Hôm nay,  

“You are what you eat!” Tản Mạn Sức Khỏe Tuổi Già trên đất Mỹ

27/05/202200:00:00(Xem: 3162)

vvnm sach
Bộ sách VVNM

 

Tác giả đã nghỉ hưu sau gần 20 năm làm y tá tâm thần tại một bệnh viện tiểu bang Cali. Là cựu quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, sau 1975 đi tù Cộng sản 6 năm. Là cựu thuyền nhân được thuyền trưởng Nam Hàn tên Jeon Je Yong cứu vớt trên biển Đông năm 1985. Ông cũng là tác giả Hồi Ký "Tấm Lòng Biển"(2007) nói về thuyền trưởng Jeon bị trừng phạt sau khi vớt thuyền nhân. Tác giả nhận giải đặc biệt năm 2021.Tham gia công tác thiện nguyện cho thành phố Westminster, Nam Cali, từ 1994 đến nay.

 

*                                      

 

Một trong những người bạn nối khố của tôi vốn là nhà báo. Sau Giáng Sinh 2021, anh gọi cho tôi nói tôi còn nợ anh ấy bài viết cho số báo Xuân Nhâm Dần của anh sắp trình làng. Tôi cố tảng lờ, “Nợ gì nhỉ?” Bạn liền quát vào máy, “Tôi xin ông. Ông cứ cái tật đánh trống lãng với tôi đấy hả?” Tôi xởi lởi hỏi viết gì bây giờ, bạn liền ra lệnh, “Mùa Xuân, viết về tuổi già chứ còn gì nữa.” Tôi sực nhớ mình có hứa với bạn, nên phải trả cho xong món nợ cuối năm. Lục mãi trong trí nhớ của mình nay đang xuống cấp, tôi bèn chọn ngay việc tản mạn tuổi già của chính mình và của bạn bè đang lưu lạc ở Mỹ, nơi xứ lạ quê người.
 
Năm nay thời tiết lập Đông ở Nam Cali bỗng bất thường. Suốt cả tuần, trời trở lạnh làm nhiều người ho hen cảm cúm thấy rõ, lại nghe đài khí tượng nói năm nay ở vùng Bắc Mỹ, nhất là phía Đông Hoa Kỳ bão tuyết kinh khủng lắm. Ngay cả vùng Cali cũng được cảnh báo nên mặc ấm. Thời tiết năm nay đã để lộ dấu hiệu cho thấy có thể làm buồn lòng các chủ nhà vườn, vì trời khi lạnh khi ấm bất thường khiến hoa đào có thể sẽ nở rộ trước khi Xuân về. Có những ngày trời đang ấm, hôm sau bỗng trở mình se lạnh, đúng như cụ Nguyễn Bính nhà mình đã than thở trong bài thơ “Tương Tư” rằng “nắng mưa là bệnh của trời, tương tư là bệnh của tôi yêu nàng…” Tuy bà Evà của tôi đã cẩn thận đóng kín các cửa, tôi cứ húng hắng ho khan. Hơn hai năm nay phải nửa sống nửa chết vì đại dịch Covid, lại thấy tôi ho nhiều trong khi cả thế giới phải điên đầu vì biến thể Omicron của Covid, bà ấy lấy chiếc khăn len ấn vào tay tôi bảo, “Ông cứ tưởng ông còn trẻ lắm sao?” Bình thường, quanh năm bốn mùa, mỗi khi thấy tôi lơ là việc chăm sóc sức khoẻ cho tôi, bà ấy vẫn thường nhân danh mối tình già lên lớp với tôi ngay, “Ông già rồi, ông phải cẩn thận. Ông đi theo Lệ Thu khi nào không biết đấy, ông định bỏ tôi một mình sao?” Bà ấy nhắc đến Lệ Thu vì biết tôi là “fan khủng” của Lệ Thu đấy thôi. Mỗi lần được bà ấy nhắc khéo như vậy, tôi biết mình không còn trẻ nữa. Ngay cả đứa cháu nội cũng nhận ra tôi đã quá già. Một lần chở cháu đi qua nghĩa trang Chúa Chiên Lành, tôi cho cháu biết đây là nơi ở của người chết. Và để thử xem đứa cháu nội 5 tuổi của mình nhạy bén ra sao khi nói về những người nằm trong đó, tôi buột miệng hỏi cháu, “Steven có muốn vào đấy không?” Nào ngờ thằng bé lém lỉnh đáp ngay, “Ông nội già rồi. Ông nội vào trước đi.” Đúng rồi, chắc chắn thế nào vợ chồng tôi cũng phải dọn vào đấy trước cháu. Tôi đã quá già so với cháu. Tôi sinh ra bố cháu, rồi bố cháu lại sinh ra cháu, thì bảo sao tôi không già cho được. Tôi sắp được con cháu tôn lên hàng U80 vì chúng thấy rõ đôi chân tôi đã rụng rời và đang bước sâu vào triết lý muôn thuở “gần đất xa trời”. Đúng như câu nói văn vẻ của một người bạn vong niên của tôi nay cũng đã ra người thiên cổ, “Cường ơi, chúng mình đang bước đi trên những luống cầy hoàng hôn cuộc đời đó.”
 
Tôi nhớ hình như mình chỉ mới nghỉ hưu đây thôi, vừa thoát được cảnh “sáng vác ô đi chiều vác ô về” chưa lâu lắm, thế mà 16 năm cũng đã trôi qua. Tôi biết mình đang thực sự bước đi trên những luống cầy hoàng hôn cuộc đời như người bạn nhắc nhở; hoặc nói cho có chút văn chương chữ nghĩa thì thời gian vùn vụt bay đi, nhanh như bóng câu bay qua cửa sổ. Sức khoẻ của tôi tuy chẳng có bệnh gì nặng, nhưng mỗi ngày nó cứ tuột dốc không phanh lại được, bởi thế việc tôi nghiên cứu làm sao để có thể sống khoẻ mạnh hơn đã trở thành cái tật. Mỗi khi đọc được gì liên quan đến sức khoẻ và thấy hay hay, tôi liền chôm lấy cho vào “nhà kho vi tính”, không phải để làm đồ cổ nhưng để có mà tra cứu khi cần đến. Thật vậy, trang Sức Khoẻ Gia Đình trong máy vi tính của tôi có đến hơn 160 “thực đơn” chính, cộng thêm gần 300 món ăn chơi phụ, nhắc nhở tôi phải tự lo cho sức khoẻ của chính mình. Tôi phải là bác sĩ cho chính tôi chứ không ai khác. “Triết lý cùn” của tôi dậy tôi rằng, sẽ chẳng có bác sĩ nào dù tài giỏi đến mấy cũng không… chữa trị cho tôi được. Họ chỉ hơn bệnh nhân nhờ vào mảnh bằng y khoa của họ để viết toa cấp thuốc mà thôi. Nếu tôi chẳng may bị đau nhức xương khớp hoặc bị liệt bại nửa người vì tai biến, liệu các bác sĩ có “đau” được cái đau của tôi không nhỉ? Tôi đem khoe triết lý này với đám bạn già, thế mà ai cũng vỗ tay khen hay và trở thành đồng minh của tôi. Vậy nếu có ai đó cũng già như tôi cần tham khảo về sức khoẻ của mình, tôi sẵn sàng cho không biếu không tất cả những thông tin tôi có trong trang Sức Khoẻ Gia Đình.
 
Từ ngày qua Mỹ, bà Evà của tôi khuyên tôi nên tham gia một số hội đoàn, cả đạo lẫn đời. Bà ấy viện dẫn rằng làm con Chúa không những phải sống quân bình việc đạo việc đời, nhưng cũng cần phải hy sinh thời giờ cho Chúa và cho tha nhân nhiều hơn, gọi là “có chút dành dụm” cho đời sau. Tôi chiều theo ý bà ấy, ban đầu chỉ vào hội đoàn cho có lệ, nhưng dần dần xét thấy có lợi cho phần tâm linh nên tôi gia nhập luôn cho tiện sổ sách. Nhưng lạ thật, tất cả những hội đoàn này, đạo hay đời, đều có một mẫu số chung, đó là cứ họp hành xong là đưa chuyện sức khoẻ ra mà khoe mà nói. Đúng là sở thích và cái tật cố hữu của người già. Vừa ăn vừa nói, vừa nhai vừa nói, tôi cứ sợ thức ăn đi lạc vào thanh quản thì chết không kịp ngáp. Lại có khi phải nói thật to như quát vào mặt nhau vì có người đã nặng tai quá cỡ thợ mộc. Tôi nhớ mãi một chuyện vui xẩy ra trong một buổi sinh hoạt hội đoàn. Lần đó họp xong, anh em nhóm tôi 10 người ngồi quanh chiếc bàn thưởng thức món bún bò Huế do gia chủ khoản đãi, vừa ăn vừa lai rai vài câu chuyện thật rôm rả. Anh trưởng nhóm bỗng đem chuyện đau thần kinh tọa ra chia sẻ, nào ngờ lại đúng phóc đến chứng đau lưng của tôi lúc đấy. Số là mấy hôm trước đó tôi có “ga-lăng” xách thùng nước rửa chén chỉ nặng khoảng 3 ga-long ra vườn cho vợ tưới cây, chẳng may một bên lưng tôi bị lệch gân vì xách không đúng cách. Bà nhà tôi đã đắp lên chỗ đau cho tôi gần cả chục miếng “xa-long-pát” nhưng cũng chẳng ăn thua gì, đi họp ngồi chịu đau không thấu. Bởi thế khi nghe nói về đau thần kinh tọa, tôi bèn hỏi ngay anh trưởng nhóm, “Tôi đau đằng sau thắt lưng phía bên phải, làm sao cho bớt hả anh?” Nghe vậy cả nhóm ai cũng nhanh miệng góp lời để giúp tôi, khiến cả căn phòng trở nên khá ồn ào. Người thì khuyên tôi nên đi châm cứu ngay chớ để lâu ngày khó chữa, kẻ thì nói nên đi bác sĩ chỉnh xương càng sớm càng tốt để tránh phải mổ sau này. Anh trưởng nhóm ngồi cách tôi chỉ 2 ghế cũng chồm người về phía tôi sốt sắng hỏi ngược lại tôi, giọng rõ to như để giúp tôi: “Anh dán cao ớt hả, thôi thôi anh đừng dán cao ớt, nóng lắm phỏng da đấy, tôi bị rồi.” Thực ra tôi chỉ hỏi anh ấy làm sao cho bớt mà anh lại nghe thành cao ớt nên anh đã cố vấn y khoa cho tôi thế đấy. Thật lòng thì tôi cũng phải cám ơn anh trưởng nhóm, nhưng trong trường hợp này rõ ràng chỉ lòng tốt của anh thôi chưa đủ để trị bệnh đau lưng cho tôi. Cũng mong sao cho bệnh nặng tai cấp hai của anh trưởng nhóm giảm bớt để anh nghe cho rõ mà còn giúp chúng tôi khi họp hành.
 
Tôi có cảm tưởng mọi người khi đến gặp mặt nhau đều thủ sẵn trong đầu một điều gì đó về sức khoẻ, hoặc học lóm được nơi người khác hoặc chôm chỉa từ trong sách báo, để móc ra khoe mẽ ra điều mình cũng khá về kiến thức y khoa, hoặc để cắc cớ hỏi những “ông bác sĩ già bất đắc dĩ” ngồi chung bàn. Cánh người già như tôi mỗi khi gặp nhau thế nào cũng có màn lai rai vài sợi, qua đó có dịp đấu láo với nhau về sức khoẻ mà chẳng bị ai phản đối, cho dù có nói ngược lại với cơ quan “Giám sát Thực phẩm và Thuốc men” (FDA) cũng được, không sao, chẳng sợ bị ai thưa kiện gì. Ai muốn hiểu sao thì hiểu, người nói chẳng cần phải chứng minh sự hiểu biết cao thấp, chuyên môn hay không chuyên môn của mình. Nói nôm na người già chúng tôi cứ ngồi lại với nhau thế nào cũng trở thành vừa “bác sĩ” vừa “luật sư” để chữa bệnh cho nhau hoặc để tranh với cãi ai đúng ai sai. Mà toàn là chuyện sức khoẻ xưa như trái đất, cho dẫu đôi khi phải nói qua nói lại nhiều lần cho ra lẽ nên dễ mất lòng nhau. Tuy vậy cũng vui ra phết. Nghĩ cho cùng, vào tuổi 7-8 bó trở lên, xem ra ai cũng trở nên tốt lành quan tâm đến nhau, chỉ muốn nhắc nhau đấy thôi, trong khi đề tài sức khoẻ và tuổi già thì triền miên vô tận, nói đến tận thế cũng chưa hết. Đại để cứ cảnh báo giúp nhau y như bác sĩ thứ thiệt: “Ông có bị 3 cao 1 thấp không; Ông có biết 7 triệu chứng báo trước sẽ bị tai biến là gì không; Ông có biết cơ thể người ta có tất cả 108 huyệt đạo không; Ông có biết đang nằm chớ có đứng dậy ngay không; Ông có biết lá đu đủ và nấm chữa được ung thư không; Ông có biết 7 loại thực phẩm tốt nhất cho gan không; Ông có biết 6 loại rau nên ăn nhiều không; Ông có biết bác sĩ Nguyễn Văn Thế ở Bolsa chết vì siêu vi trùng MRSA không; Ông có tập Dịch Cân Kinh không…” vân vân và vân vân. Toàn là hỏi nhau có biết cái này cái kia không, và câu trả lời thì cũng vô thưởng vô phạt, có nghĩa là không ai biết gì cho tường tận cả nên cứ phải nhai đi nhai lại với nhau đấy thôi. Nhưng nghĩ cho cùng, nếu biết thì cũng cứ phải về với Ông Bà, vì đã là kiếp người thì ai cũng phải bước qua cầu “sinh-bệnh-lão-tử”. Ai mà thoát được.
 
Ông bà nội tôi sống thọ lắm. Hai cụ lại cũng gần tuổi nhau. Bà nội thường kể cho con cháu nghe rằng ông nội nghiện rượu hạng siêu nên bà phải giấu hũ rượu của ông trong thúng lúa. Thế là ông nội đã tự ý phạm thêm tội “ăn cắp” rượu để uống cho dễ ngủ. Nhưng lạ thật, khi đã 94 tuổi mà ông nội cứ khoẻ như trai tơ. Lúc còn nhỏ đã có lần chính mắt tôi chứng kiến cảnh ông nội đứng tấn và ra đòn được một bài quyền cước dài khoảng 5 phút. Chẳng thế mà bà tôi cũng đã có lần phải khen ông tôi đấy, vì sau khi ông nội đã tu một lèo hết xị rượu mà ông vẫn tỉnh táo đấu cờ tướng với đám trai làng. Nay tôi vẫn còn nhớ và phục ông nội quá chừng, nhưng tôi không biết uống rượu như ông nội nên không nhận được chức “nát rượu”. Còn bà nội tôi ấy à, bố tôi kể khi bà đã hơn 92 mà cứ gánh chuối hái sau vườn ra chợ bán. Bà thường dậy trước chuông lễ, quang gánh lên vai như thời còn con gái, đi một lèo đến chợ, mắt bà tỏ như ban ngày, chẳng cần đèn đóm gì cả. Bà nội quy tiên ở tuổi 100, hai năm sau ông nội cũng theo bà. Tôi hỏi bố tôi thì biết rằng ông bà nội đều là dân lao động thứ thiệt. Điều này thì đúng như những gì tôi thỉnh thoảng nghe được qua hội thoại y khoa trên radio ở Bolsa. Các bác sĩ đều khuyên người già nên đi bộ hoặc tập thể dục thể thao, nói nôm na là múa máy chân tay cho giãn xương cốt, để máu lưu thông, để tránh bị “pạc-kin-xân” (Parkinson). Qua làn sóng radio, các ngài bác sĩ cũng nhắc nhở cánh người già như tôi phải tập động não bằng cách đọc sách hoặc viết lách gì đó để khỏi bị “on-dzai-mơ” (Alzheimer). Ngày nay tôi mới biết “pạc-kin-xân” và “on-dzai-mơ” là gì, chứ trước 75 khi còn thanh niên tôi có nghe ai nói nhiều đến hai chứng bịnh nghiệt ngã này bao giờ.
 
Thực ra, tôi đã biết mình không còn trẻ nữa kể từ khi đặt bút ký giấy chấp nhận một số tiền hưu đủ sống hằng tháng. Cả việc tôi hoàn trả lại cho sở làm cái bảng tên phai mầu sau 20 năm miệt mài công việc cũng là thái độ tôi xác nhận mình đã chính thức bước vào tuổi già với mái tóc muối tiêu. Hơn 20 năm nay sống trong khung cảnh và bầu khí sinh hoạt của khu “mô-bồ-hôm” (mobilehome) dành cho người già, vợ chồng tôi ngày càng thâm tín hơn những điều phải làm cho những tháng ngày còn lại của đời mình.
            
Một buổi tối, thấy tim mình lộn xộn bất thường, tôi bấm 911. Sau vài phút xe cứu thương đến thắng kít trước cửa nhà, có thêm xe cảnh sát và xe chữa lửa chớp đèn sáng trưng. Tại phòng cấp cứu, tim tôi trở lại bình thường, còn tôi thì tỉnh như sáo. Bác sĩ nói tình trạng tim tôi không có gì trầm trọng, chỉ cần nghỉ ngơi vài hôm, nhưng từ khi xuất viện về tự nhiên tôi thấy tuổi già xồng xộc đến nhanh hơn. Thậm chí đôi khi tôi cũng ngại ngùng nhìn “dung nhan mùa hạ” của mình trong gương. Mái tóc của tôi ư, ai đó đã vô tình rắc thêm muối vào. Nhiều lần bà nhà tôi dụ tôi nhuộm tóc đen cho xứng hợp với mái tóc cũng nhuộm đen của bà ấy, nhưng tôi lý luận phải có thêm muối trên tóc cho đúng vai vế mình là ông nội của 9 đứa cháu chứ. Nói thế nhưng không phải thế, tôi cũng muốn tóc mình còn đen như thời trai trẻ, ai lại không muốn người ta khen mình trẻ chứ. Còn tấm thân già của tôi ư, cứ nắm chắc rằng mỗi 5 phút sẽ có hằng triệu tế bào chết đi mà không có tế bào mới thay vào như y khoa đã xác nhận, nhưng tôi vẫn mong sao các tế bào chết đi chầm chậm “cho em nhờ”. Và tuy biết rằng tuổi-già-là-kho-tàng-của-nhân-loại, tôi cũng cứ mong sao cho mình trẻ-mãi-không-già. Nghịch lý của cuộc đời là thế đấy. Thuốc bổ tây ta đầy ắp trong nhà đấy, cứ như là một phạc-ma-xi bỏ túi, nhưng chẳng giúp được gì. Mấy năm gần đây, dược thảo lại lên ngôi, đã trở thành một hiện tượng mới liên quan đến việc chăm sóc sức khoẻ cho những kẻ dễ tin. Chẳng thế mà có nhiều khuôn mặt nổi cộm, từ nghệ sĩ, ca sĩ, xướng ngôn viên, dẫn chương trình… v…v… già có trẻ có, đã chấp nhận làm thêm giờ với một công việc mới, đó là trở thành quảng cáo viên bất đắc dĩ cho các hãng dược thảo. Khắp phố Bolsa, người ta kháo nhau rằng chỉ cần nhìn chằm chằm vào ống kiếng quây phim trong vài phút và đọc răm rắp theo một tờ giấy đã viết sẵn để quảng cáo cho một loại dược thảo gì đó, người được thu hình sẽ có trong tay một số tiền trên dưới 2 ngàn đô. Đúng như người Mỹ hay nói, “That’s easy money!” Còn những người dẻo mồm hơn thì quảng cáo rất hấp dẫn. Chẳng hạn để quảng cáo cho những hợp chất gì đó được đặt tên là “phu-cô-đen” hoặc “đông-trùng-hạ-thảo”, thì họ phải thuộc nằm lòng nội dung đã viết sẵn trên trang giấy để thao thao bất tuyệt khoe là “thuốc này có tác dụng và hiệu quả thần kỳ trị ung thư hoặc kéo dài tuổi thọ”…v…v… Cứ như là thuốc tiên không bằng. Không tin, cứ bật hết các đài TV nói tiếng Việt ở quận Cam ra sẽ thấy bà con đồng hương mình đua nhau gọi vào “cháy máy” để đặt hàng. Thậm chí bà con còn “ghét lai” (get line) đứng chực trước các cửa hiệu để mua dược thảo khi có khuyến mãi, nhất là cánh xồn xồn và già khú đế như tôi, sợ đến phiên mình e không còn hàng nữa chăng.
 
Nhà tôi ở trong khu “mô-bồ-hôm” (mobilehome), căn nhà tôi lại ở ngay cổng chính, nên ngày đêm hễ thấy đoàn xe cấp cứu hú còi tiến vào là vợ chồng tôi vừa làm dấu cầu nguyện vừa tò mò xem nó quẹo trái hay phải. Đợi khi đoàn xe chớp chớp đèn chạy ngược ra phía cổng, chúng tôi lại bỏ việc trông theo, đoán già đoán non xem nhà nào đã có chuyện chẳng lành. Cho đến vài ngày sau, bất chợt thấy tờ thông báo hậu sự nằm trong hộp thư, lấy ra coi mới biết cư dân nào vừa bỏ cuộc chơi. Đúng là Sinh Bệnh Lão Tử, mà tuyệt đại đa số cư dân trong khu “xê-nhơ” (senior) này đang ở vào giai đoạn Bệnh và Lão, trước khi đến Tử. Vậy mà nực cười thay, cũng phải đủ tiêu chuẩn tuổi tác mới được vào đây ở. Được cái là vào đây biết mình đã già nên ai cũng chăm lo cho sức khoẻ cho mình. Mùa hè, mới sáng tinh sương chưa rõ mặt người, nhiều cư dân đã ra khỏi nhà đi bộ tốc độ nhanh, hít vào thở ra nghe thành tiếng như còn tráng kiện lắm. Buổi trưa nóng nực, hồ bơi lao xao tiếng cụ ông cụ bà chào thăm nhau. Chiều tối, từng đoàn người lại theo nhau tản bộ, Mỹ-Mễ-Việt đề huề. Thu Đông, nhiều người còn chịu khó ngâm mình trong nước ấm, bắt máu huyết phải lưu thông cho bằng được để ngủ cho ngon giấc. Vào những buổi sáng nắng ấm, có những đôi uyên ương đã “quá đát” nhưng còn chút gân vẫn mặn mà tay trong tay cùng nhau tản bộ trong khuôn viên của cộng đồng nhỏ bé này. Mỗi ngày lại có lớp tập gậy dưỡng sinh, cũng thu hút được hơn mười bác. Quả là những dịch vụ cần thiết cho sức khỏe. Trong một ngày, nhiều vị cao niên đủ sắc dân nhàn rỗi thường ghé lại phòng câu lạc bộ có cà-phê miễn phí để vui đùa dăm ba câu chuyện. Riêng cư dân Việt Nam hễ ngồi lại với nhau thoạt đầu sẽ nói chuyện thời sự, rồi bắt qua chuyện “chính chị chính em”, nhưng thường lại kết thúc bằng chuyện phiếm tuổi thọ. Một mẩu đối thoại tiêu biểu giữa hai cư dân Việt Nam cao niên nghe được trong nhà câu lạc bộ vào một buổi sáng như sau. Cụ ông khoảng gần 70 có da mặt khảm đồi mồi nói giọng khào khào bắt chuyện với cụ bà tròm trèm 80 ngồi xe lăn, “Sao, hôm nay bà có khoẻ không?” – Cụ bà tai còn thính đốp chát lại ngay, “Cũng như hôm qua thôi ông ạ. Chúa cho được ngày nào hay ngày ấy.” Cụ ông chắc có thêm bệnh suyễn sao đó, ngửa cổ thở lấy hơi, tảng thịt nhão nhoẹt nơi cổ giật giật thấy rõ. Vài giây sau, cụ ông mới xởi lởi nói tiếp với cụ bà, giọng đứt quãng như gà mắc giây thun, “Được… được như bà là thọ rồi. Tôi chỉ ...mới mấp mé 70 mà đã như gà chết.” Cụ bà trả lời, tiếng khàn khàn như ngậm kẹo trong cổ họng, nhưng âm hưởng lại nghe có chút tiếu ngạo giang hồ và bất cần đời, “Vào đây ai cũng vậy thôi cụ ạ. Chuẩn bị là vừa. Tôi có “vi-sa” rồi, chỉ đợi chuyến bay nữa là đi. Có điều không biết con cái có đứa nào đến kịp tiễn mình lên máy bay hay không.” Có một điều tốt các cụ Việt Nam nhà mình vẫn dành cho nhau và đã thành lệ, đó là không những chào thăm nhau, chúc nhau, mà còn thông tin cho nhau về tình trạng sức khỏe của những cụ già yếu neo đơn khác cùng ở trong khu xóm, nói lên sự quan tâm đến nhau khi con cái không ở gần. Các cụ đã áp dụng đúng câu ông bà mình nói, “Bán bà con xa mua láng giềng gần” là vậy. Nhìn các cụ sinh hoạt như thế, tôi trộm nghĩ hầu hết các cụ ngày xưa chắc chắn ai cũng đã vang bóng một thời cả về uy quyền lẫn vật chất. Mấy năm trước, một cụ ông Việt Nam cư dân trong khu này thọ đến gần 100 tuổi mới từ giã người thân. Nghe kể lại, cụ ông là một bác sĩ tài giỏi và nổi tiếng của bệnh viện Chợ Rẫy trước 75. Hiện nay trong khu vực tôi ở vẫn còn có hai cụ Việt Nam thượng thọ, tuổi mấp mé 100, và tuy hai cụ đã lẻ đôi nhưng còn minh mẫn lắm. Đại loại người già ở trong khu “mô-bồ-hôm” của tôi hằng ngày gặp nhau không bàn bạc gì nhiều ngoài đề tài sức khỏe, lại nói liên tu bất tận.
 
Vào tuổi này tôi không những quan tâm cho sức khoẻ của chính mình mà còn có trách nhiệm phải chăm sóc cho người bạn đời của tôi nữa. Nghĩ đến một ngày xấu trời nào đó, nếu tôi không còn bước đi vững vàng trên chính đôi chân của mình được nữa thì hỏi làm sao tôi có thể đỡ đần cho bà Evà của tôi được. Bởi thế đã gần 7 năm nay hằng ngày tôi rất nghiêm chỉnh và kiên nhẫn với chính mình để tập vài động tác thể dục thể thao như lời bác sĩ nhắc nhở. Cho riêng mình, tôi chọn phương pháp tập Tiên Thiên Khí Công của thầy Phạm Văn Chính, tức là tập thở bằng bụng. Thời gian là vào buổi sáng lúc thức dậy, mặt quay về hướng Đông, hoặc vào ban tối trước khi đi ngủ thì mặt quay về hướng Nam. Lúc tập, ngồi trên sàn nhà trong tư thế định tâm thiền, mắt nhắm hờ nhìn xuống trên sống mũi, lưng thật thẳng tạo nên một góc 90 độ so với sàn nhà. Thời lượng tập là 45 phút. Phải thành thật mà khai báo với mọi người rằng tập thở bằng bụng đã giúp tôi phục hồi sức khoẻ nhiều lắm. Ngoài ra, tôi cũng nhớ có lần đã nghe bác sĩ gia đình nói rằng, ngoài việc quan tâm và kiên trì tập luyện thì niềm tin cũng là yếu tố cần thiết giúp đem lại một kết quả khả quan cho sức khoẻ. Trong trường hợp của mình, tôi nghĩ cũng có thể là nhờ vào niềm tin mình sẽ được khoẻ mạnh nên tôi đã kiên trì tập theo phương pháp này và cũng đã có vài kết quả trông thấy. Trước hết, đó là tôi nhận ra mình có khoẻ và sảng khoái hơn sau mỗi buổi tập. Kế đến là trong mấy năm vừa qua tôi thường có được kết quả tốt cho những lần thử máu định kỳ. (Tuy nhiên, ở khía cạnh tiêu cực, kết quả lạc quan này lại là nguyên do đem đến cho tôi một tật xấu chưa bỏ được, đó là mỗi khi nhận được kết quả thử máu tốt tôi thường có khuynh hướng tự …dễ dãi hơn với mình một chút trong việc ăn uống. Những lần như thế tôi thường tự thưởng cho mình bằng một bữa ăn xả láng, nhưng chỉ một bữa thôi sau đó lại ăn uống chừng mực như cũ. Và sau bữa ăn “tự sướng” đó, thế nào tôi cũng bị bà nhà tôi lên lớp với một bài học vỡ lòng, “Ông ăn tạp thế không bệnh sao được !”) Đúng y chang như người Mỹ thường ví von là, “You are what you eat !” 
 
Đúng như tuyệt đại đa số đồng hương Việt Nam lớn tuổi và cả nhiều người trẻ đang tạm dung trên đất nước Hoa Kỳ này đã xác nhận, “Hoa Kỳ là một đất nước đầy sữa và mật ong”. Nếu người trẻ gốc Việt coi nước Mỹ là đất nước của cơ hội để tiến thân thì cánh già chúng tôi lại tri ân nước Mỹ về những quyền lợi sức khỏe. Cánh già chúng tôi sau bao nhiều năm đóng góp sức mình cho sự thịnh vượng chung của xã hội, nay đã về hưu và có thể nhận được những quyền lợi cho sức khỏe của mình trong tuổi già, vì tuổi già ở một chừng mực nào đó cũng đồng nghĩa với bệnh tật. Một trong những quyền lợi cơ bản nhất về sức khỏe mà người già chúng tôi được thụ hưởng, đó là Medicare do Liên bang cung cấp dành cho những người từ 65 tuổi trở lên và cho những ai bị khuyết tật. Trong khi đó, hầu hết các Tiểu bang sở tại cũng cung cấp thêm những dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người có thu nhập thấp và ít tài sản, gọi là Medicaid. Các dịch vụ y tế và xã hội này sẽ do Tiểu bang điều hành. Một số người chỉ đủ điều kiện hưởng một chương trình, trong khi những người khác đủ điều kiện hưởng cả MedicareMedicaid mà bà con mình nôm na gọi là “Mê-đi Mê-đi”. Một cách cơ bản và vắn gọn khi nói về Medicare, đó là các phần A, B, C, D. Medicare Phần A (bảo hiểm bệnh viện) giúp chi trả cho việc chăm sóc nội trú tại bệnh viện hoặc khoảng thời gian có giới hạn tại các cơ sở điều dưỡng chuyên nghiệp sau khi bệnh nhân xuất viện. Phần A cũng chi trả cho một số dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà và chăm sóc cuối đời, gọi là Hospice care. Medicare Phần B (bảo hiểm y tế) giúp thanh toán các chi phí cho dịch vụ chữa trị của bác sĩ và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác, chăm sóc ngoại trú, chăm sóc sức khỏe tại nhà, thiết bị y tế lâu bền và một số dịch vụ phòng ngừa. Còn phần C nay được gọi là Medicare Advantage Plan bao gồm tất cả các quyền lợi và dịch vụ được bao trả theo Phần A và Phần B — thuốc theo toa và các quyền lợi bổ sung như chăm sóc thị lực, thính lực và nha khoa — được gói gọn trong một chương trình. Nhờ có những quyền lợi y tế tuyệt vời này mà với bao nhiêu bệnh tật những người già như chúng tôi đều được chăm sóc chu đáo trong tuổi già cho đến ngày ra đi về với tổ tiên.
 
Ngoài việc tập Tiên Thiên Khí Công, tôi cũng yêu thích đạp xe đạp lòng vòng khắp phố Bolsa, không dám chôn mình trong nhà suốt ngày, vừa để thư giãn vừa luyện chân cẳng. Bạn già nào muốn biết đạp xe đạp thư giãn và bồi bổ sức khoẻ như thế nào, xin đừng ngần ngại đến với tôi cho có bạn có sòng. Để tôi khoe một chút về môn thể thao di động rẻ tiền này nhé. Còn gì thú bằng một mình một ngựa với chiếc xe đạp gọn nhẹ lêu lổng giữa phố phường để xem thiên-hạ-sự mà chẳng cần mua bảo hiểm. Nhà tôi ở gần khu Phước Lộc Thọ nên tôi rất thích mỗi ngày chạy xe đạp vài tiếng đồng hồ quanh phố Bolsa. Sau ba-ga xe đạp, khi nào tôi cũng thủ sẵn một chai nước lọc, một quả chuối lót lòng, và không quên trang bị thêm chiếc máy ảnh mi-ni phòng hờ khi phải làm phóng sự bất đắc dĩ. Gặp gì hay hay, là lạ, thì bấm ngay vài “pô” làm kỷ niệm, biết đâu sau này có khi lại làm ra tiền nhờ những tấm hình đó.
 
Vợ chồng tôi, từ khi dọn vào ở khu “mô-bồ-hôm” (mobilehome) này đã cảm nghiệm được năm cùng tháng tận của đời mình. Tuy còn cách tuổi trăm hơn 2 thập niên nữa, nhưng chúng tôi cứ dặn mình phải quấn quít bên nhau cho trọn tình trọn nghĩa, bảo nhau bao lâu còn hơi thở bấy lâu phải bám lấy nhau mà sống. Chúng tôi biết mình có trách nhiệm lo cho nhau, nhất là phần tâm linh. Dù sau này tôi có phải đau lâu ốm dài tôi tin rằng bà nhà tôi sẽ ở bên cạnh tôi; con cái thì dễ gì đến kịp khi có chuyện không may xẩy ra đêm hôm cho tôi. Đúng như các cụ đã dậy, “Con lo cho cha không bằng bà lo cho ông” là thế. Nhiều khi trời đã khuya, chỉ còn lại hai chúng tôi tay trong tay tản bộ với nhau trong bóng đêm. Đó là những giây phút chúng tôi được yên tĩnh bên nhau, với nhau, và có nhau. Chúng tôi dâng lời cầu nguyện cho chính mình trong tuổi xế chiều, cho con cháu, và cho khu xóm được mọi điều may lành.
 
Vừa qua, nhân kỷ niệm ngày chúng tôi ký văn-kiện-chung-chăn-chung-gối với nhau 55 năm trước, các con các cháu đến chật nhà. Cậu con cả tôi năm nay đã 54, trên khuôn mặt đã thấy ghi dấu tàn phá của thời gian, thay lời cho mấy em chúc mừng và cám ơn bố mẹ đã sinh thành và nuôi dậy các con nên người. Nghe lời con trẻ chúc mà cảm động, nhưng tôi cũng phải nói với các con, “Các con chúc mừng bố mẹ là tốt, nhưng cũng nhớ cầu nguyện cho bố mẹ ; bố mẹ tuy không phải là những người toàn hảo nhưng các con hãy noi theo những gì tốt lành bố mẹ đã làm mới là cần thiết hơn.” Bỗng đứa cháu đích tôn 10 tuổi hỏi tôi bằng tiếng Việt nghe ngòng ngọng thật dễ thương, Oong bà nọoi đã bao nhiu tủi rồi? Tôi xoa đầu cháu nói, “Cháu ngoan lắm, ông bà nay đã phải bắt đầu tính từng tháng rồi cháu ạ, vì 7 năm 8 tháng 9 ngày, cháu có biết không?” Dĩ nhiên đứa cháu sinh ra tại Mỹ làm sao hiểu được tí ti gì về triết lý sống này của các cụ ta ngày xưa. Ngay cả vợ chồng cậu con lớn của tôi xem ra cũng không hiểu trọn ý nghĩa câu nói là gì, nên tôi phải dài dòng văn tự với con. Tôi giải thích, “Bố mẹ nay đã 77 và 75, nghĩa là khi đã bước vào tuổi 70 rồi thì tuổi thọ cứ tính từng năm, đến 80 tuổi thì tính từng tháng, còn 90 tuổi thì tính từng ngày.[]
 
Nguyễn Hùng Cường, e.j. 
 

Ý kiến bạn đọc
11/04/202403:52:39
Khách
cellulite herbal remedies <a href=""> https://forums.dieviete.lv/profils/127605/forum/ </a> sciatica relief pills
01/06/202206:21:35
Khách
Một bài viết hay. Tác giả dùng lời văn ý nhị để viết vể những chuyện liên quan đến cuộc sống hàng ngày trong tuổi già .
31/05/202220:56:46
Khách
Chào anh Cường!
Theo tôi nghĩ câu nói " bẩy năm, tám tháng, chín ngày" phải giải thích như thế này thì mới rõ nghĩa hơn( chứ không phải tính tuổi thọ)
Khi đến tuổi bẩy mươi, ta sẽ già đi từng năm( năm trước qua năm sau nhìn già đi rõ ràng)
Đến tuổi tám mươi ta già đi từng tháng
Đến tuổi chín mươi ta già đi từng ngày( sức khỏe yếu đi từng ngày)
Thiển ý trình bày, mong anh lượng thứ
31/05/202210:18:53
Khách
Thọ, yểu do Trời. Sống vui, sống khỏe do mình tự quyết định.

Ăn uống chừng mực, cẩn thận và siêng năng luyện tập cơ thể hằng ngày thì dù bệnh tật có tới do tuổi đời chồng chất -từ khoảng 60 tới 70 nói chung không bị tim thì ung thư- cũng nhẹ đi nhiều và dễ chữa hơn.

Cám ơn tác giả cho người đọc được ~ giây phút thư giãn và một trận cười thoải mái. Mong tác giả tiếp tục viết để độc giả Việt Báo được học hỏi thêm và yêu đời, yêu người hơn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)