Hôm nay,  

Thứ Ba Béo: Mardi Gras

08/03/201100:00:00(Xem: 147885)

Thứ Ba Béo: Mardi Gras

Tác giả: Nguyễn Trung Tây

Bài số 3136-28436 vb2030711

Tác giả là một Linh mục dòng truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago, đang ở Alice Springs, Northern Territory, lo cho thổ dân vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu. Với nhiều bài viết giá trị, ông là tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười, 2010. Sau đây là lời giới thiệu truyện:

“Thứ Ba Béo hay Mardi Gras là ngày lễ hội của thành phố New Orleans, năm nay là Thứ Ba 8-3-2011, một ngày trước hôm thứ Tư Lễ Tro của người Công Giáo. Truyện ngắn Thứ Ba Béo là một truyện về ảnh hưởng của những vết thương do thời thơ ấu gây ra. Những vết thương này tưởng không là chi, nhưng máu mủ và mùi hôi của chúng có thể khiến người ta không còn nhận chân ra đâu mới chính là hình ảnh thật của mình. Đọc truyện ngắn Thứ Ba Béo để biết và để hiểu thêm về những mảnh đời thơ ấu của mình và của những người chung quanh. Và khi đã biết đã hiểu rồi, có lẽ cũng không nên khó khăn với bất cứ một ai, kể cả với chính mình. Mà nghĩ cho cùng, oán thì nên gỡ, đừng buộc làm chi...”

***

Nhìn thấy cô chủ tiệm vàng đi ngang, người đàn bà trong tiệm nail Rose vắng teo khách che miệng xì xào,

— Đừng có tưởng bở! Làm bộ hiền hiền vậy thôi, chớ tình thiệt là không có hiền đâu...

Người đàn ba tóc đỏ ong óng giơ hai ngón tay lên trời, giọng đanh sắc nhọn,

- Sát hai đời chồng rồi đó nghen!

Rồi đổi sang giọng lửng lơ con cá vàng,

- Nghe nói…ông chồng thứ ba mới bỏ về Việt Nam…

Cuối cùng buông lời kết luận thẳng thừng,

- Thằng chả lấy vợ khác rồi...

Người phụ nữ gò má nhô cao ngồi bên cạnh dũa móng chân sơn đỏ chói ngẩng đầu chề dài cặp môi bôi son hồng hồng,

- Hèn chi! Thiếu hơi giai, giờ mập phì phì như cái thùng phi…

Tiếng thì thào tinh quái trong tiệm móng tay ế khách hừng hực đỏ ửng như lửa lò rèn thổi bùng, bừng bừng đập ra hai lưỡi dao sắc nhọn đâm chính xác ngay đúng huyệt đạo yếu nhất của cô chủ tiệm vàng lớn nhất phố. Mặt cô Miên tối xầm lại, đầu óc choáng váng như bị rìu bổ thẳng đúng hai nhát xuống đỉnh sọ.

Bặp! Bặp!

Thế là óc văng ra từng miếng, trắng hếu bầy nhầy bốn bức tường!

Gần một tuần rồi, những lời thì thào quái ác chập chờn ám ảnh khủng bố tâm thần cô Miên. Đêm đêm tiếng cười sằng sặc của người dì ghẻ hâm hâm tính và tiếng cười quái ác thời trung học tương tự hai cuộn băng cát-sét cũ rích tiếp tục nhễu nhão phát ra sát ngay bên tai âm thanh rỉ sét, tanh mùi cá chết,

- Thứ Ba Béo! Ha! Ha! Ha! Dì ghẻ nó gọi, “Ê, con Ba Béo!”.

Tối tối ác mộng buông cánh dơi đen khổng lồ che phủ bầu trời. Màn đêm đen kịt khơi dậy ngàn cơn mộng dữ. Cô Miên hoảng hốt nhận ra những người đàn bà trong tiệm móng tay Rose nhảy ra, cầm ống hút nhựa thổi thân thể cô căng phồng phồng như bong bóng, mặt cô nung núc những thịt và mỡ, cằm cô rớt mỡ, bụng cô nhấp nhô mỡ, tay chân cô sung sũng mỡ. Cô hét lên! Cô vẫy vùng! Cô quỳ xuống lậy van! Nhưng những khuôn mặt nhăn nhúm trái táo tàu khô nhe hàm răng lợn cợn bợn đen bật cười khanh khách. Tay xác ướp khô cầm ống nhựa phừng phừng thổi hơi khiến cô Miên phồng căng, tròn đều. Thân xác cô Miên bật nổ tung trên bầu trời xám đen. Mỡ vàng nát vụn rới xuống đất từng mảng vẫy gọi chó sói đen tuyền sùi bọt bong bóng hai bên mép phóng tới. Chó sói gầm gừ gặm nhai mỡ trước. Hết mỡ, bầy sói đói lại lao tới. Lần này chân cô, tay cô, rồi bụng cô lần lượt trôi vào những hàm răng sắc nhọn trắng nhởn. Chỉ còn sót lại trên nền đất cái đầu lâu như trái khô dừa lởm chởm tóc rối với đôi mắt đỏ ké mở lớn dõi nhìn. Chuyện đã tới rồi cũng phải tới khi con sói đầu đàn từ trong tiệm móng tay Rose phóng tới, đầu lâu khô dừa mở miệng hét to!!! Ah! Ah! Ah!

Cứ thế đêm khuya mở toang cánh cửa dẫn về phòng ngủ ác mộng.

Cô Miên phờ phạc thân xác xanh xao tâm thần.

Sáng sáng cô đứng trong phòng tắm ngắm bóng mình trong gương. Cô rươm rướm nước mắt, cô thở dài sườn sượt bước ra phòng ăn.

Nhìn lên bàn ăn, cô Miên nhận ra tô bún bò Huế ngưng thôi bốc khói… Cô xuống nhà bếp, hai tay đỡ nhẹ tô bún nguội ngăn ngắt. Kim, người giúp việc mới qua Mỹ đang loay hoay đứng rửa chén bên cạnh bồn nước. Nhìn thấy cô chủ và tô bún, Kim lúng túng,

- Sáng nay em nấu bún bò Huế... Đợi mãi không thấy chị xuống…

Cô Miên không nói chi, nhưng bước tới microwave hâm lại tô bún, mắt vô tình nhận ra eo bụng săn chắc của người giúp việc.

Cô Miên gờn gợn khó chịu trong lòng nhìn Kim! Kim từ Việt Nam mới qua, đã có chồng, hai con, hơn ba chục tuổi rồi, nhưng vẫn gọn gàng. Nhìn ngang, cằm không rớt mỡ. Nhìn dọc, thân hình chắc nịch. Cô Miên thắc mắc không biết sau một thời gian sống ở Mỹ, bơ sữa dư thừa, Kim còn giữ được thân hình gọn gàng nữa hay không. Cô Miên không hiểu nếu Kim phì phì như cái thùng phi, chồng Kim sẽ còn yêu vợ nữa hay không. Tự dưng cô Miên xót xa nhớ lời mẹ ngày xưa ưa ví von,

- Thân em như hạt mưa sa. Hạt vào đài các, hạt sa ruộng cày.

Cô Miên ứa nước mắt, cô tin rằng mình không phải hạt mưa sa vào đài các, mặc dù Kim vẫn thường hay cự nự cô chủ,

- Gớm, chị cứ khéo ví von! Đàn bà thân phận như hạt mưa sa, nhưng chị thì sa thẳng vào bọc vải điều.

Kim hướng câu chuyện về cuộc đời mình,

- Còn em, bu em bảo mày sinh năm con trâu cho nên sa thẳng ngay vào ruộng cày.

Kim gãi gãi vầng trán ướt sung sũng mồ hôi,

- Rõ khổ! Em kiếp con trâu cho nên cứ đầu tắt mặt tối, quần quật cả ngày, cũng chỉ bởi tham công tiếc việc.

Kim kết luận,

- Chồng em yêu em ở cái nết đó...

Cô Miên lắc lắc đầu không tin chồng Kim yêu vợ ở cái nét tham công tiếc việc, nhưng bởi Kim thon thả gọn gàng. Cô Miên nhớ tới người đàn ông tóc cạo trọc lóc, đeo bông tai trái, hồi Kim mới nhận việc, ngày nào cũng nhấc điện thoại, gọi liên tục. Bây giờ đã biết lái xe, ngoài chuông điện thoại, sáng chiều, ngày hai lần, nắng mưa bất kể, chồng Kim kiên nhẫn đưa đi rồi lại đón vợ về! Kim dài dòng giải thích,

- Thì chồng em nói đàn bà con gái là phải coi chừng. Bên đây sểnh ra một cái là sinh ra lắm giống tội...

Có bữa, đứng nhìn len lén bên khung cửa sổ, cô Miên thấy người đầu cạo trọc lăng xăng chạy ra mở cửa xe cho vợ, ruột cô nhói đau đau. Có đôi khi cô Miên mơ ước mình là người hầu giúp việc, chỉ để đổi lấy được sự săn sóc thương yêu… Giá mà trời cho đánh đổi, cô sẽ từ bỏ tất cả chỉ để đổi lấy một giây phút được chiều chuộng thương yêu, điều mà từ bao lâu nay cô vẫn hằng đói khát. Trong đầu cô căn nhà vila hoang vắng năm xưa hiện lên, rõ từng nét. Mẹ cô đứng ngay đó mà nhìn xa vời vợi. Cô chạy tới gọi mẹ, nhưng bà ta gạt tay cô, bỏ đi thẳng một mạch! Bố cô đứng ngay bên, giơ tay tát thẳng vào mặt cô, bốp! bốp!, thế là máu đỏ loang lỗ khuôn mặt… Dì ghẻ ngồi trong phòng, the thé gọi lên, “Ba Béo! Con Thứ Ba Béo đâu rồi"”.

Cô Miên thở dài sườn sượt nhìn Kim bước vào phòng ăn tay bê tô bún vừa hâm nóng. Nhìn tô bún Bò Huế bốc hơi khói như Kim tỏa hương duyên quyến rũ được chồng, cô Miên tủi hờn cho duyên phận, ruột nhói đau đau. Đẩy đĩa tô bún sang một bên, cô Miên nói, giọng ra vẻ khẩn trương,

- Thôi… Chắc chị phải đi ra tiệm… Trễ lắm rồi.

Sau đó cô bước thẳng ra khỏi nhà. Kim ngớ ngẩn trợn tròn mắt nhìn theo cô chủ, miệng lẩm bẩm,

- Vợ với chồng… Đang cơm lành canh ngọt, tự nhiên nổi cơn đập phá đồ đạc…

Kim lắc lắc đầu,

- Thiệt tình, nước Mỹ này, toàn là dân tâm thần!

oOo

Trời tháng Ba, New Orleans vào xuân, nhưng thành phố ngột ngạt ẩm ướt hơi nước. Cô Miên giơ tay bật nút máy lạnh. Hơi lạnh mát rượi thổi nhè nhẹ đánh thức con ma đói nằm phục kích sâu kín trong lòng dạ dầy cô. Vừa mở mắt, ma đói đã vội mở mồm, mười đầu móng tay cuống cuồng cào xé thành bao tử rỗng tuếch tìm kiếm thức ăn. Cô Miên đau nhoi nhói trong bụng! Cô chợt nhớ ra suốt từ sáng tới giờ cô chưa ăn gì. Có được tô bún bò Huế thơm mùi cay cô cũng bỏ lại bàn ăn. Bụng đói cồn cào, cô Miên ngước mắt tìm kiếm. Cô nhận ra tiệm Phở nằm chình ình một đống ngay tại góc đường. Cô ngần ngừ nhớ lại có một lần đi ăn phở với Kim. Trong khi cô chỉ dám gọi tô phở nhỏ như cái chén con con, Kim thản nhiên tỉnh bơ gọi phở xe lửa, tô bự như cái thau nhỡ. Cô Miên trợn tròn mắt kinh ngạc,

- Ăn vậy mà không sợ hay sao"

Kim hỏi lại,

- Chị nói cái gì" Sợ" Sợ cái gì hả chị"

Cô Miên cau mày,

- Thì còn cái gì, đàn bà con gái ai mà chẳng sợ…

Kim nói ngay,

- À, tưởng chị nói cái gì!

Kim tâm sự,

- Tuần năm ngày, ngày nào em cũng fitness...

Kim dừng ngang, tò mò nhìn xuống bụng cô chủ,

- Em đẹp đẽ gọn gàng như chị thì đã không thèm bước vô Bally Total Fitness…

Kim nhìn chung quanh, giọng nhỏ thì thào,

- Hồi mới lấy chồng, được khoảng một năm, tự nhiên người em mập phì ra.

Kim mặt chù u,

- Chồng em hồi đò cứ hay ghẹo,

Bà Ba Béo!

Bán bánh bò,

Bên bờ sông,

Bị bỏ bom,

Ba bốn bận…

Kim tâm sự một mạch thẳng tắp,

- Từ hồi em phì ra, chồng em tự nhiên dở chứng, mờ mờ tối một cái là thấy mất bóng. Nửa đêm về nhà, anh ấy nằm vật ra giường cất tiếng ngáy. Có đêm em còn ngửi thấy mùi nước hoa lạ. Em điên lên, khóc gần chết. Em nghĩ tới ông chồng John Bobbitt và bà vợ Lorena. Chị sống bên Mỹ chắc chị biết chuyện ông Bobbitt mà… Thì cái ông mà bị vợ cầm dao cắt… cắt phăng của quý đó. Chị nhớ chưa! Thì đó, ông ấy chứ còn ai. Tối hôm đó, anh ấy lại xỉn, lè nhè nằm xuống giường, người vẫn thơm nức mùi nước hoa. Em nóng sôi sùng sục. Em đi thẳng một mạch xuống bếp, tay nắm chặt con dao thái thịt. Em nhớ là đã cầm con dao lên rồi, nhưng ngần ngừ lại buông xuống, buông xuống rồi lại cầm lên, nhưng vẫn không dám. Em sợ, em sợ mình ở ác, kiếp tới sinh ra làm thái giám…

Kim bặm môi xanh lè những đường gân trên vầng trán,

- Có lần, em chạy về bên nhà khóc gần chết với bu.

Kim cau mày,

- Tưởng được an ủi, ai ngờ bu em còn mắng cho mấy mắng, “Cô cứ soi gương đi. Nhìn đi… Đó, đó, cái mặt tròn như cái bánh bao! Hỏi sao chồng cô không gọi cô: Bà Ba Béo!”.

Cô Miên lẩm bẩm trong miệng,

- Bà Ba Béo! Thứ Ba Béo!

Kim ngưng nhai sợi phở trắng tinh, nhìn cô chủ,

- Ủa" Chị vừa nói cái gì vậy" Cái gì mà Thứ Ba Béo"

oOo

Một tháng rồi, cô Miên đều đặn năm ngày một tuần ghé vào Bally Total Fitness. Mỗi ngày cô đạp xe đạp khoảng một tiếng đồng hồ. Ngồi lên yên xe đạp, cô Miên đạp tới, những vòng bánh xe đạp quay tròn đều. Quay tới. Người cô rực nóng. Quay vòng tới. Hơi nóng bốc lên mặt. Quay vòng tới nữa. Mồ hôi thấm chân tóc lăn chảy những hột to tròn trên làn da bốn mươi. Quay thêm vòng tới nữa. Nước mắt cô long lanh khóe mắt điểm một chấm đen, mà có nhiều người đã từng nói nốt ruồi thương phu trích lệ. Mắt xót nhói đau, cô Miên xót xa cuộc tình...

Năm vừa rồi, năm lần chồng cô đi về Việt Nam viện cớ thăm mẹ già ung thư. Lần thứ nhất cô Miên đi theo. Thấy nhà mẹ chồng chật hẹp, hai vợ chồng thuê khách sạn ở cho tiện. Tuần lễ tiếp theo, chồng cô để một mình cô nằm lăn lóc trong phòng. Cũng không sao, bởi cô Miên biết mẹ chồng ung thư thời kỳ thứ ba, người bốc mùi hôi thần chết. Muốn chồng tự do báo hiếu, cô Miên ngần ngừ hỏi,

- Anh, anh có cần em giúp đỡ gì không"

Chồng cô lắc đầu, nhưng nghĩ sao lại buông thõng một câu,

- Em đi từ năm 75, lâu rồi. Nếu thích, đi chơi đó đây, thăm bà con họ hàng đi.

Cô Miên nhìn chồng, ruột gan cô bồi hồi xúc động. Năm 75, khi rời Việt Nam, cô mới chín tuổi. Hơn hai mươi năm sau, quay về lại phố cũ, cô không còn nhận ra con phố Tú Xương thời niên thiếu. Cô Miên cũng không còn nhận ra căn nhà của mình, giờ này đang là cơ quan nhà nước. Đứng trước căn nhà vila một thủa, cô Miên ngước nhìn tìm kiếm lan can, nơi cô hay ngồi khóc nhìn những chậu hoa Quỳnh Hương khẳng khiu trơ trụi gai xương rồng và dàn hoa giấy. Nhìn căn vila của một thời, cô Miên cúi xuống nhặt những viên gạch, muốn ném thẳng vào cửa kiếng cho vỡ nát tan căn nhà thời thơ ấu. Nhưng nhìn người công an gác cửa, cô Miên buông rơi cục đá, bỏ đi thẳng xuống Tắc Sậy, Cà Mâu khấn vái với cha Trương Bửu Diệp xin một người con. Tiện đường, cô ghé qua Hà Tiên, Kiên Giang thăm hòn Phụ Tử. Nhìn hòn núi bố và núi con nổi bật trên nền nước màu xanh lơ, cô Miên hy vọng sẽ có ngày cô được ngắm hòn phụ tử ngay trong căn nhà của mình.

Hai tháng sau, chồng cô lại mua vé về Việt Nam, nói mẹ đau nặng. Bận bịu với tiệm vàng, cô Miên không đi theo. Rồi chồng cô lại mua vé đi về Việt Nam. Rồi lại thêm một lần. Rồi lại thêm một lần nữa. Tổng cộng là năm lần tất cả.

Cô ngạc nhiên không hiểu tại sao chồng cô bỏ ngang công việc đi về Việt Nam như đi chợ. Một thoáng nghi ngờ xuất hiện trong đầu, bởi cô nghe bạn bè nói đàn ông Việt Nam bỏ bê việc làm về Việt Nam thì không vợ bé cũng là đào nhí. Cô bạn có tiệm quần áo trong khu thương xá Westfield ghé vào tai cô Miên nói nho nhỏ,

- Ai như chị! Có của là phải biết giữ. Mỡ đâu mà lại treo ngay miệng mèo. Đàn ông thời bây giờ, tin được ai…

Từ bữa hôm đó, cô Miên để ý chồng hơn. Hóa đơn của thẻ credit, cô chăm chú dò xét xem số tiền chồng cô tiêu xài. Nhưng cô vẫn không thấy có điều chi khác thường ngoài những món tiền nho nhỏ, một chục, năm chục, hoặc thỉnh thoảng, vài lần nhỉnh hơn trăm bạc. Đối chiếu lại với khoảng thời gian số tiền được chi dùng, cô Miên khám phá ra đó cũng chỉ là những lần chồng cô mua quà hoặc sinh nhật, hoặc Giáng Sinh, hoặc Tết Tây cho chính cô. Thế thôi. Nhưng cô vẫn không bỏ cuộc. Để tâm theo dõi mãi, cho tới buổi sáng ngày hôm đó cô Miên lạnh toát cả người khi khám phá ra tấm hình đen trắng của cô gái lạ mặt ở trong ví da của chồng cô bỏ quên trên mặt nệm giường. Cô gái tóc đen nhánh da căng mọng mặt trẻ măng, tay cầm nón lá, cười thật tươi, đằng sau là một cây dừa vươn cao tàn lá. Cô Miên lẩm bẩm đọc hàng chữ viết sau tấm hình, “Tặng anh yêu dấu”.

Cô Miên nghẹn ngang cần cổ, nhịp tim ngưng lại, bụng nhói tưng tức. Cô thấy trời đất như muốn tối xầm. Mặt cô xám lại màu đen thù hận. Cô nhớ lại lời cảnh cáo của cô bạn. Cô bừng bừng như ngọn lửa đỏ cháy bốc cao. Mồ hôi vã ra! Tim cô quặn thắt! Cô nhận ra được tiếng đập nhịp tim trong lồng ngực. Bình bịch! Bình bịch! Tai cô nghe được tiếng còi báo động cháy nhà. O! O! O! Cô bịt tai lại. Người cô nóng ran, lưỡi cô khô khốc, môi cô ran rát như người đang chết khát. Cô nhìn chung quanh. Tấm hình hai vợ chồng cười tươi duyên dáng trên tường. Cô kiễng chân lên, giật tấm hình xuống, đập nát bức hình ra từng mảnh vụn. Những mảnh thủy tinh bắn sâu vào bắp chân. Máu đỏ bàn tay mời gọi máu đỏ bắp chân. Máu tay máu chân rủ nhau nổi lửa nấu sôi máu đỏ trong tim. Máu đỏ trong tim đau thắt cuồn cuộn sủi bọt. Nhìn quanh. Ông Địa mập mạp với sóng mỡ trên má trên cằm ngồi chễm chệ một góc cười ha hả. Nhấc cao ông Địa lên, cô Miên đập mạnh xuống. Ông Địa vụn tan. Từng mảnh sành nhọn sắc tua tủa như lông nhím cắm sâu vào bắp chân cô Miên. Máu đỏ tiếp tục chảy. Máu ghen bốc cao có ngọn. Mắt cô long lanh. Tay tiếp tục đập.

Cánh cửa nhà mở tung, chồng cô với áo vét cổ thắt cà-vạt quay về tìm ví, trợn măt ngỡ ngàng nhìn vợ. Nhìn cảnh đổ vỡ tan hoang trong nhà, chồng cô trợn mắt kinh ngạc,

- Mình, mình! Em làm sao vậy"

Cô Miên trợn trạo khuôn mặt, nói không ra lời, hai tay ôm ngực, mười đầu ngón tay cong lại rung lên bần bật, hơi thở đứt quãng thều thào như người phát bệnh tim. Chồng cô hốt hoảng phóng tới đỡ vợ, miệng hét to,

- Kim, Kim ơi... Gọi xe cấp cứu!!!

Cô Miên nhìn lên. Nhạt nhòe trong làn nước mắt hiện ra khuôn mặt bố cô. Cô Miên bậm môi, tát thẳng tới! Bốp! Bốp! Hai cái tát thật nhanh. Cái tát trước nối tiếp theo cái sau không quá một giây. Không gian và thời gian trong căn phòng ngưng lại hai giây, không đếm nhịp tích tắc, tích tắc. Nhìn vợ, rồi nhìn người giúp việc đang thập thò ngay khung cửa, chồng cô ôm khuôn mặt còn hằn năm ngón tay ngỡ ngàng không nói được một lời, bỏ đi thẳng ra khỏi nhà.

Mấy hôm sau, Kim ngập ngừng nói,

- Ông đang ở nhà người bạn.

Nghe Kim nói, cô Miên đứng dậy, đi thẳng ra xe, đề máy lái tới tiệm vàng. Mấy hôm sau, Kim cẩn thận dò đường,

- Em thấy ông trong tiệm Ba Lẹ, ngồi nhai bánh mì một mình.

Hai tuần sau nữa, Kim ngần ngại,

- Ông hỏi em chị có khỏe không" Em nói chị bình thường. Em cũng nói với ông chủ, “Cô bây giờ ghi tập thể dục thẩm mỹ hằng ngày. Người nhìn đẹp lắm! Cứ như tài tử xi nê”.

Cô Miên giọng lạnh tanh,

- Lương làm gián điệp của em, nhiêu một tháng vậy"

Kim lắc đầu lia lịa,

- Không, không! Ông không cho em chi hết…

Cách đây mấy hôm, Kim lại phát sóng,

- Ông bảo là chị nghi oan cho ông rồi... Hình đó là hình cô em gái, cô em họ, con gái ông chú ruột còn ở bên Việt Nam.

Cứ như vậy. Kim nói, cô Miên nghe. Cô Miên hỏi lại, Kim trả lời. Chiều hôm nay, tấn tuồng cũ lại diễn ra trong nhà,

- Em gặp ông ở trong văn phòng bán vé. Ông mua vé về Việt Nam.

Cô Miên tiếp tục bỏ đi vào phòng ngủ. Bất chợt cô dừng bước, giọng nói trống không,

- Lúc nào"

Kim hấp tấp trả lời,

- Em gặp ông trưa hôm nay…

Kim nhìn theo cô Miên. Cô chủ vẫn đứng ở ngay khung cửa. Kim buông nhẹ,

- Em thấy ông gầy lắm. Người xanh lét à.

Cô Miên đi thẳng vào phòng ngủ. Nhìn qua khung cửa sổ, cô nhận ra trời chiều cuối tháng Hai, thành phố New Orleans xanh mướt. Hôm nay thứ Ba, Thứ Ba Béo, French Quarters tối nay sẽ tưng bừng với đại hội Thứ Ba Béo. Ngày mai Thứ Tư Lễ Tro, bắt đầu Mùa Thương Khó.

Từ hồi chồng bỏ đi, nhiều đêm cô Miên ngủ không được. Trong bóng đêm lẻ loi cô độc, cô trằn trọc với chăn êm nệm ấm. Vươn tay sang bên cạnh, cô đụng phải gối bông nằm chơ vơ. Cô Miên thở dài! Giây phút cô nổi cơn điên làm hỗn, chồng cô im lặng bỏ đi thẳng. Cô lắc đầu chép miệng, “Người đâu mà nhát như chuột!”.

Hôm nay ngày lễ hội Thứ Ba Béo, lại thêm một lần lễ hội Mardi Gras, lại thêm một điểm mốc đánh dấu những nhọc nhằn với kiếp người với duyên phận.

Từ thời ấu thơ của những ngày đầu tiên sau biến cố năm 75, bố cô, đại tá quân đội miền Nam dọn về New Orleans. Thất chí, ông đại tá uống rượu ngày đêm. Ông xin đi làm trong hãng, tiếng Anh ba cọc ba đồng, không ai nhận. Tiệm Phở kiếm người làm, tiệm bán tạp hóa Việt Nam cần người giúp việc, nhưng bố cô lắc đầu nói,

- Không ai làm đại tá mà đi chạy bàn, bán hàng.

Thế là lại ở nhà. Rượu tiếp! Uống rượu như uống nước lã. Mẹ cô, một thời làm bà đại tá ở vila kín cổng cao tường, nhà có người làm, tối ngày mẹ cô bận họp chơi tứ sắc với các bà tướng bà tá ở Sài Gòn. Không một lần mẹ cô hỏi han đến cô. Thời thơ ấu, cô Miên cứ thế lớn lên bên cạnh chị bếp. Căn nhà vila to lớn nằm trên đường Tú Xương một thời âm thầm in hai bóng người trên những vách tường, bóng của chị bếp, và bóng của cô tiểu chủ. Cô Miên nhiều lần hỏi chị bếp,

- Mẹ em đâu rồi"

Chị bếp trả lời quấy quá cho xong,

- Bà đi làm rồi. Cô chủ phải ngoan, bà mới thương.

Di tản qua Mỹ, bà đại tá lột xác, ăn diện đỏm dáng đi chơi với xếp Mỹ. Có lần bố cô thấy mẹ cô đứng hôn ông xếp ngay trước cửa nhà. Tối hôm đó, bố cô vác dao rượt đuổi mẹ cô chạy từ trong bếp ra phòng ăn. Con bé ôm mặt rú lên. Một tuần sau, mẹ cô bỏ đi, không một lời từ giã. Một năm sau, bố cô ký giấy ly dị do luật sư mang tới. Một năm sau nữa, bố cưới dì ghẻ làm dealer cho sòng bài Mardi Gras/Thứ Ba Béo tính hâm hâm, đồng bóng, ưa quấn quanh cổ xâu chuỗi màu tím, xanh, và vàng của ngày lễ hội Thứ Ba Béo. Mới bước chân vô nhà, dì ghẻ mở miệng gọi,

- Bê chậu nước nóng lên đây rửa chân cho dì.

Có nhiều bữa, dì ghẻ uống rượu với bố, say khướt, dì gọi con bé,

- Thứ Ba Béo! Thứ Ba Béo! Xuống dưới đây rửa chân cho dì.

Bố ngồi đó cười híp mắt lại, vỗ hai tay gọi theo,

- Thứ Ba Béo! Có nghe dì mày gọi hay không"

Con bé làm mặt lỳ, không chịu xuống. Ông bố đi thẳng lên lầu, giật quyển sách Toán dầy cộm ném thẳng vào mặt con bé, miệng chửi,

- Học hành cho lắm vào! Rồi cũng đĩ thõa như mẹ mày mà thôi!

Con bé bình tĩnh như không có chuyện gì xảy ra. Nó chỉ ngước lên yên lặng nhìn bố, giơ cao tay quệt hai hàng máu đỏ đang chảy loang lổ từ lỗ mũ.

Cứ thế, con bé tiếp tục bơ vơ lạc loài lớn lên trong căn nhà, không tình thương mẹ, thiếu vắng tình thương bố, no nê với tính tình hâm hâm của dì ghẻ và tính tình ác độc của người cha. Tuổi dậy thì, thịt da con bé nây nẩy, có một số đứa bạn bắt chước dì ghẻ, nói lén sau lưng,

- Dì ghẻ nó gọi nó, “Con Thứ Ba Béo!”.

Con bé nhói đau tim, bước vội vào trong phòng vệ sinh, ngẩn ngơ sờ nắn khuôn mặt, nhìn ngắm bóng dáng dậy thì, tin rằng mình mập. Ôi! Buồn quá!

Nhưng con bé sở hữu tính mẹ, lì đòn, không chịu bỏ cuộc. Trong trường, giờ PE, nó chịu khó chơi bóng rổ. Về tới nhà, con bé chạy bộ. Con gái tuổi dậy thì, nhờ thể thao, thịt da săn lại chắc nịch. Con bé vốn đã xinh đẹp, nhờ tập luyện lại càng xinh đẹp hẳn ra. Con trai trong trường bám theo, gạt ra không hết. Mấy đứa con gái học cùng lớp, có tên tinh quái ngứa miệng nói trống không sau lưng,

- Ba Béo kỳ này đắt giá như tôm tươi.

Con bé vội vàng bỏ đi thẳng vào phòng vệ sinh, đứng ngắm bóng mình trong kiếng. Lại điệp khúc cũ, “Ôi! Buồn quá!”.

Bữa dạ tiệc Prom ra trường, mấy thằng bạn gài con nhỏ uống rượu, tính làm hỗn. Con bé giẫy dụa. Một thằng đè nó xuống sàn nhà. Con nhỏ tiếp tục chống cự. Tát. Cào. Cắn. Vô ích. Tuyệt vọng, con bé rút trâm cài tóc màu nâu đâm thẳng vào ngực thằng con trai. Máu phun có vòi. Ra tòa, bồi thẩm đoàn tha bổng. Hai tháng sau vào đúng ngày Thứ Ba Béo/Mardi Gras, con bé mười tám tuổi. Tròn mười tám, con bé gặp bố đòi dọn ra khỏi nhà. Bố uống rượu say, hơi thở nồng nặc mùi rượu khua khua tay,

- Quân sát nhân!

Dọn ra khỏi nhà, con nhỏ vô ở trong cư xá sinh viên, sống bằng tiền trợ cấp và tiền đi làm part time tại tiệm McDonald’s. Học được hai khóa, toàn điểm C điểm D, con bé bỏ học đi lấy chồng. Tài xế xe vận tải mười sáu bánh say rượu cán dẹp chiếc xe Buick tám máy của ông chồng nát vụn! Thịt nhặt từng miếng. Tiền bồi thường như lá mùa thu rụng xuống ví tiền người góa phụ. Sau một chuyến xe tang, góa phụ biến thành cô chủ tiệm vàng.

Cô Miên vẫn không biết mình có thương ông chồng đầu tiên hay không, nhưng một năm sau, cô bước một bước nữa. Sau tuần trăng mật tại Hawaii, ông chồng thứ hai kêu đau ngực. Đi khám, bác sĩ nói ung thư phổi. Sáu tháng sau, chết cấp kỳ. Tiền bảo hiểm nhân mạng ngồi đếm mệt xỉu.

Cả một đời tìm kiếm, cô Miên vẫn chưa kiếm ra nét ác phụ trên khuôn mặt ngoại trừ nốt ruồi thương phu trích lệ. Cô Miên bước tới một bước nữa với một người bạn thời trung học. Người chồng thứ ba, năm 1985, nhập trường học chung lớp Mười Một, người đen cháy nắng trại tỵ nạn Palawan. Tiếng Anh vớt vát ăn đong, Yes, Yes. No, No. Trưa hai đứa ăn chung với nhau. Tối tối, nó đến nhà con nhỏ học bài. Con nhỏ sửa lại bài luận văn cho nó. Sinh nhật mười bẩy tuổi của con nhỏ, thằng con trai tặng cây trâm cài tóc màu nâu mua dưới phố Tàu. Con nhỏ hỏi tại sao màu nâu" Thằng con trai nói không biết. Con nhỏ nhắm mắt lại nói màu nâu của mắt anh và của mắt em. Thằng con trai mặt cứ đực ra, không hiểu chi hết. Chờ đợi một hồi không thấy chi, con nhỏ mở mắt ra, thất vọng, ngỡ ngàng nhìn bản mặt như thằng ngố của đứa con trai, con nhỏ chép miệng, “Nhát như chuột!”.

Chiều hôm qua ông thám tử tư mới xác nhận với cô chủ về gốc tích tấm hình. Người con gái trong hình chính là cô con gái ông chú ruột bán mình trên sông Hương. Chồng cô giúp đỡ đưa tiền mở sạp bán quần áo cho đứa em làm lại cuộc đời. Người thám tử còn nói,

- Ông nhà đang xây dựng cơ sở cho trẻ mồ côi ở bên Việt Nam, nằm khu Bình Hưng Hòa.

Cô Miên biết tội mình lớn quá! Hít hơi vào thật sâu, cô bước vào phòng bếp,

- Kim ơi.

- Dạ.

- Ông đang ở đâu vậy hả em"

Kim nhanh nhẩu,

- Em không biết, nhưng em có số điện thoại của ông…

Bây giờ cô Miên mới nhận ra cổ Kim quấn đầy xâu chuỗi màu tím, xanh, và vàng của ngày lễ hội Thứ Ba Béo.

Tối nay Thứ Ba Béo. Ngày mai Thứ Tư Lễ Tro, cô sẽ ăn chay đền tội. Cô Miên sờ bụng, thai nhi trong bụng mà cô đã cầu xin với thánh Trương Bửu Diệp đã được gần ba tháng. Không bao lâu nữa, giấc mơ hòn phụ tử của riêng cô sẽ trở thành hiện thực. Cô Miên chép miệng,

- Mình thật là tầm bậy!

Cô giơ tay làm dấu thánh giá,

- Xin lỗi Chúa! Con đã nóng giận, tát chồng con!

Nhớ tới những người đàn bà trong tiệm móng tay Rose, cô Miên cúi đầu cầu nguyện,

- Xin Chúa thương, phù hộ cho tiệm Rose đắt khách, có nhiều người ghé vào làm móng tay.

Nguyễn Trung Tây

Ý kiến bạn đọc
11/03/201102:37:35
Khách
Very good
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,768,368
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 160 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và sau đây là bài viết mới nhất. Con số vượt biển chính xác là 1.300 dân kinh 5 vượt biển đến nơi. Sau đó bảo lãnh nhau hiện đã có 5 hay 6000 dân gốc kinh 5 ở Mỹ.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả. Là cư dân Minnesota, Thanh Mai đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết về nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Ông góp nhiều bài tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên và đã nhận giải Danh Dự.
Chào mừng tác giả lần đầu góp bài Viết Về Nước Mỹ, mong ông tiếp tục viết và bổ túc mấy dòng sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo tạp chí ở Dallas. Phan cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ từng nhận giải và có nhiều bài trên dưới một triệu lượt gõ để đọc bài. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia. Ông góp bài Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua và đã ấn hành 4 tập truyện ngắn. Nhà văn Võ Phiến nhận xét về các nhân vật truyện của Phạm Thành Châu đã phải kêu là “Tuyệt vời. Sao mà họ chung tình đến thế.” Sau đây, thêm một truyện ngắn Phạm Thành Châu.
Nhạc sĩ Cung Tiến