Cháu Bà Nội, Tội Ông Ngoại!
Tác giả: Phila To
Bài số 3011-28311-vb6100810
Tác giả tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, một cựu Sĩ Quan VNCH, cựu tù chính trị, định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. 1, hiện làm việc tại học khu Ocean View. Với nhiều bài viết sống động và xúc động, ông đã hai lần nhận giải Viết Về Nước Mỹ: 2006, với bài "Học Tiếng Anh" và 2007 với bài "Con ơi, Bây giờ con ở đâu". Bài mới nhất của ông là là chuyện về ông bà nội ngoại và các cháu.
*
Vừa đi làm về, chưa kịp rửa tay thay quần áo thì Phi đã mon men đến bên Phượng định hun lén ..đứa cháu mà Phượng đang bế, đang "ù-ơ" ru cháu ngủ, nhưng vợ chàng đã vội xoay lưng che cho cháu khỏi bị ông ngoại chạm vào khiến Phi hun hụt. Thua me thì gỡ bài cào, hai tay bà ngoại bế cháu thì má núm đồng tiền của bà ai che" Nghe cái "chụt", bà bực mình:
- Qủy nè! Đã nói nhiều lần rồi, muốn hôn ... cháu thì phải tắm rửa sạch sẽ đi đã, người hôi rình mà cứ mon men lại gần rủi cháu bị nhiễm trùng thì sao"
Trước đây khi chưa có cháu thì Phượng ít khi khó khăn với chồng như thế vì Phi rất dễ hờn dỗi rồi nổi cáu, nhưng từ ngày có cháu ngoại, Phi thay đổi hẳn tính nết, dù bị Phượng chê hôi thì chàng cũng chỉ mỉn cười khẽ nói:
- Có mom men lại gần, có "nhiễm trùng" thì em mới có con, rồi từ con mà có cháu, nay mới có cháu cho bà bế
- Đừng có ăn nói linh tinh nữa, đi tắm đi rồi em nhờ chút việc, tiện tay nhớ bỏ vào thùng rác mấy cái tã của cháu đã thay mà em để ở góc phòng tắm đó.
- Sao em không bỏ vào cái thùng chứa tã có nắp đậy kia kìa"
- Bỏ vào đó rồi cuối ngày mới mang đi đổ thì hôi cái thùng, tiện tay thì nhặt lên mang ra thùng rác, tã đã gói kín rồi, có "tùm lum" như tã ngày xưa của con ông đâu mà sợ. À mà ngày xưa ông có biết tã con chứa cái gì đâu! Được 4 ngày phép vợ sanh rồi đi tuốt luốt, đến khi đi phép lần thứ hai thì con đã biết chạy, mọi việc đều nhờ ông bà ngoại chăm lo, còn ông thì đi quanh năm suốt tháng...
Phượng nói đúng, dù đã hai con nhưng Phi là lính tổng trừ bị nên phải đi hành quân liên tục khắp bốn vùng chiến thuật, chưa biết con bú sữa mẹ hay sữa bò, mọi việc chăm lo nuôi nấng con đều do Phượng, mà Phượng ở chung với bố mẹ ruột nên mọi việc đều được bố mẹ cưu mang con, săn sóc cháu ngoại.
Nghe Phượng nhắc chuyện tã ngày xưa làm Phi nhớ lại cảnh mỗi buổi sáng, bà ngoại các cháu ngồi bên giếng nước với một thau tã, vừa xối nước vừa dùng bàn chải, thoáng chốc cờ "đuôi nheo" phất phới bay trên dây phơi, bà kẹp mỗi tã một cái kẹp bằng gỗ để tã khỏi bay "theo chiều gió". Ngày đó tã dùng cho tới khi tã tả tơi mới thôi, đâu có như ngày nay trên đất Mỹ, dùng một lần rồi bỏ, phí của trời! Trước khi quay đi, Phi còn cố gỡ gạc vài câu:
- Nhờ đi phép lần thứ hai mới thêm cu Việt đấy, nhiều đứa bạn anh về phép vợ sanh rồi ra trận và ra đi vĩnh viễn, không bao giờ còn được "đêm về nghe con khóc vui triền miên*". Cũng có thằng về phép cưới vợ, vừa trở lại đơn vị đi hành quân thì đã ra người thiên cổ mà không bao giờ được biết mình đã làm bố, như trường hợp của Kháng đó.
Thủ khoa Võ Thành Kháng cùng 30 thiếu úy tốt nghiệp khóa 19 Võ Bị, tình nguyện về Binh Chủng TQLC, ngay khi vừa về trình diện đơn vị là TĐ.4/TQLC thì Kháng và Hùng đã hy sinh trong trận đầu tiên tại Bình Giả! Điều ít người biết là Kháng mới cưới vợ trong dịp nghỉ 15 ngày phép mãn khóa.!
Kiếm củi 2 năm thiêu một giờ là vậy! Thủ khoa hy sinh đầu tiên rồi lần lượt các bạn đồng khóa cũng theo "gương" thủ khoa mà hy sinh trên khắp chiến trường! Số còn lại thì 99% bị thương. Những sĩ quan trẻ ngày ấy nay đã là những ông già "thất thập cổ lai hy", điểm danh lại xem ai còn ai mất thì đã hơn phân nửa ra đi! Ai chưa đi thì tiếp tục buồn kiếp tỵ nạn tha hương! May mà "đời còn dễ thương", còn có vợ con bên cạnh và vui cùng các cháu nội ngoại.
Nhưng nếu để ý xung quanh thì chúng ta thấy cháu thường ở với ông bà ngoại nhiều hơn ông bà nội. Anh chị Ph.., anh chị M.., anh chị Dương v.v.. con gái ở với mẹ, con trai về nhà vợ. Thế là bà nội nào cũng đều trờ thành bà ngoại cả.
Chưa có tài liệu nào thống kê xem ngày nay ở hải ngoại có bao nhiêu chàng thân dài vai rộng đi ở rể, một chọn lựa mà xưa kia các bà mẹ khó tính thường nhẹ nhàng nhắc khéo con trai đó là kiếp "ch.. chui gầm trạn"" Ai chui mặc ai, và chui như thế nào không cần biết, thân trai mười hai bến nước, họ không có quyền lựa chọn, lập gia đình xong là phải theo nàng, "anh theo nàng dề dinh"! Lý do dễ hiểu là con gái thích sống với mẹ ruột, tự do hơn, dễ thở và dễ nhờ hơn. Vừa cằn nhằn mẹ xong đã cười trừ: "Mẹ trông cháu hộ con một tí nhá, con đi shopping"!
"Cháu bà nội tội bà ngoại" là ở chỗ đó, là bà giỗ cháu cho con đi làm, cuối tuần con đi xốp-ờ-rao! Và cũng vì nhập gia tùy tục, sống trên dất Mỹ phải theo phong cách Mỹ, người chủ gia đình xưa là "ông" không còn được như hồi ở quê nhà, mà phải lui xuống hàng thứ ba, và bà cần tới ông để phụ trông coi săn sóc cháu, chuyện hiếm có khi xưa, nhưng nay là chuyện thường tình của người Việt trên đất Mỹ, vì vậy nên mới có câu: "cháu bà nội, tội ông ngoại"!
Chữ "tội" là nói theo chữ "nội" cho có vần có điệu chứ nào ai bắt buộc các bà đâu mà hàm ý "tội nghiệp!". Tất cả là vì tình thương, nếu thương con "một" thì thương cháu "mười", các bà hy sinh không quản ngại bất cứ điều gì để săn sóc cháu, bà cười theo cháu cười, cháu khóc bà muốn khóc theo, cháu táo bón là bà lo són đái. Tình thương, công việc tăng theo tuổi cháu. Tuổi bà cao lại thêm đau lưng nhức mỏi nhưng bà vẫn cố bế cháu để "ầu ơ, con ngủ cho ngoan, mẹ con đi cầy ..". Khi cháu chập chững biết đi rồi biết chạy là bà lật đật chạy theo.
Không có một đoạn phim nào đẹp cho bằng cảnh bà chạy sau cháu, bà vội vàng bế cháu lên khi chân cháu sắp chạm vào con sâu, cái kiến, hòn đá vũng nước. Nếu chẳng may chạy không kịp, cháu té thì mặt bà xanh như tàu lá! Cháu khóc nhỏ thì bà lấy tay đập-đập xuống đất, miệng mắng: "chừa nhá, mày làm cháu bà té". Nếu cháu khóc to thì bà lo sốt vó, lấy nước đá hay dầu xoa vào nơi nghi ngờ bị đau. Nếu rủi ro môi cháu bị rướm máu thì lòng bà đau như cắt! Khi bố mẹ cháu về thì biết ăn nói sao đây" Làm sao giải thích khi con hỏi với giọng không vui:
- Sao cháu bị xưng môi vậy bà"
Châm ngôn đã nói "có nuôi con mới biết lòng cha mẹ", nhưng trường hợp thấy con bị té, thương con mà trách mẹ, trách bà thì đây mới đúng là " cháu bà nội, tội nghiệp bà ngoại". Tội nghiệp thật!!!.
Chưa hết, các bà đã sinh và nuôi dưỡng năm, sáu, bẩy. tám, chín, mười người con, trai gái lên người, thông minh, thành công, nên đôi khi bà cũng muốn mang chút kinh nghiệm vào việc săn sóc cháu, nhưng mẹ cháu không hài lòng:
- Bà đừng làm thế, bác sĩ bảo rằng ..sách nuôi dạy con nít nói rằng...
Nghe con nói vậy thì mẹ chỉ biết thở dài! Đúng quá đi chứ, mỗi thế hệ mỗi khác, làm sao có thể áp dụng cách nuôi con thập niên 50, 60, 70 ở Việt Nam vào dưỡng cháu ngày nay trên đất nước giầu có văn minh được. Mọi thứ tiến bộ thay đổi rồi, quên đi những thứ lạc hậu. Nhưng có một thứ không bao giờ lạc hậu, không bao giờ thay đổi, đó là tình thương, mẹ thương con, bà thương cháu. Vì thế xin đề nghị với các cô cậu, dù trai gái dâu rể cũng nên lựa lời mà nói cho đẹp lòng mẹ, cho vui lòng bà, người đang làm "bê-bi-sit" không công và không có bất cứ một bê-bi-sít nào tràn đầy tình thươg như của bà cho cháu.
Không có bất cứ thứ gì so sánh được hay đền bù công sinh dưỡng của mẹ của bà. Các cô cậu đang nuôi con thì ắt phải biết lòng cha mẹ. Biết là một lẽ nhưng hiểu và thực hiện thì lại khác xa. Xin chớ vì thương con mà lại quên bổn phận làm con, bổn phận trong cử chỉ điều ăn tiếng nói, chớ vội cằn nhằn phản đối mẹ nếu như bà đề cập tới kinh nghiệm nuôi con ngày xửa ngày xưa. Có con nào biết hay còn nhớ hai chữ "bú mớm" là gì không"
Bú bầu sữa mẹ, sữa Guigoz, Babylac, bột Bích Chi, nước cháo pha đường. Còn mớm" Một khi sữa mẹ cạn, sữa bột không có, mẹ nhai cơm, ôm con vào lòng rồi "mớm" cho con. Mớm một hình ảnh đẹp vô cùng, khác với "bón", khác với cho ăn. Nếu diễn tả đầy đủ bức tranh sinh động này thì e có người lắc đầu khẽ kêu: "eo-ôi". Diễn tả như thế là đủ rồi, nếu ai muốn biết, xin quan sát chim mẹ mớm mồi cho chim con, dù đó là loài điểu không thể so sánh với tình người được.