Hôm nay,  

Tóc Vàng Sợi Nhỏ

29/10/201000:00:00(Xem: 248019)

Tóc Vàng Sợi Nhỏ

Tác giả: Nguyễn Trần Diệu Hương
Bài số 3028-28328-vb5102810

Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80’û, hiện cư trú và làm việc tại vùng San Jose, đã hai lần nhận giải viết về nước Mỹ. Năm đầu tiên, với bài "Chương Kết Của Cuộc Đời", cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, với bài về một cựu sĩ quan VNCH và bài về một quả phụ Mỹ thời chiến tranh Việt Nam, cô nhận thêm giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2005. Bài mới nhất, tác giả ghi: Xin phép được dùng một câu thơ trong bài "Mùa thu Paris" cùa  thi sĩ Cung Trầm Tưởng để làm tựa cho bài viết này.

***

Ấn tượng ban đầu của Trân về những cô gái tóc vàng ở quê hương thứ hai không phài là một ấn tượng tốt đẹp lắm.  Trân không hề bị ảnh hưởng bởi những cái sticker dán sau đuôi vài cái xe chạy xuôi ngược trên đường phố, vô tình hoặc cố ý "miệt thị", châm chọc những cô gái tóc vàng với một mệnh đề "the blond ones are the dumb ones" (những người tóc vàng là những người thiếu thông minh), hay bằng một phương trình "blond  hair = dumbness".  Chẳng những thế, Trân còn kín đáo quan sát tài xế những cái xe có dán những sticker để xem tóc họ màu gì, giới tính, và độ tuổi, lẩn thẩn đoán tại sao họ lại lợi dụng tự do ngôn luận ở Mỹ để trầm lặng "tuyên chiến" với những cô gái tóc vàng thường rất đẹp. 
Một điều đáng ghi nhận là trong khi Trân, một người tóc đen, và các bà, các cô tóc nâu, tóc bạch kim, tóc đỏ....... cảm thấy những người tóc vàng bị tấn công lưu động bằng khẩu hiệu trên các đuôi xe thì những người đẹp tóc vàng sợi nhỏ lại tỉnh bơ coi như những cái sticker nói về những con búp bê tóc vàng hay những manequin làm mẫu trong các tiệm bán áo quần phụ nữ, chứ không phái nói về mình. Thỉnh thoảng có những cô tóc vàng còn phản công lại bằng một khẩu hiệu khác vừa từ tốn, vừa biểu lộ niềm tự hào "em là con gái trời cho đẹp" của mình "Don t hate me because I m beautiful" (đừng ghét tôi vì tôi xinh đẹp).
Và như vậy, dưới mắt của rất nhiều người Mỹ, tóc vàng bẩm sinh đồng nghĩa với nhan sắc rực rỡ.  Những người không ưa các cô gái tóc vàng cứ tự nhiên mua sticker về dán sau đuôi xe, không ảnh hưởng đến hòa bình thế giới, không ảnh hưởng đến luật giao thông, nhưng ảnh hưởng đến suy nghĩ của một cô gái tóc đen Việt Nam trong khoảng thời gian chân ướt chân ráo ở Mỹ như Trân dạo mới nhận quê người làm quê hương.
Thời đó, còn miệt mài ở trường Đại học, Trân đã nhận ra cá tính chung của đa số các cô sinh viên tóc vàng, không chịu thương chịu khó như sinh viên tỵ nạn, lại còn lười hơn những sinh viên bản xứ tóc nâu hay tóc đỏ.  Phân khoa được các cô tóc vàng theo học đông nhất là "marketing" và "truyền thông báo chí" là những ngành học tương đối không phải suy nghĩ nhiều, nhưng lúc ra trường thì cần có nhan sắc để có thể trở thành những xướng ngôn viên truyền hình lương rất cao và có dịp tiếp xúc với những nhân vật nổi tiếng, con đường "làm quan.... bà" luôn luôn thênh thang rộng mở.
Thỉnh thoảng có những lớp kiến thức tổng quát (General Education) học chung cho tất cả các phân khoa, những project của cả nhóm thường các cô tóc vàng không đóng góp nhiều nhưng vẫn được hưởng trọn điểm cao của cả nhóm. Mỗi lần giáo sư ra chỉ thị chia nhóm, chỉ có những sinh viên "chậm chân" mới bị chia chung nhóm với những người đẹp tóc vàng, và sẽ phải làm giùm công việc cho những người bạn học tóc vàng sợi nhỏ.
Đâu đó trong khuôn viên các trường Đại học, bên cạnh đa số sinh viên mặt mày hốc hác vì thiếu ngủ triền miên, những người đẹp tóc vàng vẫn tươi tỉnh, vẫn điệu đàng, nổi bật trong sân trường.  Có lẽ vì Marketing dễ học hơn các ngành khác mà cũng có thể vì chuyện phải học cật lực đề có GPA (điểm trung bình) cao không phài là ưu tiên hàng đầu của những cô sinh viên có tóc cùng màu nắng mặt trời.
Lúc ra trường, đi làm ở các công ty dù tư hay công, Trân lại gặp những cô gái da trắng tóc vàng  thường làm receptionist, ngồi ở ngay  cửa chính của Công ty,  trả lời điện thoại và hướng dẫn khách đến thăm hay làm việc với Công ty.  Công việc tương đối nhàn rỗi nên lâu lâu các cô thường giúp input những data đơn giản vào computer. Bổn phận rất đơn giản vậy mà cũng có nhiều lỗi, lập đi lập lại nhiều lần.  Nhiều lúc Trân cũng bực mình nhưng nhìn hai con mắt nâu nhạt hay xanh xám ẩn hiện dưới những sợi tóc vàng, vừa ngơ ngác vừa biết lỗi, Trân không nở phàn nàn; nhưng từ đó không dám nhờ những đồng nghiệp tóc vàng sợi nhỏ làm bất cứ chuyện gì vì thời gian để sửa chữa sai lầm còn dài hơn thời gian tự làm mọi việc một mình để đúng từ lúc đầu.
Những cô gái tóc vàng bẩm sinh không những chỉ có một mái tóc rất dày, gồm khoàng một trăm bốn chục ngàn sợi, nhiều nhất so với các màu tóc khác, mà những sợi tóc còn mềm và óng mượt như tóc của con nít. Trong các truyện cổ tích từ Đông sang Tây, bao giờ hoàng tử, công chúa hay các nàng tiên cũng có mái tóc vàng óng như những tia nắng mặt trời. Người ta lớn lên, không một ai còn tin trên đời có tiên, nhưng hình ảnh mái tóc vàng sợi nhỏ óng mượt vẫn gắn liền với sự thánh thiện và ngây thơ, nên những cô gái tóc vàng xinh đẹp ở ngoài đời thường được mọi người ưu đãi hơn những người có các màu tóc khác. Và vì rất đẹp, được tất cả mọi người ưu đãi, làm giùm tất cả mọi việc, những em bé tóc vàng (những Daddy's  Princess) lớn lên thành  những cô, rồi những bà tóc vàng không quen tự làm mọi việc như những người có tóc màu đậm hơn.
Dorothy là tên một cô bé mặc chiếc áo đầm ô vuông trắng xanh, cùng con chó Toto bị bão lốc cuốn đi đến xứ sở thần tiên trong huyền thoại "The  Wonderful Wizard of Oz" cùa Mỹ; cũng là tên một cô đồng nghiệp xinh đẹp tóc vàng rất được ưu ái trong công ty Trân làm. Dorothy cùa đời thường lờn hơn Dorothy trong huyền thoại nhiều nhưng cũng nhí nha, nhí nhảnh và đẹp như cô bé cùa chuyện cổ tích. Công việc cúa Dorothy rất đơn giản là receptionist và giao chuyển thư đến và đi trong một công ty nhỏ chưa đến một trăm người. Vậy mà Dorothy luôn đem "râu ông nọ cắm cằm bà kia" , bỏ lộn hay gởi lộn thư, nên nhiều người xuống phòng nhận thư tự lấy thư và tự gởi thư . Có thắc mắc gì với Doorothy, sẽ nhận được câu trả lời thường là vô thưởng vô phạt kèm theo đôi mắt nâu nhạt mở to trông rất là .... vô tội:
-Sorry, I dont know.(Xin lỗi tôi không biết)
Nhưng chắc là nhờ mái tóc vàng óng mềm mại tự nhiên như những tia nắng mặt trời kèm theo một khuôn mặt đẹp và ngây thơ nên cô thư ký tóc vàng không những không mất job mà còn được hiểu ngầm như là một "trophy employee" (nhân viên "làm cảnh") cùa công ty.
Hình ánh của Dorothy, cùng những cô bạn học tóc màu nắng mặt trời thời đi học, và cà những cái sticker châm chọc những người đẹp tóc vàng sợi nhỏ phía sau những chiếc xe chạy khắp nơi trên đường phố làm Trân không mấy tin cậy lắm vào sự cố gắng cũng như hiệu quả công việc của những phụ nữ tóc vàng cho đến lúc Trân gặp Dawn, một người hàng xóm có mái tóc vàng óng mượt tự nhiên như những tia nắng nhẹ nhàng lúc bình minh.
Hàng xóm ở Mỹ rất lịch sự nhưng lạnh lùng không như lối sống "bán anh em xa mua láng giềng gần" của Việt Nam. Nên dù cùng ở trong một khu vực biệt lập gần cả chục năm, tình bạn giữa Dawn và Trân chỉ bắt đầu từ hơn ba năm qua.


Lần đó, Trân đến dự một buổi thuyết pháp của Đức Đạt Lai Lạt Ma.  Số người tham dự lên đến gần mười hai ngàn người, toàn bộ tiền bán vé dùng để làm việc từ thiện. Ngồi ở hàng ghế ngay trước mặt Trân có đến bốn mái tóc vàng, trong đó có lẽ chỉ có mỗi một mái tóc vàng bẩm sinh vì tóc vẫn mềm và mướt như tóc con nít. Ba mái tóc còn lại có lẽ là tóc vàng nhân tạo vì nhìn bằng mắt thường, không cần phài dùng đến xúc giác, vẫn thấy rất khô và cứng do hóa chất từ các loại thuốc nhuộm tóc (kiến thức từ một lần đi thông dịch cho một người đồng hương giúp Trân nhận ra điều này).
Chiều hôm đó, trong lúc chờ xe bart trở về nơi đậu xe, Trân gặp lại người tóc vàng sợi nhỏ, trông nổi bật giữa những mái tóc đủ màu của đủ mọi sắc dân trong melting pot ở Mỹ.  Xe bart buổi chiều rất đông, tuy là đàn bà con gái nhưng người có tóc màu nắng mặt trời vẫn đứng lên nhường chỗ cho một bà cụ già.  Trân và một vài người khác trên toa xe cùng kín đáo quan sát người đẹp tóc vàng biết nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình với nhiều thiện cảm.
Ở trạm dừng cạnh bãi đậu xe miễn phí, người đẹp tóc vàng xuống xe cũng như Trân và hơn một nừa hành khách trên xe bart.
Trân lấy cái xe màu trắng quen thuộc của mình, hạ bốn cửa kính xe xuống để không khí tràn vào.  Khi xe vào đến xa lộ, gió thổi mạnh hơn, cuốn đi hơi nóng trong xe, cuốn luôn hình ảnh ngưới đẹp tóc vàng lịch sự và biết quan tâm đến người già.
Mấy tháng sau, một lần đi họp home owners association, Trân gặp lại người tóc vàng sợi nhỏ đã nhường chỗ cho người lớn tuổi trên xe bart. Người đẹp tên Dawn, trong cái kính cận giống như cặp kính của bà Sarah Palin, phát biểu hùng hồn không thua gì bà cựu Thống đốc, kiêm cựu ứng cử viên Phó Tổng thống, nhưng cao hơn, và đẹp hơn nhờ hãy còn ở bên này của ngọn đồi tuổi tác, và nhờ mái tóc cùng màu với những tia nắng mặt trời. 
Vì cùng ý kiến trong cuộc họp hôm đó và cùng quan điểm về nhiều mặt, Dawn và Trân trở thành bạn dù bề ngoài không có gì tương đồng. Ở cùng một complex nhưng hầu hết liên lạc khi có chuyện cần đều qua E mail hoặc qua điện thoại; lâu lâu "get together" gặp gỡ nhau để nói về một chuyện gì cần thiết và cần thảo luận chi tiết,  hai người bạn khác màu da đều gặp nhau ở quán cà phê Starbucks ở một góc phố gần nhà. 
Có lần Dawn "dẫn" theo ông chồng, Trân ngạc nhiên khi thấy đó là một người Mỹ gốc Á, thế hệ thứ ba, (nghĩa là ngay cả cha mẹ ông ta cũng đã sinh trưởng ở Mỹ) nên mọi ngôn từ, cách hành xử đều rất Mỹ, không có một chút gì Á Châu ngoài làn da vàng nâu và cặp mắt một mí rất Nhật bản.  Có lẽ được nghe bà vợ tóc vàng sợi nhỏ kể về người bạn hàng xóm nhiều lần, nên đúng tinh thần "ladies first",  ông ta vui vẻ đi mua và lể mễ bưng ra một khay đủ loại bánh ngọt; trên đó có cả hai ly latte nóng với sữa non fat, có kem bọt màu trắng nổi trên mặt, với mấy gói đường diet đúng kiểu uổng cà phê của đàn bà con gái ở Mỹ luôn canh chừng calories nạp vô phải bằng hoặc ít hơn calories đi ra.
Cũng giống như nhiều người đẹp tóc vàng khác, Dawn không phải đi làm vì đã có chồng nuôi, nhưng Dawn chịu khó tự học hỏi để nâng cao kiến thức qua những lớp học hàm thụ online trên internet.
Khó tưởng tượng là một ngưởi đẹp tóc vàng đi xe Mercedes thể thao mui trần, tập thể dục và đi bơi mỗi ngày một lần ở gym - để giữ gìn sức khỏe và nhan sắc trời cho của mình - lại có tấm lòng với những người kém may mắn, vượt qua mọi biên giới và màu da.
Dawn là một trong những người đóng góp thường xuyên cho tổ chức từ thiện Operation Smile  - có trụ sở ở Norfolk, Vỉginia - chuyên đi khắp thế giới đề giải phẩu cho các trẻ em bị sứt môi.
Hai khoàn chi tiêu cùa Dawn được tự động trả một khoàn tiền cố định từ tài khoản ở ngân hàng hàng tháng là tiền đóng góp cho Operation Smile và tiền membership cho câu lạc bộ tập thể dục: hai sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống cúa Dawn.  Chưa kể đến các đóng góp mỗi năm cho những người không có một mái nhà vào mỗi dịp Lễ Tạ ơn, hay những đóng góp cho các nạn nhân bị thiên tai ở Mỹ cũng như ở khắp nơi trên thế giới.
Sau này, khi đã thân nhau hơn, lâu lâu Trân còn gởi cho người hàng xóm tóc vàng sợi nhỏ những website từ thiện của bạn bè chuyên giúp các em nhỏ nghèo ở Việt Nam được đi học, và có đủ cơm ăn áo mặc. Tưởng là chỉ giới thiệu cho Dawn biết những tấm lòng Mỹ gốc Việt đối với quê hương phái bỏ lại sau lưng vì vận nước, nhưng không ngờ thỉnh thoảng Dawn vẫn gởi những chi phiếu không nhỏ đến góp phần giúp đỡ những người Việt Nam không may mà có lẽ suốt đời Dawn chỉ biết đến qua hình ảnh.
Mỗi mùa bầu cử vào tháng 11 hàng năm, người đẹp tóc vàng hàng xóm của Trân còn rất hăng hái gởi E mail vận động cho những dự luật được đem ra trưng cầu dân ý.  Kiến thức về khoa học chính trị đã được học dù không đem ra dùng để kiếm sống nhưng khi đem ra để cổ võ cho một ứng cử viên hay một dự luật nào đó thì rất rõ ràng và có hiệu quả.
Cũng có một mái tóc vàng tự nhiên mềm mại, cũng có một khuôn mặt rất đẹp của đa số người Mỹ gốc Châu Âu nhưng Dawn khôn ngoan, biết điều, và biết nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình, hoàn toàn không giống những người đẹp tóc vàng sợi nhỏ mà Trân đã có dịp tiếp xúc trước đó.
Một lần ngồi uống cà phê sữa nóng nhìn mưa rơi ngoài khung cừa kính, cuối hành lang của khu thương xá, một người homeless ngồi trước một cửa tiệm hãy còn bỏ trống, tóc tai tua tủa, có lẽ vì lâu ngày không cắt; Trân thấy lòng chùng xuống, áy náy, chưa biết làm gì, thì Dawn đã nhanh nhẹn đến mua một ly latte nóng khác với sữa whole milk kèm theo một cái sandwhich và hai cái croissant đựng trong hộp đến đưa cho người homeless. 
Biết tính người bạn tóc vàng sợi nhỏ, Trân lấy cái gift card của chợ Safeway mới được tặng, chưa hề dùng, đưa cho Dawn:
- Cho tôi góp phần cùng bạn tặng người thiếu may mắn.
Lúc đó là một buổi trưa thứ Bảy giữa mùa thu, lễ Thanksgiving đang đến rất gần, trời mưa không lớn lắm nhưng đủ để giữ chân nhiều người trong quán cà phê Starbucks lâu hơn thường lệ. Qua khung cừa kính, mọi người đều thấy hình ảnh một người da trắng ân cần bưng thức ăn đến cho một người da đen không nhà, có kèm theo một thẻ mua thực phẩm biếu tặng từ một người da vàng.
Không biết nhờ tinh thần của mùa lễ, nhờ Dawn, hay nhờ kết hợp của cả hai lý do, nhiều người khác tình cờ thấy hình ảnh đó, lục trong túi mình những đồng tiền lẻ đặt vào tay người homeless vẫn còn đang ngỡ ngàng như vừa trải qua một cơn mơ giữa ban ngày. Ngay cả nhân viên của tiệm Starbucks cũng lấy vài tờ giấy một đồng từ cái hộp vuông đựng tiền tip cạnh quầy tính tiền, đặt vào lòng bàn tay người homeless đang run lên nhè nhẹ không biết vì cảm động hay vì những cơn gió sắc lạnh của một ngày có cơn bão rớt đi qua thành phố.
Thoáng chốc, hình như trời bầu trời xám ngắt của mùa thu bỗng xanh lên trong một khoảnh khắc. Và hạt giống thương yêu lan nhanh, phát tán xa hơn, vượt qua mọi biên giới của chủng tộc, mọi khác biệt cùa màu da...
Santa Clara, mùa thu 2010
Nguyễn Trần Diệu Hương
(Kính cảm ơn Thầy/ Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,754,039
Tác giả Phan là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu chiến binh Mỹ trực tiếp viết văn bằng tiếng Việt và với bài "Hành Trình Tiếng Việt của Một Người Mỹ", ông đã nhận Giải Việt Bút mang tên Bà Trùng Quang năm đầu tiên, 2013. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông phổ biến ngày 18 -12-2012, kể chuyện tình giữa chàng thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ và một cô gái Việt ở Biên Hòa năm 1973. Trở về Mỹ, ông bà an cư ở Ohio, có 7 người con, tất cả đều đã trưởng thành.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là hai bài mới của ông, chuyện mùa xuân và chuyện mùa hè.
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa, ông kể, “Trong khi đợi bảo lãnh diện đoàn tụ gia đình, tôi có cơ may được học bổng của Liên Âu (EU) để hoàn thành chương trình BA và MBA International Management." Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, ông đã hoàn tất luận án tiến sĩ tại Đại Học ở Argosy, San Diego, và là một Phó Giám Đôc kỹ thuật hàng hải của Bộ Quốc Phòng Mỹ, làm việc tại Á Châu.
Tác giả đã có bài viết về nước Mỹ đầu tiên phổ biến từ 2016. Năm nay, khi quyết định tiếp tục viết ông chọn bút hiệu mới cho bài kề về lễ tốt ngiệp kỹ sjư ngành computer của người cháu torng gia đình. Bài đăng 2 kỳ. Mong Mr. Hi tiếp tục thêm bài mới.
Tác giả tên thật Nguyễn Thụy, 49 tuổi, theo ba mẹ đi H.O.8., tốt nghiệp Computer Enginee-ring. Sau 6 năm làm thuê, đã thành lập và điều hành công ty Newteck - PCB Inc tại City Tustin. Bài viết đầu tiên của ông mang tên “35 Năm, Một Ước Mong” kêu gọi thủ đô tị nạn của người Việt hải ngoại cần có một đền thờ 5 vị tướng anh hùng tử tiết của miền Nam Tháng Tư 1975. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012. Trước 1975, ông là sĩ quan hải quân VNCH, một nhà thơ quân đội, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O.
Tác Giả Huỳnh Mai Hoa học Đại Học Văn Khoa Saigon nhưng dang dỡ. Có làm thơ và viết truyện ngắn đăng trên vài nhật báo ở Saigon. Qua Mỹ năm 1993 theo diện HO của chồng, làm nghề tóc. Hiện đã nghĩ hưu, nhưng vẫn làm thơ, viết truyện ngắn đăng trên báo địa phương. Hiện cư ngụ tại thành phố Sacramento, Cali. Đây là bài đầu tiên tham dự VVNM.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Nhạc sĩ Cung Tiến