Hôm nay,  

Bảy Ngày Trên Biển Caribean

11/10/201000:00:00(Xem: 348403)

Bảy Ngày Trên Biển Caribean

Tác giả: Phạm Hoàng Chương
Bài số 3012-28312-vb7100910

Tác giả đã nhận Giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009, với các bài viết góp cho giải thưởng năm thứ 9, trong số này có bài "Xóm Hoang" kể chuyện một cô gốc Việt đạt giấc mơ Mỹ trước tuổi 30, sống giữa một khu xóm hợp chủng đầy khó khăn thời kinh tế suy thoái. Là một nhà giáo vui vẻ mà nghiêm túc, có hồi ông từng bị bà con đồng hương bắt làm Chủ Tịch Hội Ái Hữu Ninh Thuận. Ông chủ tịch và ông thầy nay về hưu, an cư tại Riverside, Nam Cali. Bài viết mới nhất của ông lần này là một du ký. Hình bên: con tàu Emerald Princess.

***

Mấy năm nay tôi vẫn mong có dịp đi "cruise" một chuyến cho biết. Cancun, hay Caribbean gì đó. Lênh đênh trên đại dương xanh biếc, nhìn sóng nhấp nhô, trăng thanh gió mát, thả hồn lâng lâng...thật không còn gì khoan khoái lãng mạn bằng. Ngọc nói đi cruise Âu châu  rẽ hơn đi tour bằng máy bay, khỏi phải tốn tiền mướn hotel, ăn tiệm. Tàu cứ rề rề chạy ven bờ biển các nước Anh, Pháp ,Ý, Spain, Hy lạp,Monaco.. cho khách chiêm ngưỡng phong cảnh biển... rồi canoes chở khách cặp bờ, có tour guide dẫn đi dạo chơi thăm viếng các nơi dền đài cung điện dến chiều tối lại xuống tàu ăn và ngủ. Nghe mà mê. 
Mới đây lại nghe Trọng Thắng quảng cáo trên Tivi có tour di Ấn độ hành hương 15 ngày 3300$, cũng háo hức, nhưng thấy lâu quá hơi ngại, sau đó chuyến đi cũng đình lại vì không đủ người tham dự.  Thế rồi gặp cô Hằng đại lý máy ngâm chân và giường massage hồng ngoại tuyến rủ đi cruise Caribean do Hội Vô Vi của đệ tử ông Tám tổ chức,chỉ có tròm trèm 1000$ gồm cả tiền máy bay round trip 355$ qua FLORIDA, trả hotel ngủ 1đêm 45$ và tiền cruise 7 ngày 580$.  Còn được ghé thăm 4 hòn đảo để tắm biển và mua sắm nữa. Đúng là "good deal", dịp may hiếm có, ước gì dược nấy. Bèn lập tức xúc tiến, nhờ chị BÊ check các hãng máy bay tìm giá rẽ nhất book vé trước, còn 580$ thì ký check đưa cô Hằng giao cho anh Thanh Hòa. Lúc đó mới cuối tháng 8 mà chuyến đi thì bắt dầu từ 10  dến 19 tây tháng 9. Nhiều đạo hữu ở các city và tiểu bang khác  sẽ đi bằng các chuyến bay giờ giấc khác nhau tới Florida , miễn sao có mặt tại phi trường Fort Lauderdale đúng ngày 11 , là có  "Ban chuyển vận" đem xe "van" ra đón về hotel ngủ 1 đêm, rồi trưa hôm sau xe lại  đưa ra tàu "check in."
Hằng nói đây là giỗ đầu của sư phụ nên anh em đồng đạo tổ chức họp mặt trên tàu làm lễ kỉ niệm nhớ ơn Thày , vì ngày xưa Thày còn sống cũng có đi cruise với mấy trăm đệ tử một hai lần. Cô và gia đình book vé trước nên đi chuyến bay khác giờ với chuyến tôi. Tôi dẫy nẩy:
-Chết, không có cô ai biết tôi là ai, rồi ai đưa đón tôi bên này và bên Florida đây"
-Anh yên tâm, Hằng đưa anh số phone của các anh trong ban tổ chức, họ cũng có số của anh để tiện liên lạc nhau, qua đó là gặp nhau hết. Ban chuyển vận lo hết. Anh nên đem một cái valise nhỏ xách tay như Hằng thôi,dừng gửi gì hết cho phiền, khỏi phải lo lắng về hành lý mất mát.
 Quả nhiên đầu tháng 9, tôi đã nhận được đầy đủ các giấy tờ cần thiết về lịch trình chuyên đi, boarding pass đi máy bay và thẻ xuống tàu. Anh Lâm đạo hữu nào đó trong Ban tổ chức ở Oregon liên lạc email tôi đều đều, lấy số credit card và các ìnormation để làm các thủ tục cần thiết lên tàu.
Tối thứ sáu 10/9 tôi nhờ con trai chở qua nhà Hằng ngủ đêm để sáng  5 giờ cùng ra phi trường John Wayne.Té ra gia đình cô gồm một bà mẹ 77 tuổi, một cô em 52 tên Hương, và con gái của cô này đang là sinh viên.. Cô Hằng nói cô Liên nào đó, bạn cô, sẽ đi cùng chuyến bay cùng giờ với tôi, còn chuyến gia đình cô đi trễ hơn, nhưng chồng cô Liên sẽ chở tất cả ra phi trường một lần cho tiện.. Cô Liên có 2 con lớn, tu tại gia ăn chay trường 8 năm nay, 48 tuổi, mà lanh chanh láu táu  như mới 35. Cô không rành tiếng Anh, chưa đi máy bay một mình bao giờ mà lại xách những 3 cái hành lý nên níu chặt lấy tôi bắt xách giùm cái túi đựng đồ ăn chay.
Cũng nhờ có túi đồ chay đó mà tôi có được bữa lunch ngon lành với 2 tô mì ly chay  Đại hàn thượng hạng của cô mang theo, xin nước nóng của cô chiêu đãi viên chế vô ly quạy quậy là ăn nóng sốt được ngay.. Cô nói chuyện huyên thuyên, để lộ tánh người rộng rãi, bộc trực hồn nhiên, ruột để ngoài da, tâm sự sâu kín gì đem ra khai hết, coi ai cũng như mình, thật là hiếm có, đúng là người tu không chấp hình tướng, không hờn giận chi, nên tâm trí hồn nhiên như đứa con nít. Cô nói cô ngồi thiền mỗi đêm, nhưng không  phái thiền phái Vô Vi, chỉ là ham vui đi theo nhóm cho vui  thôi. Máy bay hạ cánh ở Phoenix, hai đứa kéo nhau lên phi trường, kiếm gate của chuyến bay kế tiếp. Tới Fort Lauderdale của Florida 4 giờ chiều, lục tục kéo xuống mới thấy lác đác hai ba khuôn mặt Việt nam, chắc là đi cruise với mình.
Trời nóng hầm hập, mồ hôi toát đầm đìa, mắt nổ đom đóm, khí hậu y như tháng 5 ở Saigon. Tưởng Florida đẹp đẽ thế nào mà cái khí hậu kiểu này là thấy ngay mất cảm tình. Nóng quá mất thú, cứ phải luôn tay quạt phành phạch. Gọi phone Ban chuyển vận, họ trả lời có xe van tới ngay đón. Được 10 phút thì thấy ở đâu tuôn ra thêm 10 mấy, 20 người da vàng mũi tẹt nữa, lủ khủ hành lý tay kéo tay xách, nhập bọn đứng chờ . Hai đứa theo đoàn người đạo Vô Vi lên hotel phòng 7 thấy la liệt thức ăn trên bàn, nào mì gói, xôi mỡ hành, bánh mì, cafê nóng, trái cây...tha hồ ai đói cứ tự tiện ăn. Khoảng 20 người nam nữ tuổi sồn sồn kẻ để tóc, người cạo trọc, tiếu lâm vui vẻ bàn chuyện sinh hoạt trên tàu ngày mai.
Một cái bàn dài có 3 bốn anh Ban tiếp tân đầu cạo trọc ngồi chăm  chỉ làm việc chào đón khách mới tới. Tôi nhận ra anh Lâm và Thanh Hòa, anh  em cười chào nhau, lúc trước vẫn thường gọi phone và email mà chưa thấy mặt. Anh LÂm bảo tôi lấy một cái áo T-shirt có in phù hiệu đạo tràng Vô vi, một cuốn Chơn kinh , một CD, và một túi xách, rồi đưa tôi cái thẻ phòng. Cô Liên ở phòng khác.
Tôi thấy phòng có 2 giường  rộng, có tới 4 cái gối trắng bự trên mỗi giường, bèn tắm mát rồi lăn ra ngủ  đến tối  mịt ,tỉnh dậy vừa lúc có tiếng người mở cửa vào. Đó là anh roommate share phòng, tên HẠnh, khoảng 55 tuổi, còn trẻ, hai mắt rất sáng. Tôi hỏi:
-Phòng mình 4 người hay 2 vậy anh"
-Hai. Chỉ có anh và tôi thôi.
-"Sang" vậy đó" Anh ở đâu tới, anh Hạnh"
-Philadelphia.
Qua câu chuyện mới biết anh vượt biên tới đảo Phi năm 82, mấy tháng sau vợ anh nhận dược tin, bèn đem con gái 6 tháng đi tiếp, chẳng may  ghe  hết lương thực lênh đênh 21 ngày trước khi tàu Đức vớt đưa vào Phi luật tân. Chị chết kiệt sức vì cho cháu bú mà không có gì ăn vào. Anh chôn xác vợ trên đảo, bồng con gái di Đức, rồi sau qua Mỹ. Đứa bé gái may mắn còn sống, nay đã 30 tuổi có hai con. Từ đó đến nay anh ở vậy nuôi con, chơi với cháu ngoại, đi làm và tu thiền Vô vi. Tôi nghe mà vừa thương vừa phục. Con người anh điềm đạm, khuôn mặt không đẹp nhưng có cái gì thu hút ở hai con mắt sáng và nụ cười hiền.
Đang lúc đó thì cô Liên chạy qua nhờ anh chỉ cách thở và ngồi thiền Vô vi, ngạc nhiên thấy tôi, kể lể nói chuyện  tía lia. Cái cô này giỏi, gặp ai cũng làm quen thật nhanh, bắt chuyện một lát nghe tưởng đâu như thân quen từ mấy chục năm rồi. Hai thày trò ngồi xếp bằng đối diện dưới đất. Tôi nằm nghe Hạnh dạy cô cách massage trán, mũi, mắt, má, tai, ót 30 lần mỗi nơi... giảng giải chữ NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT trong cách thở thấy cũng hay hay. NAM là Lửa (trán), MÔ là Gió (đỉnh đầu), A là Nước (thận),DI là Phát triển (ngực),ĐÀ là Hào quang (toàn đầu),Phật là Đất ( lỗ rún). Ngồi thiền để mở cửu khiếu (luân xa). Anh nói Vạn vật từ tro đất mà thành cây cỏ, cây cỏ sinh ra súc vật (vì còn là súc vật nên đầu đuôi ngang nhau) khéo tu thì được sinh lên làm người (đầu hướng lên Trời). Nhờ hướng lên Trời nên dễ tu, khai mở trí huệ, hồn xuất theo đỉnh đầu mà  lên cõi trên thanh nhẹ. Nhờ có thân người mới niệm được A di đà Phật để phá địa ngục, xuất hồn lên cao.
Hạnh nói có  3 vạn 8 ngàn pháp môn tu. Thiền Vô vi là một trong các pháp đó, là Kinh Vô tự, không có lý thuyết,  nên chớ hỏi tại sao, mà cứ vâng lời thực hành đi, rồi sẽ có ngày chứng nghiệm. Hạnh kể kinh nghiệm bản thân, ngày xưa một ngày tụng kinh 3 lần, sau bỏ, quay ra tu theo ông Tám mấy năm, bị đứa em trai bên Hòa lan chê là theo tà đạo, méc ba má bên Vn, bị ông bà già đòi "từ", sau chính đứa em đó gặp được ông Tám qua đó chơi,không biết nói sao đó mà chính nó lại "thấy" trong lúc ngồi thiền hình ảnh chớp nhoáng "ông già"  được chở vô nhà thương cứu cấp. Sau đó 2 ngày thì nhận được điện tín "Ba chết, về gấp". Nó còn thấy cả hình ảnh bà già đeo khăn tang cầm bó hoa bên cạnh đưa cháu châm lửa đốt đèn cày. Cá nhân Hạnh cõi Trên bắt ngồi thiền đêm nào cũng tới 12 giờ khuya, mà sáng 5 giờ đã phải thức để sửa soạn đi làm. Hạnh nói có lần đang uốn lưỡi căn răng niệm A di Đà mà thấy phòng tự nhiên sáng rực, có lần thấy cả Phật Thích Ca..Tôi vốn không tin các "phép lạ", nhưng nghe Hạnh kể một cách thành thật cũng thấy thích thú và phục lắm. Ngủ có 5 tiếng một đêm mà cặp mắt sáng như điện như vậy phải có điện lực mạnh, có thể xoa tay trên đầu bệnh nhân làm giảm cơn đau ...không thể nói là chuyện đùa mê tín.
Liên về, Hạnh tiếp tục ngồi thiền yên lặng dưới dất. Tôi thao thức mãi một lúc thấy Hạnh lên giường ngủ. Được hai phút đã  giựt mình thấy anh ngáy như sấm. Tiếng ngáy to dài, đều đều, nhịp nhàng lên xuống có bài bản như người mắc bệnh phổi.kinh niên.làm tôi thức tới ba bốn giờ sáng mới chợp mắt.

NGÀY THỨ NHỨT (Sunday)

Sáng ra mọi người xuống cafeteria ăn sáng, thức ăn thịnh soạn, có bồi mang tới bàn và dọn dẹp, tiền ăn tính gồm trong tiền mướn hotel. Ai có hành lý gửi mang ra để trước hotel. Ban chuyển vận thuê xe bus dài chở tất cả đồng tu ra bến tàu, chạy vùn vụt trên freeway. Xe ngừng, khách xuống.Chiêc tàu khổng lồ hiện ra trước mắt, nằm xa xa trên mặt biển, sơn trắng toát, như một tòa building khổng lồ dài khoảng 400 mét, với 18 tầng cao, mũi tàu bè bè ra cao vót lên như miệng con cá voi  với hàng chữ EMERALD PRINCESS (Quận chúa Bích Ngọc).
Thiên hạ vô nhà làm thủ tục check in, được phát thẻ ngồi chờ gọi tên lên tàu theo số tầng phòng ngủ. Tôi tình cờ gặp 2 vợ chồng ông Thụy người Bắc và anh chàng Lộc, sẽ ngủ chung phòng trên tầng 8 với tôi suốt tuần lễ. Ba người này đều đã đi cruise vài lần trước đây, còn tôi mới lần đầu. Các hành lý gửi đều đã có nhân viên tàu coi theo labels mà đem lên đặt trước cửa phòng mỗi hành khách.
Đúng 1 giờ trưa, chúng tôi được phép xuống tàu. Ai cũng  vào tàu bằng tầng thứ 5 (deck 5), ngay giữa thân tàu (midship), đi qua một cái cầu phao nhỏ. Từ deck 5 trở lên deck 19  là nổi trên mặt nước, từ deck 5 trở xuống chìm dưới nước. Deck 5 lên đến deck 7, ngay giữa tàu (midship), là trung tâm của các cuộc vui, nhiều chùm đèn vàng sáng rực  từ cao rủ xuống, nhiều cầu thang bằng đồng sáng choang  uốn lượn cong cong như chỗ khiêu vũ trong phim "Tàu Titanic" chiếu cách đây mấy năm, quày passenger information nhìn xuống bên dưới với đàn piano hầu như luôn có người túc trực đàn thánh thót... khách có thể đứng từ lan can các tầng 6 và 7 nhìn xuống coi tài tử làm trò xiếc, ca hát,  đàn piano, khiêu vũ, còn tầng 4 trở xuống dành làm phòng ngủ cho nhân viên và các buồng máy móc kỹ thuật, chứa thức ăn, khăn vải, nguyên liệu, linh tinh.
Nghe nói số hành  khách có tới 3000, ngủ từ tầng 8 trở lên, có cửa mở ra lan can ngồi bàn nhìn xuống biển, còn nhân viên khoảng 1000,  đa số là thanh niên Phi luật tân, làm đủ mọi thứ công việc, kể cả thợ sơn, plumber, bồi phòng, cook, bartender, nhạc sỹ, thợ chụp hình, bán tranh, thẩm mỹ, masseur, waiter, manager, technician, bác sĩ... Ngoài tiền lương rẻ mạt, tất cả những người này đều được hưởng thêm tiền tip của khách trên tàu (mỗi người $10.50 một ngày) chia đều ra, nên họ đối với khách rất ư là lễ phép.
Phòng chúng tôi ở deck 8, khá nhỏ, có Tivi, tủ lạnh, 2 cái bunkbeds, ban đêm giường  lầu mới bật xuống, ban ngày ép sát vào tường, nên cũng thoáng. Đèn có 2 cái trên trần chiếu xuống, có cái gương soi thật to, rộng cả mét vuông trước bàn phấn. Trên hai bàn đầu giường có 2 đèn đọc sách, rất tiện lợi nếu muốn thức khuya mà không làm phiền nguời bên kia. Chỉ có cái phòng tắm quá nhỏ, một bên vừa đủ để cái toilet, một bên là chỗ đứng tắm có màn kéo qua lại, và chỗ đứng để rửa mặt đánh răng.  Tuy vậy 4 người cũng khéo canh thì giờ dậy sớm vào vệ sinh, trước sau không phải kẹt bao giờ.
Các phòng trên deck 9 lại có cửa trổ ra lan can bên ngoài, kê bàn ghế ngồi nhìn xuống biển, chắc là book sớm nên được ưu tiên. 2 giờ trưa, chúng tôi kéo nhau lên deck 15 ăn lunch ở 2  buffets lớn kế tiếp nhau. Đi tới đó phải băng qua 2 cái hồ tắm lớn xung quanh la liệt các ghế xếp khách nằm khoe bụng khoe ngực chân tay trần truồng, có quày pizza và nước giải khát free, tha hồ khách order ăn uống suốt ngày.  Trong buffets, có những bàn tròn, vuông, phủ khăn trắng để sát dọc các cửa sổ kính nhìn xuống biển xanh bên dưới mênh mông kéo tới chân trời. Có 7 tám cái quày kính với đủ loại thức ăn đựng trong các khay sáng choang, trái cây nho dưa, chuối, đào, lê, dứa...cắt sẵn, đậu petit pois luộc, cá filet hấp, gà chiên, thịt bò heo dê, trứng luộc trứng chiên, cơm chiên, bánh mì, sandwich,waffle, tôm lăn bột chiên, bánh ngọt tráng miệng, ice cream... Khách gắp vào đĩa nhiều ít tha hồ theo ý thích, mang ra bàn, lập tức có bồi ăn mặc đồng phục tới hỏi, "ông bà cô..uống nước gì"" là nó mang tới. Trà nóng, coffee, nước cam vắt, nước chanh tất cả đều free, chỉ có các thứ soda, coca...thì đưa thẻ phòng ra cho nó charge, sau này lúc rời tàu sẽ biết tổng cọng tiêu xài trên tàu hết bao nhiêu, credit card của khách sẽ trả.
Mỗi người chúng tôi được phát một miếng giấy với 12 tên hiệu  kinh doanh trên tàu ở nhiều tầng khác nhau, phải lên xuống thang máy đi gặp họ xin đóng dấu cho kín, rồi bỏ vào rổ rút thăm ở tầng 15 lúc 5 giờ chiều nay, tham dự cuộc bốc thăm với nhiều giải thưởng bằng tiền mặt hay coupons dịch vụ massage, cắùt tóc, tẩy răng...miễn phí. Nhiều người Việt không hiểu cầm giấy đó để làm gì, vứt bỏ lăn lóc. Tôi hiểu tiếng Anh, lại để ý khách Mỹ trắng làm sao bắt chước vậy, nên đi thăm đủ 12 chỗ ở 4 năm tầng khác nhau, di chuyển bằng thang  máy lên xuống vù vù, rồi rảo bước khắp nơi tìm kiếm, từ đầu tàu (forward) đến giữa tàu (midship) rồi xuống cuối tàu (afterward). Đến vài tiệm cuối, tôi mới hiểu ra mục đích của trò đấu giá này là để giới thiệu location các business (ví dụ triển lãm bán đấu giá tranh, bar rượu, shop bán áo quần thời trang...)  và dịch vụ (ví dụ shop massage da mặt., hớt tóc, làm tan mỡ bụng, làm trắng răng, fitness training... ) trên tàu cho hành khách ghi nhớ trong trí, để mà mai mốt tới mua sắm, tiêu tiền. Thích nhứt là cái small group tour trên deck 16, có các cô xinh đẹp trẻ măng tươi cười dẫn khách đi nghe các chủ dịch vụ massage đàn bà đứng giải thích bên các người đàn bà nằm ngửa phơi bụng  ra, vú, mặt, đùi, bụng trét đầy chất hóa học  làm mẩu, cho biết giá cả discount và promotions.....Giá đắt quá, toàn từ 100$ đến 200$ một giờ.
Đến 4 giờ chúng tôi  được lệnh từ loa phóng thanh oang oang phải đem các phao life  jackets màu cam trong bedroom closet tới tập trung ngồi trong rạp hát lớn, coi họ biểu diễn cách gài phao life jacket vào cổ và ngực để biết cách làm, nếu xui xẻo tàu bị chìm. Họ cho biết khi sự cố xảy ra, phải thoát ra các ngõ nào. Ai cũng biết đây chỉ  là thủ tục luật pháp bắt buộc, nên có kẻ cũng làm theo cho vui, có người chỉ ngồi yên lơ đãng nghe . Tàu Princess này lớn hơn Titanic ngày xưa nhiều, lại có hơn 30 canoes gắn đầy dọc theo xung quanh thành tàu ở deck 7, 8..làm sao mà chìm được, biển lại ở vùng xích đạo, nóng hầm hập, làm sao có băng đảo mà đụng được.
5 giờ bắt đầu cuộc bốc thăm raffle ở deck 15, bên cạnh hồ bơi ở midship. Thiên hạ ăn mặc hở hang bu đông đen xung quanh, người đông đen từ trên lan can deck 16 nhìn xuống theo dõi. Một anh chành đẹp trai tay chốc chốc bốc trong rổ ra 1 tờ, giao cho một cô gái tươi cười mồm miệng lanh lợi, thoăn thoắt  tay chân, cầm micro đọc tên người trúng giải, mời ra nhận coupon hay tiền mặt,  cạnh đó có một cô mặc bikini nhún nhảy khêu gợi và 2 cậu khác ăn mặc ngộ nghĩnh làm trò phu tá. Có 3 bà Mễ mập ù, đít đê thổn thện, đủng đỉnh tiến ra đứng gần, tay quay ngoắc ngoắc các sợi dây đủ màu dài lằng ngoằng cho vui mắt. Đọc tên 3 lần mà không ai ra nhận là coi như mất, bốc gọi tiếp người khác. Tôi chẳng trúng gì cả, mà cũng chả thấy người Việt tàu nào trúng, bèn bỏ đi thì cuộc rút thăm cũng chấm dứt vừa lúc tàu rời bến rẽ sóng ra khơi.
Nhiều cặp nam nữ Mỹ đen Mỹ trắng ra sàn, ở trần ôm nhau khiêu vũ dưới nắng chiều trong tiếng nhạc rumba. Các waiters nam nữ trẻ len lỏi "serve" nước giải khát free cho khách order, kẻ ngồi bàn, người nằm dài ra ghế quanh hồ tắm lộ thiên. Tôi nhìn quanh, thất kinh thấy nhiều ông già ở trần nằm phơi nắng, da trắng đỏ như tôm luộc, phềnh bụng to tròn như con cóc chửa, ngồm ngoàm ăn pizza. Dân Âu Mỹ không sợ ung thư da, hay có lẽ họ ỷ có bôi thuốc chống nắng nên nằm ngủ tỉnh bơ ngoài nắng chang chang.
Lại thấy xi nê bắt đầu chiếu trên màn ảnh lộ thiên nhìn xuống hồ tắm. cả 2 deck 15 và 16 khách đều có thể nằm ngửa mặt lên đeo kính râm coi được. Phim toàn loại giả tưởng, tài tử "make up" như những sinh vật từ hành tinh khác tới, bắn giết, tiếng động ầm ầm, nên tôi chán bỏ ra lan can ngồi nhìn xuống biển xanh, gió biển ấm nóng thổi vào mặt không mát mẻ thoải mái chút nào..Chốc chốc có một hai ông Mỹ bự ở trần chạy lúp xúp ngang qua mặt vài ba vòng quanh tàu.
8 giờ, tôi xuống deck 6 kiếm tiệm Da Vinci ăn diner theo như trên thẻ phòng có ghi. Con bé gác cửa người Puerto Rico nói lần sau nhớ đúng 5:30 chiều , như có ghi trên thẻ, tới mới có bàn riêng, bây giờ tạm ngồi share chung bàn với các ông bà Âu Mỹ. Nhà hàng Ý trang hoàng lộng lẫy, đèn vàng ấm áo, trên trần khoét lỗ lấp lánh như sao trên trời đêm. Bồi bàn ăn mặc lịch sự lễ phép hỏi han, lấy order các món ăn chơi, salad, soup và món ăn mặn chính. Đầu bếp  lục đục một lát cho người bưng các khay thức ăn có đậy nắp nhựa trắng tới giao bồi bàn đặt lên bàn cho mình. Ăn uống trên tàu ở đâu cũng đều free, trừ phi mình gọi bia, rượu vang hay nước suối, thì tính vào credit card...
Ăn xong tôi tản bộ đi rảo, coi các bar rượu kiểu Âu châu tối om, đèn lập lòe sáng yếu ớt bên trong, có khách ăn uống,  ôm nhau nhảy đầm theo tiếng nhạc du dương hay nhạc sống. Tôi đi qua khu casino đánh bạc, kéo máy, lấp lánh màu sắc tiếng động,  lúc nào cũng có các con bạc ngồi say mê đen đỏ, nhưng không đông lắm như ở Las Vegas. Xem triển lãm các bức họa đủ kiểu đóng khung trên các hành lang chuẩn bị mai mốt đem ra bán đấu giá. Những cửa tiệm sáng sủa bán nữ trang lấp lánh vàng bạc, đồng hồ, phòng Internet, rạp hát, có cả một thư viện im lìm vắng vẻ một hai người ngồi đọc sách. Kết thúc buổi tối đi bách bộ là ra ngoài lan can đứng nhìn ra biển cả mênh mông, cúi xuống thấy nước róc rách chảy ngược lại rất nhanh:  tàu đang chạy. Thấy một dải đất dài sáng xa xa, ông Ấn độ đứng ngắm bể bên tôi nói có lẽ đó là Cuba, ngày mai tàu sẽ ghé đảo Bahamas cho hành hách xuống chơi.
Khoảng 9 giở đêm tôi về phòng ngủ, thấy họ bỏ 2 miếng giấy ở mailbox trước cửa, hỏi thích sớm mai bồi đem breakfast tới gồm những món gì. Tôi ngạc nhiên,"Lại có vụ room service này nữa sao" Mình di lên buffet ăn cũng dược, cần gì phiền họ phải mang tới tận phòng" Biết có charge thêm gì không đây"" , Nhưng cũng lấy bút ra check các món coffee, sữa, cream, trái cây và yagourt, rồi ký tên, mang ra bỏ lại ngoài bỏ cho họ collect, chuẩn bị bữa sáng cho mình. Vợ chồng ông Thụy và Lộc đều chưa về, chắc là mê cuộc đỏ đen ở casino, thôi tắm mát lên giường ngủ cho bù lại đêm qua thao thức ở hotel.

NGÀY THỨ HAI (Monday)

Hai ba giờ khuya giựt mình tỉnh giấc vì tiếng ngáy khò khò ai oán của ông Thụy nằm giường bên kia. Trên đầu mình, Lộc cũng không thua, tiếng ngáy thanh niên 40 tuổi dều đặn, ung dung, kéo dài có đầu có đuôi. Một lát lại nghe bà Thụy nằm giường trên đầu ông Thụy cũng  thở ra hít vào kin kít, ngáy không thua gì 2 người đàn ông. Ba tiếng ngáy như thổi kèn đua nhau kèn cựa, như một điệu khúc hòa tấu trống đờn tập dượt đâu sẵn nhiều ngày trước bây giờ mang ra thi thố,.làm tôi vừa đau lỗ tai, lại vừa tức cười, muốn bỏ ra ngoài lan can nằm hóng gió cho khuất tiếng ồn, nhưng lại tiếc giường êm mền ấm, không khí man mát của máy điều hòa không khí trong phòng, đành chịu trận nằm nán cho tới khi nào ngủ lại thì thôi..Được giá rẻ thì phải chịu cảnh ngủ chung với những người ngáy kinh niên.  Không hiểu có phải bất cứ ai ngoài tuổi 40 là phải bắt đầu ngáy hay sao, kể cả đàn bà" Tôi ngoài 60 mà đâu có ngáy" Đành phải chịu trận thức mãi tới sáng.
7 giờ, trên bàn phấn bà Thụy thường ngồi chải tóc trang điểm, đã thấy rỗ trái cây có 4 nửa trái bưởi khoét sẵn, mấy trái chuối,  bình cà phê nóng,.4 cốc trắng, và các thức ăn mình order đêm qua. Ba người nhường  hết cho tôi ăn, họ lên deck 15 ăn buffet có nhiều lựa chọn hơn.
Ăn sáng ở buffet xong thì thấy tàu cập bến đảo Bahamas, ở trên deck 15 nhìn xuống nước trong veo màu hồ thủy, thấy rõ cát trắng bên dưới.  THiên hạ kéo nhau nô nức mang theo túi xách, sắp hàng dài ngoằn nghoèo đi qua máy nhận diện, đút thẻ phòng vô, máy kêu "tút tút" là OK, có quyền xuống canoe. Canoe đầy khoảng 49 người là nổ mấy chạy vô đảo, khách lên cầu tàu hói hả đi bộ lên đảo. Nắng ấm vàng chan hòa khắp nơi, nhìn ra chiếc tàu thanh lịch khổng lồ đậu  gần đó, cách bờ khoảng 800 thước. Những nhà sàn mái tranh rải rác trên cát trắng mịn, e ấp dưới các tàn dừa cao lá xanh vươn mình cao ráo, thiên hạ đi luồng tuông, tha hồ ghé các quầy trái cây ăn, hay lò nướng barbecue thịt thơm phức, hay vô các quán bán áo quần con nít hay T-shirt, váy đầm, có in chữ Bahamas  xanh đỏ làm kỉ niệm coi cái gì vừa mắt thì mua. Ngoài bờ biển vô số nam nữ mặc quần đùi và bikini tắm lội, thịt da trắng đỏ mập mạp lổn ngổn trong nắng tươi. Một cặp Mỹ đen ôm nhau xà nẹo tỉnh bơ giữa đám trai gái da trắng đeo kính râm đen quào quào bơi lõm bõm. Có hai người security guards đứng chống nạnh canh chừng, mặc dù đã có rào phạm vi khu vực tắm bằng những dây phao trắng nổi lềnh bềnh trên nước. Một toán thanh niên nam nữ đủ quốc tịch kể cả da đen đứng thành vòng tròn trong nước chơi đánh volley, miệng cười khanh khách. Tôi cũng bỏ áo quần khăn tắm trên ghế dài , chạy ra nhảy ùm xuống bơi lội hụp lặn trong làn nước xanh ấm áp mà mát dịu dàng. Nước biển ở đây khác hẳn bên California, nó làm thân mình nổi lên dễ dàng mà lại trơn như có pha dầu, bơi hoài không muốn ra khỏi nước, vì không hề lạnh chút nào, trái ại cho ta cái cảm giác mát rượi lan khắp thân thể da thịt. Tôi nhờ một cô da trắng người Anh chụp cho mấy "pô", có anh bạn cô ta cũng tới tự nguyện đưa tay chụp giùm thêm. Ngồi phơi nắng một lát tôi giật mình thấy một nàng Mễ béo tốt từ dưới bể chạy lên, hai vú to như hai trái bưởi lắc lư thổn thện trắng hồng. Kế đó có một bà mập ù mặc áo tắm ngồi xe lăn có người đẩy tới, xí xô xí xa một hồi với cô. Khoảng 1 giờ trưa tôi mặc đồ trở ra cầu tàu tính về tàu để đi ăn lunch, thấy có 2 thanh niên mặc quần cụt đi hối hả, một trong hai người có cái chân giả bằng sắt ghim vào chiếc giày, đi thật khéo léo, thầm phục  ở xứ văn minh, người tàn tật vẫn có điều kiện hưởng các lạc thú ở đời. Lại ngạc nhiên thấy có anh nhân công người Phi loay hoay múc từng gáo nước sạch vô các thau nhựa cho các hành khách nhúng dép dính đày cát vào rửa cho sạch chân, thật tội nghiệp. Cách phục vụ khách của tàu thật là quá chu đáo, chưa từng thấy ở Thái lan hay Việtnam.


Lên dẹck 15 ăn buffet, đang ngồi chễm chệ trước một khay đầy nhóc trái cây rau đậu và cá salmon chiên, tôm chiên lăn bột thì có cặp trai gái Âu châu tới xin ngồi chung bàn, họ xưng ởHy lạp tới. Người ở Âu châu không mập phè phỡn như dân Mỹ, họ ăn nói điềm đạm, dè dặt và lễ độ hơn. Hỏi thăm về tình hình tài chánh của Hy lạp, họ buồn rầu nói Hy lạp không nhiều có tài nguyên thiên nhiên như ở Việt nam, chủ yếu sống bằng du lịch. Chiều lại ăn mặc lịch sự xuống deck 6  ở Dining room  ăn với ông bà Thụy và Lộc. Đèn vàng ấm áp, bồi bàn, managers đều cà vạt, áo vést đen, trịnh tọng lễ phép như ở các nhà hàng lớn. Lộc và mình order một chai rượu vang đỏ 24$ uống chung cho ấm bụng. Tối về lại có tờ Newsletter bỏ ở cửa.thông báo các events và activities từ 6am đến 12 am ngày mai. Ông bà Thụy lại rủ nhau đi casino thử thời vận. Mình ra Central Hall coi họ biểu diễn cắm hoa, có khoảng 25 vị lớn tuổingồi coi học hỏi. Có quày bán đấu giá nữ trang, giá rẽ không tính thuế, các phụ  nữ bu lại lự chọn. LẠi có chỗ biểu diễn châm cứu, chỗ nhảy đầm, chỗ dạy ballroom đông các cặp trai gái trẻ trung hay mới cưới, các wine clubs các ông xúm lại uống nhấm nháp. Bên cạnh các swimming pools có chơi nhạc sống, quày pizza có những người to béo order nhắm nháp chóp chép nhai suốt ngày, toàn những thứ người Á châu không lấy gì làm hứng thú. Tôi hóng gió một chút rồi quay về, thấy hai nhân công Philippino đang ngồi kỳ cọ đánh bóng cầu thang xoắn ốc ở Central Hall, xung quanh dập dìu quí ông quí bà lịch sự sang trọng thơm phức nước hoa...
NGÀY THỨ BA (Tuesday)

Hôm nay chỉ được sinh hoạt trên tàu thôi, vi tàu phải chạy suốt ngày đến đảo Jamaica, phía nam  Cuba. Coi tranh bán đấu giá, tấm nào rẽ cũng cả ngàn bạc trở lên, toàn là mấy ông bà già Âu MỸgiàu sụ tham dự, họ gửi về tận nhà qua bưu điện. Quầy nữ trang và áo quần tiếp tục bán sale, thu hút các phụ nữ trẻ ưa chưng diện. Trên hồ tắm lầu 15 có xi nê lộ thiên, bên dưới ghế xếp trải đầy nườm nượp với đùi cẳng vú vê, bụng ngực trần truồng  lông lá phơi nắng chảy mỡ. Toàn là những ông bà già bụng phệ no béo, lâu lâu mới có một hai thanh niên nam nữ thân hình cân đối, ngực nở bụng thon, cao ráo kiêu hãnh, đeo kính đen đi đứng nỗi bật. Trong các bar rượu, thiên hạ lui tới ăn uống lép nhép suốt ngày, máy lạnh mở suốt 24/24, mỗi lần mở của, hơi nóng bên ngoài ùa vào chụp lên mặt mũi ngộp thở.
Trưa về phòng ngủ trưa bù lại đêm qua thức trằn trọc nghe mấy người share phòng ngáy ầm ỹ. Tuy mất ngủ, soi gương thấy mặt và mình mẩy có vẻ như mập ra vi ăn uống ngày 3 bữa toàn đồ tươi ngon bổ béo. Đang lim dim thì cậu bé bồi phòng gõ cửa vô làm giường. Cậu người Phi, 30 tuổi nhưng trẻ như mới 25, chăm chỉ ngày thay mền gối 2 lần, kể chuyện  làm việc theo giao kèo, được tuyển mộ tại Phi, một năm quần quật 8 tháng trên tàu, lương chưa tới 1500$ một tháng, ngủ ở phòng nhân viên dưới deck 4, nhìn ra kiếng cửa sổ  thấy toàn nước biển và cá tôm bơi lội, 4 tháng kia được vacation về thăm gia đình không lương. Nhân viên phục vụ trên tàu được tuyển hầu hết ở Phi, Mễ, và Ấn độ, các nước nghèo , nhưng lác đác cũng có dân Âu châu da trắng  cao ráo, mặt mày thanh tú, và thành phần này hầu như làm các chức vụ chỉ huy giám sát  hơn là tay chân. Lúc vô thang máy lên deck 15 buổi tối ăn buffet, gặp một bà Mỹ đen cực kỳ to béo ngồi xe lăn tự đẩy vô choán hết chỗ. Tôi ái ngại buột miệng hỏi:
-You have to sit there for the rest of your life"
Cô mập toe toét cười trả lời:
-Tôi ngồi xe lăn từ lúc mới lên 9 đến nay, đã quen rồi.
Tôi lắc đầu thán phục. Cả một đời người "bị án chung thân" phải ngồi chặt trên xe lăn như vậy, di chuyển khó khăn, mà vẫn vui vẻ lạc quan thế sao" Thì ra trên đời này , có nhiều tấm  gương kiên nhẫn tuyệt vời đáng cho ta phải  học hỏi để cố gắng phấn đấu sống, thay vì tuyệt vọng tự tử đầu hàng.

NGÀY TỨ TƯ (Wednesday)

10 giờ sáng,hành khách lục tục lên đất liền đảo Jamaica. Ở trên tàu nhìn xuống thấy một dải đất dài um tùm cây cối xanh rì như ở Phi châu. Tuy nhiều khách đã book vé đi các tours sẵn từ trên tàu hôm qua, dưới đất vẫn thấy vô số các tài xế da đen cầm bảng mời khách đi tour. Ai cũng hoang mang do dự, vì không biết họ chở đi những đâu và giá cả có quá đắt không.  Trời nóng kinh khủng, mồ hôi nhầy nhụa..Tôi bỗng thấy có một toán mấy người Đài loan đang mặc cả với một anh tài xế da đen lái xe van, có vẻ thiệt thà. Anh ta nói chỉ tính 7$ một người thôi, và hứa sẽ đưa đi thăm nhiều nơi như các tour ba bốn chục đồng kia. Bèn leo lên xe thì vừa thấy ông bà Thụy đang ngơ ngáo, nèn kêu tài xế stop cho hai vợ chồng lên đi luôn cho đông. ANh ta ghé một tiệm ăn có suối chảy ào ào trên mất tảng đá như thác Cam Ly ở Dalat, ghé một chỗ dòm qua cái lỗ, . thấy bên dưới du khách Mỹ da trắng leo núi có nước chảy róc rách,  xe lại quanh co trong đường rừng tới một dòng sông  xanh hồ thủy phủ rợp cây xanh, cho khách đổ bộ, xuống  bè có người chèo. Cứ 2 người ngồi một bè, lấy 15$, tên lái bè cây cầm sào chống nước cho bè trôi theo giòng nước mát. BA đứa tôi không đi, ngồi trên bờ chơi, chốc chốc lại thấy một bè khác lớn hơn ở đâu tới, chở cả sáu bảy người da trắng gần như lõa lồ bơi lội tay chân đập tóe nước ,cười như nắc nẻ..  Xe lại chở đi vô làng sâu, dân nghèo đen đúa có những cái shop nhỏ bán đồ điêu khắc bằng tay thô sơ, vài ba thứ trái cây rừng vô danh.. Xe lại chạy ra môt chỗ vắng có khách sạn hoàng gia sang trọng Royal Plantation  quét vôi trắng nổi bật lên giữa cảnh rừng xanh hoang dã. Tài xế xin phép cho chúng tôi vào thăm, nhân viên đồng ý, hướng đẫn tham quan cái phòng ngủ vương giả 800 đô la một ngày kiêm luôn ba  bữa  ăn. Họ nói tổng thống Chinton đã từng đến đây ở mấy ngày. Hai ba phòng khách trống trải, trang hoàng lộng lẫy, bàn ghế sang trong nhìn xuống biển xanh bên dưới, có hồ tắm và ghế xếp ngồi nhìn xuống bờ biển thơ mộng. Tôi vội vàng chụp nhanh mấy tấm, một lần trong đời đễ dầu thấy lại lần thứ hai. Rồi xe chạy ra downtown cho chúng tôi mua sắm. Đường xá rộng rãi,nhà cửa sáng sủa hai bên, thị tứ nhộn nhịp thật vui mắt. Tôi vào một tiệm gift shop, thấy cái áo đầm vàng xinh xắn có thêu chữ Jamaica, nảy ý muốn mua làm quà cho đứa cháu nội. Cậu trai da đen 20 tuổi , khá xinh trai, đứng bán cho bà chủ huyên thuyên trả lời không sót các câu hỏi của khách. Cậu nói không học đại học vì học phí rất đắt, ở dây đời sống rất đắt đỏ, cậu làm một tuần không dủ tiền ăn một tháng, cậu móc túi cho coi tờ 50$ Yamaica, giá trị không  bằng 50 cents Mỹ. Cậu nói một tháng phải có ít nhất 250 USD mới đủ tiền ăn ở. Tôi hỏi:
-Nghe nói Jamaica được Anh trả độc lập rồi mà"
-Độc lập là trên lý thuyết, chứ thực tế, chính phủ chúng tôi muốn ban luật gì, phải có đại diện của Nữ hoàng Anh công nhận mới có giá trị. Thà được người Anh đô hộ như xưa còn hơn, vì như vậy đồng tiền mới nâng cao.
- Có cách nào nhập cư nước Mỹ không" Lấy vợ quốc tịch Mỹ chẳng hạn...
-Rất khó, ai cũng muốn mà không được...
Tôi thấy cậu  da đen xinh  trai, khẳng khiu gầy ốm, hai mắt lông nheo cong vút, ăn nói English lưu loát mà thấy thương cho số phận tuổi trẻ không có tương lai, chả bù bao nhiêu người Việt ở Mỹ tìm cách lợi dụng ăn hưởng housing, welfare, tiền già đủng đỉnh, mà không thèm học tiếng Anh. Chẳng qua kiếp trước kém phước nên kiếp này sinh ra đất này, làm sao giúp được. Muốn cho ít tiền lại thôi, không đi đến đâu. Tôi cho tài xế 10$ hay vì 7$ như giao ước, thủng thỉnh đi bộ về tàu, cách đó vài trăm thước. Dọc đường lại thấy ba kẻ da đen ăn mày ngồi chìa tay xin, mặt đen sạm vị đói khổ, hai ba tên láu cá thập thò lấm lét mời rủ mua ma túy, hay vô uống bia trong quán, bên trong lùm cây che kín xa xa...Về tới tàu, có nhân viên ngồi phát các khăn vuông trắng nhúng nước đá cho khách lau mặt mát mẻ trước khi lên tàu trở lại.  Ngồi nghỉ một lát, muốn quên hình ảnh khổ sở người dân trên đảo, đi coi hồ bơi và phòng gym tập thể dục trên deck 16 ra sao, bèn ra thang máy. Có hai cô Vô vi thập thò, thấy mình mặc áo Vô vi mới đánh bạo nói tiếng Việt:
-Ủa anh là Việt nam hả"
-Vậy chứ cô thấy tôi giống người gì"
-Anh trông sang hơn người Việt...như Thái, hay Phi gì đó.
-Chắc tại tôi mới mập ra và rám nắng..
Trong phòng gym, tôi tập một ít động tác kéo máy, chạy treadmill, tập ngực, vai, bắp tay...Lác đác có vài người tập. Thiên hạ đi cruise là để ăn, không phải để workout. Máy móc ở đây toàn là thứ tối tân, không như ở Bally. Đưa thẻ phòng ở quầy, lấy chìa khóa locker vô phòng thay đồ đàn ông, thoát y, thấy một chồng khăn trắng toát mới sấy khô sạch sẽ, quấn ngang hông vô phòng sauna ngồi nóng hổi, rồi qua steam room hơi bay ướt át, rồi mặc quần tắm ra ngoài bước xuống hồ tắm nước xanh mát rợi. Có mấy cặp sồn sồn ngồi ngâm mình, thấy tượng ông Phật ngồi ngay chính giữa lim dim nhìn đám chúng sinh trần như nhộng mà tức cười. Buồn cười họ đặt tên đây là Lotus deck, chỉ thất ông Phật mà không thấy hoa sen đâu. Hồ tắm này dành cho các người lớn tuổi thích yên lặng lên ngồi thiền trong nước, nước chảy mạnh từ trong hang ra cho mình gắng sức bơi tiến lên, hai tay phải liên tục khua tay liên tục để giữ thăng bằng. LẠi có 2 hồ tròn nhỏ nước nóng ấm hai bên, cho ai muốn ngâm mình sau khi tắm thì lên đó. Tôi lim dim tận hưởng lạc thú ngồi trong hồ nước ấm, nhìn lên trên trời bồng bềnh mây trắng trời xanh, như lạc vào cảnh tiên bồng thiên thai. Xung quanh hồ tắm có hai khu rộng trải thảm cỏ xanh bằng nylon, la liệt ghế xếp cho khách nằm phơi mình,, lại có mấy phòng nhỏ phủ vải thưa với dịch vụ massage kín dáo bên trong.
Tối đến, tình cờ nhóm cô Hằng tới Da Vinci nhập bọn với tôi ăn diner, cô khen thức Ý ăn ở đây nấu ngon hơn nhà hàng mấy mẹ con cô vẫn thường ăn. Tên nhiếp ảnh viên quen thuộc ở đâu lại nhảy vào chụp hình cho thực khách, chụp cả tôi và con bé sinh viên trắng mũm mĩm con cô Hương. Hình này mình thích thì lấy trả tiền, không thì thôi, họ post lu bù suốt một dãy tầng 7, bên phòng bán tranh cho khách coi.

NGÀY THỨ NĂM (Thursday)

Hôm nay tàu ghé đảo Grand Cayman cho khách lên thăm George Town. Trời nóng chói chang kinh hồn. Có tới những ba cái tàu cùng cỡ như Princess cùng tắp bến mọt lựơt, nên khách đông đen. Vô số các của hàng áo quần, tiệm nữ trang, tiệm rượu và quà kỉ niệm không có thuế. Những tiệm ăn đầy nhóc khách, thấy du khách Âu Mỹ ăn mà phát tởm, chỗ nào cũng thấy ăn, thân hình sồ sề mập phệ không thèm "care", tưởng tượng những người này phải sống ở các vùng sâu vùng xa ở Việt nam, toàn cá khô với rau rừng, măng non,  làm sao mà chịu nổi. Theo Lộc đi theo xe cùng một đám đông đi 30$ 1 người tới một bãi nọ, tài xế đưa khách bằng canoe ra một vùng cát cao nổi lên giữa biển, nước trong vắt cho nhảy xuống tắm. Họ rải thức ăn khiến một lũ cá dolphin ,dài hơn thước rưỡi, bơi tới đớp thức ăn và chơi với người, để mặc cho du khách sờ mó, ôm ấp. chọ ghẹo. Một lát nó lại chở khách tới một vùng biển xanh rờn, cho khách gương đeo mắt và 2 cái vi cá dài gắn vào chân để bơi sâu xuống đáy biển ngắm san hô và rong rêu đủ màu sắc cả nửa tiếng đồng hồ, thật là thú vị đáng đồng tiền bát gạo. Khi trồi lên thì thấy canoe ở khá xa, hoảng hốt hai đứa vội vã bơi tới kẻo bị bỏ quên. Tắm lội trồi lên hụp xuống thật là quá "phê", còn sướng hơn hôm tắm ở đảo Bahamas gấp bội.
Trưa về tàu đi ăn buffet, ngồi trên deck 15 nhìn xuống nước biển lăn tăn bên dưới, thấy mấy chiếc ghe con mà nhớ lại những ngày vượt biên 27 năm về trước, cũng trên chiếc ghe con chòng chành như vậy, tưởng tượng mình là viên thuyền trưởng giàu tình cảm,  nhìn xuống động lòng thương xót những kẻ dám liều mình hy sinh vượt biển để mưu cầu tương lai sáng sủa cho con cháu. Cái cảm giác xót xa đó theo mình đi về phòng ngủ trưa đến chiều tối cùng Hằng và cô Liên ăn diner có tôm hùm và rượu chát . Lúc về thấy có những nhà triệu phú Âu Mỹ ăn mặc sang trọng đi dự dạ hội khiêu vũ, nghe nhạc sống ở các bar rượu, đám cờ bạc đen đỏ ở casino , thơ thẩnkhông biết làm gỉ, ra hồ tắm nằm ghế xếp coi xi nê lộ thiên đến 10 giờ khuya về ngủ.

NGÀY THỨ SÁU (Friday)

Sáng, tàu ghé đảo thuộc Mexico.  Xuống đảo coi phố xá buôn bán, Tình cờ lại gặp ông bà Thụy mỗi người bỏ ra 4 $ mướn taxi ra bãi tắm gần nhứt, mướn ghế xếp nằm và bơi lội. Ai muốn ăn thì bồi bàn đem quà tới, ai muốn massage cũng có phòng kín giăng màn trên bãi biển, 20$ nửa tiếng. Trưa lên lầu 16, tắm hơi, gặp một ông Mỹ da thịt đỏ lòm, khoe nhà  ở ngay Florida nên một năm đi cruise tới 4 lần tận hưởng gíá rẽ có mấy trăm bạc. Chiều mát, tàu quay mũi trở về mũi Florida. Tôi đi bộ chung quanh tàu, trên deck 14, 15, nhìn xuống biển  man mác gió thật dễ chịu khoan khoái, Đồng thời, trong lòng bỗng dâng lên một nỗi buồn khó tả trước cái vô cùng của trời đất. Trái đất mênh mông, có một chút biển dưới mũi Florida mà đã bao la bát ngát như một đại dương không bờ bến. Như thế thân phận con người còn nhỏ đến đâu, xuống dến  côn trùng sâu kiến li ti nữa  thì còn hòan toàn vô nghĩa đến đâu. Mà trái đất, nói cho cùng, cũng chỉ là hạt bụi nhỏ giữa vũ trụ  mông mênh.

NGÀY THỨ BẢY (Saturday)
Sáng đậy nghe Tivi bảo khách vặn lên một giờ đồng hồ. Hôm nay là ngày chót trên tàu, tôi thu góp áo quần dơ đem xuống phòng laundry bỏ giặt, mua thuốc giặt bằng các quarters từ máy, đi ăn sáng buffet nửa tiếng rồi trở lại, lôi đồ qua máy sấy. Tới ngày thứ bảy rồi nên thức ăn cũng mất đi mùi vị hấp dẫn như mấy ngày đầu, ăn đi ăn lại các món ở buffet thấy chán phèo, bắt đầu thèm nước mắm, bánh căng, bánh hỏi, hay mì gói. Mấy người ngồi cùng bàn là dân Brazilians, vóc dáng thanh tao, cao gầy như người Âu châu, nói chuyện giản dị vui vẻ. Ngày cuối, nên tôi thám hiểm đi vòng lên trên deck 16. Té ra deck 17 là Sport deck dành cho thiếu niên và trẻ con, còn deck 18, cũng dành riêng cho trẻ con và teenagers, gồm phòng video game, video arcade cho tuổi 14, phòng đồ chơi cho  con nít ba bốn tuổi. Deck cao nhất  họ bảo là một sân golf nhỏ, tôi cũng chả buồn lên coi thế nào. Dưới deck 15 là Deck 14, có môt swimming pool nho nhỏ ở cuối tàu. Từ deck 12 trở xuống 7 là các suites, các phòng ngủ rộng một hay hai người ngủ.  Deck 7 gọi là promenade deck, gồm có thư viện, rạp hát, bar rượu, photo gallery và tour information  desk. Deck 6 có các dining room sang trọng kiêu Âu châu, deck 5 chủ yếu là các cửa hàng, Internet café và passenger desk. Deck 4 là để hành khách chuẩn bị xuống tàu đi thăm đảo hay xuống đất liền.
Ngày cuối trên tàu cũng bình thường như các ngày khác,cũng ăn ngủ, bơi lội, đi ngang qua các hồ tắm la liệt các ông bà béo phị ngồm ngoàm nhai pizza,đeo kính mát phơi bụng tròn như cái trống lên trời nắng chói. Chiều mát , trở lại, vẫn thấy họ nằm dó chóp chép nhai bên cạnh các chai nước ngọt, ngước mặt coi xi nê lộ thiên. Thấy chỗ nào cũng ăn mà phát ớn, không thấy mảy may đói chút nào.

NGÀY THỨ TÁM( Sunday)

6 giờ15 tỉnh giấc, mở cell phone chữ" International" biến mất, nhường lại giờ giấc bình thường 6:15am, có nghĩa là có thể gọi liên lạc với người trên đất Mỹ trở lại như cũ. Thiên hạ kéo nhau đi ăn buffet  điểm tâm lần chót rồi tập trung ở deck 4.. Ai có hành lý gửi, tối qua đã mang ra bỏ trước cửa phòng cho phu khiêng  xuống  chuyển lên đát liền. Ai xách tay thì đủng dỉnh kéo theo qua máy , đút thẻ kêu  tút tút". 9 giờ sáng tất cả đều có mặt trên đất liền, ban sáng mà khí hậu nóng oi bức khó thở, nhóm Vô Vi chúng tôi chờ xe van tới đón ra phi trường. Một vài người không chịu được cái nóng oi ả, kêu taxi ra phi trường ngồi nghỉ có máy lạnh khỏe hơn. Tôi bắt tay giã từ ông bà Thụy có bà con Florida lái xe ra đón đi phi trường. Hơn 10 giờ xe van mới tới đưa chúng tôi ra phi trường, ở đó người nào theo chuyến bay người đó xuống các cổng khác nhau. Tôi  phải ngồi đợi cùng với ba người dạo hữu Vô vi tới 5 giờ chiều mới lên máy bay. Chuyến Atlanta  này, tôi có một mình, mà máy bay này lại nằm chờ khá lâu trên sân bay Fort Lauderdale đến hơn 6 giờ. Tôi lo lắng chuyến bay chuyển tiếp (connecting flight) từ Atlanta về Orange County thế nào cũng bay mất..mà quả đúng y chang. Nhìn lên monitor các Tivi, thấy chuyến  về John Wayne  vừa mới cất cánh được 5 phút. Có nhiều hành khách cũng nhỡ tàu như tôi, buồn bã  tiu nghỉu xếp hàng tới quày "connecting flights" đứng chờ điều chỉnh giấy tờ ngày mai đi chuyến khác. Họ cho tôi cái phiếu máy bay mới , để sáng mai đi, một coupon ngủ hotel đêm nay và 3 cái phiếu ăn tối nay, sáng, trưa ngày mai khỏi trả tiền, bảo ra ngoài đón shuttle bus về hotel. Tôi thấy người khách cùng chung máy bay với tôi lúc nảy, đứng cạnh, lại có thẻ shuttle bus và hotel tên khác, nên lấy làm lạ. Té ra có nhiều xe bus và hotels khác nhau ở Atlanta, không phải chỉ có một hotel. Cô  nhân viên dặn dò:
-Máy bay anh sáng mai đúng 8:30 bay, nhưng anh phải có mặt tại đây 6:15 để security check in, lấy boarding pass mới.
Tôi thất thểu mệt mỏi theo các hành khách đi bộ thẳng ra đường cái, biết câu "đường đi ở miệng", nhưng lo lắng không biết cái bến shuttle bus nó nằm ở đâu. Phi trường gì mà rộng mênh mông như cái thành phố, lớn hơn cả phi trường  LAX, may sao có cô nhân viên Mỹ đen trên máy bay vừa nghỉ việc cùng đường  với tôi ra khỏi ơi đây.  Cô sốt sắng hướng dẫn tôi ra tận tới ngoài trời đầy sao đêm, đông đúc nhốn nháo người ta xe cộ, ân cần giới thiệu tôi cho một tài xế lái shuttle bus nhờ giúp dỡ, rồi mới bỏ đi. Tôi cảm ơn rối rít, ngồi chờ thấy có cá chục xe shuttle đi các hotels khác nhau  vô bến rời bến liền liền, nhưng tài xế "bus" tôi thì tới nửa giờ sau mới thấy  xuất hiện, đám khách chúng  tôi lật đật leo lên, thở phào nhẹ nhõm. Tưởng hotel gần phi trường, ai ngờ nó xa lắc, bus  chạy ra freeway ào ào gió lộng, đèn đuốc sáng choang, nhà cửa xa lạ, xa lắc xa lơ mãi 15 phút sau mới tới hotel. Tôi tới quày, trình giấy phi trường cấp, lấy thẻ đi thang máy lên phòng mình. Một mình một phòng rộng rãi, tôi mở máy lạnh, đi tắm shower một phát kỳ cọ gội đầu thoải mái, xuống order dinner ăn món salad, dặn cô thư ký để alarm đánh thức phòng sớm mai lúc 5 giờ , thấy có thêm cả chục hành khách trễ chuyến bay , xe  bus đưa về đứng la liệt trước quày chờ lấy phòng. Coi đồng hồ đã 12 giờ khuya, bèn lên ngủ một mạch tới sáng.  Đây là lần đầu trong đời tôi đi máy bay bị trễ chuyến chuyển tiếp, phải ngủ hotel được hãng bay trả tiền đài thọ ăn ngủ đàng hoàng. Đúng là cái xứ văn minh, lo lắng chu đáo, làm hài lòng khách 100%, để lần sau còn được khách nhớ mà mua vé đi trở lại.

NGÀY THỨ CHÍN (Tuesday)

Xe bus tới đón khách ngủ hotel ra phi trường lúc 5 am, rồi 6 am, rồi 7 am. Tôi lên chuyến 6 am, tới phi trường lúc 6: 20. Phi trường Atlanta rộng mênh mông, phải làm thủ tục check-in khám xét tháo giày lại, Gate tôi là A32. Đang đi bộ thấy Gate A5, rồì A6, tính đi bộ tiếp thì chợt lanh mắt thấy bên  mặt  có bảng viết ABCD...concourse..và một cái cổng thoáng có bóng xe lửa chạy, trước cổng có mấy nhân viên hàng không mặc đồng phục  đứng đợi. Bèn hỏi " Các anh chờ gì vậy"" thì họ hỏi lại,"Anh đi gate mấy"". Tôi xòe họ coi boarding pass, nói"A32", họ  bảo" Anh  lên xe lửa với tụi tui tới gate đó cho nhanh". Tôi đang do dự thì họ la to, "Trust me!" vừa lúc xe lửa tới, thiên hạ kéo nhau lên tàu ùn ùn. Tôi cũng đành lên theo. Té ra đây cũng là một loại shuttle, nhưng mà shuttle  train, chạy vùn vụt, vì phi trường rât lớn, chứ nếu cứ đi bộ thì mất 20 phút hay nửa giờ mới tới được gate A 32. Đi shuttle train kỳ này mới sực nhớ lại các xe lửa ở phi trường Nhật Nakita 8 năm trước cũng đã một lần đi.  Ôi chao, gìà đầu, trí thức cao như mình, mà còn nhiều cái văn minh cần phải học ở xứ người, huống chi là mấy người mã tấu răng hô ở Việt nam, ếch ngồi đáy giếng, cứ nói giặc Mỹ thua trận cuốn gói, Đảng là đỉnh cao trí tuệ  loài người, thì không biết cắt nghĩa thế nào cho họ hiểu được. Trong khi chờ đợi lên máy bay ở Gate A32, tôi chợt để ý thấy một cụ bà người Mỹ khoảng gần 80, ngồi xe lăn không có ai đứng gần, trước chân có một cái bình dưõng khí , dây cắm vào một oulet điện trên tường, tay cầm 2 sợi dây nylon khác chạy lên gắn vô lỗ mũi để thở. Tôi ái ngại  bước tới hỏi thăm:
-Cụ bao nhiêu tuổi rồi"
-Tôi 77 tuổi.
- Trời, cụ đi có một mình sao" Con cái đâu không ai đi theo""
Bà cụ da xanh xao, nhếch mép cười buồn nói:
-"Các con tôi già hết rồi. Ba đứa ở miền Đông. Một đứa ở Cali. Tôi qua thăm bạn tôi và đứa ở Cali .
-Lỡ như ở đây không có điện, làm sao cụ xử dụng máy để thở được"
-Máy này có thể xài bằng battery nữa, tôi có đem theo đồ charge.
Tôi chép miệng hỏi tiếp:
-Tới Cali có ai ra đón cụ không"
-Bạn tôi. Hoặc con gái tôi.
Tôi không biết làm gì hơn để giúp cụ, buồn rầu nghĩ đến hoàn cảnh của những người già cô độc đáng thương bên Mỹ, bệnh hoạn mà không có con cái bên cạnh săn sóc, phải tự lực cánh sinh di chuyển từ Đông sang Tây vì nhu cầu tình cảm như vậy. Nếu bà là mẹ tôi , chắc chắn tôi không bao giờ nỡ để đi máy bay một mình như vậy. Không bao giờ. Lên máy bay, tôi được xếp ngồi ngay first class AB, không xa mấy sau lưng viên phi công, được đãi một khay breakfast thịnh soạn không phải trả tiền, như một món quà chuộc lỗi của hãng hàng không Delta. Suốt mấy tiếng ngồi máy bay về Cali, tôi lan man nghĩ đến lối sống Mỹ với những cư xử, tiện nghi quá văn minh, nhưng tình người lại quá  nghèo nàn, nhất là khi con người đến tuổi gần đất xa trời. Lúc xuống sân bay John Wayne, ra ngoài đường cái chờ con tôi tới đón, tôi giựt mình thấy lại cụ già ngồi xe lăn với 2 ống oxygen đút lỗ mũi, không biết ai đã đẩy ra xuống đây từ trên máy bay. Tôi lại gần an ủi hỏi thăm bà có khỏe không, và ai sắp đến đón bà. Bà ân cần cảm ơn, nói:
-Bạn tôi ra đón.
Tôi tính hỏi," Sao con gái bà không ra đón"", nhưng sợ bà tủi thân nên nín lặng. Và như thế, trên chiếc xe con tôi đón chở về nhà, tôi kết thúc chuyến di 7 ngày ở Caribbean trong một tâm trạng buồn phiền da diết . Tôi ngứa cổ, húng hắng ho, và cảm thấy không dược khỏe, có cái gì không ổn trong người sau 10 ngày du lịch. Cuối tháng 9, Cali cũng nóng ngột ngạt không thua gì Florida. Khí hậu oi bức, mấy ngày tắm nước lạnh trên tàu, và những ngày nề nếp cuộc sống xáo trộn ở biển Đông làm tôi thấm mệt và có cảm giác như đang bị cảm lạnh . Một lần đi cruise nếm mùi biển Đông bên đó như vậy là quá đủ. Lần sau, nếu có dịp đi, có lẽ tôi sẽ chọn đi biển Tây, Hawaii, hay đâu đó dưới eo biển Cali, vào mùa đông, có nhiều gió mát và nước biển lạnh hơn...

Phạm Hoàng Chương

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,318,103
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.