Hôm nay,  

Hồi Ức Mùa Giáng Sinh: Lầm Than-làm Than

14/03/200100:00:00(Xem: 230952)
Bài tham dự số 211-VB1224


1

Tư Trịnh tuổi 16 và Tư Trịnh tuổi 40, cách nhau 24 năm trời, anh đã phải hai lần làm nghề đốt than.

Lần trước, năm 1952, anh đang học cấp III thì Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chánh Liên Khu 5 ``phóng tay phát động quần chúng cải cách ruộng đất``, anh bị đuổi học, cho về rừng, tự đi làm rẫy sinh nhai.

Tư Trịnh và Ba Hoa là hai anh em ruột, buộc phải rời trường, lần mò từ Kiến hàn Đập đá An nhơn lẻo đẽo về Kim sơn Ân nghĩa Hoài ân Bình định. Con đường dài 80 cây số, đi bộ, từ biển lên thượng nguồn Dốc Đót của một nhánh sông Lại Giang . Ở Kim sơn hai anh em mua được một túp lều của ông già nuôi dê mà cũng tên Dê, giá 40 ngàn tín phiếu. Nhà có vườn rẫy trồng khá nhiều chuối, lang mì, mít, ổi và 6 cây dừa lửa, cao, sai trái. Phải làm gì để có gạo mà ăn" Hội Liên Việt ở nơi khỉ ho cò gáy này còn dễ dãi, cho phép phú nông mướn người cuốc đất, cày bừa, phạt bờ, thu hoạch.. Những việc ấy cũng chỉ thỉnh thoảng mới có . Vì vậy hai anh em cùng với Nhung cụt, Nhật trợn và vợ chồng Ba Nghệ, tất cả 6 người, làm thành một tổ đốt than, bán than cho cơ quan in Tín Phiếu ở Hà đông, Hoài ân, Bình định.

Những đồi núi đầy đá thạch anh, đẹp não nùng vì những mũi nhọn lục lăng trong vắt trắng, hồng, tím than và đen lóng lánh; chúng nhô ra từ thân đá gộc sù sì xám xịt. Những cây sao, cam xe, bằng lăng, giá tị.. lẫn với các cây me, bứa, trâm, tràm, bồng quân, trường, cám, táo rừng và hàng trăm loài cây vô danh khác mà đối với tuổi 16, nó thực sự vô danh! Đó là chưa kể những cây sim, dứa, chùm chè, dũ dẽ, trư lung, mây, giang, tre nứa, tràm, lau đót, thơm tàu, chà là, mâm xôi, móng bò, cứt ngựa.. Ôi chao, những rừng cây chằng chịt dây leo, dây mây và dây nầng, củ mài.

Một cây rựa bén ngót, một mo cau cơm độn vắt dẽ, xuổng cuốc, vĩ khiêng đất, gáo dừa, thùng tre trét dầu rái... là những thứ thợ rừng phải mang theo lên núi, chọn chỗ để xây lò đốt than. Chúng tôi đào đất gò, đập nát, rây mịn, trộn ít muối, đổ nước suối, đạp nhồi cho nhuyễn, đúc đất thành gạch thẻ. Gạch được xây tròn, đường kính đáy lò độ 3 mét, xây lùm lùm lên cao 2 mét rưỡi, cái miệng đỉnh lò tròn chừng 5 tấc, nắp đậy bằng tôn thùng phi. Cửa ở đáy lò hình vòm, cao 8 tấc, rộng 6 tấc. Lò nửa nổi nửa chìm để tạo thế vững chắc, nên phải đào ``tali`` vào vách núi mà xây. Lò gồm hai nửa, nửa nổi bộng như một cái nắp vung to, có đường tròn vành khăn rộng 6 tấc, làm đường đi quanh bên ngoài; còn nửa chìm bộng hình trụ mà hai phần ba dựa vào vách núi. Chỗ giáp mí hai nửa ấy khoét 5 lỗ vuông, cạnh một tấc rưỡi, làm 5 cái miệng phun khói.

Lò xây 5 ngày mới xong và phải đợi chờ chừng nửa tháng cho gạch thật khô. Trong khi chờ thì tất cả bắt đầu đi đốn củi. Củi đường kính một tấc đến ba tấc, dài một mét. Lò ăn củi chừng bốn mét khối rưỡi. Phải chọn cây săn cứng và nặng thì ra than mới tốt, màu óng ánh, gõ boong boong và bán mới chạy.

Đốn củi thật nhọc nhằn vì phải lựa cây, chặt thẳng cánh, dứt dây leo. Cực nhất là khuân vác củi về lò, ngược xuôi đường dốc khúc khuỷu gập ghềnh, còn phải tránh đá nhọn, kiến càng bù nhọt bò cạp rắn rít.. vấp lên té xuống vì nặng, trong cái nắng đổ lửa, trong mưa dầm chẹp nhẹp. Người thợ lò không bao giờ cột bó củi và cõng hay vác củi. Anh ta dùng 2 cái nạng, nạng chắn ba (như cái thân ná ổi bắn chim thuở còn thơ) cột chặc với cái đòn gánh (bằng tre hay củi) rồi gác năm bảy khúc củi tươi lên đó. Cái đòn gánh nằm ngang cách mặt đất chừng một thước hai, để ta chỉ cần hơi cúi xuống kê vai vào là có thể lấy tấn đứng lên đi dễ dàng; đi mệt thì dừng nghỉ khom vai chừng 2 tấc là chân chống chạm đất. Trong nổi khổ của lầm than có niềm vui gió mát và khắc chế được một ít khó khăn.

Sáu người chặt củi bảy ngày mới được một lò. Củi đưa vào lò sắp dựng đứng; cứ kín một lớp thì chất ngang một lớp bổi (củi khô và nhỏ) rồi lại một lớp đứng thứ hai. Nóc vòm lò cong thì để củi nằm ngang. Ở cửa lò thêm một lớp bổi, rồi dùng gạch và sét dẻo xây bít kín cửa lò, chỉ chừa một lỗ vuông hai tấc, để mồi lửa. Đậy nắp tôn lại nhưng chỉ che nửa đỉnh lò.

Lò củi tươi phải được đốt 5 ngày đêm thì than mới chín. Việc canh đốt đòi hỏi kỹ thuật canh 6 màu khói, kỹ thuật trám các khe nứt nẻ và phải thức đêm, sợ ma, sợ cọp beo rắn rít. Tùy theo đợt củi, tùy theo lò sắp củi chặt hay lỏng mà than có thể chín sớm hay muộn nửa ngày, hay hai phần ngày. Màu khói đầu là màu đen cuồn cuộn và mùi rất hăng. Màu thứ hai là màu xám đậm như mây của cơn dông, cay cay. Màu thứ ba là của tường vân, một thứ mây ngũ sắc chu vi có màu đẹp đẽ. Màu thứ tư như bức tranh vân cẩu trên trời xanh, những cuộn bông trắng nõn, màu mây đầu hạ của tháng ngày chỉ trước đó 5 năm, của tuổi nhỏ, vít từng bông lúa trĩu sữa non trên đồng Vĩnh thạnh, nghe hương lúa thấm vào da thịt mà hồn bay theo cánh chim bói cá giữa dòng sông Lại êm đềm. Trả nợ áo cơm quá sớm chăng" Màu thứ năm là màu thời gian, xanh xanh, hờ hững, lỏng lẻo và thanh mảnh, như đợt khói lam chiều, bịn rịn bên những mái tranh xưa hiu hắc một mảng đời khói lửa. Màu cuối cùng là màu vô sắc, như màn khí rưng rưng bốc trên mặt đường nhựa những trưa hè.

Đó là đúng thứ tự thời gian của 6 màu. Cuộc sống lầm than dạy cho mình như thế, đó là trường đời, không là trường học. Nhưng dù trường nào thì cũng phải ăn dâu mới nhả tơ, không thể ăn tạp cỏ rác mà nhả tơ được. Tự học cũng phải là thực học, leo lên những nấc thang học vấn giống như trèo lên những mõm đá cao, phải bám chặt ngay từ những bước thấp nhất. Giống như Phương Lựu đã nói ``Lối học ngang tắt, bổ túc vá víu, rồi kể cả cậy thế hay luồn lụy, để cố giật mảnh bằng, hoàn chỉnh thủ tục làm quan, thì vẫn ngu dốt suốt đời.`` Khi đến màu thứ 3 thì bít một ống khói giữa trong dãy 5 ống khói . Đến màu số 4 thì đậy kín nắp lò và quét hồ lỏng cho thật kín. Qua màu số 5 thì bít thêm 2 lỗ nữa phía trước mặt lò. Vào màu số 6 chừng 15 phút ta phải bít lỗ mồi dưới đáy cửa lò và chờ thêm nửa tiếng xem 2 lỗ khói chót chỉ thấy màu vô sắc thì mới bít luôn. Cái nguy hiểm của màu số 6 là nó có thể làm cho nổ lò nếu ta bít 2 ống khói trước và bít cửa mồi sau !

Thán khí carbonic đậm đặc nén chặt trong lò làm cho than chín tới không hao tàn và mau nguội tắt.

Từ khi bít hết cửa lò ta lại phảỉ chờ thêm 5 ngày nữa, quét nước hồ sét thường xuyên lên bất cứ chỗ nứt nẻ nào của lò, cho không khí không thể chui vào lò làm than ra tro, cho lò thực sự là than đen nguyên cây, một mét, tuy còn rất nóng nhưng đã tắt hết lửa.

Mỗi thời kỳ đều có một nỗi cực riêng. Như thời kỳ chờ tắt nguội, mình phải đi gánh nước từ dưới suối xa cả cây số, leo núi cực nhọc, đổ vào các lu đất lớn mà phần lớn để dùng cứu than khi khai lò nếu than bị hừng hực lại, phần nhỏ để đổ vào bột đất dẻo quét lò thường xuyên trong 5 ngày chờ lò tắt.

Khui lò phải hội tụ cả 6 người để đối phó bất trắc. Thứ tự phải làm là : mở nắp tròn đỉnh lò cho thán khí thoát mạnh, canh sẵn 5 gàu nước xối vào nếu thấy có lửa khói theo ra ; còn không thì khui tiếp 5 lỗ khói, rồi khui cửa lò. Những tiếng kêu răng rắc rộn ràng của than cây gặp khí mát lồng vào, tiếng kêu lớn nhỏ như một dàn đồng ca thực vật hóa thân thành khoáng vật. Tấm lòng cả tổ 6 người cũng rộn ràng ca theo!

Họ bịt khăn mũi, dùng cào sắt nhẹ nhàng cời than ra, xếp vào những bao tạ (loại bao gạo chỉ xanh trăm ký, rách cũ phế thãi), phải xếp cho khéo, để gánh được nhiều, túm miệng bao bằng dây giang tươi dẻo. Mặt mũi lọ lem, khạc ra toàn đàm đen! Mỗi bao nặng chừng 40 ký lô (gánh thì phải gánh 2 bao). Dưới đáy lò than còn sống, là một lớp lác đác, cao hai, ba tấc, lớp củi đầu đày, đen nâu sậm, dùng làm mồi cho đợt đốt sau. Mất thêm 2 ngày nữa để ra than và chuyển than xuống bến sông Kim Sơn.

Than bỏ xuống đò dọc, xuôi Hà Đông, 12 cây số, giao than và nhận tiền, trung bình 100 ngàn tín phiếu một đợt ra lò. Tính lại 115 công làm than cơ cực, trừ chi phí chuyên chở, ăn uống, mỗi người chỉ kiếm được 770 đồng tín phiếu một ngày, mà gạo chợ 1500 đồng một ký lô, nghĩa là làm cật lực ta chỉ mua được 2 lon gạo mỗi ngày. Có nhiều khi họ ngưng mua, phải bán than ngoài chợ; bán cho ai" Vì ở núi rừng biết bao nhiêu là củi đốt.

Cái tuổi 16 đã phải tự lưu đày, qua tháng ngày dốt nát. Lúc này thật khó cho Trịnh để tìm cái học thực chất và chắc chắn, tạo được nền móng vững chãi cho sự tự học suốt đời sau này. Cái túp lều tranh giữ dê núi ấy, một lần hai anh em kỳ ngộ đón vị khách lang thang, đó là người thầy cũ của mình năm lớp nhất, lớp cuốI của bậc tiểu học năm 1947. Thầy là tác giả của bài thơ kỳ lạ ``Bồng Sơn Tự Thuật`` mà tôi nêu ra đây vài câu, để tưởng nhớ đến tấm lòng thầy:

Tôi là một thị thành nho nhỏ
Trên con đường thiên lý nối quan san


Sống êm đềm bên dòng nước Lại Giang
Đời bình dị và lòng tôi trinh bạch
Tuy không phải một cảnh tiên tĩnh mịch
Như cái tên thơ mộng : Phố Bồng Sơn
Nhưng với sông lượn khúc núi xanh dờn
Cảnh sơn thủy cũng hữu tình thanh lịch....

Vị thầy ấy ở lại 3 đêm, trên con đường dân công tải đạn trở về làng trường, còn cách xa 30 cây số nữa. Nghe nói về sau này, thầy là đại sứ Việt nam Dân chủ Cọng hòa ở Na-Uy. Nhưng 3 đêm ấy, cùng nhau trải chiếu rách nằm trên sạp tre, cạnh cái bếp tro, ủ củi đầu đày ấm nóng mùi than chín tới, thơm cay. mùi khoai lùi ngọt lịm caramen.. mà râm rang những chuyện đời. Thầy thường nhắc đi nhắc lại câu đùa: ``Em ạ, độ này anh lầm than ; Em ạ, độ này anh lầm than`` giọng trung ngọt xớt, thầy ghẹo Trịnh với Hoa đang làm than đốt than, mà tiếng miền trung thì làm than với lầm than cũng có lúc chỉ cùng một nghĩa.

Đốt than, làm rẫy của tổ Hoa Trịnh ở Kim-sơn chỉ kéo dài trong hai năm. Mặt trận đường 19 Qui-nhơn Pleiku cầm chân Pháp kéo quân tiếp viện Điện Biên Phủ, tháng 7/1954 báo chí, đài phát thanh loan tin đình chiến, giữa lúc Tư Trịnh đang đứng xoãi chân trên 2 bẹ dừa khô cột chặt dưới 2 bàn chân, trên ruộng sình ``hóc bà Tó`` nơi tận cùng chân truông thôn hóc núi Nghĩa lộ xã Ân nghĩa. Ruộng sình nếu không đứng trên bẹ dừa sẽ ngập tới rốn, anh phải cào và nhồi cỏ lút sâu trong bùn để sạ lúa ba giang. Ruộng ấy là ruộng làm mướn, trâu bò không cày được! Chỉ có người ! Những con đĩa to như lá lúa nếp đang thì con gái và dài như lá liễu ven hồ Xuân Hương, vàng như áo lụa tơ tằm (``anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà đông``). Đĩa đã hút nhiều máu của anh, mà anh cật lực kiếm ăn cũng không đủ máu bù lại một phần ba, cho đến lúc trở về quê, nơi chôn nhau cắt rốn anh là kẻ thân tàn ma dại.

Hiệp định Genève 54, có phải đã qua rồi cái thời chổi đót của Dốc Đót quét hồ lên chót đỉnh lò than, để được đáp đền bằng buồng phổi đầy bụi than ra lò, khạc 2 ngày chưa hết đờm đen" Có phải đã qua rồi, Khu Rừng Lau của Doãn Quốc Sĩ, để ``gìn vàng giữ ngọc`` cho hay, ``cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời``, cho ba sinh hương lửa đượm từ khúc than củi đầu đày"

2

Tư Trịnh lầm than và làm than lần thứ hai, dưới tên gọi ``ngụy quân`` cải tạo tập trung chỉ mớI có 10 năm! Thời kỳ 9 tháng giam giữ ở Trãng Lớn đã qua, thời kỳ 12 tháng trong rừng già Katum đã đến; Trại Katum cách biên giới Kamphchia bằng 4 km mìn bẫy. Thoạt đầu đội anh đi kiếm để làm tranh tre le sậy mây cây xây dựng trại và mở lò rèn, rèn đủ thứ dụng cụ đi rừng, dụng cụ xây cất thô sơ. Muốn rèn thì phải có than.

Một giáo viên cấp III miền bắc phải đi bộ đội trở thành trung úy, tên Lê văn Thưởng, làm quản giáo khối A 185 người tù. Khối A gồm nhà giáo và sĩ quan cấp úy Việt nam Cọng hòa. Anh Thưởng hỏi đội xem ai biết đốt than; thế là Trịnh sung vào tổ rèn 12 người, lấy 3 người giao cho Trịnh đốt than. Dễ thôi! Còn dễ hơn sinh kế Kim sơn. Trong 3 người ấy có Hồng, thiếu úy cận vệ Phủ Tổng Thống, có Sung trưởng phi cơ C141 bay đêm và Hoàng biệt động quân. Còn Trịnh là giảng sư đại học Bách khoa Saigon, (trung úy Trung đoàn 43 sư đoàn 18 Xuân lộc trước 1965 đã biệt phái ngoại ngạch trở về bộ Giáo dục).

``Sự đời đã tắt lửa lòng``, hết đường để quậy, đành cam tù khám cụ Hồ mà chơi. Cái đất mùn đen thăm thẳm Katum, rừng già cao ngất, lâu lâu lại nổi lên một gò mối to xù , to như một cái lò than; thì việc gì phải xây lò cho mệt. Vả lại, nước sông công tù, cứ tà tà mà ở tù. Bốn đứa moi gò mối cho trống bộng ra, khoét lỗ khói, chặt củi, vô lò, đốt, quét bít.. cứ thế mà làm, ngày này qua tháng nọ. Than ra cứ gõ boong boong. Lò rèn nhờ than tốt cho ra đủ thứ cuốc xuổng xẻng dao rựa rìu liềm kềm búa.. mà sắt chỉ lấy được từ xích xe tăng và cọc kẽm gai. Than tốt đến nỗi trung đoàn bộ đội phải xuống đặt hàng.

Hồng hỏi Trịnh ``Anh học ở đâu mà vừa đốt vừa chơi dễ dàng như bdậy "`` Trịnh cười (bao giờ cũng cười) đọc méo một câu Kiều, chém cha cái số ba đào, mở ra rồi lại buộc vào như chơi, nghĩ đời mà ngán cho đời, tài làm than lắm trung đoàn nó khen, tiếc thay nước đã đánh phèn, mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần. Tôi thật không trốn khỏi cái số lầm than, cái nghiệp làm than. Cha mẹ nuôi tới 40 chục tuổi đầu, học ngốn sách, làm mọt sách còn nhiều hơn mối nhậu cây mục chốn rừng già nguyên sinh này.. để bây giờ làm tiều phu đốt than, ngó từng màu ngọn khói rồi bôi mặt để làm ``viên quan mặt sắt đen sì, lập nghiêm trước đã ra uy`` đốt lò.

Anh lai rai kể chuyện ngày xưa ở Kim sơn. Hồng hiểu ra và từ đó hai đứa thậm thương nhau. Qua đến đây hai đứa vẫn còn bám riết nhau, cho đến khi anh ấy chào vĩnh biệt cuộc đời nơi chốn Mountain View, mà chắc cũng lại chui vào làm một thân củi trong lò than chạy điện hỏa táng, ấm cúng suốt cả cuộc đời giá lạnh bên kia. Bỏ lại bên kia quê đụn mối đốt than tù và một bàn tay không dám vẫy.

3

Cái đêm Noel Katum 76, đêm ấy đêm gì" Xuôi tay, nhắm mắt, cau mày, ngồi đọc kinh câm; không ngọn nến, không Thánh kinh và cha tuyên úy nói nhỏ rằng con có một thánh giá ở trong lòng.

Chúa ở truồng trên cây thánh giá, 40 năm dương trần của Chúa ngài ngụp lặn trong bể khổ cuộc đời, ngài khổ từ khi lọt lòng trong máng cỏ nuôi cừu lạnh lẽo heo may. Anh Thưởng yêu cầu dẹp bỏ cái máng cỏ (làm từ giấy báo thăm nuôi, trét bồ hóng lọ nồi, bóp cho nhăn nheo, giả làm hang đá), với hình tượng Chúa Hài Đồng (làm từ bột mì nung cứng, lấy viết nguyên tử vẽ màu). Anh thi hành lệnh trên, dẹp bỏ Noel. Người có hay không có đạo Thiên chúa không ai dẹp bỏ cả, ai cũng có cách hưởng Noel của riêng mình. Tín ngưỡng chân chính chỉ có lợi vì nó nâng tâm hồn lên, hướng thiện và từ bỏ điều ác. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của tù đày, mọi người đồng cảnh như Trịnh và tất cả các tu sĩ, sá gì cái bề ngoài cấm đoán ấy. Máng cỏ hang đá nhạc thánh ca kinh cầu.. đều ở trong lòng. Mà thật, không cần cái bề ngoài vì cảnh ngộ lao lung, niềm tin còn ep phê hơn cả lúc bình thường.

Từ ngày đi lính cọng hòa Tư Trịnh còn gặp hai lần Noel trên chòi canh. Một lần là sinh viên con cá ở Thủ đức khoá 18 năm 64, trúng phiên gác đêm Noel ấm lạnh, lạnh mà ấm vì nàng Trưng Nhị đã dắt con vào thăm ban chiều, quà cáp và uống bia đã đời. Trịnh với cây Garant M1 ngất ngưỡng trên chòi Tây, nhìn chiếc cầu hậu trại (mà anh em gọi đùa là cầu Bến Nọc, cho xứng với câu Dân Chơi Cầu Bến Nọc) rồi ngó lên trời nhìn các vì sao mà lẩm bẩm lầm bầm : Lạy chúa đã cho con một người vợ đẹp ngoan hiền hiếu đễ. Khi nàng có thai nàng để ảnh Đức Mẹ bên đầu nằm và một lô ảnh các Thiên Thần , cho nên khi nàng sinh, sinh ra đứa con mũm mĩm xinh đẹp như một bông hồng mà con đem vô cho nàng ở Holly Family Hospital Quinhon.

Một lần Noel khác, Chiến Dịch Dân Sinh 66, trong đêm 24 anh theo Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 43 lội bộ sì sụp sình, hành quân cấp Trung Đoàn qua Suối Cát. Hửng sáng 25, Trung tá Nguyễn văn Hương Trung Đoàn Trưởng cho tạm dừng bên một xóm đông dân. Cái xóm ven đường ấy có một quán ăn do một người Pháp làm chủ, anh ta có một tủ sách khá lớn chất đầy sách Pháp, nhìn kỹ đề sách đa số là văn chương cổ điển Pháp, hội họa, đồn điền và săn bắn. Anh ta chừng tuổi 50, thanh mảnh, ăn nói dịu dàng và cái radio trên tủ đang hát nhạc Noel. Cuộc hành quân diệt cộng còn kéo thêm 3 ngày nữa hướng về mật khu Hắc Dịch. Nhưng Giao thừa tết Tây 67 Trịnh vẫn còn ở Bộ Chỉ Huy Tiền Phương sâu trong rừng cao su Xuân lộc.

4

Di hành theo chiến trận, nhiều lần đi qua núi Chứa Chan, anh để ý những bao than được cộ ra đường nhựa rồi theo ô tô từng chặn để lại dọc đường, Túc trưng, Dầu dây, Hố nai, Sóng thần, Thủ đức, Hàng sanh, Thị nghè.... Than ấy không giống than của anh. Than của anh để lại trong đó một mối tình, một ý chí cầu học vươn lên làm người cho ra người, để làm sao thóat khỏi nỗi đau của đa số giống người (chỉ giống mà thôi, vì người không ra người, ``nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi``, thầy không ra thầy, thợ không ra thợ, dở thầy dở thợ, nửa thằng nửa ông).

Có bao nhiêu Noel trong tuổi đời mình là có bấy nhiêu buồn vui kỷ niệm của riêng mình. Kỷ niệm dù có não nùng thì kỷ niệm bao giờ cũng đẹp vì ở trong đó có người và ta. Cái tình người theo khoảnh khắc, theo những bước lao lung, Trịnh đã đem đầu đày củi than rất đượm rất ít khói, tặng cho những người tù Việt nam thế kỷ, những ai có cái lò làm bằng ống đạn 105 ly, khoét 2 lỗ móc quai xách, khoét 3 rẻo bằng ngón tay bẻ quặt vào trong làm 3 ông táo, khoét một dãy lỗ luồn kẽm làm lưới hứng than đầu đày, thông hơi bên dưới (đượm ơi là đượm), thả vào lò một ống Guigoz nấu đủ thứ thức ăn thức uống trên đời, để tồn tại, để kéo dài cuộc sống cho đến khi ra tù, làm lại cuộc đời!

Cảm Biến, Noel 2000

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,075,548
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.