Hôm nay,  

Tình Nghĩa Xóm Giềng Usa

14/09/201000:00:00(Xem: 122283)

Tình Nghĩa Xóm Giềng USA

Người viết: Hạo Nhiên T.T.Ngũ
Bài số 2990-28290-vb3091410
 
Thiếu thời sống miền quê Bắc Việt vùng xôi đậu Việt Minh - chiến tranh Việt Pháp - 1954 di cư vào Nam - Sau 1963 dạy Việt văn - SQ/TB/VNCH -29-04-75 bỏ nước di tản, định cư tại Hoa Kỳ cho đến nay. Đã làm qua nhiều ngành nghề, từ thợ lao động cho đến chuyên môn, hiện về hưu an nhàn.  Sau đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông.
                       
***

Năm 1979 sau khi sống ở Mỹ gần 5 năm, tôi được người đồng hương và cũng là vị phó nội vụ hội Việt Nam Tương Trợ Culver City, cho tôi Job thơm: Làm manager cho hai dãy Apartement do ông và bạn là sở hữu chủ tại Los Angeles, gồm 28 đơn vị từ 2 phòng ngủ tới 3 phòng ngủ.  Quyền lợi: không lương, không bảo hiểm sức khoẻ,  được ở free tương đương tiền thuê 2 phòng ngủ một tắm 350 đô tháng. Đang lúc định kiếm nhà gần trường học,  ngờ đâu được như ý. Tôi chịu liền và dọn vào ngay. Gia đình tôi lúc đó hai vợ chồng hai con nhỏ, lại có bầu ở chung cư như vậy quá tiện. 
Công việc chỉ giản dị: Hàng tháng thâu tiền thuê theo giá từng đơn vị từ ngày 1 cho tới 5 Tây kết toán trao laị cho chủ,  giải quyết chuyện lặt vặt như nhà bị nghẹt cầu, bồn rửa chén ... Nói chung việc gì cần thợ thì kêu thợ đến sửa và gửi bill cho chủ.  Nghĩ lại chẳng khó khăn gì,  nhưng đời nói vậy mà không phải vậy! Tháng đầu người thuê nhà trả đều trừ hai ba căn trả trễ có khi tới ngày 6 mùng 7 rồi mùng 8 chưa thèm trả tiền thuê nhà.  Ngày cửa đóng tối sau 8 giờ có đèn, gõ cửa nhắc trả tiền bị đóng cửa cái rầm.  Có căn còn đòi đánh lộn nữa chứ - Giờ này tao đi ngủ đừng làm phiền, mai tính. Bảo chủ gửi giấy đòi, nhắc bỏ vào hộp thư mà người thuê chẳng thèm coi, cứ lờ đi như không! Tôi lần đầu trong đời mới té bật ngửa - À ra thế "!
Tội nghiệp nhất là có chị phe ta lấy ông chồng “My ngã đờ en”, có một con lai nhóc cỡ 3 hay 4 tuổi gì đó, thuê ở trên lầu.  Thỉnh thoảng tôi chứng kiến cảnh thằng bé bị chị cầm roi quất veo véo theo thằng bé chạy từ lầu mười mấy bậc thang xuống, chị la, nó mếu khóc ...Tôi chẳng dám can, chỉ nhìn thôi, ngại tên chồng chị nổi cáu thì nguy! Thằng con chị ở truồng chạy vòng quanh khu chung cư ồn ào. Sau người nhà tôi hỏi chị,  thì ra chị có ăn học trường Tây Sài Gòn,  rồi vì hoàn cảnh sao đó đẩy đưa chị gá nghĩa cùng ông Mỹ đờ en Gi gì đó, theo chồng về Mỹ trước 1975. Chồng nghèo chị không có job biết sao hơn"
Một ngày kia tôi đang ngồi cửa nhà hóng gió, chợt có thằng bé cỡ 5 tuổi,  từ đơn vị cách vài ba căn cùng dãy tầng trệt.  Nó đi bộ,  một tay kéo lê túi rác trong nhà đi ra  lê xềnh xệch hướng về thùng rác lớn.  Nhè đâu thằng bé vừa ngang cửa nhà tôi,  túi rác bằng giấy gói đồ ở chợ bỗng nhiên bị bể vì nước dư, thế là cả túi rác bung ra tung toé trước cửa nhà tôi. Ôi ông Địa ơi! nào là giấy bẩn,  nào là nước Côca,  nào là đồ ăn dư, nào là giấy tã lót, kể cả đồ lót quí bà bị cờ đỏ nữa chứ! Tức cười, bực bội thằng nhóc bỏ mặc đó quay đầu trở về nhà liền,  tôi chạy theo sát  rồi gõ cửa bảo người nhà nó ra liệu mà thu dọn cho sạch.  Ai ngờ mẹ thằng bé ra chối phăng rằng đâu phải con tao đâu và đóng cửa cái rầm mặc tôi tiu nghỉu vừa giận vừa tức cành hông! Nhưng thôi cắn răng nuốt giận nhịn mày cho nó tốt tao,  chuyện nhỏ nên vòng lại vào nhà lấy chổi quét xẻng hốt cho sạch mùi khó ngửi! Hàng xóm Mẽo của tôi là như thế đó, chưa kể hàng ngày phải quét hốt rác dơ lia lịa quanh container chung cư bốc múi xú uế nồng nặc - Vì có năm bảy gia cư khu chung cư đã sai con mang xách túi rác đem đổ vào thùng lớn,  Nhưng con trẻ làm sao đủ sức đủ cao để ném vào container sắt cao hơn 4 feet cho được.  Như thằng bé ban nãy vậy.
Những ngày thứ bảy, tối thứ sáu hàng tuần ba bốn nhà hàng xóm còn mở nhạc đua nhau ầm ỹ nhạc giật disco  rầm rầm, con thơ chắc mắc bệnh kinh phong không chừng.  Nếu tôi có đến yêu cầu mở nhỏ lại càng bị la toáng lên và càng mở to hơn"!
Thế là tôi bàn với bà xã sau bốn tháng đành quit job vậy - cảm ơn chủ và thưa "Nhà cháu chả dám làm chức Manager khu chung cư nữa ạ!"
Trước khi bỏ chức quản lý chung cư không kèn không trống này tôi dẫn vợ con đi kiếm nhà để mướn. Vào một chiều thứ bảy đang lái xe vòng vòng đi tìm chợt thấy bảng đề Appartement for rent mừng húm táp vào lề đậu,  cùng vợ con đi bộ lại gõ cửa manager hỏi han điều kiện giá thuê.
 Nào ngờ bà quản lý chung cư nhìn qua hai con nhỏ đang đứng gần mẹ và bụng bầu bèn ôn tồn thong thả bảo rằng:
"Ông bà có nhìn xem cái bảng kia không" Đó là cho mướn gia đình NO KID - NO PET! Mời ông bà đi tìm thuê nhà chỗ khác.
Đúng là sự thật phũ phàng. Vì mình biết ở Mẽo tôn trọng đàn bà con nít, bảo vệ trẻ con.  Có vị tị nạn còn ra cái điều ta đây hiểu biết từng phán "Mỹ à nhất ĐÀN BÀ,  nhì con trẻ, ba chó mèo, bốn cỏ rả, năm mới tới đàn ông." Thì ra nói vậy mà không hẳn là vậy.
Mấy ngày sau lái xe đi, may mắn tìm được căn chung cư cho thuê vùng Culver city gần Santa Monica, trên lầu 2 phòng ngủ, một tắm giá thuê phải chăng,  thế là quyết định đặt cọc ký khế ước dọn vào, với gia đình tôi một vợ hai con và cái bầu sắp sanh.  Chúng tôi an cư được một tháng,  hai tháng sau nhà tôi sanh được cháu trai.  Thế là vợ chồng tôi và baby trong nôi một phòng ngủ, hai con trai chung một phòng ngủ, tạm ổn an cư học nghiệp.  Tôi trúng tuyển vào trường  LA Trade Tech., cùng hai ông bạn, một ông có cậu con trai học chung trường lớp với học bổng ngon lành, kể như bắt được vàng còn gì hơn. Gia đình tôi ở trên lầu có con mới sanh,  ông bạn và cậu con trai ở căn một phòng ngủ tầng trệt sát cầu thang ngay lối xe chạy vào bãi đậu xe tầng trệt luôn. 
Khu chung cư đang êm ả bỗng có biến động.  Một cậu Mỹ  hàng xóm vốn dân chơi xe thể thao mang về cái xe  Sport loại sang, rồi trổ tài thợ máy khoét lỗ cho ống "bô" lên cao cả feet ngay đầu máy. Mỗi lần rồ máy kêu ầm ầm như xe cứu thương dù sáng sớm hay 7,8 giờ tối. Con tôi trên lầu giật mình khóc ré lên phải đóng kín cửa sổ lại ngay.  Bất mãn quá không biết làm cách chi được đành than van với ông bạn cao niên đàn anh vậy. Mình nói nhỏ nhẹ bảo rằng tụi tao có con trẻ mới sanh nghe tiếng nổ và ống bô kêu to quá sợ khóc,  mấy người bạn cần ngủ mai đi học đi làm sớm" Cậu hàng xóm không  coi ra gì ba thằng tị nạn nói ngọng tiếng Mẽo nên vênh mặt bảo - "Ưà ông làm như rứa, ở đây xứ tự do mà mi làm chi ta nào!
Vài tuần sau, thấy cậu boy  lái xe về sắp vào bãi đậu xe,  tiếng xe kêu phành phạch nhả khói mịt mù. Xe vào được bãi đậu xe kêu ầm một tiếng cuối cùng như người bệnh gào lên rồi tắt thở ... Im lặng im lặng và in lặng.
Chiều hôm sau chúng tôi  trở về lúc 5 giờ chiều,  thấy xe của cậu hàng xóm nằm bất động nắp máy mở tung. Vài ngày sau thấy máy bị mở tháo tung ra và tên dân chơi hàng xóm đang nằm lê lết ra sức sửa chữa! Thêm mấy tuần nưã, xe vẫn nằm ụ, các cơ phận bị tháo tung, ráp rồi lại tháo liên tu bất tận. Sau cùng,  cả cái xe được đem đi đâu không còn nữa chỉ để sót lại vài vũng nhớt rỉ sắt xe đen sì. Từ đó cả chung cư hoàn toàn yên tịnh. 


Vài ba tháng sau, có ông hàng xóm Mễ rành nghề sửa xe cười cười bảo rằng có gì đâu,  ống bô xe nó miệng há đưa lên trời khát nước, chỉ cần lấy nắm muối nắm đường pha với nửa galon nước quậy cho đều.  Sau đó cứ đổ vào miệng ống bô xe cho hết.  Bảo đảm xe uống xong liều thuốc này sẽ kêu rống gào lên rồi qui tiên ngay! Thợ máy tài ba cách mấy cũng bó tay. Chỉ còn cách vất đầu máy xe đi, thay hẳn cái đầu máy khác mới được. 
Nghe ông Mễ hàng xóm giảng nghĩa, tôi hiểu à thì ra là vậy. Âu cũng là bài học nhớ đời cho anh dân chơi bất cần tình nghĩa xóm giềng gì ráo trọi. Sau chuyện cái ống bô xe port khát nước, cuộc sống tại khu chung cư này từ đó êm ả.
Năm 1980, tôi tốt nghiệp bằng chuyên môn trường Cao Đẳng LA Trade Tech.,  được ông bạn quí H. Kim đang làm hãng Northrop Co. tận tình giúp đỡ và giới thiệu vào làm cùng sở phân bộ Facility Design Department, lương khá. 
Có việc làm mới rồi, tôi lại đang bị đuổi nhà dù trả tiền thuê sòng phẳng. Lý do chủ cũ bán cho chủ mới, sửa lại lên giá tiền thuê. Chủ mới dán giấy báo rằng phải dời dọn ra nội 30 ngày. Trước đó họ đã khám nhà và bảo" chung cư có 2 phòng mà ông bà lại tới 5 người nên không được. Gia đình tôi và bạn tôi cũng bị đuổi dù mới ở được một tháng từ OHIO dọn về.
Đúng lúc này,  tôi được ông bạn cùng trường lớp xưa VN đang ở vùng Lawndale/Sbay quyến rũ dời cư cho gần chỗ sở làm. Tôi bèn di cư,  giã từ vùng Lốt Ăn Rồi Lết, chỗ chung cư có tay dân chơi hàng xóm khó thương,
Căn nhà mới thuê mướn chủ Mỹ gốc Tàu 3 phòng ngủ một khách một tắm cũ mèm nhưng cũng thoải mái.  Lại có good job tạm hợp khả năng nhu cầu sống an bần lạc đạo. Sáng lái xe đi chiều lái xe về đời bằng phẳng như nước hồ Thu, vợ ở nhà lo nội trợ nuôi sóc ba con chả cần đi làm chi cho mệt. Dời cư về nhà thuê này khoảng năm, con lớn đi học trường tiểu học lớp 1, bà xã đi bộ đưa đi đón về thong dong như đi dạo mát.
Năm 1981 được tin người thân vượt biển thoát nạn đã tạm trú trại Songkla, Thái Lan. - Ghe đi trên 40 người, trên ghe già nhất bà nội tôi 90 tuổi, trẻ nhất lại là con gái thứ hai tôi mới gần 7 tuổi,  ghe an toàn tấp vào trại dù sóng gió, dù hải tặc tấn công cướp ba lần.
Chừng 1982 tôi lo bảo lãnh 8 người qua đoàn tụ tại Hoa Kỳ thuê căn nhà quanh vùng. Khi vào Mỹ nhóm 8 người chung hồ sơ, được chia ra: Mẹ vợ em vợ, con gái tôi ở chung với gia đình tôi, còn lại 5 người ở chung với hai chú em trai. Sau vài tháng, em vợ tôi có cô  Tuyết bạn gái độc thân đang ở gần đâu đây xin về ở chung cho tiện có bạn bè. Cô Tuyết sau này chính là nhân vật đặc biệt  trong câu chuyện này, khi cô được một ông Mỹ già hàng xóm coi như con nuôi, làm di chúc tặng cô một phần gia tài.
Hồi ấy, nhà đông người,  hàng tuần,  nhà tôi hay nấu xôi, nấu mì, nấu phở, có khi thí nghiệm làm bánh bao. Đặc biệt đi chợ Tàu  Los Angeles mua đồ làm chả giò. Đây là món ăn quen thuộc của dân ta từ lâu. Tôi nhớ thời nhỏ hồi còn ở Bắc tôi theo mẹ đi buôn lên tỉnh Nam Định đã được ăn thử ngon thơm quá, bà mẹ bảo đó là chả giò Sài Gòn đó con à.  Sau này, khi di cư vào Nam  sau 1954, món này phổ biến quá rộng, nhiều người dân  miền Nam tưởng lầm bảo rằng món ăn Bắc di cư 1954. 
Thời ấy bà con mới di tản sang Mỹ Mỹ làm gì có chợ,  có quán ăn Việt Nam. Ba bốn năm đầu chỉ có Mini Market Aí Hoa ở chợ Tàu Lốt.  Lúc đó gia vị hiếm hoi có thứ nào xài thứ nấy, các bà học hỏi trao đổi lẫn nhau làm đồ ăn Việt Nam và món chả giò Việt Nam thành hình tại Mỹ.
Tục ngữ ta có câu “Miếng ngon nhớ lâu, lời đau nhớ lời.”  Lại thêm câu “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Áp dụng lời khuyên này, mỗi lần trong nhà làm món ăn Việt Nam, bà xã tôi làm thêm ít phần đặc biệt bảo cô Tuyết bạn em vợ tôi đem đi biếu tặng hàng xóm Mỹ, Tàu gần nhà. Trong số này có ông Mỹ già Mr. Brown Bush  nhà đối diện bên kia đường.  Ông Mỹ già này  được nếm món chả giò, cám ơn rối rít bảo rằng chưa bao giờ ăn món khoái khẩu thế này. Vậy là nhờ món chả giò mà tình hàng xóm Việt Mỹ ngày càng thân gần hơn.
Ông Mỹ già Mr. Bờ Rao Bút Sờ tuổi đã ngoài 70, sống một mình trong căn nhà có ba phòng ngủ rộng thênh thang. Bà vợ mất từ lâu, ba người con đều ở bang khác chỉ hello hỏi han ông ngày Birthday hay  Fatherday mà thôi. Hoặc có khi cả năm mới về ghé thăm ông bố gia huyền một lần. 
Thấy sống với gia đình tôi quá chật chội, đêm đêm  phải ngủ salon bất tiện,  cô Tuyết quyết định  dọn qua nhà ông Mỹ già share phòng. Mới đầu hàng ngày, cô qua ăn chung với gia đình tôi. Sau khi có job rồi, cô nấu ăn riêng,  lại mau mắn mời ông Mỹ già ăn chung và còn mua đồ nấu ăn Mỹ cho ông nữa. Từ đó ông coi cô Tuyết lưu vong như con nuôi,  cô còn săn sóc ông hơn con ruột nữa!
Quả thật ông đúng là người Mỹ nhân từ cao quí giúp người không hề kể công.  Theo lời kể hàng năm cứ đến ngày bà vợ ông mất,  ông không bao giờ quên mua hoa đích thân lái xe lên ngồi bên mộ vợcầu nguyện. Có lần ông đưa tiền nhờ cô Tuyết đi mua hoa cho ông để ông đi viếng mộ vợ, bà mất trên 30 năm ông ở vậy kiếp đàn ông chung thuỷ-  chung tình nuôi con cho đến giờ sống cô đơn hơn 20 năm có lẻ! Từ đó cô Tuyết VN càng kính phục lòng chung thuỷ của ông nữa.
Rồi một thoáng vài năm sau cô Tuyết Tị Nạn lên xe hoa về nhà chồng, lòng ông Mỹ già cô đơn như một bóng chiều tắt nắng.  Ông â chúc mừng cô đẹp duyên với chồng đồng hương tị nạn bằng gói quà bó bông kèm phong thư với 2 tờ giấy bạc trăm (tương đương giờ gần ngàn USD). Đôi vợ chồng trẻ không ngờ vì người Mỹ thường chỉ mừng bằng hiện vật mà thôi. Dù ra ở riêng nhưng hai vợ chồng thường lui tới thăm ông, bất cứ lúc nào ông cần gì, điện thoại là chạy tới, luôn chăm sóc ông lúc ốm đau.
Ba năm sau khi  cô Tuyết lập gia đình ở riêng,  là lúc  Mr Brown Bush từ giã cuộc đời. Trước giờ lâm chung, có mặt con cháu khắp nơi xa về, ông ngỏ lời trăn trối và công bố di chúc  làm sẵn đúng theo thủ tục luật pháp, chia gia tài cho ba người con và vợ chồng Tuyết. Cầm tờ di chúc trong tay,  vợ chồng Tuyết ngẩn ngơ không dám nhận, nhưng ông chỉ Tuyết bảo với các con rằng đây là con nuôi cha, chúng mất nước mất nhà,  nhưng tâm hồn con Chúa không mất.  Chúng coi ta như cha, đã ở gần ta bao năm qua mà các con ở xa nên ta coi chúng như con vậy.
Theo di chúc, vợ chồng Tuyết được hưởng một phần năm gia tài. Đặc biệt, ông cũng yêu cầu người con nuôi tị nạn hàng năm cứ ngày giỗ mẹ và cha, mua bó hoa tươi lên viếng mộ.
Thế rồi trừ mọi khoản chi phí tang lễ, bán nhà đi còn lại,  vợ chồng cô Tuyết được nhận khoảng gần 20 ngàn USD, tính theo vật giá thời ấy tương đương với gần 100 ngàn bây giờ
Mấy năm trước đây tôi có gặp lại vợ chồng Tuyết. Đôi bạn trẻ nay đã thành trung niên, sống rất hạnh phúc và vẫn còn giữ lời hứa với ông Mỹ, mua hoa viếng mộ cầu nguyện cho ông  cha nuôi người Mỹ nhân hậu. 
Ai dám bảo rằng người Mỹ không có tình hàng xóm láng giềng, rằng người Mỹ chỉ biết sống ích kỷ đèn nhà ai nhà ấy rạng.
Hạo Nhiên T.T.Ngũ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,696,247
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến