Hôm nay,  

Khổ Hai

12/01/201100:00:00(Xem: 905699)
Khổ Hai

Tác giả: Phan
Bài số 3090-28390 vb3011111

Tác giả là một nhà báo chuyên nghiệp của làng báo Việt ngữ tại Dallas-Fort Worth, từng phụ trách một chuyên mục cho tạp chí Ca Dao, chủ biên tuần báo Trẻ, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ từ mấy năm trước. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

***

Khổ hai không phải là khổ hoài, khổ luận vô thiên lủng, giang hồ vặt ưa nói chữ rẻ tiền vì dễ mua. Nhưng mua khổ lại không dễ chút nào! Muốn khổ - phải xuất cảnh mới biết bán sức lao động còn phải biết tiếng Anh mới có người mua.
Thằng nhỏ theo gia đình đi diện H.O. Nghĩa là khi nhỏ hơn bây giờ nữa, nó đã khổ vì cha đi tù cải tạo. Hèn chi, gần ba mươi tuổi đầu mà nhìn nó như đứa trẻ mới có râu, mặt hiền hơn hiền một cấp, giá sáng sủa một chút thì nó rất giống hiền nhân, tu sĩ ẩn cư... thằng nhỏ có vẻ khờ vì mệt mỏi do làm việc quá sức quanh năm. Nó lại không có khiếu ăn nói, cũng là một thiệt thòi trong giao dịch. Nói chung là người có lương tâm thì không ai mướn nó làm việc vì thấy thể trạng cần nghỉ ngơi của nó. Nhưng sống trong thời buổi lương tâm không bằng lương thực, người có lương bổng cũng cần chia sẻ lương tri với đồng hương cho trọn cuộc lưu đày.
Khổ chủ đã quá tải với ngày 12 tiếng và mớ khách hàng chán như cơm nếp nhão. Đêm đêm về nhà, ngồi một mình với dĩ vãng đã xa; tương lai chập chờn theo năm tàn tháng tận, biển gạch nhạt nhoà sóng gợn mới nhức nhối tâm can hơn là bực vọc mấy ông bạn già, - không biết mấy ông ấy lúc này có việc làm hay không, có ai bệnh hoạn gì không... Người lính cuối cùng của Đệ nhất thế chiến đã qua đời, lịch sử khép lại một cuộc chiến xa xôi. Những người lính của Đệ nhị thế chiến nhưng thuộc quân đội Hoa Kỳ còn khổ sở với tuổi tác, bệnh tật và quay lưng của đời sau... những người lính của Đệ nhị thế chiến nhưng thuộc Hồng quân Liên sô, không biết giờ này có đủ áo ấm và được no bụng, có thuốc men khi bệnh tật hay không" Chiến tranh rộng lớn hay chiếm tranh khoanh vùng ở một xứ sở nhỏ xíu như Việt Nam đều khổ - là mẫu số chung. Những người lính đã giã từ vũ khí nhưng không giã từ được sự uất ức trọn đời về cuộc chiến đã qua. Những người muôn năm cũ/ hồn ở đâu giờ... khi Nghĩa trang Quân đội Biên Hoà bị dân sự hoá để xoá dấu xâm lăng. Hỏi ai như hỏi mình, trong bóng đêm như cõi lòng xa vắng.
Tiếng ai quen lắm từ dưới bếp vọng lên như lời nguyền, thánh chỉ... "Anh ơi! cái nhà tắm đứng không xong rồi! Chiều nay dọn dẹp chỗ tường sau lưng cái tivi trong phòng ngủ. Em thấy tường bị thấm nước, anh phải coi lại cái nhà tắm đứng..."
Bao nhiêu viễn mộng bay vèo qua cửa sổ mỗi khi nghe tường thấm nước, trần nhà bong sơn, xe hư, nghẹt cống... máy giặt, máy rửa chén nghỉ chơi... Sống trong đời nô lệ vật chất làm cho những tư tưởng lớn; những tâm hồn thơ mộng trụi lá trơ cành bốn mùa viễn xứ.
Sáng hôm sau, gọi người bạn theo trí nhớ anh ta mới sửa nhà. Anh ấy nói, "thằng nhỏ thợ mới sửa cái nhà tắm trong phòng ngủ của tôi. Nó làm không hay lắm, nhưng cẩn thận. Được cái giao chìa khóa nhà cho nó, mình đi làm, không phải ở nhà coi thợ như mướn Mễ."
Nói rồi ù ơ chuyện nước thấm, vì có phải nước ngập đâu mà vội. Cố thu xếp thời gian để tự làm, "việc nước" phải tự làm mới yên tâm chứ không như lót gạch! Được hai tuần sống chung với nước thấm, vẫn chưa thu xếp được thời gian động thổ. Anh bạn lại gọi, "Ê, ông làm nhà tắm chưa vậy" Nếu chưa thì để thằng nhỏ làm nha. Nó kêu tui tối hôm qua, nhờ có mối nào thì giới thiệu giùm. Nó đang không có việc..."
"Thợ quái gì tệ vậy, thợ làm không hết việc mới là thợ giỏi, ông nói thiệt khó nghe! Chuyển nghề môi giới, tìm việc làm hồi nào vậy, ông kia""
"Mới qua ông ơi! Con nhà H.O thì chắc chắn là cha mẹ đã lớn tuổi, bản thân thằng này hiền lành, thậm chí hơi khờ. Tui cũng được người khác giới thiệu nó đến nhà sửa nhà tắm, nên giới thiệu tiếp cho ông... để trả thù! Ông có công nhận là mình cũng nên giúp con em H.O, vì nó cũng như mình hồi mới qua... Tôi có nói là nó làm không hay lắm, nhưng nhà tắm thì chỉ cần không thấm nước là được. Đẹp-xấu trong hóc, xó thì hề gì. Giúp nó đi!"
"Ừ, để tui coi!"
"..."
Nói xong với anh bạn mới chợt nhớ ra mình chưa nói gì với quá khứ! Một vài suy tư về lính cũ làm cho người ta thấy an ổn phần nào trong lương tâm chưa đủ. Nếu có thêm một chút trách nhiệm, đặc biệt là lòng thành sẽ an ủi người lính cũ nhiều hơn. Giúp con họ trong khó khăn bước đầu định cư cũng là giúp họ ổn định phần đời còn lại sau chiến tranh và ngục tù... những thấu hiểu và chia sẻ cụ thể có phần thô thiển hơn bó hoa, lời sáo rỗng ca tụng chú bác nhân ngày này tháng nọ... nhưng đời sống vốn thô ráp. Nghĩ ngợi nhiều không bằng làm một việc nhỏ cụ thể, có ích. Nhấc cái điện thoại gọi người bạn trẻ đang cần việc làm khi năm tàn tháng tận.
Anh bạn trẻ đến nhà vào sáng hôm sau, đúng giờ hẹn làm cho khổ chủ có cảm tình. Sau công đoạn xem xét và đáng giá (estimate), đi đến thoả thuận (final deal), "Vật tư anh tự mua, tự order, cho vừa ý anh, vì nhiều thứ anh nói ra em còn không biết! Tiền công thì cho em tám trăm. Em làm 3 ngày, chắc xong."
"Thôi được, cứ làm cho cẩn thận, anh cần cẩn thận. Ba ngày hay một tuần cũng không sao. Tiền công, anh sẽ gởi em một ngàn - với yêu cầu duy nhất là hết sức cẩn thận giùm anh, vì hệ thống ống nước được thiết kế âm trong tường, mỗi lần rò rỉ phải khui tường, phiền lắm!"
Anh bạn trẻ bắt tay vào việc hăng hái như quân khủng bố, đập phá bao giờ chả dễ hơn xây dựng. Kêu tụi đặt bom thử xây một ngôi đền thờ, tụi đó mà biết chết liền!
Khổ chủ để lại nhà cái remote garage cho thợ, để thợ có thể đi ăn, đi chợ khi cần... vật tư cần thiết lần lượt được chở về nhà theo những bữa trưa đưa về cho thợ. Anh bạn trẻ ngại quá, "Thôi đừng!..." Nhưng nhìn anh ta ăn phải tự hiểu là "Đừng thôi!" Trưa mai, anh đem về cho em nhiều hơn... cũng hết.
Không thể chối cãi là anh bạn trẻ rất hiền, dễ thương, chịu khó... chỉ bị cúp điện tháng hai lần; lần mười lăm ngày, nên trí óc mù u, không biết xoay sở, tuỳ cơ ứng biến với công việc gì hết. Sau công việc đập phá, tới phần sửa chữa. Nhìn anh ta thay cột trong tường đã coi không được, cắt đầu cột không vuông thì làm sao ăn ê-ke, cây chắc nhờ thế chứ đâu phải nhờ đinh, nhờ vít. Thợ gì cứ cắt cột hụt cả feet cho dễ lòn vô tường, rồi chắp nối với gốc cột cũ - khác nào bảo thằng què cõng thằng lành vì gốc cột cũ bị thấm nước, đã mục. Đến phần lên sheetrock càng coi không được, khu vực nước nôi mà độ hở cả lóng tay thì trét cỡ mấy, nước cũng lại thấm tường, tin tưởng vào đường ground của gạch sẽ cover mọi rò rỉ là sai lộn nghiêm trọng! Bao nhiêu ny-lon để cover sau lưng sheetrock - chống ẩm, đều không được xài vì khó làm chứ đâu phải chuyện chơi... Hết một ngày công của anh bạn trẻ đã đi qua. Đêm về, khổ chủ tháo gỡ hết một ngày vụng về của người thợ bất đắc dĩ. Càng thất vọng với từng mối nối, mặt vít không biết chọn vị trí đắc địa để thả vít chịu lực; chỗ dễ mà chắc thì không làm lại đi làm chỗ khó nhưng tác dụng kém. Công trình chỉ toát lên sự chịu khó, siêng năng của một người thợ vụng về, tối dạ, thiếu kinh nghiệm.
Sáng hôm sau đến, anh ta nhìn lại công trình của mình hôm qua trong ánh mắt ngượng ngùng. Người khổ chủ bỗng nhiên bận rộn, "Hôm nay anh phải đi làm sớm, em có thể bắt đầu lót gạch được rồi. Nhưng nhớ là loại ciment anh mua mau khô lắm đó! Trộn từ từ thôi nha, em trộn nhiều ciment là làm không kịp, không có thời gian chỉnh gạch cho ngay hàng thẳng lối..."
Thiệt là không yên bụng đi làm, nên bận cách mấy thì trưa cũng phải đáo về nhà. Đem cơm trưa về cho thợ hình như chỉ là cớ để khổ chủ theo dõi công việc. Chúa ơi! lòng người ta sao đa nghi. Mà cũng có phần đúng hệt. Những đồ parts của plumbing đã được mua sẵn nhưng thợ không thay gì hết, vì... không biết làm. Việc không nói làm thì làm, chả ai khiến thợ đi gắn gạch lên thành cửa sổ, làm màn cửa hết đường buông xuống được. Chả lẽ cửa sổ nhà tắm cứ mở sáng choang 24/24 cho hàng xóm coi! Vô phương với anh thợ ngẫu hứng như nhà thơ cách tân. Đêm về, khổ chủ lại tháo hết, làm mới tới khuya lắc khuya lơ... đã hết hơi còn đứng giữa hai làm đạn. Bên thợ: "Anh làm giỏi quá, em để anh làm nha. Nói thiệt, em có đi phụ hồ bên Việt Nam nên biết chút đỉnh. Sang đây, không giống bên Việt Nam."
"Chắc chắn rồi, nhưng làm một thời gian thì em biết hết chứ gì đâu mà lo. Chú mày siêng nhưng đúng là chưa làm qua nên không biết! Có gì không biết thì hỏi, anh chỉ cho. Đừng phí công, hao thời gian vô ích..."
Anh bạn trẻ hết ngại từ sau câu nói đó! Nụ cười chũm chĩm đã nở trên môi anh ta cũng dễ thương. Sáng nào cũng đến sớm để hỏi, "Hôm nay, ở nhà em làm gì""
Nhưng làn đạn bên phe đồng minh mới khó đỡ, "Hay anh coi, trả cho nó mấy ngày công, rồi ngưng đi. Mỗi tối anh về, siêng thì làm vài tiếng, chừng nào xong thì xong. Có đâu mướn thợ mà ngày nào anh cũng tháo ra hết những gì thợ làm trong ngày, sửa lại tới hai, ba giờ sáng... Nói ba ngày, nay đã cả tuần cũng chưa đâu tới đâu!"

Tự nhiên rồi hai anh em chung ông trời trở thành đồng minh để đối phó với mặt trời. Sáng nào cũng phải dặn kỹ cậu em ở nhà làm gì, làm gì... mấy cái khó để đó, tối anh về anh làm. Chú đừng tài lanh, làm hư, làm sai... Tối, anh phải tháo ra, là bị cằn nhằn... Người bạn trẻ đứt dây thần kinh thẹn vì đã coi ông anh ngang xương như người nhà nên cười trừ tỉnh bơ. Và hình như anh ta đã sống trong nhà này cả tuần nên mến chỗ thâm giao. Chiều, chị về là ngưng tay, ra bếp trò chuyện với chị một hồi. Ra sân chơi banh với cháu một chặp... Rồi tâm tình bên ngọn nến - hôm cúp điện, "Chị nấu cơm chiều, bỏ thêm nắm gạo, trưa mai em ăn qua bữa được rồi! Để ngày nào anh ấy cũng phải lật đật đem cơm trưa về cho em, cực anh ấy quá!"
Mặt trời từ giận dữ, hậm hực... tiền mất tật mang. Bỗng buông bỏ trước con người vô tư, cậu em ngang hông như ý trời, chữ "duyên" cửa Phật hiện nguyên hình trong căn nhà không hay nhang khói. Người ta phải có duyên mới gặp nhau để chấm chung chén nước nắm, gắp chung dĩa đậu xào... bỏ thêm nắm gạo từ tâm. Sau bữa cơm chiều từ đó, chị giỡ phần cơm đi làm hôm sau, dặn dò phần cơm trưa mai cho người em bé bỏng dại khờ trong tủ lạnh, vì công trình đã bỏ trống khoản "ngày hoàn tất" trong hợp đồng.
Một hôm gió thuận mưa hoà, người chị nói với cậu em: "Làm thợ ở Mỹ không có dễ đâu! Làm hư, làm sai, phải bắt đền người ta đó. Chị thấy em tay nghề còn lơ mơ lắm, không biết thì hỏi anh ấy chỉ cho, đừng nhắm mắt làm càn. Cả tuần qua mà em làm ở nhà Mỹ thì tiền đền đã hơn tiền công..."
Nói tới nói lui thì trong nhà đã thêm đôi đũa cái chén, chuyện bữa cơm không làm khó cho nhau như ở Việt Nam. Ngược lại, tiếng nói cười trong căn nhà bừa bộn, bụi bặm, bật lên ánh lửa nhân quần, que diêm nhỏ trong lòng người âm u cũng có lúc sáng lên trong đời bận rộn và hẹp hòi.
Dĩ nhiên công việc ngày càng khó hơn trước khi hoàn tất, người bạn trẻ viết note để trên bàn ăn, "Hôm nay em bận việc nhà nên không làm tiếp cho anh chị được. Tối nay em đến làm khuya, được không" Xin gọi cho em biết! Xin lỗi anh chị."
Khổ chủ vào hiện trường là thấy ngay, cu cậu quậy cả ngày vẫn không khoét được những lỗ tròn trên gạch cho ống nước chui ra. Xung quanh chỉ thấy gạch vỡ tứ tung, băng keo thấm máu. Đổ máu với đồng đô la bất hạnh như một dấu ấn lưu đày, nó động lòng trắc ẩn người ta. Thằng nhỏ lặn khỏi nhà trước giờ chị về với cái note trí trá, để tối tới là có anh về. Một thế lực đồng minh đáng tin cậy khi nó đã bó tay! Nghĩ nhiều cũng không bằng đi khoét cho nó vài miếng gạch, cho nó ít đồ nghề chứ nhìn cái thùng tool của thợ gì mà bỏ quên ngoài parking cũng không ai thèm nhặt. Vài cái búa, cái kềm của Trung quốc như đồ mã thì làm ăn gì với gạch USA cứng như qủy, giòn như pha lê.
Đêm ngồi khoan gạch còn phải trả tiền công cho thợ, - nhằm nhò gì với người lính biên cương sống chung với đạn thù còn bị hậu phương khiển trách: sao để tụi nó pháo kích hoài vậy" Kẻ thù dấu mặt trong chiến tranh chính là sự ngu dốt trong hoà bình; nó âm thầm phá hoại tài sản quốc gia... Muốn thịnh vượng chung, sáng mai phải tặng cho thợ mớ lưỡi khoan khoan gạch, mười hai đồng một lưỡi, made in USA. Chứ nó xài lưỡi khoan made in China thì chỉ đủ sức khoan gạch mục trên vạn lũy trường thành. Người ta làm ra đồ tools là để xài chứ không phải để cất làm của! Hay cho nó luôn mấy cái hole saw chuyên trị gạch với mable... những thứ đồ nghề mắc tiền đâu phải thợ nào cũng có thể mua.
Thằng nhỏ mừng như bạn gái nhận lời cầu hôn. "Em hứa với anh là em sẽ cất cẩn thận, không để mất..." Lại thêm một lời hứa ngớ ngẩn vì cho để làm chứ ai cho để cất. Rầy nó rồi ân hận khi niền vui qua mau. Trưa về, thấy thằng nhỏ ngồi lặng lẽ ngoài patio, mặt buồn như mất nước. Hỏi mấy lần nó mới hở môi, "Anh mua gạch cứng quá! Làm cháy cái máy cắt gạch của em rồi!" Nó mếu máo nói, "em mượn nợ ba trăm để mua nó đó... chưa trả hết nợ mà máy cháy mất tiêu rồi!" Mắt đỏ hoe trên gương mặt mệt nhoài và chán nản làm đau lòng con quốc quốc xa xôi... "Thôi đi, mày còn giữ receipt không" Theo anh đi chợ. Anh đổi cái khác cho... Không được thì anh mua cho cái mới."
Ra tới ngõ mới nhớ! Hỏi nó trên đường đi, "có nghe mùi khét, máy có bốc khói hay không"" Nó trả lời huề vốn là: "Đứng máy! Em đứng tim - còn biết gì!" Cũng may là chưa ra tới chợ cho Mỹ chửi hai thằng đầu đen ngu dốt. Quay trở về nhà, cắm điện máy cắt gạch lại như cũ, và bấm nút đỏ Reset đằng sau lưng motor, cái máy chạy lại ngoan hiền. Nó cười, nụ cười rạng rỡ trên gương mặt nước mắt chưa khô. Đã vội hứa, "Em dứt khoát làm xong hôm nay, làm tới sáng cũng làm..."
Hứa cho nhiều cũng vậy thôi! Mới 7 giờ tối, giờ bận rộn nên vợ kêu thì ắt là có chuyện! "Anh ơi! Chắc anh phải về chứ thôi cháy nhà. Nó hàn ống nước trong tường làm sao không biết, khói mù mịt tới alarm kêu inh ỏi. Tường cháy đen thui..."
Thiệt là hết biết tay nghề của thợ cỡ đó mà dám đi lãnh việc. Ai đời đi bắt chết ống nước vào cột nhà trước khi lát gạch, - lại không tính toán khoảng cách cần thiết để gắn nắm vặn mở-khoá nước. Bây giờ gạch đã khô, vòi bị hụt trong tường thì chỉ còn có đập ra làm lại. Thiệt là giận thằng nhỏ dại dột, nhưng nhìn nó mệt nhoài tới sắp đứt hơi còn ráng, lòng dạ đâu quở trách làm chi. Muốn cứu nó cũng không dễ, xả hàn trong lỗ gạch bé tí để hàn thêm một lóng adapter đâu phải chuyện dễ ăn. Thằng nhỏ lại không kinh nghiệm: Phải chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, phải rút nước trong ống và hàn nhanh trước khi nước trong ống dâng tràn thì chì mới ăn... Không biết nó có thử tay nghề đàn anh để kêu bằng sư phụ hay không mà gài game chết người! Khổ chủ lâu ngày mới cầm tới cái đèn khò bất đắc dĩ, trong hoàn cảnh chẳng đặng đừng. Cũng may bà độ trước trống canh ba, hai anh em thở phào - không phải đập tường làm lại.
Nó ngủ luôn ngoài sofa, không về nhà, không tắm rửa, không ăn... sức người có hạn thì nó đã đáo hạn mấy cú ngáp thiệt tình theo màn đêm buông xuống ngoài cửa sổ nhà tắm làm hoài không xong.
Sáng ra, chỉ còn việc lắp cửa là xong. Chúc cậu em may mắn trước giờ ngọ. Tiền công của em, anh để trên bàn. Làm xong, cứ để lại remote garage cho anh trên đầu bờ rào là Ok.
Tía má ơi! Mười giờ đêm mới về tới nhà, thấy xe nó còn ngoài cửa đã run. Bước vô nhà không thấy nụ cười thoát nạn trên mặt hiền thê - thêm rầu! "Nó quậy nát cái cửa anh order từ sáng tới giờ, vẫn không intall được. Em nói, thôi để đó đi. Mai anh nghỉ, anh lắp cho. Nhưng nó cứ ráng, càng ráng càng nát khung nát ốc... Anh vô coi đi, đã nai (nice) tới đây thì thôi đừng nổi nóng nha ông..."
Thiệt là khó lòng không nổi nóng với cái cửa mấy trăm bạc không nhiều, nhưng order đồ mới mà như đi mua cửa cũ về xài, trầy tróc tứ tung, lỗ khoan loạn xị... thì ai mà chịu được. Chỉ còn một đường binh là hãy nghĩ: Nó không làm gì cho mình thì mình có giúp nó không" Câu trả lời: "Không thể từ chối" đã đủ bình tĩnh để cứu mình trước khi cứu nó. Nghĩ cho cùng, muốn đi làm mướn ở xứ này cũng phải biết tiếng Anh chút đỉnh để đọc những hướng dẫn lắp ráp của nhà sản xuất. Đời lưu vong nó thế, cái không thể mất là quê mình thì đã mất. Từ đó, người ta sống đời thừa với ngôn ngữ, khí hậu, ẩm thực lạ xa...
Intall cái cửa cho thằng nhỏ mà cứ nhớ ông già H.O quét dọn trong bệnh viện Cambell, người đồng hương giúp mình đối phó với ngôn ngữ nghe được hết nhưng không hiểu gì hết của bác sĩ Mỹ, hồi mới qua. Ai không có lúc chảnh để trả thù đời, nhưng chừa người mình ra mới đúng chớ!
Cuối cùng, giây phút mong đợi mòn mỏi của đôi bên cũng đến. Thằng nhỏ mở phong bì đếm tiền làm khổ chủ khó chịu! Không lẽ đối xử của mình chưa đủ cho nó tin sao" Nhưng cứ để yên cho nó có tí cảm giác Bill Gate cũng đã sao. Ai dè thằng con lính có máu lính. Nó đếm đủ mười tờ Washington, ngắt ra ba tờ đưa chị. "Em lấy 7 trăm thôi, cảm ơn chị cho ăn cơm còn không rầy em làm lâu, làm sai tá lả... Em có mua lặt vặt thêm chừng mấy chục, em tặng chị luôn - không tính. Nó quay qua cảm ơn anh, đưa hai tờ cho sư phụ uống cà phê.
Phải như dân biểu biết xử sự sau vận động quyên góp như thằng nhỏ này thì bây giờ trong Quốc hội Hoa Kỳ đã đầy nhóc đầu đen. Đáng tiếc, đáng tiếc...
"Thôi đi chú em, cầm hết đi. Coi về giúp bà già được gì thì giúp. Làm ơn, mai mốt đi làm ở đâu mà không biết thì gọi anh chỉ cho, chứ đừng làm bừa. Không được đâu!"
Nó xách thùng đồ nghề thảm hại ra về hay đi vào tương lai cũng trật giuộc như mấy món đồ Trung quốc của nó. Nó đại diện cho rất nhiều người kém may mắn bên số ít thành công được báo chí ca ngợi như thánh sống, thần đồng trong cộng đồng người Việt lưu vong. Đêm ngồi ghi chép khó lòng phân biệt được nhân vật hay tác giả trong những chuyện viết về nước Mỹ.
Sáng gọi anh bạn đi uống cà phê, anh ta cười hề hề, "chửi đi, tui đã chuẩn bị nghe ông chửi. Nhưng chấp nhận vì thấy nó làm nhà tắm của tui. Tui nghĩ tới ông. Thằng này phải giao cho ông "dzợt" nó lại chớ thôi đi làm chỗ khác không đủ tiền đền."
"Nhiều người nhìn mặt khó ưa nhưng lòng lại dễ mến như bạn tui vậy đó!”
Phan

Ý kiến bạn đọc
07/02/201123:57:36
Khách
Tuyet vo+`i qua' ta'c gia? "Phan" o+i. You're my and my whole family's most fav. writer ! Ba`i vie^'t tra`n dda^`y lo`ng thu+o+ng ngu+o+`i, ma` la.i vui. A`, gio^'ng nhu+ la` "romantic comedies" ddo'. Xin ca?m o+n ta'c gia? Phan & mong ddu+o+.c ddo.c tie^'p nhie^`u ba`i cu?a ta'c gia? !
16/01/201104:09:17
Khách
Kinh Anh Phan kho 1 va kho 2 thay duoc long kieng nhan va thuong nguoi cua Vo Chong Anh . Hy vong nhung ai doc xong se suy nghi doi chut khi gap nhung buc minh va binh tinh xu su nhu Vo Chong cua Anh . Chuc Anh Vui va duoc nhieu suc khoe de con viet dai dai
16/01/201100:40:08
Khách
Em rất thích đọc bài của anh Phan. Bài của anh vừa vui vừa ý nghĩa. Lần nào lên Vietbao online em cũng kiếm bài của anh. Cám ơn anh rất nhiều.
04/02/201107:55:53
Khách
Anh Phan ơi,

Anh viết bài báo đoc nghe thắm thiết làm sao. Trong lời văn cũa anh có chút chân thật lẫn chút phê phán trong đó. Rất thiết thực

Tôi đã đọc rất nhiều bài viết cũa các nhà văn, nhưng ít thấy ai có cách viết giống anh , có chút gàn gàn cũa văn sĩ , có chút đạo lý làm ngươi` trong đó, và quan trong nhất là tình người việt với nhau. Rất mong được đọc thêm những sáng tác mới cũa anh
13/01/201122:42:11
Khách
Anh Phan , doc hai bai kho mot - kho hai cua anh . Rat chi tiet ve nhan xet tam ly con nguoi cung nhu ve cong viec . Mong duoc doc them cac bai viet khac cua anh ...
31/01/201105:28:47
Khách
Kink Su Phu Phan, hoi nao len day cung kiem doc truyen cua Anh. Tui dan Quangnom cung chien nua moc gio, bi chui hua, toi dan Quang cung chay tui luon. Ma nhu vay moi vui, cu tung tung zay ma muon hieu duoc cung dien cai dau phai khong sifu. Co thiet la ba xa cua Anh tuyet voi zay khong, chuc mung cho Anh. Co duyen toi duoc Dallas mong duoc dien kien.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,271,399
Captovan là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013.
Tác giả Trần Đức Lợi, nguyên là Giảng viên Giải phẫu và Phân loại Động vật học tại Đại Học Khoa Học/Tổng Hợp Huế, Việt Nam; hiên là Thạc sĩ Tâm Lý Trị Liệu,
Từ 2 tháng Bẩy 2017, Giải thưởng Việt Báo bắt đầu phổ biến các bài Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Christina N. Cao lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, bằng một tự sự kể về "Ngày Việt Nam" và cuộc diễn hành quốc tế
Bác sĩ Võ Văn Tùng, chủ tịch Hội Thân Hữu Huế-Thừa Thiên tại hải ngoại vừ mãn phần ngày 20-6-2017 và tang lễ được cử hành ngày 03 tháng 7, 2017.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Sau Lễ Mẹ, ngày Thứ Hai 29 sắp tới sẽ là Lễ Chiến Sĩ Trận Vong. Mời đọc thêm một bài viết mới của Phan. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Bài viết đầu tiên của tác giả phổ biến vào tháng Bẩy 2016, thời điểm bắt đầu năm thứ 18 Viết Về Nước Mỹ. Tên họ tiếng Việt của bà là Trịnh Thị Đông, sanh năm 1951, nguyên là giáo viên cấp hai,
Tác giả là cư dân Miami, từng nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Bài viết, của ông tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người. Sau đây là 2 bài mới nhất.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến