Hôm nay,  

Viết Một Bài Văn Cho Ba Vui

11/06/201100:00:00(Xem: 36379)

Viết Một Bài Văn Cho Ba Vui

Tác giả:Phương Nam

Bài số 3199-12-28499vb7061111

Tác giả tên thật Phạm Thu Ly, cùng gia đình định cư tại Mỹ từ 1994, hiện là cư dân Santa Ana. Bà cho biết nhờ đọc được những lời khuyến khích chân tình từ bác Trùng Quang nơi trang Viết Về Nước Mỹ, bà đã mạnh dạn viết. Sau đây là bài viết của bà nhân dịp Father's Day 2011.

***

Thỉnh thoảng tôi hay lau dọn nơi thờ phượng, chùi mấy cái khung hình của ba tôi, của má chồng tôi và người bác họ, làm sạch bụi bặm chung quanh, rồi đem rửa mấy cái chung đựng nước cúng, thay nước mới, xong đặt đĩa trái cây, rồi cắm bình hoa tươi lên…là xong, là tôi đã thấy vừa ý rồi. Tôi hoàn toàn không hề nghĩ phải bê cái bệ thờ lên mà lau dọn. Nhưng lần này, bỗng nhiên tôi lại muốn bê lên và …khi tôi bê cái bệ thờ lên thì tôi nhìn thấy “ nó”.

“Nó” nằm phía sau lưng cái bệ bài vị thờ Tổ Tiên Ông Bà của dòng họ chúng tôi. Không biết có “ai đó” đã xui khiến tôi làm công việc này" Một thoáng phân vân lẫn nghi hoặc, tôi mở phong bì ra.

Ồ! “nó” chính là những trang thư tự tay tôi đã viết! Vâng, những dòng chữ này tôi đã viết nhân ngày Thiết Lễ Trai Tăng - Tuần chung thất - cho ba tôi.

Tôi ngẫn ngơ…Mình để hồi nào mà sao mình không nhớ"! Một thoáng hồi tưởng…Nước mắt tôi trào ra.

*

Điện thoại reo vang… Bên kia đầu dây, tiếng cậu em trai từ VN gọi sang, hỏi: - Chị ơi, chị có khoẻ không" - À, chị khoẻ, cám ơn cậu. Má sao rồi, bữa giờ má có ăn uống được chưa, có chuyền nước biển cho má không" - Dạ có chị, má cũng ăn uống được mà má ăn ít lắm. - Cậu và các em nhớ săn sóc má, để ý má nhiều nhiều một chút nghen…- Dạ có chị, tụi em cũng lo cho má, chị an tâm. Chị ơi, em có việc này muốn hỏi ý kiến chị - Nói đi, chị nghe. – Hòa Thượng ngoài chùa hỏi, sắp đến 49 ngày của ba, nhà mình có muốn làm Thiết Lễ Trai Tăng cho ba không, hay chỉ cúng thất bình thường, Hòa Thượng nói thất thứ bảy này quan trọng lắm, nhưng tuị em phải hỏi ý chị đã rồi mới tính. - Cậu ơi, những gì Hòa Thượng chỉ dạy, chị em mình phải nghe. Cậu cứ theo đó mà thi hành. – Nhưng mà… chị à, tốn kém nhiều lắm – Không sao, chị sẽ lo liệu, cậu đừng có lo… - Hòa Thượng còn bảo chị có muốn viết một bài văn cho ba thì chị viết gởi về, Người sẽ sửa đổi dùm cho, đến hôm thiết lễ sẽ có người thay chị đọc, cho ba vui…

Tôi òa lên khóc, nói trong nghẹn ngào: - Ba mất rồi làm sao còn nghe được thơ văn của chị mà bảo viết hở em"!

Sau khi đám tang xong, tôi làm cho ba được 4 thất rồi lại phải quay trở về Mỹ. Vì thời gian xin nghỉ phép chỉ có ba tuần, cộng thêm một tuần vacation, ăn gian hai ngày cuối tuần nữa là sát nút, tính ra vừa tròn một tháng. Về tới nhà 10 giờ tối là mai sáng xách túi cơm đi làm liền, không có thời gian ngơi nghỉ. Vô hãng, buồn ngủ, gục lên gục xuống, bạn bè thấy vừa thương vừa cười làm mình quê một cục!

Cả mấy ngày sau đó, tôi cứ suy nghĩ mãi những lời Hòa Thượng Thích Tịnh Trí chỉ dạy, qua em trai thuật lại cho tôi - viết một bài văn... cho Ba vui– Nên lắm và chắc chắn là cần lắm nên Ngài mới dạy như thế.

Đêm đó, tôi thức đến ba giờ sáng… Và đây là những trang trích từ bài tôi viết cho ba tôi nhân thiết lễ Trai Tăng 49 ngày của Người.

*

“Kính gởi Ba thương yêu,

Hôm nay là tuần chung thất (49 ngày) của ba, nên gia đình mình tất cả đều tập trung về chùa thiết lễ Trai Tăng Cúng Dường, nhờ Chư Tăng, Ni… đồng chú nguyện để cho hương linh ba được cao đăng Phật Quốc.

Con xin thay mặt tất cả những người thân trong gia đình mình, nói những lời này cùng ba với một niềm tin tưởng tuyệt đối rằng, ba sẽ mãi mãi được an vui ở cõi Niết Bàn – Hòa Thượng Thích Tịnh Trí, người bạn già rất thân thiết, rất gần gũi với ba lúc ba còn sanh tiền, đã cho con biết và con cũng rất hy vọng như thế ba ạ…

Ba ơi, dẫu thân lưu lạc xứ người nhưng lòng con vẫn mãi vương vấn, nhớ nhung quê hương xứ sở. Con luôn nhớ đến ba má, các em và các cháu, con vẫn luôn nhớ từng con đường, từng góc phố thân yêu quen thuộc của quê mình, nhớ những hàng dừa lã ngọn ven sông, nhớ những chiếc cầu dài nối nhịp đôi bờ phố thị. Ba ơi, con nhớ nhất chiếc cầu đúc với dòng sông nhỏ chảy ven nhà mình, biết bao nhiêu kỷ niệm mến yêu trong con…

Mấy lần trước con về mang theo những rộn ràng mừng vui không tả nỗi. Cảm giác được ôm ba, ôm má trong vòng tay, nín thở…hôn thật mạnh mỗi người một hơi mấy cái, lúc ấy con nghĩ chỉ một điều nghĩ duy nhất gói trọn trong ba tiếng “Đã…quá…đi…” Rồi con tíu ta tíu tít hỏi han đủ thứ, nụ cười luôn nở trên môi, gương mặt con sáng ngời niềm hạnh phúc, hạnh phúc của con còn kèm theo niềm kiêu hãnh của kẻ còn có đủ cha và mẹ. Rồi con mở hai thùng quà ra… - Cái này của ba nè - một cái nón nỉ đen – Ba dặn con là ba thích cái nón nỉ đen, phải không ba" Ba cười, mắt ba cũng cười, nói: - Ừ, ừ, ba ưng lắm. Còn cái này là hộp sâm Hoa Kỳ, con mua cho ba để bồi bỗ sức khoẻ nè. Còn đây là cái hộp quẹt Zippo, ba dặn phải có chữ USA mới được. À mà ba đâu có hút thuốc, sao ba muốn hộp quẹt hả ba" – À… à… để ba khoe mấy ông bạn già lối xóm - Chu cha ơi, ba thiệt là hết chỗ nói… Hình như con nói liền tù tì, nói rất nhiều, kể đủ thứ không ngừng nghỉ… cho nên chỉ qua hôm sau là con tắt tiếng! Cái giọng con trong trẻo như thế mà bấy giờ nghe khào khào như tiếng con vịt cồ. Ba thương con, bảo mấy em ra chợ mua giá sống về nấu cho con uống. Ồ, ba hay thiệt tình, con uống chỉ hai hôm sau là con nói được, không còn khan tiếng nữa. Con nhớ lại rồi, hồi trước ba là thầy thuốc mà, phải không ba"

Ba ơi, đó là những tháng ngày hạnh phúc nhất của con. Còn bây giờ… Ba đã buông bỏ hết!…

91 tuổi đời ba đã nhận biết bao thăng trầm, sang hèn vinh nhục lẫn vui buồn khốn khó.

Hồi tưởng lại lúc còn trẻ ba đã là một tu sĩ, xuất thân từ trường Quốc Học Huế. Ba là con trai út trong 11 người con của nội. Con không rõ nguyên nhân nào đã khiến ba bỏ ông bà nội mà ra đi với ý chí tu hành khi mới chỉ 16 tuổi. Con nhớ cái tấm hình nhỏ có người đàn ông khoác chiếc áo nâu sòng, trên đầu không có tóc, nét mặt hiền hòa mà cương nghị với vầng trán cao rộng, phía dưới tấm ảnh có dòng chư õ”Tỳ Kheo Thích Trí Tâm,” lâu ngày màu mực đã phai mờ theo thời gian…nhưng con biết đó chính là ba – Ba của con.

Sau hơn 15 năm hơn tu học Phật pháp, vì một chứng bệnh nan y ba phải ra đời để tìm phương điều trị. Sau khi khoẻ mạnh bình thường trở lại, gặp lúc phong trào Việt Minh nỗi lên chống thực dân Pháp, ba không trở về nơi tu học nữa, mà lại dấn thân vào con đường kháng chiến để trở thành một người chiến sĩ, đã vì Tổ Quốc phải đành:

“Cởi áo cà sa, khoác chiến bào. Bởi vì vận nước, phải lao đao.Tình riêng khép lại…say tình nước. Dẫu phải hy sinh cả máu đào*…”

Theo chân những đồng đội, ba đi vào kháng chiến. Ba gặp má con ở tuổi đời không còn trẻ nữa. Tình yêu đã trói buột cha và mẹ để có những lời tự tình đầy chất thơ rất lãng mạn:

“Hôm nay em trở lại nhà. Tiễn em một quãng đường xa…em về. Nắng chiều nhuộm tím chân đê, Em đi giữa cảnh tứ bề tịch liêu*…

“Chiều hôm nay lòng buồn da diết. Em trở về, từ biệt căn phòng. Nhìn em nhẹ gót chân hồng. Một mình lững thững ven sông lạnh lùng*…”

Những câu thơ trên đây là di thơ của ba. Qua đi chinh chiến, trở về làng, ba trở thành một y sĩ giúp bà con chữa bệnh. Người đời tặng ba cái tên rất dễ thương ”Ông Mười Chích”. Ba chữa bệnh cứu người không từ nan, không thoái thác dẫu cho mưa to gió lớn, … khi có người cầu cứu là ba xách túi thuốc, lái chiếc vespa đi ngay. Có lần con hỏi sao ba biết chữa bệnh cho người ta, ba có bằng cấp thầy thuốc không, thì ba trả lời hồi đó ba có học trong trường thuốc, lúc ở ngoài Huế.

Ba chữa bệnh hay lắm, có người ở mãi tận Gò Bồi, Hàm Thuận, có người ở trên Phú Hội, Đại Nẫm, hay Phú Long, Tùy Hòa… Có khi xa cả hàng mấy chục cây số cũng tìm đến rước ba đi…

Thời điểm đó, gia đình mình khá lắm, chúng con được ăn ngon, mặc đẹp, được cắp sách đến trường, được ba dạy cho những điều nhân nghĩa, đạo lý ở đời.

Con nhớ có lần ba muốn con nhổ tóc bạc cho ba, em con cũng đòi dự phần, ba bảo đứa nào nhổ được nhiều ba sẽ thưởng tiền, một trăm cọng tóc bạc sẽ được một đồng. Thế là hai chị em con tranh nhau từng cọng tóc trên cái đầu của ba. Con rẽ tóc ba ra, nhìn đau đáu…chứa kịp nhổ lên thì em con dành “Của em mà”, rồi hai chị em cãi nhau chí chóe, dành qua dành lại làm cái đầu tóc của ba bờm xờm. Rốt cuộc thì ba cũng thưởng công đều nhau, nhưng ba dạy: - Hai đứa con phải thương nhau chớ. Ba còn nói con phải nhường nhịn cho em.

Đang hồi khá giả, thì một hôm tai ương ập đến khi ba tiêm thuốc cho thím Ba ở xóm trên.Thím bệnh đã lâu ngày, đến khi sức khỏe thím tới hồi nguy kịch - bác sĩ, y tá “chạy làng” hết thì mới đến nhờ ba. Con còn nhớ lúc đó ba đang ăn cơm trưa, con của thím xuống mời ba, ba đã bỏ dỡ bữa cơm, xách túi thuốc đi liền…

Ba bị bắt nhốt ngay sau khi thím không còn thở nữa! Ba ở tù mấy hôm thì chú Ba bảo lảnh ba ra. Gia đình chú đi coi thầy, xin xăm bên chùa Ông… Xăm Ông linh ứng cho biết số phần thím đến chừng đó là hết. Chú tuy rất đau buồn nhưng lại là người tin nơi mệnh số, không nở để cho ba bị ở tù, cũng một phần vì chú và ba là bạn, Chú làm giấy bãi nại, ba mới được thả cho về. Từ đó ba bỏ nghề y tá, đem túi thuốc cất kỹ trong cánh tủ thờ, không hành nghề nữa.

Rồi ba xin vào làm trong một trạm xăng. Vốn không quen thói tráo trở gạt lường nên không bao lâu thì bị cho nghỉ việc. Còn được một số tiền, ba bán chiếc Vespa thêm vào mua chiếc Honda 67, ba chạy xe ôm!

Từ sáng sớm, ba đã lên chiếc xe ra đi đến tối mịt mới về. Có lần ba chở khách trên một đoạn đường nhiều ổ gà, trời tối ba nhìn không rõ, bị té, tay chân bị xây xát nhiều chỗ. Trên đầu ba được quấn tấm băng trắng, máu vẫn còn rịn ra, bên đầu gối phải quấn một cuộn băng, vệt máu còn tươi rói. Người khách giàu lòng nhân hậu thường ngày được ba đưa rước, đã đem ba đến nhà thương băng bó rồi kêu xe đưa ba về tận nhà.

Chúng con lớn lên bằng những nắng mưa dầu dãi, bằng những giọt mồ hôi muối mặn của ba, bằng những tối sáng thức khuya dậy sớm với cái rổ xôi màu vàng nghệ, với những ghim khoai lang trắng, tím của má. Má con lúc bấy giờ mới biết khốn khó, chắt chiu, tần tảo là như thế nào… phải không ba" Bốn chị em đầu được đủ đầy no ấm, được học hành kha khá, còn năm đứa em sau gặp cảnh gia đình đến hồi cơ cực túng thiếu, nên việc học hành chẳng ra gì, đành dang dỡ!

Rồi chiến tranh lại xảy đến, cướp đi những hạnh phúc nhỏ nhoi, những niềm vui tầm thường của biết bao người. Mái nhà ấm cúng của gia đình mình đã bị thiêu hũy trong trận Tết Mậu Thân -1968.

Được chính phủ trợ cấp cho mỗi nhà mười miếng tôn và một chục bao xi măng, ba đã phải xây dựng lại cái nhà trên mảnh đất cũ bằng đôi tay của chính mình! Ba nhớ không ba, lúc đó ba làm thợ hồ, còn con thì vừa làm tiểu công, đưa gạch, xách nước cho ba vừa ôn bài thi tú tài năm đó.

Đêm về dưới ánh đèn dầu leo lét nơi chái sau của mái chùa Linh Thắng mà sư cụ đã cho gia đình ở tạm, con quyết lòng học tập, quyết tâm lấy cho bằng được cái bằng tú tài một để ba vui và để được người ta gọi mình là “Cô Tú”.

Ngày bạn bè con lên nhà báo tin con thi đậu, ba ôm con trong tay, mình mẩy đầy mùi xi măng, bụi bặm và mùi mồ hôi của ba chua lè, hăng hắc! Cho đến bây giờ con cũng vẫn còn nhớ mãi cái mùi thân thương ấy. Con còn nhớ hai giọt nước mắt long lanh trong hai hố mắt sâu của ba…lăn từ từ trên đôi gò má xạm đen vì nắng gió.

Thời gian dần trôi… Thêm một lần nữa ba vui mừng khi con đã có gia đình. Nhưng niềm vui chưa trọn, thì chị Hai bị tai nạn xe, chị mất đi ở tuổi hai mươi ba, giữa lúc còn thanh xuân son trẻ, chưa có tình yêu đôi lứa, dẫu chị rất xinh xắn, mặn mà. Chị mất sau đám cưới con chỉ có hai ngày!!! Con còn nhớ ngày hôm đó là 23 tháng chạp, ngày đưa Ông Táo về trời. Một mùa xuân tang tóc trong gia đình mình, năm đó!

Hình như bề trên bù lại một niềm vui, qua Tết con có giấy gọi đi nhận nhiệm sở, con chính thức làm cô giáo như lòng ba hằng mong muốn.

Trong khi con vui và hạnh phúc bên chồng con của con, ba vẫn phải bôn ba lăn lóc trong trường đời, ba phải làm đủ thứ nghề những mong đem về cho con cái niềm vui và sự đủ đầy no ấm. Nhưng than ôi, sự cố gắng của ba chỉ như hạt muối nhỏ rơi vào lòng biển cả! Gia đình vẫn thiếu trước hụt sau, bầy em dại của con vẫn thiếu ăn thiếu mặc thiếu cả học hành.

Định mệnh an bài cũng thật dịu kỳ. Qua biết bao sóng gió dập dồn, qua biết bao nghịch cảnh éo le, đến lúc tuổi càng về già thì ba lại trở về gần gũi với quý thầy, với lời kinh tiếng kệ. Gõ mõ, tụng kinh vốn dĩ là nghiệp duyên của ba hồi còn trẻ.

Người ta rước ba đi cúng cho người thân đã qua đời của họ, mời ba đến nhà tụng niệm cầu an cho gia đình vv…và vv… Bấy giờ ba không còn là “Ông Mười Chích”, hay “Ông tài xế xe ôm” nữa, mà thiên hạ gọi ba là “ Thầy Mười tụng kinh”. Ba thuộc nhiều kinh điển, bộ kinh nào ba đọc tụng cũng hay. Những lời kinh tụng niệm của ba đã xoa dịu biết bao đau thương cho những gia đình mất mát người yêu dấu. Mỗi khi ba tụng kinh, giọng ba sang sãng, thanh âm bỗng trầm hay lắm, làm cho con thêm phần kính quý nể phục ba nhiều.

Lúc bấy giờ gia đình con đã được định cư ở Mỹ, nên ba má và các em không còn cơ cực nữa.

Ba còn nhớ không, mỗi lần gọi về thăm, con hay làm bộ đố để xem trí nhớ ba có còn minh mẫn. Con không muốn ba bị quên tiếng Pháp. Con hỏi: - Ba ơi, mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông tiếng Pháp đọc làm sao" Ba trả lời ngay không cần suy nghĩ: - Printemps, Été, Automne, Hiver. Rồi con hỏi tiếp: - Ba ơi, nếu con muốn nói “Tôi đi chợ” thì phải nói làm sao" – Je vais aux marché. Còn nói “Tôi đi học“ thì sao ba" – Je vais à l’école.

Ba có một trí nhớ rất tuyệt vời. Quyển Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du ba thuộc nằm lòng. Những lúc đong đưa trên chiếc võng là ba hay ngâm nga. Con mà không nhớ đoạn nào, cứ gọi điện thoại về hỏi ba thì tức khắc biết ngay liền.

Qua phone, hai cha con mình người hỏi, người trả lời, cười vui hết biết…

Muốn cho ba vui, con nói: - Cứ mỗi lần con đố tiếng Pháp, mà ba trả lời đúng thì được thưởng một trăm ngàn (Tiền VN), ba chịu không" Ba xuýt xoa: - Chà…chà, coi chừng hết tiền ráng chịu nghen con…

Và rồi ba đã lấy viết ghi trong tờ giấy số lần ba trả lời đúng, cuối tháng nhắc con gởi về thanh toán cho ba.

Ba ơi!

Ba cho chúng con nhiều thứ quá, nào công ơn sinh thành dưỡng dục, nào lòng yêu thương, nào sự bao dung che chở, hy sinh to lớn, không gì có thể đáp đền.

Còn phần các con thì sao" Con tự hỏi mà lòng đau xót nghẹn ngào! 49 ngày qua là 49 ngày con thấm thía nỗi đau mất mát! Ba ơi dẫu có vạn lời ta thán cũng không thể nào làm nguôi những ân hận trong con! Vậy mà ba cũng không trách cứ, giận hờn, vẫn một dạ thương yêu. Phút cuối cuộc đời, ba vẫn cố nắm tay từng đứa con, nhìn từng đứa con bằng ánh mắt buồn thương…rồi im lìm say ngủ!!! Ba không lú lẫn, không dây dưa làm khổ sở vợ con!

Trong đớn đau tột cùng, con vội vã trở về dầu chỉ để nhìn ba một lần rồi mãi mãi! Vợ chồng con và bốn đứa cháu ngoại cúi đầu lạy tạ và xin…”Tiễn biệt ba…Chúng con mong ước ba an bình, nhẹ bước thong dong. Phù trần sắc sắc không không. Về nơi nước nhược non bồng thảnh thơi…”

Cẩn kính

Diệu Thiện- Con gái của ba

*

Mới đó mà đã 6 năm rồi tôi mất ba tôi. Father”s Day năm nay rơi vào chúa nhật, 19/ 06 sắp đến. Nhìn lên bàn thờ, khung ảnh ba tôi được đặt bên phải, kế bên trái là má chồng tôi. Ba tôi vẫn vầng trán cao rộng ấy, đôi mắt sáng ấy... đang nhìn tôi mỉm cười.

Tôi lại bần thần mở trang thơ cũ ngày nào. Bài thơ tôi ghi vội sau cái hôm đưa ba ra mộ. Ngày cuối cùng trở về Mỹ, tôi lén để dưới gối cho má tôi. Có lẽ các em nhìn thấy được, cho nên trong bài viết gởi về cho Hòa Thượng sau này xem video, tôi có nghe cậu em trai đọc. Ba ơi. Ngày Lễ Cha sắp đến, con không có quà gì cho ba hết, chỉ có bài thơ muộn màng viết khi vịnh biệt Ba:

Tiễn ba một sớm tinh sương. Trời thu ảm đạm thê lương phủ đầy. Dấu mặt vào đôi bàn tay. Con nghe vỡ vụn tháng ngày vui qua. Đâu còn ba…để thiết tha! Ba không còn nữa, xót xa cõi lòng! Mỗi đêm con mỗi hoài mong. Bóng ba về lại căn phòng buồn hiu. Mẹ con tuổi hạc cũng nhiều. Cô đơn chiếc bóng sớm chiều nhớ ba. Ngoài trời nặng hạt mưa sa. Lời kinh ai chợt…ngân nga…bỗng trầm. Đâu còn ba để ca ngâm. Câu Kiều đứt đoạn, âm thầm ba đi! Từ đây hai nẽo phân kỳ. Tim con vẫn mãi còn ghi dáng hình.

Phương Nam

Ý kiến bạn đọc
25/06/201103:37:43
Khách
Phương Nam 06/24/11
Có một số bạn gởi ý kiến về bài viết của PN (Viết Bài Văn Cho Ba Vui) nhưng không thấy trong phần GỬI Ý KIẾN. PN muốn xem để gởi lời cám ơn đến quý độc giả mà thôi. Thành thật cám ơn nhiều...
12/06/201103:39:46
Khách
Chào Cô Phuỏng Nam,
Con là Phuỏng Đông đây, vùa mói thấy bút hiệu của Cô trong mục Viết về Nuóc Mỹ là con mỏ ra đọc bài của Cô ngay. Lối viết văn của Cô làm nguòi đọc có cảm xúc mạnh lắm. Cô Phuong Nam ỏi! Cô làm cho con nhó đến Ông Ngoại con nhiều lắm.
Cô Phuong Nam bảo trọng.
Bye-Phuong Đông
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,676,714
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Nhạc sĩ Cung Tiến