Hôm nay,  

Trở Về California

17/09/201000:00:00(Xem: 135611)

Trở Về California

Người viết: Khanh Phan
Bài số 2993-28293-vb6091710

Tác giả là một kỹ sư và nhà giáo tại Louisville, Kentucky, đã tham dự viết về nước Mỹ từ năm đầu tiên. Một trong những bài viết của bà rất được bạn đọc hưởng ứng là "Chồng Tôi Bị Sạn Thận". Sau hơn 2 năm nghỉ viết, tác giả trở lại với Viết Về Nước Mỹ năm thứ 11, bằng bài viết về “Vườn Rau Sau Nhà.” Sau đây là bài viết mới nhất.

***

Theo chồng về sống xa California bao nhiêu năm nhưng California có cái gì đó mà làm tôi vẫn quyến luyến. Thật ra thỉnh thoảng tôi cũng có về thăm nhưng lần nào cũng  đi về vội vàng. Lần nầy, có ba ngày thong thả, tôi viết bài nầy với một hy vọng người Việt viễn xứ khắp nơi cùng ghi lại dòng lịch sử dân ta ở xứ người.
Cách đây hai năm, tôi về ăn tết ở California đi được từ Nam ra Bắc trong vòng một tuần. Bạn bè hẹn tái ngộ trước cổng Phúc Lộc Thọ. Hôm đó là ngày giao thừa, nên ngoài trước cổng có đông người mua sắm. Bạn bè lâu ngày không gặp mà cũng không ai gởi cho ai một tấm hình. Có cô bạn và tôi đến trước. Hai đứa đi ngược chiều nhìn nhau không nói một lời vì xa nhau lâu quá, có ai nhận ra ai đâu! Một vài vòng, bỗng cô bạn nhe răng cười. Cái cười không bị xóa theo thời gian như dung nhan.  Tôi nhận ra cô ấy ngay. Thế là hai đứa ôm chầm lấy nhau mừng rỡ. Tôi cảm thấy cả chợ đang dừng mua sắm và đang nhìn chúng tôi. California nổi tiếng là tiểu bang có nhiều đồng tính luyến ái. Chúng tôi bất cần dư luận, để cho ai nghĩ sao thì nghĩ. Chúng tôi bao nhiêu năm không gặp lại mà!
Rồi cả bọn bạn cũ dành cho nhau một buổi chiều, lân la qua mấy hàng quán, tranh nhau kể chuyện. Lần nầy không còn chuyện đời học sinh mà là chuyện chồng con và công ăn việc làm. Có lẽ để lâu hơn mới gặp lại chắc sẽ nói chuyện hưu trí, răng ai còn răng ai mất.
Lần đó về cốt ý thăm thân nhân và bạn bè nên không để tâm vào mấy vấn đề khác. Lần nầy về tâm tư khác lạ. Có lẽ vì có họp mặt bạn cùng tàu, có lẽ vì bạn bè gặp nhau trong những căn nhà tư nhân không gặp nhau ngoài chợ làm cho trái tim chan hòa. Có lẽ vì cô chú của tôi về hưu nên sống trong những căn nhà nhỏ khiêm tốn nhưng đựợc bày trí theo cảnh nhà Việt Nam.
Đặt chân lên đất Cali kỳ nầy lúc trời tối nhưng so với Kentucky thì đã vào sáng sớm ngày hôm sau. Nếu ngày nào không đi làm tôi có thói quen đi ra vườn ngoại trừ mưa hay mùa đông vì mùa đông ở Kentucky lạnh và mảnh vườn không còn hồn. Nhưng hôm nay tôi cảm thấy hình như ngọn gió mát nầy từ Việt Nam của những ngày đầu xuân đến với tôi. Gió làm tôi cảm thấy dễ chịu và yêu đời lạ. Sau vườn nhà chị bà con của tôi có cây bơ và cam đang khoe đầy trái. Tôi nhớ lại ngày còn là học sinh trung học thỉnh thoảng cùng đám bạn đi vườn trái cây. Lúc đi vườn chôm chôm lúc viếng vườn măng cụt Lúc ngồi rang đậu phộng dưới tàn cây đều nặng đầy trái. Và tụm năm tụm bảy dưới cây soài đầy trái trong sân trường của tôi. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao ta hay quay về kỹ niệm đẹp như vậy. Tôi có cảm tưởng tôi đang sống cho ngày xưa đó.
Sau đó tôi đi thăm nhà gia đình một ông chú. Cô chú đã về hưu nên bán căn nhà to về khu mobilehome, trong đó có rất nhiều gia đình Việt nam. Bên ngoài trông nhỏ, nhìn chung quanh thấy ngăn nắp như những khu cư xá hay khu gia đình lính ở. Nhưng bên trong khá rộng rãi. Còn cảm thấy rộng hơn vì chỉ có hai vợ chồng già. Bao nhiêu gia đình sống được giấc mơ như vậy" Họ như cặp tình nhân trong túp liều lý tưởng với hai quả tim vàng. Dĩ nhiên cô chú đã lớn tuổi nên câu chuyện vòng quanh con cháu và cách chống hay trị bệnh tật cho người lớn tuổi.
Rồi cô chú dẫn tôi ra ngoài nhà. Chỉ cần đi một vòng là tôi có một bữa ăn trưa hoang dã. Nhà cô chú có trồng đủ loại trái cây. Tôi ăn được nào là nho, sung, cam, chanh ngọt, chanh leo vv. Ngoài ra còn những cây trái khác đang đơm bông hoặc chưa đến mùa. Có cả bầu, bí, mướp và khổ hoa. Có cây ớt cao gần bằng tôi. Không phải tôi lùn mà là cây ớt trồng đã bao nhiêu năm nên cao và tôi chưa bao giờ thấy cây ớt cao như vậy. Ngoài ra cô chú còn trồng hoa như hoa lài, sứ, hoa lan  v.v. Có một đám lục bình trông thơ mộng như thơ Nguyễn Bính tôi học ngày nào:
"Bèo lục bình mênh mông màu mực tím."
Cách đây vài tháng tôi đi lại một chỗ bán cây, tôi thấy có cây lục bình đang có bông. Lần đầu tiên tôi thấy tận mắt bông lục bình. Bông lục bình đẹp thật. Không biết có bao nhiêu màu hoa lục bình, nhưng màu hoa tôi thấy không có màu tím như màu mực học trò tôi viết ngày nào. Chắc tôi phải suy ngẫm lại câu thơ của Nguyễn Bính. Hay có vị nào biết nhiều về hoa lục bình mách tôi dùm. Dĩ nhiên tôi mua lục bình mặc dù chỉ một cây thôi. Vừa về nhà tôi đặt nó ngay trong chậu sún nhỏ và đứng ngắm lục bình thật lâu đến khi một con muỗi cắn quá đau tôi mới chợt nhớ là phải vào nhà vì bầy muỗi đang cố bám lấy tôi. Ngày hôm sau tôi ra ngắm lục bình nữa. Ôi thôi! Hoa đã chết thảm thê, và cây lục bình của tôi vàng úa tong teo như sắp thành phân bón cho cây hoa sún. Tôi kêu la sửng sốt. Chồng tôi chọc tôi; "You killed the beauty." Và anh ấy bày cho tôi làm cho cây hồi sinh. Mất một tuần cây hồi sinh lại và cho tôi thêm được một hoa. Tuy nhiên cây ốm yếu như kẻ bị đói lâu ngày. Lần nầy tôi học được bí quyết trồng lục bình từ cô tôi. Hy vọng nó sống được qua mùa đông ở đây.
Kế đó tôi đi thăm một nhà người bạn thân. Nhà nầy cũng vậy, mặc dù nhà to nhưng cũng dành chỗ trồng cây ăn trái khá nhiều. Khác với Kentucky, dân Việt nam ở Cali thích trồng cây ăn trái hơn cây rau Có lẽ vì khí hậu lạnh nửa năm không hợp cho cây nhiệt đới, nên dân Kentucky trồng cây ngắn hạn để còn thu hoạch trước khi mùa đông tới. Nhà có hai ao nuôi cá và một suối phun nhỏ. Vì thế anh làm một con rạch chạy quanh vườn sau nhà để khi cần thay lọc nước hồ cá. Con kênh anh đào rộng có độ hai gang tay nhưng cong cong trông rất ngoạn mục. Anh lại trồng rau thơm, rau muống dọc theo con kênh nầy. Vườn nhà anh cây cóc và nhản đang kết trái. Chuồi đã nặng buồng và cây hồng dòn chi chít những trái. Bưởi và chanh nở hoa thơm phức cả vườn. Ngoài ra còn rất nhiều cây ăn trái khác chưa ra hoa như khế, ổi, mận. Anh cũng trồng vài cụm hoa đây đó trông rất xinh
Tôi lại đi thăm nhà một người cô khác. Hình ảnh quanh nhà vẫn như các nhà kia. Lúc nầy con gái nhỏ của tôi thốt lên: "Con sẽ mua nhà cho ba má ở đây lúc ba má về hưu."  Con gái nhỏ của tôi mới vào tuổi 13 mà đọc được tư tưởng của tôi rồi, cảm động làm sao!
Trước khi đi Cali, chồng tôi hay hỏi đùa với mấy đứa con: khi ba má về hưu, các con để ba má ở đâu. Cô bé nầy nhỏ nhất nhà nhưng hay dành nói những đề tài có tính cách gia đình lắm. Bé nói, con sẽ mua nhà cho ba má ở, không để ba má vô viện dưỡng lão. Cô bảo rằng cô không nuôi ba má đâu nhưng sẽ mướn người trông ba má vì cô sẽ bận rộn với công việc làm. Rồi cô hỏi chúng tôi thích sống ở đâu. Chúng tôi chưa biết nhất định nơi nào. Khi qua nhà nầy, cô reo vui lên và gọi ba cô ấy ngay: con tìm được nhà cho ba má rồi. Chắn chắn đầu dây điện thoại, chồng tôi phải cảm động lắm. Rồi cô kể đủ điều là nhà như thế nào, có cái gì cho bá thích mà sống v.v. Cô làm như cô biết rành về chúng tôi lắm. Lúc lái xe về, tôi cố tình đi lạc trong khu nhà nầy mong tìm thêm những dư ân ngày xưa. Con tôi hiểu ý, a dua với tôi, chỉ cho tôi xem nhà nào có cây gì khác với nhà kia. Cô còn chọc tôi thêm, ngày mai má đến chào tạm biệt để về Kentucky, má có muốn đi lạc như hôm nay không!
Chiều đến tôi lại đi họp bạn tại một nhà chị bạn thân khác. Vừa vào nhà ngồi xuống ghế là chị cắt trái cây đủ loại ra mời ăn. Tôi có cảm tưởng như tôi từ Hà Nội vào miền Nam trù phú những trái cây. Chị ấy rất hiếu khách. Một lát sau chị dẫn tôi ra sau vườn. Nhà có cây lê đang sum xuê trái. Chị vừa hái vài quả cho tôi vừa than phiền mấy chú sóc phá cây ăn trái của chị. Mấy chú nầy tham ăn lắm. Cứ hái một quả, ăn chưa xong, đi hái quả khác. Rồi chị chỉ tôi một quả sóc ăn còn phân nửa đang nằm phơi nắng trên tường xi măng nhà. Đối với tôi, hình ảnh đó rất vui tươi hoang dã như còn thú vật quanh đây trong một xã hội thật hòa bình. Tôi bỗng nhớ những tháng ngày sau 30-4-1975. Việt Nam hòa bình rồi đó mà dân đói đến nỗi phải ná chim sẻ mà ăn. Rất lâu tôi không còn nghe tiếng chim kêu chiều, thậm chí không còn thấy một cánh chim nữa. Qua Mỹ tôi có dịp ngắm nhìn chú sóc trong những khuôn viên trường đại học. Sóc ở cái xứ hoà bình không biết sợ người, còn lân la đến gần, hy vọng được cho ăn. 


Lúc sau, có cô bạn khác đến. Cô mang cả hộp bánh to vào. Thì ra không phải kẹt xe mà vì cô phải ghé tiệm bánh nên đến sau cùng. Cô bạn nầy đáo để thật, biết là tôi sẽ ngây ngô khi nhìn bánh trong hộp. Thật vậy, chúng tôi có một dịp cười cho cái ngây thơ cụ của tôi. Nhìn bánh là tôi biết loại bánh ăn lạnh nhưng sao trên mỗi cái bánh có miếng giấy đề "83 degree." Tôi thốt lên là "Keep it at 83 degree, sao nhiệt độ cao thế"" Con tôi cũng cười và chế nhạo tôi là má có biết tên tiệm bánh không" Nhà quê ra tỉnh có khác! Bạn tôi mua mỗi loại bánh một phần. Bánh nào cũng đẹp, nhìn không dám ăn, sợ "kill the beauty" lần nữa. Cali tiến nhanh quá rồi. Đúng là tôi vẫn còn sống trong cái thế giới khỉ ho cò gáy.
Ngày hôm sau, anh tôi chở tôi đi một vòng khu phố Việt nam, anh ôn lại những ngày đầu tiên hai anh em mới sống ở Mỹ và chúng tôi đi lại những con đường xưa. Có cháu ngồi trong xe nên cậu cũng kể cho cháu nghe về lịch sử khu phố Việt nam ở miền nam Cali. Phải công nhận rằng người Việt nam chịu khó thật. Có lẽ khí hậu Cali gần như Việt nam nên ai cũng thích về đây sống. Rồi dân số Việt nam tăng nhanh. Kéo theo dịch vụ cho cộng đồng người Việt cũng tăng dần.
Ngày xưa cha ông ta Nam tiến để ta có đất nước Việt Nam đến tận mũi Cà mau. Ở Mỹ nhờ những người tiên phong Trung tiến mà ta có "Little Saigon" bây giờ. Từ phố thương mãi Bolsa như trung điểm đầu tiên tiến ra bốn phương. Chú tôi kể cho tôi nghe một chút lịch sử khu Phúc Lộc Thọ. Chú ngậm ngùi nói là ngày xưa chú mới qua Mỹ làm cho cái hảng tọa lạc trước khu nầy. Bây giờ hảng không còn nữa mà nơi nầy mọc lên những tiệm Việt Nam. Cali thay đổi nhanh chống thật! Nơi nầy, Mỹ hay Mễ dọn ra là dân ta dọn vô. Chủ mới không biến thành nhà cũng thành nơi buôn bán.
Ngồi trên xe, nhìn ra cửa, không cần hỏi tôi cũng đoán được nhà nào là nhà dân Việt. Tôi đoán qua cây thanh long, chuối và nhiều cây khác. Mùa nầy thanh long đang nở hoa trắng to đẹp làm sao! Hai năm trước tôi đi vào dịp tết thì nhìn hoa đào đoán chủ. Nếu tôi là vị thống đốc của Cali có lẽ tôi sẽ cho cộng đồng Việt nam mỗi năm một huy chương vàng vì các thương trường Việt nam đóp thuế giúp cho thành phố khá nhiều tiền. Nếu tôi là nhân viên bảo vệ môi trương tự nhiên thì tôi sẽ cho mỗi gia đình Việt nam một ban khen trồng cây tươi mát lọc không khí bẩn cho thành phố. Nếu tôi là nhân viên bảo vệ nguồn gốc dân tộc ở Cali thì tôi cho người Việt nam mỗi người một ban khen biết giữ gìn phong tục, văn hóa dân tộc. Tôi thấy một bà già dẫn hai cháu qua đường. Bà đội chiếc nón lá yêu kều và hình ảnh nầy bao nhiêu năm tôi mới thấy lại.
Chiều qua tự tôi lái xe, chiều thứ sáu tôi nghĩ sẽ đông xe, nhưng cảnh đông xe không còn như ngày xưa. Hơn hai mươi năm về trước, Cali chỉ có cây thông và cây xương rồng nhiều nhất vì hạn chế dùng nước. Thế mà bây giờ ở đâu có đông dân Việt nam là sẽ trở thành "miền nhiệt đới." Tôi có cảm giác như người Việt ra đi mang theo cả quê hương. Không những chỉ có cảnh nhà cưả và nơi buôn bán. Những chùa và nhà thờ cũng nguy nga tráng lệ không kém phần trang nghiêm.
Tôi có ghé thăm một thánh thất Cao Đài. Nơi đây cũng trồng cây trái và hoa. Tôi thấy cây lựu có trái nhỏ màu trắng rất lạ. Nhìn quanh định đưa tay hái trộm một quả. Một bác trong chùa bèn nói cho tôi an tâm: "Cháu hái đi, đồ của chùa mà." Con tôi cười chế nhạo tôi lần nữa: "Má dạy con đừng ăn cắp mà má đi hái trộm." Tôi chỉ cười trừ cho đỡ quê. Tôi lựa quả nào đã bị chim ăn một phần. Tôi không ăn nhưng đem về lấy hột. Hy vọng tôi trồng được. Tôi không hy vọng tôi sẽ có trái lựu ăn nhưng tôi hy vọng tôi có hình ảnh quê hương đâu đây trong nhà tôi.
Mỗi lần qua Cali là gặp ai cũng ép ăn. Không phải họ nghĩ tôi đói ăn mà biết tôi không tìm được những hương vị nầy bên Kentucky. Nhà hàng Việt ở Cali nhiều quá. Nếu để tôi chọn, chắc chắn tôi không biết chọn. Nếu tôi có cái bao tử biết để dành cho ngày sau thì có lẽ tôi ráng ăn đủ thứ. Anh tôi còn chở chúng tôi đi ăn quà nào là đi lại tiệm trái cây, tiệm sinh tố v.v Nhưng không hiểu sao cả hai mẹ con không ăn được nhiều. Có lẽ mệt hoặc nhìn những món ăn là đã thấy no. Chắc trường hợp ăn bằng mắt là đây rồi! Chúng tôi ăn cái gì cũng thấy ngon. Người Việt Nam mình có óc sáng tạo thật. Kinh tế nước Mỹ đang xuống trầm trọng kể cả Cali. Không biết riêng cộng đồng thương mãi của Việt nam có ảnh hưởng gì không"
Hôm sau tôi đi đám cưới và họp mặt những bạn cùng contàu vượt biển ngày nào. Gặp lại những người từng có lần sống chết với nhau, cảm động làm sao!  Có người kể cho tôi nghe những mảnh tình éo le. Nạn ly dị trong cộng đồng càng ngày càng cao. Vì sao" Chạy theo đua đòi xã hội tự do" Mâu thuẫn xung đột giữa mẹ chồng con dâu" Khác tôn giáo" Sinh ra và sinh trưởng hai nơi khác nhau mặc dù là Việt Nam" Ôi cả trăm nghìn lý do! Có lẽ trong cái hay bao giờ cũng có cái xấu và ngược lại. Rồi chuyện than trách con cái vô tình. Mỗi cuối tuần nấu cơm mời con cháu về ăn. Gần đó nhưng cũng chẵn chịu về. Cái sợ hãi của những người già trong viện dưỡng lão mà chung quanh toàn những người khác ngôn ngữ. Có người không chấp nhận là con cái không có thì giờ. "Yêu nhau thì mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua." Chúng nó bận không đến được thì sao không đến nhà chúng nó" Ngày xưa lúc chúng nó còn nhỏ, có xây dựng tình thương với chúng nó không hay chỉ làm bổn phận nuôi chúng nó" Ngồi tranh luận chắc sẽ không đi tới đâu vì mỗi người một hoàng cảnh. Chúng tôi có lẽ thuộc thế hệ khác với thế hệ bố mẹ chúng tôi, không ai có ước mong nuôi con sẽ nhờ con sau nầy. Chúng tôi chỉ ráng nuôi chúng nên người rôì lo bề gia thất. Sau đó chúng tôi sống theo kiểu Mỹ và Việt. Con nhờ trông cháu, làm được ngày nào thì làm. Còn không thì đi chu du thế giới hay trồng cây trái Việt nam. Thay vì về Việt nam sống, chúng tôi có thể mang quê hương về nhà.
Thời gian trôi qua mau và chúng ta sẽ không sống mãi. Tuy nhiên nếu chúng ta ghi lại cho những dòng lịch sử tỵ nạn trên xứ người thì có lẽ nó sẽ lưu giữ lâu dài. Có lúc nào đó, có người hỏi người Việt nam đầu tiên đến Mỹ là ai và vào năm nào" Chắc chắn không phải những người từ trại Pendleton vì trước đó có những vị quân nhân và học sinh du học. Như ta tự hỏi người Mỹ nào đến Việt nam đầu tiên. Có phải ông là nhân vật trong quyển "Người mỹ thầm lặng đầu thập niên 1950" Người Tàu nào đến Mỹ đầu tiên" Có phải những người qua làm đường rầy xe lửa hay mỏ than những năm 1800" Khi đi vào nhà hàng Tàu, hầu hết ta sẽ thấy có món Chop Suey. Nhưng sao có người Mỹ cho rằng món nầy nguồn gốc từ Mỹ chứ không phài Tàu" Tại sao có một thời gian luật Mỹ cấm dân Mỹ kết hôn với dân Tàu mà dân ta không bị rơi vào trường hợp nầy" Chắc chắn trong cộng đồng người Việt tha hương sẽ có những mẫu chuyện "vạn sự khởi đầu nan."Rồi có bao giờ ta hỏi dân Viện nam qua Mỹ làm được gì vẻ vang cho dân Việt, trả ơn đất nước cho ta tự do v.v. Vâng chắc chắn, ở mỗi tiểu bang đều có ít nhất một người. Tương tự ta sẽ hỏi các nước khác trên thế giới.
Dù sao đi nữa, con tôi đặt đâu tôi ngồi đó! Hy vọng câu nói đầy tình nghĩa giúp tôi trở về Cali sống cho những ngày cuối đời. Nếu tôi trở về Cali sống, không biết tôi có làm được gì cho cộng đồng Việt nam bên đó không" Hay tôi chỉ là kẻ hưởng phúc hậu của người tiên phong. Người Việt bên Cali còn tiến xa cỡ nào nữa" Chỉ có thời gian mới trả lời. Nhưng theo  đà phát triển hơn ba thập niên qua, chắc người Việt còn làm thêm cho niềm tự hào dân tộc sống mãi.

Khanh Phan
Louisville, KY

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,303,239
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo