Hôm nay,  

Ngày ấy 30 - 4 – 1975

04/05/201100:00:00(Xem: 175436)

Ngày ấy 30 - 4 – 1975

Tác giả : Lưu Nguyễn
Bài số 3184-28484 vb3050311

lu_u_nguyen_ngay_ay_30-4-75-large-contentTác giả Lưu Nguyễn cư trú tại Davis, CA, đã góp nhiều bài đặc biệt và từng nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ, với nhiều bài viết kể chuyện đi học, đi làm, đi thực tập làm giảng viên trong ngành thẩm mỹ tại trường Sacramento City College. Bài viết mới nhất của bà là một hồi ký về đổi đời sau ngày 30 Tháng Tư, với ghi chú “Thương tặng TrâmAnh Ph.D of Pharmacology & Toxicology.” Photo: Ảnh chụp năm 1972 với học trò trường Tân Phú I

***

Ngày ấy đã là quá khứ chìm trong 36 năm, mà sao mỗi khi nhớ đến, tôi vẫn buồn rầu, buồn thấm thía hơn khi thấy người dân sống quá đói nghèo, rất thương tâm và đáng kinh hãi với những tội ác không ngờ, đang hàng ngày xảy ra tại Việt Nam, và chỉ có xảy ra sau ngày ấy 30-4-1975.
Những ngày cuối tháng Tư, cuộc chiến Quốc-Cộng đã lan rộng đến mọi ngõ ngách tỉnh, thành. Đêm đêm ánh hỏa châu tỏa sáng trên bầu trời. Ban ngày thỉnh thoảng có những tiếng đạn pháo nổ lớn, rung chuyển cả Sàigòn. Hoang mang và lo lắng hiện rõ trên nét mặt mọi người, nhất là sau khi nghe bản tin Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức trao quyền Tổng Thống lại cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương vào ngày 21-4-75. Vừa nhận chức Tổng Thống, ông Trần Văn Hương ký sắc lệnh cấm và nghiêm phạt những Sĩ Quan, Công Chức bỏ nhiệm sở chạy tránh nạn Cộng Sản.
Một tuần lễ sau, khoảng 5 giờ chiều ngày 28-4-75, lại nghe tin Tổng Thống Trần Văn Hương bàn giao lại chức vụ Tổng Thống cho Đại Tướng Dương Văn Minh. Từ lâu, báo chí đã loan tin tướng Dương Văn Minh là anh ruột tướng Việt Cộng Dương Văn Nhật. Vậy thì khi ông Dương Văn Minh nắm quyền Tổng Thống, chúng ta cũng nên hy vọng sẽ có thương thuyết “tử tế” song phương với Hà Nội, tìm ra giải pháp ngừng lại cuộc nội chiến tương tàn giữa hai miền Nam Bắc.
Nào ngờ đâu, vào lúc 10 giờ 15 phút sáng ngày 30-4-1975. Chỉ sau 30 giờ đồng hồ nhận chức Tổng Thống, Dương Văn Minh đã lên Đài Phát Thanh Sàigòn, kêu gọi Quân-Dân-Cán-Chính Việt Nam Cộng Hòa hãy buông súng đầu hàng vô điều kiện. Lệnh này, giúp Cộng quân Bắc Việt “giải phóng” hoàn toàn lãnh thổ miền Nam một cách nhanh gọn, khỏe khoắn.
Ngày ấy, nghe Dương Văn Minh đọc lệnh đầu hàng. Tim tôi đau nhói, nước mắt mãi tuôn trào và cứ hy vọng đấy không phải là sự thật.
Trang sử oai hùng của quân dân miền Nam Việt Nam đánh đuổi quân Trung Cộng, bảo vệ thành công hai quần đảo Hoàng Sa, Trường sa của Tổ Quốc Việt Nam viết chưa ráo mực. Tại sao đã có ngay trang sử buông súng đầu hàng thật bi thảm!
Lệnh buông súng đầu hàng của Dương Văn Minh, giúp cho xe tăng bộ đội Bắc Việt ngang nhiên tự tại tiến vào Sàigòn, còn hung hãn ủi sập cánh cổng Dinh Độc Lập, một cách không cần thiết. Chia sẻ nỗi đau nhục cùng miền Nam, bầu trời ngày ấy 30-4-75 âm u ảm đạm, không có ánh nắng chói chang của ngày mùa Hạ, cuối Tháng Tư Đen.
Những lời nói ngây dại của Dương Văn Minh cứ được lập đi lập lại, xen kẽ vào là bài ca “Nối Vòng Tay Lớn từ Bắc vô Nam của Trịnh Công Sơn”. Tôi buồn bã tắt Radio, lấy xe Honda chạy đến nhà ông bà ngoại các cháu, thì được biết bà Thời, người hàng xóm đối diện đã chết vì bị trúng đạn pháo kích của Cộng quân. Bà chết đi, để lại bày con thơ 5, 6 đứa thật tội nghiệp.
Về lại nhà, thấy chiếc xe Honda dựng trong sân. Kéo cửa sắt bước vào nhà, thấy hai ông ngồi trầm ngâm ủ rũ. Anh Tứ vẫn mặc trên người bộ đồ lính tác chiến, mang phù hiệu Sư Đoàn 25 Bộ Binh trên cánh tay trái, hai bên cổ áo đã thiếu những cánh mai vàng. Anh buồn bã kể lại giờ phút đơn vị anh uất ức đến “chảy máu mắt”, chưa kịp đánh đấm một trận sinh tử với Cộng quân đã phải tan hàng rã ngũ, bởi lệnh buông súng đầu hàng vô điều kiện của thượng cấp, rồi mạnh ai nấy vứt bỏ súng đạn, tìm đường ngắn nhất chạy về với gia đình. Chúng tôi mời anh ở lại dùng bữa, anh từ chối, chỉ xin nhận bộ quần áo “dân sự” gồm sơ mi trắng, quần nâu đậm và đôi dép da của chồng tôi để “thay hình đổi dạng”, mong bảo vệ được cái mạng, về đến nhà gặp lại vợ con.
Sáng sớm ngày 1-5-1975. Sàigòn có một buổi mít-tinh rầm rộ trước Dinh Độc Lập, mừng Lễ Lao Động đầu tiên trong khí thế “lao động là vinh quang” và “như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng”...
Có bác Hồ…, Sàigòn mang bộ mặt ủ ê, thiếu sinh khí, rầu thúi ruột nghĩ đến ngày “quân đại thắng” sẽ đào tận gốc, trốc tận rễ đám “ngụy quân ngụy quyền” Sàigòn, đã khinh bỉ gọi bác Hồ kính yêu là Con Cáo gìa.
Có bác Hồ trong ngày vui đại thắng rồi, đi đâu cũng thấy những người (hay ngợm) đeo băng đỏ, chạy lăng xăng làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự ("), thâu gom quân trang, quân dụng của lính Quốc Gia vứt bỏ trên hè phố, cũng như vênh váo hối thúc dân chúng treo cờ hai màu “xanh đỏ”, của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và hò hét vỗ tay hoan hô các đoàn quân “Giải Phóng” vào Sàigòn. Sau này khi đã “ngộ ra” những bộ mặt đeo băng đỏ, bà con gọi những tên này là lính sư đoàn 304 (30 tháng 4).
Phụ nữ Sàigòn không còn chưng diện áo dài tha thướt, váy ngắn, váy dài. Nam giới không còn lịch sự mặc áo bỏ trong quần, đeo thắt lưng gọn gàng, chân mang giày da, cỡi trên những chiếc xe Honda, Vespa chạy lả lướt trên đường phố. Người Sàigòn ai cũng tự mình co cụm lại với quần thô áo vải màu sắc tối tăm, chân đi đôi dép nhật lẹt quẹt, chưa đủ can đảm mang đôi dép râu cho đúng mốt. Gía trị của xe đạp lên như diều gặp gío, ai cũng lo sắm một chiếc làm phương tiện đi lại, thay cho xe hơi, xe gắn máy. Thì ra, phải đợi đến ngày miền Nam được “giải phóng”, cái xe đạp thổ tả ở miền Nam mới có gía trị, được coi như một gia tài lớn lao như tại thủ đô Việt Nam-Dân Chủ-Cộng Hòa. Bộ Công An-Sở Công An đã phải làm Giấy Chứng Nhận Sở Hữu Xe Đạp cho dân Hà Nội, chẳng khác nào Giấy Chủ Quyền Xe Hơi, Tàu Biển của miền Nam Tự Do.
Một buổi sáng trên đường đi chợ mua thức ăn, tôi đã đứng lại nhìn theo đoàn “quân giải phóng” đi ngang qua khu chợ, chợt thấy một người tách ra, chạy đến hỏi tôi:
- Cô nhớ em không " Tôi còn đang ngơ ngác thì “quân giải phóng” đã tự khai:
- Em là Lê Văn Ấm đây.
Lê Văn Ấm! Tôi làm sao quên được hai anh em sinh đôi giống nhau như đúc, có chung một tên rất mộc mạc dễ nhớ là Lê Văn Ấm (anh) và Lê Văn Ấm (em), hai trong số học sinh của tôi năm nảo năm nào, khi tôi dậy học trong vùng “xôi đậu” ngoại thành.
- Em mau lớn quá, vậy em là Ấm anh hay Ấm em "
- Dạ Ấm em.
- Ấm anh thế nào"
- Dạ, cũng đi bộ đội hiện nay ảnh thế nào em cũng không biết. Nhà cô ở đâu "
- Gần đây thôi .
- Cô không còn dạy ở trường cũ "
- Không, cô đổi về trường gần nhà ở đây, mấy năm nay rồi.
- Hèn chi có lần em về thăm má, ghé trường mà không thấy cô đâu, thôi em phải đi đây.
- Ừ, em đi mạnh giỏi.
Gặp Lê Văn Ấm trong đoàn quân “giải phóng”, tôi nghĩ đến những học trò khác, như Nguyễn Văn Thành, Trần Văn Quảng, Phạm Công Định, Nguyễn Văn Kiệm … đã hy sinh vì lý tưởng Quốc Gia, mà ngậm ngùi tiếc thương cho tuổi trẻ Việt Nam, sinh ra và lớn lên trong cuộc nội chiến tương tàn do “bác hồ vĩ đại” chủ mưu.
Tôi có bất ngờ khi gặp lại Lê Văn Ấm (em), nhưng không bất ngờ bằng khi gặp cô giáo Công Tằng Tôn Nữ Quế Hương ngồi bán rau muống ở chợ chiều, nhóm trên vỉa hè gần Ngã Tư Bảy Hiền. Cô giáo người xứ Huế, giọng nói êm như ru, dáng người thon thả, tóc thề buông xõa ngang vai, bàn tay xinh xinh cầm dù che. Cô rất vui tính nên mỗi khi gặp, tôi thường nói:
- Chu choa, đi mô mà cô Hương “điệu ra điệu vào” dễ sợ hỉ.
Tính ra miền Nam mới được “giải phóng” mấy ngày, mà Công Tằng Tôn Nữ đã đi bán rau muống, thản nhiên vất đi tất cả những “điệu ra điệu vào”. Cô vất dù che, đội nón lá lụp xụp. Nhưng qua cách chào mời mua rau, ai cũng có thể nhận ra người bán rau muống này, không thuộc giai cấp “con buôn, kẻ chợ”, dù cô đang thể hiện vai trò ấy, qua những bó rau muống và lời chào mời:
- Bà mua giúp bó rau non.
- Chị mua giúp bó rau tươi ngon đại hạ gía.
Miệng xinh chào mời, tay (vẫn còn) nõn nà tỉa tót lại những bó rau, mắt dán vào đấy, nên cô giáo không biết tôi đang đứng trước hàng rau muống của cô. Tôi đằng hắng sửa giọng nói như mọi khi:
- O nì, tui mua hết những bóa rau muống “điệu ra điệu vào”, không cần đại hạ gía hỉ !
- Đồ quỉ nè, mi đi mô đến đây"
- Đến nhà bà Chánh xin rau muống về ăn chớ đi mô!
- Lấy mấy bó rau ni về ăn, khỏi phải đi xin dị quá tề!
- Lấy rau của mụ mới dị quá tề, vì mụ phải đi mua. Còn đến nhà bà Chánh rau muống mọc mênh mông, lội xuống cắt đem về ăn bả còn mang ơn nhiều hỉ !
Phụ giúp Quế Hương bán hết chỗ rau muống, hai đứa tôi đến nhà bà Chánh (ông Chánh là thầy giáo biệt phái, dạy cùng trường với chồng tôi). Ông Chánh đi gõ đầu trẻ, bà Chánh ở nhà quản lý bày con và chăm bón ruộng rau muống, ngày ngày cắt bán xỉ cho bạn hàng, gom tiền sống rất thoải mái.
Mới nghe bà Chánh và Hương trao đổi gía cả bó rau bán xỉ cho bạn hàng, đã thấy hai người cùng lội xuống cắt rau đem lên. Bà Chánh lấy dây xước ra từ bẹ chuối khô, cột lại từng bó, bó rau này lớn gấp hơn 3 lần bó rau Hương bán ở chợ gía 20$ một bó. Tôi thật bất ngờ về số tiền lời kiếm được ở mỗi bó rau, và hiểu tại sao người đời đã có câu nói: “phi thương bất phú”. Những bó rau hôm nay bà Chánh tặng cho hai đứa tôi, chứ không bán. Hương hẹn với bà sáng mai đến mua ba chục bó rau.
Trên đường về, tôi nói với Hương:
- Mua bán gì có ba chục bó rau"
- Đồ ngốc, ba chục bó của bà Chánh tau xớt ra thành 100 bó nhỏ mới bán được, chớ để nguyên bó to đùng của bả, nhà ai ăn cho hết một bữa, nếu không phải là heo.
- Trời ơi, mua ba chục bó rau hết có … để tính coi 22$ x 30 = 660$, vậy mà bán được tới 100 x 20 = 2.000$ lận, lời quá xá, tính ra tương đương với “chỉ số” lương 380 của thầy, cô giáo mới ra khỏi trường Sư Phạm Sàigòn hỉ.
- Ừa, lời vậy đó, mau mau về nhà cắp thúng đi buôn đi bán kiếm lời, của đâu mà ngồi nhà ăn không ngồi rồi, lại không biết có được dạy lại hay không "
- Đừng có lo hỉ, tụi mình dạy văn hóa giáo dục hỉ, chớ đâu có dạy bắn giết mà sợ hỉ. Bằng chứng là mấy ngày trước, đã có một “chiến sĩ cách mạng” chạy đến vui vẻ chào, nhận ra tau là sư phụ của anh em nó hồi nẩm ở “18 thôn vườn trầu” hỉ,
- Hỉ, hỉ cái con khỉ ham bắt chước!
Sẵn có ruộng rau muống nhà bà Chánh, lại thêm “quân sư” Hương đốc xúi vào, nên tôi hăng hái vào nghề mua bán. Ngày đầu tiên, tôi cũng bắt chước cô Hương mua ba chục bó rau đem đi bán thử. Những bó rau muống này, nằm gọn gàng trong khung gỗ, đóng kẹp theo hai bên bánh xe đạp phía sau, được chồng tôi “thiết kế” nhại theo mẫu mã của thầy giáo Ngô Đình Toàn chồng cô Hương. Trước khi tôi xuất hành đi bán, bà Chánh đưa cho tôi cái sô nhựa, trong đó có nắm dây chuối khô và con dao nhỏ, bà nói :
- Cô lần đầu ra buôn bán, nhớ chia ra từng bó nhỏ bán 20$ như cô Hương. Rau muống non mau héo lắm, nên phải mang theo cái sô này đựng nước, lâu lâu vảy nước lên rau. Khi thấy cuống rau đã héo, thì lấy con dao này cắt bỏ chút xíu cọng rau, để bó rau nhìn như mới cắt (thì mới dùng dao cắt rõ ràng mà). Bà Chánh thật tử tế hết sức.
Chưa biết đi đâu bán số rau muống này, nhưng khi ra khỏi nhà bà Chánh, tôi trực chỉ hướng Sàigòn. Đang đi trên đường Lê Văn Duyệt chợt nghĩ đến Phương Thảo nhà ở đường Tô Hiến Thành, xế góc chợ Hòa Hưng. Thảo dậy Trung Học Đệ I cấp, thân thiết với tôi từ khi tôi dạy thêm lớp ở trường trung tiểu học THÁNH TÂM, gần nhà Thảo. Tôi đạp xe rẽ vào đường Tô Hiến Thành, ngạc nhiên khi thấy Thảo, đang ngồi bán bún riêu ở trước cửa nhà. Nhìn thấy tôi chở xe rau muống tấp vào lề đường, Thảo cũng ngạc nhiên trố mắt nhìn tôi và hỏi:
- Bà chở rau muống đi đâu vậy "
- Đi bán chứ đi đâu. Mình đang định đem vào chợ Hòa Hưng bán đấy, liệu có được không" Suy nghĩ một lúc, Thảo đề nghị:
- Khỏi phải đem vào chợ mất công, nồi bún của mình bán gần hết rồi, bà bày rau ra ngay trước cửa nhà mình mà bán cho tiện. Sẵn đây ăn tô bún đã.
- Ừ, cho mình một tô bún riêu ăn mừng, cuộc đổi đời của các cô giáo xinh đẹp.
- Rõ khéo “mèo khen cái đuôi mèo”!
- Ừ, khen cái đuôi con mèo của ông xã Thảo đó!
Thấy tôi đang loay hoay tìm chỗ dựng xe rau muống, Thảo nói:
- Bà cứ dựng xe ngay tại lề đường, trước hàng bún của mình cũng được mà.
- Ừ, phải vậy thôi, mà bà bán bún riêu từ bao giờ thế "
- Mới vài ngày thôi, nhà mình đông người đang thất nghiệp, mình thử nấu nồi bún riêu bán trước cửa nhà, nhắm vào khách là hàng xóm và các bà đi chợ Hòa Hưng. Nếu có bán ế, thì cả nhà ăn thay cơm. Nhưng không ngờ bán đắt hàng lắm, xem ra bán nồi bún riêu còn khỏe hơn đi dạy học đấy.
Đang thưởng thức tài nghệ nấu bún riêu của Thảo, thì có hai anh bộ đội đi đến, đứng lại nhìn xe rau muống của tôi. Ngứa miệng Thảo mời như trêu ghẹo:
- Rau muống mới hái, anh “đội” mua về luộc ăn cho mát ruột.
- Thế rau chị bán bao nhiêu tiền một mớ nào"
Chẳng cần hỏi tôi, Thảo cầm bó rau lên cho anh đội xem và nói:
- Bó rau này to lắm, anh đội mua giúp chỉ lấy rẻ 50 đồng thôi.
- Thế chị có tất cả bao nhiêu mớ "
Tôi trả lời:
- Ba mươi mớ.
- Ba mươi mớ thì chúng tôi mua tất cả cho chị, nhưng chị có thể viết hoá đơn nhận tiền bán rau, cho chúng tôi về trình cơ quan được không"
- Được chứ, anh cứ mua rau đi và muốn viết thế nào chúng tôi cũng viết được.
Thế là Thảo thay tôi bán rau. Nhận tiền xong, đi vào nhà xé trang vở học trò, cầm theo bút máy Paker ra hỏi tên anh đội, viết vào hóa đơn chỗ tên người mua, người nhận tiền ký tên Nguyễn Phương Thảo, đẹp như “rồng bay phượng múa”. Tôi thật không ngờ ngày đầu tiên đi bán rau muống, lại gặp may đến thế. Và càng may hơn, khi tôi và Thảo giúp đem xe rau muống vào tận “doanh trại” các anh đội (trại Đào Bá Phước BCH của binh chủng Biệt Động Quân VNCH, nằm trên đường Tô Hiến Thành gần nhà Phương Thảo). Tại đây, chúng tôi gặp đám bộ đội đóng quân ở Nha Quân Nhu của VNCH, trên đường Trần Quốc Toản, họ cầm bó rau muống lên ngắm nghía, muốn xác định “gía trị” thật sự của bó rau và đồng ý mua 50 bó mỗi ngày.


Trời ạ, mới hôm qua cô giáo Hương “điệu ra điệu vào” rủ tôi đi bán rau muống. Hôm nay tôi đã lại rủ thêm cô giáo Thảo, và ngay tức thì dẫn Thảo đến nhà bà Chánh giới thiệu “bạn hàng” mới cho bà. Bởi vì tôi đã nhường lại “mối” rau anh đội ở trại Đào Bá Phước cho Thảo, tôi giữ lại mối ở “Nha Quân Nhu” trên đường Trần Quốc Toản.
Vậy là Hương, Thảo và tôi cũng như bao nhiêu người phụ nữ Sàigòn sau ngày ấy, đã mau chóng trút bỏ áo dài lụa là thướt tha, giày cao gót kiêu sa, ví da đắt điền xách trên tay, mặc vội lên người lớp áo bà ba đen, nâu, chân mang dép nhựa đi mua bán kiếm sống. Chẳng ai ngờ có ngày các cô giáo chế độ “Mỹ-Ngụy” Sàigòn, bán rau muống cho bộ đội miền Bắc ăn bồi dưỡng sức khỏe, đã tiêu hao khi vượt núi rừng Trường Sơn vào Nam đánh cho “Mỹ cút Ngụy nhào”. Sau này, khi đọc sách báo khoa học của XHCN, mới biết các nhà khoa học “đỉnh cao trí tuệ” loài người, đã “nghiên kíu” và cho biết gía trị mười cân rau muống bằng một cân thịt bò đấy ạ.
Thời gian chúng tôi đi bán rau muống cũng không bao lâu, vì các anh đội đã bồi dưỡng đủ số lượng “ca no ri” cần thiết. Và cũng vì trên “đài” đã thông báo cho giáo chức chế độ VNCH, trở lại “nhiệm sở” cũ của mình.
Đến trường, được thông báo cho biết giáo chức “ngụy” sẽ được đi dạy lại, sau khi hoàn tất thời gian “học tập cải tạo”. Tôi nhớ trong lớp học “cải tạo”, cán bộ từ miền Bắc vào đứng trên bục cao, nói dai nói dài bắt thầy, cô giáo “ngụy” phải thấm thía, biết thế nào là “bạo lực cách mạng” tạo “ba giòng thác cách mạng”có “sức mạnh vạn năng”, “khó khăn nào cũng vượt qua”, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành”, “kẻ thù nào cũng đánh thắng”, và đã “thành công, đại thành công, đại đại thành công”. Bác và Đảng đem lại độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, chế độ tư bản mại bản người bóc lột người đã bị “bạo lực cách mạng” đạp đổ hoàn toàn. Đất nước ta “Nhân Dân Làm Chủ”, “ Quan lại là đầy tớ nhân dân” v.v và v.v…
Cán bộ nói “Nhân Dân Làm Chủ” chẳng hề sai, vì sau ngày miền Nam được hoàn toàn “giải phóng”, bất cứ nơi đâu Nhân Dân cũng được nằm trong đó, nhìn từ xa đã thấy những hàng chữ đỏ chói, nào là:
Ủy Ban Nhân Dân - Viện Kiểm Sát Nhân Dân - Tòa Án Nhân Dân - Quân Đội Nhân Dân - Nghệ Sĩ Nhân Dân - Nhà Hát Nhân Dân - Nhà Sách Nhân Dân - Giáo Viên Nhân Dân - (có cả) - Cửa Hàng Chất Đốt Nhân Dân.
“Học Tập Cải Tạo” xong, chúng tôi trở lại trường tiếp tục “công tác” không lương cho đến khi đổi tiền (500 đồng VNCH đổi lấy 1 đồng XHCN) giáo viên lãnh lương đồng đều 50$ một tháng, không ngạch trật, chỉ số cao thấp như chế độ cũ. Ngày đầu tiên chứng kiến việc ông Hiệu Trưởng Võ Thế Trụ, bàn giao sổ sách cho “Ban Giám Hiệu” mới là thầy Nguyễn Viết Tuân, trong “Hội Nhà Giáo Yêu Nước”, người mà hai năm trước (1973) đã được ông Hiệu Trưởng Võ Thế Trụ đứng ra ký giấy bảo lãnh chịu trách nhiệm với Ty Tiểu Học Gia Định, nhận thầy giáo Nguyễn Viết Tuân về dạy ở trường mình. Sau đó, ông còn làm đơn xin “huyền chức” cho thầy giáo Tuân. Sở dĩ có vụ xin “huyền chức” này, vì thầy Tuân sau khi tốt nghiệp trường Sư Phạm Sàigòn, đã bị bắt nhốt tù vì tội tham gia biểu tình chống Chính Quyền Sàigòn. Khi được huyền chức, thầy Tuân đã được truy lãnh số tiền lương rất lớn, theo thời gian thầy ngồi tù, được tính là thời gian đi dạy ở trường. Xem ra chế độ VNCH ngày ấy “thối nát” như vậy đấy!
Tuy có công với thầy giáo hoạt động “cách mạng” như thế, nhưng ông hiệu trưởng Võ Thế Trụ vẫn bị “mời” ra khỏi ngành giáo dục, sau khi hoàn tất khóa “học tập cải tạo” giáo chức chế độ VNCH, tổ chức tại trường Tân Chí Linh, trong quận Tân Bình, tỉnh Gia Định, được Cao Đăng Chiếm thay mặt Ủy Ban Quân Quản, Ban An Ninh Nội Chính ký xác nhận họ, tên từng giáo viên, kèm theo dấu lăn hai ngón tay cái trên “GIẤY CHỨNG NHẬN ĐÃ HỌC TẬP CẢI TẠO”. Sau khóa cải tạo này, những ai dậy Tiểu học (cấp1), Trung học đệ I cấp (cấp 2), Trung học đệ II cấp (cấp 3) đều được gọi là Giáo Viên, thay vì trước đó gọi Ià Giáo Sư, nếu dậy bậc Trung học.
Những ngày “Học tập cải tạo” chủ yếu là kê khai lý lịch (3 đời), phê bình và tự phê bình chính bản thân mình, tố cáo tội ác của “thực dân đế quốc” và giáo chức chế độ “mỹ ngụy”, rồi thảo luận, kiểm điểm, họp tổ nhỏ, tổ khối, họp chung, họp tất cả trong Hội Trường cùng thảo luận, nghe đọc bản “thu hoạch” của mỗi cá nhân, và nghe “thuyết trình” về các chủ đề “Đấu Tranh Giai Cấp”, “Chuyên Chính Vô Sản”, “Bạo Lực Cách Mạng”, “Xây Dựng Con Người XHCN”, “Mười Năm Trồng Cây”, “Trăm Năm Trồng Người” v.v…
Sau khóa “học tập cải tạo”, không biết ai trong số giáo chức quận Tân Bình, đã nghĩ ra câu sắp hạng “bản án” theo thứ tự: “nhất Ái, nhì Trung, tam Tiền, tứ Trụ”. Câu này được hiểu thứ tự qua các họ tên và chức vụ như sau:
- Nhất Ái là hiệu trưởng Phạm Trọng Ái.
- Nhì Trung là hiệu trưởng Lâm Toàn Trung.
- Tam Tiền là hiệu trưởng Nguyễn Văn Tiền.
- Tứ Trụ là hiệu trưởng Võ Thế Trụ (của trường tôi)
Xếp hạng là như thế, nhưng “cách mạng” cũng có nhiều điều bất ngờ. Không ai ngờ người hiệu trưởng có “tội” nhiều nhất là ông Ái “nhất Ái”, nhưng ông Ái vẫn tồn tại nguyên vẹn, với chức sắc trong “Ban Giám Hiệu” mới, còn người ít “tội” hơn chỉ xếp hạng “nhì”, “ba” và “tư” thì đã bị sa thải ngay sau khóa “học tập cải tạo”.
Thật ra, bị sa thải sớm như thế cũng là điều may, bản thân tôi 4 năm sau (1979) cũng đã tự sa thải mình. Bởi vì sau ngày “giải phóng”, nhà giáo trở nên nghèo hèn lắm lắm, không còn cao quý, không còn được trọng vọng trong xã hội chủ nghĩa duy vật. Ngành giáo dục quá bọt bèo thê thảm, bị mỉa mai qua những câu nói: “nhà giáo dứt cháo”, “thầy giáo tháo giày”, thấm thía hơn với câu ca phũ phàng: “con ơi nhớ lấy lời cha: nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, tránh xa sư phạm”.
Tránh xa Sư Phạm dưới “ánh sáng cách mạng” soi đường chỉ lối là tại làm sao" Có phải tại vì “nhân cách” nhà giáo đã bị Xã Hội Chủ Nghĩa bào mòn, bị uốn nắn theo “tư tưởng vĩ đại Hồ Chí Minh”, bị thúc ép “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, bị lãnh đồng lương ít ỏi, chỉ đủ mua gạo, củi, mắm muối theo tiêu chuẩn nhà nước bán ở các cửa hàng Quốc Doanh. Muốn có tiền đi chợ mua rau, mua thịt, cá … nhà giáo phải đem bán ra ngoài chợ đen số mặt hàng “nhu yếu phẩm” được mua gía chính thức như: 50g bột ngọt, gói trà nhỏ, nửa ký đường, một hộp sữa, nửa kg đậu đen hay đậu xanh, đậu phụng, vài bao thuốc lá, diêm quẹt, cục xà phòng, vài lưỡi dao cạo, kim chỉ, vài cuộn giấy vệ sinh, bịch băng vệ sinh Bạch Tuyết. Thầy giáo cũng được phân phối băng vệ sinh của phụ nữ, thầy không cần dùng thì thỏa thuận trao đổi với cô giáo nào đó lấy thuốc lá, lưỡi dao cạo râu (cô giáo không cần dùng), hay bán ra chợ đen kiếm lời chút đỉnh. Bán hết tất cả nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình ra chợ đen rồi, mà tháng nào cũng thiếu trước hụt sau. Vì lẽ đó, nhà giáo phải “tranh thủ” đi bán thêm hàng rong, chạy chọt mối lái, buôn hàng xách trên tay ngoài chợ trời (mới hình thành sau ngày ấy 30-4-75) hoặc đi đạp xích lô, ba gác, kiếm thêm “thu nhập”, mới đủ nuôi sống bản thân và gia đình.
Đặc biệt, để được mua “tiêu chuẩn” sữa cho con bú dặm khi mẹ đi dạy. Cô giáo đang nuôi con mọn đã phải nhịn ăn, nhịn uống trước khi đến gặp bác sĩ “sản phụ khoa”, cởi áo, đưa vú ra cho bác sĩ bóp nặn đầu vú kiểm tra sữa, không thấy giọt sữa nào chảy ra, thì được bác sĩ ký xác nhận “mất sữa” 100%, cho mua mỗi tháng 10 hộp sữa. Nếu có vài giọt sữa chảy ra từ đầu vú thì chỉ có 5 hộp thôi.
Khi đến bệnh viện Hùng Vương sanh Trâm Anh, đứa con đầu tiên sau ngày “giải phóng”. Tôi may mắn gặp bác sĩ “sản phụ khoa” là bạn học đang làm việc ở đấy. Sau 75 Tuyết “cận” ra trường, may mắn không bị đưa đi vùng kinh tế mới. Cũng nhờ ơn bạn, tôi được cấp phiếu mua sữa trong một năm, mỗi tháng 10 hộp, mà không phải cởi áo, vạch vú ra cho bác sĩ nắn bóp. Vui mừng quá, tôi quên tiệt khẩu hiệu ngành giáo dục XHCN “mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”.
Đất nước sẽ ra sao, Con người sẽ ra sao, khi đời sống tinh thần tồi tệ, vật chất quá thiếu thốn" Câu trả lời rõ ràng là ĐIỀU THIỆN BỊ ĐỐN NGÃ, ĐIỀU ÁC VÙNG LÊN hình thành một xã hội băng hoại, hỗn loạn thật đáng sợ, như hiện nay đã có nhan nhản những tin: con đánh cha mẹ, học trò đánh thầy cô, nữ sinh đánh nhau lột quần áo bạn học giữa phố xá, hiệu trưởng cưỡng ép học trò bán dâm cho quan lớn, xóm giềng lừa đảo nhau, thậm chí “chàng” gạt cả người yêu bán qua biên giới, nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài làm nô lệ tình dục gia tăng. Kinh hãi hơn nữa là chính mẹ ruột, cha ruột đem con gái mới 14, 15 tuổi đi bán trinh cho khách nước ngoài. Họ có còn là con người """
Sau khi làm đơn xin nghỉ việc “trồng người”, tôi ở nhà trồng rau, chăn nuôi heo, gà, vịt trên mảnh đất nền nhà rộng 200m2, mua lại của người hàng xóm bên cạnh, gia đình ông đã dỡ mái tôn, cột kèo, bức vách đem về quê cất nhà làm ruông, ông nói: “tan hàng rã ngũ” ở lại thành phố chẳng biết làm gì mà sống. Tôi nhờ “mất dạy” chuyển qua ngành chăn nuôi sản xuất, mức sống gia đình khá hơn, còn học được cách phân biệt vịt xiêm (đắt gía gấp 3 lần) vịt tàu mới nở 1,2 ngày. Tụi vịt “xiêm la” và “tàu ô” khi còn nhỏ, chúng nhìn giống nhau y hệt, chỉ có má tụi vịt và bà Bảy có nghề “gia truyền”, mới biết cách nhận ra bê-bi vịt xiêm hay vịt tàu, khỏi chờ nuôi lớn mới biết, như nhiều người đi mua vịt xiêm con đã bị mua lầm. Bà Bảy căn dặn tôi khi vào Chợ Lớn mua vịt xiêm con, người bán nói gì kệ họ, cô giáo cứ bắt con vịt mới nở bỏ lên cánh tay áo hay vạt áo, nếu là vịt xiêm chân nó bấu được vào vải áo không rớt xuống, còn nếu là vịt tàu, vịt bầu, vịt cổ cò, vịt sen, vịt bắc kinh v.v … chúng không bám được trên áo rớt xuống ngay.
Một ngày kia, tôi đến chợ Tân Bình tìm mua thức ăn cho gia súc và thuốc trị bịnh heo, gà. Tôi gặp Tâm mua bán thuốc Tây ở chợ Tân Bình, (dĩ nhiên là mua bán “chui”) được ngụy trang bằng một sạp bày bán dụng cụ y khoa như kim chích, ống chích bằng thủy tinh hay nhựa, bông, băng, dao, kéo và nhiều thứ linh tinh khác. Chồng Tâm là Đại úy bác sĩ, “học tập cải tạo” chưa về. Nhiều năm rồi chúng tôi mới gặp lại nhau, kể từ ngày tôi làm phụ dâu cho Tâm, đám cưới đãi ở nhà hàng Continental. Bây giờ đứa nào cũng đã tay bồng tay mang, gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi, kể cho nhau nghe cả buổi chưa hết chuyện gian khổ, truân chuyên theo vận nước. Tâm rủ tôi ra chợ mua, bán “chui” với nó. Tôi chịu liền, vì đã có thời gian tôi kinh doanh rau muống cực kỳ thành công . Tôi nói:
- Thuốc Tây là mặt hàng “chiến lược”, tao xin chạy theo xách giỏ cho mày để học tên thuốc, nhớ hàm lượng, cách chữa trị bệnh “thông manh quáng gà” thường gặp sau ngày ấy.

Nếu bán rau muống lời hơn 2 lần vốn, thì bán thuốc Tây “chui” lời nhiều hơn vì mua bán số nhiều và nhất là gía cả bị thả nổi. Thời gian tôi mới ra nghề (1979), viên Panadol 500mg của Hungary (giống như Tylenol của Mỹ) nén trong vỉ 10 viên, mua xỉ ngàn viên gía 2,80$ một viên, bán lại cho mấy ông bà y tá chích dạo và trạm Y Tế 5$ một viên ngon ơ, họ chặt lại người mua 9$,10$ tùy theo lương tâm mạng mỡ. Sau mua bán ở chợ, tôi còn bán thuốc trị bệnh tại nhà. Một viên Panadol 500mg tôi bán chỉ có 7$ còn tặng kèm theo Vitamine C, hay Vitamine tổng hợp, với lời căn dặn ân cần. Nhà tôi ở gần chợ, nên bà con giới thiệu nhau rất nhanh và khen cô giáo trị bệnh cảm cúm, nhức đầu, tiêu chảy rất mát tay. Thời gian đó, còn thịnh hành loại thuốc viên màu tím (lâu quá tôi quên mất tên rồi) cũng được dùng như Panadol, nhưng gía rẻ hơn nhiều vì là hàng sản xuất tại Hà Nội, khoảng chừng mấy chục xu một viên, nếu mua một thiên (ngàn viên), bán xỉ ra từ 100 viên trở lên là 1$ một viên, bán lẻ 3$. Loại thuốc này gốc gác từ Hà Nội, Tâm dặn tôi phải lấy cái “forcept” kẹp viên thuốc đốt thử, nếu viên thuốc bắt lửa cháy ngay là thuốc thật, nếu cứ trơ ra thì là bột mì đấy. “Tifo-mycine” cũng thử bằng cách đốt cháy, di nát trên ngón tay, ngửi có mùi hôi như rệp thì mới mua, v.v …
Từ khi tôi tránh xa “sư phạm” ra chợ Tân Bình mua bán thuốc Tây “chui”, tiền lương tháng của thầy giáo “nhà ta” tôi không ngó đến. Tôi còn chơi bảnh hơn nhà nước, trả lương mỗi tháng 100.000$ cho cậu sinh viên Đại Học Sư Phạm, đến nhà dạy kèm con tôi học thêm Toán Lý Hóa và Anh Văn. Tính ra lương “sư gia” dạy ít giờ mà lãnh nhiều hơn 20.000$ so với lương tháng 80.000$ trong “biên chế” chính thức của giáo viên nhà nước vào thời điểm năm1990,1991.
Chuyện ngày ấy kể hoài không hết. Tôi xin tạm dừng. Mai mốt kể tiếp. Nếu quí vị không phàn nàn:
- Biết rồi, khổ lắm, nói mãi !
Còn chuyện bây giờ sau 36 năm, xin hãy suy nghĩ đến những câu hát, mở đầu bằng hai chữ “nếu là” được phổ biến dạy cho con nít hát, sau ngày ấy 30-4-75.
-Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng.
-Nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương.
-Nếu là mây tôi sẽ là một vầng mây ấm.
- Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương. Một ước mơ thật tử tế: mong được là người, không là ngợm. Tại sao và những ai chưa phải là người"
Nhân ngày 30-4 xin cầu chúc cho những kẻ đang cầm quyền trên quê hương Việt Nam, hãy đích thực LÀ NGƯỜl, không viển vông hứa hẹn NẾU LÀ NGƯỜI tôi sẽ chết cho quê hương, không chết cho lợi danh, không tham quyền cố vị, không gian nhân hiệp đảng, không bán nước, không giết hại dân lành vô tội vạ nữa.
Lưu Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
18/05/201105:01:54
Khách
Doc bai cua chi lam nho lai ngay 30 thang Tu nam nao,buon va tiec lam sao ay du da may chuc nam roi ,cam on chi da khoi day qua khu,nhu mot nhac nho vi sao chung ta luu lac xu nguoi
03/05/201119:28:08
Khách
Bài viết rất linh động và chi tiết, khiến tôi còn nhớ lương chuẩn úy lúc đó chỉ số là 350. Dĩ vãng 30 tháng Tư thật là một kỹ niệm đau buồn suốt đời trong hầu hết chúng ta. Mong cô đăng tiếp phần còn lại. Cám ơn!
03/05/201119:15:29
Khách
Thật cám ơn chị Lưu Nguyễn đã chia sẽ tới các bạn đọc về sự thật của đất nước VN hôm qua và hôm nay. Một sự thật rất đáng buồn! Mong sẽ được đọc tiếp phần II của câu truyện trong nay mai.
04/05/201102:00:49
Khách
Cám ơn tác giả! Cái gì cũng của Nhân Dân hết... trừ "Ngân Hàng Nhà Nước" ra
04/05/201114:00:49
Khách
Nhớ lai sau ngày giải phóng 30-4-75 nhân dân miền Nam chen nhau trước "Cửa Hàng Chất Đốt Nhân Dân" mua chất đốt than đá về xài thay cho bếp ga bếp điện.
04/05/201112:27:31
Khách
cam on chi da viet len duoc nhung gi minh cung da trai qua nhu chi . minh cung sinh mot chau trai nua nam sau khi chong bi di tu . cung nho nguoi ban giup khai cho mua sua va nho do ma co nhung hop sua cua con de tham nuoi bo that la tham thuong bai viet cua chi dua minh ve qua khu ma luc nao cung trong tam tu cua minh vi sau ngay con trai minh tron mot tuoi la me minh da mat vi binh gan minh da phai vat va nguoc xuoi de tim mua thuoc chui ngoai duong
07/05/201106:27:11
Khách
Đọc "Ngày Ấy 30-4-75" lòng tôi gợn sóng xót xa. Tôi vui buồn lẫn lộn. Tôi không khóc mà nước mắt cứ rơi. Tôi mừng cho tác giả Lưu Nguyễn đã gặp nhiều may mắn mặc dù tác giả từ "tháp ngà" rơi xuống. Với tôi, ngoài sự may mắn tác giả phải là một phụ nữ tài giỏi, khôn ngoan, thông minh mới nhớ từng chi tiết của 36 năm uất hận mà viết bài "'ngày ấy 30-4-75"' cho chúng ta đọc. Tôi phục bác Lưu lắm. Tôi mong dược gặp bác, được kết bạn với bác dể học hỏi, dể suy tôn. Có một diều mà tôi thích nhất là ảnh cô giáo gương mặt đẹp, hiền lành, phúc hậu, thuỳ mị ngồi quanh các học trò mắt nai, ngây thơ, dễ thương nơi bãi cỏ như bức hoạ các thiên thần nơi trần thế. Ôi ngày xưa ấy nay còn đâu!
Trước ngày 30-4-75, tôi cũng từng làm cô giáo dạy lớp mẫu giáo trường Mạnh Mẫu, rồi làm công chức, rồi sau cùng làm cho DAO (thuộc Bộ Quốc Phòng Mỹ) ở 176 Hai Bà Trưng Saigon. Vốn là vợ của sĩ quan QLVNCH, tôi sinh cháu thứ tư được đầy tháng thì chồng phải vào tù với mỹ từ "học tập cải tạo" từ Nam ra Bắc rồi vào Nam và được tha về sau 10 năm xa cách. Sống nuôi 4 con bé dại, còn đi học, và thăm nuôi chông ở tù suốt 10 năm bằng nghề bán ổi, chợ Tân Bình buổi sáng. Chiều bán dưa chua chợ ông Tạ và có một số người bảo nhau: phải mua dưa của bà thiếu tá ngay ngã ba ông Tạ mới ngon... Sống với cộng sản có nghề nào bền đâu. Tôi xoay qua buôn gạo, buôn thịt từ Mỹ Tho về Sài Gòn. Dù gạo hay thịt tôi phải bó vào bụng, vào ngực, vào đùi thì mới thoát, không thì bị tịch thu hàng mà còn bị ở tù nữa... Ôi! nói sao cho hết doạn trường một nắng, hai sương của tôi cũng như hầu hết những người vợ của tù cải tạo sau biến cố đổi đời !!!. Giờ nghĩ lại tôi không tưởng tượng nỏi tại sao mình lại có thể sống sót với những thăng trầm ấy.
"Ngày Ây 30-4-75" của tác giả Lưu Nguyễn là một tự chuyện hay nhất tôi dược đọc trong dip kỷ niệm 36 năm mất nước. Tôi ước mong quê hương Vietnam sẽ có tự do dân chủ trong một ngày thật gần như các cuộc cách mạng hoa lài đã lật đổ hai nhà độc tài của Ai Cập và Tunisia.
Xin cám ơn tác giả Lưu Nguyễn đã chia sẻ cuộc đời giáo chức sau ngày mất nước. Tác giả đã diễn tả thật li kỳ, sống động về sự mưu sinh vất vả của một nhà mô phạm với những tình tiết mà lần đầu tôi mới biết. Tôi ươc mong bài nầy sẽ được chọn in vào sách VVNM 2011 để làm tài liệu trong kho tàng văn học cho những thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ.
03/05/201116:20:06
Khách
Đọc tới phần khám vú mua sữa sau ngày 30-4-75 Vân nhớ lại đã được móc ngéo để tụi giải phóng miền Nam làm sổ mua sữa cho mình, bảo đảm được 10 hộp và được mua một năm dể dàng, khỏi phải đến bịnh viện nhục nhả cởi áo vạch vú ra có khi chỉ được mua mấy hộp. Chịu móc ngéo mình chỉ cần ngồi nhà đưa hộ khẩu giấy sanh của em bé ra. Tụi nó làm Sổ Mua Sữa cho mình với điều kiện phải cho tụi nó hưởng 10 hộp sửa của em bé tháng đầu tiên, khi nó mua xong tháng đó nó mới đưa sổ mua sửa lại cho mình mua 11 tháng còn lại. Tụi giải phóng Miền Nam chó chết khốn nạn đáng nguyền rủa cả giòng họ tụi nó.
03/05/201114:35:07
Khách
Co`n co^ gia'o Ma^u~ Gia'o thi` ddi ba'n che` , ca'c chi. o+i . Ba'n ngay trong sa^n tru+o+`ng Ma^u~ Gia'o (Vo^'n la` bie^.t thu+. bi. la^'y ngang ngu+o+.c sau 30/4/75 ) cho ne^n ca'c phu. huynh kho^ng dde^'n mua ....Sau ddo' pha?i do+`i ha`ng che` ra ngoa`i ddu+o+`ng thi` mo+'i ba'n ddu+o+.c ...tha^.t kho^? cho ca'c co^ gia'o .
03/05/201112:46:16
Khách
Sau ngày "giải phóng" miền Nam 30-4-75 cô giáo đi bán rau, bán chuối còn nhà văn NHÃ CA nổi tiếng với mấy chục tác phẩm như " Đêm Nghe Tiếng Đại Bác", "Giải Khăn Sô Cho Huế" đã đi bán cà-phê.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,738,098
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến