Hôm nay,  

Đà Lạt 2010 Và Người Từ Mỹ Về

19/11/201000:00:00(Xem: 205953)

Đà Lạt 2010 Và Người Từ Mỹ Về

Tác giả: Nguyễn Đức Quang
Bài số 3044-28344-vb6111910

Tác giả là cựu sĩ quan, cựu tù cải tạo, đến Mỹ theo diện H.O.  từ 1990 và là cư dân Renton, tiểu bang Washington. Với bài viết "Thần Đồng" ký bút danh Nguyễn Quang, ông đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2008. Bài viết mới là một du ký về Đà Lạt 2010 cho biết trước 1975, tác giả từng gắn bó với thành thố hoa đào vàtốt nghiệp Chính Trị Kinh Doanh tại Viện Đại Học Đà Lạt. Dù cùng tên, cùng là dân học chính trị kinh doanh tại Đà Lạt, tác giả và nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang tại quận Cam, là hai người khác nhau.

***

Trước năm 1960, có nhiều tư liệu viết về Đà Lạt phần lớn là của người Pháp, có nhiều đề tài viết về Đà Lạt không gây nhàm chán vì không bị rơi vào cảnh biết rồi nói mãi khổ lắm.  Những bài khảo cứu, thơ văn nhạc về Đà Lạt của người Việt Nam chưa nhiều.  Có lẽ tác phẩm xưa nhất của người Việt viết về Đà Lạt là quyển Lâm Viên Hành Trình Nhật Ký của quan Thượng Thư Đoàn Đình Duyệt.  Tác phẩm này viết vào năm 1917 bằng chữ Hán.  Ngày nay có hàng trăm ngàn bài khảo cứu, thơ, văn, nhạc mô tả nhiều khía cạnh của Đà Lạt, do vậy, chọn một đề tài viết về Đà Lạt không dễ. 
Tháng bẩy năm hai ngàn mười, tôi trở lại Đà Lạt mục đích chính là để thăm anh bạn cùng phòng trong thời gian chúng tôi học tại Viện Đại Học Đà Lạt và thăm lại trường xưa Viện Đại Học Đà Lạt, quê hương tinh thần của tôi. Ở lại Đà Lạt ba đêm bốn ngày chỉ đủ để hai chúng tôi tâm tình và đi thăm một vài nơi. Tôi muốn ghi lại một vài kỷ niệm của chuyến đi. Viết về những hoài niệm xưa, thủơ chúng tôi sống tại thành phố Đà Lạt thì bạn bè tôi đã viết rất nhiều. Bạn bè gặp nhau nói về kỷ niệm thì không hết và không chán.  Viết về những kỷ niệm mà nhiều người đã viết thì chẳng khác gì bắt độc giả ăn cơm nguội.  Anh bạn tôi nói thà có cơm nguội ăn còn hơn không.  Tôi cố ghi lại đôi điều ít được đề cập đến.
Bát cơm nguội ghi lại cảm xúc và suy nghĩ của tôi về chuyến đi Đà Lạt ngắn ngủi đã để lên mâm.  Xin mời các bạn xơi. 
Đà Lạt, Thành Phố
Không Đèn Xanh Đèn Đỏ
Tôi đến Đà Lạt khoảng năm giờ chiều.  Đà Lạt có nhiều biệt thự mới to, những con đường lớn, những bồn hoa, nhiều biểu ngữ và cờ treo dọc theo những con đường.  Tôi không nhận ra Đà Lạt ngày xưa.  Tôi khen Đà Lạt sạch, đẹp và trật tự hơn thành phố Sài Gòn.  Tôi thêm:
- Đà Lạt sạch đẹp hơn nhờ mỗi năm có Festival Hoa cũng như Huế mỗi năm khá hơn nhờ mỗi hai năm có Festival Huế ...
Anh bạn tôi nói:
- Đang đại hội đảng và thành phố có hội nghị Năng Lượng Quốc Tế nên thành phố sạch chứ bình thường thành phố cũng bẩn.
Ngày hôm sau, tôi được anh bạn cho đi thăm một vòng quanh thành phố.  Thành phố đông đúc xe gắn máy và nhiều xe khách của công ty Thành Bưởi, Phương Trang và những công ty du lịch khác.  Đà Lạt là thành phố có hạng ở Việt Nam về dân số và số lượng xe. Tôi không thấy đèn xanh đèn đỏ trên các ngã ba, ngã tư, ngã năm tại thành phố Đà Lạt. Ngay cả khu vực trung tâm thành phố đông đúc xe cộ cũng không có đèn xanh đèn đỏ.  Những thành phố to nhỏ tôi đi qua như Huế, Đà Nẵng, Đồng Hới, Sông Bé... đều có đèn xanh đèn đỏ. Đà Lạt nghèo nên không có kinh phí để xây dựng những cột đèn xanh đèn đỏ chăng"  Chắc chắn là không. 
Nhìn bảng hiệu to lớn quảng bá những công trình xây dựng cho thành phố du lịch Đà Lạt tương lai, chứng tỏ Đà Lạt là thành phố giàu.  Hay vì Đà Lạt là thành phố cao nguyên nhiều đồi dốc nên không cần đèn xanh đèn đỏ.  Điều này cũng không đúng.  Thành phố Seattle của tôi nhiều đồi dốc dài và cao hơn Đà Lạt vẫn cần đèn xanh đèn đỏ.  Tôi nêu thắc mắc này với anh bạn tôi. Anh bạn tôi trả lời :
- Đà Lạt có ba cái không:  Thành phố không đèn xanh đèn đỏ, không xe xích lô và không máy lạnh.  Không đèn xanh đèn đỏ là đặc trưng của Đà Lạt.  Người Đà Lạt hiền lành, lịch sự thì cần gì phải có đèn xanh đèn đỏ. Đất lành sinh trái ngọt.  Ở đây không khí trong lành, khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp hiền hòa, con người ăn mặc đẹp.  Đến Đà Lạt tự nhiên thấy tâm hồn thanh thản, mọi buồn phiền tạm lắng, con người trở nên thánh thiện hơn.  Như vậy cần đèn xanh đèn đỏ làm chi.  Có đèn xanh đèn đỏ mà con người không biết tôn trọng luật giao thông cũng như không.
Tôi đồng ý với anh bạn nặng tinh thần địa phương.  Tôi đồng ý với bạn tôi vì tôi cũng mang nặng tinh thần địa phương như bạn tôi.  Đà Lạt có viện đại học Đà Lạt quê hương tinh thần của tôi không cần đèn xanh đèn đỏ vì con người Đà Lạt hiền lành lịch sự.              
Đỉnh Lâm Viên
Ngày xưa tôi có mơ ước: Cắm cờ Hướng Đạo trên đỉnh núi Lâm Viên.  Bạn tôi biết mơ ước của tôi nên đưa tôi tới khu du lịch Lang Biang.  Trước khi đi anh ta nói với tôi:
- Lên đỉnh Lâm Viên bây giờ khỏe lắm.  Có xe đưa lên tận đỉnh ...
- Tao muốn trèo lên đỉnh Lâm Viên.  Đi xe thì còn có ý nghĩa gì nữa.
- Thân lừa ưa nặng.  Bây giờ đâu có còn phải trèo leo gì nữa.  Đường trải nhựa lên tận đỉnh núi.  Đường dài sáu cây số mi có đi bộ nổi không"  Mi đi bộ thì mi đi một mình.  Tao đưa mi tới, rồi tao về nhà.  Khi nào mi xuống gần đến chân núi thì phone cho tao ra đón.
Tôi bỏ ý định trèo lên đỉnh Lâm Viên.
Khi lên đường, bạn tôi nói:
- Mi có bị đau tim không "
- Không. Nguy hiểm lắm sao"
- Cháu gái tao nói: "Lên đỉnh Lâm Viên không sợ không ăn tiền."  Sau chuyến đi, mấy bà sợ xanh máu mặt.  Mi đi, mi sẽ biết .
Chúng tôi đến khu du lịch Lang Biang.  Đám đông đang tranh nhau mua vé.  Một anh nhân viên nói với chúng tôi :
- Mua vé bây giờ cũng phải chờ khoảng một tiếng rưỡi đến hai tiếng mới có xe.
May mắn, bạn tôi có anh học trò là nhân viên của khu Du Lịch Lang Biang.  Anh học trò nói với chúng tôi :
- Thầy muốn đi thì em giúp.  Thầy trả tiền xăng cho tài xế.
- Tổng cộng phải trả bao nhiêu "
- Thưa, một trăm hai mươi ngàn.
Chuyến xe chỉ chở hai chúng tôi thay vì sáu người.  Có nghĩa là chúng tôi phải trả tiền cho cả chuyến xe.  Đúng là nhất thân nhì thế.  Chúng tôi được lên núi ngay, trong khi nhiều người mua vé trước chúng tôi phải chờ.  Tôi tự an ủi thế mới là cõi trần, nếu công bằng thì làm gì có câu đầu lưỡi thời xưa sinh viên chúng tôi thường nói C est La Vie.
Chiếc xe Jeep chở chúng tôi chạy trên con đường nhựa chỉ đủ cho hai xe du lịch chạy ngược chiều tránh nhau.  Đường dốc quanh co, xe lên, xe xuống chạy với tốc độ nhanh.  Đúng như cô cháu bạn tôi nói: Không Sợ Không Ăn Tiền. Tài xế lái xe quá giỏi, thật đáng khâm phục.  Bạn tôi cho biết chưa hề có tai nạn xẩy ra từ ngày khai trương.
Khoảng mười phút chúng tôi đã đến đỉnh núi.  Chúng tôi có bốn mươi lăm phút trên đỉnh núi. Đỉnh núi đã được san bằng chỗ thấp chỗ cao để xây những công trình như bãi đậu xe, nhà hàng ăn uống, nhà bán đồ lưu niệm, những kiến trúc cho du khách chụp ảnh.  Chúng tôi đi quanh khu du lịch để ngắm cảnh và chụp ảnh. Bạn tôi nói trong bài Lâm Viên Hành Trình Nhật Ký, cụ Đoàn Đình Duyệt có viết:  “Đứng trên đỉnh núi nhìn về phía tây thì thấy Kon Tum, phía đông thì thấy biển.”  Chúng tôi đi ra phía tây chỉ thấy núi và rừng thông đến tận chân trời.  Đi ra phía đông cũng chỉ thấy núi và thông không thấy biển. 
Về nhà, tôi mở computer để tìm đọc bài Lâm Viên Hành Trình Nhật Ký.  Nguyên văn bài dịch của Phạm Phú Thành như sau:  “Lại nghe nói gần Lâm Viên có một ngọn núi cao 2.200 thước tây là núi cao nhất Trung Kỳ.  Đã mở một con đường nhỏ để tiện lên núi ngắm cảnh.  Nếu đứng trên đỉnh núi này nhìn qua kính viễn vọng thì phía Tây thấy được nhà cửa của cư dân tỉnh Côn Tung (Kon Tum), phía Đông thấy tới biển.  Đây cũng do quý Khâm Sứ đại thần cho biết.”
Tôi nói với bạn tôi:  Mấy ông quan Tây nói dối để dọa quan Ta.
Những ngày ở Huế, tôi đến thăm ông cậu vợ.  Cậu vợ tôi là cựu huynh trưởng Hướng Đạo.  Tôi khoe với cậu vợ tôi về chuyến đi lên đỉnh Lâm Viên.  Ông cậu vợ nói với tôi:
- Đỉnh mà xe đưa cháu lên là đỉnh thấp không phải là đỉnh cao nhất của rặng Lâm Viên.  Từ ngọn núi thấp đi qua một cánh rừng nguyên sinh mới tới núi đỉnh cao nhất.  Trước 1975, sinh viên sĩ quan Đà Lạt phải leo lên đỉnh núi này mới được gắn Alpha.
Nghe ông cậu vợ nói, tôi sững sờ vì mình đổ tội oan cho mấy ông quan Tây.  Tôi nói: "Cháu mừng hụt tưởng mình đã đặt chân lên đỉnh Lâm Viên, nhưng thật ra mới chỉ được xe đưa lên ngọn thấp của dẫy núi Lâm Viên.  Thôi thì hẹn lần khác hay hẹn kiếp sau, ta sẽ cắm cờ Hướng Đạo trên đỉnh Lâm Viên."

Viện Đại Học Công Giáo
Đà Lạt Không Còn
Viện Đại Học Công Giáo Đà Lạt may mắn hơn Viện Đại Học Phật Giáo Vạn Hạnh và Viện Đại Học Hào Hảo.  Viện Đại Học Đà Lạt chỉ đổi tên thành Trường Đại Học Đà Lạt và vẫn là một cơ sở giáo dục cấp đại học với đầy đủ các phân khoa.  Viện Đại Học Vạn Hạnh trở thành cơ sở 2 của trường Đại Học Sư Phạm. Viện Đại Học Hòa Hảo một cơ sở biến thành Trường Đảng, một cơ sở biến thành Sở Thông Tin. 
Từ một viện đại học Công Giáo biến thành trường đại học của nhà nước Cộng Sản nên những di tích về tôn giáo cũng dần dần biến mất.  Trước hết là cây thánh giá của Nhà Nguyện được thay bằng ngôi sao đỏ trong năm 1976 để kịp ngày khai giảng khóa đầu tiên của Trường Đại Học Đà Lạt. 
Trong email gửi lên diễn đàn Thụ Nhân ngày 16 tháng 7 năm 2008 anh B, viết: "Cuối năm 2005, khi làm Đặc San khóa 7, 35 năm sau nhìn lại. Giáo sư Phó Bá Long trao cho tôi bài viết bằng tay “Cây Thánh Giá Trên Tháp Năng Tĩnh” mà tác giả là bác Hương Bình, người trông coi sửa chữa các phòng ốc trong VĐH Đà Lạt trước 1975.  Sau đó, tôi đánh máy bài viết này và in trong ĐS K7, trang 196   197.
Đây là một tài liệu xác thực về cây thánh giá trên nóc Năng Tĩnh, do chính người làm "ngôi sao" để phủ cây thánh giá tường thuật lại các chi tiết.  Xin hạ tải bài đính kèm."
Cuối bài Cây Thánh Giá Trên Tháp Năng Tĩnh, tác giả Hương Bình viết: "Ngày nay đã 30 năm trôi qua, cây thánh giá vẫn đứng vững trong lòng ngôi sao và dang hai cánh đỡ ngôi sao đứng sừng sững giữa khung trời đại học".   Nghĩa là cây thánh giá vẫn còn cho đến ngày nay.  (Xin đọc nguyên văn bài Cây Thánh Giá Trên Tháp Năng Tĩnh trong phần chú thích.)
Những năm sau, tôi không biết vào năm nào, tượng Đức Mẹ Maria bằng thạch cao trên bức tường trong Nhà Nguyện bị xóa bỏ.  Và tượng Mẹ Maria trước giảng đường Spellman không còn thấy nữa.
Nay Viện Đại Học Công Giáo chỉ còn lại một ít di tích trong khuôn viên  Trường Đại Học Đà Lạt.  Thứ nhất là những bức ảnh của những vị linh mục cựu viện trưởng Viện Đại Học Đà Lạt được trưng bầy vào năm 2008 trong Thư Viện mới cùng với những bức ảnh của các vị hiệu trưởng Trường Đại Học Đà Lạt.  Thứ hai phòng vi tính Frere Nguyễn Văn Kế, Phó Viện Trưởng kiêm Giám Đốc Đại Học Xá Viện Đại Học Đà Lạt, được xây dựng năm 2008 do tiền của một cựu sinh viên trường CTKD, Viện Đại Học Đà Lạt tặng.  Thứ ba là những phần học bổng của cựu sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt tặng cho sinh viên Trường Đại Học Đà Lạt. 
Ngày nay Trường Đại Học Đà Lạt có những giảng đường và một thư viện mới to lớn đồ sộ. Những giảng đường, những khu đại học xá cũ kỹ nhỏ bé như Thụ Nhân, Spellman, Hội Hữu, Lầu I, II, III, IV, V đã được thay tên và chiếc cầu gỗ nhỏ mầu đỏ xinh xắn gần giảng đường Spellman rồi trong tương lai có lẽ sẽ được thay thế bằng những tòa nhà to hơn, tân tiến hơn để đáp ứng với nhu cầu sinh viên gia tăng từ ba ngàn sinh viên trước năm 1975 lên tới hai mươi hai ngàn sinh viên hiện nay.
Cũng cần ghi nhận điều lạ là năm 2008, nhà trường làm lễ kỷ niệm 50 thành lập Trường Đại Học Đà Lạt.  Có nghĩa là người Cộng Sản công nhận Trường Đại Học Đà Lạt và Viện Đại Học Đà Lạt là một.  Trường Đại Học Đà Lạt là trường tiếp nối của Viện Đại Học Đà Lạt.
Viện Đại Học Đà Lạt đã đổi thay, nhưng có hai điều chắc chắn không thay đổi.  Một là tình yêu của tôi với Viện Đại Học Đà Lạt vẫn còn mãi, Viện Đại Học Đà Lạt vẫn là quê hương tinh thần cho tôi nương tựa.  Thứ hai là khi tôi bước thong thả trên con đường dốc ngắn ngủi từ cổng viện đến ngã năm viện đại học.  Tôi còn nhớ tiếng nổ dòn của những chiếc xe Lambretta ba bánh đang đổ sinh viên trước cửa viện, tôi còn nhớ những hình bóng của những bạn ở khu Võ Tánh đang thả bộ trên đường đến cổng viện.  Hôm nay tôi không thấy xe Lambretta ba bánh, nhưng tôi thấy những xe gắn máy hai bánh chạy trên đoạn dốc này và vào cổng trường.  Tôi thấy những sinh viên đang đi về phía cổng trường.  Điều không thay đổi trong hai hình ảnh này đó là tinh thần hiếu học.  Hiếu học là truyền thống của dân tộc ta.  Truyền thống hiếu học đã vượt lên mọi tranh chấp và đã giúp đất nước Việt Nam mãi mãi trường tồn.  Con đường lên dốc Viện Đại Học đối với sinh viên chúng tôi lúc nào cũng giống như La Rue Vers L or của dân Mỹ hướng về tương lai tự do và giàu có.

Dấu Chân Trên Lối Cũ,
Tưởng Nhớ Người Xưa
Tôi nhớ những câu thơ Ly Sa viết :
Còn chăng là giấc chiêm bao
Nhặt bao nhiêu lá, lá nào còn xanh "
Phải chăng khi đã lìa cành
Lá nào cũng mất màu xanh lâu rồi!
"Trước 1975, bà thị trưởng Nguyễn Thị Hậu đã xuất tiền mua hạt giống hoa rải khắp hai bên đồi thông của dinh thị trưởng.  Đồi lúc nào cũng đầy hoa:  Cúc dại, glaieul, bồ công anh xen lẫn mùi hoa thông, trắc bách diệp, mimosa.  Thỉnh thoảng lại có mùi lan rừng, ổ rồng.
Hôm nay đi qua con đường trải nhựa phía sau dinh thị trưởng, nhà cửa nhấp nhô san sát đã lấy mất mùi thơm của cỏ cây hoa lá ...
" Hôm xưa đi trên con đường được chúng tôi đặt tên là con đường tình yêu Route D’amour, con đường dốc nhỏ dẫn từ Lữ Quán Thanh Niên đến Hồ Xuân Hương. Con đường yên tĩnh, hiền hòa, đầy màu xanh của thông và dương sỉ.  Tôi đi và nhớ người con gái xóm ga xứ Huế. 
Hôm nay đi trên con đường này, con đường vẫn nhỏ,không thay đổi, nhưng có nhiều nhà nhỏ xây chen lẫn những biệt thư cũ.  Một biệt thự biến thành quán cà phê.  Hỏi ra đây là của Huỳnh Chùm, một cựu sinh viên của Viện Đại Học Đà Lạt và là một nhà thơ của xứ sương mù.  Xưa và Nay, tôi không biết con đường này tên gì.  Ngày xưa chúng tôi gọi là con đường Tình Yêu. Học sinh, sinh viên Đà Lạt hiện nay có gọi đường này là Con Đường Tình Yêu như ngày xưa chúng tôi đặt tên cho nó không"...
Tôi đi trên đường và nhẩm lại từng tên những bạn bè sống cùng tôi ở Lữ Quán Thanh Niên, nhớ hình ảnh xóm ga Huế và người con gái tôi yêu ... Tôi vẫn nhận ra đây là con đường Tình Yêu ngày xưa.  Tôi biết tôi vẫn còn yêu Đà Lạt, người con gái xóm ga Huế và bạn bè tôi  ...
"Đi qua khu Ngọc Lan.  Nhớ bát phở với những miếng nạm dầy mềm và hũ hành ngâm dấm. Bạn tôi nói: ông chủ tiệm phở Ngọc Lan đã qua đời. Con ông không nối nghiệp được nghề nấu phở của cha.
"Đến khu Hòa Bình nhớ người ăn mày mặc áo hoàng bào mặt lúc nào cũng đỏ gay, miệng lúc nào cũng chửi lũ ăn hại đái nát. Bạn tôi nói:  Ông vua Hòa Bình đã băng hà rồi.
Ngày xưa ông vua Hòa Bình chửi lũ ăn hại đái nát.  Ngày nay ai nối ngôi ông ...
"Vô uống cà phê Tùng.  Vẫn ghế da cũ, vẫn ba bức tranh xưa. Chủ nhân mới nối nghiệp cha.  Bạn tôi nói :
- Đà Lạt bây giờ có rất nhiều quán cà phê. Cà phê Tùng là quán cà phê của giới nghệ sĩ. Cà phê Tùng có giá rẻ nhất Đà Lạt.
- Tại sao "
- Giới nghệ sĩ nghèo làm gì có tiền để chém. Ngày nay giới sinh viên học sinh ít vô cà phê Tùng.
- Tại sao "
- Mấy ông nghệ sĩ tóc dài coi cà phê Tùng như trụ sở của hội nghệ sĩ nên ngồi cà kê dê ngỗng hàng tiếng đồng hồ, nói ồn ào đủ mọi truyện trên trời dưới đất.  Có xe khách xuất hiện, mấy ông tất bật xách túi máy ảnh chạy tưởng như có biến cố gì lớn ...
"Xuống chợ Hòa Bình, trên vỉa hè phía đối diện với vũ trường Tulipe xưa, buôn bán trái cây nhộn nhịp.  Người bán toàn là người Việt.  Tôi không thấy một người Thượng bầy bán những bó củi nhóm bếp, hoa lan hay món đồ khác.  Bạn tôi nói:  Ngày nay nhà nào cũng dùng bếp ga, bếp điện thì cần gì đến bó củi nhóm bếp nữa.  Hoa lan thì người ta sản xuất hàng loạt trong các nhà kính vừa rẻ vừa đẹp ...
"Nhìn lòng hồ Xuân Hương và cầu ông Đạo còn bộn bề ngổn ngang lòng nôn nao buồn. Sớm muộn gì, một năm, hai năm Hồ Xuân Hương cũng lại có nước, cầu Ông Đạo sẽ to hơn.  Nhưng ... xin ghi lại lời của một ông già Đà Lạt: "Trước 75 và sau 75 người ta đều gọi là cầu Ông Đạo.  Hiếm ai gọi là đập Ông Đạo.  Đập cầu Ông Đạo thì dễ. Đập đập Ông Đạo thì khó.  Đập xây vững chắc hơn cầu cả vài chục lần.  Nếu cứ để đập Ông Đạo và xây thêm bên cạnh một cầu to bằng đập Ông Đạo thì vừa nhanh vừa đỡ tốn công quỹ.  Nhất là không phải làm một con đường giữa hồ..."  Không biết, trước khi thực hiện công trình, nhà nước có công bố cho dân biết để góp ý không"    


"Nhìn lên Đồi Cù, lòng ngao ngán.  Biết bao giờ người dân Đà Lạt mới được đi, được nằm trên Đồi Cù như chúng tôi ngày xưa.  Tôi chắc chắn không một người dân Đà Lạt nào muốn biến Đồi Cù thành sân Golf.  Cũng như không một người Huế nào muốn biến đồi Vọng Cảnh thành trung tâm khách sạn, khu giải trí vui chơi.  Đồi Cù đã mất, đồi Vọng Cảnh vẫn còn
"Bạn tôi dẫn tôi đến tiệm phở Bằng, quán phở lâu đời nhất của Đà Lạt.  Cô con gái nối nghiệp bố mẹ.  Ăn xong, bạn tôi hỏi:
- Thế nào"
- Không ngon bằng ngày xưa.
- Mi là thằng hoài cổ.  Hơn nửa thế kỷ rồi làm sao mi nhớ được vị phở ngày xưa mà so với sánh.
- Khác xưa rõ ràng. Nhìn đĩa rau thì biết.  Ngày xưa, đĩa rau chỉ có húng quế, ngò tây và xà lách đắng.  Bây giờ, húng quế và giá sống...
"Đi qua phở Đắc Tín.  Phở Đắc Tín không còn. Nhắc tới ba cô con gái của ông bà chủ quán.  Bạn tôi trả lời:  Không biết ông bà Đắc Tín đi đâu, sống hay chết. 
"Đi đến ngã ba chùa Linh Sơn Võ Tánh.  Hỏi quán cơm Ba Dế đâu.  Bạn tôi trả lời:  "Ba Duế bán nhà và đi đâu không biết".  Ai nấu cơm cho sinh viên ngoại trú"
"Vô viện Đại Học nhìn phòng ăn của sinh viên Đại Học Xá ngày xưa, nay được sửa chữa và xây thành hình chữ U để làm thành khu liên hợp gồm phòng học và phòng thí nghiệm.  Hỏi ông Thầu còn sống hay đã chết.  Bạn tôi trả lời:  "Cách đây không lâu có gập bà thầu.  Không thấy ông thầu.  Chắc ông thầu đã mất. Bà thầu đã già lắm rồi ". 
Ai nấu cơm cho sinh viên nội trú"
"Hỏi những người cũ nay còn ai làm việc cho trường Đại Học Đà Lạt"  Bạn tôi trả lời:  Tất cả nhân viên cũ hoặc đã qua đời hoặc đã về hưu.
Đà Lạt thay đổi. Nhiều người bạn tôi thất vọng.  Họ thất vọng vì Đà Lạt phát triển lộn xộn không có kế hoạch, rừng Đà Lạt bị tàn phá, Đà Lạt không còn lạnh như xưa, Đà Lạt không còn sương mù.  Đà Lạt không còn đẹp như xưa.  Đà Lạt ngày nay không còn đẹp và thơ mộng như Đà Lạt ngày xưa  của họ nữa.  Các bạn tôi nhận xét rất đúng.    Nhưng "có ai tắm được hai lần trong một dòng sông" như nhà văn người Đức Hermann Hesse viết trong quyển tiểu thuyết Câu Truyện Dòng Sông.  Đà Lạt cũng thăng trầm theo vận nước. Đà Lạt đâu phải của thực dân Pháp, đâu phải của triều Nguyễn, đâu phải của Đệ Nhất Cộng Hòa, đâu phải của Đệ Nhị Cộng Hòa, đâu phải của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa, và đâu phải của """"" trong tương lai.  Đà Lạt là của dân tộc Việt Nam.  Hiện nay tôi sống tại thành phố Seattle, năm nay là năm thứ 18.  Tôi chưa bao giờ ở một thành phố nào trong một thời gian lâu như tôi ở Seattle.  Thành phố Seattle có nhiều điểm giống Đà Lạt.  Nhiều người Việt Hải Ngoại ví Little Sài Gòn của CA là Sài Gòn và Seattle là Đà Lạt.  Seattle có nhiều đồi dốc, sương mù, rừng thông như Đà Lạt.  Seattle có hồ, có núi như Đà Lạt. Seattle có hoa đào như Đà Lạt.  Nhất là người Seattle cũng hiền lành dễ thương như Đà Lạt.  Trở về Đà Lạt, thành phố tôi chỉ ở bốn năm trong thời gian học đại học, đi trong thành phố với bạn tôi, tôi vẫn thấy thân thuộc, ngọt ngào, ấm cúng ... Tôi nhìn Đà Lạt bằng trái tim không bằng con mắt. Tôi trót yêu Đà Lạt. Đà Lạt thế nào tôi vẫn yêu. 

Số Phận những Luận Văn
Luận văn tốt nghiệp của tôi có tựa đề Thử Tìm Một Đường Lối Ngoại Giao Của Nước Việt Nam Thống Nhất Qua Lịch Sử.  Tôi muốn đọc lại quyển luận văn của tôi.  Nếu được, tôi sẽ photo lại quyển luận văn để giữ làm kỷ niệm.  Tôi vào thư viện của trường đại học Đà Lạt.  Tôi hỏi anh nhân viên thư viện.  Anh cho biết sau năm 1975, những quyển luận văn được đem vào kho có khóa cẩn thận.  Sau này mở khóa thì kho trống rỗng.  Anh nhân viên thư viện nói rằng đã có kẻ mở khóa đánh cắp những quyển luận văn và đem bán giấy vụn.  Không ai quan tâm đến sách vở vào những năm giao thời lúc bấy giờ.  Những tác phẩm của những nhà văn, nhà nghiên cứu tiếng tăm bị ghép vào tội văn hóa đồi trụy đã bị tịch thu hay đốt thì xá gì những cuốn luận văn tốt nghiệp cử nhân của trường CTKD.  Những năm cả nước phải ăn bo bo, người ta lấy những quyển luận văn đi bán ve chai để kiếm tiền mua gạo cũng là bình thường. Tôi không chê trách gì họ, tôi chỉ tiếc đã mất đi một kỷ niệm...
Lúc viết luận văn tốt nghiệp, chúng tôi ở độ tuổi hai ba, hai bốn, hai mươi lăm, kiến thức còn non, kinh nghiệm đời còn ít.  Vào độ tuổi ấy, tâm hồn chúng tôi trong trắng, đầy lý tưởng muốn làm những việc đội đá vá trời cho xã hội đất nước hơn là cho bản thân mình.  Cho nên đôi khi chúng tôi có những ý tưởng táo bạo, viển vông.  Đang chiến tranh khốc liệt mà đã nghĩ đến đường lối ngoại giao của một nước Việt Nam thống nhất.  Năm thứ ba CTKD, giáo sư Vũ Quốc Thúc có chương trình kinh tế hậu chiến, nên tôi tưởng hòa bình thống nhất đã gần kề.  Ngoại giao của một nước Việt Nam thống nhất là vấn đề sinh tử cần sự khôn ngoan và cam đảm.   Kinh nghiệm của tiền nhân trong việc giữ nước vẫn quí báu.  Trong chương Đối Phó Với Trung Hoa của quyển luận văn, tôi đã đề cập đến những vấn đề sau :
"Cương quyết chống lại khi bị Trung Hoa xâm lăng hà hiếp, hòa dịu sau khi thành công. Kinh nghiệm rút từ những kiệt xuất của dân tộc như Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Ngô Thời Nhiệm, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lê Lợi....
"Xây dựng phên dậu vững mạnh. Phên dậu phía bắc giáp Trung Hoa gồm các dân tộc thiểu số Nùng, Tày, Mán Mèo.  Phên dậu phía Tây gồm Lào, Thượng, Mên ... Phên dậu phía Đông là biển đảo và lực lượng hải quân hùng mạnh.
"Đi dây giữa các cường quốc. Thời bấy giờ người ta thường nói tới sự đi dây giữa Mỹ và Tàu.  Năm học thứ tư, luật sư Tăng Thị Thành Trai dạy chúng tôi môn chính trị học: Tranh Chấp Nga Hoa.  Thế giới đã  hình thành thế chân vạc.  Như vậy nước ta phải đi dây giữa ba thế lực Mỹ, Nga và Tàu.  Trong ba nước, nước nào đáng tin cậy hơn cả. Dĩ nhiên chẳng có nước nào đáng tin cậy. Tàu chắc chắn là không, Mỹ thì ở quá xa. Nga là nước có sức mạnh quân sự, lại ở sát nách Trung Hoa.  Nga là chỗ dựa tốt cho Việt Nam trong việc chống lại Trung Hoa luôn luôn muốn thôn tính nước ta. 
Chọn thủ đô cho nước Việt Nam thống nhất nên xa Trung Hoa và ở gần trung tâm đất nước.  Rút kinh nghiệm từ các cuộc chiến tranh với Trung Hoa, Chàm và cuộc chiến thời Trịnh Nguyễn, tôi đề nghị chọn Đà Nẵng hoặc Nha Trang làm thủ đô cho nước Việt Nam thống nhất.
Đó là những ý nghĩ thô thiển viển vông của tôi ngày xưa.  Ngày nay vấn đề ứng xử với Trung Quốc trở nên nóng bỏng.  Ứng xử với Trung Quốc ngày nay khó nhiều lần hơn ngày xưa.  Ngày xưa vấn đề quân sự là chính.  Ngày nay vấn đề kinh tế văn hóa quan trọng hơn quân sự.  Chế ngự được kinh tế văn hóa thì lâu dài.  Chiếm đóng bằng quân sự thì ngắn vì quốc tế phản kháng chứ chưa nói đến sự kháng cự của dân bản xứ.  Việt Nam cần có một cẩm nang trong việc ứng phó với Trung Quốc.

Tiếng Rao Hàng
Của Thế Kỷ21
Trằn trọc không ngủ được.  Không biết trời đã sáng chưa.  Lắng nghe nhà dưới không thấy tiếng động. Chủ nhà chưa thức. Bỗng nghe tiếng phát thanh oang oang. Giật thót cả người.  Tôi đang nằm mơ hay tỉnh.  Tiếng phát thanh đem tôi về những ngày đầu của năm 75. Tiếng loa phát thanh của Phường vẫn ám ảnh tôi đến tận hôm nay.  Bây giờ lại lùi về những năm đầu 1975 khủng khiếp hay sao"  Nghe tiếng hai vợ chồng chủ nhà.  Tôi vội vùng dậy, rửa mặt, thay quần áo rồi xuống nhà dưới.  Tôi hỏi bạn tôi:
- Phát thanh gì vậy "
- Rao hàng chứ phát thanh gì: "Bánh bao nóng đây".  Rao hàng thế kỷ 21.  Thu vào máy rồi phát ra to nhỏ tùy ý, khỏi phải mỏi miệng khô cổ.
- Mi nói ông bán bánh bao vặn volume nhỏ vừa đủ nghe.  Đà Lạt sáng sớm yên tĩnh, mở volume lớn quá khó nghe và làm nhiều người mất ngủ.
- Sáng mai mi ăn bánh bao để tao gọi ông tới cho mi có ý kiến với ông ta. 

Biết Đâu Địa Ngục
Thiên Đàng Là Đâu
Tôi được dự một buổi họp mặt của sinh viên tốt nghiêp Hán Nôm năm 1988.  Họ ở nhiều nơi trên đất nước về qui tụ tại Đà Lạt.  Bạn tôi là thầy của họ nên tôi được mời dự. 
Ngồi cạnh tôi là anh M, cựu giáo sư chữ Nôm.  Anh M chỉ được dậy một năm thì bị nhà trường cho nghỉ việc vì lý do anh là sĩ quan của chế độ cũ mặc dù bạn tôi nói M là giáo sư chữ Nôm rất giỏi. Hiện nay anh M mở dịch vụ bán Trướng Liễn Hoành Phi Câu Đối và hướng dẫn về thủ tục nghi lễ để sinh sống. 
Tình thầy trò thật đáng trân trọng.  Sinh viên đều có địa vị trong xã hội. Người làm trưởng phòng vật tư, người là hiệu trưởng trường trung học, người làm trưởng một phòng của đài truyền hình thành phố Sài Gòn, người có địa vị cao nhất là phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh.  Tôi đoán tất cả đều là đảng viên.  Họ biết anh M và tôi là sĩ quan chế độ cũ. Sinh viên gọi anh M bằng thầy và xưng là em.  Cũng có vài người gọi tôi là thầy và xưng em.  Họ săn sóc thức ăn và nước uống cho chúng tôi chu đáo, nói năng kính cẩn lễ phép và vui vẻ. 
Sau những câu truyện xã giao thăm dò, tôi và anh M khám phá ra rằng không những là đồng môn tại Viện Đại Học Đà Lạt, chúng tôi còn là đồng môn tại trường Quốc Học.  Sau đó chúng tôi còn biết mối liên hệ khác giữa hai chúng tôi.  Anh M là em cột chèo với ông cậu vợ tôi.  Gia đình ông cậu vợ hiện đang sống trong cùng thành phố Seattle với tôi.  Có bốn mối liên hệ nên chúng tôi nói chuyện cởi mở vui vẻ.  Anh M nói với tôi :
- Tôi đang đọc quyển “Biết Đâu Địa Ngục Thiên Đường.”   Quyển này viết về cuộc đời của thầy D.
Thầy D là giáo sư Triết, Viện Đại Học Đà Lạt.  Cuộc đời thầy khắc khổ như một nhà tu.  Quyển sách viết về cuộc đời thầy D chắc cũng không hấp dẫn nên tôi im lặng.  Anh M nói tiếp:
- Trước đây thằng con tôi hỏi: Sau 1975, ba cảm thấy thế nào" Tôi trả lời: Mất mát rất nhiều.  Đọc quyển “Biết Đâu Địa Ngục Thiên Đàng”, tôi kêu thằng con trai và nói:  Ba đã nhận định sai. Trong quyển này cũng có nhắc tới thằng K.
Hai chi tiết anh M thêm vào:  sự mất mát của những người theo Cộng Sản cũng rất to lớn và nhân vật K đã khiến tôi muốn đọc quyển truyện.  K là cán bộ Cộng Sản nằm vùng.  Lúc tôi là sinh viên năm thứ tư Chính Trị Kinh Doanh, K là sinh viên văn khoa Triết năm thứ nhất.  K ở lầu I.  K thỉnh thoảng đến cửa sổ phòng tôi, lầu II đại học xá, để nói chuyện với chúng tôi. Sau này tôi nghe K bị lộ.  K thoát được cuộc lùng bắt của cảnh sát Việt Nam Cộng Hoà nhờ thầy D che dấu K một tuần trong nhà thầy.  Nay K là đại tá công an hồi hưu.
Anh M điện thoại cho anh L chủ tiệm sách Duy Tân để hỏi mua cho tôi một quyển.  Anh L trả lời sách đã bán hết.  Thứ ba tuần sau mới có sách.  Ngày mai chủ nhật tôi đã dời Đà Lạt nên anh L đề nghị anh M trao cho tôi quyển sách của anh, thứ ba tuần sau, anh M mua cuốn khác.  Anh M tặng tôi cuốn sách anh đọc chưa xong.
Tác giả truyện “Biết Đâu Địa Ngục Thiên Đàng” là ông Nguyễn Khắc Phê, em ruột của thầy D.  Theo lời giới thiệu ở bìa quyển truyện: Ông Phê là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam.  Nguyên là Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương.  Hiện là chi hội trưởng nhà văn tại Huế. 
Trong quyển Biết Đâu Địa Ngục Thiên Đàng, ông kể lại những biến cố gia đình ông trải qua từ trước 1945 đến sau 1975.  Những sự kiện ông kể lại hầu hết mọi người đều đã biết qua sách báo.  Những sự kiện đó hầu hết không còn xẩy ra ngày nay nữa.  Bìa sau của quyển sách nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã nêu lý do ông viết quyển tiểu thuyết "Biết đâu địa ngục thiên đàng” là đâu là câu Kiều mà bà mẹ thốt lên đau đớn khi cậu Tú Tâm con nhà quan "chạy trốn" người vợ sắp cưới, bỏ nhà đi tu. Mà đâu chỉ với cậu Tú Tâm, trong cuộc đời "dâu bể", câu Kiều ấy ứng với nhiều nhân vật, nhiều cảnh ngộ ...
Tiểu thuyết miêu tả những số phận trải qua mấy chục năm đầy biến động của đất nước nên không thiếu những tình huống éo le, bi thảm, nhưng tác giả cũng dành nhiều tâm huyết miêu tả những cảnh đời bình dị, êm đẹp ở một làng quê, với tình mẹ con, họ hàng, làng xóm đầm ấm - vẻ đẹp truyền thống và là cội nguồn của sức mạnh Việt Nam"
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã nêu lên một vấn đề vô cùng hệ trọng của dân tộc đó là truyền thống gắn bó giữa anh em, họ hàng, bà con, thầy trò, bạn bè, hàng xóm láng giềng của dân tộc. Truyền thống tốt đẹp đó được nhiều nhà nghiên cứu ngoại quốc thừa nhận. Tôi xin trích nguyên văn bản tin được đăng trên báo Người Việt Tây Bắc số 1952 thứ sáu ngày 27 tháng 8 năm 2010, trang 49:
"Theo Daniel Ayala, trưởng dịch vụ toàn cầu của Wells Fargo, điều duy nhất chỉ có ở Việt Nam là người ta gửi tiền về cho cả tông chi họ hàng chứ không phải chỉ cho những người ruột thịt.  Ngoài ra còn dùng tiền để giúp phát triển kinh doanh nữa. Mark Sidel, một giáo sư nghành luật ở University of Iowa, người chuyên nghiên cứu về sự luân lưu tiền tệ theo lối này nhận xét rằng, trong những năm gần đây, càng có nhiều người Việt gửi tiền về nước vì tính cách từ thiện gồm cả việc liên hệ đến y tế và giáo dục."
Theo thiển ý của tôi truyền thống mà nhà văn Nguyễn Khắc Phê nêu ra còn quan trọng hơn phát triển kinh tế.  Kinh tế là việc cấp thời trước mắt, phải giải quyết trước.  Nay kinh tế Việt Nam đã ổn định, đời sống của người dân đã khá hơn những năm của thập niên 70, 80, 90.  Việc phục hồi truyền thống đạo đức là việc lâu dài nhưng cần thiết và cấp bách vì truyền thống đó đã bị phá hủy, băng hoại tại miền Bắc do thuyết đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Cộng Sản. 
Mặc dù bại trận, xã hội nhiều biến động và có sự hiện diện của quân ngoại quốc, nhưng miền Nam vẫn còn giữ được nhiều truyền thống đạo đức, đặc biệt trong hai lãnh vực giáo dục và y tế:  Lãnh vực giáo dục vẫn còn tinh thần Quân Sư Phụ và lãnh vực y tế vẫn còn tinh thần Lương Y Từ Mẫu.  Đó là điều may mắn cho dân tộc.  Miền Bắc, thắng trận, nhiều truyền thống đạo đức bị phá hủy, nhưng những truyền thống đó vẫn còn ở trong tiềm thức của người dân.  Cho nên sau khi chiến thắng và tiếp xúc với miền Nam những truyền thống đạo đức đã được dần dần phục hồi trong xã hội miền Bắc và cả nước.  Nhưng con đường vẫn còn dài và lắm chông gai.
Đọc xong quyển Biết Đâu Địa Ngục Thiên Đàng, cá nhân tôi có nhận xét, nhà văn Nguyễn Khắc Phê viết để bào chữa cho đảng Cộng Sản về những lỗi lầm mà họ gây ra trong thời gian đã qua một cách kín đáo nhẹ nhàng.  Ông kín đáo nhẹ nhàng vì có lẽ trong thâm tâm ông Phê và mọi người Việt đều cho rằng những lỗi lầm trong thời gian từ 1954 đến 1980 không thể bào chữa. 
Ông Phê đã đặt tựa đề cho quyển sách là Biết Đâu Địa Ngục Thiên Đàng.  Thời điểm trước kia thì đúng, chẳng ai biết đâu là địa ngục, đâu là thiên đường mà lựa chọn.  Cuộc sống của những người đi theo kháng chiến sống trong rừng thiêng nước độc chắc chắn là hạnh phúc và cao quí hơn những người ở lại thành thị và theo Pháp.  Nhưng từ năm 1954 đến 1975 thì lại khác. Ngày nay chắc chắn mọi người biết đâu là địa ngục, còn đâu là thiên đường thì còn đang tìm kiếm.  Tuy nhiên, một nhà văn còn tại chức, còn có chức có quyền đã viết lên những sự việc sai lầm đã qua là một bước tiến đáng kể trong tiến trình đổi mới.
 Nhà văn Nguyễn Khắc Phê biểu lộ tình cảm kính yêu đối với người anh ruột của mình.  Ông không còn coi thầy D là phần tử phản động.  Tôi chắc chắn nhà văn Nguyễn Khắc Phê còn có nhiều điều muốn nói mà chưa dám nói hay chưa đến lúc được phép nói.  Mong lắm thay ...
 
Niềm Vui
Ngày đầu tiên ở nhà bạn, trước mặt vợ và hai đứa cháu một nội, một ngoại, bạn tôi nói với tôi :
- Trong thời gian mi ở đây. Mi muốn ăn chi, cứ nói để vợ tao nấu.  Thứ hai, mi tới Đà Lạt là đất của tao, mọi việc để tao lo.  Thứ ba, nghiêm cấm mua quà cho hai đứa cháu tao.
Suốt thời gian ở Đà Lạt, mọi chi phí ăn uống, giải khát, trừ việc trả phí tổn lên đỉnh Lâm Viên, đều do bạn tôi thanh toán.
Hai vợ chồng bạn tôi là hai nhà giáo hưu trí.  Chồng vẫn đi dạy thêm bán thời gian để kiếm tiền chi phí cho hội Hoàng Gia Già Hoang của mấy ông già hưu trí hội họp vui chơi vào sáng thứ bảy hàng tuần.  Vợ nhất định về hưu, không nhận thêm giờ dạy để ở nhà dạy dỗ hai đứa cháu.  Thu nhập của hai anh chị cũng phải kể thêm khoản tiền bốn đứa con đưa hàng tháng để trả ơn công dưỡng dục và trả công ông bà trông nom dạy dỗ các cháu. 
Hai vợ chồng bạn tôi là những nhà giáo quí báu còn lại trong xã hội hỗn tạp, đầy cạnh tranh.  Họ có đời sống trong sạch, đạm bạc, không đua đòi, thanh nhàn và hạnh phúc. Tôi là Việt kiều được người trong nước hậu đãi.  Trước đây sự kiện này không xảy ra.  Bây giờ là những việc bình thường và đôi khi gây ngạc nhiên cho nhiều Việt kiều vì được người trong nước mời dự tiệc tại những nhà hàng sang trọng mà bản thân họ chưa chắc đã dám bước chân vào. 
Mừng cho bạn tôi và mừng cho tôi.
Các bạn đã ăn xong bát cơm nguội. Xin chân thành cám ơn.
Nguyễn Đức Quang

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,689,083
Năm nay, Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm, ngày 13 sắp tới, sẽ là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc sớm bài viết mới của Song Lam. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Tác giả là một nhà giáo hồi hưu, sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota, hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và dạy Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Với nhiều bài viết đặc biệt, ông đã tham dự và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Tên thật của nhà giáo họ Đặng là Thống Nhất và người em trai của ông có thên là Độc Lập. Bài viết mới của ông bắt đầu bằng một lời cảm thán với lịch sử “Thống Nhất- Độc Lập fì đâu mà...
Tác giả là một dược sĩ, cư dân Chino Hills, California, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bà là nhà văn có 3 tác phẩm đã xuất bản. Ngoài văn chương, sở thích của bà là đàn đương cầm, đã có 2 CD độc tấu nhạc cổ điển và tân nhạc. Sau đây là một truyện ngắn mới được dành cho Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả định cư tại Canada từ 9/1982, tốt nghiệp đại học dược khoa Toronto 1985. Năm 2011, ông góp bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, một chuyện vui sống động trên chuyến bay từ Hongkong về Bắc Mỹ. Sau đó là bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ” là bài viết thứ ba của ông, không chỉ sống động mà còn xúc động trong cách viết, cách kể. Sau đây là bài mới nhất của ông, ngày viết được ghi là 30 tháng Tư 2018.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất. Hình ảnh một gia đình này nói lên được phần nào hiện trạng của một gia đình giàu có trong xã hội Ả Rập.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Sau đy là bài viết mới của bà.
Captovan hoặc Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Năm mươi năm sau Mậu Thân, tác giả đã góp thêm hai bài viết đặc biệt: “Saigon 68 và Ông Sáu Lèo”, kể về Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, và bài “Anh Lính Chiến và Người Phóng Viên”, kể về cuộc hành quân tại Phú Lâm A. Bài viết về Mậu Thân thứ ba của ông.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Hôm nay, ngày 30 tháng Tư, mới đọc một hồi ức về ngày này. Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Ông hiện là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Bài viết thứ tư của ông là chuyện Cần Thơ 43 năm trước.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến