Hôm nay,  

Như Xôi Nếp Một

07/02/201100:00:00(Xem: 155918)
Như Xôi Nếp Một

Tác giả: Ngọc Duy
Bài số 3114-28414 vb2020711

Tác giả là cư dân Houston. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là một tự sự về Mẹ. Chuyện về người mẹ nghèo một đời tận tụy được kể một cách thật thà, sống động và xúc động. Bài được chuyển đến bằng eamail. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm và vui lòng bổ túc sơ lược vài dòng tiểu sư và địa chỉ liên lạc.

Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một,
như đường mía lau.”
Ca dao


Tôi bắt đầu sống xa nhà năm 18 tuổi. Không phải xa một thành phố như nhạc sĩ Anh Bằng viết trong bài Nỗi Lòng Người Đi: "Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám Khi vừa biết yêu...".
Hồi đó năm tôi 18 tuổi, hình như tôi chưa biết yêu, chỉ biết đạp xe theo con gái, hoặc đến trường con gái... ăn bò bía đậu đỏ bánh lọt. Tôi cũng có để ý một vài cô, nhưng không phải là tình yêu. Tôi sống xa nhà, nhưng vẫn ở Sàigòn, tôi ở nội trú theo quy định bắt buộc của trường, tuy nhiên cuối tuần tôi vẫn có thể đạp xe về nhà.
Tôi rời SàiGòn đi vượt biên năm 22 tuổi. Má tôi nói, hồi nhỏ thầy bói bảo số tôi không sống gần gia đình, nghiệm lại cũng đúng. Tôi tới Mỹ, ở Cali, tiểu bang đông đúc người Việt, đi học và ra trường ở đó, nhưng lại sang sống và làm việc ở NC, một tiểu bang miền Đông. Sau này lại dọn về Houston, trong khi anh chị em và má tôi tất cả đều ở Cali. Cộng trừ thời gian má tôi ở với tôi hồi mới sang Mỹ do tôi bảo lãnh được một tháng, với khoảng tròm trèm 19 năm tôi ở với má ở Sài Gòn, và khoảng mỗi năm đôi ba tuần sau này khi tôi dẫn vợ con về thăm má những kỳ nghỉ, tôi đã được sống gần má khoảng 19 năm, so với số tuổi gần 50 hiện tại, có nghĩa là tôi sống xa má tôi gấp rưỡi thời gian tôi gần gũi bà !
19 năm tôi sống gần má. Trong ký ức của tôi, má là một người phụ nữ lam lũ, quần đen, áo bà ba, tóc búi. Tôi chưa bao giờ thấy má tôi bận áo đầm. Đôi ba lần tôi nhớ má có bận áo dài, hình như là đám cưới bà chị và ông anh lớn. Quanh năm, chỉ là chiếc quần đen và áo bà ba, màu sậm. Má ít mặc màu sáng. Gương mặt má khắc khổ, vì những năm nghèo đói ở miền trung, và sau này vào Sài Gòn, lại phải vất vả buôn thúng bán bưng nuôi một bầy con nheo nhóc 7 đứa!
Ba tôi có nghề thợ mộc, rất khéo, cả tin bạn, hùn hạp làm ăn thua lỗ, thất chí, buông xuôi, một gánh nặng gia đình oằn lên vai má. Má chạy chợ, buôn bán đủ thứ, bất cứ món gì có thể kiếm tiền đong vào hũ gạo thường xuyên cạn ở nhà. Tôi nghe kể, hồi còn nhỏ, ba tôi bị gạt, phải cầm bán nhà, rồi sau đó phải đi thuê nhà, ở chợ Nancy, qua Nguyễn Cảnh Chân, Phát Diệm... Sau này, má dành dụm mua được căn nhà nhỏ trong khu xóm lao động ở Bến Vân Đồn, nhà tôn, vách ván, nằm ngủ trên divan có thể nhìn thấy những lỗ thủng trên mái nhà, còn trời mưa thì tha những nồi những sô ra hứng nước.
Má không được đi học. Một cô gái ở vào thập niên 30 lớn lên ở Quảng Ngãi, một tỉnh triền miên nghèo đói, làm gì có cơ hội đến trường. Má chỉ biết viết, biết đọc, lõm bõm. Chữ má viết loằn ngoằn như con cua bò. Vậy mà không hiểu sao má lại thuộc rất nhiều ca dao tục ngữ. Má không biết truyện Kiều của ai viết, nhưng biết có một cô gái bán mình chuộc cha. Má không biết cụ Đồ Chiểu viết Lục Vân Tiên, chỉ biết có ông gì đó, khóc mẹ đến mù mắt. Chắc má coi cải lương, nên biết chút sử và văn học Việt Nam qua tuồng tích đào kép diễn trên sân khấu. Má thuộc nhiều ca dao tục ngữ truyền miệng, sau này tôi nhớ lõm bõm, muốn tìm nguyên gốc, tra sách vở, vào google, vô wikipedia, kiếm được khoảng 1/5 những gì tôi nhớ. Chẳng hạn như câu sau đây:

Con rắn không chân đi năm rừng bảy rú
Con gà không vú nuôi đặng tám chín mười con
Phải chi nhan sắc em còn
Lăn vô trong ấy biết đường nào ra

Tôi hỏi má: lăn vô trong ấy là lăn vô đâu vậy má" Má bí, cười khỏa lấp, la: "Mày hỏi tột tới chúa, làm sao má biết, nghe đọc sao thì nhớ vậy!".
Không đi học, nhưng má tính nhẩm nhanh thần sầu, để còn tính tiền mua bán, chứ hổng biết tính, người ta gạt, tiền đâu mà nuôi con. Má nói vậy. Hồi nhỏ, tôi học xong toán nhân và toán chia, làm toán thi với má. Tôi lấy giấy viết, ê a cửu chương. Má lẩm nhẩm trong miệng. Và bao giờ má cũng tính nhanh hơn tôi. Sau này, khi đã biết mánh khóe tính nhanh, tôi nhường má. Năm lớp sáu, lớp bảy, má còn tin, sau này thấy tôi thua hoài, má sinh nghi, và khi biết tôi nhường, má xỉa tay vào trán, mắng, tổ cha mày! Tôi hỏi má, không đi học, sao má biết tính. Thí dụ, 12x19, má nói, dễ òm, 19 thua 20, 1, lấy 12x20, ra 240, trừ bớt 1 lần 12, là còn 228! Mới đây, 87 tuổi, má vẫn còn tính được, tuy có chậm, nhưng vẫn đúng, những bài toán đừng khó quá...
Nhà tôi ở Bến Vân Đồn, cách Bến Chương Dương một con sông. Sau này nghe bài hát Chị Tôi của Trần Tiến, có cái câu, "Nhà tôi bên bến sông Có chiếc cầu nhỏ cong cong", tôi liên tưởng tới cái bến sông nước đục ngầu, và có ghe đò đưa khách từ Bến Vân Đồn qua Bến Chương Dương. Má đi bán trong chợ Thiếc, đường Phó Cơ Điều, phải đi từ tinh sương, lúc các con còn ngủ. Bà ra đầu hẻm mua cho chị em tôi mỗi đứa gói xôi ăn sáng, rồi quảy giỏ ra chợ. Má đón xe lam từ quận Tư ra Sài Gòn, rồi từ đó đón xe lô vô chợ Thiếc. Không biết Sài Gòn giờ còn xe lô không, đó là loại xe màu đen, giống như taxi, và dĩ nhiên trong xe chở chen chúc người như cá hộp. Có lần tôi ngây thơ hỏi, sao má không đón xích lô máy, đi thẳng từ nhà vô chợ, ngồi xe gió mát, khỏi chờ đợi chen chúc, má cười, "có tiền thì đi xích lô máy, nhưng không tiền thì đi xe lam, xe lô". Hồi đó còn nhỏ tôi đâu biết phải có tiền mới giải quyết được những chuyện như vậy.
Má đi bán buổi sáng, thường thì chợ bên Việt Nam chỉ mở buổi sáng, tới trưa thì dọn hàng về. Nhưng có những buổi bán ế, má phải ở lại bán luôn buổi trưa. Cứ hễ ăn cơm trưa xong, chưa thấy má về, là hai bà chị kế tôi rủ tôi đi bộ ra bến đò đón má Ba chị em xốc xếch, đi bộ ra bến đò, ngồi trên băng ghế, ngóng từng chuyến đò cặp bến. Bà chủ đò ngồi thâu tiền đò quen mặt, khi thì dúi cho tôi tấm bánh, khi thì rầy bà chị tôi sao không chùi mặt mũi nó cho sạch sẽ, mũi giải chảy lòng thòng.
Lúc đó tôi chưa đi học lớp một, chắc khoảng 4, 5 tuổi gì đó. Má đi bán về trễ, và đoán là chị em tôi thế nào cũng ngồi đợi ở bến đò, nên trong cái giỏ đi chợ, ngoài nhúm rau con cá miếng thịt hiếm hoi, thế nào cũng có khi thì cái bánh bò, khi thì cái bánh tiêu, và món mà tôi thích nhứt là bánh bông lan, giống như cupcake bên này. Có những buổi bán ế quá, không có tiền mua bánh, làm quà cho tôi, mà tôi thì con nít đâu biết gì, phụng phịu cằn nhằn, "sao hôm nay không có bánh", má phải nói dóc, "hôm nay họ bán đắt, má tới mua trễ, nên bà bán bánh đã dọn hàng về". Bà chị lớn hơn tôi bốn tuổi phải dọa, mày còn khóc lóc, mai mốt tao bỏ mày ở nhà, không dắt mày ra bến đò đón má nữa. Tôi ngưng khóc, vì thích ra ngồi ở băng ghế, ngó người ta lên xuống đò, có những cơn gió mát, trên một dòng sông đục ngầu.
Quê má ở Quảng Ngãi, tôi chưa từng ra đó lần nào. Má có cả thảy 6 anh chị em, tất cả đều mất sớm, vì bom đạn chiến tranh, hoặc vì bệnh tật, ở tuổi trên dưới 40. Chỉ riêng một cậu em, tập kết ra bắc, sau này dọn vào SàiGòn sinh sống, cùng với một bà vợ Bắc Kỳ và bốn đứa con bắc kỳ rặt. Cậu thứ Bảy, hơi lùn, nên anh chị em tôi gọi vợ chồng cậu là Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn. Gọi chơi cho vui, chứ tôi thấy mợ Bảy tôi, giống bà Phù Thủy hơn là giống Bạch Tuyết. Cậu Bảy tôi cũng mất hơn mười năm, và đó là điều má tôi ân hận vì không về dự đám tang cậu. Mợ phù thủy và mấy đứa em họ còn ở Sài Gòn, ăn nên làm ra, có qua Mỹ du lịch thăm má tôi, mà tụi nhỏ gọi là Cô Sáu.
Ở Quảng Ngãi có món kẹo mạch nha rất ngon, phải mua từ ngoài quê đem vào, làm bằng lúa mạch, dẻo mà ngọt đậm đà, dùng đũa quấn giống như kẹo kéo, ăn dai và ngọt lịm. Trong Sài Gòn cũng có bán, nhưng làm bằng đường pha chất dẻo, ăn như ăn kẹo! Má thích ăn bánh tráng, nên sau này qua Mỹ, món Mỹ (Mễ) duy nhứt má thích là taco bell, loại bánh tráng dòn! Má thích ăn đầu cá, thích dẫn vô tiệm buffet ăn càng cua Alaska, mà phải trả nửa giá, vì má được senior discount!
Hồi xưa má hay về quê chơi, lá rách đùm lá nát, má đem về quê cho cháu những món quà ít ỏi mà má thu góp được. Bà chị Bảy của tôi, sanh ở ngoài đó, định đặt tên là Ngãi, đọc trại thành Nghĩa! Bả trách, con là con gái, sao má đặt tên con là Nghĩa, nghe như con trai. Má tôi nói, tên con là Ngãi, đọc trại ra như vậy là tốt rồi.
Ở nhà tôi, hình như ba má anh chị em nói chuyện rất bình dân, không thưa gửi, dạ diếc. Người ngoài nghe có thể nghĩ là tụi tôi hỗn, nhưng trong nhà không thấy vậy. Chẳng hạn, tôi hỏi, má à, nhà nghèo, sao má đẻ chi đông vậy, nếu má có hai đứa con, má đâu cực dữ vậy! Má cười, mày vô duyên, hồi xưa làm gì biết ngừa thai, hể ổng "đụng" tới là đẻ. Tôi làm tới, thì mà đừng cho ổng "đụng" nữa, tại má cũng muốn, phải không" Má đưa tay ký vô đầu tôi, đồ con nít quỷ, ăn nói tầm bậy tầm bạ!
Ba tôi cũng không học hành gì nhiều, hồi nhỏ ở ngoài quê Thái Bình ngoài bắc, có theo học nghề mộc của ông thợ trong làng, có cái nghề sau này nuôi thân. Ba tôi cũng chỉ biết đọc và viết, nhưng ba viết chữ có vẻ cứng cáp hơn những con cua của má viết! Sau này khi đã đi học, biết chữ, buổi tối, ba thường mượn tờ báo hàng xóm, rồi bắt tôi ngồi đọc tin tức! Tôi ê a đánh vần, đọc như vẹt, mà nào có hiểu gì. Thỉnh thoảng tôi mệt quá, đọc cóc nhảy, bỏ nguyên một đoạn, cho xong mau, để còn tụt xuống divan, đi ra ngoài xóm chơi vui hơn!
Tới bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao, cả ba và má tôi, đều không có học hành gì, đều bắt anh chị em tôi đi học những trường lớn và nổi tiếng, dĩ nhiên phải là trường công không đóng học phí! Gần nhà có trường Nguyễn Khoái, nhưng má tôi xách đơn nộp cho chị em tôi học ở trường Trần Hưng Đạo, muốn đi, phải qua đò, qua Bến Chương Dương, chợ Cầu Kho, đi suốt con đường Phát Diệm, rồi mới ra trường Trần Hưng Đạo. Má dặn, đi bộ nhớ đi sát vào lề, coi chừng xe chạy ngoài đường. Xuống đò nhờ người lớn ẳm mình lên. Băng qua đường, nhớ ngó cả hai bên. Con nhà nghèo, phải biết tự lo cho mình!
Sau khi học xong tiểu học, má bắt anh chị em tôi, con gái thì thi vào Gia Long, con trai thì thi Petrus Ký. Tôi không nghĩ má biết so sánh chọn lựa trường nào giỏi, trường nào hay, chỉ nghe người ta nói, ở Sài Gòn, con gái phải học Gia Long, con trai phải học Petrus Ký. Cũng may sao cả hai ông anh lớn của tôi và tôi đều đậu vào trường Petrus Ký, hai bà chị thường dẫn tôi ra bến đò đón má, cũng đậu vào Gia Long, riêng bà chị lớn, học ở Trưng Vương, nhưng chỉ xong Tú Tài một thì xin đi làm, để phụ má lo cho mấy đứa em nhỏ.

Hồi còn học tiểu học, trong cuốn thông tín bạ, có ghi nghề nghiệp phụ huynh. Tôi mắc cỡ, vì ba của bạn bè mình, đứa thì có ba là sĩ quan, đứa thì có ba làm giám đốc, hay tệ lắm cũng là công chức. Tôi ghi vào ô nghề nghiệp cha là tư chức, mẹ là nội trợ . Không dám ghi là buôn thúng bán mẹt, xấu hổ! Sợ bạn bè khinh chê mình con nhà nghèo, con của một ông thợ mộc và một bà hàng tôm hàng cá! Bà chị kế của tôi, ngầu hơn, nổ ba tôi là thầu khoán. Tội nghiệp, xã hội và văn hóa Việt Nam coi khinh những người lao động chưn tay, và nhiễm vào đầu óc thơ dại của con nít! Hàng tháng, tôi phải mang học bạ về nhà, và tự động ký vào ô chữ ký phụ huynh . Ba má tôi, chỉ lo cho con vào học trường công, rồi phó mặc cho thầy cô dạy dỗ, và con mình tự lo. Vì thiệt ra có muốn lo dạy cũng đâu biết gì mà dạy! Cô giáo tiểu học nhìn chữ ký của tôi ký vào cái ô chữ ký phụ huynh với nét con nít, dịu dàng hỏi, em ký hả, tôi phải nói dóc, tại ba em bận, cũng may tôi học thường được đứng vào những hạng đầu trong lớp, nên cô nghĩ không phải tôi dấu cha dấu me, mà có lẽ ba má tôi bận thiệt!
Hồi tôi thi đậu vào Petrus Ký, má hứa sẽ mua cho chiếc xe đạp. Nhưng rồi má không có tiền, tôi đành phải đi bộ đi học. Đường xa, tôi phải đi hơn nửa tiếng! Lớp học bắt đầu 1 giờ, tôi ăn trưa xong, là xách cặp đến lớp. Lúc đó má đi bán chưa về. Mấy tháng đầu, tôi đi học mà ấm ức lắm. Vào Petrus Ký, tôi không còn học giỏi như dưới tiểu học, vì chắc "đụng" toàn là dân thứ thiệt, tôi học dỡ Pháp văn của thầy Thẩm Túc, dỡ luôn môn văn của thầy Đoàn ĐÌnh Bách, riêng môn toán của thầy Trần An thì chỉ thuộc loại trên trung bình. Tôi tự đổ thừa, chắc tại mình đi bộ, vào lớp mệt mỏi, chứ nếu có xe đạp, tôi đã học giỏi hơn. Mùa hè năm lớp sáu, bà chị Sáu của tôi, bà chị duy nhứt trong nhà bỏ học ngay sau thi rớt lớp sáu vào Gia Long, theo phụ má tôi buôn bán, lớn hơn tôi sáu tuổi, dòm học bạ thấy những thứ hạng 30, 40, bả lôi tôi ra hỏi, sao mày học dỡ vậy, bộ muốn học dỡ như bả, sau này chỉ có nước ra chợ khuân vác. Tôi nghe tới sợ xanh mặt, bả cho tiền tôi đi đóng học phí học thêm Pháp Văn và Toán ở trường Hoàng Nguyên, bây giờ là tòa soạn báo SGGP, gần nhà thương Từ Dũ. Bả nói, sang năm lớp bảy, nếu tôi học giỏi hơn, sẽ thưởng cho chiếc xe đạp! Tôi ráng dùi mài nguyên mùa hè năm lớp sáu, và khi vào lớp bảy, khi thầy Bách hỏi một câu pháp văn, tôi đã giơ tay trả lời dõng dạc, trước cặp mắt ngạc nhiên của cả lớp. Tôi học khá hơn từ đó, và bà chị Sáu giữ đúng lời hứa, mua cho tôi chiếc xe đạp! Khổ nỗi xe đạp hồi đó là cả một gia tài, nên bả không đủ tiền, hai chị em mới đi kiếm má, ca bài con cá nó sống nhờ nước, con sống nhờ xe đạp! Hình như má cũng không có tiền, nhưng thấy tôi ham quá, má phải bán cái cà rá hay nhẫn gì đó, tôi vô tư đâu biết, chỉ biết có xe đạp là vui rồi !
Sau này, má sang được một căn tiệm ở Hàng Xanh Tân Cảng, má lên đó mở một tiệm tạp hóa nhỏ, không còn phải đi bán ở chợ Thiếc. Bà chị lớn tôi lấy chồng, cũng khá giả. Ông anh kế ra trường Nông Lâm Súc. Đời sống kinh tế cũng khá hơn. Má và bà chị Sáu phải ở trên Tân Cảng lo chuyện mua bán, mấy đứa nhỏ thì vẫn còn ở dưới Bến Vân Đồn. Má đã có tiền mướn người làm lo cơm nước, tụi tôi không còn trưa trưa ra ngoài bến đò đón má về chợ. Bà chị kế đã tập tành lái xe PC đi học. Tôi đi học không còn bữa đói bữa no, đã có tiền rủng rỉnh má cho, mua sách báo, thuê truyện. Má đã có tiền sắm sửa ti vi, tủ lạnh trong nhà, nhưng quần áo của má bận cũng không có gì thay đổi, cũng cái quần đen, và cái áo bà ba sậm màu. Có điều, nhờ không dầm sương dãi nắng, má đã có da có thịt hơn, không còn khắc khổ như hồi còn đi buôn ngoài chợ!
Đó là khoảng thời gian tôi thấy má tương đối thoải mái trong cuộc đời bà. Má kêu những đứa cháu ngoài quê vào Sài Gòn tập tành cho buôn bán, để đỡ vất vả. Má ra ngoài quê xây lại mộ cho ông bà ngoại và cậu dì, tới bây giờ tôi vẫn còn tiếc, vì đã không xin đi theo, để xem miền quê nghèo khổ của má.
Ngoài đó, mỗi lần má về, bà con chòm xóm đón tiếp còn hơn Việt Kiều hồi hương. Má hà tiện, không xài gì cho mình, nhưng về quê bao giờ cũng có quà cho bà con chòm xóm. Chị tôi kể, ngoài quê họ nhìn mấy bà chị của tôi, như ở một xứ sở nào khác. Bả nói, mày coi, mình cũng nghèo thấy tía, chứ có phải giàu có danh giá gì, nhưng so với những người chân lấm tay bùn ngoài quê, má tôi như một tấm gương, con cái đứa nào cũng đi học đàng hoàng, có nhà cửa tiệm buôn ở SàiGòn. Tôi cười, cái tiệm tạp hóa nhỏ xíu của má, ừ, bà chị tôi nói, ừ, ngoài đó họ nghĩ phi thương bất phú, má buôn bán, chắc giàu có nứt vách!
Sau 75, cũng như đa số những gia đình khác, nhà tôi lại bước vào giai đoạn khó khăn khác.Ông anh thứ Năm, học Y Khoa, bị động viên, chuyển qua Quân Y, bị bệnh mất. Bà chị lớn, chồng đi cải tạo, xách hai con về nương nhờ má. Bả lăn ra chợ trời, làm đủ nghề, mua bán quần áo cũ, thuốc tây, giữ xe đạp rạp hát. Ông anh kế, trở thành công nhân viên, cưới vợ, đem về ở chung, má kê thêm một cái giường, ngăn cái tủ cho anh chị làm một tổ ấm nhỏ! Bà chị Sáu lấy chồng lính, gốc nông dân, về quê làm ruộng ở Long Xuyên, sau mua rẫy ở Long Khánh. Không hiểu trồng trọt thu hoạch ra sao, mà mỗi lần về SàiGòn, tôi thấy chị xơ xác, đen đủi, má lại dấm dúi cho bịch gạo, bịch khoai, chai nước mắm. Việc buôn bán khó khăn vì nhà nước cấm chợ, hàng họ ngày xưa chất đầy kệ, giờ trơ vơ trống hốc những chai lọ, nhìn như da con chó đốm! Ngày xưa má chỉ nuôi con, giờ phải nuôi thêm cháu! Bà chị Sáu về lại SàiGòn vì không đủ sức làm rẫy, và cùng má đi buôn chuyến, tức là theo xe đò lên Đà Lạt Lâm Đồng mua súp lơ, rau cải, cà phê... đem về thành phố. Đi buôn vài chuyến thì bị công an kinh tế bắt, mất cả vốn lẫn lãi, má về nằm bịnh mấy bữa rồi lồm cồm bò dậy, bán một chút tư trang dành dụm, đi buôn tiếp. Cuộc sống cứ trong vòng lẩn quẩn, không nhìn thấy ngày mai .
Rồi anh chị em tôi lần lượt vượt biên, kẻ trước người sau! Mỗi lần có đứa nào xách giỏ đi, thì má lại lên chùa, cầu nguyện ăn chay, cầu cho con đi bằng an. Hai bà chị kế và tôi đến Mỹ trước, đầu thập niên 80, bà chị lớn cũng đi sau. Bà chị Sáu bị bắt mấy lần, về sau phải xin một đứa con lai để đi theo diện con lai, riêng ông anh lớn, vào tù ra khám như đi chợ, cuối cùng cũng xách vali leo lên máy bay đi theo diên ODP bên nhà vợ bảo lãnh. Tôi làm hồ sơ bảo lãnh cho ba má, chưa kịp phỏng vấn thì ba mất, lúc thằng cháu nội đích tôn chưa chào đời, năm sau thì má được đi, qua Mỹ đoàn tụ với con cháu!
Lúc mới sang, má ở với tôi được một tháng bên NC, sau đó tôi đưa má về Cali, ở gần bốn bà chị. Năm đó má mới ngoài 70, đi đứng còn mạnh khỏe, má ở với đứa này vài tháng, rồi sang ở với đứa kia vài tháng. Nhờ lớn tuổi, má được hưởng mọi trợ cấp y tế của chính phủ, con cái không phải lo gì cả, hàng tháng má còn được lãnh tiền già, má dùng tiền này, gửi về giúp bà con chòm xóm và mấy đứa cháu ở ngoài quê, kẻ một trăm, người năm chục. Má còn về Việt Nam hai lần, xách hai cái vali bự tổ bố, trong đó chất đầy những dầu gió xanh, kem đánh răng, dầu gội đầu, kẹo MM, chewing gums làm quà, má nói về bển người ta quý đồ Mỹ lắm.
Mỗi năm dịp nghĩ tôi thường dắt vợ con về Cali thăm má, má ưa vuốt tóc thằng con trai lớn của tôi, nói, sau này có gì nó sẽ bưng khung hình cho má, tôi rầy, má chỉ nói gởõ, má phải đợi chừng nào thằng Duy lấy vợ, rồi con trai nó sẽ làm chuyện ấy!
Vài năm trước, má bị té, vào nhà thương họ bắt một con đinh vít vào ngay xương hông, khi má khỏe, họ đưa má vào trong viện dưỡng lão, vì nghĩ má già rồi, đi đứng khó khăn, phải có người chăm sóc. Tụi tôi vào viện dưỡng lão, nhìn thấy những người Mỹ già, nằm trên giường, trên người đầy dây nhợ, chờ ngày đi qua một thế giới khác. Tụi tôi dòm thấy sợ quá, xin cho má về nhà, mướn người chăm sóc. Má đi lại còn được, có điều già rồi, chất nhờn giữa xương sụm không còn, nên co giãn tay chưn rất khó khăn.
Má gầy tong teo vì ăn uống ít đi, những món má thích như bánh xèo, taco bell, má chỉ nhấp vài cái rồi đẩy dĩa đồ ăn qua một bên. Má sống nhờ sữa Ensure. Tuy yếu đi nhiều, chưn cẳng đau nhức phải uống thuốc cách 6 tiếng, nhưng đầu óc má vẫn còn minh mẫn. Má hỏi thăm thằng con tôi đi học xa chừng nào về nhà, con cháu gái con của ông anh lớn đi thực tập ở bệnh viện mấy năm thì ra, vợ tôi còn thích đi mua đồ sale không, sắp Tết rồi nhớ gửi tiền về quê cho mấy đứa cháu ăn Tết...
Năm ngoái, tôi về thăm má, má nằm trên giường, kể chuyện ngày xưa, những người trong xóm ai còn ai mất, ai có con cái ở nước ngoài, khu nhà cũ ở Tân Cảng đã bị giải tỏa, không biết rồi mấy người trong xóm sẽ dọn đi đâu và sinh sống ra sao. Bà chị tôi rầy, ôi má hơi đau mà lo, trời sinh voi sinh cỏ. Tôi ngồi nghe má kể, nhớ lại khoảng đời thơ ấu của mình, nhớ những vất vả mưu sinh của má...
Tuần rồi, giữa khuya, bà chị gọi sang, nói má tự dưng bị strock, kêu tôi về gấp, kẻo không kịp. Tôi mua vé máy bay chuyến bay sớm, lòng bảo lòng, chuyện ra đi của má chỉ là chuyện sớm muộn, vả lại anh chị em trong nhà đã chuẩn bị tinh thần, những lòng vẫn cứ đau quặn từng cơn.
Tôi vào bệnh viện, dòm thấy má nằm thoi thóp, thiêm thiếp ngủ, bác sĩ nói, má đã qua thời kỳ nguy hiểm, nhưng có nhiều cơ hội sẽ bị lẫn, vì bị đau nhiều năm, tinh thần suy sụp. Hôm sau bác sĩ chỉ cho thuốc giảm đau, không cho thuốc ngủ, để má tỉnh lại trò chuyện với con cháu. Má nhận mặt từng đứa một, cả những đứa cháu, nhưng chỉ nói những chuyện ngày xưa, xảy ra 2, 30 năm về trước. Bác sĩ nói, cũng là một điều may cho bà cụ, vì không biết gì, bà cụ sẽ không biết mình đau, và sẽ ra đi thanh thản hơn, không phải chờ đợi những cơn đau nhức.
Ngồi nhìn má nằm mân mê tấm mền đắp ngang ngực, gương mặt tươi tỉnh nhờ truyền nước biển, nhưng hai bàn tay bàn chưn ốm khẳng khiu, chỉ còn da bọc xương, tôi lại suy nghĩ lan man về cuộc đời của má. Sức mạnh nào đã khiến cho má, một người đàn bà không chữ nghĩa, một đàn con nheo nhóc, nuôi cho ăn học, rồi thu vén dành dụm cho con vượt biên, mong con có một đời sống khá hơn những khổ cực của mình. Nhớ lại những niềm vui hiếm hoi trong cuộc đời của má, khi anh chị em tôi thi đậu Tú Tài, vào đại học, khi bà chị lớn lập gia đình, sanh cháu gái đầu lòng, khi hay tin đứa con này tới đảo bình yên ... Nhớ cái nón lá xụp xụp má che những buổi trưa tan chợ về nắng gắt, nhớ cái áo mưa ni lông rách má trùm trên người những buổi chợ tầm tã mưa, nhớ cái quần đen bạc màu, cái áo bà ba đậm màu má ưa mặc, nhớ má ngồi giặt đồ ở phông tên nước đầu hẻm Bến Vân Đồn, nhớ cái bánh bông lan má moi ra từ trong giỏ ở bến đò nhiều khi bị xẹp lép vì bị dằn giữa mớ rau con cá cho bữa cơm chiều...
Nhạc sĩ Y Vân ví Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạït dào, ca dao xưng tụng Mẹ già như chuối Ba Hương, như xôi Nếp Một, như đường Mía Lau, cũng chỉ là một cách nói ước lệ, vì không có bất kỳ một thứ gì trên đời này có thể so sánh với tình mẹ.
Tôi rồi cũng phải trở lại những sinh hoạt hàng ngày, phải đến sở, phải đưa rước con đến trường, phải ăn, phải ngủ. Má rồi sẽ phải nằm trong bệnh viện, sống những ngày cuối cùng của cuộc đời bằng những ký ức ngày xưa. Má tôi đã vì đàn con thương yêu hy sinh cả cuộc đời mình., tôi nghĩ má sẽ ra đi thanh thản.
Chuyện sinh ly tử biệt chỉ còn là vấn đề thời gian. Có điều, nghĩ tới má, tôi lại thấy rằng mình may mắn, cũng như bao nhiêu đứa con trên đời này cũng đã từng may mắn, vì đã được che chở đùm bọc thương yêu bằng một thứ tình cảm không hề tính toán, không điều kiện.
Nhờ có má, tôi thấy cuộc đời này, đẹp hơn, và đáng sống hơn...
Ngọc Duy

Ý kiến bạn đọc
07/02/201116:14:36
Khách
Cám ơn tác giả Ngọc Duy
Những lời kể chân thật của tác giả làm xao động tâm tư và làm rất nhớ khoảng thời gian gia đình tôi đã sống trong căn nhà mái lá vách ván trước khi xảy ra trận cháy khủng khiếp của vùng Khánh Hội và sau đó thì lợp mái tôn vách ván vá víu với những miếng tôn lượm lại sau trận cháy, trong con hẻm của hãng thuốc Basto, đường Bến Chương Dương, ngay dưới chân cầu Ông Lãnh.
Người mẹ của tác giả sao cũng y chang người dì thứ Tư của tôi, không biết đọc không biết viết nhưng buôn bán và tính nhẩm không bao giờ sai. Khâm phục tac1 giả có trí nhớ quá tốt
Viết nữa đi tác giả Ngọc Duy, cho chúng tôi đọc nha
Cám ơn
TNBX
07/02/201118:57:34
Khách
Cám ơn anh chia sẻ kỷ niệm gia-đình rất thành thực , cảm động và hânh hạnh biết được má anh cột trụ gia-đình tình thương, tràn đầy cam đảm làm tôi chạm lòng nghì đến gia đình tôi, không giống mà cũng không khác lắm.
08/02/201104:52:55
Khách
Bài viết rất hay và chân thật, rất xúc động khi đọc. Ngọc Duy thật may mắn có một người mẹ quá tuyệt vời như vậy. Mong sẽ được đọc tiếp các bài khác của Ngọc Duy.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,068,573
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến