Hôm nay,  

Chuyện 30-4: Một Mảnh Đời Tỵ Nạn

18/04/201100:00:00(Xem: 204131)
Chuyện 30-4: Một Mảnh Đời Tỵ Nạn

Tác giả:
Minh-Đạo & Nguyễn Thạch-Hãn
Bài số 3168-28468 vb2041811

Tác giả đã góp một số bài viết về nước Mỹ đặc biệt. Bút hiệu trên gồm 2 người: Minh-Đạo là một vị cao niên 86 tuối, viết lách cho... vui, trong khi Nguyễn Thạch Hãn, cư dân Houston, Texas sinh năm 1945, là một cựu sĩ quan Pháo Binh VNCH, hiện làm việc trong một công ty Energy tại thành phố Houston. Bài viết mới nhất của ông là chuyện đời và chuyện tình tị nạn, bắt đầu từ ngày 30 Tháng Tư 1975.

*
1. Chuyện 30 Tháng Tư
Sáng ngày 30 tháng Tư năm 75, tôi may mắn nhảy lên được chiếc tàu đánh cá của một công ty Đức đậu ngay tại Bến Bạch Đằng Saigon. Khi ông Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, cả đoàn tàu tại bến nhổ neo ra đi.
Là một sĩ quan pháo binh, sau khi triệt thoái từ miền Trung về Saigon, tôi được bổ xung cho một đơn vị pháo binh đang hành quân ở vùng Củ Chi, yểm trợ sư đoàn 25 BB. Khoảng ba tuần trước khi mất nước thì tôi bị thương ở chân. Nằm trong quân y viên Tây Ninh vài ngày, bác sĩ cho về Saigon dưỡng thương 1 tháng. Lúc này ba tôi và tôi đang ở nhà bà co.â
Ngày 29 tháng 4, tôi nhờ chú em bà con chở ra bến Bạch Đằng Saigon xem tình hình và thấy rất nhiều tàu kể cả chiếc Viet Nam Thương Tín, Trường Xuân, Tàu Hải Quân, trong số này có chiêác tàu đánh cá của một công ty Đức, to rộng rãi và bằng sắt đàng hoàng.
Trở về nhà, tôi hối Ba đi trước với chú em con bà Cô. Hai chú cháu lọt được vào căn cứ Hải Quân và đi theo họ. Riêng tôi còn lần khân ở lại, hy vọng đến phút chót có thể gặp lại được Quỳnh Hoa, người yêu đầu đời của mình, nhưng phép lạ không xẩy ra.
Sáng 30 tháng Tư, tôi trở lại bến Bạch Đằng, Chiếc tàu Trường Xuân vẫn còn đó, đầy nhóc người, kẻ lên người xuống tấp nập, từ giữa sông chiếc VN Thương Tín bắt đầu di chuyển về phía kho 5. Tôi đạp xe lần theo, nhưng không vào được cổng. Lính gác cổng không cho vào, phải chi tiền, mà tôi thì chỉ còn hai tờ Đức Thánh Trần thôi. Người ta đang phá các kho thực phẩm để khuân vác về nhà. Tôi ghé quán chú Ba ăn no bụng và mua một mớ mì gói mang theo rồi đi ngược về phía Saigon. Dân Saigon ào vào mấy chung cư Mỹ khuân ra nào TV tủ lạnh, giường nệm, . Ngang qua tòa Đại sứ Mỹ, còn vài người lảng vảng ở đó, cửa đóng, bên trong im lìm. Tôi lại trở ra bến Bạch Đằng, nhảy qua mấy chiếc tàu đánh cá của Đức, leo lên chiếc đậu ngoài cùng.
Chừng nửa giờ sau, một đám quân nhân súng ống đàng hoàng từ trên 2 xe jeep nhảy xuống, hộ tống một ông mặc đồ vest mang theo cái samsonite căng phồng. Họ nhảy xuống mấy chiếc tàu đánh cá, rồi thử nổ máy từng chiếc. Cuối cùng họ nhảy lên tàu anh đang đứng, Lính tráng dàn hàng ngang bên thành tàu, súng chĩa vào bờ, không cho ai lên nữa. Khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, chiếc VN Thương Tín bò ra giữa sông hướng về Vũng Tàu. Thuyền của tôi theo sau một quãng.
Chiếc VN Thương Tín đi được một đỗi thì bên kia Thủ Thiêm các đồng chí tương cho 3 quả đạn. Tôi thực sự chẳng biết là đạn gì. Chiếc VN Thương Tín bèn quay đầu lại 180 độ đi ngược lại một chút, rồi lại quay đầu một lần nữa 180 độ đi thẳng về hướng Vũng Tàu.
Khi tàu chung tôi đến tầm súng của các đồng chí, mấy xếp lớn rút vào phòng lái, còn các người khác nằm rạp trên sàn tàu phó mặc cho định mệnh. Tôi và một ông Thiếu Tá cảnh sát, nằm bên cạnh cửa phòng lái hướng về Saigon. Nín thở qua sông! Ông gìa cảnh sát đang lâm râm cầu nguyện, còn tôi cũng xin Đức Thánh Trần phù hộ cho tai qua nạn khỏi. Đúng lúc ấy thì nghe một tiếng “bụp” từ phía bên kia Thủ Thiêm dội qua, sèo sèo qua đầu rồi nổ ầm một cái dưới nước, hơi dài! Một phút sau lại một tiêng nổ nữa dưới nước, hơi ngắn! Tôi nghĩ trong bụng:”Các đồng chí ấy đang điều chỉnh đây, một quả dài, một quả ngắn, quả thứ ba thế nào cũng trúng, ác thật, ai mà nhẫn tâm bắn vào kẻ đã buông súng đầu hàng!” Một tiếng ầm vang lên, cánh cửa phòng lái bung ra, lỗ tai lùng bùng, đầu kêu o o như có con ve sầu đang ca hát trong đó. Tôi nhủ thầm, đạn trúng phòng lái rồi. Con Tàu vẫn chầm chậm trôi đi như không có chuyện gì sảy ra. Có ai đó đóng cửa phòng lái lại. Tôi đoán chắc có người bị thương nhưng tuyệt nhiên không nghe tiêng la khóc gì cả. Một đỗi sau, dìu ông già đứng dậy. Ông ta chỉ bị thương nhẹ trên môi, còn chân tôi máu chảy ra sối sả. Tôi vội xé chiếc áo thun đang mặc và cột chặt phía trên chỗ bị thương, một lúc sau vết thương ngừng chảy máu. Coi lại, thấy chỉ bị một mảnh nhỏ ghim vào chân.
Chiếc tàu đánh cá của Đức chạy cà rịch cà tang sang Singapore. Mỗi ngày được ăn một lần. Nhà bếp nấu một nồi cơm nhỏ, phát cho mỗi người một muỗng cơm. Cứ chìa tay ra, họ đổ muỗng cơm vào bàn tay, mình hất vào miệng thế lá xong.
Trong vịnh Singapore, có cả ngàn chiếc tàu lớn nhỏ đậu trong vịnh, nhưng không ai được lên bờ. Họ cho thực phẩm, nước, và săng dầu rồi đuổi cả đám qua Subic Bay bên Phi Luật Tân. Rồi qua Guam, tôi gặp lại Ba tôi và chú em, rồi cùng nhau qua Mỹ.

*
2. Một mảnh đời tị nạn
Định cư ở Mỹ, tôi làm lại cuộc đời từ con số không. Làm đủ thứ nghề lao động.
Những ngày đầu định cư ở Oklahoma lạnh giá, mỗi sáng hai cha con đạp xe đi làm trong trại ương cây. Chiếc xe tải mui trần chở một đám nhân công ra cánh đồng để đào cây, bó chặt gốc bằng bao bố rồi quăng lên xe tải. Cánh đồng mùa đông đầy tuyết, cứng như đá, những nhát cuốc bổ xuống dội lên tê rần cánh tay. Chỉ đào mươi phút, thân thể nóng ran phải cởi bỏ lớp áo lạnh dầy cộm. Một ngày chỉ đào được 3 cây là cùng, trong khi đó mấy ông Mễ cùng toán đào được it nhất 10 cây. Tuy vậy đào cây cũng không cực nhọc băng khiêng một đống cây mới đào quăng lên xe tải. Mùa đông ở Oklahoma lạnh đến nỗi nước hồ đóng thành băng thường xuyên. Những lúc buồn nhớ nhà, ra ngồi bên bờ hồ, nhìn đàn vịt trượt tuyết trên mặt hồ thật vui. Làm cho hãng trồng cây đâu được một tháng, có người bạn giới thiệu làm lau chùi quét dọn trong nhà thương. Tôi nhận ngay, it ra cũng được làm trong nhà ấm cúng Tuần đầu xếp giao đánh bóng sàn nhà cả môt tầng lầu. Qua tuần thứ hai xếp giao thêm một tầng nữa, tuần thứ ba giao thêm một tầng nữa, như vậy cả thảy là 3 tầng phải làm xong trong một đêm.
Một ngày nọ đi chợ, có anh chàng cao bồi da trắng cao nhòng, đứng cạnh hỏi:
- Hi young man, are you Vietnamese"
- Đúng rồi, tỵ nạn mới tới đây!
- Tôi tên Joe, hân hạnh được biết anh.
- Tôi tên Lập.
- Láp, Láp hả. Tôi phát âm như vậy có đúng không"
- Không đúng lắm, nhưng cũng tạm được.
Từ đó tôi đươc gọi là Láp, giống như “bá láp” vậy.
Chàng cao bồi nói huyên thiên nhứ vớ được một người thân vắng mặt lâu ngày. Tiếng mỹ ăn đong của tôi cũng lõm bõm hiểu rằng, chàng là đầu bếp trong một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến ở Chu Lai. Về lại cố hương, mở tiệm ăn nho nhỏ, hỏi tôi có muốn làm cho chàng ta không. Công việc là phụ nấu bếp và rửa chén. Dĩ nhiên tôi nhận lời ngay, nếu tiếp tục làm nhà thương chắc có ngày xếp sẽ giao đánh bóng cả 20 tầng lầu.
Anh chàng “Cao Bồi” cũng tử tế, mướn giúp một căn nhà nhỏ, tặng cho một tủ lạnh cũ. Chàng ta bán lại cho tôi chiếc xe hơi to cồng kềnh với giá 100 đô, trả góp 10 đô một tháng. Xăng lúc bấy giờ chỉ 32 xu một Galon. Thuốc là vài đô la mỹ một cây 10 gói, hút chết bỏ. Từ đó tôi cai thuốc lá luôn. Đi chợ chỉ 20 Đô 2 người ăn 1 tuần rộng rãi.
Tiệm ăn nhỏ, Joe và tôi làm trong bếp. Bà xã tên Nancy và cô con gái tên Kim làm tiếp viên. Kim còn rất trẻ, mới vào đại học.
Buổi trưa, khách chỉ lai rai, nhưng buổi tối và cuối tuần rất bận rộn. Chẳng bao lâu, Joe mướn thêm người phụ bếp. Tôi được làm tiếp viên và dọn bàn. Joe muốn tôi có cơ hội học thêm anh văn và có thêm tiền “tip”. Lúc rảnh rỗi, hai chúng tôi kể cho nhau nghe những kỷ niệm lúc còn ở Việt Nam. Kim cũng lắng nghe và góp ý kiến hoặc đặt câu hỏi với tôi, Kim còn trẻ nên không hiểu mấy về cuộc chiến VN như hầu hết sinh viên phản chiến lúc bấy giờ. Nàng cho rằng, tại sao người Mỹ lại phải đổ biết bao tiền bạc và xương máu ở một xứ sở xa lắc xa lơ chẳng ăn nhập gì với đất nước này. Người Mỹ lúc này chỉ muốn quyên đi chiến tranh VN. Những chàng chiến binh trở về từ chiến trường VN không được đối đãi nồng hậu như thời Đệ nhất, Đệ nhị thế chiến. Họ luôn mang mặc cảm, thứ mặc cảm mà giới truyền thông Mỹ đã “brainwashing” dân chúng thời đó điển hình là nữ tài tử điện ảnh Jane Fonda đã sang tận Hà Nội để ca tụng người Cộng Sản chiến đấu anh dũng.
Tôi sắp xếp với Joe để chỉ làm việc từ 4 giờ chiều tới 12 giờ đêm, công việc vẫn vậy, tiếp viên, phụ bếp, dọn bàn, lau chùi quét dọn trước khi đóng cửa. Công việc cực nhọc, nhưng tôi có cả ngày để đi học. Kim giúp đỡ tôi rất nhiều trong những ngày đầu còn bỡ ngỡ, ghi danh chọn môn học, xin tiền học bổng và trợ cấp của chính phủ, lựa chọn thời khóa biểu, và nhiều thứ linh tinh khác.
Tôi không có bằng trung hoc của Mỹ nên phải thi bằng tương đương. Cũng chẳng khó khăn gì chỉ là trình độ trung học đệ nhất cấp của VN. Lúc đó ngành điện toán mới bắt đầu phát triển vả lại học điện toán chẳng đòi hỏi nhiều chữ nghĩa như các ngành khác. Tôi có thể bắt kịp dễ dàng.
Ngày đầu đi học, tôi vừa vui mừng vừa e dè như cậu bé nép vào áo mẹ đến trường mà Thanh Tịnh đã tả trong bài “Hôm nay tôi đi học”. Tôi còn nhớ lõm bõm vài câu:
“Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.”
Ngày xưa, trong thời chiến tranh tôi vẫn ước mơ như trong bài hát “Qua Cơn Mê” của Nhật Ngân:
“Một mai qua cơn mê, qua cuộc đời bềnh bồng, anh lại về bên em …Cùng theo lũ em học hành như xưa”.
Tôi đã qua cơn mê chưa nhỉ" Không theo lũ em học hành như xưa nhưng là đi một mình, trên mảnh đất tạm dung, xa lạ. Tôi đã già đi rất nhiều vì chiến tranh. Năm 1976, 31 tuổi đầu 7 năm tuổi lính. Không một mảnh bằng, không nghè ngỗng, chữ nghĩa ăn đong. Tôi đi làm lại cuộc đời đánh mất!
Kim giúp tôi làm luận văn, đọc Hamlet của Shakespeare: “To be, or not to be, That is the question”. Tôi chỉ nàng giải toán, debug program, môn toán “Math for Engineer” làm cho nàng nhức đầu còn với tôi chỉ là dĩa cơm tấm sườn bì tàu hủ ky!
Thời đó chưa có PC. Tất cả program phải dùng key punch (đục lỗ trên tấm thẻ) rồi nạp cho computer operator đọc vào máy. Một program ngắn cũng cần một số thẻ dầy cở một gang tay. Một lần, Kim cầm sấp “thẻ” program của nàng để nạp cho operator chẳng may ai đó đụng vào cánh tay, cả xấp thẻ rơt xuống đất. Phải mất rất lâu để gom lại và xếp theo thứ tự. Giờ thi và nạp bài cuối khóa đã gần đến, nàng ngồi bệt xuống đất thu lượm thẻ mà nươc mắt chạy vòng quanh. Tôi đi ngang, hối nàng vào phòng thi, để xấp program đó tôi lo cho. Thi cuối khóa nàng được điểm “A”, tôi được nàng tặng cho một nụ hôn nồng cháy nhớ đời!
Thường thì viết program rồi cho vào máy computer chạy thử, nếu sai, sửa lại, chạy lại.
Cứ như thế cho đến khi hết lỗi rồi kiểm soát lại kết quả mà program đưa ra xem có đúng như đòi hỏi không"
Kim rất thông minh, những bài program khó đến đâu, chỉ nói sơ qua là nàng hiểu ngay. Chạy program hai, ba lần là sạch lỗi.
Tôi cố gắng học tất cả các khóa hè, cho nên cũng bắt kịp Kim. Chúng tôi ra trường cùng một lượt. Ngày ra trường, Joe và Nancy được chúng tôi mời đi dự, có cả Ông Bà nội của Kim nữa, hai ông bà là chủ một nông trại gần Kansas City. Joe giới thiệu tôi là người VN, một cựu chiến binh. Hai ông bà rất ngạc nhiên, chưa từng thấy người VN bao giờ, chỉ nghe nói trên TV . Ông cũng từng là cựu chiến binh thời đệ nhị thế chiến, và rất hãnh diện. Ông Bob (ba của Joe) tiết lộ rằng ở tỉnh nhỏ, đám thanh niên chỉ học cho lấy lệ, phần lớn giúp cha mẹ trông lo nông trại, lớn lên nhập ngũ đẻ thỏa mãn chí giang hồ vì cả đời không có dịp đi xa hơn tỉnh nhỏ của mình!
Joe cám ơn tôi đã giúp Kim học hành, còn tôi cám ơn chàng đã cho tôi cơ hội. Nancy rất cảm động nói với tôi Kim là người duy nhất trong gia đình tốt nghiệp Đại Học.
Chúng tôi may mắn, kiếm được việc ngay sau khi tốt nghiệp trong một hãng lớn đang có hợp đồng với Trung Tâm Không Gian tại Houston. Tôi tiếp tục học thêm vào buổi tối, chẳng bao lâu lấy thêm bằng cao học. Một lần nữa tôi mời Nancy, Joe và Kim đi dự lễ ra trường của tôi. Joe đã đóng cửa tiêm ăn mấy ngày và bay qua Houston. Một lần nữa tôi cảm ơn Joe và nước Mỹ đã cưu mang tôi và cho tôi cơ hội như ngày hôm nay. Chàng ôm lấy tôi và nói trong nghẹn ngào:
- Tôi thành thực xin lỗi những người tỵ nạn VN, chúng tôi đã bỏ rơi chiến hữu VN nhưng các bạn không hề oán hận. Tôi giúp cho Láp có giờ đi học chẳng qua là muốn bạn đạt được những ước vọng mà tôi hằng mong muốn.
- Cám ơn Joe, tôi chỉ cố gắng hết mình và Trời cũng giúp tôi nữa.
- Những người chiến binh như tôi, khi nhập ngũ, ai cũng hy vọng đăng lính vài năm rồi giải ngũ, quân đội sẽ giúp học bổng để tiếp tục đại học. Nhưng thực tế số thành tựu không nhiều. Từ chiến trường VN trở về chúng tôi với thân xác mệt mỏi, nghiện ngập, chán nản không mấy ai nghĩ đến chuyện cắp sách đến trường nữa.
Tôi và Kim yêu nhau, lấy nhau. Joe trở nên cha vợ của tôi. Ở với nhau một thời gian, những di biệt về văn hóa, tuổi tác, nếp sống càng ngày càng lớn. Nàng luôn luôn tranh cãi với ba tôi. Những buổi họp mặt bạn bè hay gia đình của tôi, mới đầu nàng cũng tham gia nhưng dần già càng thưa thớt hơn. Nàng không thể thưởng thức được món ăn VN. Chúng tôi chẳng có con cái nên việc phải đén đã đến: ly dị.

3. Bên cầu biên giới
Buổi tiệc họp mặt thân hữu cựu sinh viên trường Đại Học Chính Trị Kinh Doanh được tổ chức trong phòng Ball Room của Hilton Hotel trên lầu ba. Khách sạn gồm 22 tầng lầu sát bên hồ Clear Lake, ngoại ô thành phố Houston.
Clear Lake cũng là tên của thành phố nhỏ rất thơ mộng này. Khách đến đã đông, nhưng còn hơn một giờ nữa mới khai mạc. Bạn hữu lâu ngày gặp nhau, tay bắt mặt mừng, hỏi thăm nhau kẻ mất nguời còn, ai đã vượt biên, ai còn kẹt lại, tiếng cười ròn rã, xen lẫn tiếng gọi nhau ơi ới. Ai đó khoe làm ăn phát tài, kẻ khoe mới bắt được job thơm, người khoe con cái đỗ đạt thanh tài, ôi thôi đủ thứ chuyện trời ơi đất hỡi.
Tôi đứng bên cửa sổ, nhìn mông ra ngoài. Mặt hồ phẳng lặng, vài chiếc du thuyền với những cánh buồm đủ màu sắc còn lưu luyến một ngày sắp tàn. Bên kia bờ hồ, xe cộ nối đuôi nhau trên chiếc cầu cao lêu nghêu in mình trên nền trời, đèn xe sáng chói đan vào nhau dài bất tận trông như một con trăn khổng lồ màu bạc. Đó là chiếc cầu bắc ngang qua Water Way nối liền Hồ Clear Lake và Gaveston Bay, đủ cao cho du thuyền qua lại.
Khu giải trí Kemah bên bờ vịnh với hàng chục nhà hàng sang trọng, đã lên đèn sáng chưng. Chiếc đèn hải đăng bên phải hồ, gần mấy biệt thự lợp ngói đỏ, thỉnh thoảng lại quét một vạch sáng trên nền trời như muốn nhắc nhở ai đó, trên mấy chiếc du thuyền, hãy mau mau cập bến. Ngoài xa tít kia là vịnh Gaveston, một vài tầu chở dầu đang nối đuôi nhau đi vào Ship Chanel của hải cảng Houston. Những chiếc tàu dài gấp hai ba lần sân đá banh, và cao hơn một cao ốc 20 tầng, nổi lềnh bềnh trên mặt nước, Từ xa trông chẳng khác gì mấy chiếc thuyền ba lá bên quê nhà. Vài đàn ngỗng trời bay về phương nam trốn lạnh, từng hàng cánh trắng lấp lánh, phản chiếu chút ánh nắng yếu ớt còn sót lại. Trời vào thu đã lâu, gần tới ngày lễ Thanksgiving rồi. Tôi cảm thấy se lạnh và cô đơn giữa đám đông người.
Có ai đó đập khẽ trên vai tôi:
-Anh Lập ơi, có ai hỏi thăm anh nè, gớm tìm anh mãi mới ra, sao lại đứng đây một mình vậy. Chắc đang mơ mộng người đẹp nào phải không"
Tôi quay lại, đó là Đạt, người bạn học cùng lớp khi còn ở Đại Học, chúng tôi đã từng gặp nhau trong những lần họp mặt trước đây nên nhận ra anh ngay. Tôi giật mình, nhìn người đàn bà trung niên, đứng bên cạnh:
-Có phải Quỳnh-Hoa đây không" Ôi! Thật là bất ngờ. Anh tìm em khắp chân trời góc biển không ra. Ngọn gió nào thổi em tới đây"
-Ngọn gió Bấc đấy, bởi em ở gần Bắc Cực, anh có biết không"
Nàng chỉ nói được có bấy nhiêu rồi nước mắt vòng quanh. Tôi cũng không cầm được nước mắt. Đạt đã kiếm cớ lỉnh đi. Quỳnh-Hoa nói trong tiếng nghẹn ngào:
-Em đã chịu bao nhiêu đăng cay cực khổ để chờ đợi anh trên xó rừng cao nguyên đó, nhưng anh chẳng bao giờ trở lại. Em đã tưởng anh chết mất xác đâu đó rồi. Không ngờ Trời Phật run rủi lại gặp anh ở đây.
Tôi cứ để nàng khóc và kể lể như vậy một lúc lâu cho vơi đi bao nhiêu uất ức, sầu hận. Một vài người tò mò đi ngang nhìn chúng tôi rồi bỏ đi. Cũng may, phòng hội rộng thênh thang, chỗ tôi đứng ở cuối phòng xa hẳn đám đông nên ít người để ý. Hôm nay chắc cũng nhiều người, gặp nhau lần đầu, phải đổ nhiều nước mắt.
-Anh xin lỗi em, lúc mất Quảng Trị, đơn vị anh từ vùng giới tuyến rút về Saigon, anh đã tìm em ở tất cả những nơi có người tị nạn từ miền trung hay cao nguyên chạy về, có lần ra tận Tuy Hòa nữa nhưng chẳng biết nhà mẹ em ở đâu. Anh chỉ sợ em lạc loài đâu đó trong đám người rút theo tỉnh lộ số bảy từ cao nguyên về Tuy Hòa.
Nàng hờn dỗi;
-Anh chỉ mong em chết đi phải không"
Tôi biết nàng bao giờ cũng yêu tôi hết lòng và hiểu rõ lòng tôi cũng vậy, đó chỉ là lời trách móc nhẹ nhàng mà thôi.
Nhạc trổi lên, ban tổ chức yêu cầu mọi người vào chỗ ngồi để buổi tiệc được bắt đầu đúng giờ. Nàng chẳng quen ai ngoại trừ vợ chồng Đạt nên tôi quyết định nhập chung với đám Đạt cho vui, toàn là bạn cùng khóa thời sinh viên. Ban tổ chức không xếp chỗ, ai ngồi đâu cũng được miễn là đủ 10 người một bàn. Tôi giới thiệu nàng với mọi người cùng bàn:
-Thưa các anh các chị, đây là Quỳnh-Hoa, người bạn rất thân, quen nhau từ thời tôi còn trong quân đội, chúng tôi đã suýt lấy nhau, nếu không có vụ tan hàng hồi 30 Tháng Tư.
Có nhiều tiếng lao sao chọc ghẹo nàng:
-Tên đẹp như người, anh Lập thật là có mắt.
- May quá không có vụ “30 Tháng Tư”, anh Lập không bị đi tù cải tạo cũng bị tù chung thân.
- Ê, có bao nhiêu người biết bị tù chung thân mà vẫn chui vào đó thôi.
- Chắc chúng mình sắp được uống rượu nữa rồi.
Nàng cười bẽn lẽn, hai má đỏ hồng, lúm đồng tiền vẫn còn đó, bây giờ đã là thiếu phụ trung niên, vẻ ngây thơ hồn nhiên không còn nữa, có mập ra một chút, hai bên khóe mắt đã xuất hiện “dấu chân chim” nhưng thân hình vẫn cân đối trong chiếc áo dài màu tím. Nước da trắng bóc, có lẽ ít khi ra nắng.
Chương trình văn nghệ bắt đầu với giọng ca quyến rũ của Nguyên Khang, bài “Tinh Tự Mùa Xuân” của nhạc sĩ họ Từ:
“Em, lại đây với anh, ngồi đây với anh, trong cuộc đời này”
“Nghe, thời gian lướt qua, mùa xuân khẽ sang”
“Chừng như không gian đang sưởi ấm những giọt tình nồng”
….
Tiếng hát vẫn vang vang, nhưng tôi không còn nghe được lời nào, lỗ tai lùng bùng, đoạn phim dĩ vãng lai trở về trong đầu tôi.
Ngày ấy, xa lắm rồi. Quỳnh Hoa tuổi đôi mươi, là cô giáo dạy ởÙ trường tiểu học Phú Nhơn, quận Cheo Reo. Tôi mới đến vùng này, là một Thiếu Úy trẻ măng vừa đổi về đơn vị mới thành lập. Thời mới thân quen, có lần tôi hỏi nàng:
- Qùynh Hoa ở Phú Nhơn lâu chưa "
- Độ gần một năm thôi, em ra trường sư phạm cấp tốc rồi xin đổi về đây ngay.
- Sao em không xin dạy ở gần nhà có phải tiện hơn không "
- Ngày xưa, Ba em làm Quận Trưởng Phú Nhơn. Người đã bỏ cả cuộc đời để xây dựng cái quận đèo heo hút gío này. Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, dân chúng từ miền ven biển và từ ngòai Bắc di cư lên đây lập nghiệp, đã được Ba em tận tình giúp đỡ. Nhưng rồi trong một cuộc đi thăm đồn điền của một xã phía Tây Quận Lỵ, Ba em đã lọt vào ổ phục kích và bị sát hại. Khi ra trường, chính em đã chọn nơi này để trở lại...
Quỳnh Hoa không kể nhiều, nhưng đã đủ để tôi thấy vừa kính nể vừa thương hại người con gái mới lớn. Dần dà, chúng tôi thấy gần gũi nhau hơn. Tôi tìm thấy ở nàng một niềm vui, một ước mơ, một mái ấm gia đình cho tương lai. Vùng đất hoang vu này trở nên tươi mát đáng yêu bởi vì chỗ nào cũng thấy đoá Hoa Quỳnh nở rộn ràng.
Chúng tôi đã yêu nhau, có núi rừng và con sông nhỏAdrang chảy qua quận lỵ làm chứng. Con sông thật hiền hoà và dễ thương như người tôi yêu. Bên bờ sông những hàng cây Phượng Vĩ nở đỏ rực mỗi mùa hè. Mùa mưa nước phù xa đỏ ửng từ trên ngàn chảy cuồn cuộn xuống ngập gần hết cây cầu sắt nhỏ bắc qua sông. Cây cầu nhỏ sơ sài có vài nhịp, bề ngang chỉ đủ cho một chiếc xe đò qua lại. Mùa nắng, nước cạn trơ những bãi cát trắng tinh. Người ta đào cát thành những vũng nước trong, gánh về để uống. Giữa lòng sông nước trong vắt nhìn thấy cát và sỏi tận dưới đáy, nước chảy lững lờ.
Chúng tôi đã ngồi bên nhau trên cây cầu sắt cũ kỹ bắc qua dòng sông, bốn chân để thõng xuống dưới đong đưa. Dòng sông nước chảy lững lờ trong vắt nhìn tận tới đáy. Mùa nước cạn, hai đứa rủ nhau lội qua sông, sang phía hàng phượng vĩ mọc bên kia bờ. Nàng nhặt đầy giỏ sách những cánh phượng màu đỏ tươi để trang trí lớp học cho đám học trò nhỏ của nàng. Những đứa bé tiểu học mặt mũi nhếch nhác nhưng nàng luôn săn sóc như những đứa em út. Chúng tôi đã hôn nhau lần đầu ở đó, thề nguyền mãi mãi bên nhau ở đó. Một lần bên nhau, tôi đã ghi vào vai cầu hai câu thơ con cóc: “Chiều về thấp thóang bên sông, Thấy Qùynh thơm ngát thấy lòng xôn xao...”
Nhưng rồi, cuộc triệt thoái cao nguyên quá đột ngột, rồi nước mất nhà tan! Trôi dạt qua tới Mỹ, tôi chẳng hy vọng có ngày gặp lại nàng.
Tiếng vỗ tay vang rần lẫn trong tiếng huýt sáo inh ỏi kéo tôi về thực tại. Nhìn sang Quỳnh-Hoa, mắt nàng cũng đỏ hoe. Nàng lí nhí mấy câu xin lỗi rồi rời khỏi bàn đi về phía cửa. Tôi vôi vàng đuổi theo nàng. Chúng tôi ra phía sân sau khách sạn, vượt qua mấy bậc thềm và hướng về phía cầu đá bên hồ. Cầu đá thực sự là những tảng đá lớn xếp bên nhau thành một con đường ngắn, nhô ra khỏi hồ để người ta câu cá.
Chúng tôi ngồi trên một tảng đá bằng phẳng bên nhau như ngày nào ngồi trên chiếc cầu “Biên Giới” trong xó rừng cao nguyên. Cứ ngồi như thế một lúc lâu, im lặng, nhìn mông ra ngoài hồ, xa tận những ánh đèn bên khu giải trí Kemah, tận ngoài vịnh Gaveston, xa măi ngoài biển Đông, về tận Saigon và lên đến xó rừng cao nguyên.
Tôi cởi áo vest ra đưa cho nàng:
-Em mặc thêm áo vào kẻo lạnh.
-Em không lạnh, ở xứ lạnh quen rồi anh ạ.
Nàng từ chối, nhưng vẫn đưa tay cho tôi khoác áo vào.
-Em sang đây lâu chưa"
-Mới hôm qua, cùng với anh chị Đạt, chúng em đặt phòng ngay trong khách sạn này.
-Em định cư ở đâu"
-Na Uy anh ạ. Xứ ấy lạnh lẽo quanh năm, nhưng tình người rất ấm. Họ giúp đỡ người tị nạn tận tình. Lúc mới qua, được cấp cho nhà ở, bảo hiểm sức khỏe đầy đủ, tiền ăn học và tìm việc cho mình. Dân số rất ít nhưng đời sông đầy đủ tiện nghi chẳng khác gì Mỹ, nhưng lạnh quanh năm. Qua Houston thấy trời ấm áp em thích lắm.
-Làm sao em trôi giạt qua tận Na Uy lận"
-Lúc quân đội rút khỏi cao nguyên, em ở mãi xó rừng chẳng có phương tiện gì di chuyển cả, một lũ học trò bám theo em, không thể nào dẫn các em theo được, nếu đi bằng đường bộ.
-Nên em quyết định ở lại"
-Dạ, sau này em mới biết, đó là cái may của em. Bao nhiêu người đã chết trên đường số 7 từ Phú Bổn về Tuy Hòa, con đường đó nguy hiểm quá.
-Đúng vậy, lúc còn ở trên cao nguyên, có lần anh đóng quân ở quận Phú Túc, đó là một quận nhỏ nằm giữa đường số 7. Con đường thì nhỏ, nhiều ổ gà, cầu cống hư hỏng nhiều, hai bên là rừng, rất dễ bị phục kích.
- Những ngày tháng ấy, em đợi anh đến tuyệt vọng. Em nhớ lới anh thề nguyện hai đứa sẽ thành hôn. Nào ngờ...
-Anh cũng muốn trở lại lắm chứ, nhưng anh chẳng làm chủ được định mệnh của mình. Anh như cánh lục bình trên dòng sông, nước đưa đến đâu thì trôi đến đó. Em có nhớ dòng sông của hai đứa"
- Chiều nào em cũng ra ngồi trên “Cây Cầu Biên Giới” của chúng mình, nhìn qua bên kia bờ sông, sờ tay trên hai câu thơ anh khắc trên đó...
- Khoan kể, khoan nhắc. Để anh đọc thêm hai câu tiếp theo: “Chiều về chiều vẫn một mình, Trách người năm cũ bỏ tình bơ vơ...”
Quỳnh Hoa kêu:
- Anh... Anh có về tìm em thật à.
- Sao không thật! Ngay khi có thể bay về Việt Nam, anh đã đến Phú Nhơn tìm em...
Tôi kể cho Quỳnh Hoa nghe chuyến trở về của mình. Quang cảnh vẫn không thay đổi mấy, ngôi trường tiểu học vẫn như xưa. thời gian như ngừng trôi Ớ quận lỵ nhỏ bé này. Phố chợ đìu hiu vẫn còn kia, hàng rào kẽm gai chung quanh doanh trại nơi tôi đóng quân vẫn còn đó, nhưng chẳng ai biết đến một người con gái đẹp như hoa Qùynh đã từng in dấu chân nơi chốn này. Hình ảnh ngày xưa vẫn còn đủ chỉ thiếu một người. Tôi hối người tài xế chạy ra phía cây cầu. Chiếc cầu sắt nhỏ bé đầy dấu kỷ niệm, tôi bước lên cầu, ngồi đúng vào chỗ ngày xưa chúng tôi đã từng có một thời mơ mộng. Chính tại đó, tôi đã dò từng tấc sắt trên thành cầu, và tìm thấy dưới hai dòng thơ con cóc của mình năm xưa, nay có thêm hai câu thơ ấy. Không thể tìm ra Quỳnh Hoa nữa nhưng tôi biết chắc hai câu thơ ấy là do chính nàng khắc thêm vào thành cầu. Quỳnh Hoa ngậm ngùi:
-Tiếc nhỉ, lúc đó em đã bỏ đi lâu rồi, mấy thằng cán bộ cứ theo chọc em, rồi hăm dọa em, em nói em đã có chồng rồi, giống như chi Lan, chị Mai, chị Tú đều bị gọi là vợ ngụy quân cả. em cũng nhập chung với các chị ấy. Có vài chị độc thân không chịu nổi áp lực, đành phải lấy cán bộ. Còn em, có lúc muốn đâm đầu xuống sông chết cho rồi. Nhưng lại nghĩ tới anh nên ráng chịu đựng. Trong lòng em lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện vươt biên thôi. Ngày nọ em xin nghỉ phép để về thăm nhà, rồi cùng Mẹ và hai đứa em trốn ra Vũng Tàu, ở tá túc nhà ông chú. Gia đình chú tổ chức vượt biên, em gom được ba cây rưỡi vàng giao cho chú. Số vàng này em để giành từ trước năm 75 định sẽ chi tiêu vào dip đám cưới của chúng ta.
-Tội nghiệp em, rồi sao nữa.
-Thuyền ra khỏi hải phận vài giờ thì hư máy, bao nhiêu tàu buôn đi ngang qua nhưng chẳng ai ngó ngàng tới. Cho đến một ngày, một chiếc thuyền buôn của Na Uy chịu cứu vớt và chở thẳng vào Mã Lai, sau đó Na Uy đã bảo lãnh tất cả số người trên tàu. Lúc đó em thật bơ vơ, một mình phải lo cho mẹ và hai đứa em nhỏ, chẳng biết trông cậy vào ai. Em lại nghĩ đến anh, vừa buồn vừa tủi thân. Chính phủ Na Uy giúp cho chỗ ăn ở và giúp cho mấy chị em đi học, Mẹ thì được một việc làm trong siêu thị. Đời sống chật vật lúc khởi đầu nhưng cũng tạm ổn định.
-Em học về ngành gì vậy"
-Em học kế toán, lúc đầu cũng thật khó khăn, nhưng nhờ các giáo sư thông cảm và tận tình chỉ giạy rồi em cũng tốt nghiệp, hai đứa em của em cũng ra trường kỹ sư một thời gian sau đó. Còn anh sao qua được Mỹ"
Sau khi kể lại chuyện ra đi ngày 30 tháng Tư của mình cho Quỳnh Hoa nghe, chúng tôi ngồi yên lặng bên nhau.
Tôi muốn nói với nàng trăm ngàn điều nhưng vẫn không mở miệng được. Thời gian đã khác, hoàn cảnh đã khác. Khuôn mặt nàng hiện lờ mờ trong bóng tối. Tôi khóc lúc nào mà không biết. Tôi vẫn thấy mình cô đơn và se lạnh.
Minh Đạo & Nguyễn Thach-Hãn

Ý kiến bạn đọc
02/06/201113:34:16
Khách
(Thong cam vi dang cho tieng Viet co dau)
Ky niem buon , nhung dep va cam dong
19/04/201113:34:29
Khách
Cám ơn bạn Joe Van rất nhiều đã theo dõi câu truyên của tôi.
Một tác phấm dù nhỏ bé đến đâu, tác giả cũng thấy rất hạnh phúc nếu có ngươi thưởng thức và phê bình.
Để trả lời câu hỏi của bạn. Đúng vậy, Truyện tình không có đoạn cuối.
Hãy cứ để như vậy cho đẹp, tình chỉ đẹp khi còn giang dở ! sự thật ngoài đời có thể còn bi đát hơn thế nữa.
Câu truyện có đến 80-90% là sự thật thêm vào một chút hư cấu để đọc cho vui
18/04/201101:52:22
Khách
Thời gian đã khác, hoàn cảnh đã khác. Khuôn mặt nàng hiện lờ mờ trong bóng tối. Tôi khóc lúc nào mà không biết. Tôi vẫn thấy mình cô đơn và se lạnh.
Thế là chuyện tình không đọan cuối.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,240,415
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến