Hôm nay,  

Memorial, Ngày Để Tưởng Niệm

29/05/201100:00:00(Xem: 159150)

Memorial, Ngày Để Tưởng Niệm

Tác giả: Nguyễn Thơ Sinh
Bài số 3189-12-28489vb8290511

Trong năm 2009, truyền thông Việt Mỹ đã nói nhiều về cuộc hành trình 2,600 dặm xuyên nước Mỹ của Nguyễn Thơ Sinh, một cựu chiến binh hai dòng máu Việt-Mỹ. Với tự truyện về người đi bộ, kể lại cuộc đời của anh, Sinh đã nhận giải Vinh danh Tác Giả tại cuộc họp mặt 10 năm Viết Về Nước Mỹ 2000-2010. Hiện anh là cư dân Fort Worth, TX. vừa làm việc tại Sở Cung Cấp Nước của thành phố, vừa tiếp tục học hoàn tất chương trình cao học. Sau đây là bài viết mới của anh nhân dịp Memorial Day, May 30, 2011.

***

Vietnam helped me realize who the true heroes really are in this world. It's not the home-run hitters. (Willie Stargell)
Những vạt cỏ được tắm mát sau trận mưa giữa tháng Năm bỗng trở nên um tùm xanh tốt. Hoa nở ngạt ngào khắp nơi tạo thành một tấm thảm xanh khổng lồ trải rộng đến ngút ngàn tầm mắt. Đó đây trên vạt cỏ màu ngọc bích khổng lồ ấy, điểm xuyết bao gam màu lung linh như rắc phấn bởi những cánh hoa dại màu vàng nhạt, vàng chanh, màu tím phớt, hay màu đỏ như son môi. Gió miên man thổi dịu dàng, nắng vàng tuôn đổ, hào phóng và thừa mứa, một ngày giữa tháng năm mới thật dễ chịu làm sao.
Chiếc xe pick-up hiệu Ford có logo của sở cấp phát nước Thành phố Fort Worth loại nhỏ của tôi chạy rề rề trên con đường rẽ vào một khu dân cư hạng trung. Hôm nay tôi cầm theo một xấp những địa chỉ của khách hàng đã thanh toán hóa đơn tiền nước và nhiệm vụ của tôi là mở khóa nối lại đường nước cho gia đình họ.
Tiếng nhạc mở khẽ từ chương trình nhạc cổ điển 101.1 FM với những bản nhạc tôi không hề biết tên, dù người xướng ngôn viên có giới thiệu. Có lẽ với mớ tiếng Anh lõm bõm, hổ lốn; thứ tiếng Anh chân không đến đất, cật không đến trời của mình, tôi chỉ biết thả hồn vào tiếng nhạc hùng tráng, còn khúc nhạc đang nghe do ai soạn ra, do ai biểu diễn, tên khúc nhạc là gì… Những thông tin ấy tôi hoàn toàn không mấy để tâm đến. Hơn nữa vì tôi đang phải chú ý lắng nghe tổng đài của Sở Cấp Phát Nước phòng khi họ muốn tôi làm một việc gì đó. Vì thế khi nghe nhạc, dù là đang nghe bản nhạc rất hợp nhĩ, rất khoái khẩu; tôi vẫn không dám lơ là chuyện theo dõi thật sát lệnh của tổng đài, tôi sợ khi về đến sở, sếp sẽ bảo:
- Bữa nay cậu làm gì mà không theo dõi chú ý radio! Người ta gọi cậu nhiều lần nhưng không thấy cậu trả lời.
Thú thật sau nhiều lần nghe các sếp của mấy tổ nhân viên khác nói chuyện khá lớn tiếng với hàm ý khiển trách các nhân viên của họ không chịu theo dõi trả lời tổng đài, tôi không muốn chuyện đó xảy ra với mình. Học được những kinh nghiệm không mấy vui vẻ khi bị khiển trách từ các bạn đồng nghiệp, tôi cho rằng cứ làm tốt phận sự của mình, không đợi ai phải nhắc nhở đến mình, như thế sẽ tốt hơn.
Đang thả hồn theo tiếng nhạc với những ý tưởng vẩn vơ, chuông điện thoại của tôi chợt reo. Vặn nhạc nhỏ volume lại, tôi mở máy, đầu dây bên kia giọng của anh bạn Greg Buttler gọi tới:
- Hey Sin… This coming Memorial Day, are you free or busy"
- Chưa biết nữa. Phải coi lại lịch mới trả lời được. – Tôi đáp lời Greg bằng tiếng Anh. Mà cậu có chuyện gì thế, Greg"
- À. Bà xã tớ bảo nếu cậu không bận rộn gì, ghé lại nhà chơi. Cô ấy sẽ chuẩn bị nấu mấy món soul food…
Greg Butler là một người bạn Mỹ đen, trạc tuổi tôi, bạn của tôi tại Sở cấp phát nước Thành phố. Có lẽ một phần vì cậu ta là một trong số ba người đã phỏng vấn nhận tôi vào làm tại Sơ.û Sau đó chính Greg đã huấn luyện cho tôi học việc hai tuần. Cử chỉ của Greg rất xuề xòa dễ chịu. Cậu ta lại thẳng thắn và nhiệt thành, luôn quan tâm dặn dò tôi chi li mọi thứ, chính vì thế nên tôi rất quý cậu ta. Từ chỗ đó, mỗi khi nhà tôi có làm mấy món ăn thuần túy của người Việt, tôi đều không quên đùm cho Greg một ít. Có khi Greg nhắc đến các món ăn ấy, tôi tiện xe, tạt vào tiệm của người Việt mua cho Greg dăm đồng chả giò hay mấy ổ bánh mì kẹp thịt. Nay nghe Greg rủ đi ăn soul food, tôi lập tức nhận lời và nghĩ ngay đến khay bánh bột ngô nướng vàng ruộm, món móng lợn xông khói ninh nhừ loáng mỡ, món rau cải xanh hầm với thịt lợn muối bacon, đặc biệt nhất là món cẳng gà nhúng bơ rồi lăn cốm cereals đem nướng lò... Greg nói:
- Thứ Hai là ngày Tưởng Niệm, nhà mình ăn cơm vào trưa Chủ Nhật, cậu nhớ ghé lại. Đừng quên mang theo ít bia Coors Light ướp lạnh nhé.
- Nhất định không quên đâu! Gặp cậu sau.
Cúp điện thoại xong tôi mới nhớ ra là mình chưa kiểm lại lịch đã nhận lời bừa phứa. Tôi vừa sực nhớ lại hôm trước mấy người ở nhà bảo sẽ đi công viên chơi nướng thịt trưa Chủ Nhật. Thật là rắc rối. Chắc sẽ phải cáo lỗi với Greg. Hy vọng cậu ta không phật ý, ngược lại ngày thứ Ba vào sở làm, thế nào tôi cũng được một đĩa to go đầy ắp. Thường là vậy, nếu tôi bận không đến chơi được, vợ Greg bao giờ cũng phần giành cho tôi một đĩa. Tính Greg vốn dễ chịu. Nhớ hồi mới làm việc cho Sở cấp phát nước Thành phố, có lần đang học việc với Greg, tôi đã hỏi:
- Anh Greg này, anh bảo là có đến gần 80 người nộp đơn vào vị trí nhân viên đồng hồ nước của sở cấp phát nước, mười người được chọn vào phỏng vấn, nhưng chỉ có hai người được thuê là tôi với Lee. Vậy anh nói cho tôi biết tại sao tôi lại may mắn được nhận vậy. Như anh đã biết rồi, bữa đó khi phỏng vấn tôi nghe đâu có rõ. Tôi phải hỏi anh và hai người kia nhắc lại câu hỏi tới chục lần vì tôi nghe lần đầu không hiểu gì cả.
- Không tệ lắm đâu. Bữa đó cậu trả lời tốt lắm. Nói nghiêm túc đấy! Tin tôi đi, nếu cậu không có biểu hiện tốt, hai người kia sẽ không nhận cậu đâu. – Greg nhìn tôi, nụ cười của cậu ấy luôn khiến người đối diện cảm thấy thoải mái, dễ chịu.
- Vậy mà tôi cứ nghĩ mình được nhận vì một lẽ nào khác nữa!
- Hơn nữa cậu là…
- Có chuyện gì vậy" Tôi ngạc nhiên hỏi, khi thấy Greg có vẻ ngập ngừng.
- Vì... cậu là một cựu quân nhân của Hoa Kỳ…
- Nhưng hôm phỏng vấn tôi thấy còn hai người nữa cũng cựu quân nhân mà.
- Ừ À… Tuy còn ba người khác nữa cũng là cựu quân nhân. nhưng họ không có kinh nghiệm như cậu…
Greg nói tiếp, tuồng như cậu ta luôn luôn hiểu là tôi đang nghĩ gì. Vì v6ạy mà tôi rất quí Greg.
Khi còn trong quân ngũ, tôi là một anh lính ngành y, nói cho rõ hơn là một dược tá mặc áo lính. Gần như cả năm tôi chỉ phải ra xạ trường thi bắn M16 đạn thật trên bia giấy một lần hoặc lâu lắm mới vào rừng cùng anh em tập dựng và tháo lều dã chiến… Vì khi đón nhận những đãi ngộ của xã hội dành cho một người lính xuất ngũ như mình, tôi thấy những gì nhận được so với những gì tôi cống hiến thật là quá lớn.


Vâng. Hôm nay tôi muốn chia sẻ với các bạn điều này: Mặc áo lính, điều đó thoạt nhìn từ nhãn quan bên ngoài người ta không nhận rõ những điều khác biệt khá lớn (so với cái nhìn của người trong cuộc). Tỷ như hai người lính gặp nhau, điều đầu tiên họ thường hỏi người đối diện là:
- MOS của cậu là gì thế"
MOS (military occupational specialist) – Tạm dịch là chuyên môn binh nghiệp. Điều này cho thấy rằng cùng là nghiệp lính, nhưng mỗi MOS là một chuyên môn nghiệp vụ đào tạo của quân đội vốn rất khác nhau. Trong đó có những MOS rất nhàn nhã, an toàn như nhân viên lập trình, kế toán, dược tá…
Một số MOS khác người lính phải vất vả cực nhọc hơn nhiều như lính bếp, lính nhiên liệu, lính xe tăng. Còn có những MOS cực kỳ nguy hiểm như lính tác chiến, lính cứu thương…
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình tôi chỉ là một anh lính bộ binh, trong khi đó Quân lực Hoa Kỳ còn có những binh chủng khác như Hải Quân, Không Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Lính Biên Phòng, Vệ Binh, Đội Đặc Nhiệm… Những gì tôi trải qua trong thời gian mặc áo lính không hề nguy hiểm so với nhiệm vụ của bao nhiêu người lính khác. 
Tôi trộm nghĩ cũng là nghiệp lính, nhưng chẳng phải ai ai cũng may mắn được trở về nhà bình yên. Có người trở về với thân xác lành lặn nhưng xét về mặt tinh thần lý trí đã trải qua nhiều biến cố thay đổi lớn lao. Có người mang theo những vết sẹo trên cơ thể. Có người mang theo những vết sẹo tâm lý trong lòng mãi mãi chỉ liền vết khâu nhưng vẫn âm ỉ đau khi trời trở gió. Có người trở về mất một cánh tay. Có người để lại chiến trường một lá phổi. Có người lâu lâu bàn chân bị ngứa, khi đưa tay lên gãi mới biết bàn chân của mình đã cụt (nhưng cảm giác ngứa ở bàn chân bị cụt vẫn còn).
Và rồi còn có cả những người lính đã vĩnh viễn không bao giờ trở lại.
Ngày lễ Tưởng Niệm Chiến Sỹ Trận Vong năm nay – Memorial Day – Ngày đất nước Hoa Kỳ mỗi năm giành riêng ngày thứ Hai cuối cùng của tháng Năm để ghi nhớ công ơn những người lính đã ngã xuống, xả thân vì đất nước; đã chiến đấu để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ lý tưởng tự do đến hơi thở cuối cùng.
Dĩ nhiên có người cho rằng phục vụ trong quân đội ở Mỹ là một cái nghiệp, được ăn lương và được hưởng những chế độ đãi ngộ tử tế. Tuy nhiên tôi nghĩ đây là một cái nghiệp không phải ai cũng có can đảm dấn thân bước vào. Nhất là cái nghiệp đó đôi khi đòi hỏi sự hy sinh tính mạng của người nhập cuộc. Nhất là sau khi người đó đã quyết định dấn thân, họ phải hiểu được rằng nhận lệnh lên đường sẽ đồng nghĩa với chấp nhận nguy hiểm nhiều hơn an toàn. Điều đáng nói ở đây là họ đã chấp nhận bằng thái độ can đảm chứ không hề chùng chình, nao núng, hay lưỡng lự.
Vâng. Memorial Day – Ngày Lễ tưởng niệm những người lính đã nằm xuống, những anh hùng ngã trận; rất nhiều người trong chúng ta đi làm đã được nghỉ lễ ăn lương. Có thể họ sẽ có những dự định cho một cuối tuần thư giãn. Họ sẽ nấu những món ngon, mời mọc, đãi đằng. Có người sẽ lên kế hoạch đi du ngoạn trong ba ngày nghỉ. Có người tranh thủ thời gian được nghỉ lễ để chữa lại cánh cửa garage, trát lại góc nhà chỗ xi-măng bị vỡ, thay nhớt xe, cắt cỏ, hớt tóc, hoặc đơn giản hơn là nhậu… Nhưng liệu đã có ai giành lấy một phút để giữ cho mình giây phút thinh lặng, tưởng nhớ công lao những người đã phục vụ, đã dám xả thân, dám nằm xuống vì mảnh đất được mệnh danh Xứ Xở Tự Do này.
Tôi cũng thế, cũng là một kẻ đã từng một thời mặc áo lính, nhưng nếu bạn hỏi tôi nghĩ gì về những người đã nằm xuống, tôi không thể trả lời bạn cặn kẽ được. Thay vào đó tôi muốn kể với các bạn về Trung sỹ Jude Jonaus; một người lính đang học dở dang chương trình Cử Nhân Toán với mơ ước sau này xuất ngũ sẽ trở thành một giáo viên dạy toán bậc trung học. Trung sỹ Jude Jonaus bỏ lại một người bạn gái đang chờ anh ở Miami, Florida. Anh cũng mặc áo lính như tôi. Anh cũng là một dược tá như tôi. Một trung sỹ ngành y. Vậy mà một buổi chiều trời nóng hừng hực tháng mười. Chiếc xe hum-vee của anh và một đồng đội đã cán lên một quả bom tự chế IED (improvised explosive device) tại Iraq.
Anh đã hy sinh. Bạn tôi. Tôi không biết rõ anh đã ra đi trong tư thế như thế nào, liệu xác anh có còn nguyên vẹn, hay bên trong chiếc quan tài có phủ lá cờ của Hợp Chủng Quốc, một phần thân thể của anh không đầy đủ, một phần thân xác của anh đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường Iraq.
Viết về ngày Lễ Tưởng Niệm, lòng tôi không khỏi mủi chạnh, bùi ngùi. Tôi nghĩ đến những đồng nghiệp, những chiến hữu, những người bạn lính đã một thời chia chung những xúc cảm trong thời gian huấn luyện khổ nhục quân trường tại Fort Leonard Wood, Missouri. Dạo ấy chúng tôi xa nhà. Mùa đông năm 1996. Thèm được nhận thư. Thèm được hút thuốc. Thậm chí thèm cả chuyện được ăn một thỏi kẹo sô-cô-la Snikers ngấu nghiến. Mãn thời gian tập luyện, chúng tôi tỏa đi khắp nơi. Rồi không hề gặp lại. Bạn bè khổ nhục quân trường ngày ấy, chẳng biết ai mất, ai còn…
Viết về ngày Lễ Tưởng Niệm, tôi càng thấy lòng mình trỗi lên những niềm xúc cảm tôi chưa hề có trước đây. Tôi bỗng chợt nghĩ: Ở đất nước này, những ngày lễ luôn luôn được nghỉ ăn lương và người ta sẽ có những lời chúc rất vui như:
- Chúc Mừng Năm Mới (Happy New Year).
- Giáng Sinh Vui Vẻ (Merry Christmas).
- Ngày Quốc Khánh Hạnh Phúc (Happy The Fourth).
- Ngày Của Mẹ Hạnh Phúc (Happy Mother’s Day)…
Nhưng chẳng nhiều người chúc nhau: Ngày Tưởng Niệm Hạnh Phúc bao giờ cả. Tôi nghĩ bạn sẽ ít khi nghe nói:
- Happy Memorial Day! 
Nhất là khi người nghe là thân nhân, ruột thịt của những vị anh hùng đã nằm xuống, hy sinh phục vụ tổ quốc. Phải chăng đó cũng là một điều đặc biệt nhất của Memorial Day - Ngày Lễ Tưởng Niệm "
Nhưng khi suy nghĩ kỹ hơn, tôi cảm thấy tự hào về đất nước Hoa Kỳ. Nơi đây ngày Tưởng Niệm Chiến Sỹ Trận Vong là một ngày đứng riêng một cách độc lập – Một ngày lễ chính thức để tưởng nhớ, để tôn vinh những người đã nằm xuống vì lý tưởng tự do, vì chính nghĩa và dân chủ - Một ngày để mỗi chúng ta...
Có bao giờ bạn nghĩ rằng đây là ngày để chúng ta nhìn lại con số khoảng hai triệu đồng bào người Việt đã thiệt mạng, một triệu mốt người lính ngoài Bắc, 200.000 người lính miền Nam, cùng với 58.000 binh sỹ Hoa Kỳ đã hy sinh trong chiến cuộc Việt Nam (1945-1975)… 
Đó là những mất mát lớn lao, những tổn thất không gì bù đắp được, để tôi và các bạn (trực tiếp hay gián tiếp) có được những gì chúng ta đang sở hữu trên đất Mỹ - Xứ sở tự do ngày hôm nay.
Và bạn có thể cùng tôi giành cho họ một phút thinh lặng trong tâm tình tưởng niệm, được không" 
Fort Worth, Texas For Memorial Day, 2011
Nguyễn Thơ Sinh

Ý kiến bạn đọc
07/06/201119:41:37
Khách
Anh Sinh ơi, bài viết nào cũng anh cũng đầy tình cảm và rất sâu sắc. Mong anh viết thêm nhiều bài nữa nhé.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,309,959
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.