Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_728x90_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Đi Chùa

30/05/202211:09:00(Xem: 2959)

 

Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với rượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego. Tác giả đã nhận giải đặc biệt năm 2018 và giải danh dự năm 2021. Đây là bài viết mới nhất của tác giả.

 

*


-         Đi chùa chơi hôn Tám.

-         Hả???

Tám nghe xong mới hết hồn chứ. Một đứa ham ăn như Mị, nghe tới vịt quay là hai con mắt sáng rỡ, nay đòi đi chùa?! Ủa, ủa, người ta rủ đi chùa chứ có rủ ăn chay đâu?

Mị vốn không phải là một Phật tử thuần thành nhưng đi chùa vào đêm Giao thừa và ngày mùng một Tết gần như là truyền thống mỗi năm. Ngày nhỏ, nhà Mị ở nơi giáp ranh của một bên là Giáo xứ Nam Hải, một bên là xóm nhà lá xích lô ve chai và Chùa Thiền Lâm ở quận 8. Mị không nhớ nhiều, tuổi trẻ con bận vui chơi, phá làng phá xóm, làm gì nghĩ ngợi nhiều đến tôn giáo. Mị chỉ nhớ mình thường thỉnh thoảng vẩn vơ trong sân ngôi chùa nhỏ, nghe mùi nhang thoang thoảng trong không gian yên tĩnh, lượm lá bồ đề ép vô tập và rất nâng niu mỗi khi có được một lá bồ đề nguyên vẹn chỉ còn gân lá. Mị cũng nhớ mình thường thích ngồi ở ghế đá dưới chân tượng Đức Mẹ mỗi khi có dịp đến nhà thờ, cảm thấy lòng bình yên dù những khi phá quá mà nghe dọa cho đi học ma-sơ là sợ mất mật. Nhà của Mị vừa thờ Phật vừa thờ Chúa và Mị tín Chúa, kính Phật. Mị nghĩ tôn giáo nào cũng giúp con người hướng thiện, dạy lòng từ bi, chia sẻ nâng đỡ người khác trong đời sống.

Nói vậy chớ, chỉ cần nghe đi chơi là Bà Tám khoái rồi. Trước đây thỉnh thoảng Mị cũng hay đi chùa Bồ Đề trên đường New Hope ở Santa Ana, nhưng gián đoạn khá lâu do đại dịch hơn hai năm trời và đến nay thì xăng lên giá vù vù nên con đường tìm về giác ngộ coi bộ gian nan. Mị bèn làm một cú nhấp chuột là anh bạn vạn năng internet mách ngay cho Mị Thiền Viện Đại Đăng ở Bonsall, chỉ cách nhà có 25 phút chạy xe.

Thế là ngay 28 Tết Mị hí hửng đi chùa. Dù mỗi ngày hai lượt chạy trên Freeway 15 lên xuống San Diego, ngắm cảnh đồi núi xanh xanh hai bên, Mị chưa từng đi vào hướng núi. Cứ tưởng rằng mình sẽ gặp một ngôi chùa nho nhỏ xinh xinh ở nơi ruộng đồi xa xa. Đến nơi, hết hồn. Hóa ra trước giờ toàn bỏ gần tìm xa. Dù còn đang trong quá trình hoàn thiện xây dựng nhưng Thiền viện rất lớn và đẹp. Chánh điện và thiền đường rất lớn với nguyên bức tường bằng gỗ điêu khắc hết sức sinh động. Nhiều cây cảnh, chữ thư pháp khắc trên đá, vừa mỹ thuật vừa đầy chất Thiền. Tìm hiểu sơ sơ, được biết:

“Thiền Viện Đại Đăng, một trung tâm nghiên cứu và tu học của Hội Thiền Học Việt Nam thuộc hệ Phái Thiền Tông Phật Giáo, lần đầu tiên đã được chính thức thành lập tại Hoa Kỳ. Đây là một cơ sở thiền học trực thuộc dưới sự lãnh đạo và giáo hóa của Hòa Thượng Tông Chủ Thiền Sư Thích Thanh Từ. Ngài là một Thiền Sư đương đại, chủ trương khôi phục lại dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử do một vị Tổ sư danh tiếng và lỗi lạc sáng lập vào thế kỷ thứ 13, của Thiền Học Phật Giáo Việt Nam tức Vua Trần Nhân Tông sau khi nhường ngôi đi tu đắc đạo, lấy danh hiệu là Trúc Lâm Đại Đầu Đà, sau khi viên tịch Triều đình bấy giờ dâng tôn hiệu là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật. Hòa Thượng cũng là Viện Chủ lãnh đạo và điều hành hơn mười ngôi Thiền Viện: Chơn Không, Thường Chiếu, Linh Chiếu, Viên Chiếu, Huệ Chiếu, Phổ Chiếu, Chơn Chiếu, Tịch Chiếu, Trúc Lâm Yên Tử, Trúc Lâm Tây Thiên, Trúc Lâm Sùng Phúc, Trúc Lâm Bạch Mã….

 

Ngày 15/04/2001 ủy Ban vận động thành lập Thiền Viện Đại Đăng mời Tăng Ni và Phật tử tham dự phiên họp đầu tiên để thông báo chương trình, đề ra kế hoạch thành lập Thiền Viện, đã được mọi người hoan hỷ tán thành và nhiệt tình đóng góp tài lực, kẻ công người của để hỗ trợ cho Thiền Viện sớm hoàn thành. Từ khi lãnh trách nhiệm, các Phật tử chọn đất tìm nơi địa điểm thích hợp, trải qua không đầy mười tháng, Một ngôi Thiền Viện khang trang, đẹp đẽ đã xuất hiện trên một ngọn đồi tọa lạc tại số 6326 Camino Del Rey, tại thành phố Bonsall ở vùng San Diego thuộc miền nam tiểu Bang California 92003, USA. Thiền Viện Đại Đăng được xây dựng trên một sườn đồi với diện tích chín mẫu tây, đây là một nơi yên tĩnh, ít tiếng ồn, xa nhà dân cư, xung quanh có đồi núi và rừng cây bao bọc, bên dưới chân đồi hướng về phía trước Thiền Viện có hồ nước trong xanh, Sáng sớm và chiều có sương mờ lãng đãng, phong cảnh thoáng mát, trông rất đẹp mắt, nên thơ và thiền vị. Khí hậu lại mát mẽ ôn hòa, mùa hè không nóng bức, mùa đông không lạnh lắm.”*

 

Sau khi được chỉ dẫn nơi đậu xe phù hợp, một vị Phật tử đã nhiệt tình dẫn hai mẹ con Mị tham quan một vòng và giới thiệu về lịch sử thành lập và các hoạt động cơ bản của Thiền viện, hai mẹ con được nhận hai phần cơm chay đem về. Ui chà, vừa được tham quan cảnh đẹp, vừa được đón tiếp nồng hậu, ấm áp lại còn được một phần cơm chay mang về, sung sướng.

 

Vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, Thiền Viện có các buổi hướng dẫn tu thiền dành cho Phật tử. Không chỉ dành riêng cho Phật tử học thiền mà bất kỳ một người khách vãn cảnh chùa nào cũng được mời nhận một phần cơm chay miễn phí trong hộp mang về hoặc có thể lựa một góc ghế đá vừa ngắm cảnh vừa từ từ thưởng thức.

 

Sau vài lần lên xuống Mị phát hiện ra, đi chùa vui nhất là ... xuống bếp. Nhà bếp do các Ni cô phụ trách. Mỗi lần nấu cả mấy trăm phần ăn, cá biệt vào ngày mùng một Tết, một ngàn năm trăm phần ăn được phát ra cho khách thập phương. Nồi chảo rất lớn và nặng. Cái tướng Mị gấu vậy mà chui lọt vô nồi. À, các cô không có ý định nấu Mị, chỉ là Mị đến giúp các cô rửa chén bát, nồi ơ. Mỗi dịp cuối tuần, và vào các ngày rằm, mùng một hay các ngày lễ của Phật giáo luôn có đông đảo Phật tử đến tu học và vãn cảnh chùa. Nhiều người chung tay dưới bếp. Nhóm này cắt rau củ, nhóm khác cắt trái cây, nhóm nọ thì chia thức ăn ra hộp, người mạnh tay mạnh chân thì bưng bê, dọn dẹp. Không khí vui vẻ rộn ràng, người mới thì gặp gỡ làm quen, người cũ thì trò chuyện hỏi thăm về đời sống.

 

Đi chùa mà Mị thấy vui y như những lần theo ngoại về quê đám giỗ.  Mị nhớ Ngoại của Mị thường nói, ngày giỗ là cho người sống, không phải cho người chết. Ngoại nói, làm giỗ để bà con gần xa tề tựu, giữ gì mối liên hệ gia đình, con cháu biết tưởng nhớ ông bà tổ tiên, biết anh em dòng họ, biết truyền thống gia đình. Chờ nhang tàn, trước là để tỏ lòng kính trọng, sau là để mọi người có thời gian trà nước nói chuyện với nhau và cũng là để chờ người ở xa về kịp.

 

Mị nghĩ đối với nhiều người, niềm tin tôn giáo là truyền thống trong gia đình. Họ được sinh ra và nuôi dưỡng với niềm tin từ ông bà cha mẹ, nhưng có những người chỉ đến với tôn giáo khi họ mất phương hướng và mất niềm tin vào cuộc đời. Hay cũng có thể họ đã phải trải qua một chặng đời phong ba bão táp và cần một chỗ dựa tinh thần.

Mị nhận thấy, tôn giáo và chính trị đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của người dân Mỹ. Ngay cả trên đồng tiền của Mỹ cũng có câu”In God We Trust”. “Chúng ta tin vào Thiên Chúa”. Theo Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa kỳ: “Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, báo chí và quyền của dân chúng được hội họp và kiến nghị Chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình.” Trở về nguồn lịch sử nước Mỹ từ lúc còn là thuộc địa, khi người Anh di cư đến Mỹ để tìm kiếm tự do tôn giáo, sự ảnh hưởng của tôn giáo được thể hiện khá rõ trong văn hóa, đời sống xã hội và chính trị của nước Mỹ. Người nhập cư không chỉ mang theo truyền thống văn hóa, gia đình, ẩm thực của mình mà còn mang theo tín ngưỡng tôn giáo và nhờ được tự do bày tỏ niềm tin và thực hành tín ngưỡng của mình mà tôn giáo tại Mỹ phát triển rất đa dạng. Và tùy theo từng vùng, niềm tin tôn giáo có thể có nhiều khác biệt và ở miền Nam, khu vực được mệnh danh là “Vành đai Kinh Thánh – The Bible Belt”, Kito giáo đóng vai trò đáng kể trong đời sống người dân bình quân cao hơn cả nước.

 

Sang Mỹ, Mị thấy các chùa chiền, Thiền viện như những trung tâm sinh hoạt cộng đồng của người Việt. Mỗi cuối tuần các đồng hương có thể tụ về chùa để tu tập, để trò chuyện bằng tiếng Việt, để chia sẻ, để cảm nhận được không khí cộng đồng Việt. Ngày Tết cổ truyền, bà con đồng hương Phật tử xa quê lại có dịp vãn cảnh chùa với những trang trí quen thuộc ngày Tết, có hoa mai, hoa đào. Nhiều chùa chiền và thiền viện còn công phu trang trí cảnh sắc làng quê Việt Nam, để những người con xa xứ tìm chút hương vị quê hương, giúp cho Phật tử thuần thành hay “Phật tử ngang hông” như Mị cảm nhận được thiện ý chan hòa, hoan hỷ. Mái chùa như là nơi chở che hồn Việt. Dù đi chùa để tu học Phật pháp, hay để nương tựa tâm hồn trong những ngày đau khổ chông chênh, hay chỉ đơn giản là ham vui và bớt sân si như Mị thì Mị tin rằng mỗi người khi trở về đều đem theo mình chút niềm vui an lạc trong giai đoạn nhiều bất ổn trên cả thế giới như hiện nay. Mị thấy mình được sống trong môi trường an toàn và tự do, không phải đối mặt với chiến tranh loạn lạc đã là phúc.

 

Dẫu biết theo giáo lý nhà Phật, mọi việc trên đời đều là Duyên, có căn quả nhưng Mị nguyện cầu cho mọi người luôn được mọi điều bình an, tràn đầy thiện tâm và gặp được phúc lành trong đời sống. Cầu mong chiến tranh, dịch bệnh, bất công, đói nghèo sẽ giảm đi, để thế giới được yên bình.

 

Temecula 05/06/2022

Nguyệt Mị

 

(Trích: Vài nét về Thiền Viện Trúc Lâm Đại Đăng theo trang web của Thiền viện. Trích từ trang web của Thiền viện)

Ý kiến bạn đọc
05/06/202219:13:18
Khách
Bài viết rất tuyệt vời... 👍
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)