trời chứng giám, một lần gặp phải đốm đen trần thế như thế này, nhân gian có thể nhắm mắt nhịn nhục bỏ qua. Nhưng hai lần, rồi ba lần, lòng kiên nhẫn và lòng tử tế rồi cũng sẽ nổ tung như bọt bong bong căng phồng. Chẳng trách chi tâm hồn trần thế tiếp tục trở nên giá băng như tâm hồn cô gái đang tâm bỏ lại người con sơ sinh mới chào đời trước cửa bệnh viện Dandenong vào sáng sớm ngày 13 tháng 5 vừa qua. Mà mỉa mai thay, ngày 13 tháng 5 cũng chính là ngày Hiền Mẫu.

Bởi trái tim trần gian đã đóng băng, chẳng trách chi đàn ông Úc gốc Tây nhắm mắt làm ngơ, tỉnh bơ tiếp tục câu cá trước thân thể trương phềnh của thiếu nữ thổ dân Úc, nổi lềnh bềnh trên mặt hồ nước, như bộ phim Jindabyne trình chiếu tại Úc năm 2006 đã đặt vấn đề, đã từng chất vấn lương tâm của tất cả những người dân Úc trước thảm nạn của thổ dân Úc Châu.

III. Người Tử Tế:

Đám Tang Tử Tế

Nói có thể phách hiển linh của ông luật sư Brendan chứng tha lỗi, lâu lâu mới có một người vớ vẩn như ông! Chẳng trách chi ông ngã gục. Chưa hết, ông luật sư lại còn tạo thêm môt cơ hội cho phe tà cầm kiếm sắc lụi thẳng vào ngực khiến mạng triết lý tử tế giờ này chỉ mành treo chuông. Có lẽ chẳng còn bao lâu nữa, thiên hạ sẽ lại sụt sùi, ngậm ngùi nước mắt mang xác triết lý tử tế đi chôn. Mà coi chừng đó, một khi nắp hòm triết lý tử tế đóng lại, đám tang tử tế đã cử hành, sự tử tế mồ yên mả đẹp, thiên hạ cũng sẽ thôi không còn đối xử tử tế với nhau nữa cho coi.

A. Thiên Hạ Đại Loạn

Mà nếu triết lý tử tế chết đi, thì thiệt tình là kẹt, bởi không biết lúc đó thiên hạ sẽ đại loạn tới cỡ thế nào"

Chồng không còn tử tế với vợ, con dâu không còn tử tế với mẹ chồng, hàng xóm không còn tử tế với láng giềng, nhà thờ không còn tử tế với giáo dân, chính phủ không còn tử tế với dân chúng!

Đại loạn! Thiên hạ đại loạn!

Thiệt tình là thế, trong một xã hội mà triết lý tử tế đã chết đi, mái ấm thân thương không còn ngọt ngào thân thương nữa; vợ chớ có cả tin mà thả lỏng dây cương, nhưng lo mà giữ chồng kè kè sát ngay bên, bởi ông bà mình đã từng dạy, “Đàn ông năm bẩy lá gan, lá ở cùng vợ lá toan cùng người”. Mẹ chồng lo mà cẩn thận giữ thân trước khi đưa vào miệng chén cơm trắng cá kho do cô con dâu vừa từ dưới bếp bưng lên, bởi câu chuyện dài mẹ chồng nàng dâu thì vẫn chưa tới hồi chung cuộc!

Đáng ngại là thế!

Trong một xã hội mà triết lý tử tế đã chết đi, hàng xóm láng giềng lo mà khóa cửa nhà cho chặt, bởi có ai mà tin được ai! Cẩn tắc vô ưu, đi ra ngoài đường là phải thủ sẵn trong người, nhẹ thì dao găm, nặng hơn súng lục. Vô tới nhà thờ rồi, giầy dép để ngoài sân, nhưng dao găm và súng lục nhét sâu trong người. Cha cụ cử hành thánh lễ trên cung thánh, ở dưới giáo dân miệng lẩm bẩm câu kinh, nhưng mắt lấm lét ngó trước nhìn sau, một tay chắp trước ngực, tay kia đặt trong túi quần nắm chặt chuôi dao găm, báng súng lục. Thánh lễ vừa tan, vừa bước ra khỏi nhà thờ, giáo dân tay dao tay súng kéo nhau tới nhà Thôn trưởng, nhẹ thì xin tí huyết, nặng thì bặp luôn, bởi tội ăn trên ngồi chốc áp bức dân làng từ bao năm nay. Thế là huyết lưu mãn địa! Cứ thế, Thôn này nối tiếp Huyện kia. Huyện kia cộng lại với Tỉnh khác, cả hai nhân lên hóa ra cả nước. Nước Úc nối tiếp nước Mỹ biến thành toàn cầu.

Đại loạn toàn cầu bởi triết lý tử tế đã chết đi, đám tang tử tế đã được cử hành, quan tài tử tế đã bị chôn sâu dưới ba thước đất là như thế!

B. Hiệp định Copenhagen

Như vậy thì cần gì phải ồn ào kéo nhau về Copenhagen họp hành, đề nghị các quốc gia kỹ nghệ trên thế giới phải giảm thiểu tối đa lượng thán khí thải vào trong bầu khí quyển. Đằng nào thì cũng chết hết. Chết bởi global warming hay chết bởi đám tang tử tế thì cũng chỉ là một cái chết.

Mà coi chừng đó nghe! E rằng hiểm họa gây ra bởi đám tang tử tế tới nhanh hơn là hiểm họa gây ra bởi hiện tượng trái đất nóng dần. Thì cứ nhìn đi rồi sẽ thấy, cũng phải kéo dài trên dưới 200 năm từ những thời điểm khi kỹ nghệ cơ khí phát triển thải ra bao nhiêu thán khí vào bầu khí quyển cho tới những ngày gần đây, trái đất mới bắt đầu ho khan, ắt xì, chuyển mình nóng sốt. Nhưng hồi thế chiến thứ Hai, chỉ trong vòng trên dưới một năm, sát thủ Ninja Nhật Hoàng Hirohito đã gửi về âm phủ 2 triệu người Việt Nam chết đói xanh xao; Hitler chỉ trong có mấy năm cầm quyền mà đã giết đã đốt ra tro hơn 6 triệu người Do Thái trong những trại tập trung. Nhưng nếu đem con số của 2,000,000 nạn nhân bởi Ninja Hirohito hoặc 6,000,000 bởi phát xít Hitler ra so sánh với con số 61,911,000 nạn nhân bỏ mạng trong trại tù Gulag của Liên Sô từ những ngày Cách Mạng Tháng Mười năm 1917, và 35,236,000 bị giết chết tại Trung Hoa lục địa từ năm 1949, (1) thì sát thủ Hirohito và đồ tể Hitler còn phải nghiêng mình cúi đầu khiêm nhường vô lớp ngồi học dưới sự hướng dẫn của sư tổ Lenin, giảng sư Stalin, và đại sư phụ Mao Trạch Đông.

Thiên hạ đại loạn toàn cầu sau khi triết lý tử tế đã chết đi đã mồ yên mả đẹp là thế đó!

IV. Sự Tử Tế Đã Chết"

Nhưng có đúng là bởi những ràng buộc chằng chịt về luật pháp trong ngày hôm nay, bởi những đồ tể Lenin, Hitler, Hirohito, Stalin, Mao Trạch Đông, và gần đây nhất Christopher, triết lý tử tế đã chết đi, đã bị chôn sâu dưới lòng đất hay không"

Tôi dừng lại những hàng chữ, nhìn chung quanh. Văn phòng nơi tôi đang ngồi làm việc vào một buổi chiều, tất cả đang yên lặng. Người Thư ký văn phòng đang chăm chú ngồi đánh máy công văn. Qua khung cửa văn phòng, tôi nhận ra tia nắng vàng chiếu xiên xiên hàng cây phượng tím. Bây giờ đang là một buổi chiều tháng 6 Úc Châu. Bầu trời sa mạc xanh ngăn ngắt mặc dầu tháng 6 Úc Châu mùa đông. Tôi nhận ra tiếng hò hét của học sinh Tiểu học nơi sân trường, tiếng cười tiếng hát… Trong văn phòng, tôi ngồi cặm cụi ngồi viết những hàng chữ cuối cùng một bài ngăn ngắn gửi báo địa phương, một bài văn nửa tường trình nửa trình bày kinh nghiệm sau một lần công tác với thổ dân… Đời sống Úc Châu vẫn trôi qua trong êm ả và thanh bình. Đời sống riêng tôi tại sa mạc cháy đỏ bình an và hạnh phúc!

A. Khăn Rằn Ri và Lơ Xe

Không bù lại cho một khoảng thời gian cuối thập niên 70, khi đó tôi vào tù ra khám như cơm bữa bởi tội vượt biên. Tệ hại nhất là lần bị bắt giam tại trại tù Tiền Giang năm 1978. Khi tôi được thả, trên người thiếu niên mới lớn chỉ còn trơ trọi bộ quần áo tù và một tờ giấy Lệnh Tạm Tha. Không có một đồng lận trong người để mua vé xe về lại Sài Gòn, tôi không còn chọn lựa nào khác, đành phải chìa tay…ăn mày. Thấy tôi thiếu niên, mặt mày xanh xao đói khát chìa tay xin tiền, những bà bán hàng ở chợ Mỹ Tho nhanh nhanh quyên góp, bố thí cho tôi những đồng tiền tử tế để tôi mua vé xe đò quay về lại Sài Gòn. Câu chuyện tử tế chưa chấm dứt ở đó, bởi khi bước lên xe đò, người thanh niên lơ xe mặt còn trẻ măng, trong khi soát giấy chứng minh nhân dân và thâu tiền xe đò, thấy tôi ngần ngại chìa ra tờ giấy Lệnh Tạm Tha, lắc đầu cười nho nhỏ, không lấy tiền vé, nhưng chỉ cho tôi chiếc ghế gỗ của anh ta ngay phía sau lưng ghế bác tài.

Dòng thời gian trôi, bao nhiêu thăng trầm trôi nổi tôi đã nếm khá nhiều trong gần ba chục năm vừa qua; bao nhiêu mặn nhạt chua cay do trần gian mang lại, tôi “hưởng” đủ; và tôi cũng đã quên đi tất cả; nhưng vẫn không hiểu tại sao tôi vẫn còn nhớ rõ những khuôn mặt quấn khăn rằn ri của những bà hàng chợ Mỹ Tho và nụ cười anh chàng lơ xe đò Tiền Giang vào một buổi trưa tháng 5 năm 1979 tại phố chợ Mỹ Tho"

B. Công Nương Diana

Vào dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 46 của Công nương Diana do hoàng tử William và Henry tổ chức, hơn 70 ngàn người đã kéo về vận động trường Wembley thủ đô London để tưởng nhớ công nương Diana. Công chúa Diana có thể nổi tiếng bởi vì cô đẹp, lại còn là vợ hoàng tử nước Anh, và mẹ đương kim thái tử William; nhưng sau khi cô trút hơi thở cuối cùng, tưởng rằng có lẽ theo dòng thời gian người người rồi cũng sẽ quên đi người con gái xinh đẹp nhưng lại mệnh bạc. Nhưng không! Người ta vẫn nhắc nhở tới công nương Diana và những công tác bác ái xã hội của riêng cô. Nếu công nương Diana khi còn sống quyết định đóng khung trong tháp ngà vương giả như bao nhiêu công nương khác, có lẽ thiên hạ rồi cũng sẽ quên cô đi như thế gian đã từng quên đi bao nhiêu công nương. Nhưng Diana vẫn còn sống trong lòng, ít ra là 70 ngàn người, chính bởi vì tấm lòng tử tế của cô đối với người nghèo trên thế giới. Công nương đã lưu lại trong tâm khảm của nhiều người không phải bởi cô đẹp, hay bởi cô là công nương của hoàng gia Anh, nhưng chính bởi cô giàu lòng tử tế với những nạn nhân của bệnh Aids và những người nghèo khổ của lục địa Phi Châu.

C. Chuyện Bất Tử

Thật vậy, những đời người sống với và dạy dỗ nhân loại về sự tử tế đều đã trở thành vĩ nhân bất tử của thế giới, Đức Phật, Đức Khổng Tử, Đức Giêsu, Thánh Gandi, Mẹ Theresa...

Riêng về Đức Giêsu, chuyện kể rằng vào một buổi sáng thứ Hai, những người đàn bà đi tới ngôi mộ đá, và họ khám phá ra tảng đá đã lăn sang một bên, riêng xác Đức Giêsu đã biến mất. Để giải thích hiện tượng lạ kỳ này, có người nói nếu Đức Giêsu có khả năng hồi sinh cô con gái mười hai tuổi của ông Jairus (Mark 5: 41-42), con trai bà góa thành Nain (Luka 7:11-17), và ông Lazarô đã chôn trong mộ bốn ngày (John 11), thì làm sao Ngài lại không có khả năng để phục sinh chính thân xác của Ngài.

Suy luận trên đây có tính thuyết phục. Nhưng cũng vẫn có một lý do khác để giải thích tại sao Đức Giêsu đã sống lại; lý do này liên quan đến khái niệm bao gồm ba chữ: Sự Tử Tế. Nói một cách khác, Đức Giêsu đã sống dậy bởi vì Ngài là một người tử tế, Ngài là hiện thân của Sự Tử Tế. Và sự tử tế thì không bao giờ có thể chết thối trong mồ, hoặc bị lãng quên theo dòng thời gian. Nói một cách ngắn gọn, tử tế có tính bất tử

V. Ông Luật Sư Brendan:

Sự Tử Tế

Bởi sự tử tế có tính bất tử, tôi bỗng dưng ngộ, hiểu ra tại sao đã gần ba chục năm trôi qua, tôi vẫn nhớ tới những khuôn mặt tử tế của những bà hàng quấn khăn rằn ri và anh chàng lơ xe đò của một buổi trưa tháng 5 năm 1979 tại phố chợ Mỹ Tho.

Bởi công nương Diana có tấm lòng tử tế, cho nên cô sẽ còn tiếp tục sống trong lòng nhiều người.

Bởi Đức Phật, Đức Khổng Tử, Đức Giêsu, Thánh Gandi, Mẹ Theresa là những người tử tế, các Ngài là hiện thân của Sự Tử Tế, các ngài sẽ còn tiếp tục sống mãi và sống muôn đời.

Sau hết, bởi tấm lòng tử tế, ông luật sư Brendan Keilar đã không chết, nhưng tiếp tục trở thành một nhân vật bất tử. Cái chết của ông không phải là một cái chết vớ vẩn, nhưng là một tấm gương soi cho thị dân Melbourne và người dân Úc, dù là Úc gốc Tây, hay Úc gốc Việt. Giờ này thể xác ông đã yên nghỉ, nhưng hồn phách tinh anh của ông vẫn sống với người dân thị trấn Melbourne, bởi nói theo hơi nhạc của Trần Thiện Thanh,

Anh không chết đâu anh,

Người anh hùng “Nhân Hậu” tên “Brendan”.

Anh vẫn sống thênh thang

trong lòng muôn người

biết yêu “sự tử tế”.

Đúng như vậy, cuộc đời trăm năm ngắn ngủi sẽ trôi qua. Ngàn vạn thành quách cũng đã sụp đổ. Vĩ đại như Alexander hay Quang Trung đại đế cũng đã nằm xuống. Xinh đẹp sắc sảo như Nữ Hoàng Cleopatra hay Nam Phương Hoàng Hậu cũng đã ngủ yên. Cuộc đời tiếp tục trôi qua. Thiên hạ tiếp tục rủ nhau bốc hơi biến mất. Ngày mai nếu hiểm họa global warning xầm xập kéo tới bôi xóa phố phường Úc Châu và cả thế giới, lúc đó, sẽ chỉ còn sót lại trong tâm thức vũ trụ những nhân vật mang chân dung Tử Tế. Tất cả còn lại đều chỉ là một con số không to tướng mà thôi.

Nguyễn Trung Tây

Chú Thích

[1] Lữ Giang, Con Số 100 Triệu Nạn Nhân (http://www.vietcatholic.net/News/Read.aspx"id=44936).

Ý kiến bạn đọc
03/07/201103:33:01
Khách
Mot bai viet that sau sac. Cam on tac gia da cong hien cho ban doc nhung tu tuong sac ben, tham thuy , chan chua Tinh Nguoi.

============================
Quí Ông/Bà Vui lòng viết tiếng Việt có dấu. Các lời bình với tiếng Viêt không dấu sẽ không được hiển thị.

VB Admin
02/07/201113:23:19
Khách
Cám ơn tác giả tử tế đã viết bài nầy
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,200,017
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, Minh Thúy là cư dân miền Bắc California. Trong mùa lễ Tạ Ơn mới đây, bà đã cùng hội Huế địa phương, tổ chức mời ăn và tặng quà những người vô gia cư. Nhân đây cũng xin nhắc lại, là từ 16 năm trước, có tác giả Minh Thùy, một thuyền nhân Việt định cư tại thành phố Mainz, Germany đã nhận giải danh dự năm 2004. Hai bút hiệu Minh Thúy (2018, dấu sắc) và Minh Thùy (2004, dấu huyền) vốn dễ gây nhầm lẫn. Mong tác giả Minh Thúy tiếp tục viết và vui lòng bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, là bài mới của tác giả nhân mùa lễ Tạ Ơn.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết: Tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Tựa đề bài viết được đặt lại theo nội dung.
Đón Lễ Tạ Ơn, mời đọc chuyện về gia đình một thuyền nhân Việt từ Paradise, thị trấn vừa bị thiêu rụi vì nạn cháy rừng. Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Thứ Năm 22-11 sắp tới là Ngày Lễ Tạ Ơn, mời đọc bài viết của Chu Kim Longh. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ đầu năm 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, hiện là cư dân San Jose, cựu tù, vượt biển, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch HổHuế, có người cha toàn thân bị cộng sản chôn sống. Bài viết mới nhất của ông viết về tình nghĩa gia tộc, họ hàng nam bắc thời hậu chiến sau 1975, và trong ngoài nước hiện nay.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Nhạc sĩ Cung Tiến