Hôm nay,  

Quê Hương Là Nơi Ta Thấy Hạnh Phúc

27/04/201100:00:00(Xem: 190440)

Quê Hương Là Nơi Ta Thấy Hạnh Phúc

Tác giả: Henry Grunwald

Dịch giả: Nguyễn Văn Sở

Bài số 3177-28477 vb4042711

Bài viêt sau đây được dịch từ nguyên tác, Home is Where You are Happy, đăng trên báo Time số ra ngày 8-7-1985. Tác giả Henry Grunwald là một di dân đến Hoa Kỳ khi đã 17 tuổi và trở thành tổng-biên-tập gốc Áo của tuần báo TIME. Bài viết nói lên những nhận xét và cảm nghiệm sâu sắc về ý nghĩa hai chữ quê hương dưới cái nhìn của một di dân.

Dịch giả là một HO 1 đến Mỹ năm 1990 và cũng từ năm này ông là Giáo Sư thực thụ tại Orange Coast College, Orange County. Tại Việt Nam trước đó, khi từ trại tù cộng sản trở về, trong lớp học "chui" tại gia năm 1985, ông tình cờ có được số báo Time có đăng bài viết này. Cám cảnh thân phận một kẻ bị "lưu đày trên chính quê hương mình", người dịch từng nói với học trò của mình: "Home is Where You are not Rejected!" (Quê hương là nơi ta không bị ruồng bỏ!). Nhân kỳ nghỉ Giáng Sinh vừa qua, ông có dịp đọc lại và dịch lại nguyên tác của Henry Grunwald. Bản dịch Việt ngữ không tham dự giải thưởng. Tuy nhiên, Việt Báo cám ơn sự chia sẻ của dịch giả và ước mong bài viết quí giá này sẽ được đọc bởi quí vị độc giả và tác giả Viết Về Nước Mỹ.

***

Người di dân nào cũng có một cuộc sống hai mặt. Ai cũng có một nhân cách và một lối nhìn hai mặt, lơ lửng giữa quê hương cũ và mới, giữa cái tôi trước đây và bây giờ.

Dĩ nhiên là ngay chính cái khái niệm quê hương mới, trong một nghĩa nào đó, cũng là điều khó chấp nhận như khi nói về cha mẹ mới. Cha mẹ thì ta biết rõ là ai; quê hương thì ta cũng đã biết nó như thế nào rồi. Đó là nơi trong nhà có giấy dán tường trên đầu giường, cái bàn ăn của gia đình; là nơi có những tiếng chuông nhà thờ đổ vào buổi sáng, những vết bầm trên chân từ sân chơi về, những nỗi sợ vu vơ lúc trời bắt đầu tối; nơi có những con đường, những quảng trường, những đài kỷ niệm, và những cửa hàng đã tạo nên cái vũ trụ đầu tiên của ta. Quê hương là nơi ta sinh ra, được ghi khắc bằng ký ức.

Tuy nhiên quê hương, cũng như dòng dõi cha mẹ, phải được chứng thực bằng tình thương yêu; nếu không thì nó chỉ là một sự kiện địa dư hay sinh học. Phần lớn các di dân qua Hoa Kỳ đều cảm thấy đã phản bội tình yêu quê hương cũ, dù trước đó họ đã từng bị bỏ đói tại Ái Nhĩ Lan, bị ngược đãi tại Đức Quốc Xả, hay bị xua đuổi ra biển tại Việt Nam. Họ đâu có thực sự muốn từ bỏ quê hương; chính quê hương đã từ bỏ họ. Trong khi tại Hoa kỳ, họ có thể tìm thấy tình yêu mới, cơ hội phát triển thành những con người mới.

Ngưòi di dân chẳng thuần nhất, nhưng cũng không hẳn không có ngoại lệ. Thế hệ nào cũng có phong trào "Bất-Biết", với nỗi sợ, đôi khi có thể hiểu được, và lòng căm thù kẻ ngoại xâm. Điều này hiện vẫn đúng cũng như đã luôn luôn đúng trong quá khứ. Mặc dù vậy, thái độ của người Mỹ phải cho là độc đáo. Suốt lịch sử, sống lưu vong là điều bất hạnh; và nước Mỹ đã thành công khi đưa di dân vào vị trí trung tâm của một thiên anh hùng ca quốc gia, được biểu hiện qua bức tượng đồng đúc theo kiểu xưa mà nhiều người thường nhắc đi nhắc lại, đó là Tượng Nữ Thần Tự Do, bất chấp cái vẻ hạ cố và lời thơ kinh khủng của thi sĩ nổi tiếng Emma Lazarus ("những rác rưởi thảm hại suốt dọc bờ biển của bạn") (1).

Thiên anh hùng ca ra đời vì nước Mỹ vừa là một ý niệm vừa là một quốc gia. Nước Mỹ không liên hệ gì đến lòng trung thành với một triều đại và cũng chẳng gắn bó chặt chẽ gì với một địa danh đặc biệt nào cả, nhưng lại tuân phục một hệ thống nguyên tắc. Đối với người di dân, những nguyên tắc đó rất thực vì thường không có hoặc có mà bị vi phạm trên chính quê hương họ. Chẳng phải tình cờ mà trong hai thập niên 1960 và 1970, khi thái độ thờ ơ lan rộng trong thành phần người Mỹ bản xứ đối với các nguyên tắc trên thì những di dân và con cái họ lại hết sức tôn trọng và giữ gìn những giá trị đó của họ. Khả năng nhìn cả hai phía của người di dân khiến họ có một nhận định riêng biệt khá méo mó về nước Mỹ, có thể làm cho họ có ấn tượng sai nhưng đồng thời cũng có thể giúp họ phát hiện những điều mới lạ đối với những gì người Mỹ bản xứ cho là đương nhiên. Nhà tâm phân học Robert Coles gọi họ là những người "đứng giạng chân trên hai thế giới và biến chính cái kinh nghiệm đó thành một thế giới mới."

Điều này không dễ. Các đợt di dân dĩ nhiên không giống nhau, và một người tị nạn chiến tranh từ Châu Âu không sao có cùng những kinh nghiệm với một người tị nạn Việt Nam sau chiến tranh, 40 năm sau đó. Nhưng tất cả mọi di dân đều có nhiều điểm tương đồng, và tất cả đều trải qua những cảm xúc tương phản, cổ điển như họp lại với nhau ở những nơi dễ được che chở, thông qua nhà thờ, hay câu lạc bộ, quán cà phê, báo chí, để quyết tâm duy trì nếp văn hóa cũ; hoặc lao mình vào dòng chính của người Mỹ, tìm cách tiếp thu mọi phong cách ứng xử mới, kiểu áo quần mới, kỷ thuật mới, và đôi khi cả tên mới.

Dĩ nhiên mỗi di dân là một học viên, và điều anh ta ít nhiều bận tâm là học. Học là một việc căng thẳng ("không biết có đúng không""); và tùy theo tính khí của mỗi người, đó cũng là một quá trình những khám phá vui vẻ. Đối với những di dân trẻ tuổi, những khám phá này bắt đầu từ trường học, và điều đầu tiên gây ngạc nhiên nhất là sự cởi mở, hoàn toàn không bị bó buộc và đôc đoán nhỏ nhen nào vốn là đặc trưng của các lớp học hầu như khắp thế giới. Nhưng nếu sự cởi mở đó thực sự là vui thích và phóng khoáng đối với những đầu óc trẻ trung, thì tình trạng vô kỷ luật kèm theo cũng đáng sợ và tai hại: đó là mấu chốt của sự xung đột triền miên của người Mỹ giữa tự do và trật tự.

Việc giáo dục của người di dân tiếp diễn khắp nơi. Họ không những phải hiểu kỹ một lịch sử mới mà luôn cả cách tưởng tượng mới. Tiến trình này tiếp tục ở nhiều nhịp độ khác nhau, và những gián đoạn bất thường có thể xuất hiện. Đầu họ còn vuơng vấn nhiều điệu hát ru em cũng như nhiều chuyện thần tiên khác nhau. Họ có thể vừa mới tốt nghiệp đại học hạng ưu nhưng chắc họ chưa biết Mary Poppins (2) là ai. Họ có thể đang thi làm luật sư nhưng chắc cũng mù mờ về nhân vật Popeye (3). Tâm trí họ vẫn còn ám ảnh về Hoàng tử Eugene of Savoy (4) (từ bài hát hồi bảy tuổi: "Hoàng tử Eugene, vị hiệp sĩ quí tộc…"), trong khi không biết gì về Patrick Henry (5), một hình ảnh quá nhiều chỗ trống giống như một bản nháp dang dở.

Tiếp nối trong quá trình học hỏi của người di dân là sự so sánh giữa nước Mỹ chỉ có trong mơ ước hay tưởng tượng và nước Mỹ thực tế. Sự mơ ưóc tùy thuộc vào thời gian và địa điểm, nhưng thực tế bao giờ cũng dễ gây kinh ngạc. Nếu họ nhìn nước Mỹ qua hình ảnh Ginger Rogers (6) và Fred Astaire (7) khiêu vũ trên đỉnh những tòa nhà chọc trời đầy quyến rũ thì làm sao họ chấp nhận thực tế của những khu nhà ổ chuột" Nếu họ chỉ nhìn thấy cảnh ồn ào và hỗn độn vật chất, làm sao họ hiểu được ngôi nhà hội họp của người Quaker và lý tưởng bất khuất thể hiện hằng ngày qua việc làm tốt liên tục của không biết bao nhiêu người Mỹ" Nếu họ nhìn với óc tưởng tượng có tính cách trẻ con về Miền Viễn Tây hoang dã, làm sao họ có thể hiểu được nhân vật Sitting Bull (8) là một người thật từng chống lại một chính quyền thật và đã chết thật"

Một trở ngại dai dẳng đối với một số người nhưng lại là một sự giải thoát đối với một số người khác, đó là ngôn ngữ mới. Ngưòi di dân phải phấn đấu lâu dài để nói cho đúng giọng, như cố gắng tập một bài hát lạ và khó đến bực mình. Đối với những người lớn hay sắp là người lớn, họ lại còn bị đau khổ và phiền hà khi phải cố gắng học những từ mới và nghĩa mới. Thế nhưng những từ mới và nghĩa mới này tự thân chúng mang một vẻ hồn nhiên tươi mát nào đó hoàn toàn không như trường hợp tiếng mẹ đẻ bị ép buộc một cách nhạt nhẽo và ngượng ngập trong lớp học hay nhà trẻ.

Tiếng Anh thật phi lý nhưng cũng thật phóng khoáng khi so sánh với những ngữ pháp khắc khe trong tiếng Pháp hay tiếng Đức. Một số người mới nhập cư thấy lạc lõng trong nền văn hóa dễ thay đổi này, một số khác lại náo nức đến với tiếng Anh bằng một cảm nhận có tính bản năng, như một người mới gặp lại một người anh em chưa hề biết. Shakepeare (9) và Melville (10) dần dần thay thế Goethe (11) và Racine (12) qua những đoạn văn đã được học kỹ trước đây nên chưa hoàn hoàn mờ nhạt trong tâm trí; kinh nghiệm của người di dân mới đầu có thể là một sự phản bội mơ hồ nhưng rồi kết thúc với sự đam mê. Người di dân học tiếng Anh, ngôn ngữ trọng yếu đã hợp nhất nước Mỹ, sẽ không bao giờ hòa hợp được với những người chối bỏ tiếng Anh - như người gốc La-tinh- do đó một tình trạng đáng ngại đã xảy ra là có một tình trạng văn hóa hai mặt ở nhiều nơi trên đất nước Hoa Kỳ. Ngôn ngữ là đời sống. Đối với nhiều di dân, sự nhập tịch đích thực chỉ đến khi họ bắt đầu mơ nói tiếng Anh.

Điều gây hoang mang và phức tạp hơn ngôn ngữ là nền nếp xã hội Hoa Kỳ. Cảm tưởng đầu tiên của người di dân là sự thoải mái phi nghi thức rất dễ gây kinh ngạc và bối rối, một sự thân thiện rất cởi mở. Nhưng họ sẽ biết đi xem nhạc kịch mà mặc áo sơ mi thường (một sự xúc phạm, đương nhiên!) không có nghĩa là coi thường văn hóa hay khuôn phép. Gọi người chủ của mình bằng tên trống không, một việc phải cố gắng mới làm được, không có nghĩa là chủ và nhân viên trong văn phòng đều bình đẳng. Thật vậy, sự bình đẳng là một ảo tưởng lớn nhưng cũng là một thực tế lớn ở Mỹ. Người di dân thường chậm hiểu rằng dưới cái bề mặt bình đẳng đó là một hệ thống thứ bậc và nhiều nhóm chủng tộc khác nhau, với những cách xưng hô thích hợp hay bất xứng, với những tên tuổi lớn cũng như thấp hèn, những người giàu có sẵn coi thường những kẻ mới phất, những dân nhập cư cũ xem thường những người mới đến - như một địa hình chưa có bản đồ hướng dẫn.

Nhưng sau sự khám phá này, dần dần sẽ có một sự cảm nhận sâu sắc khác khiến người di dân phải quay trở lại với nhận thức ban đầu: thực sự không có một cấu trúc xã hội nào cố định cả. Trên hết mọi thứ là tính di động đã được nói đến nhiều---từ nơi này đến nơi khác, từ nghề này đến nghề khác, từ vị trí xã hội này đến vị trí xã hội khác- đã biến người dân Mỹ bản xứ thành di dân trên chính quê hương của họ.

Nói một cách triết lý, Châu Âu (hay Châu Á hoặc Châu Phi) là thế giới đã thành, còn Châu Mỹ là thế giới đang thành. Ở Châu Âu, mình là con người mình; ở Châu Mỹ, mình là công việc mình làm. Đối với người di dân, đây là một khám phá đầy hứng thú, và cũng đầy lo âu. Cơ hội không chỉ thuần là cơ hội mà còn là một điều bó buộc, một sự chê trách. Nếu ai cũng thành công ở Mỹ, còn anh thì sao" Nếu ai cũng có thể thành đạt như mong muốn, tại sao anh lại không khá hơn"

Tình cảnh đó đưa đến sự phân vân không biết đó có phải là đạo đức của người Mỹ không. Không -không thể đơn giản như thế. Dấu hiệu đầu tiên có thể thấy được về thái độ đạo đức của người Mỹ là đơn xin nhập cư: một đòi hỏi nghiêm túc phải thề mình không phải là Cọng sản, hay một người làm điếm hoặc một loại người nào đó. Đối với những ai đến từ những xã hội xưa đầy nghi kỵ thì đây là một hình thức ngây ngô quá đáng. Còn đối với người di dân, điều này cho thấy trước niềm tin của người Mỹ là họ có quyền đặt để, ngay cả ra luật về đạo đức. Niềm tin đó là sự pha trộn giữa tín ngưỡng của những người theo Thanh Giáo (Puritanism), vốn tin rằng bản chất con người luôn luôn thiếu sót, và truyền thống Khai Sáng (Enlightment), luôn luôn tin con ngưòi là hoàn thiện. Một ví dụ là Cotton Mather (13) gặp Thomas Jefferson (14). Sự kết hợp tương phản này là biểu hiện của lòng quyết tâm tuyệt đối, nhưng đôi khi cũng thiếu thực tế một cách vô vọng, muốn đánh bại cái ác sờ sờ trước mặt, và cũng là sự bác bỏ nguyên trạng trong vũ trụ.

Tình trạng đạo đức mà người di dân để lại ở quê nhà thường là hình ảnh tháp chuông của một hay hai nhà thờ trong một không khí an bình mong manh sau nhiều thế kỷ chiến tranh đẫm máu. Do đó họ choáng ngợp trước sự đa dạng về tôn giáo ở Mỹ, với vô số giáo hội, giáo phái lớn nhỏ, cùng những cách thờ phụng phát triển nhanh chóng như trong một trung tâm thương mại về tâm linh. Nhưng họ cũng biết đánh giá cao sự kiện một đất nước đã có khả năng tạo dựng Thượng Đế dưới nhiều hình ảnh khác nhau mà, dù có lập dị đến mấy đi nữa, cũng không bao giờ sử dụng đến lửa và gươm để ép buộc người dân phải theo.

Điểm kinh khủng nhất về nước Mỹ chính là đất nước này. Không một người mới nhập cư nào ngờ đến kích thước của nó: một đất nước mênh mông bằng cả một lục địa. Phần tinh hoa của đất nước Hoa Kỳ không nằm nơi những rặng núi hay dọc bờ biển mà ở những đồng bằng rộng lớn. Không gian (trên đất liền, không phải trong vũ trụ) chính là hình ảnh biểu thị tiềm lực tồn tại của người Mỹ. Tốc độ có thể chế ngự được nó, nhưng những gì nhân tạo không khống chế được nó. Có lẽ đó là lý do tại sao ngay cả hình dáng nổi bật trên nền trời của các thành phố Mỹ trông có vẻ mong manh, vô thường một cách lạ lùng. Nước Mỹ không xây dựng để còn mãi với thời gian. Nước Mỹ không có cung điện và không có cả những thánh đường kiểu Mỹ.

Nhưng vẻ đẹp của nước Mỹ không nằm nơi những tòa nhà, những tuyệt tác hay những nghệ thuật, mà quan trọng nhất nằm nơi ý niệm. Tự do là một giá trị tối thượng, về thẩm mỹ cũng như về chính trị. Sớm muộn gì hầu hết mọi người di dân cũng nhận biết rằng tự do không phải nói về cái ta muốn mà về những gì ta có thể làm và, cuối cùng, phải làm. Tự do không cho ai giữ nguyên không thay đổi vì nó thúc người ta luôn tiến tới, như một giống linh cẩu từ trời trong cõi tục, luôn thách thức, kích động, bắt phải hành động.

Không có một tín ngưỡng chính thống, hay một hệ tư tưởng cố định khiến đôi khi rất khó chịu, nhất là đối với nhiều di dân lớn tuổi; dù đối với giới trẻ thì không sao. Và đôi khi chính con cháu mới thực sự là những người dẫn dắt các vị trưởng thượng sống kiểu sống Mỹ, như con đưa cha đi xem trận dã cầu đầu tiên hay hướng dẫn đến dự một buổi trình diễn nhạc kích động, hoặc giúp có ý thức thực tế góp phần quan trọng trong cuộc sống tương lai của nước Mỹ.

Người di dân gặp tình huống ngặt nghèo nhất khi thấy tương lai không có gì chắc chắn và khi nước Mỹ có vẻ như sắp bỏ rơi lời hứa hẹn của mình, như đã xảy ra trong thời kỳ Đại Suy Thoái, và trong cuộc Chiến tranh Việt Nam. Ngày nay sự thất hứa có thể xảy ra bất cứ khi nào khi người ta suy nghiệm về mặt dưới đầy u ám nhưng cũng dễ nhìn thấy trong đời sống ở Mỹ: như xe điện ngầm trong thành phố New York, hay tình trạng dơ dáy tại một trạm xăng bên đường hoặc những cảnh rùng rợn ở Mỹ về ma túy, tội ác, về sự đồi trụy, và các tệ nạn ở các thành phố --đúng là những "rác rưởi thảm hại". Vào những lúc như thế thì có vẻ như một số nơi mà người di dân vừa xa lánh lại khá hơn nước Mỹ, cho họ cảm giác họ đã "hơn". Dĩ nhiên là không phải như vậy. Sẽ bị gán cho là giả dối và phản bội khi lơ đi những xấu xa ghê tởm và những tì vết của nước Mỹ, nhưng trong một phạm vi rộng lớn thì chúng là kết quả của tự do -đôi khi là tự do quá trớn. Chỉ vì chính tự do có thể nguy hiểm. Tuy nhiên tự do cũng có khả năng sửa chữa mọi khiếm khuyết, vì nó cho phép, nói đúng ra là khuyến khích, dân chúng phê phán xã hội, và tìm cách thay đổi để cải tiến nó.

Nói tóm lại, sự giáo dục của người di dân mang tính cách cá thể, riêng rẽ, không ai có thể nói thay cho người khác. Alfred Grunwald, một nghệ sĩ sáng tác nhạc kịch ở Vienne đến Mỹ năm 1940 và tìm cách tiếp tục theo đuổi nghệ thuật của mình, đã viết lời cho một bài hát gói ghém khá nhiều kinh nghiệm của người di dân ở Mỹ. "Deine Heimat ist wo das Gluck dich grusst…" Đại ý: "Quê hương là nơi ta thấy hạnh phúc." Câu nói có lẽ phát xuất từ tình cảm hơn là do lòng yêu nước thông thường, nhưng lại thích hợp với một đất nước đã đem sự theo đuổi hạnh phúc của người dân ghi vào văn kiện lập quốc của mình.

Sự theo đuổi hạnh phúc đó vẫn tiếp tục với người di dân trên đất Mỹ, không bao giờ ngừng. Nó sẽ ngừng một lúc nào đó khó xác định một cách chính xác, nhưng có lẽ nó sẽ đến khi cuộc sống hai mặt và lối nhìn từ hai góc độ khác nhau hội tụ về một tâm trạng duy nhất. Lúc cuộc sống cũ và quê hương cũ nhạt nhòa dần thành ra hư ảo ở những nơi mà ta chỉ viếng thăm, thật sự hay trong tâm tưởng, qua một kiểu du lịch bằng ký ức. Đó là lúc người di dân học được bài học cuối cùng: trên tất cả các quốc gia, nước Mỹ luôn sẵn sàng đem yêu thương đền đáp lại yêu thương.

Nguyễn Văn Sở

CHÚ THÍCH:

1. Emma Lazarus (1849-1887): Thi sĩ Mỹ, tác giả bài thơ nổi tiếng "The New Colossus" đã được chọn khắc vào đế bức tượng Nữ Thần Tự Do ở New York, trong đó có câu mà tác giả nhắc đến trong bài, lấy từ đoạn thơ sau đây:

"Give me your tired, your poor, Your huddled masses yearning to breathe free, 

The wretched refuse of your teeming shore. Send these, the homeless, tempest-tost to me, I lift my lamp beside the golden door!"

2. Mary Poppins: Tên môt cô giữ trẻ người Anh có phép thần thông trong loạt sách thiếu nhi do P.L. Travers xuất bản năm 1934. Nội dung đã được chuyển thành phim và nhạc kịch.

3. Popeye the Sailor: Tên một thủy thủ (hư cấu) trong tranh chuyện vui của Elzie Crisler Segar. Nôi dung cũng đã được chuyển thành phim.

4. Prince Eugene of Savoy (1663-1736): Tên một tướng lảnh nổi tiếng của Châu Âu, sinh ở Pháp nhưng phục vụ trong quân đội nước Áo.

5. Patrick Henry (1736-1799): Nhà hùng biện và chính trị gia Mỹ, nổi tiếng với bài diễn văn "Give me Liberty or give me Death" vào thời chiến tranh dành độc lâp của Hoa Kỳ.

6. Ginger Rogers (1911-1995): Nữ diễn viên, ca sĩ, và diễn viên múa người Hoa Kỳ đã xuất hiện chung với tài tử Fred Astaire trong một loạt phim ca nhạc.

7. Fred Astaire (1899-1987): diễn viên múa, ca sĩ, nhà biên đạo múa đã xuất hiện trong 31 phim nhạc kịch.

8. Sitting Bull (c1831-1890): Lãnh tụ người Da Đỏ thuộc bô lạc Sioux.

9. William Shakespeare (1564-1616): Thỉ sĩ, kịch tác gia được xem như nổi tiếng nhất của nước Anh.

10. Herman Melville (1819-1891): Thi sĩ, tiểu thuyết gia người Mỹ, tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Moby-Dick".

11. Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832): Văn sĩ được xem như nổi tiếng nhất của Đức.

12. Jean Racine (1639-1699): kịch tác gia lừng danh của Pháp.

13. Cotton Mather (1663-1728): Mục sư Thanh giáo được nói đến nhiều vì vai trò của ông trong các vụ xử án phù thủy ở Salem, vùng New England thời tiền độc lập.

14. Thomas Jefferson (1743-1826): Tác giả chính của Bản Tuyên Ngôn Độc Lập và cũng là vị Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,307,212
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.