Hôm nay,  

Cuộc Đổi Đời

06/04/201100:00:00(Xem: 142817)

Cuộc Đổi Đời

Tác giả: Minh Anh

Bài số 3159-28459 vb4040611

Tác giả cùng gia đình đến Mỹ sau Tháng Tư 1975, hiện là một được sĩ làm việc cho Hospital Pharmacy tại New Mexico. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là “Anh Cả Bob và cái Tết đầu tiên ở Mỹ”; “Hai Bà Cụ hàng xóm Mỹ“ và về “Xứ New Mexico, Tân Mễ của tôi.”

Bài mới của Minh Anh, nhân 30 Tháng Tư, kể về cuộc đổi đời của Ông Anh Rể thứ Hai, một Sỹ Quan trong Quân Lực VNCH.

***

Cuộc đổi đời của bao nhiều người trên mảnh đất Miền Nam Việt Nam, sau Tháng Tư Đen năm 75. Riêng Anh, đời Anh đã đổi kể từ lúc Anh bỏ lại chiếc xe Mercedes của Anh trên bờ sông Saigon, bước chân xuống chiếc xà-lan cùng với gia đình để lên chiếc Tàu Tiền Phong đậu ngoài xa. Nhổ neo ra đi lúc Trời xâm xẩm tối, 29 Tháng Tư. Đạn pháo kích cháy sáng cả chân Trời.

Anh là con của một gia đình khá giả, trước kia là người thân của gia đình TT Ngô Đình Diệm. Anh không phải là một ông Tướng to nào trong Quân Đội, mà là 1 Sỹ Quan Luật Sư Thẩm Phán của Tòa Án Quân Sự, có tài xế lái xe Jeep riêng cho Anh.

Anh gặp Chị qua sự giới thiệu của 1 người bạn. Chị là 1 sinh viên Dược Khoa sắp ra trường. Anh yêu Chị. Anh Chị đã làm đám cưới ngay sau khi Chị học xong. Một cảnh gia đình hạnh phúc thật đẹp mà có lẽ nhiều người mơ ước. Chị không phải trông coi Tiệm Thuốc Tây, chỉ ở nhà chơi với 2 đứa con khôi ngô, kháu khỉnh của Anh Chị. Nhà Anh có ông Bếp nấu nướng cơm nước. Có chị người làm giúp việc, làm các chuyện khác trong nhà.

Cha Mẹ Anh đã mất, nên Anh thương yêu Cha Mẹ của Chị lắm. Cha Mẹ Chị không có con trai nên Anh là người Rể Hiền của gia đình vợ. Với lòng thương yêu và thừa đủ khả năng để giúp đỡ, Anh không quản ngại giúp Cha Mẹ và các cô em vợ, những việc mà một gia đình không có con Trai lớn thì khó mà làm được. Anh cho vợ, con và 2 cô em đi chơi những nơi mà Anh biết vợ và các cô em chưa đươc đi bao giờ vì trước đó không có anh trai để dẫn đi.

Vợ hiền, con xinh, “thằng Ng. Mercedes “, các bạn thân gọi Anh là “Ng. Mercedes”, thật là tốt số ! “. Họ nói về Anh như vậy.

Cái hạnh phúc êm đềm đó của gia đình Anh đã bị xáo trộn kể từ tháng Ba, tháng Tư năm 75, khi những tin tức kinh hoàng từ các mặt trận của Quân Dân miền Nam ngày ngày được loan báo. Cộng Quân lần lượt chiếm dần các tỉnh từ miền Trung trở vào.

Cho đến cuối tháng Tư , lúc mà toàn dân Miền Nam không thể nào ngờ được là Công Quân đã chiếm lấy gần hết các tỉnh, ngày tiến vào Saigon không còn xa nữa. Anh phờ phạc, lo âu và phẫn uất, buồn nản vô cùng. Vợ Anh và gia đình lo cho Anh. Thẩm Phán Tòa Án Quân Sự thì chắc chắn CS không thể nào tha được. Khi đó, cái chết, hoặc sự trả thù, hành hạ, tù đầy là chuyện hiển nhiên sẽ xảy ra.

Anh tuyệt vọng trong những ngày chót của Saigon, và buồn đến độ không còn muốn quyết định gì cả. Trước đó, Anh là người sáng suốt quyết định và giải quyết mọi chuyện cho gia đình, nhưng những hôm cuối Tháng Tư đó, Anh chỉ đờ người ra, làm theo ý kiến của Chị và gia đình.

Chiều 29 Tháng Tư, trước một Saigon hỗn loạn, “ Ừ, em muốn ra Bến Tàu để thử coi có Tàu nào đi không, thì cả nhà lên xe, anh chở đi! “ Anh thẫn thờ trả lời Chị như vậy.

Người anh lớn của Anh không dám liều “ không biết sẽ sống chết ra sao” nên không muốn đi, quyết định ở lại với người em của Anh. Người anh bảo Anh “anh chỉ là dân sự chắc ở lại không sao đâu. Với chức vụ của Ng., Ng. không yên được với chúng đâu. Thôi Ng. đi đi, anh ở lại “

Thể là bên phía quyết định đi , vợ và gia đình vợ, đành leo lên xe để Anh chở ra Bến Tàu Saigon. Mang theo rất ít giấy tờ cần thiết, với gần như không có hành trang gì .Vì chỉ nghĩ là “ra thử xem có Tàu nào đi không”, vì hy vọng lúc đó quá mong manh.

Đứng đợi cho đến khi bờ sông đã vắng người, không còn hy vong gì nữa, thì có 1 người phu bến tàu, trông mặt khó mà biết tin cây được hay không, hỏi có muốn ông gọi xà-lan chở ra tàu đậu ở ngoài xa không. Anh lúc đó như người mất hồn, để mặc cho Chị và gia đình quyết định, tin cẩn người đàn ông đó hay không, để đi theo ông ta đến một chỗ nào đó mà ông hứa hẹn là sẽ có xà-lan chở ra tàu lớn. “Tùy Cậu Mợ, tùy em“! Anh lại thẫn thờ trả lời mọi người, như lúc ở nhà ra đi. Nhưng may quá, ông ta kiếm được xà-lan thật. Để chở gia đình ra Tàu lớn đậu ngoài xa.

Rời bỏ quê hương với 2 bàn tay trắng. Bỏ lại người anh, người em của Anh, Anh như người mất hồn vì hồn Anh đang ở đấy. Nơi căn nhà mà gia đình Anh đã sống từ bao nhiêu năm.

Đành bỏ lại thôi! Đành xuống xà-lan, đành lên tàu theo vợ con . Đời Anh thay đổi từ đây.

Đêm đầu tiên trên Tàu Tiền Phong, 1 chiếc tàu buôn không lớn mà cũng không nhỏ. Lúc rời nhà, vì không hy vong có tàu đi, gia đình Anh không sửa soạn mang thực phẩm , cũng không có quần áo, chăn mền gì cả. Cảnh màn Trời chiếu Đất, đất là sàn tàu. Vợ, con Anh và gia đình vợ, cả thảy 9 người, đã ngồi dựa vào thành tàu mà nhắm mắt cố ngủ. Nhưng ngủ sao được trong cái đêm rời bến hồi hộp, lo âu chưa biết có đi thoát được không. Mà đi về đâu" Tới nước nào" Sẽ phải bao nhiêu lâu trên biển cả mênh mông"

Sáng hôm sau, tàu đã ra khơi được khá xa, nghe những người có Radio vặn lên: “Saigon đã mất, Cộng Quân đã vào tới Dinh Độc Lâp“! Không ai bảo ai, mọi người trên tàu đều im lặng, như là một phút mặc niệm cho Saigon thân yêu, Miền Nam thân yêu!

Tàu thoát được ra xa rồi, nhưng kế tiếp là lo cho những ngày sắp tới.

Anh và gia đình không có thưc phẩm và nước uống. Anh chua xót khi thấy Chị lúc đó phải đi xin từng chút mì gói cho 2 đứa con nhỏ, xin nước cho chúng uống, xin cho các con ngủ nhờ chỗ phòng có mái che vào những đêm Trời có vẻ sắp mưa. Xin đủ thứ !

Các con Anh, 3 và 4 tuổi, những khuôn mặt ngây thơ vô tội, tròn đôi mắt trong đen lên như hỏi “sao phải khổ thế này hả Bố"“. Đang ở nhà rộng rãi, bao nhiêu đồ chơi để chơi, mà sao bây giờ ngồi chen chúc trên cái sàn tàu này cả ngày lẫn đêm, đồ ăn thì không có. Con trai bé 3 tuổi của Anh Chị nuốt miếng mì gói thật nhanh rồi dục Mẹ đút cho miếng khác. “Mẹ còn phải chia cho anh con nữa mà , làm gì có nhiều mà đòi hả con!“ Thằng anh nó đến lúc cần quần để thay, không có quần, phải mặc cái quần đùi của ông Ngoại.

Thấy các cháu ngồi chịu đựng thật ngoan, bà Ngoại phải vẽ ra những chân trời sáng lạn bên đất Mỹ, kể cho cháu nghe là “bao giờ sang đến Mỹ, Bác Cả ở bên Mỹ sẽ cho các cháu đi xem cái Sở Thú đăc biệt mà các con Sư Tử không bị nhốt trong chuồng đâu, chúng nó được tự do đi lanh quanh, gần ngay xe mình, nhưng mình phải quay kín cửa kính xe lên chứ, để nhìn chúng nó, tha hồ mà nhìn!“ Những đôi mắt nai ngây thơ của chúng lại mở to lên để tưởng tượng đến những cảnh thần tiên của nước Mỹ mà quên đi cái đói khổ trên con tàu lênh đênh đã mấy ngày rồi.

Sau hơn 2 hôm thì có 1 tàu Mỹ đến gần để dẫn đường và thỉnh thoảng gửi sang cho ít lương thực và sữa . Người lớn, trẻ con lúc đó không còn phải lo đói khát nữa. Nhưng người lớn chỉ dám ăn cầm chừng thôi và nhất là không dám uống sữa, vì đi cầu hoặc đi tiểu là cả 1 vấn đề: cầu tiêu chỉ là 1 tấm ván gỗ mắc chênh vênh vào thành tàu. Ngồi trên đó mà vô ý té xuống biển thì chắc chết! Trẻ con thì Mẹ dẫn xin đi nhờ phòng tiểu của gia đình chủ tàu, không phải dùng cái cầu tiêu dễ sợ đó.

Đau lòng biết bao khi thấy Anh, như một người nghèo khó, ăn mặc lếch thếch vì mấy ngày không có quần áo thay, tay cầm cái túi ny-lông hứng cơm khi họ chia cơm của tàu Mỹ gửi sang, cho người chủ gia đình. Chút cơm cho cả nhà cầm bụng cho đỡ đói. Chị thì lúc trèo lên tàu thế nào mà bị bể mất 1 tròng mắt kiếng, phải đeo tạm cái mắt kiếng một tròng.

Sau 7 ngày lênh đênh như thế, cuối cùng đến một đêm ai cũng reo mừng “sắp đến bờ rồi “ vì đã bắt đầu nhìn thấy xa xa ánh đèn thành phố. Tàu Tiền Phong đã được hướng dẫn sẵn sàng vào cập bến Subic Bay, Phi Luật tân.

Sáng hôm sau, tàu cập bến. Anh cùng gia đình và những người trên tàu sửa soạn lên bến. Subic Bay, trạm đầu tiên của bến bờ Tư Do mọi người mơ ước.

Những đồng bào đến đảo trước đã tụ tập đầy 2 bên chiếc cầu được bắc cho người trên tàu bước xuống đất liền, để chào đón và tìm thân nhân. Nhìn thấy có gia đình còn xách theo bình đựng nước, họ hô lên “liệng bình đi, ở đây có đầy đủ đồ ăn, nước uống rồi, đừng lo nữa đồng bào ơi ! “

Ngay đầu cầu, dưới gốc cây Phượng Vĩ thật to, một hình ảnh của quê hương vừa bỏ lại, Hội Hồng Thập Tự đón người trên tàu bằng món Ham, bánh mì và nước Cam. Trời ơi, bao nhiêu ngày thiếu ăn, thiếu uống, bấy giờ đồ ăn và đồ uống là những thứ làm sáng mắt mọi người. Nhìn vợ, con, gia đình ăn, Anh cũng vui sướng nhai miếng Ham sandwich, uống ngụm nước Cam.

Lên đến Trại Subic, Trại của Hải Quân Hoa Kỳ, nay dùng làm nơi tạm trú cho dân tị nạn VN, mọi gia đình được chỉ định ở lều nào, nhận ghế bố cho mỗi người, rồi lại được hướng dẫn đến Nhà Ăn của Trại, dành cho người tị nạn.

Nhà Ăn ở sát bờ biển, có cây Bông Sứ đầy hoa ngay cạnh, lại một hình ảnh quê hương hiện ra trước mắt. Lúc nãy ăn miếng sandwich và uống nước Cam, nhưng bây giờ vẫn còn thèm ăn thêm, uống thêm, tận hưởng cái cảm giác sung sướng của người vừa thoát khỏi những hiểm nguy của biển cả và đói khát, đã đến đươc đất liền bình an . Anh và gia đình lại ăn thêm bữa ăn Trưa của Nhà Ăn.

Ăn xong về đến lều thì bỗng Anh thấy quay cuồng, chóng mặt, muốn xỉu. Em vợ Anh tìm thấy được 1 chiếc xe chở mấy quân nhân Mỹ đi dọn dep chạy ngang qua, vội ra vẫy tay xin họ chở giùm Anh ngay đến bệnh viện, hoăc Trạm Y Tế, Phòng Phát Thuốc, cái gì cũng được, miễn là cứu được Anh. Cô cũng lên xe đi theo, nhưng thật khổ, đến đến Trạm Y Tế thì chính Cô cũng chóng mặt, gần xỉu, phải nằm luôn ở đấy. Lát nữa tỉnh ra lại thấy thêm vợ Anh cũng bị chở ra đó vì gần xỉu. Cùng khá đông những người khác trên chuyến tàu Tiền Phong. Hóa ra là sau bao nhiêu ngày cái bao tử bị lép kẹp, không phải làm việc, sáng nay ai cũng tọng vào những đồ ăn, đồ uống hơi quá nhanh và quá nhiều, bao tử chịu không nổi, nên cơ thể thành xuội lơ ! Cũng may, chỉ nằm nghỉ ở Trạm có vài giờ là khỏi, ai nấy về lều, không sao. Hú vía và cười thầm cho cái đói khát sinh ra cái tham ăn làm khổ cái thân!

Những ngày ở Trại, cảnh xếp hàng đi lĩnh quần áo của Hội Hông Thập Tự cho, cảnh ngày 3 bữa đi xếp hàng để ăn ở Nhà Ăn, những đêm mưa gió ầm ầm tưởng như đổ lều, cũng còn chịu đưng được. Nhưng những buồn phiền chồng chất vì nhớ người thân, nhớ quê hương, trộn lẫn với nỗi lo âu cho tương lai nơi miền đất mới đã bắt đầu gậm nhấm, cắn rứt tâm hồn Anh.

Đã bắt được liên lạc với vợ chồng người chị Cả ở Florida, biết là gia đình sẽ sang Mỹ sống. Nhưng rồi mình làm được nghề gì bên đó mà sống .Vốn liếng Anh Ngữ của Chị chắc không làm nghề Dược Sĩ được nữa. Chữ nghĩa tiếng Mỹ của Anh biết chắc không đủ để theo nghề Luật rồi . Nuôi cho các con ăn học và thành tài nơi xứ lạ quê người chắc sẽ chật vật lắm đây. Nhìn vợ lo âu, bận rộn mà thương, Anh tiếc nhớ những năm tháng sống ở quê nhà.

Ra khỏi Trại Subic Bay, gia đình Anh tạm trú 1 thời gian ngắn ở Guam, rồi sang đến Trại Tạm Cư nơi đất Mỹ. Trại Fort Chaffee ở Arkansas. Cũng vẫn cảnh ngày ngày vợ chồng Anh lo cho các con, giặt giũ, tắm rửa, ăn, ngủ, và được lúc nào rảnh lại bàn tính cho tương lai chưa biết sẽ xoay sở ra sao.

Được vợ chồng người chị Cả của vợ Anh bảo lãnh ra , đón tất cả nhà về sống đoàn tụ dưới mái nhà của anh chị Cả, ở Miami, Florida.

Mặc dù vợ chồng chị Cả và những người bạn Mỹ tốt bụng giúp đỡ rất nhiều, nhưng Anh Chị vẫn phải phấn đấu vô cùng với hoàn cảnh của người di cư mới đến Mỹ, một xứ xở quá khác lạ đối với người Á Đông. 

Biết việc kiếm tiền rất là cần thiết. Anh bắt đầu bằng những viêc vặt vãnh. Anh đi sơn nhà cho 1 người Mỹ bạn của anh Cả. Họ muốn giúp đỡ người tị nạn nên họ mượn. Anh cùng đi vói chồng của cô em vợ. Người mình gọi là anh em cột chèo, hay anh em bạn rể.

Hai anh em thợ sơn còn lớ ngớ, chưa hề đi sơn nhà bao giờ, lúng túng thế nào mà làm đổ cả thùng sơn ra thảm, sàn nhà của họ. Họ là người tử tế, nên không phàn nàn trách móc gì, chỉ trả tiền công rồi… chấm dứt không mượn sơn nhà nữa.

Vợ Anh cũng được giới thiệu đến làm cho 1 tiệm ăn. Mấy ngày đầu, tiếng Anh chưa hiểu nhiều, tên món ăn Mỹ trên thực đơn Chị cũng mù tịt, nên chỉ được độ 1 tuần thì họ cho Chị nghỉ làm.

Sau đó Anh và người em bạn Rể, bàn với nhau để vợ vừa trông con, vừa đi học. Trường college này là trường công, học phí không cao, cũng gần nhà, có thể mượn tiền trả tiền học, và trường còn cho việc làm ở trường, work study, kiếm được chút ít tiền lương. Anh chị Cả cho ở chung nhà, chưa phải đi thuê. 2 ông “chủ gia đình” lại đi kiếm việc nữa..

Lần này may mắn có người chỉ cho xin việc ở hãng hàng không Eastern. Anh được nhận vào làm. Anh lo thi bằng lái xe và mua lại 1 chiếc xe cũ làm phương tiện di chuyển cho Anh Chị và các con.

Công việc ở hãng Eastern thật khó nhọc, nhất là đối với 1 người ngày trước chưa bao giờ phải làm lụng cực nhọc. Nhưng Anh không hề quản ngại, Anh cố gắng chăm chỉ làm việc, để giữ được cái việc khá lương này. Hãng Eastern Airlines lúc đó đang hoạt động mạnh, nhất là ở miền Đông.

Nghe thấy Anh kể chuyện công việc cực nhọc, Chị thương Anh lắm, chỉ biết tự nhủ cố học cho mau thành tài để giúp Anh. Chị không theo lại ngành Dược, vì lúc đó Miami không có trường Dược, Chị quyết định học ngành Thử Nghiệm cho bệnh nhân (Medical Technology).

Anh làm “ca” tối để ban ngày có thể chở Chị đi học, đưa đón các con khi đến trường.

Ban ngày , khi vợ con đi học, Anh tiêu khiển bằng chuyện chăm sóc vườn sau nhà. Anh dựng đươc dàn mướp Hương. Thỉnh thoảng Cha Mẹ vợ cần đi đâu Anh chở giùm. Biết người già ở nhà mãi cũng buồn , Anh hay rủ Bà Cụ đi cùng, “đi đây đi đó cho biết“.

Khi cần đem xe đi thử Emission Test, Anh bảo Me ï“Ở Mỹ họ có lệ khám xe hàng năm coi xem xe mình có gây ô nhiễm không. Mợ đi cùng với con cho biết , Mợ ạ"”, hay là “Mợ có muốn theo con đi xem ở Mỹ họ vá lốp xe hơi không"“. Biết Ông Cụ chỉ thích ở nhà đọc sách nên Anh không rủ.

Buổi chiều Anh đón con đi học về, nếu kịp thì đón cả Chị về , rồi Anh mới đi làm.

Cuộc đời mới của gia đình Anh nơi đất Mỹ đã tạm khá hơn. Cuối cùng sau những tháng ngày cần cù làm việc, Anh mua được 1 căn nhà khang trang cho gia đình.

Làm cho hãng hàng không nên Anh đươc hưởng một đặc quyền là Anh và vợ con có thể đi chơi bằng máy bay miễn phí. Một vài lần khi Chị được nghỉ trong khóa học, Anh dẫn vợ con đi chơi vài nơi xa, 1 vài ngày thôi, như San Francisco, Washingtoc D.C., và đến cả New Mexico thăm vợ chồng cô em vợ đã dọn đến đấy. Buổi đó, ở nhà cô em, sau khi thay và mặc bộ đồ Bà Ba của 1 người bạn may tặng, Anh vui vẻ bày ra mấy trái Mướp Hương do Anh trồng ở Miami, và cả Giò Lụa , Chả Quế “do anh học được và mua máy xay thịt, làm lấy đấy ! “ - Hồi đó , những năm cuối thập niên 70, đầu năm 80, Miami chưa có tiệm bán những thứ Quốc Hồn Quốc Túy đó. Vợ Anh bận học, nên Anh thích làm lấy vì chẳng muốn vợ phải làm những món lỉnh kỉnh tốn thì giờ đó.

Khi cô em vợ ở New Mexico có bầu cháu bé thứ hai , Anh đã lụi cụi tháo rỡ cái nôi mà vợ chồng cô đã dùng cho cháu bé đầu lòng, nhưng khi dọn đi đã không mang theo, và Anh không quản ngại đóng thùng gửi lên N.M. cho cháu bé sắp ra đời vì biết lúc đó vợ chồng em còn đi học nên nghèo.

Sau những buổi đầu phải phấn đấu với những khó khăn, chật vật, cuộc đời mới của gia đình Anh nơi đất Mỹ đã tạm coi là ổn định và khá thoải mái, so với tiêu chuẩn của một gia đình người Việt tị nạn.

Anh vui và hãnh diện về những gì Anh đã làm được cho vợ con nơi miền đất Tự Do này, nhưng niềm vui của Anh không bao giờ được trọn vẹn.

Mối hận canh cánh bên lòng của một sỹ quan mất nước, phải bỏ ra đi, sống nhờ trên mảnh đất của một quốc gia khác, một dân tộc khác.

Những đau xót, những nỗi buồn, thương, tiếc nhớ ấy cứ đầu độc, phá hoại tâm hồn cùng thể xác Anh, giết dần giết mòn sự sống của Anh. Anh bị bệnh Viêm Gan, ngã bệnh nặng và mất. Sau khi Chị mới học xong, tốt nghiệp ngành Medical Technology, kiếm được việc làm ở một nhà thương, tưởng là sẽ đỡ đần được cho chồng gánh nặng gia đình, để cho Anh được rảnh Tâm, rảnh Trí nghỉ ngơi, rồi quyết định sẽ học thêm hay đổi sang nghề khác nhàn nhã hơn.

Anh mất khi các con chưa trưởng thành. Một điều không ngờ đến, trong dự tính tương lai của vợ chồng Anh.

Anh mất đi, Chị khóc âm thầm, nhưng rất can đảm một mình nuôi các con khôn lớn, ăn học đầy đủ, thành tài. Chị không nghĩ đến chuyện lấy ai nữa.

Nhiều lúc nghĩ thương Anh quá, Chị lại tự an ủi nỗi đau thương đó bằng câu “Anh ấy mà hồi đó bị kẹt lại ở VN, phải đi tù cải tạo, bị hành hạ, chắc cũng chết trong Tù thôi! Mà chết trong tức tưởi, khổ sở, vợ con nheo nhóc nghèo túng ! “

Chị nói đúng Chị a! Anh mất ở Mỹ, tuy sớm, nhưng yên lòng, vì biết các con Anh được lớn lên, trưởng thành ở một đất nước nhiều Cơ Hội, đầy Tự Do và Công Bằng .

Minh Anh

Ý kiến bạn đọc
19/08/201819:50:25
Khách
hệ thống xả hội và giáo dục của VN thật là hủ lậu , 1 Thẩm phán và Dược sỉ qua 1 nước nổi tiếng là 1 thằng rửa chén có chí củng có thể thành triệu phú mà ra nông nổi như vầy ...
09/04/201122:52:54
Khách
Hoàn toàn đồng ý với lời kết luận của tác giả. Được lớn lên trong một xã hội tự do, công bằng với nhiều cơ hội học hỏi và làm việc để trở thành những con người tốt lành, hữu ích là phước đức lớn cho các cháu. Thử tưởng tượng nếu gia đình các cháu bị kẹt lại, phải sống trong xã hội CS; cha các cháu chắc chắn sẽ vào trại cải tạo, mẹ thì phải buôn thúng, bán bưng. Các cháu thay vì được đến trường học những điều bổ ích, sẽ bị nhồi nhét những giáo điều láo khoét, tiêm nhiễm các thói hư, tật xấu trong một xã hội phi đạo đức, vô văn hoá, nơi mà các quyền căn bản cuả con người không được pháp luật bảo vệ, con người chỉ biết chạy theo đồng tiền, tầng lớp lãnh đạo chỉ lo tham nhũng, hối lộ, vơ vét càng nhiều càng tốt mà không hề lo sợ sẽ bị trừng phạt. Lớp này ăn xong, sẽ "hạ cánh nhẹ nhàng" để lớp đàn em lên ăn tiếp; trong một xã hội như vậy thử hỏi những con người sống chân chính, đàng hoàng sẽ có bao giờ có được cơ hội để ngoi lên???
06/04/201122:42:25
Khách
Lo được cho cá nhân và gia đình la bổn phận đối với tổ quốc.Còn là người thì phải biết căm hận kẻ tước đoạt quyền lợi và cai trị bằng cách tàn phá đất nước và ngu dân để trị.
06/04/201122:34:32
Khách
Lo được cho cá nhân và gia đình la bổn phận đối với tổ quốc.Còn là người thì phải biết căm hận kẻ tước đoạt quyền lợi và cai trị bằng cách tàn phá đất nước và ngu dân để trị.
06/04/201116:36:38
Khách
that chan'. Toan la` lo cho ban than va gia dinh`, nha`, xe, an uong, job. Su that mat long`. Toan la` ghet cs vi` ly do ca' nhan^
06/04/201119:02:08
Khách
A very touching story. It helped me understand the struggle and heroic survival of Vietnamese people (especially the first wave of Vietnamese into the U.S.). Someday, the communists in Vietnam will have to escape Vietnam like this but they will not have any sympathy from anyone. Thank you very much for sharing and may freedom prevail in Vietnam. May your brother in law rest in peace.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,175,395
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến