Hôm nay,  

Việt Kiều “Hố Hàng”

25/03/201100:00:00(Xem: 298848)
Việt Kiều “Hố Hàng”

Tác giả: Đoàn Thị
Bài số 3147-28447 vb6032511

Tác giả cho biết bà họ Nguyễn. Bút hiệu Đoàn Thị do họ chồng ghép với cái tên lót dành cho phụ nữ rất VN thời xưa, hiện làm việc trong một văn phòng thiết kế công chánh. Đoàn Thị chỉ mới tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010, nhưng cho thấy có sức viết mạnh mẽ. Các bài viết của cô thường đề cập những đề tài rất Mỹ, nhưng tác giả là cư dân Paris. Sau đây là bài viết mới nhất, chuyện tình thời việt kiều du lịch.

*

Khanh, cô em họ của anh kể một hồi về Chi, từ nguồn gốc cái tên cho đến con người, Khanh thích thú giải nghĩa :
- Bố nó thất tình ai đó, muốn quên sự đời, đúng lúc con nhỏ xuất hiện ông bồi cho cái tên Lãng Chi để đời, đúng ra là Lãng Tri, nhưng vì là con gái nên Tri mới thành Chi, tội nghiệp cô nàng hết hơi “chú thích » cái tên lạ lẫm của mình mỗi lần quen bạn mới. Nó trân quí nỗi thất tình của bố nên chả phiền hà, trái lại cái tên như vậy không « đụng hàng” với hàng vạn cô gái mang tên Lan Chi, tuy nhiên cũng khó giải thích cái nghĩa của cụm từ này, đành để mặc người nghe tùy nghi diễn nghĩa.
Chi và Khanh, học ĐH Văn Khoa từ trước tới sau năm 75, Chi lấy chồng sinh con, ra trường làm việc bên du lịch, Khanh đi dạy học. Khanh quen anh Đan cùng dạy ở trường trung học, chiều nào nàng cũng ghé nhà Chi tâm sự, Chi ở bên nhà bố mẹ với thằng con, chồng nàng về tỉnh làm ăn, một tháng về thăm vợ con một lần.
Ngày cưới của Khanh cũng là ngày chồng Chi đi vượt biên với tình nhân, nhìn bạn hạnh phúc bên chồng Chi nước mắt lưng tròng, mừng cho bạn từ đêm nay có người đầu áp tay gối còn mình bắt đầu lẻ bóng.
Vài năm sau Khanh theo chồng đi Mỹ, Chi tiếp tục cuộc sống bên này vui buồn với nghề hướng dẫn du lịch, thấp thoáng đã hơn hai mươi năm.
Lần đầu Khanh về Sàigòn, hai đứa mừng đến rơi lệ, Khanh ngạc nhiên nhìn Chi, sao mi trẻ thế, bên này đi làm không bị đì, không có xì trét sao, Chi từ tốn, làm việc ở đâu mà chả có phiền hà bực bội, đó là cái gía của cuộc sống mà.
Khanh thắc mắc, Sao mi vẫn trầm, vẫn an nhiên tự tại như thuở nào, hay tại mi ăn chay trường rồi, Chi câu cổ Khanh vui vẻ, ai nói tao ăn chay trường, chỉ ăn kiêng thôi, cũng uống bia rượu như ai, mi biết tính tao mà.
Đúng là Chi không thay đổi, chỉ có Khanh dễ nổi đình nổi đám bước vào tuổi năm mươi, nóng đó rồi nguội đó, chồng con lắc đầu le lưỡi bỏ đi chỗ khác, chờ nàng hạ hỏa mới chường mặt ra. Đôi khi thấy mình mất đi cái nết na dịu hiền của con gái việt, Khanh hết hồn nhưng không tài nào kềm chế tính bốc đồng vào thời kỳ hết hốc môn này.
khanh bắt Chi kể hết về thời gian xa cách vừa qua, nghe xong Khanh phán một câu xanh rờn, để tao làm mai ông anh họ cho mi, bảo đảm không chê vào đâu được, tính nết cũng trầm và không điêu như thằng chồng cũ của mi.
Nhắc đến chồng cũ, Chi phì cười, năm nào về đây ông Phú cũng ghé thăm thằng Phiến, hai cha con dẫn nhau đi uống cà phê, có vậy mà bà Thu cũng ghen lồng lộn sợ hắn trở lại với tao.
Khanh tặc lưỡi, sợ là phải rồi, gái năm con như bả phải ớn gái một con như mi, này hỏi thật nhé, mi còn tình ý với lão Phú không, Chi trợn mắt, cảm ơn thì có, cảm ơn hắn đã cho tao biết mùi đời, tình cảm giờ này chỉ là kỷ niệm thôi.
Khanh trề môi, khiếp đến giờ này mà mi vẫn từ bi với hắn, Chi cười buồn, số tao như vậy rồi, cải số có được đâu, thôi đường ai nấy đi cho yên, mà ở tuổi này còn gì để níu kéo nữa.
Khanh tự nhủ phải “thiền” như Chi, nhưng về nhà, thấy bếp bừa bộn, phòng tắm vương vải là nổi sùng, nàng nghĩ có thể Chi quen sống một, nên không có “va chạm” như mình. Anh Đan nói, Khanh có một bầy chồng con nên tha hồ la hét cho thiên hạ biết ta có bầy đàng để mắng nhiếc, còn Chi muốn giận ai, muốn la ai cũng chịu, nghe vậy mà khanh thương bạn, số con nhỏ bạc phận.
Duy, anh họ của Khanh đổ vỡ vì cái tội cưới vợ thì cưới liền tay, cưới xong cháy tay cháy túi, cô vợ bé bỏng của anh không thích đi làm chỉ thích shoping và vui chơi. Chỉ sinh một đứa con vì sợ mất eo, làm bếp ngại hôi tóc, hôi nhà, chồng con ăn toàn đồ hộp hâm nóng bằng microwave, mỗi lần đến chơi với Khanh anh chỉ xin bát cơm với cá mắm. Tưởng anh sẽ chán vợ, không ngờ chị chán cái tính nhẫn nhục của anh nên rũ áo ra đi với kép Mẽo, thôi thà người phụ ta, anh bao dung đến phút cuối và ký giấy trả tự do cho chị vì chị trót yêu người khác.
Lần đầu được tự do sau mười năm sống nề nếp với vợ con, anh hăng hái lao vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, thích đâu ở đó, yêu được cứ yêu dù chỉ vài tháng, anh thích thú khám phá thế giới đàn bà muôn màu như sắc cầu vòng, vài năm bơi lội trong tự do bay nhảy, anh tưởng đã hiểu hết đàn bà.
Và anh gặp Mai, vừa ly dị chồng, một nách hai con, hai người góp gạo, góp lương ... sống với các con của em, Mai tháo vác, chu đáo cơm nước, anh cũng vừa thấm mệt để dừng bước. Mai không trẻ như vợ cũ của anh, cô nhỏ hơn anh một tuổi, anh hy vọng khoảng cách này vừa đủ để hai người hiểu nhau. Tính Mai dịu hiền, chịu đựng, nhưng có cái gì đó anh thấy không ổn, hai năm sau họ chia tay vì Mai hay ghen vô cớ, ghen với nữ đồng nghiệp, ghen cả với vợ cũ của anh. Chia tay với Mai anh buồn lắm, nhưng anh không thể sống trong sự ngờ vực của Mai, dù biết Mai rất yêu anh, anh rút ra từ cuộc sống chung là hai đứa có những sở thích, cách ứng xử ...khác nhau. Tình yêu chưa phải là yếu tố giữ hai người bên nhau vì anh không yêu Mai mù quáng như lần đầu anh yêu cô vợ cũ, chính những thứ “râu ria” kia làm rối tung cái tổ ...ong của anh với Mai.
Từ đó anh cẩn thận hơn với phụ nữ, anh nghĩ sống như vầy có khi lại hay, tuy cô đơn, nhưng tính anh trầm dễ sống một mình, nếu cần anh có thể đàn đúm với bạn bè, ăn uống, cà phê đó đây, sau đó nhà ai nấy về.
Khanh thấy anh lui cui một mình, hở ra là xách túi đi chơi với các bạn, có đêm ngủ với bộ quần áo mặc đi chơi ban chiều, con nhỏ gạ mãi anh mới chịu viết thư điện tử làm bạn với Chi.

*
Anh đến Sàigòn chiều hôm qua, sáng nay anh lấy xe ôm đi đến chỗ hẹn, nhưng anh không vào tìm Chi ngay, ngồi quán cà phê đối diện công ty du lịch, chờ giờ cơm như đã báo trước với Chi.
Gần một giờ trưa Chi băng qua đường trước quán cà phê, đi ra cửa đón Chi, anh đề nghị, Chi làm hướng dẫn cho tôi trưa nay nhe, bảo đâu tôi đi đó, Chi vui vẻ, đi vài bước thôi là tới quán cơm kia kìa. Chờ Chi chọn bàn và gọi thức ăn, anh bắt chuyện, chiều nay Chi làm đến mấy giờ, Chi nhanh nhảu, Khanh dặn rồi, tan sở tôi dẫn anh đi chơi Sàigòn, anh đã bắt kịp múi giờ chứ.
Anh gật đầu, uống ngụm trà đá anh quan sát Chi, đúng là dân làm du lịch có khác, bắt chuyện dễ như đi “tour”. Vừa ăn vừa nói chuyện, Chi chăm chú nghe anh kể về chuyến đi lần này, tuy không nói nhưng hai người đều biết đã đến lúc họ nên gặp nhau, sau mấy trăm ngày thư từ qua lại, dĩ nhiên hình ảnh có gởi cho nhau xem, nhưng gặp nhau mới là trăm nghe không bằng ...giáp mặt.
Ăn cơm xong, anh quay về khách sạn đánh một giấc, Chi trở vào sở hoàn tất giấy tờ cái tour ngày mai. Gần năm giờ chiều, Khanh gọi điện thoại sang, giọng còn ngái ngủ, mi đã gặp ông anh tao chưa, mi thấy sao, sắp tan sở chứ, chương trình thế nào, Chi cười, cái tính bộp chộp không bỏ, từ từ nghe này, mới ăn cơm trưa với anh Duy, chiều dẫn anh đi chơi, được chưa. Tiếng Khanh cười khúc khích, chiều đi chơi tới khuya, rồi tối làm gì, Chi tỉnh bơ, tối nhà ai nấy ngủ, bộ mi muốn tao làm “hướng dẫn” cho hắn cả đêm à. Khanh trầm ngâm, biết đâu đấy, chỉ sợ tối không ai ngủ được lại réo tao mới khổ. Chi chắc mẫm, không có tao đâu nhé, vì ngày mai tao còn dẫn khách đi tour, Khanh thảng thốt, thế mi bỏ anh tao bơ vơ giữa Sàigòn hoa lệ à, tưởng mi xin nghỉ phép dẫn anh tao đi chơi, Chi ngắt lời, thưa chị em đã xin phép rồi, tuần sau cơ, thôi ngủ đi, tao xong việc bay về nhà chuẩn bị đi chơi với anh mi đây.
Tắm xong Chi tần ngần trước tủ quần áo, lấy cái quần jean trắng ra ngắm nghía, lần cuối mặc cái jean này là lần thứ hai Khanh về Sàigòn, lần đó con nhỏ la làng, tưởng mi lê lết lên đồi xuống biển với du khách nên phải “quần đen áo bà ba” cho đáng mặt XHCN, ai dè mi còn phong độ chán, dám mặc jean trắng rất ư là “ủy mị”, chỉ thiếu cái áo mỏng mousseline là “đồi trụy” thứ thiệt. Chi nhăn mặt, giời ạ, nói khẽ một tí được không, quen la hét chồng con như vậy sao, tao mặc quần này là vì mi đó, mi nhớ không.
Khanh gật đầu, nắm tay bạn ứa nước mắt, cái jean trắng Chi mặc ngày tiễn Khanh đi Mỹ, hôm đó hai đứa đều mặc jean trắng, cái quần trắng đục hai con nhỏ xí xọn lỡ mặc vào trường với áo mousseline bị viết bản tự kiểm một trận nên thân.
Chi mặc thử quần jean, nàng chui vào vẫn lọt, mấy chục năm rồi, nàng vẫn vậy, không lên cân, mập sao nổi, suốt ngày rong rủi nắng mưa đưa khách đi chơi, leo lên mấy con dốc, mồi hôi ướt áo, có ăn mấy tô phở cũng tiêu, nói gì Chi ăn như mèo ốm, lúc này lại ăn kiêng để tránh bệnh.
Chi phóng Honda đến khách sạn, anh Duy đứng chờ trong sảnh, Chi khóa xe đi vào, anh nhìn nàng, cái jean trắng giống y cái quần của Khanh, Chi mặc quần này trông trẻ trung lắm, Chi cười mỉm, cảm ơn anh, mặc cái jean này càng nhớ đến Khanh hơn.
Chi kể sơ về “sự cố” cái jean trắng lúc còn đi học cho anh nghe, anh đi du học trước 75 nên chưa hình dung những điều lệ trớ trêu khó hiểu thời đó, bây giờ ca sĩ mặc áo khoe ngực, khoe mông mới hút khách, gía tụi Chi sinh ra chậm một vài niên kỷ thì đâu phải viết bản tự kiểm.
Chiều hôm đó Chi dẫn anh đi ăn cơm cá kho với dưa chua, canh rau đay riêu cua, tráng miệng đậu hủ nóng ... anh khen Chi biết “gu” khách việt, phở, lẩu, xôi chè ... bên kia cũng có, chỉ riêu cua thứ thiệt, đậu hủ nóng là khó tìm.
Tối đi coi ca nhạc, ca sĩ bên này đẹp ra phết, chân dài, eo thong ... nhìn phát mê, tuy nhiên nhạc trẻ đời mới anh nghe chưa quen tai, ca từ mộc mạc thế nào, yêu nói yêu, ghét nói ghét, âm điệu có khi nặc mùi Hồng Kông Hàn quốc, càng nghe càng thấy mình gìa mất rồi.
Sáng hôm sau anh uống cà phê với Chi, nàng bắt chuyện, tối hôm qua anh ngủ được chứ, anh thấy chương trình ca nhạc thế nào, câu hỏi đúng ý, anh trút bầu tâm sự, lần sau mình đi chỗ khác, một quán cà phê nhạc yên tịnh hơn, nhìn ca sĩ nhí nhố tuổi đáng con mình bô bô yêu anh ghét anh, thấy mệt mỏi làm sao, mới vào đời mà vất vả thế, lớn tuổi như tụi mình chắc là yêu hết nổi.
Chi Chậm rãi, tưởng anh cũng như bao anh việt kiều, về đây lột xác, “trẻ hóa” mới bắt kịp mấy em chân dài mà hưởng đời... thì ra anh thuộc loại người hoài cổ, chưa hội nhập kịp cái xã hội biến dạng đến chóng mặt bên này. Nói vậy thôi, ngay như em ở đây liền tù tì từ đó đến giờ mà chạy theo “nhịp sống mới” muốn hết hơi, ở vài tuần anh sẽ quen.
Anh hớp một ngụm cà phê nói khẻ, Khanh nói không sai, Chi đúng là người trầm về mọi mặt, không hoa hoè cập nhật mốt thời thượng, vậy mà làm ngành du lịch được sao, Chi cười, như anh thấy đó gần ba mươi năm trong nghề, chưa bị xếp chê, dĩ nhiên mình phải thích ứng với đà tiến bộ văn mình của xã hội, biết áp dụng những thứ đó để phục vụ khách như phương tiện chuyên chở, khách sạn cao cấp. Còn cái cổ của ta, cái cung cách của ta phải bảo tồn du khách mới tìm đến mình, anh không thấy chiếc áo dài cổ truyền đến giờ này vẫn chưa bị cái “mốt” nào qua mặt nổi đó sao.
Buổi cà phê sáng Chi ngồi với anh mươi phút, rồi xách túi đi tour với khách, uống hết ly cà phê, anh bấm điện thoại gọi một số bạn cũ, trưa nay anh sẽ tái ngộ các bạn ở một quán bia và lẩu. Chiều Giang, tên láng giềng ngày xưa đưa anh đến một phòng trà dành cho giới sồn sồn chuyên chơi nhạc xưa.
Giang không ngờ anh vẫn còn phong độ chán, lên hát thử với tay guitare của quán, anh hát khá lắm tuy chưa nhịp nhàng ăn khớp vì anh hát theo ngẫu hứng. Sau đó có một khách nữ lên hát, cô này hát hay và chuẩn hơn anh, đặc biệt những bài cô hát đều lọt vào “top ten” dòng nhạc những năm bảy mươi tư trở về trước.
Giang vỗ vai anh, nháy mắt, cô này tài thật, sao biết mày nghiện dòng nhạc này mà hát cho mày ngất ngư một trận, anh cười ưng ý, một đêm thú vị thật, tự nhiên được nghe những bài một thời “theo em xuống phố trưa nay”.
Anh quan sát cô nàng đang say sưa trong “Vũng lầy của chúng ta”, con nhỏ chưa gìa như mình mà sao biết mấy bài này, thời em trưởng thành toàn nhạc “đê điền, ngô khoai...”, vậy mà em hát hết hồn hết vía mới tuyệt. Như bắt được suy nghĩ của anh, Giang hỏi, sao, mày lậm giọng nàng chưa, “ca sĩ cổ thụ” ở đây đó, đêm nay ngủ được không, anh pha trò, uống cà phê cữ “vọng gác đêm khuya” như vậy, tối nay chắc chắn là thấy sao đầy trời, sáng mai ngủ bù có sao đâu.
Đêm đó tuy không thấy trăng sao nhưng Duy ngủ không yên vì Khanh gọi qua, mới hai giờ sáng, con nhỏ hỏi, anh thấy Chi sao, có được không, Duy ngập ngừng, trăng sao gì, mới gặp có hai lần, Chi đi tour mấy ngày nay rồi.

Khanh cáu lên, biết rồi, mà hai người này lạ ghê, hỏi ai cũng nghe trả lời ỡm ờ, bộ hai người không thấy hạp hả, anh chậm rãi, cái cô này, cứ làm như chúng tôi mới mười tám, gặp nhau là bị “sét đánh” ngay vậy đó. Khanh hăm hở, dù gì hai người viết thư cho nhau cả năm rồi, gặp đến hai lần mà vẫn chưa thấy “xẹt lửa”, anh giải thích, đã bảo Chi rất trầm, vả lại anh cô gìa rồi, lửa ở đâu mà xẹt bậy bạ vậy. Khanh la làng, bộ gìa là “hết lửa” sao, thôi không thèm hỏi nữa, anh cầu hòa, cô yên tâm có gì mới lạ anh sẽ báo, chịu chưa, Khanh hăng hái, hứa nhe, thôi em cúp mày để anh ngủ đây.
*

Anh đánh một giấc đến mười hai giờ trưa ngày hôm sau, tắm rửa xong anh ra phố đeo xe ôm xuống Kỳ Đồng tìm Nam, một thằng bạn khác, lại quán xá nhậu nhẹt, gặp đúng thứ dữ, hắn dẫn anh đi nhậu cày tơ, lá mơ, tiết canh, rượu đế, về khách sạn anh nằm liệt suốt buổi chiều. 
Gần mười giờ tối anh mới mò ra phố, đang phân vân chưa biết đi đâu, thịt cày đã “bốc hơi”, nhưng bụng chưa đói, bỗng anh nhớ đến phòng trà hôm qua, anh leo xe ôm trực chỉ quận 1. Quán vắng hơn hôm trước, tay guitare đang đệm cho một anh chàng hát khá hay, anh nhắm cà phê nghĩ đến Chi, không biết giờ này nàng làm gì, đang miên man nghĩ ngợi, cô ca sĩ đêm trước cầm ly cà phê ghé vào bàn của anh. Cô mở lời, chào anh, hôm nay anh đến một mình, anh kéo ghế, mời cô ngồi, hai người nói chuyện nhạc, anh thắc mắc sao cô nàng “chưa gìa” như thế hệ của anh mà lại biết loại nhạc trữ tình “thời xưa”, cô nàng thỏ thẻ, me ru em bằng loại nhạc này, nên em bị nhiễm rồi không có cách chi tẩy được. Anh ngạc nhiên, thế em không thấm văn hóa XHCN sao, có chứ anh, đọc, nghe để biết cái gì hay cái gì dở, nhưng cái căn bản thì em đã có rồi, thầy me em kể buổi giao thời tiếp xúc với chế độ mới các cụ khốn đốn không ít. Với thời gian em hiểu nhiều hơn, nói là nhạc bây giờ không hay cũng không đúng, hay dở là do người nghe cảm nhận, em thuộc dòng nhạc xưa, quen với ca từ trau chuốt thuần việt nên bị bạn bè chê, “người của thế kỷ trước”, đành chịu.
Anh không ngờ cô nàng có cách nói chuyện chững chạc và “xưa” như các bạn của cô nhận xét, hỏi thêm mới biết cô khoảng tuổi vợ cũ của anh, cung cách của hai người khác nhau một trời một vực. Cũng không trách vợ của anh được, mới mười tám đã lấy chồng, chưa qua ngưỡng cửa đại học, chưa từng đi làm, giao tế hạn hẹp, chưa biết va chạm sức ép của công việc... nên cách nhìn đời ấu trĩ.
Hoài Nam, cô ca sĩ tay ngang ở phòng trà này, một đời chồng, chưa có con, ly dị chồng vì người mẫu chân dài “lạm phát” nhiều đến nổi đàn ông bối rối đến phải bỏ vợ. Hoài Nam chưa kịp có con, ước mơ muôn đời của người phụ nữ nàng chưa thực hiện được, có bạn xúi, chỉ cần lấy giống của một đấng trượng phu bảnh bao là được rồi, dù cho người đó đã có gia đình. Nàng không đủ can đảm “lấy giống” như các bạn bày vẽ, nàng không cần đạt đến mục đích bằng con đường tắc, tuy lớn lên trong cái xã hội thực dụng đến mất cả đạo đức, nhưng nàng thì khác, đạo đức, lý trí, nhân cách nàng còn “một bụng” nên không thể như họ, đã bảo nàng là người của thế kỷ trước mà.
Thấy cô nàng tự nhiên trải lòng một mạch như vậy, anh cũng thật thà bộc bạch gia cảnh của mình, cô nàng nhạy bén, vậy anh về đây đi chơi hay có chuyện gì khác"
Lỡ thật thà, anh khai luôn, chuyến đi này do Khanh gợi ý, sẵn dịp gặp Chi xem sao, câu nói thật lòng của anh làm cô nàng tò mò về mối thân tình của anh với Chi nhưng chưa dám hỏi. Sau lần gặp gỡ đó, họ hẹn nhau đi chơi đó đây quanh Sàigòn, tuy nhiên nơi hẹn thường xuyên vẫn là phòng trà quen thuộc.
Trong lúc Chi đưa khách đi Đà Lạt, thỉnh thoảng anh có gọi điện thoại hỏi thăm, câu chuyện qua lại không vượt ranh giới sơ giao, có cái gì đó chưa kéo hai người nhích gần nhau, hay tại Chi kín đáo trầm tính khiến anh e ngại.
Ngày Chi trở về Sàigòn, hai người lại hẹn nhau đi chơi, có hôm lên Lái Thiêu mắc võng đu đưa bên nhau cả ngày mà sao họ vẫn ở lì cái mức bạn bè thân thiết, cái “xẹt lửa” mà Khanh đang canh me coi bộ phá sản. Anh chịu thua, thích Chi lắm, nhưng sao anh không có cái hứng nắm tay nàng để nói một lời dịu dàng đáng nhớ.
Thôi rồi, anh đã “lậm” cô ca sĩ ở phòng trà rồi, tuy chưa nói gì với Hoài Nam nhưng anh hay nghĩ đến nàng, ngồi bên Chi anh mới thấy lòng mình hướng về đâu.
Những ngày kế tiếp anh xen kẽ đi chơi riêng với từng người, cái cảnh “lén lút” làm anh vừa khó chịu vừa thích thú, một gã cô đơn triền miên tự nhiên có một lúc đến hai bóng hồng, hỏi sao anh không bối rối.
Anh gọi qua cho Khanh, kể chuyện “một cảnh hai quê” bên này, dĩ nhiên là con nhỏ phải bênh Chi, nhưng nghĩ lại Khanh buông một câu, em nói thế vì thương Chi, còn anh thì tùy, anh cứ theo lòng anh mà làm
Lòng anh như muốn yêu Hoài Nam, nhưng khoảng thời gian quá ngắn trong khung cảnh một chuyến về Sàigòn như vầy chưa đủ xui anh quyết định điều gì cả, cái khó là nói làm sao để Chi không hụt hẫng. Tuy chuyến này anh về để gặp Chi, nhưng Hoài Nam biết tình cảm của anh nghiêng về mình, cô khéo léo không bắt anh phải lựa chọn ai, hai cô gái đều tế nhị, tự trọng khiến anh càng khó xử.
Những ngày còn lại anh đi chơi rất nhiều với Hoài Nam, Chi lại đi tour nên sự vắng mặt của nàng cũng tiện cho đôi bên. Cái giác quan rất ư nhạy bén mách bảo Chi có điều gì đó đang thay đổi giữa hai người, lúc này anh hơi xa vắng, không nôn nao như những ngày đầu.
Ngày anh ra đi chỉ có Chi đưa anh ra phi trường, Chi chu đáo với anh như một người bạn, tiễn anh như với một du khách, cái méo mó nghề nghiệp giúp Chi lẫn tránh sự thật hiển nhiên, mà cuối cùng nàng đã nói khi chia tay anh, chúng mình có duyên gặp nhau, thân nhau như thế cũng đủ rồi, chắc Khanh sẽ hiểu và không trách Chi. Anh bối rối, cảm ơn Chi đã hiểu anh, anh tin Khanh sẽ thông cảm cho Chi.
Chi vẫy tay khi anh vào phòng cách ly, nàng thấy nhẹ nhõm như vừa tiễn một du khách thân quen, cái cảnh chia tay xảy ra như cơm bữa với khách nên nàng khá thoải mái không bịn rịn, nhưng có cái gì đó khiến Chi nghĩ ngợi.
Đêm hôm đó Khanh gọi điện thoại cho Chi, hai cô bạn lại cười khúc khích kể chuyện nhí nhố như ngày xưa, trước khi gác máy, Khanh hỏi Chi có buồn chuyện anh Duy, con nhỏ zen trả lời, mi không nhớ tao tên Lãng Chi, cái gốc Lãng Tri vẫn còn đó, nghĩ ngợi chút chút, nhưng duyên chưa tới nên chưa nên chuyện, thế thôi.
Cú điện thoại hôm đó kết thúc trong tiếng cười nửa vời, Khanh thương bạn quá, số con nhỏ sao cứ phải cô đơn dai dẳng, không dám trách anh Duy, vì chuyện tình cảm không thể ép nhau, cuộc phiêu lưu của anh ở Sàigòn cũng chìm vào quên lãng với cuộc sống tất bật bên này.
Ít lâu sau anh viết meo cho Chi, vì đã qua giai đoạn sơ giao nên Chi tâm sự, chuyến về giáp mặt vừa rồi của anh để lại dư vị chua chua như ăn xoài xanh chấm muối ớt, thú vị lắm, nhưng cái hậu cay xè và hàm răng nhức buốt thấu xương khiến người ăn xin chừa tới… lần sau nếu còn tham ăn.
Vài hàng dí dỏm làm anh nghĩ ngợi lung tung, sao Chi có thể trải lòng với anh dễ như vậy, nửa chơi nửa thật, tùy người nghe diễn nghĩa, cái thật đến chín mươi phần trăm nhưng người đối diện không mặc cảm sai phạm, vì lời kết “mở lối” cho lần tái phạm tiếp theo.
Trước khi liên lạc trở lại với Chi, anh đã viết meo, điện thoại cho Hoài Nam, sự đồng cảm về âm nhạc, những buổi rong chơi bên nhau cho anh cảm giác hai người rất ăn ý. Nhưng từ khi anh trở về bên này, có cái gì đó khang khác trong giọng nói của Hoài Nam, cái gì nhỉ, xa mặt cách lòng, cũng gần như vậy, anh kể chuyện này cho Khanh nghe, bảo bà mai vấn ý. Khanh la làng, em đâu có mai mối cô này, hỏi ý em, em đầu hàng hai tay, chưa biết cô em xấu đẹp ra sao làm sao em dám “tuyên bố tuyên mẹ” với anh điểu gì, anh cứ tự làm Sherlock Holmes cho em nhờ, nghe giọng dỗi hờn của Khanh anh hiểu Khanh hờn thay cho Chi.
Duy gọi về Sàigòn hỏi Giang về Hoài Nam, cô em rất nghệ sĩ, đi làm để sinh nhai, nhưng những đêm đứng hát trên sân khấu mới là cuộc sống thật của nàng. Những cuộc tình nảy sinh từ những đêm hát hò, Hoài Nam có gần đủ một chục, chuyện không bền vì ai cũng muốn giữ nàng làm của riêng, dấu trong góc bếp. Một lần gảy đổ khiến nàng nghi ngại, càng không muốn có người yêu nàng theo kiểu coi nàng như một sở hữu riêng, dù là một báu vật.
Với Hoài Nam anh hết đường binh, một người vui chơi với đời như thế làm sao sống nỗi ở “vùng xa vùng sâu” vắng bóng đồng hương, thiếu một quán cà phê văn nghệ để Hoài Nam ca hát, và cuộc sống hối hả với công việc sáng lái xe đi chiều lái xe về, có khi nằm cả giờ trên freeway làm sao sánh với “đèn Sàigòn ngọn xanh ngọn đỏ” vui hết biết.
Anh tiếc vừa rồi vội lơ là với Chi vì Hoài Nam, ở tuổi này anh vẫn còn “bộp chộp”, cứ ngỡ đã tìm ra “một nửa” bên kia đại dương, giờ nghĩ lại anh thấy mình hố, những lúc bên Hoài Nam cái chất nhạc đã che khuất tình cảm thật sự của hai người, họ yêu nhạc chứ đã yêu nhau đâu. Với Chi tình cảm không bộc phát ồn ào lãng mạn như âm nhạc, giữa họ là hai môi trường khác biệt, phải có thời gian tìm hiểu, thích ứng với nhau, tuy chậm mà chắc.
Biết Hoài Nam không còn mặn mà với anh, Chi không nỡ “ghẻ lạnh” với “kẻ chạy về” nên mới có câu “xoài chua thú vị” nhiểu thèm anh, cho một anh cơ hội “nối lại tình thân”, anh chả cần tìm hiểu xa xôi, xẩy Hoài Nam có Lãng Chi, đúng là đàn ông không ham đàn bà đâu phải là đàn ông.
*
Một tháng rong chơi ở Salt Lake city với anh, Chi thấy mình chưa yêu anh đến phải đánh đổi cuộc sống ở Sàigòn, quen sống rày đây mai đó với khách du lịch bao nhiêu năm nay, Chi cảm thấy chưa sẵn sàng vứt bỏ tất cả để sống bên anh.
Về Sàigòn mấy đứa bạn nhiếc Chi, bây giờ mấy lão việt kiều tính kỹ lắm, họ chả dại gì cưới gái Sàigòn rồi lại lo “con sáo sổ lòng”, họ tuyển “vợ thuê”, một năm về chơi vài tuần, vài tháng, có vợ hờ chầu chực như ai, gìa như mi, có việt kiều rinh bày đặt hách dịch muốn làm gía đến bao giờ đây. Chi cười lắc đầu, trăm lần không, gìa đến nơi rồi, tuổi xuân gần hết hạn sử dụng, đâu dám liều chơi ngông, chẳng qua biết mình khó thích ứng cuộc sống đìu hiu bên đó, đêm đến cuộn mình trong chăn mà nhớ đèn Sàigòn chịu không nổi. Chi giải thích thêm, mình gần sáu mươi, bỏ tất cả để làm lại từ đầu có hợp lý không, mà làm cái gì ngoài việc nội trợ, ở đây mình quen việc quen người quen cảnh, bỏ nhà đi hoang người ta còn đắn đo, bỏ lại sau lưng gần sáu mươi năm gắn bó đâu có dễ.
Đêm đó anh Duy viết meo cho Chi, em đi để lại mùi phở, cá kho quyện đầy nhà, hơi hám xứ Sàigòn theo em biến mất, đèn Salt Lake city ngọn tỏ ngọn mờ nhớ đèn Sàigòn ngọn đỏ ngọn xanh quá đi thôi, anh chờ em trở lại.
Chi meo lại, đành chịu lỗi với anh, em không thể bỏ Sàigòn, đi hoang với anh một tháng cho biết đó biết đây, đi rồi mới biết không đâu bằng nơi chôn nhau.
Anh biết không, mỗi lần đưa khách đến những danh lam thắng cảnh, thấy dân nghèo bán quà vặt dưới nắng mưa, cả ngày chỉ lời vài chục ngàn đồng, họ vẫn vui sống, em thấy mình may mắn hơn nhiều người lắm. Du khách nhìn hoài quen mắt hai thành phần giàu sang nghèo đói sống ghẻ lạnh bên nhau, nhưng em thì không, thương quá thân phận xác xơ dân nghèo. Em ở lại cũng chả cứu được ai, nhưng qua bên anh em sẽ làm gì, ngoài chuyện nội trợ, bỏ cái nghề em yêu thích theo đuổi bao nhiêu năm nay đổi lại danh xưng việt kiều hay gì khác nữa, không phải là điểm đến của em, em đã quen cuộc sống như vầy ba mươi năm nay rồi, bảo em dứt áo ra đi là anh làm khó em đó.
Mà này, Sàigòn đang đi lùi về thế kỷ trước đấy, người ta nghe nhạc trữ tình khắp nơi làm như Sàigòn chưa hề bị đổi tên, quán cà phê nhạc tái xuất hiện giống những năm bảy mươi, nhạc tình cảm lãng mạn trước 75 được lồng vào nhiều cảnh trong phim truyền hình, tình khúc “Không tên số …, Niệm khúc Cuối …”. Sàigòn của em của anh của chúng ta đang hồi sinh, nhẹ nhàng đi vào lòng người từ phương tiện truyền thông đại chúng, âm nhạc bị coi là ủy mị của chúng ta đang đưa giới trẻ bên nhà tìm về văn hóa thời trước, chừng đó chuyện cũng đủ níu chân em rồi.
Hay chúng mình cứ thư qua thư lại, chát tới chát lui xem ai là người kiên nhẫn thắng cuộc, không phải thách đố anh, em muốn thử xem trái tim mình có nguội lạnh thật sự không sau những năm dài cô đơn.
Anh Duy trả lời, lần đầu tiên việt kiều “hố hàng”, cứ ngỡ cái mác vờ kờ (VK) là con tốt thắng cuộc, dân Sàigòn xưa, “dân ngụy”, dân VNCH bữa ni có gía chán, chê đồng hương xứ Cờ Hoa thật à …
Chi dán hình vòng tròn có hàm răng cọp cười rạng rỡ vào meo, phụ đề, không dám đâu, anh nói thế là oan cho “dân Sàigòn tiếp thị”, đồng dollar lúc nào chả có giá, có chăng là dân không biết làm kinh tế mới chê tiền chú Sam. Anh cho em thêm thời gian, gom ít “tiền típ” của du khách sấm hành trang qua với anh, thời gian là liều thuốc công hiệu để chúng mình suy nghĩ chín chắn vì chuyến này em sẽ mua vé “one way” đấy, nếu sa chân lỡ bước coi như hết đường về quê mẹ anh ơi.
Anh Duy trả treo, I will survive…
Đoàn Thị

Ý kiến bạn đọc
31/03/201104:46:27
Khách
Tình nhẹ cứ như không mà níu người ta đến vậy !!!
29/03/201119:46:34
Khách
Câu chuyện rất thực tế ! Rất hay !
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,197,600
Chỉ còn hai tuần nữa là Tết Kỷ Dậu 2019, mời đọc bài viết mới của Chu Kim Long. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây thêm một bài viết mới, không giống bất cứ bài viết nào viết về thuế.
Cho tới nay, Tony Tony là bút hiệu lần đầu xuất hiện trong Viết Về Nước Mỹ. Mong ông tiếp tục viết và bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây, thêm hai bài viết ngắn.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; Định cư tại Virginia từ 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 28 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục thêm bài mới.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Hai bài đã viết: “Cưỡng Bách Hồi Hương Rồi Mới Đến My” và “Mang Con Bị Tê Liệt Đến Mỹ.” Bài viết mới là chuyện 30 năm của gia đình ba: Từ đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Và rồi, nhờ chương trình ROV, vẫn tới được nước Mỹ.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westmister. Tham dự Viết về nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã lần lượt nhận giải Đặc Biệt 2016, giải Danh Dự VVNM 2017 và giải Vinh Danh Tác Phẩm 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến