Hôm nay,  

Nói Chuyện Đi Cruise

05/12/201000:00:00(Xem: 200986)

Nói Chuyện Đi Cruise

Tác giả: Sapy Nguyễn Văn Hưởng
Bài số 3059-28359-vb7120410

Anh Hiên & chiếc Cờ ru Carnival Spirit.

Sapy Nguyễn Văn Hưởng, cư dân San Diego,  là tác giả đã hai lần nhận giải Viết Về Nước Mỹ: Giải bán kết năm 2001 bài  "Hoa Ve Chai", rồi  giải chung kết 2004, với  bài "Giọt Nước Mắt". Đây là một du ký kể về việc một kiến trúc sư gốc Việt là tác giả bản vẽ Đài Tưởng Niệm trong Trung Tâm Học Viện Thời Chiến Việt Nam Bang New Jersey. Sau đây là bài du ký mới của ông, với nhiều chi tiết và suy ngẫm đặc biệt.
***

Trước khi viết bài này tôi đã phân vân, không biết nên dịch tiếng "cruise" thế nào cho đúng. Tra tự điển tôi thấy dịch là: cuộc đi chơi biển, rồi còn mở ngoặc đơn giải thích: bằng tàu thủy. Tôi cũng nghe có người dịch: Đi Du Thuyền, hay Đi Du Lịch Trên Biển. Tôi cảm thấy mấy tiếng này nghe êm tai, sang cả nhưng vẫn chưa ổn lắm. Tôi sợ dùng nó rồi lại giống như trường hợp chữ "búp phê" (buffet) mà ở trong nước vẫn quen gọi là "ăn tự chọn". Tới khi nhận ra dịch như vậy chưa hẳn đúng, nên có người trộn luôn cả chữ Việt lẫn chữ Anh rồi trương lên bảng hiệu: "Nhà hàng ăn buffet tự chọn".
Cuối cùng tôi nghĩ thôi thì cứ viết nguyên là "cruise" như trong tiếng Anh. 
Theo tôi hiểu cruise là một hình thức du lịch chưa phổ biến rộng rãi lắm trong giới người Việt, nhất là người ở trong nước. Những ai muốn biết tường tận hơn, chỉ cần gõ vào trang "google" mấy chữ "cruise line" sẽ được các hãng chuyên tổ chức đi cruise giới thiệu về những chuyến hải hành của thương hiệu mình.
Bài viết vừa thảo được vài trang, thì chiếc Carnival Splendor, chiếc cruise đẹp và to nhất của hãng Carnival, trị giá gần 700 triệu mỹ kim, hạ thủy hồi cuối năm 2008. Vào lúc con tàu này chở theo gần 4,500 hành khách cùng thủy thủ đoàn trên đường tới nước Mexico, bỗng dưng một tai nạn bất ngờ xảy đến: Phòng máy bị bốc cháy, và vừa được tàu Hải Quân Hoa Kỳ kéo về bến cảng San Diego. Thêm một chút phân vân. Nhưng may mắn là tất cả mọi người có mặt trên tàu đều bình an.  Tôi tự an ủi, vậy là có thể  tiếp tục viết cho xong bài du ký.

*

Những tháng năm đầu hòa nhập vào cuộc sống mới, cứ đến cuối tuần là tôi hơi phiền cái ti vi, vì mở lên chỉ thấy toàn người Mỹ không thi nhau bỏ quả bóng vào rổ, lại tranh nhau trái banh cà na suốt từ sáng cho đến tận khuya. May là mỗi tối thứ bảy, trên đài ABC còn chiếu bộ phim truyện truyền hình "The Love Boat". Tuy tôi say sưa dõi theo hết cuộc tình lãng mạn này đến chuyện tình nóng bỏng khác, xảy ra ngay trên con tàu cũng như bao vùng biển đẹp trên thế giới. Nhưng từng  là thuyền nhân bị sóng gió biển khơi ám ảnh, nay nếu phải đi đâu bằng tàu thuyền, tôi đều xem như một cực hình. Vì vậy suốt mấy chục năm sinh sống ở San Diego, một thành phố nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp, và có biết bao thú vui chơi gắn liền với sóng nước. Nhưng tôi chỉ là người đứng ngắm nhìn biển từ trên bờ, hay cùng lắm bước dọc theo các bãi cát mịn màng.
Vì ngán biển đến vậy, nên  khi chị Nhung ngỏ lời rủ đi cruise, nhà tôi không chút đắn đo:
- Tôi sợ đi tàu thuyền lắm rồi, cứ nhớ tới chuyến vượt biển là tôi không còn muốn bước chân lên bất cứ con tàu nào nữa.
Anh Ngọc cười nhẹ bảo:
- Đó chính là nguyên do vợ chồng tôi rủ anh chị đi đó. Nhiều bạn bè cũng là "thuyền nhân", sau một chuyến đi cruise với tụi này về, là dứt hẳn căn bệnh sợ biển luôn.
Nhà tôi vẫn một mực từ chối:
- Nhưng anh Hưởng đi biển dở lắm, lên tàu là bị sóng vật ngay.
Chị Nhung chen vào:
- Tôi có khác gì anh Hưởng đâu. Xuống mấy chiếc tàu nhỏ, bị sóng nhồi một lúc là tôi phải lo tìm chỗ nằm.
Rồi chị nhìn sang tôi trấn an:
- Nhưng đi tàu lớn, không tròng trành như mấy chiếc thuyền nhỏ đâu. Tôi chịu được thì ai cũng chịu được cả. Mà anh chị có biết con tàu tôi rủ anh chị đi bao lớn không"
Vợ chồng tôi đều lắc đầu, chị Nhung hỏi tiếp:
- Anh chị có lên chiếc Hàng Không Mẫu Hạm Midway đậu ở cảng San Diego chưa" Chiếc này hồi 30-4-75 đã cứu hơn 4 ngàn người Việt mình đó.
Tôi gật đầu, chị Nhung hỏi thêm:
- Anh chị có xem phim Titanic chưa"
Tôi đáp:
- Xem rồi, Titanic quả vĩ đại, thật xứng với cái tên người ta đặt cho nó. Tiếc là nó lại vắn số.
Tôi nói xong, chị Nhung ôn tồn kể:
- Chiếc cruise mà chúng tôi định rủ anh chị đi tên là Carnival Spirit, mới hạ thủy hồi đầu năm 2000. Nếu đặt nó cạnh bên chiếc Titanic, thì Titanic phải đổi tên khác ngay. Carniaval Spirit dài 293 thước, ngắn hơn Midway chưa tới 3 thước tây. Anh chị sẽ được tận mắt nhìn rồi so sánh, vì chiếc Midway nằm ngay bên cạnh bến đi cruise. Carnival Spirit có cả thảy 1,062 phòng ngủ đủ loại, 12 tầng lầu, trọng tải 88,500 tấn, thủy thủ đoàn 930 người, có đủ nơi ăn ở cho 2,124 hành khách. Trong khi Titanic chỉ có 840 phòng ngủ, 9 tầng lầu, trọng tải 52,310 tấn, thủy thủ đoàn là 860 người. Lúc lâm nạn trên Titanic có 2,223 người, hơn hai phần ba đã thiệt mạng trong chuyến đi định mệnh đó.
Sự hiểu biết rành rẽ của chị Nhung đã lôi cuốn tôi nhập cuộc. Tôi hỏi tiếp:
- Chương trình đi như thế nào hả chị"
Chị Nhung đáp:
- Tôi dự tính: chuyến đi lần đầu cho anh chị dài 5 ngày thôi. Tàu rời vịnh San Diego chạy dọc theo bờ Tây nước Mexico, sẽ dừng lại 2 bến cảng: Cabo San Lucas; thành phố cực nam bán đảo California, và Ensenada cách San Diego trên 100 dặm đường.
Nhà tôi ngạc nhiên hỏi:
- Như vậy còn những 3 ngày phải ở lại tàu, mình làm gì trên đó"
Anh Ngọc cười:
- Tôi chỉ sợ với 3 ngày, anh chị không đủ thời gian "thưởng thức" hết những gì có trên chiếc cruise này thôi. Anh chị có biết khẩu hiệu quảng cáo của hãng Carnival này là: "Fun for all. All for fun" không" Anh chị muốn biết điều gì cứ "tra vấn" thoải mái. Tụi tôi sẽ cố gắng giải thích. Anh chị hiểu rõ ngọn ngành rồi thì đi mới vui.
Nhà tôi liền hỏi:
- Tôi thấy trên boong tàu Titanic và chiếc "The Love Boat" có cả hồ tắm nữa. Vậy chiếc cruise này có hồ tắm không anh"
Anh Ngọc đáp:
- Mỗi chiếc cruise là một khu ăn chơi, giải trí (resort) nổi trên biển, nên chiếc nào mà chẳng có hồ tắm. Có cả hồ có mái che cho người sợ bị ăn nắng lẫn hồ ở ngoài trời. Cạnh hồ tắm họ còn dựng một sân khấu lộ thiên dùng làm nơi chiếu phim, hòa nhạc và trình diễn các cuộc vui ngoài trời. Quanh chiếc hồ, ngoài bàn ghế xếp dọc theo hai bên thành tàu, dành cho khách ngồi ngắm cảnh, ăn uống, họ còn đặt vô số những chiếc ghế cho người ta nằm, ngồi phơi nắng, đọc sách,... luôn tiện thưởng thức các cuộc vui cho dù trời mưa hay nắng. Hai bên hông sân khấu có bar rượu, quày thức ăn nhanh như: hamburger, pizza, hot dog, french fries... Ở phía cuối con tàu trên tầng cao nhất, còn có cả nơi trượt nước (waterslides), một sân chơi đánh gôn (golf) nhỏ 9 lỗ, sân chơi bóng rổ, mấy bàn ping pong, một phòng tập thể dục đầy đủ tiện nghi có cả phòng "tắm hơi nóng (sauna), phòng tắm hơi nước (steam room)... Nhưng tôi thích nhất là con đường đi và chạy bộ chung quanh tàu. Nếu tôi nhớ không lầm thì đi giáp ba vòng cũng được hơn hai cây số. Ngoài ra còn nhiều phòng chơi cho trẻ nhỏ.
Nhà tôi lại hỏi:
- Tôi còn thấy trên tàu Titanic có chỗ nhảy đầm, hòa nhạc nữa. Vậy chiếc cruise mình đi có mấy thứ đó không anh"
Chị Nhung tiếp lời chồng:
- Về phương diện văn nghệ giải trí, trên cruise có nhiều thứ lắm, hầu có thể phục vụ cho đủ mọi giới thưởng ngoạn. Có nơi trình tấu nhạc cổ điển tây phương. Có sân khấu cho ban nhạc, ca sĩ trình diễn nhạc Đồng Quê, Rock & Roll. Còn có cả phòng hát karaoke, khiêu vũ trường,... Nhưng hấp dẫn nhất là các "sô" (show) ca vũ nhạc, tấu hài... trình diễn hàng đêm ở bên trong rạp hát.
Tôi ngạc nghiên:
- Trên tàu có cả rạp hát nữa sao"
Anh Ngọc đáp:
- Rạp hát ở trên cruise cũng khá lớn, tôi nghĩ có thể chứa tới cả 500 người. Đặc biệt nhất là những hàng ghế của khán giả, nó thoải mái, rộng rãi hơn so với mấy rạp hát ở Las Vegas mà tôi từng xem qua nhiều lắm. Ngồi tại rạp mà tôi có cảm tưởng như ngồi ở phòng khách nhà mình vậy đó. Còn sân khấu, hệ thống ánh sáng, âm thanh đều thuộc loại "sịn" hết. Các diễn viên xuất hiện ở khắp mọi nơi: Họ được đưa từ dưới hầm sân khấu lên, bay lượn từ trên không trung xuống, bước lên từ hàng ghế khán giả... Các sô chính thay đổi hàng đêm. Ngoài ra còn nhiều sô phụ khác do chính các nghệ sĩ đứng ra hướng dẫn rồi cùng với du khách trình diễn giúp vui cho khán giả. Tôi thấy đôi khi còn hấp dẫn, vui nhộn hơn cả mấy sô mà họ bắt chước theo trên truyền hình rất nhiều.
Tôi hỏi tiếp:
- Ngoài các cuộc vui thể thao, văn nghệ mà anh chị vừa kể ra, còn thú gì khác nữa không"
Chị Nhung đáp:
- Tôi thì thích khu "sóp pinh" (shopping) trên cruise. Tuy nó không lớn lắm nhưng cũng đủ giữ tôi ở đó mỗi ngày cả giờ đồng hồ. Phần mấy ông cũng có thể xuống dưới đó ngắm hoặc mua đủ các loại rượu, thuốc lá, đồng hồ,... đặc biệt là mua cái gì cũng miễn thuế hết. Nếu anh chị thích đỏ đen, trên tàu có cả một cái cassio với đủ các loại máy kéo (slot machines), những bàn chơi "xì dách" (black jack), "ru lét" (roulette), "đổ xí ngầu" (craps),... Họ còn tổ chức các cuộc thi đấu xì phé với nhau nữa. Riêng anh Hưởng nếu muốn viết lách thì cứ tới mấy nơi dành riêng cho người muốn yên tĩnh ngồi đọc sách, đánh cờ, nghe nhạc êm dịu, ngắm biển,... Tôi chỉ tiếc là chữ "all" trong cái khẩu hiệu "Fun for all. All for fun" là chỉ riêng người Mỹ gốc châu Âu. Chớ chữ "all" ấy nhắm vào người Mỹ gốc Việt thì còn vui biết là dường nào. Một chút nữa tôi quên, trên đó còn có mát xa (massage), tắm hơi, làm tóc, làm mặt cho cả quý ông lẫn quý bà nữa.
Nhà tôi chen vào:
- Còn phòng ngủ trên tàu như thế nào"
Anh Ngọc đáp:
- Tôi chỉ rành vé loại phòng ở phía trong thôi (Interior). Loại này cũng giống như vé "economy class" của máy bay vậy. Trên nữa thì còn mấy hạng khác như: Ocean View, phòng ốc thiết bị giống hạng rẻ nhất, nhưng thêm được cái cửa sổ nhỏ nhìn ra biển. Hạng Balcony; có bao lơn riêng. Rồi đến hạng Suite, Grand Suite giống như thuê một căn hộ với đầy đủ tiện nghi trên tàu.
Chị Nhung chen vào:
- Qua kinh nghiệm hơn chục lần đi cruise, tôi thấy đi hạng "cá kèo" thích hợp với tôi nhất. Phòng ốc vừa vặn cho mình ở, lại vừa cả túi tiền. Trong phòng trang trí chẳng những đẹp mắt mà lại gọn gàng, có đầy đủ mọi thứ tiện nghi cần thiết. Còn về sự sạch sẽ và cung cách phục vụ tôi chấm phải hơn cả hạng phòng ngủ 5 sao ở trên đất liền. Mỗi ngày bồi phòng vào dọn dẹp 2 lần, lúc chúng ta rời phòng đi ăn trưa và tối. Ngoài việc dọn dẹp gọn ghẽ ra, họ còn làm cho căn phòng vui tươi, sinh động hẳn lên bằng mấy con thú xếp bằng khăn tắm trông rất đẹp mắt. Mỗi chuyến đi tôi đều đặt các con "khăn thú" đó trên hai cái bàn ở đầu giường, dặn bồi phòng đừng "giết" chúng. Đến cận ngày về, căn phòng ngủ của tôi biến thành cái sở thú con con, trông xinh lắm. Tuy chỉ mua vé hạng rẻ tiền nhất, nhưng tôi có thể đoan chắc: mọi người được đón tiếp giống y như nhau, đều là thượng khách của chiếc cruise cả.
Tôi hỏi tiếp:
- Một bà làm chung hãng có kể với tôi: Chuyến đi cruise nào về bà ta cũng bị lên cân cả. Vì sao vậy hả anh chị"
Chị Nhung cười đáp:
- Theo tôi biết, chuyện ăn uống trên cruise là một trong những điều đáng nhớ nhất. Nhiều người thích đi cruise cũng bởi cái lý do ăn uống và cung cách phục vụ ở trên đó. Nói đến chuyện này hơi dài dòng một chút. Tôi nghĩ anh Ngọc rành rọt vấn đề này hơn tôi. Tôi chỉ muốn tọc mạch thêm một chút, là trên cruise có cả dịch vụ mang thức ăn tới tận phòng 24 trên 24 nữa. Nhưng tôi thấy ra nhà hàng ăn tiện hơn nên chưa thử qua cái kiểu ăn uống trong phòng ngủ lần nào.
Anh Ngọc tiếp lời vợ:
- Trên cruise ngoài vài cái nhà hàng nho nhỏ phục vụ riêng cho một số khách muốn trả thêm tiền. Còn có cái nhà hàng búp phê rộng lớn mở cửa suốt cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên sau 2 giờ khuya, chỉ còn món Pizza và cà phê, nước uống thôi. Tôi nghĩ như vậy cũng đủ giúp cho người thức đêm tạm no lòng. Ngoài ra còn rất nhiều quày nhỏ phục vụ bia rượu, nước uống, thức ăn nhanh,... Nhưng thú nhất phải nói tới cái nhà hàng ăn uống có người phục vụ cả ba bữa sáng, trưa và tối. Đặc biệt là bữa ăn tối. Khi đặt mua vé họ sẽ hỏi khách muốn dùng bữa tối sớm hay trễ. Sớm là 6 giờ chiều, còn trễ là có mặt tại bàn ăn lúc 8 giờ rưỡi đêm. Một khi chọn rồi thì trong suốt chuyến đi, mình sẽ ăn tối tại chiếc bàn đó và đúng vào giờ giấc đó mà thôi.
Nhà tôi hỏi thêm:
- Anh chị thấy giờ ăn nào tiện nhất"
- Ngồi vào bàn ăn sớm thì mất đi cái thú ngắm mặt trời lặn trên biển. Còn ăn trễ thì lên giường ngủ trong lúc bụng còn no óc ách. Tôi thấy được cái này thì mất cái kia, chẳng giờ nào tiện hơn giờ nào cả.
Tôi lại hỏi:
- Nếu không thích ăn ở đó thì sao"
Anh Ngọc nhún vai:
- Thì cứ việc ra nhà hàng búp phê ăn thôi. Nhưng tôi khuyên anh chị không nên bỏ một bữa ăn tối nào trong nhà hàng này. Vì mỗi bữa, ngoài việc được thưởng ngoạn một khung cảnh đẹp mắt, ấm cúng, thanh lịch ra còn tận hưởng thêm về cung cách phục vụ. Ở trên đất liền, tôi chưa tìm thấy một nơi nào tiếp khách tận tình, lịch sự đến như vậy. Ý tôi là chỉ so sánh với những nơi tính tiền ngang với giá cả chúng ta trả cho chuyến đi thôi. Tôi và các bạn từng đi cruise nhiều lần đều công nhận: khó có thể tìm được một nhà hàng nào ở San Diego, tính với giá khoảng 100 đô cho mỗi phần ăn tối mà được phục vụ chu đáo, khéo léo đến như vậy.
So sánh về giá cả xong, anh Ngọc kể thêm:
- Mỗi bàn ăn có tới 3 người trực tiếp chăm sóc cho thực khách. Bồi bàn là người lo chính. Nữ thì đẹp đẽ, duyên dáng, nam thì thanh nhã, lịch thiệp. Trao tờ thực đơn tận tay khách xong, nếu ai cần hỏi han gì, người bồi sẽ giới thiệu cặn kẽ từng món ăn một, sau đó mới trở lại hỏi xem khách muốn gọi loại đồ ăn thức uống nào. Kế đến là người phụ giúp cho bồi bàn, lo mấy việc lặt vặt như: châm trà, rót nước và mang thêm các thứ khách hàng cần hỏi đến. Rồi còn người quản lý cũng thường xuyên tới lui hỏi han, lắng nghe mọi yêu cầu hay ý kiến của thực khách. Những người phục vụ lúc nào cũng cổ cồn cà vạt, trong khi khách thì xềnh xoàng, đôi khi chỉ mặc quần ngắn, áo thun. Tôi vẫn nhớ bữa ăn cuối trong một chuyến đi, chị bồi bàn tươi cười, nhã nhặn nói lời chia tay: "Cám ơn quý ông bà đã cho tôi có dịp phục vụ. Mong rằng trong những ngày qua tôi đã làm hài lòng các vị. Và tôi cũng hy vọng sẽ có dịp tiếp tục phục vụ quý ông bà trong những chuyến đi cruise sắp tới"
Tôi lại hỏi tiếp:
- Thực đơn có thay đổi không anh chị"
Chị Nhung vội đáp:
- Có chứ! Thay đổi mỗi ngày. Bữa ăn món Tây, bữa món Ý, món Đức... Lúc tàu chạy trong hải phận Mexico thì thường phải có thức ăn đặc biệt của người Mễ rồi.
Tôi hỏi thêm:
- Tôi thấy phần ăn chính của người Mỹ đôi lúc hơi ít. Anh chị có khi nào bị đói không"
Anh Ngọc cười:
- Chữ đói tôi chưa hề thấy hiện lên trong đầu mỗi lần đi cruise cả. Anh chị đừng lo thiếu, chỉ sợ không đủ sức ăn thôi. Nếu cảm thấy phần ăn đó hơi ít, ta có thể gọi một lượt hai phần giống hoặc khác nhau. Miễn sao ăn đừng bỏ mứa là được rồi.
- Như vậy họ có tính thêm tiền không"
Anh Ngọc lắc đầu rồi kể tiếp:
- Suốt chuyến đi có vài hôm gọi là "formal night". Họ dặn thực khách tới nhà hàng trong buổi tối hôm đó nên ăn mặc cho đẹp. Bởi trước giờ ăn nếu muốn có thể chụp hình với vị thuyền trưởng. Đến gần cuối bữa ăn, vị bếp trưởng thường mời nhân viên của mình, vẫn còn đang mặc bộ đồ nấu bếp trắng toát, lên giới thiệu cùng chào hỏi thực khách. Sau đó tất cả khách khứa đều được mời đứng lên cùng đồng ca, vỗ tay, nhảy múa theo nhịp điệu bản nhạc nổi tiếng của quốc gia mà họ chọn nấu phần ăn chính cho buổi tối hôm đó. Nói chung mỗi bữa, chẳng những thực khách được vui vì đồ ăn ngon mà còn thưởng thức cả cung cách phục vụ đặc biệt, chu đáo nữa. Tôi nghĩ đó là nguyên do tại sao đi cruise về ai cũng lên cân. Nhưng tôi có một bí quyết để tránh lên cân.
Nhà tôi liền hỏi:
- Bí quyết gì vậy anh"
Anh Ngọc cười đáp:
- Lên tới trên tàu anh chị nhớ: tuyệt đối không đụng tới cái thang máy. Mỗi ngày với hàng chục lần lên xuống 11 tầng lầu, rồi anh chị lên trên boong đi chung quanh con tàu thêm cho tôi khoảng chục vòng nữa. Tôi đoan chắc dù chị ăn bao nhiêu đi chăng nữa vẫn giữ được mình hạc, eo thon.
Tôi lại hỏi:
- Ngoài việc thưởng thức ăn uống ra, anh chị còn thấy điều gì thú vị trong những chuyến đi cruise nữa không"
Chị Nhung đáp:
- Còn nhiều thứ lắm: chẳng hạn như mỗi khi tàu rời bến là lúc ngắm cảnh thành phố tuyệt vời nhất, còn là dịp tha hồ chụp ảnh nữa.
Tôi nhanh miệng:
- Tôi sẽ đem theo máy ảnh.
Chị Nhung dặn dò:
- Anh chị cũng nhớ đừng ngại ngần gì mỗi khi các thợ ảnh chuyên nghiệp trên cruise mời chụp. Khác với ở trên bờ, tới các "xì tuy đi ô" (studio) đều phải trả tiền trước, ảnh chụp đẹp hay xấu mình cũng phải lấy. Trên cruise có tới năm bẩy xì tuy đi ô khác nhau. Nên việc đi hết xì tuy đi ô này sang xì tuy đi ô khác chụp ảnh, cũng là một cái thú của tôi mỗi lần đi cruise. Tới lúc xem ảnh, thích thì mua, không thích thì chẳng tốn đồng nào.
Tôi sực nhớ ra một điều nên hỏi thêm:
- Còn việc cho tiền típ (tip) thì sao"
Anh Ngọc đáp:
- Nhân việc anh Hưởng hỏi về tiền típ, tôi cũng xin dặn anh chị thêm: là nhớ mang theo thẻ tín dụng còn hiệu lực. Visa, MasterCard hay American Express cái nào cũng được. Để trao cho nhân viên lo thủ tục làm thẻ lên cruise cho từng người. Tấm thẻ này ngoài công dụng là cái chìa khóa phòng ngủ ra còn dùng để lên xuống tàu và thanh toán mọi sự như: mua sắm, ăn uống,... ở trên đó trong suốt chuyến đi. Đến buổi chiều trước ngày cuối cùng, nếu không nghe ai nhắc nhở gì về việc tiền típ, thì biết ngay: họ đã tự động khấu trừ số tiền đó trong thẻ tín dụng của mình rồi. Mỗi người, mỗi ngày chỉ tốn độ 10 đô thôi. Tôi thấy con số này công bình với cả hành khách lẫn người phục vụ. Mọi chuyện mua bán trên cruise đều không dùng tiền mặt, ăn uống xong cũng không ai để tiền típ lên bàn.
Thoáng thấy chị Nhung liếc nhìn cái đồng hồ trên tay. Tôi vội hỏi:
- Nãy giờ nghe anh chị "dụ dỗ" đi cruise tôi thích lắm rồi. Nhưng chuyện đầu tiên tức là tiền đâu thì như thế nào"
Anh Ngọc đáp:
- Chuyến đi 5 ngày mà tụi tôi định rủ anh chị, mỗi người tốn khoảng 450 thôi.
Tôi vội ngắt lời:
- Nghĩa là chưa tới 100 đô một ngày cho tất cả mọi thứ đó hả"
Anh Ngọc gật đầu. Tôi ngạc nhiên:
- Sao mà rẻ quá vậy!
- Chờ lúc "xeo" (sale) sáu bảy chục phần trăm óp (off) thì đi, tội gì phải trả giá cao hơn. Mọi chuyện anh chị để chúng tôi lo cho. Có hai bà cùng tính là chuyện gì cũng xong.
Vậy là chuyến đi cruise 5 ngày cùng với anh chị Ngọc   Nhung và đôi bạn Vân   Lan đã êm ả trôi qua thật nhanh.
Nhờ sự tận tình chỉ vẽ của các bạn, tôi hưởng được nhiều điều thú vị hơn những gì đã nghe kể.

Vào đêm cuối, trong lúc mọi người tận hưởng các thú vui bên trong, vợ chồng tôi có dịp cùng nhau lên boong tầu ngắm sao.
- Em có nghe nói tới chòm Đại Hùng Tinh bao giờ chưa" -Tôi chỉ ngón tay về hướng những vì sao- Đó làm một chòm có 7 ngôi sao. Em thấy 4 ngôi sao mọc 4 góc giống như hình chiếc xe bò chưa"
Nhìn theo hướng ngón tay tôi chỉ một lúc, nhà tôi gật đầu. Tôi nói tiếp:
- Còn 3 ngôi sao kia sắp thành một hàng y như hình cái tay kéo của chiếc xe. Từ ngôi sao đối diện với ngôi sao nối vào cái tay kéo chiếc xe bò, em nhìn thẳng ra thì gặp một ngôi sao rất sáng. Đó chính là sao Bắc Đẩu, nó đang nằm ngay hướng trước mũi tàu của mình đó. Sao Bắc Đẩu giúp người đi trong đêm định được phương hướng. Nó cũng là ngôi sao anh thường tìm kiếm hằng đêm hồi còn ở tù cải tạo. Thấy nó là niềm ước mơ và hy vọng một chuyến vượt biển lại đến với anh.
Nhà tôi nói:


- Còn em thì đang nhớ tới chuyến vượt biển của gia đình mình. Chẳng biết đến bao giờ em mới quên được cái đêm hãi hùng đó. Mỗi lần nhớ tới là tai em như bị ù đi vì tiếng gầm thét của biển.
Tôi cũng ôn lại cái đêm hôm ấy:
- Khi đợt sóng đầu tiên chụp xuống, anh chỉ biết dùng chân ghì chặt lấy em, lúc đó em đang ôm thằng Duy, hai tay bám chặt vào thành tàu, miệng đọc kinh liên tục. Còn người anh cứ run lên bần bật theo mỗi đợt sóng đổ ập tới. Anh run vì mọi người thân yêu nhất của anh đều đang ở trên con tàu. Nếu lỡ có bề gì, làm sao anh gánh nổi mọi tội lỗi, bởi chính anh đã quyết định đưa cả gia đình ra đi vào giữa mùa biển động.
Nói chuyện sóng gió xong, tôi chuyển sang lúc biển êm:
- Anh cũng còn nhớ rõ chiếc tàu mà chúng ta gặp chỉ mấy chục phút sau trận bão. Lúc nó tới gần, anh cứ tưởng đó là một hòn đảo ánh sáng. Anh cũng không quên cảnh chú Thiện cột chặt chiếc áo thun cũ vào cái cán chổi, đem nhúng dầu đốt lên làm đuốc, rồi ra đứng trước mũi tàu quơ tới quơ lui kêu cứu. Nhưng chiếc tàu to lớn đó chỉ dừng lại ít phút rồi chạy mất.
Nhà tôi nói:
- Thật không ngờ giờ mình lại được ở trên một còn tàu lớn hơn hàng chục lần cái "đảo ánh sáng" đó.
Khơi lại chuyện cũ xong, cả hai cùng yên lặng hướng mắt ra khơi. Một lúc sau tôi quay sang hỏi nhà tôi:
- Em còn nhớ mấy hôm trước anh đọc cho em nghe một bài viết ngắn của Chu Dung Cơ không"
- Có phải cái bài nói về tuổi già không"
- Đúng rồi. Anh vẫn nhớ trong đó có câu: "Nếu dùng tiền mua được sức khỏe và niềm vui thì tại sao không bỏ ra mà mua" Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ."
Nhà tôi bĩu môi:
- Tại sao đầu óc ông Cộng Sản gộc này lại nhiễm toàn tư tưởng "cá nhân chủ nghĩa" không vậy" Ý anh muốn nói gì mà lại nêu mấy điều của ông ấy viết ra trong lúc này"
Tôi liền chia sẻ:
- Trong chuyến đi cruise này mình cũng dùng tiền mua được mấy thứ mà ông Chu Dung Cơ nhắc tới. Và anh còn nhận ra thêm: đây là chuyến đi biển thứ ba trong đời anh. Lần đầu theo bố mẹ từ Bắc vào Nam, lúc anh mới lên 7 tuổi. Đó là chuyến đi quan trọng nhất, nhưng anh chưa đủ trí khôn để hiểu vì sao lại phải bỏ làng, bỏ quê ra đi. Qua chuyến thứ hai, có em nữa. Cả hai ta đều hiểu rất rõ và chính là người quyết định  phải lao ra biển. Anh thấy chuyến đi đó tuy hãi hùng thật, nhưng so với nỗi thống khổ của nhiều "thuyền nhân" khác thì chẳng thấm vào đâu. Biết bao người không còn cơ hội nhớ lại những gì đã xảy ra. Có người sợ biển đến nỗi không dám nhắc tới chữ biển nữa.
Thấy nhà tôi vẫn lắng tai nghe, tôi tuôn hết mọi nỗi ngổn ngang đang chất cứng trong đầu:
- Anh thấy chuyến đi cruise này cũng quan trọng chẳng kém hai chuyến trước, nếu vợ chồng mình đồng lòng bỏ hết mọi nỗi ám ảnh, sợ hãi biển mà mình vẫn khư khư giữ lấy suốt suốt hơn nửa cuộc đời đã qua. Nằm giữa biển khơi đêm nay anh cũng chợt nghĩ lại: hồi mình mới đến Mỹ với thân phận người tỵ nạn và xem nước Mỹ chỉ là chốn tạm dung. Giờ thì tấm thẻ I-94, cái căn cước tỵ nạn đó không còn nữa. Mình đang là người Mỹ gốc Việt và nước Mỹ đã trở thành quê hương thứ hai của mình rồi. Đôi lúc anh cảm thấy người tỵ nạn như là một loài cây trái sinh ra ở Việt Nam, đã may mắn trôi dạt tới các vùng đất màu mỡ trên khắp thế giới. Sau mấy chục năm, giờ đã nảy sinh hoa trái. Nhìn phớt qua ai cũng bảo là: "cóc", "xoài", "ổi",... nhưng chúng to, đẹp và nhất là hương vị, màu sắc không còn thuần chủng nữa. Có nhiều người ăn khen ngon, lại cũng có nhiều người ăn ngon nhưng không khen. Nếu được một nhóm chuyên viên nhà vườn có tâm huyết nào ở trong nước chịu cải tạo lại đất đai, thật lòng muốn đem loại cây trái đó về trồng, anh tin chẳng cần mất nhiều thời gian, vườn tược Việt Nam sẽ không thua kém bất cứ vườn cây trái nào của các nước tiên tiến trên cái hành tinh xanh này. Phần chúng mình giờ đang bước vào cái tuổi già, cũng phải ráng tập quên, tập nhớ những điều cần quên, những thứ đáng nhớ, để không uổng phí đi cái giá của sự tự do mà mình đánh đổi bằng chính mạng sống mới có được.
Nhà tôi góp lời:
- Đêm nay em nhận ra mình hơi bất công vì đã gán cho biển là thủ phạm của mọi điều bất hạnh xảy đến trong lúc lao ra khơi. Nhưng thật ra những sự hãi hùng đó con người mới là thủ phạm chính: Người đã đẩy người ra khơi, người đã cướp bóc, hãm hiếp rồi chém giết người trên biển,... Còn nhờ có biển mà hàng triệu con dân Việt mới đến được bờ bến tự do, trong đó có cả gia đình ta nữa. Thử hỏi nếu không có biển và sự rộng mở vòng tay của nhân loại, thì làm sao có được cái cộng đồng người Việt hải ngoại thành công, lớn mạnh ở khắp mọi nơi như hiện nay!

*

Người viết và vịnh Tracy Arm.


Sau chuyến đi cruise lần ấy, vợ chồng tôi đã gởi mọi nỗi sợ hãi biển cả vào lòng đại dương và cũng thực sự bị cruise cuốn hút. Nhờ vậy mỗi khi cảm thấy cần thay đổi không khì là tôi thường nghĩ tới đi cruise. 
Đi một chuyến cruise cũng giống như tới dự một cuộc lễ hội, đình đám kéo dài liên tục suốt mấy ngày liền, nên càng đông càng vui. Vì vậy hễ định đi là tôi thường rủ thêm bạn bè hay người quen biết. Và đi lần nào tôi cũng ghi vào được lòng đôi điều đáng nhớ. Nhân đây tôi xin dông dài kể lại vài niềm vui, nỗi buồn của riêng tôi trong mấy chuyến cruise vừa qua.
Một lần, chúng tôi bay qua Puerto Rico, một đảo quốc thuộc địa của Hoa Kỳ, để từ đó lên tàu đi tới vài hòn đảo nhỏ trong vùng biển Caribbean. Mấy ngày lưu lại thủ đô San Juan, tôi đã nhìn thấy cuộc sống an lành, sung túc của người dân đảo quốc này. Trước hôm lên tàu, lúc vợ chồng tôi đang thả bộ ngang qua một vùng cảnh quan thoáng mát, tình cờ có một cậu thanh niên gương mặt sáng láng, nước da ngâm đen bước tới thân thiện gợi chuyện:
- Chào ông bà, chắc ông bà là du khách đến viếng Puerto Rico"
Tôi gật đầu rồi nhân tiện hỏi thăm:
- Đây là chỗ nào mà đẹp quá vậy cậu"
- Thưa ông, đây là Đại Học Puerto Rico.
Rồi cậu ta tự giới thiệu:
- Cháu tên là Juan Vila, sinh viên năm thứ 3 ngành Sử của trường đại học này. Còn ông bà là người nước nào vậy"
Cho dù mang thông hành Hoa Kỳ từ suốt mấy chục năm nay nhưng tôi vẫn đáp:
- Tôi là người Việt Nam.
Hai tiếng Việt Nam làm mặt Juan tươi lên, cậu liếng thoáng:
- Tuần lễ vừa qua, trong lớp học của cháu đã sôi nổi thảo luận về lịch sử Việt Nam. Nhờ đó cháu hiểu được dân tộc Việt chẳng những thoát khỏi sự đô hộ gần một ngàn năm của người Tàu, mà trong thế kỷ vừa qua còn đánh bại một lượt cả hai đế quốc Pháp và Mỹ.
Tôi chưa kịp nghĩ ra điều gì để nói với Juan về sự hiểu biết mà cậu vừa nêu ra, bèn hỏi trại đi:
- Puerto Rico nghĩa là gì vậy cậu"
- Thưa ông theo tiếng Tây Ban Nha Puerto Rico có nghĩa là "Bến Cảng Giàu Có".
Rồi Juan giải thích thêm:
- Mọi sự hiểu biết về đất nước Puerto Rico chỉ mới có từ khi Kha Luân Bố (Christopher Columbus) khám phá ra hòn đảo này. Ít năm sau đó nó trở thành thuộc địa của người Tây Ban Nha. Mãi cho đến đầu thế kỷ 20, Puerto Rico hoàn toàn nằm dưới sự cai trị của người Mỹ.
Ngẫm nghĩ một lúc, Juan nói tiếp:
- Dân Puerto Rico của cháu chỉ hơi giống trường hợp của dân Việt Nam một chút xíu thôi. Cùng lúc ông Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân đứng lên đánh đuổi quân Pháp, thì nơi đây ông Pedro Albizu Campos, cũng phát động phong trào khởi nghĩa chống Mỹ. Cuộc nổi dậy chỉ được đúng 3 ngày thì thất bại, phần ông Campos bị bắt giam. Riêng con số người bị thiệt mạng trong cuộc nổi dậy đó so với hàng triệu người nước ông thật chẳng thấm vào đâu. Sau này các cuộc tranh đấu bằng bạo lực như: âm mưu ám sát tổng thống Mỹ cũng được những người theo dân tộc chủ nghĩa thực hiện, nhưng đều thất bại cả. Kể từ đó muốn đạt được điều gì cho dân mình, các lãnh tụ chỉ đi theo con đường tranh đấu bất bạo động. Rồi lần hồi chính phủ Mỹ trao quyền bầu chức Thống Đốc, người lãnh đạo cao cấp nhất nước cho dân Puerto Rico. Về mặt chính trị dân nước cháu chia thành 3 khuynh hướng rõ rệt: một chỉ muốn Puerto Rico luôn là thuộc địa của Mỹ, hai là trở thành một tiểu bang của Hoa Kỳ và ba trở nên một quốc gia độc lập. Đã trải qua cả thảy 3 cuộc trưng cầu dân ý, lần nào cũng vậy, người dân Puerto Rico đều nhất quyết giữ nguyên thể chế hiện tại: là thuộc địa của Hoa Kỳ.
Juan nói y như một cậu học trò thuộc bài, say sưa giới thiệu về lịch sử chính trị của đất nước mình xong, cậu liền chuyển ngay sang lãnh vực kinh tế:
- Trước đây tuy tên nước được gọi là "Bến Cảng Giàu Có", nhưng nền kinh tế đảo quốc này chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nên cuộc sống của người dân rất nghèo nàn, vất vả. Ngày nay, Puerto Rico trở thành một điểm du lịch hấp dẫn trên thế giới, đồng thời còn là một trung tâm lớn về dược phẩm và sản xuất nhiều loại hàng hóa khác nhau...
Trong ít phút lắng nghe cậu sinh viên sử học nói về quốc gia mình, tôi rất hâm mộ lối diễn đạt rành mạch, khúc chiết. Juan chỉ nêu ra các dữ kiện chớ không nói gì về cái nhìn chủ quan của riêng mình. Cho nên tôi không hiểu cậu ta nghĩ thế nào về công cuộc khởi nghĩa của ông Pedro Albizu Campos. Đó là sự thành công hay thất bại đối với lịch sử Puerto Rico" Cậu ta nghĩ thế nào về hai tĩnh từ đối nhau: "độc lập - thuộc địa"" Nghĩ thế nào về chuyện dân chúng Puerto Rico chối bỏ việc đòi lại nền tự chủ bằng lá phiếu"
Nghe chuyện đảo quốc Puerto Rico xong, tôi ngỏ ý nhờ Juan đưa vợ chồng tôi đi thăm ngôi trường, cậu vui vẻ nhận lời:
- Cháu chỉ có thể đưa ông bà đến vài nơi tiêu biểu thôi. Chứ muốn nhìn tường tận, cháu nghĩ đi cả tuần vẫn chưa xuể.
Vừa đi Juan vừa hãnh diện giới thiệu:
- Đây là ngôi trường đại học lớn nhất Puerto Rico. Hiện có khoảng 65 ngàn sinh viên đang theo học. Ngân sách nhà trường lên tới hơn 1 tỷ 3 đô la...
Lúc đi ngang qua dãy nhà ăn (cafeteria), nhà tôi mời Joan:
- Cậu có thể dùng bữa trưa với vợ chồng tôi được không"
Juan khẽ gật đầu rồi đưa chúng tôi vào bên trong. Lúc sắp hàng chờ lấy thức ăn, tôi như nghe văng vẳng đâu đó một giọng nam trầm buồn đang hát bản "Bạn Tôi" của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh: "Bạn tôi sáng nhịn ăn lên giảng đường, bạn tôi sáng đạp xe hai mươi cây số, thằng đi dạy thêm, đứa làm tiếp thị, thằng làm quán cơm, tối về một gói mì tôm... ". Ngồi trước mâm cơm, tai tôi nghe Juan nói, mắt nhìn ra cảnh vật chung quanh, còn đầu tôi miên man với bao ý nghĩ: chẳng biết đến bao giờ sinh viên học sinh Việt Nam mới có được bữa ăn, có được ngôi trường như thế này! Những gì tôi nghe và thấy nơi đảo quốc chưa tới 4 triệu dân, vẫn còn là một thuộc địa, cứ xoáy mãi vào hồn, khiến hình ảnh quê nhà càng thêm trĩu nặng trong lòng tôi.

*

Chuyến đi Alaska 7 ngày cũng lưu lại trong tôi biết bao kỷ niệm. Chuyến đi đó tôi có được những tấm ảnh chụp ở ngoài trời vào lúc nửa đêm, không cần đến "phờ lát" (flash) mà ảnh rõ nét cả người lẫn cảnh. Tôi cũng háo hức thức dậy từ lúc 3 giờ sáng để chụp cảnh bình minh. Tôi còn được dịp lang thang trên đường phố Juneau thủ phủ bang Alaska, nơi ở và làm việc của người đẹp Sarah Palin, ứng cử viên thất cử chức vụ phó tổng thống nước Mỹ năm nào.
Nhưng hình ảnh gây cho tôi nhiều ấn tượng nhất là lúc con tàu rẽ vào Tracy Arm, nằm về phía đông nam Juneau. Vùng vịnh dài gần 50 cây số này chẳng những là cảnh đẹp của riêng Alaska mà còn cả đối với toàn thế giới. Khi con tàu đang từ từ tiến vào vịnh, hai bên bờ dốc núi thẳng đứng như mờ ảo dưới lớp sương mù. Đến lúc sương tan Tracy Arm rực sáng lên dưới ánh mặt trời. Nhìn những mảng băng trắng xóa tách rời khỏi khối băng đá khổng lồ lao xuống dòng nước giá lạnh bên dưới, tôi nghe quanh tôi nhiều tiếng thảng thốt kêu lên:
- Trời ơi kỳ diệu, lạ lùng quá.
Chuyến cruise này đã đưa tôi tới một vùng chưa có bước chân người, một vùng độc nhất vô nhị, cực kỳ hấp dẫn, ngoạn mục. Quang cảnh nơi đây mãi sẽ là một dấu ấn khắc sâu trong tôi.
Trong vùng vịnh bao la ngày hôm đó còn có thêm một chiếc cruise khác, là "chị em" của con tàu tôi đi. Với cái ống dòm trên tay, tôi nhìn rõ từng gương mặt hớn hở, thỏa mãn của biết bao người đứng ngồi trên chiếc tàu kia. Tôi như đang được dịp ngắm nhìn chính tôi vậy.
Mặt trời vừa đứng bóng chúng tôi đưa nhau vào nhà hàng, định tìm một chỗ thuận tiện vừa ngồi ăn vừa ngắm cảnh. Nhưng giờ phút đó, bên trong nhà hàng người người vào ra tấp nập. May thay, lúc chúng tôi đang dáo dác tìm chỗ, một đôi nam thanh nữ tú vừa đứng dậy, tươi cười khẽ nói:
- Ông bà lấy cái bàn này đi, hai đứa tôi ăn xong rồi.
Thế là chúng tôi có được một chỗ ngồi ngay bên khung cửa kính. Tôi cứ ngỡ mình đã thỏa mãn với tất cả những gì đang được hưởng thụ ở chốn bồng lai tiên cảnh này. Nhưng không, khi cắn miếng Hamberger, tôi lại ước ao nó biến thành khúc bánh mì chả lụa hay tô phở tái nạm gầu gân sách. Tôi cũng mơ quanh tôi mọi người chào hỏi nhau bằng tiếng Việt. Tôi nghĩ đến các vùng biển mình đã đi qua, suốt từ Đại Tây Dương, về tới Thái Bình Dương và sang cả Ấn Độ Dương. Tôi đem chúng ra so với cái bán đảo hình cong chữ S, có con đường biển chạy suốt từ Móng Cái đến tận Hà Tiên, dài hơn gấp đôi con quốc lộ nối liền Sài Gòn   Hà Nội. Chẳng những thế thôi, nó còn có thêm biết bao nhiêu hòn đảo lớn nhỏ thơ mộng. Bãi biển ở đó đẹp hơn các bãi mà những chuyến cruise đã đưa tôi tới rất nhiều. Ngay như nếu phải đem ra so với cái vịnh Tracy Arm thần tiên này, thì nó vẫn có mặt trội hơn. Cảnh nơi đây tuy đẹp nhưng chỉ để ngắm, để nhìn. Còn các bãi biển ở Việt Nam, làn nước lúc nào cũng trong, cũng ấm, cũng sẵn sàng để cho mọi người hòa mình vào cùng thiên nhiên, thỏa sức lặn hụp vui đùa với làn nước xanh, với các bãi cát trắng, đen, vàng. Tôi tự hỏi: chẳng biết đến bao giờ những chuyến cruise mới có dịp ghé bến Hà Tiên, Vũng Tàu, Nha Trang hay Hạ Long, Phú Quốc, Côn Đảo.

*
Chẳng phải tôi rủ ai đi cruise họ cũng đều đi đâu. Có lần tới rủ Minh, anh ấy lại bảo:
- Tôi cũng định đi cruise nhiều lần rồi, nhưng chần chừ mãi, vì sợ mang tội.
Tôi nhạc nhiên hỏi lại:
- Đi cruise thì mang tội tình gì"
- Tôi nghe có người bảo: Những người làm việc ở trên cruise là những nô lệ mới của thời đại.
Tôi hơi ngạc nhiên, ngẫm nghĩ một lúc rồi mới phân trần:
- Tôi biết: mỗi khi nuốt hạt cơm vào bụng là nuốt luôn hạt mồ hôi của người nông dân. Có được mâm cơm ngon hay bữa tiệc linh đình đều cần tới người nấu bếp, kẻ dọn bàn... Như vậy thì tất cả những người chuyên lo việc sản xuất, phục vụ đó đều là nô lệ hết hay sao"
- Đó là điều anh suy ra từ những gì anh thấy. Nhưng anh có thấy hết những gì xảy ra trên con tàu không"
Tuy tôi không tiếp tục tranh luận, nhưng điều Minh nói vẫn cứ lởn vởn mãi trong đầu tôi. Vì thế mỗi lần đi cruise tôi thường mở mắt to hơn, cố nhìn thêm những gì chưa thấy.
Nhiều khi một mình lang thang lúc trời còn ướt đẫm hơi sương, tôi thường len lén nhìn những anh chị công nhân cặm cụi lau rửa cái bàn cầu, quét dọn lại cái sàn tàu, hay luôn tay chùi đi chùi lại cái lan can, nơi khách hay tựa tay vào lúc đứng ngắm cảnh,... Họ tranh thủ, miệt mài làm việc để sáng ra mọi thứ đều sạch sẽ, đẹp đẽ dưới ánh mặt trời.
Cũng có lần tôi chia sẻ điều Minh nói ra với Hải, một anh bạn khác, và Hải cũng có cái nhìn tương tự như tôi:
- Chắc anh cũng biết trước đây tôi từng làm rất nhiều nghề như: dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, rồi tới rửa chén, bồi bàn. Chẳng lẽ tôi đã là một nô lệ mới của thời đại này hay sao" Tôi thấy: ở trên cruise mấy ngày là tôi được làm vua đủ mấy ngày. Lúc nào cũng được phục dịch chu đáo. Muốn ăn uống ngay trong phòng ngủ cũng có người mang tới. Nhưng hay một điểm là người phục vụ và người được phục vụ đều tôn trọng lẫn nhau, không ai nghĩ có kẻ trên người dưới.
Rồi mãi cho đến lần đi cruise hồi năm ngoái, vào lúc nửa đêm, trên tận tầng 10, tôi mới thấy thêm một cuộc vui chơi nữa mà trước đây tôi chưa từng biết.
Ngay cạnh bên cái hồ tắm xinh xắn. Có tới hàng trăm người đủ mọi lứa tuổi đang vây quanh anh "quản trò", đồng nhịp nhàng ca hát, reo hò, nhảy múa. Nhìn kỹ anh ta hơn tôi nhận ra anh này chính là vị giám đốc giải trí của con tàu. Tôi nhớ trong buổi trình diễn văn nghệ chiều hôm trước, anh tự giới thiệu anh là người Úc, ngoài 30 tuổi, đã có gần chục năm thâm niên làm việc trên những chuyến cruise. Nghe giọng anh nói, tôi có cảm tưởng nó hấp dẫn giống như nghe danh hề Hoài Linh nói giọng Phú Yên. Ngoài tài điều khiển duyên dáng trên sân khấu ra, khuya nay tôi còn thấy ở nơi anh thêm một người quản trò điêu luyện. Cả đám đông đồng loạt nhịp nhàng làm theo lời anh hướng dẫn. Tôi chỉ là người đứng bên ngoài mà cảm thấy như bị cuốn hút vào cuộc vui.
Qua chiều hôm sau, tôi bắt gặp anh giám đốc duyên dáng đang bước lên cái sân khấu nhỏ. Đến lúc tìm được chỗ ngồi, tôi mới hay mình đang dự một buổi giao lưu dưới hình thức "Hỏi   Đáp". Đa số các câu hỏi do hành khách nêu ra là để tìm hiểu về cuộc sống của những người làm việc trên tàu. Qua đó tôi mới biết: Có tới hơn 30 sắc dân được tuyển chọn rồi huấn luyện kỹ lưỡng để có đủ trình độ, khả năng phục vụ trên chiếc cruise này. Mỗi người thường ký giao kèo làm liên tục ít ra cũng trên 10 tháng trời. Mỗi ngày làm việc 12 tiếng, 7 ngày một tuần. Sau thời gian đó họ trở về nước nghỉ ngơi độ một hoặc hai tháng rồi lại lên tàu tiếp tục ra khơi.
Nhưng tôi quan tâm nhất đến một câu hỏi: "Tại sao ít thấy người Mỹ làm việc trên cruise"" Câu hỏi này có lẽ đã khiến cho vị giám đốc phân vân vì anh là người Úc. May thay, người phụ tá cầm chiếc mi cờ rô (micro) đứng lên "cứu nguy":
- Xin ông giám đốc cho phép tôi thay ông trả lời câu hỏi này.
Sau cái gật đầu đồng thuận, người phụ tá vui vẻ tự giới thiệu:
- Kính thưa quý vị, tôi là Bill Smith, một trong số vài người Mỹ làm việc trên chiếc cruise này. Câu hỏi mà quý vị vừa nêu ra đó rất hay. Tôi đã từng hỏi một số bạn bè người Mỹ mà tôi quen và biết rõ là họ rất thích được làm ở trên cruise giống như tôi hiện giờ. Nhưng khi hỏi tại sao họ không chịu nạp đơn xin việc, tôi đều nhận được một câu trả lời giống như nhau: "Vì Tôi Có Gia Đình"
Tôi những tưởng câu trả lời đến đó là xong, nhưng Bill vẫn tiếp tục nói:
- Tôi tin nếu quý vị hỏi những người ở các nước tạm coi là nghèo khó như Ấn Độ, Philippines, Indonesia chẳng hạn: Tại sao anh hay chị lại chọn công việc làm trên chiếc cruise này" Thì chắc quý vị cũng sẽ nhận được cùng một câu trả lời: "Vì Tôi Có Gia Đình"
Sau câu nói đó, chỉ có tiếng vỗ tay của tôi là to nhất. Ông Bill nhìn tôi mỉm cười, rồi tiếp tục trở lại với công việc của mình.
"Vì Tôi Có Gia Đình" câu trả lời đó hàm chứa bao nỗi niềm trong tôi. Sở dĩ tôi cảm nhận được ngay vì tôi mang hai thân phận: Thân phận là công dân của một đất nước hùng mạnh, và có nhiều cơ hội thăng tiến nhất trên quả đất này. Tôi không thể bỏ gia đình tôi suốt một thời gian quá dài để lên tàu làm việc kiếm tiền. Nhưng nếu tôi còn ở lại trong nước, chắc chắn tôi sẽ vui mừng khi nhận được một công việc như thế. Mỗi chuyến đi có thể kéo dài hơn gấp nhiều lần cái thời gian 10 tháng cũng được: "Vì Tôi Có Gia Đình". Tôi cũng từng nhiều lần dọ hỏi, nhưng vẫn chưa nghe ai nói là có người Việt Nam được tuyển dụng làm việc trên những chuyến cruise.
Từ chối là hy sinh. Chấp nhận cũng là hy sinh. Lại thêm một bài học nữa về hai tĩnh từ đối nghịch nhau. Suốt đêm hôm đó tôi thao thức, nghĩ đến bao cay đắng của thân phận người Việt Nam ra đi lao động ở nước ngoài. Nếu một ai đó nêu ra câu hỏi: Tại sao anh hay chị lại chọn con đường này" Tôi nghĩ chắc hầu hết đều có chung một câu trả lời: "Vì Tôi Có Gia Đình". Nếu thực sự chuyện "nô lệ mới" xảy ra như lời Minh, một anh bạn của tôi đã nghĩ như vậy. Tôi vẫn cầu mong cho người dân Việt đi ra nước ngoài lao động, được làm nô lệ trên các chuyến cruise hơn là làm việc trên bờ như bao tình cảnh mà tôi đã, đang nghe thấy và đọc được trên các báo đài.
Nguyễn Văn Hưởng

Ý kiến bạn đọc
25/07/201610:40:36
Khách
thích bài này
17/01/201203:21:31
Khách
like this
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,303,968
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.