Hôm nay,  

Chuyện Tháng Tư 75: Đi Mỹ" Đi Mỹ!

10/03/201100:00:00(Xem: 162193)
Chuyện Tháng Tư 75: Đi Mỹ" Đi Mỹ!

Tác giả: Vũ Ngọc Bích
Bài số 3137-28437 vb4030911

Tháng Tư đổi đời của miền Nam sắp tròn 36 năm, nhiều ký ức của Tháng Tư Đen năm xưa thêm một lần trở lại. Tác giả Vũ Ngọc Bích, một cựu Thiếu Tá VNCH từng du học Mỹ trước 1975. Bài viết của ông kể chuyện đưa gia đình rời Việt Nam vào những ngày cuối cùng. Tựa đề được đặt lại theo nội dung bài viết.
***

Sáng thứ Sáu 25 tháng 4 năm 1975, khoảng 10 giờ, tôi đang ngồi làm việc thì chị giúp việc thân tín và con gái tôi lúc đó 11 tuổi, bước vào văn phòng tôi. Chị tới sát chỗ tôi ngồi, ghé tai tôi nói nhỏ: - Thầy về nhà gấp, cô có chuyện muốn nói với thầy. Tôi chỉ gật đầu và không muốn cho chị giúp việc nói thêm nữa, vì tôi đã biết vợ tôi muốn nói gì rồi. Trước đây, vợ tôi có làm việc ở phòng Điện toán của Hoa Kỳ tại phi trường Tân sơn Nhất. Để tránh việc Việt Cộng sẽ trả thù những người đã cộng tác với Mỹ, chính phủ Hoa Kỳ đã cho lập danh sách ưu tiên cho nhân viên làm sở Mỹ di tản bằng cầu không vận.
Hàng ngày, những tin tức chiến sự không mấy khả quan từ miền chiến tuyến gửi về làm nản lòng những người ở hậu phương.. Tại đơn vị tôi, lúc đó đại tá Nguyễn Hữu Đ. tới nhậm chức Cục Trưởng Cục Mãi Dịch Quân Đội đúng vào lúc xế chiều của miền Nam. Tôi cũng nhận được nghị định thăng cấp Thiếu tá, sau 5 năm mang cấp bậc đại úy vào giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến.
Đến văn phòng, từ sĩ quan cho tới anh em binh sĩ, ai cũng cầm tờ báo coi những tin tức nóng bỏng nơi trang nhất, bàn tán xì xào. Trong lòng mọi người, hầu như ai ai cũng bị giao động không ít thì nhiều. Tôi vẫn làm công tác đi thanh tra và thâu nhận hàng tại các nhà kho của quân đội. Tôi đã thấy có một vài nhà thầu và giám đốc các công ty lớn lặng lẽ ôm tiền trốn ra ngoại quốc. Họ bỏ đi và không thi hành khế ước. Mặc dầu đơn vị tôi đã gửi văn thư cảnh cáo sẽ áp dụng biện pháp chế tài, họ vẫn bất chấp và cứ tiếp tục bỏ nước ra đi.
Việc ra đi hay ở lại cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi sôi nổi giữa vợ chồng tôi trong suốt mấy tuần qua. Vợ tôi đã ghi tên gia đình vào danh sách di tản, và chúng tôi đã nhận được “manifest” xác nhận chờ ngày đi. Là một quân nhân, tôi cảm thấy hổ thẹn khi chưa chiến đấu gì mà đã bỏ đồng đội, bỏ bạn bè, lén lút ra đi.
Tôi đã gay gắt nói với vợ:
- Mình cứ dẫn con đi trước. Tôi ở lai, một thân một mình, lúc nào đi chẳng được!
Vợ tôi vừa năn nỉ, vừa giận dỗi, dùng đủ mọi cách để thuyết phục tôi cùng với nàng và bốn đứa con cùng đi một lượt:
- Anh nói giở hơi lắm! Bao nhiêu người chạy chọt đủ mọi cách, để xin cho được một chỗ trong “manifest”. Họ sẵn sàng bỏ ra hàng ngàn đô la để đổi lấy một chỗ di tản bằng máy bay! Anh không biết anh may mắn hơn hàng trăm ngàn người sao"
Tôi tần ngần:
- Nhưng em không thấy vợ chồng mình vất vả dành dụm mười mấy năm nay, mới mua được căn nhà nhỏ nầy. Sang đến Mỹ, anh không có nghề nghiệp gì chuyên môn, rồi mình lấy gì mà sống.
Vợ tôi đau khổ ngắt lời tôi:
- Một cái nhà này, chứ cả chục cái nhà nữa cũng bỏ hết! Sang đến đó, có cả ngàn người như mình nữa chứ. Cớ chi phải lo không có việc làm" Không làm việc này, thì làm việc nọ! 
Tôi cố vớt vát:
- Em không thấy hôm rồi, tổng thống Thiệu vừa lên TV nói gì sao! Chính ông ấy cũng ở lại, sát cánh với quân đội, cùng chiến đấu bảo vệ miền Nam mà!
Vợ tôi cười nhạt:
- Anh nói vậy, là anh không biết gì hết rồi. Con bạn đồng nghiệp của em lấy một sĩ quan Mỹ ở cơ quan DAO. Nó vừa ghé nhà mình thăm em. Nó nói chồng nó bảo sau bài diễn văn ấy, tổng thống Thiệu và gia đình được Mỹ đưa đi Đài Loan rồi! Tôi cứ bán tín bán nghi. Thủ tướng Nguyễn Ba Cẩn vừa ra nghị định dọa trừng phạt bất cứ công chức quân nhân nào rời nhiệm sở. Đồng thời ông cũng ra lệnh đặt các nút chặn gồm quân cảnh lẫn cảnh sát được dàn ra trên cửa ngõ vào phi trường Tân Sơn Nhất, biên giới và dọc bờ duyên hải.
Suốt mười mấy năm chung sống, chưa lần nào chúng tôi bất đồng ý kiến trầm trọng như lần nầy. Vợ tôi bực mình phát khóc. Nang tha thiết nói với tôi qua hàng nước mắt
- Anh ở lại, lỡ tụi nó vào, tụi nó sẽ không tha anh đâu. Anh vừa có tội di cư năm 54, vừa là sĩ quan đã từng chống lại chúng! Anh đi với em và các con nhé. Một mình em ra đi, với một bầy con như thế, làm sao em xoay sở cho được! Cứ như thế, mấy đêm rồi, tôi không ngủ được tròn giấc bao giờ, vì những lời nói, tiếng khóc của vợ tôi cứ lẩn quẩn trong đầu óc tôi.
Trong khi đó, mấy nhân viên trong phòng tôi xúm lại chỗ con gái tôi. Họ đang thì thầm hỏi chuyện con bé. Thấy tôi đưa mắt nhìn, họ lảng đi chỗ khác. Tôi bảo chi giúp việc và con gái tôi đón xe xích lô máy về trước, và nói với vợ tôi cứ chờ ở nhà.. Tôi lặng người đi phía sau bàn giấy. Trong lòng đầy bâng khuâng, bối rối, tôi nhìn những nhân viên đã từng cộng tác với tôi trong vòng tám năm qua tại đơn vị nầy. Phóng tầm mắt xa hơn, tôi nhìn về phía cây tùng bách tán. Không hiểu sao, tôi thấy cây tùng bách bỗng trở nên thân thiết như một người bạn!
Tôi lẩm bẩm một cách vô thức:
- Tùng bách tán ơi! Ta sắp xa mi rồi!
Một nhân viên dân chính, bác Thu, được biệt phái tới làm việc ở phòng tôi từ ngày thành lập đơn vị. Bác với tôi thân thiết như người nhà. Bác Thu thường tâm sự với tôi những chuyện riêng tư, và tôi cũng, chia sẻ với bác những ưu tư thời cuộc. Đến sát bàn tôi, bác Thu ngồi xuống nhìn tôi. Chưa bao giờ tôi thấy khuôn mặt bác buồn rầu như vậy. Bác chớp chớp mắt:
- Chắc bà xã của thiếu tá cho người làm đến kêu thiếu tá về đi Mỹ, có phải không" Hôm nay, ngay cả với bác Thu, người bạn già thân thiết nhất của tôi trong sở, tôi cũng không dám nói sự thật. Tôi trả lời vắn tắt, trong bụng tôi biết là bác cũng biết tôi nói dối:
Tôi có chút việc nhà phải về gấp, xong việc có thể tôi trở lại sớm. Rất may, trong giờ đó đa số nhân viên trong phòng tôi đã rủ nhau xuống Câu lạc Bộ để giải khát. Chỉ còn tôi và người công chức già ngồi tâm sự. Một niềm xúc động mãnh liệt dâng tràn trong lòng tôi.. Trước khi ra về, tôi lấy chìa khóa ngăn kéo nơi bàn giấy, trong đó để các hồ sơ và một số vật dụng cá nhân, đưa cho bác Thu
Tôi nói:
- Bác cứ tự nhiên, dùng được cái gì thì dùng. Tôi cũng móc ví, lấy hết các giấy bạc loại lớn trong đó, dúi vào tay người công chức già một nắm tiền.
Tôi vỗ nhẹ vai bác:
- Bác giữ lấy để tiêu đi.
Người nhân viên của tôi ngạc nhiên, đưa cả số tiền trả lại:
- Thiếu tá đừng làm vậy!
Tôi nói, thật khẽ:
- Xin bác cứ yên tâm. Lúc nầy, tôi không cần tiền nữa.
Nghe lời nói quả quyết của tôi, bác cám ơn rối rít, nhét tiền vào túi quần phía sau và tiễn tôi ra tận xe. Tới lúc đó, tôi mới cho bác biết là rất có thể tôi sẽ rời Saigon vào chiều nay, nếu có chuyến bay đi Mỹ. Vừa nghe nói tới đó, bác cảm động ôm mặt khóc.
Tôi đặt nhẹ tay lên vai bác Thu, an ủi bác; rồi mở máy, chiếc xe từ từ lăn bánh ra khỏi cổng. Người lính gác đưa tay chào tôi, và tôi giơ tay chào lại. Tôi quay nhìn lại cổng doanh trại một lần chót. Tôi thầm nghĩ, chắc hẳn bữa nay là ngày tôi giã từ đời binh nghiệp! Trước mắt tôi, bầu trời như sụp tối, thời gian như ngừng trôi.
Chiến tranh “Ý Thức Hệ” đã gây tang tóc và đổ vỡ cho biết bao gia đình. Một sự mất mát quá lớn lao. Cuộc đời tôi, từ nay, đã rẽ vào một khúc quanh mới, không biết sẽ dẫn tới đâu, mà tôi phải chấp nhận, một chấp nhận quá phũ phàng! Tôi đã biết rõ chính sách tàn bạo, thâm độc của người Công Sản khi họ chiếm làng tôi. Họ đấu tố, đầy ải hàng chục gia đình trung nông đã từng đóng góp tiền của, xương máu trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Suốt trong hơn hai mươi năm thống trị miền Bắc, họ đã bần cùng hóa nhân dân, áp đặt lối cai tri hà khắc làm cho hàng triệu người khốn khổ! Tôi sẽ phải bỏ nước ra đi, tìm TỰ DO bằng bất cứ giá nào, vì tôi biết tôi không thể nào sống nổi dưới chế độ Cộng Sản được, dù chỉ là một ngày, một giờ !
Vừa về đến nhà, tôi thấy vợ tôi đang chuẩn bị một số áo quần, và vài thứ vật dụng, thuốc men lặt vặt. Ngoài ra, những thứ gì nặng và cồng kềnh, tôi bảo nhà tôi bỏ lại hết. Đến chiều tôi, tôi chất hai valise và vài túi xách nhỏ lên chiếc xe Austin Minivan. Vợ chồng tôi và các cháu sang chào cha mẹ tôi ở sát bên nhà tôi. Cha mẹ tôi rưng rưng nước mắt, nắm tay tôi cầu nguyện Chúa che chở chúng tôi đi được binh an. Tôi yên tâm ra đi, vì biết anh chị cả tôi có ba người con lập nghiệp tại Hoa Kỳ. Các cháu và người em ruột chị dâu tôi đã sẵn sàng bảo lãnh cho anh chị và cả ông bà nôi nữa.
Vợ tôi ngồi bên cạnh, và bốn đứa con tôi ngồi băng dưới. Tôi lái xe ra đi đến chỗ hẹn. Tối hôm đó, gia đình tôi, gồm hai vợ chồng và bốn đứa con, nghỉ tạm tại nhà ông anh vợ. Chúng tôi thấp thỏm chờ đợi xe bus tới đón ra phi trường. Các con tôi mệt,nên ngủ say sau khi tới. Chúng tôi chờ đợi suốt cả đêm, mà chẳng thấy xe bus nào tới đón. Đối với tôi, cái đêm ấy dài vô cùng. Chúng tôi đứng bật dậy, rộn ràng, hồi hộp khi nghe thấy tiếng còi xe hơi ngoài ngõ, và thở dài não nuột khi bước ra cổng, thấy chỉ là một chiếc taxi nào đó. Cứ xôn xao hy vọng, rồi lại ngỡ ngàng chán nản suốt từ chập tối hôm trước đến sáng sớm hôm sau. Thế mới biết cổ nhân nói câu “Có thức đêm mới biết đêm dài” cũng không phải là sáo ngữ! Sáng hôm sau, cũng chưa có xe tới đón. Ông anh vợ tôi là đại úy Nguyễn văn An tòng sự tại Bộ Quốc Phòng bảo chúng tôi cứ về nhà, chờ ở đó, và ông sẽ đích thân dùng xe Jeep đưa chúng tôi tới thẳng cơ quan DAO, tức là văn phòng Tùy Viên Quân Lực Hoa Kỳ. Vừa về đến nhà, tôi dẹp quần áo và vật dụng linh tinh ở phòng khách sang một bên, rồi dựa vào chiếc ghế bành, ngủ ngon lành cho đến lúc nghe tiếng nói oang oang của bầy con nít con hàng xóm làm tôi chợt thức giấc:
- Nhà nầy họ đi Mỹ, bà con ơi !
- Lại đây tụi bay, coi mấy người sắp đi Mỹ !
Tiếng ồn ào của bọn trẻ con tinh nghịch làm tôi hơi bực mình. Một đứa khác nói chen vào, đầy vẻ khoái trá trước sự đi hụt của chúng tôi:
- Nhà nầy không đi Mỹ đâu, tụi bay ơi! Họ đi Mỹ Tho đó.
Và cả bọn cùng cất tiếng cười ranh mãnh. Nếu là những ngày thường, có lẽ tôi cũng ra phía trước, yêu cầu bọn chúng đi ra chỗ khác chơi. Nhưng lần này, với mặc cảm của một người toan tính trốn chạy, tôi chỉ dịu giọng mới với mấy đứa trẻ trạc tuổi con mình;
- Các em đi chơi chỗ khác, cho chú nghỉ ngơi một chút nhé !
Nói đoạn, tôi đưa chúng một túi kẹo chanh:
- Các cháu chia nhau ăn đi !
Tụi trẻ đi rồi, tôi đảo mắt nhìn các vật trong nhà, từ bộ bàn ghế tiếp khách mầu gụ chúng tôi mới sắm, chiếc đàn piano hiệu YAMAHA chúng tôi mới mua cho đứa con gái lớn cách đó sáu tháng, khi cháu bắt đầu học tại tư gia của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi ở khu Tân Định. Căn nhà vợ chồng tôi dành dụm bao nhiêu năm mới mua được này, tôi vừa thuê thợ tân trang và nới ra cho rộng. Chiếc xe Austin sáu chỗ, tháng trước, tôi đưa làm máy và sơn một lớp sơn mới, chạy thật tốt.. Tôi nghĩ tới sự khó nhọc của hai vợ chồng tôi trong suốt mười hai năm trường mới tạo dựng được chút sản nghiệp khiêm tốn như ngày hôm nay. Bỗng dưng một sớm một chiều chúng tôi sắp mất hết.
Nghĩ tới đó, tôi bỗng đổi ý, và nói với vợ tôi:
- Em nầy, mới hôm qua, ở tạm nhà anh của em một đêm, không phải nhà mình, mà anh đã thấm thía câu “Sẩy nhà ra thất nghiệp” rồi! Thôi, anh không muốn đi đâu hết. Nhà mình, mình ở. Ra đi, với tương lai vô định, không nhà không cửa. Anh không muốn đi một chút nào nữa !
Vợ tôi ngạc nhiên:
- Anh ơi, anh nghĩ quẩn rồi! Chiều hôm qua, anh nói với em là anh nhất quyết ra đi vì không sống nổi với Việt Cộng. Bây giờ, chỉ vì xe bus chưa tới đón, anh đã nản lòng, không chịu đi nữa!
Tôi nói:
- Nhưng mà còn nhà cửa, bao nhiêu thứ mà anh và em vất vả xây dựng bấy lâu nay"
Vợ tôi gào lên:
- Những thứ đó, bỏ lại hết! Mai mốt mình sẽ xây dựng lại. Còn người, còn của, mà anh"
Tôi cù nhầy:
- Anh Nghiêm, anh Chỉnh, anh An, chú Hiền, chú Cảnh, cũng đều là quân nhân, có ai đi đâu" Anh ở lại với các anh em của anh. Em có đi thì dẫn các con đi đi!
Đến lúc nầy, vợ tôi đã mất hết bình tĩnh. Nàng khóc nấc lên, vừa khóc vừa kể lể:
- Anh đã có thời sống gần tụi nó ở ngoài Bắc. Các bác của anh ở lại đã bị tụi nó cắt cổ, đấu tố, đầy đi tù rồi, anh không nhớ sao" Rồi vụ Tết Mậu Tân, chỉ là trung sĩ, cũng bị chúng nó bắt đi, đập đầu hoặc sỏ giây kẽm gai chôn sống tập thể, anh không biết sao. Huống chi anh là thiếu tá. Tụi nó gặp anh là bắn liền! Thử hỏi lúc đó, nhà cửa này, của cải dành dụm này, anh có chắc được hưởng không"
- Anh cũng phải nghĩ đến tương lai bốn đứa con anh nữa chứ" Đi ra khỏi nước, dù em và anh không làm nên trò trống gì, con cái mình sẽ có nhiều cơ hội hơn là ở nhà rồi !

Trong lúc tôi ngồi thừ người ra, đầu óc hoang mang, không biết phải nói gì, nghĩ gì, vợ tôi vừa khóc vừa chạy sang nhà cha mẹ tôi ở kế bên. Nàng tin rằng chỉ có mẹ tôi khuyên giải tôi mới nghe ra. Đúng như nàng nghĩ, mẹ tôi qua ngay tức khắc. Bà nắm tay tôi, nhẹ nhàng khuyên bảo:
- Con may mắn lắm mới có người vợ đảm đang, xông xáo, lo cho con và các cháu ra đi. Hai anh Nghiêm và anh Chỉnh của con muốn đi lắm, mà không có cơ hội như con. Con có cơ hội tốt. Đừng bỏ lỡ dịp tiện hiếm có này!
Tôi nghe lời mẹ, hứa sẽ đưa gia đình đi.
Quyết định của tôi đã làm thay đổi hẳn cuộc đời của chúng tôi và tương lai các con tôi.

Sáng chủ nhật 27 tháng 4 năm 1975, gia đình tôi sửa soạn đi nhà thờ. Tôi cũng đang ăn dở dang tô phở do chị giúp việc vừa mua về thì anh cả của vợ tôi, đại úy Nguyễn Văn An, cũng vừa lái xe Jeep tới đậu ngay trước cửa nhà tôi. Anh cho biết chúng tôi chỉ có 10 phút chuẩn bị hành lý. Tôi bỏ đũa, giúp vợ tôi sắp xếp hành lý lần chót. Anh An giúp tôi chất hai chiếc valise lên xe Jeep. Vợ tôi đưa trả tiền công cho chị người làm, và tặng thêm cho chị một tháng lương nữa. Tôi đã gọn gàng trong bộ đồ dân sự, vợ tôi và bốn cháu ăn mặc thật giản dị. Cả gia đình tôi ngồi gọn trên chiếc xe Jeep, trực chỉ hướng Tân Sơn Nhất. Đại úy An nói, anh sẽ đưa chúng tôi tới thẳng cơ quan DAO.
Gần đến nơi, tôi chứng kiến cảnh người di tản chen chúc, giành giật nhau một chỗ đứng sát cổng vào bên trong. Những chiếc xe Mercedes, Peugeot, Ford, Toyota, BMW còn mới toanh, không người lái, bỏ nằm ngổn ngang dọc theo bờ rào sát phi trường. Đại úy An dừng xe Jeep trước một trạm gác. Một trung sĩ quân cảnh Việt Nam và một quân cảnh Mỹ đang làm công việc xét giấy. Người quân cảnh Việt Nam xem Sự vụ lệnh công tác và tờ “Manifest” do tòa Đại sứ Mỹ cấp, rồi trao cho người quân cảnh Mỹ soát lại lần chót. Sau khi xem xét giấy tờ và nhìn vào trong xe kiểm soát, hai quân cảnh Mỹ Việt giơ tay chào và ra hiệu cho xe đi.
Thế là chúng tôi đã vào trong cơ quan DAO và trình giấy tờ trong khi các chuyến xe bus của tòa Đại Sứ Hoa Kỳ lần lượt chở các nhân viên và thân nhân tới. Khung cảnh thật là náo nhiệt, tiếng người nói chuyện thật là ồn ào. Trên bầu trời, từng đoàn trực thăng bay tới bay lui như những con chuồn chuồn khổng lổ, hết chiếc nầy vừa đáp xuống, thì chiếc kia lại bốc lên, có lẽ để đi đón người di tản ở một địa điểm khác. Chúng tôi được chia ra từng toán, mỗi toán hai mươi người. Bây giờ chỉ còn việc đợi xe bus tới chở ra máy bay. Trong lúc chờ đợi, tôi đảo mắt nhìn xung quanh, qua hai lớp hàng rào giây kẽm gai bao bọc cơ sở này. Những người di tản tới cơ quan DAO bằng xe taxi đều bị chăn ngay tại cổng để kiểm soát giấy tờ.
Một chiếc taxi vừa dừng lại phía ngoài cổng. Trên xe một thanh niên trạc hăm ba tuổi, một phụ nữ bế đứa bé khoảng hai tuổi, và một cặp vợ chồng lớn tuổi lần lượt bước xuống. Tôi đoán chừng ông bà nầy là cha mẹ của người phụ nữ và chàng thanh niên kia là con rể. Chàng thanh niên đưa xấp giấy tờ cho người cảnh sát gác cổng; người này xem qua rồi đưa qua viên trung sĩ quân cảnh đứng cạnh. Người quân cảnh nói gì với chàng thanh niên, và ra hiệu cho anh đứng sang một bên. Người phụ nữ bế con tiến lại phân trần với người quân cảnh, rồi người đàn ông lớn tuổi cũng đến, dường như vừa thuyết phục vừa năn nỉ, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối. Một lát sau, xe quân cảnh đi ngang. Chàng thanh niên bị mời lên xe. Người phụ nữ gào khóc, nắm chặt tay người thanh niên, không cho lên xe. Đứa bé cũng khóc thất thanh, ôm lấy chân anh ta. Thế là một cảnh giằng co xẩy ra, làm huyên náo một góc cổng gác. Người phụ nữ trẻ cố năn nỉ hai quân cảnh Việt Nam tha cho chàng thanh niên.
Tiếng gào khóc của chị nghe thật thương tâm! Tôi để ý nhìn hai quân cảnh Mỹ đứng gần đó. Họ không can thiệp gì cả. Hai trung sĩ quân cảnh trên xe nói gì với người thanh niên. Anh ta thì thầm điều gì đó với người phụ nữ. Chị và đưa bé không gào khóc, níu kéo nữa. Người thanh niên lên xe. Chiếc xe quân cảnh đi đâu, không ai biết. Tôi chỉ thấy cặp vợ chồng lớn tuổi và người phụ nữ trẻ, cùng đứa bé leo lên một chiếc taxi khác vừa đổ người xuống. Chiếc xe đi ngược về phía cửa ngõ vào thành phố. Tôi chắc gia đình họ trở về nhà.
Tổng thống Trần văn Hương nhậm chức mới chỉ có mấy ngày, nhưng ông đã phải đương đầu với cảnh “dầu sôi lửa bỏng” của đất nước. Trên mặt báo, tôi đọc thấy tân thủ tướng Nguyễn bá Cẩn đã ra lệnh cho các viên chức có trách nhiệm phải ngăn chặn mọi thành phần quân cán chính trong hạn tuổi quân đội, không cho những người này xuất ngoại bằng bất cứ phương tiện gì, đường hàng không, đường bộ và cả đường biển nữa. Lệnh này được áp dụng triệt để. Báo chí thời đó tường thuật rõ ràng những trường hợp cơ quan công lực bắt giữ một số viên chức trong chính quyền, kể cả quân đội, đang trên đường vượt biên. Riêng trường hợp người thanh niên bị bắt giữ lại, tôi nghĩ cả người vợ và gia đinh bên vợ cũng kẹt ở lại luôn. Tôi không thể quên được tiếng khóc nức nở của người phụ nữ trẻ, khi người chồng bị bắt lại, và xe quân cảnh đưa đi. Tôi nghĩ, các viên chức Tòa Đại sứ Hoa Kỳ, khi chứng kiến cảnh bắt giữ thương tâm đó, có lẽ cũng bị “mất mặt” phần nào, vì chính phủ Hoa Kỳ đã đồng ý cấp giấy tờ cho cả gia đình người ta đi Mỹ, mà quân cảnh Việt Nam lại có quyền bắt giữ lại" Tôi thấy hai viên chức Hoa Kỳ ở bãi đậu xe, đứng gần chỗ chúng tôi đang chờ đợi, dùng máy liên lạc vô tuyến, gọi đi một chỗ nào đó; có lẽ giới chức cao cấp Việt Nam và Tòa Đại sứ Hoa Kỳ chăng" Bởi vì, khoảng 15 phút sau, tôi không còn thấy quân cảnh và cảnh sát ở ngoài cổng cơ quan DAO nữa.
Tôi nhớ lại những ngày tới Quân Vụ Thị Trấn Saigon, chỉ huy toán tuần tiễu hỗn hợp gồm cảnh sát, quân cảnh, để bắt đào binh và những người trốn quân dịch. Tới giờ cơm trưa, tôi dẫn toán tuần tiễu của tôi vào tiệm phở Tầu Bay đãi mỗi người một tô phở xe lửa và ly cà phê sữa đá. Chúng tôi ngồi ăn uống và nói chuyện vui vẻ trong tình đồng ngũ, coi nhau như những người thân thiết trong đại gia đình quân đội.
Bây giờ, gặp lại mấy người quân cảnh và cảnh sát, cũng trong sắc phục đó, nhưng trong hoàn cảnh thật éo le nầy, tôi mặc y phục dân sự, vì đã từ bỏ nhiệm sở để ra đi, còn những anh em đó vẫn còn ở lại, tiếp tục nhiệm vụ của mình, lòng tôi đâm ra e dè, sợ sệt, đầy mặc cảm; nên không còn cái cảm giác thân thiết với những người đã từng cùng ở trong đại gia đình với tôi nữa !
Tôi thực sự cảm thấy không được thoải mái cho lắm khi phải đối diện với họ; mặc dù sau việc xẩy ra hồi sáng và sự can thiệp của nhân viên Tòa Đại Sứ Mỹ, cảnh sát và quân cảnh Việt Nam chỉ còn nhiệm vụ giữ an ninh trật tự thôi, chứ không còn bắt giữ hay làm khó dễ những người di tản nữa. Nhìn sang toán kế bên, tôi gặp trung tá Phan. Tôi quen biết ông mỗi lần tôi đi họp ở Tổng Cục Tiếp Vận, Bộ Tổng Tham Mưu. Thấy ông trong y phục dân sự, tôi quen miệng chào ông theo cấp bậc quân đội. Ông ghé sát tai tôi nói nhỏ:
- Thôi “toa” miễn cho “moa” đi.
Tới lúc đó, tôi biết mình lỡ lời, vội vàng nắm tay ông cười giả lả. Có lẽ lúc này, ông cũng mang chung một tâm trạng xấu hổ vì đã trốn chạy khỏi nhiệm sở như tôi, nên không muốn ai nhắc đến cấp bậc của mình.
Khoảng 3 giờ chiều chúa nhật 27 tháng 4 năm 1975, một đoàn xe bus gồm 5 chiếc tới đậu ngay trước lối vào văn phòng cơ quan DAO. Chúng tôi lần lượt xếp hàng lên xe. Khoảng mười phút sau, đoàn xe hướng về khu vực nơi máy bay C.130 đậu, gần phía cuối phi đạo. Khi còn cách chỗ máy bay khoảng 40 thước, các xe bus ngừng lại. Người hướng dẫn trên xe yêu cầu chúng tôi xuống, sắp hàng một để đi về phía máy bay. Tôi nhìn ra phía trước, bên chiếc máy bay phản lực C.130, đã có sẵn hai người lính quân cảnh Việt Nam đứng chờ, ngay cửa phía sau đuôi máy bay.
Chúng tôi lần lượt bước xuống xe bus, theo đoàn người di tản. Vợ và các con tôi đi trước. Còn tôi, một tay bồng cháu gái út Hồng Bảo, lúc đó mới hai tuổi. Đi sát phía sau tôi là đôi vợ chồng trẻ và đứa con nhỏ, cũng trong toán tôi. Người chồng là một kỹ sư điện làm việc cho một cơ quan Tiếp liệu Hoa Kỳ. Có lẽ hồi sáng, anh chị nầy đã chứng kiến cảnh người thanh niên bị bắt giữ lại, nên người vợ tỏ ra hết sức lo lắng khi nhìn thấy hai viên quân cảnh Việt Nam to lớn đứng nơi chân máy bay.
Chị quay về phía tôi hỏi nhỏ:
- Anh có biết tại sao quân cảnh Việt Nam vẫn còn ở đó không" Liệu chồng tôi đang trong lứa tuổi quân dịch có bị bắt lại không, thưa anh"
Tôi đưa mắt nhìn chị đang bồng cháu gái trạc tuổi đứa con gái út tôi, còn anh thì xách một valise, trên vai đeo một cái cặp nữa. Làm ra vẻ thông thạo, tôi trấn an cặp vợ chồng trẻ:
- Theo tôi, nhiệm vụ của hai người quân cảnh này chỉ là canh gác máy bay, đề phòng phá hoại thôi. Giờ phút nầy, họ không bắt giữ ai như hồi sáng nữa đâu.
Tôi nói tiếp:
- Chị nên trao cháu nhỏ cho anh bế! Mình cứ tự nhiên mà đi, đừng để ý gì đến họ, không sao đâu!
Người vợ trao đứa bé cho chồng, và đỡ hộ anh chiếc cặp trên vai. Chúng tôi đi trong toán di tản cuối cùng, và chẳng bao lâu đã tới cửa phía sau đuôi của chiếc máy bay C. 130.
Tôi cố giữ nét mặt bình thản, nhìn về phía trước. Nhưng lúc đi ngang qua hai người quân cảnh, tôi biết chắc chắn họ đang chăm chú nhìn tôi. Chúng tôi vừa bước vào thân tàu, thì anh chồng đi phía sau tôi đặt đứa bé xuống sàn máy bay cho người vợ giữ. Anh lách mình, vượt qua tôi; vội vàng đi thẳng vào phòng vệ sinh, đóng sập cửa lại.
Khi người di tản cuối cùng đã vào hẳn trong máy bay, nhân viên phi hành kiểm soát một lần chót; rồi bấm nút; chiếc cánh cửa vĩ đại phía sau đuôi máy bay từ từ đóng lại. Chúng tôi ngồi vào chỗ, được hướng dẫn cài dây an toàn, và những gì phải làm khi gặp trường hợp khẩn cấp. Mùi nhiên liệu phi cơ, mùi mồ hôi, mùi kim loại tỏa ra dưới nắng chiều gay gắt làm không khí chờ đợi thật ngột ngạt và căng thẳng.
Động cơ chạy mạnh hơn, và chiếc máy bay lăn bánh, tiến dần ra phi đạo. Rồi tiếng máy rú lên, vận tốc tăng nhanh; chiếc C. 130 nhẹ nhàng cất cánh. Vừa lúc đó, người kỹ sư trẻ tuổi cũng từ phòng vệ sinh vội vàng bước ra; mặt xanh mét, như không còn hồn vía gì. Tôi đã đoán biết vì sao anh vào trong đó, nhưng cũng giả vờ hỏi:
- Bộ anh đau bụng dữ lắm hay sao mà ngồi trong nhà vệ sinh lâu quá vậy "
Anh thật thà trả lời:
- Dạ, em có đau bụng gì đâu! Sáng nay chứng kiến cảnh bắt giữ người thanh niên, đến giờ này em còn sợ, nên phải trốn vào phòng vệ sinh, chờ máy bay cất cánh mới dám đi ra.
Tôi cười nhẹ, thông cảm với nỗi lo sợ của cặp vợ chồng nầy.
Trạm đầu tiên đổ người tỵ nạn xuống là đảo Guam. Chúng tôi được phân phối tạm trú trong những căn lều thật lớn do công binh Mỹ vừa dựng lên, mỗi căn lều có sức chứa cả ngàn người.
Buổi sáng hôm sau, tôi lên văn phòng trại ghi danh và điền vài mẫu giấy tờ hành chánh cho việc chuyển trại. Khi đang ngồi chờ ở trước văn phòng, cha mẹ tôi và cháu trai con ông anh cả tôi bước vào. Gặp lại tôi, mẹ mừng lắm, hỏi han ríu rít. Thế là gia đình anh chị cả đã mang được cha mẹ tôi đi cùng, và chỉ đi sau tôi khoảng 4 tiếng đồng hồ, trên một chuyên máy bay khác.
Những ngày sống nơi trại tạm cư ở Guam, ngoài những bữa ăn, gồm toàn món ăn Mỹ, chúng tôi thường đi ra biển Guam hóng mát, nhất là lúc xế trưa. Buổi tối, ban chỉ huy trại cho chiếu phim giải trí. Một số nghệ sĩ Việt Nam cũng họp nhau lại mỗi buổi chiều, trình diễn giúp vui cho đồng bào tị nạn.
Điều đau buồn nhất đối với tôi, là chiều 30 tháng 4 năm 1975, khi hai đài phát thanh BBC và VOA loan tin Saigon bị thất thủ, và cả miền Nam đã rơi vào tay giặc Cộng. Chúng tôi ai nấy đều ngậm ngùi, xót xa chia sẻ nỗi đau đớn của đồng bào ruột thịt, từ nay sẽ sống dưới ách cai trị của bọn Cộng Sản độc tài và tàn bạo.
Tất cả mọi người chúng tôi đều mang chung một tâm trạng đau buồn. Tôi đã chứng kiến cảnh những người thiếu phụ trẻ, bên nách một đàn con thơ nheo nhóc, họ ngồi bên góc lều trại, hộc lên khóc, tiếng khóc đau đớn, não nề, ai oán, kéo dài từng hồi. Những lúc như thế, vợ tôi lại chạy tới, dỗ dành, an ủi họ. Rồi tiếp đến căn lều bên cạnh, như bị xúc động giây chuyền, có người đã bật ra tiếng khóc, nhất là các bà các cô, vốn rất nhạy cảm. Chung quanh căn lều tạm trú, tôi nghe những tiếng khóc nức nở đầy vẻ căm phẫn.
Những người đàn ông biểu lộ nỗi đau thương một cách lặng lẽ hơn. Tôi thấy những khuôn mặt trầm lắng, đanh lại, những đôi mắt đỏ hoe, những giọt nước mắt tủi hờn vừa mới lau khô. Ai ai đều ngậm ngùi trước cảnh gia đình tan nát, vợ xa chồng; cha mẹ xa con, anh chị em lưu lạc khắp bốn phương trời… Tuy không nói ra, nhưng trong thâm tâm, tôi biết chắc chắn kể từ giờ phút nầy, tôi sẽ phải chấp nhận Hoa kỳ là quê hương thứ hai.
Vũ Ngoc Bích

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,250,504
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Bút hiệu của tác giả là tên thật. Bà cho biết sinh ra và lớn lên ở thành phố Sài Gòn, ra trường Gia Long năm 1973. Vượt biển cuối năm 1982 đến Pulau Bibong và định cư đầu năm 1983, hiện đã nghỉ hưu và hiện sinh sống ở Menifee, Nam California.
Tháng Năm tại Âu Mỹ là mùa hoa poppi (anh túc). Ngày thứ Hai của tuần lễ cuối tháng Năm -28-5-2018- là lễ Chiến Sỹ Trận Vong. Và Memorial Day còn được gọi là Poppy Day. Tác giả Sáu Steve Brown, một cựu binh Mỹ thời chiến tranh VN, người viết văn tiếng Việt từng nhận giải văn hóa Trùng Quang trước đây đã có bài về hoa poppy trong bài thơ “In Flanders Fields”. Nhân Memorial sắp tới, xin mời đọc thêm một bài viết khác về hoa poppy bởi Phan. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ.
Tác giả 58 tuổi, hiện sống tại Việt Nam. Bài về Tết Mậu Thân của bà là lời kể theo ký ức của cô bé 8 tuổi, dùng nhiều tiếng địa phương. Bạn đọc thấy từ ngữ lạ, xin xem phần ghi chú bổ túc.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, là bài mới viết về đứa con phải rời mẹ từ lúc sơ sinh năm 1975, hơn 40 năm sau khi đã thành người Mỹ ở New York vẫn khắc khoải về người mẹ bất hạnh.
Tác giả sinh trưởng ở Bến Tre, du học Mỹ năm 1973, trở thành một chuyên gia phát triển quốc tế của USAID, hiện đã về hưu và an cư tại Orange County. Ông tham gia VVNM năm 2015, đã nhận giải Danh Dự năm 2016 và giải á khôi “Vinh Danh Tác Phẩm” năm 2017. Bài mới của ông nhân Ngày Lễ Mẹ kể về người Mẹ thân yêu ở quê hương.
Hôm nay, Chủ Nhật 13, Mother’s Day 2018, xin mời đọc bài viết đặc biệt dành cho Ngày Lễ Mẹ. Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Chủ Nhật 13 tháng Năm là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc bài viết của Nguyễn Diệu Anh Trinh. Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng, đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng bố và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ bằng cách viết lời giới thiệu và chuyển ngữ từ nguyên tác Anh ngữ bài của một người trẻ thuộc thế hệ thứ hai của người Việt tại Mỹ, Quinton Đặng, và ghi lại lời của người me, Bà Tôn Nữ Ngọc Quỳnh, nói với con trai.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến