Hôm nay,  

Ông Tơ Internet Se Duyên

24/10/201000:00:00(Xem: 136978)

Ông Tơ Internet Se Duyên

Tác giả: Hạ Vũ
Bài số 3024-28324-vb8102410

Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Trước  ở Việt Nam,  là cô giáo dạy Việt văn tại một vài trường trung học Miền Nam, nhưng chưa từng viết văn.  Khi qua Mỹ, tôi "xuống cấp" làm cô giáo Nhà Trẻ - Mẫu Giáo.   Mãi đến lúc nghỉ hưu, mới bắt  đầu viết văn làm thơ đưa lên mạng dưới vài bút hiệu để rèn luyện cho trí óc chậm thoái hóa. Sau một số bài Viết Về Nước Mỹ kể chuyện  tình vui vẻ, tác giả khởi viết một ký sự "Tôi Làm Cô Giáo Nhà Trẻ Mỹ" kể lại nhiều kinh nghiệm sống động trong việc chăm sóc trẻ.  Bài mới của Hạ Vũ  là một truyện vui gia đình thời internet.

*

Chị Bảy về tới nhà, chưa kịp thay quần áo, liền hỏi bà Ba, mẹ chồng:
-Má à, thằng Đon về chưa"
-Nó đang ôm còm (computer).
Chị len lén đi qua phòng nó, nghe tiếng cười rúc rích.  Chị an tâm. 
Từ khi chia tay với cô Jackie, nó bỏ ăn bỏ ngủ cả tháng nay, chị sợ nó quẩn trí làm bậy thì chị "cụt vốn".  Nó là đưá con trai duy nhất trong dòng họ. Chồng chị cũng là người con trai duy nhất. Đến phiên chị, 3 đứa đầu là con gái.  Cha mẹ chồng chị vô cùng sốt ruột, nhất là cha chồng chị cứ đòi kiếm vợ hai cho con trai ông để sinh ra cháu đích tôn cho có người nối dõi tông đường.  Những lúc như vậy, cách phản ứng duy nhất của chị là lầm bầm lẩm bẩm: "Chỉ có một vài mẫu ruộng ở quê, may mà không bị ghép vào địa chủ và bị đấu tố như ở ngoài Bắc.  Có gì vinh hạnh mà... tông với đường. Đường đất đỏ, mùa mưa trơn trợt bị... tông xuống ruộng thì có."  Tuy nhiên chị sống lệ thuộc vào gia đình chồng nên đành nhịn nhục.  Chị đã đi cầu khẩn hết  chùa này tới miếu nọ, "hối lộ" thần thánh không biết bao nhiêu lần rồi, để  thánh cho chị một cành "dương" đặng có âm dương đề huề trong gia đình.
Khi chị có thai được 5 tháng thì gia đình bên chồng gom góp của cải vượt biên.  Ghe của chị cũng bị cướp hai lần. Lần đầu chỉ lấy của cải.  Lần sau hết của, chúng bắt hai cô gái trẻ đi, tha cho mấy bà già và cái bụng bầu của chị. Bọn này cũng còn tí nhân tánh nên cho thức ăn nước uống rồi thả ghe đi.  Hai đứa con gái này, sau một thời gian cũng được bọn cướp đưa lên một ghe vượt biên khác để lên bờ.  Chị sanh thằng con này ở đảo Bi Đông nên anh chị đặt tên nó là thằng Đông.  (Bây giờ nó là dân Mỹ Vàng nên đổi ra là Don.)  Nó ra đời "mẹ tròn con trịa" nên chị được cha mẹ chồng và chồng quý mến.  Cha mẹ chồng chị còn giấu được một ít vàng và được chị em của ông bà định cư bên Mỹ, tiếp tế tiền bạc nên cuộc sống của anh chị ở đảo không đến nỗi nào. Thằng Đông trở thành "Thái Tử" trong dòng họ.  Nó sướng từ trứng nước sướng đi.  Ông bà nội và cha nó cưng chiều nó là lẽ thường.  Chị cũng cưng chiều nó, vì nó là quý tử.  Nhờ nó mà bọn cướp tha cho chị, gia đình chị vui vẻ, và cha mẹ chồng quý mến chị.  Mẹ chồng lo hết mọi việc trong nhà, để cho chị có thì giờ săn sóc "thằng Thái Tử" của ông bà.  Từ khi nó ra đời, các con gái chị từ tiểu thư trở thành "nô tỳ".  Mọi thứ đồ chơi, thức ăn nước uống các chị đều phải nhường cho nó chọn trước, còn phải ẳm bồng, đút cơm nước cho cậu em đến khi nó lớn xộn.  
Học hành của cậu thì thuộc loại làng chàng, môn đặng môn được.  Ông bà nội của cậu phán rằng: "Nó là người Việt Nam, cả nhà nói tiếng Việt.  Nó học như vậy là tốt lắm rồi.  Đừng ép nó quá, nó phát điên!"  Nghe tới chữ "điên" là mọi người im re. , Thế là mọi chuyện xuôi chèo mát mái, êm ru!  Cậu có tính tình rất "hào phóng", thường tụ họp bạn bè: Mỹ đen có, Mễ có, Tàu có, Phi Luật Tân cũng có... ở nhà, trước là  học... còm, sau giải trí và ăn uống (có bà nội lo).  Sau khi ngồi "còm" xong, cậu và bạn ca hát, nhảy nhót.  Bà nội thấy cháu nói tiếng Mỹ như gió rất khâm phục.  Bà thường hay chiên chả giò, làm thịt nướng cho cậu và bạn cậu tẫm bổ sau khi sức lực bị tiêu hao vì... học còm, hoặc làm "rồ dzách" (Project) của nhóm.  Ngày cậu tốt nghiệp Trung học, anh chị đã tổ chức ăn mừng ở nhà hàng, linh đình như đám cưới.
Cậu là người con có... hiếu. Thấy ông nội và cha mẹ làm việc cực khổ, tiện tặn, dành dụm tiền bạc để mua trả góp căn nhà cho gia đình ở, cậu không đành lòng.  Ngày cậu tốt nghiệp trung học, ông nội đã nghỉ hưu, hai chị lớn có chồng ra riêng rồi.  Cậu là trai nên cậu xin cha mẹ cho cậu đi làm phụ giúp gia đình.  Cậu hứa với gia đình không bỏ học, cậu sẽ học bán thời gian ở một Đại Học Cộng Đồng cho nhẹ tiền học phí.  Cha mẹ cậu năn nỉ cậu cứ đi học, anh chị gánh nỗi tiền nhà, nhưng cậu nhất quyết làm ngưòi con "có hiếu".  Cậu kiếm được việc làm full time ở một hãng điện tử, và ghi tên... học vài lớp đêm.  Ông bà nội và anh chị Bảy (bây giờ có tên là anh Hăng Ri (Henry), chị Hăng Rết (Henriette) vô cùng cảm động và thương yêu đứa con trai "hiếu thảo", chịu thương chịu khó, đi học đến khuya lơ khuya lắc mới về nhà.  Về đến nhà thì nằm vùi, nhiều khi không thay cả áo quần.  Mấy đứa bạn thời trung học không thấy lai vãng nữa.  Cậu có bạn mới, học hành trao đổi với nhau qua "còm", hoặc điện thoại, hoặc ở... thư viện trường.  Cậu đóng góp cho chị mỗi tháng 200 đô gọi là phụ tiền ăn uống với mẹ.  Nhưng chị thấy tội nghiệp nên tháng nào chị cũng dấm dúi vài trăm để cậu mua "sách vở" hay "đồ nghề" làm "rồ dzách".  Một vài lần giặt quần áo cho cậu, chị thấy áo có vết son môi, nhưng chị không quan tâm lắm.  Chị cho rằng đó là một điều mừng, vì con chị không phải "bê- đê", như vậy anh chị không tuyệt tự.
Được dăm ba năm, cậu kiếm được một chỗ khác làm "kỹ sư", cậu bảo nhờ có bằng Đại Học.  Ngày cậu tốt nghiệp, ông bà nội, cha mẹ, và anh chị không được cậu mời đi dự, vì... cậu dành hết vé cho bạn bè rồi.  Hỏi tới cái bằng thì cậu bảo để ở office (!) của cậu. Lâu ngày anh chị cũng không quan tâm tới nữa.  Từ đó cậu nghỉ học, và công khai dẫn bạn gái về nhà.  Bạn trai hay bạn gái gì cậu cũng đưa vào phòng master của cậu đóng cửa kín mít, cười nói vui vẻ.  Anh Ri và chị Rết thấy cậu đã đến tuổi lập gia đình, cũng muốn kiếm chút cháu nội trước là có người nối dõi tông đường, sau là vui cửa vui nhà, nên nhắm mắt làm ngơ để cậu tự do tìm hiểu. 
Khi người con gái thứ ba của anh chị có gia đình, ra riêng, cửa nhà vắng vẻ.  Nhà chỉ còn hai ông bà nội tuổi "cổ lai hi", hai ông bà cha mẹ tuổi "bất hoặc", không còn ai trẻ trung ngoài cậu.  Anh chị nghĩ mình già rồi lỡ thất nghiệp, khó kiếm "giốp", làm sao kham nỗi tiền nhà.  Vả lại, anh chị có mỗi cậu là con trai, con gái ngoại tộc không kể tới. Gia tài cho trước cho sau gì cũng vậy, thôi thì cho trước để còn nhắm tới xin "hao-xinh" (housing) khi về già.  Anh chị tiến hành sang tên nhà cho cậu.  Từ đó cậu làm chủ căn nhà, ký check trả payment hằng tháng nhưng tiền đưa ra vẫn là của anh chị.
Khi cậu quen được với Jackie, anh chị mừng lắm vì sẽ thoát được cảnh nói chuyện bằng tay với dâu Mễ, Đại Hàn, Mên, Lào,  Phi Luật Tân... Trong đám con gái bạn của cậu, cô này được nhất, còn biết "chào ông", "chào bà", "chào hai bác", không "hai... ba" hay "bay... nhảy" như mấy đứa "người nước ngoài".  Cô này tuy không chịu khó làm... phụ bếp với bà và chị, nhưng chịu khó...  phụ ăn, vào những ngày cuối tuần.  Hai đứa làm bạn cũng đâu gần nửa năm.  Lửa tình đang nồng cháy. Thỉnh thoảng chị cũng nghe đôi trẻ gây gỗ chút đỉnh, nhưng sau đó thì vui vẻ, hoà cả làng.  Yêu nhau lắm, cắn nhau đau mà.  Ông bà mình nói như vậy. Chị mừng thầm.  Bỗng một hôm lửa... tình bốc cháy thật, cháy bừng bừng.  Anh chị nghe chúng nó gây lộn ầm ầm.  Tiếng ly tách vỡ nghe rổn rảng.  Hoảng kinh, anh chị tính cạy cửa vào can vì sợ án mạng xảy ra. Đúng vào lúc đó, cô bé mở cửa chạy ra ngoài, leo lên xe lái đi, thằng Đon đóng cửa cái rầm, suýt giập mặt chị.  Từ đó không thấy cô bé Jackie đáo lại.  Thế là tan một cuộc tình "in-tẹc- nét".  Thằng Đon nhà chị rút vào phòng để... thiền, bỏ ăn... cơm (vì chị thấy có French Fries còn sót lại trong phòng), bỏ ngủ (đêm nào cũng hai ba giờ sáng nó mới tắt đèn).  Chị lo lắm, sợ nó ăn uống thiếu dinh dưỡng, không điều độ, ngủ nghê thất thường sẽ sinh bệnh. 
Một tháng trôi qua, nhà chị như có người bệnh sắp chết.  Mỗi người ngồi một góc, cô đơn, lặng lẽ ôm lấy nỗi lo lắng riêng tư theo trí tưởng tượng của mỗi người mà buồn thê thảm, "buồn như con chó ốm".  Giờ được nghe tiếng cười của cậu quý tử, bao nhiêu cục đá mẹ, cục đá con đè nặng trong lòng chị bấy lâu, bỗng biến thành mây trời bay mất hết. Cậu chịu ăn cơm nhưng bận ngồi "còm" nên bà nội bảo chị sắp một mâm riêng bưng vào phòng cho cậu, vừa ăn vừa... làm việc. Không khí gia đình trở lại như cũ, vui theo cái vui của cậu, buồn theo cái buồn của cậu.


Lần này cậu đi làm về là vào phòng ngồi ôm "còm", không đi chơi lang thang như trước nữa.  Anh chị và ông bà mừng cho cậu sau một cuộc tình đổ vỡ đã biết suy nghĩ chín chắn và trở thành người lớn biết lo làm lo ăn.  Anh chị hi vọng lần này cậu tìm được một cô biết "chào ông bà, chào hai bác" như cô Jackie là hạnh phúc lắm rồi. Anh chị đang hồi hộp chờ.   Ngày ngày trôi qua, mộng tình trôi tới.  Vào một đêm, chị không hiểu tại sao lại bị khó ngủ, cứ trằn trọc mãi.  Đồng hồ chỉ 12 giờ khuya rồi mà chị chưa nhắm mắt được. Bỗng... chị nghe tiếng chuông cửa reo "kinh... koong..." Quái! Ai tới nhà vào giờ này" Chị đang phân vân thì cậu chạy ra mở cửa. Chị và mọi người lục tục ra theo.  Một cô gái bước vào ôm lấy cậu: "Hai! Ho -nì!"  Cô gái chợt thấy chị, bèn cúi đầu: "Chào bác gái", rồi cúi chào hết từng nguời.  Chu choa! Tốt quá, đứa con gái này biết chào kiểu Việt Nam mà lại lễ phép cúi đầu nữa!  Thằng con kỳ này sáng suốt hơn trước nhiều. Cả nhà... "hi vọng đã vươn lên".
Cô tự giới thiệu cô tên Kathy và kể lể cuộc đời cô: Nhờ "in- tẹc- nét' mà quen và yêu anh Đon nhà chị. Cô qua Mỹ với cha và mẹ ghẽ.  Mẹ ghẽ khắc nghiệt mà cha thì sợ vợ, nên cô không học cao được, phải bỏ ngang học nghề móng tay để sinh nhai.  Cô mới làm việc mấy tháng nay thôi nên không dư dã gì.  Mẹ và mấy đứa em còn ở bên Việt Nam rất túng thiếu nên cô phải chu cấp hàng tháng.  Hiện cô "se" phòng với một gia đình Việt Nam.  Ông chủ nhà thấy cô tứ cố vô thân nên muốn lập phòng nhì với cô.  Cô không chịu vì cô yêu anh Đon.  Đêm nay bà chủ nhà có việc đi vắng, ông chủ "giở trò" nên cô phải bỏ nhà nửa đêm  đến đây xin lánh nạn.  Ôi! Sao mà tội nghiệp quá! Thân gái bơ vơ nơi xứ lạ quê người!  Bà nội, từ ngày cháu gái thứ ba đi lấy chồng, bà sang ngủ phòng của cháu gái vì bà than ông nội ngủ mà "kéo đờn cò" to quá, bà chịu không thấu.  Gìờ bà hi sinh, trở về phòng với ông để ông "kéo đờn cò", bà "kéo đờn nhị" hoà tấu bản tình già, nhường phòng cho cô Kathy. Thế là cô có một phòng ở free tạm chờ kiếm chổ trọ khác.
Từ ngày có cô Kathy, cậu con quý tử của chị không ngồi "còm" nữa mà tâm tình rù rì rủ rỉ với Kathy tới quá nửa đêm  mới về phòng.  Bà nội lại nấu thêm cho một miệng ăn nữa, vì cô đi làm việc 6 ngày/ một tuần, từ 9 giờ sáng tới 9 giờ tối. Một tuần cô chỉ nghỉ ngày thứ hai.  Ngày đó, cô nghỉ ngơi, chỉ ăn và ngủ, hoặc đi 'sóp-ping" để ... lấy sức làm việc cho tuần tới. Cô than hoàn cảnh khó khăn, xin đóng góp tiền ăn uống và điện nước gas với "giá tình nghĩa".  Mọi người nghĩ rằng cô ở tạm, không bao lâu, nên rộng rãi đồng ý. Bù lại, một đôi khi cô mua vài trái táo hay bịt nho "lại quả".  Anh chị cũng chịu khó bỏ công sức tìm giúp cô vài chỗ cho "se phòng" quen biết, đàng hoàng đứng đắn, nhưng chỗ nào cô cũng bảo cô như "con chim bị tên, thấy cành cây cong cũng sợ", đàn ông trẻ già gì cũng làm cô sợ bị đòi hỏi "se tình", dĩ nhiên trừ anh Đon nhà anh chị ra. Bốn người già cảm thấy hơi kỳ kỳ, nhưng nghe ra cũng có lý (!).  Hết tháng này đến tháng khác lình bình trôi qua như vậy,  và không hẹn mà nên cả bốn người đều cảm nhận một nỗi "buồn vào hồn không tên"!  
Vài tháng sau, cậu quý tử của chị mua một chiếc xe Mercedes mới toanh.  Cậu down phân nửa, còn phân nửa trả góp.  Cậu bảo để chở cả nhà đi chơi bằng xe mới này.  Cả nhà xúm xít vuốt, sờ, ngắm xe mới, và khen cậu là người có khiếu thẩm mỹ chọn kiểu và màu rất đẹp.  Cả nhà náo nức chờ cuối tuần đó, lên ngồi xe này đi biển hóng mát, hoặc đi ăn ở một nhà hàng sang trọng.  Sáng thứ bảy, chị thức sớm xuống bếp dự định kiếm món gì bỏ bụng trước, thì đã thấy một "bức tâm thư" của cậu đặt ngay ngắn trên bàn.  Cậu cho biết rằng: cậu và cô Kathy đi Las Vegas thử xe (!) cả tuần.  Bà nội đỡ phải cực nhọc lo cơm nước cho hai người trong vòng một tuần.  Lại thêm một nỗi buồn len lén vào tim!
Cả nhà mừng hụt không được làm kẻ khai trương, nhưng cũng còn an ủi là: hi vọng sẽ được đi xe mới sau đó.  Buổi sáng, sau một tuần du hí Las Vegas trở về, cô lấy xe mới này đi làm vì xe cô cũ, sợ nằm đường, thân gái đêm hôm khuya khoắt, dặm đường trường... nguy hiểm lắm.  Cả nhà đành phải cho là... có lý tuy không lọt tai lắm.  Thế là cái mộng ngồi xe xịn cũng không còn! Tối đó, cô và cậu báo tin ... vui cho ông bà nội và anh chị biết là cô cậu đã kết hôn.  Tờ giấy hôn thú của cô cậu ký chưa ráo mực được làm ở Las Vegas là bằng chứng.  Và, cô trả phòng cho bà nội để bà "an giấc", cô vào phòng master với cậu.  Mộng làm đám cưới cho cậu trưởng nam rình rang để "nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha" không còn nữa!  Lần này thì "Buồn ơi! Ta chào mi!"  Anh chị bèn phải buộc lòng tự an ủi: Có thêm một con dâu mà không tốn một đồng bạc, hên(!).
Từ ngày thay đổi ngôi thứ trong nhà, cô Kathy cũng từ từ thay đổi phong cách ăn ở để thích nghi với hoàn cảnh mới.  Cô bây giờ là vợ "Thái Tử" nên cô trở thành "Vương Phi Nương Nương".  Cô phải có quyền và lợi của một "Vương Phi".  Cô không đóng góp tiền cơm nữa.  "Thái tử" phải làm bổn phận người đàn ông Việt Nam: nuôi vợ.  Đi làm về cô không tự lấy cơm ăn như mọi lần, phải có kẻ dọn cho cô.  Cả nhà không ai dọn cơm cho cô thì "Thái Tử" dọn, và bưng vào phòng cho cô.  Tiếp theo đó "Thái Tử" phải nhịn đói buổi chiều, chờ cô về cùng ăn chung cho đầm ấm dzui dzẻ.  Cả nhà xót xa cho cậu "Thái tử" nhất là ông bà nội.  Nhưng "Thái Thượng Hoàng" và "Thái Hậu" này hết uy quyền rồi, đành chào thua.  Ăn xong, việc rửa chén là "giốp trời ban" cho ông tổ Adam nên "Thái Tử" phải làm.  Ga-lăng là tính trời cho của đàn ông, nên sáng sớm "Thái Tử" phải xuống bếp làm thức ăn sáng cho "Vương Phi", sắp xếp cơm trưa vào túi lunch cho mình và cho nàng, rồi mới đi làm.  "Thái Tử" trở thành người đàn ông đảm đang. Từ ngày trở thành "Vương Phi", cô càng ngày càng trở nên kiểu cách và khó tánh.  Khi thì cô chê cơm khô, gạo dỡ không thơm.  Lúc chê cá catfish lắm xương (!), thịt kho tàu hà tiện lửa, không rục, thịt bò rẻ tiền không mềm, rau không được tươi, phòng không hút bụi sạch, mền gối không đựơc giặt thường xuyên v. v...Tất cả mọi người trong nhà trở thành "nô tài" và "nô tì" của cô hết ráo. Ôi chao!  Cô bắt khoan bắt nhặt từng chút một.  Không khí gia đình ảm đạm như chiều thu muộn!
Rồi... đến một đêm cô cậu "bất đồng ý kiến, quan điểm đại dị biệt" (nói nôm na là bất mãn gây lộn tưng bừng).  Giữa cô cậu "quan điểm dị biệt" dạo sau này là chuyện cơm bữa.  Nhưng đêm đó đặc biệt trầm trọng nên ầm ỉ rất nhiều.  Cô liệng mền gối của cậu ra ngoài, và đóng sập cửa lại.  Cô đe "Thái tử" mà vào phòng, cô sẽ gọi 911 thưa cậu về tội sexual abuse.  Thế là "Thái Tử" biết thưởng  thức cái "thú" đau thương cô đơn, co ro ngủ sofa!  Từ đó "Vương Phi" chiếm lĩnh "lãnh thổ của Thái Tử".  Nàng lên ngôi "Nữ Hoàng", "Thái Tử" mất đất mất quyền, trở thành hom - lết (hom hem và lê lết) ngủ xa lông.  Ở nhà có 5 cái miệng mà cãi không lại với miệng nhà... vua gái "có gang có thép".  "Thái- Tử- Mất- Ngôi" đã năn nỉ ỉ ôi năm lần bảy lượt mới được "Nữ Hoàng" chiếu cố ban ơn mưa móc cho vào phòng.  Được vài ngày lại xảõy ra "quan điểm đại dị biệt" nữa và cảnh "Thái tử bị đuổi khỏi tẩm cung" ra ngủ xa lông tái xuất hiện. 
Cứ thế mà on-off, off-on.  Càng ngày càng "dị biệt, dị biệt, đại dị biệt",  "xa- lông, xa -lông, lại xa- lông" nên cuộc tình internet này "rạn nứt, rạn nứt, đại rạn nứt", không còn cách nào hàn gắn lại được.  Cuối cùng "Nữ Hoàng" nhờ luật pháp của "Đại Đế" Obama giải quyết cho nàng chặt cái đuôi "ăn bám" (!) của "Thái Tử". 
"Thái Tử" được sự đồng thanh hưởng ứng của cả nhà, bèn ký tên chấp thuận vào "chiếu chỉ"  thoái vị ngôi "Vương Phi" của nàng, còn ngôi vị "Nữ Hoàng"  thì "vững như kiềng ba chân", không ai có "thẩm quyền" đụng tới.

"Ông Tơ (Internet) gàn quải chi nhau,
Chưa vui sum hợp, đã sầu chia phôi!" 
(Kiều- Nguyễn Du)

Từ ngày "hai trẻ" đưa đơn ly dị, anh Ri chị Rết lo ngay  ngáy.  Ôi! Căn nhà mồ hôi nước mắt của anh chị cùng chiếc xe hơi xịn của con trai cưng không biết toà án giải quyết thế nào đây!  Anh chị có phải trở thành "hom và lết" không"  Con trai cưng của anh chị  phải mất bao nhiêu tiền để trợ cấp cho cô hằng tháng" Tội nghiệp cô nghèo lắm, "in-côm" chẳng bao nhiêu, có giấy khai thuế chứng minh (!).  Cô còn thưa "Thái Tử" thêm một tội trời ơi đất hỡi là "xách ờ biu" làm cô hư thai tháng trước (!)  Thật ra cái thai này hư vì cô mang giày cao gót, té cầu thang nhà.  
Bây giờ thì đêm nào chị cũng đốt nhang khấn thảm thiết:
Ới, Ông Trời ơi! 
Ới, "Ông-Tơ-In-tẹc-nét" ơi!
Ngó xuống giùm tôi!
Hạ Vũ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,294,753
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN. Sau 30.4.1075: giáo viênVật Lý - Q.10 -Tp HCM – VN. Theo chồng và 3 con gái đi Mỹ diện HO năm 1999, định cư tại Chicago-IL-USA. Sau đây là bài viết thứ hai. Mong tác giả tiếp tục.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Loạt bài gần đây của ông là chuyện khởi nghiệp, rồi dựng ngiệp trên đất Mỹ. Sau đây là phần cuối khi gia đình tác giả di chuyển về Orlando đầu tư vào ngành địa ốc và sinh sống tại đây.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà cho biết: Tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ tư của bà.
Nhạc sĩ Cung Tiến