Hôm nay,  

Cà Pháo

09/09/201000:00:00(Xem: 109771)

Cà Pháo

Tác giả: Ấu Chi
Bài số 2987-28287-vb5090910

Tác giả từ sơ lược về mình: "Tôi là một trong những thuyền nhân may mắn, định cư ở Mỹ từ năm cuối của thập niên bảy mươi. Ra trường cử nhân điện tử - hiện đang làm việc cho một công ty ở quận Cam. Viết văn là một niềm vui mới tìm thấy." Ba bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Ấu Chi là "Phở", "Cõi Mây Của Ngoại", "Xuân Muộn." Sách Viết Về Nước Mỹ 2010, Âu Chi  có “Bài Toán Đố Cuộc Đời”, một chuyện tình đặc sắc, rất được hâm mộ. Sau đây là bài viết mới nhất.

***

Bà con lối xóm vẫn thường gọi anh bằng cái tên thân thiện: Anh Ba Cà. Tôi cũng quen miệng gọi theo từ  ngày đặt chân về cái “xóm nhà lá“ trên đất Mỹ này. Không biết là tên cúng cơm, hay biệt danh đặt theo người theo việc.
Nghề chính của anh Ba Cà là cà móng cà da làm đẹp cho phụ nữ. Được may mắn suốt ngày tiếp cận với bao nhiêu bông hồng đủ sắc màu của xứ Cờ Hoa, thế mà anh vẫn cu ki, dù đã chập chững ở giai đoạn bóng xế chiều tà của cuộc đời. Anh trắng trẻo, có bộ mã cao ráo tương đối dễ nhìn, khổ nỗi cái giọng của anh đôi khi lập ca lập cập hơi chút xíu cà lăm. Có điều đặc biệt là khi cất tiếng hát cái bệnh cà lăm bỗng chạy trốn mất tiêu. Những từ ngữ địa phương miền sông nước Cửu Long quen miệng thường ngày cũng được phát âm rất chuẩn khi anh trổi giọng hát. Anh có  làn hơi dài, ngân nga luyến láy rất mùi. Mỗi lần các trung tâm ca nhạc quận Cam tuyển lựa ca sĩ, các bà các bác trong xóm cứ đốc thúc thằng Ba Cà mau nộp đơn đi dự. Anh lại ấp a ấp úng lắc đầu nguầy nguậy:
- Tui quá...quá đát rồi, ca chơi cho dui, có...có bằng ai, mà thi...thi... dzới cử.
Giúp vui láng giềng bằng những câu hát bâng quơ có thể gọi là nghề tay trái của anh. Tuy không ăn tiền ăn bạc gì ai, nhưng anh có lộc ăn đều đều. Các bà các bác cảm giọng quý người thay phiên nhau hậu đãi chú họa mi xóm lá liên miên. Nay tô mắm chưng, mai dĩa ếch xào lăn. Làm anh rưng rưng nhớ má nhớ nhà. Cái thằng đi biệt, má anh mỗi lần viết thư cứ trách.
Cũng đã hơn một phần tư thế kỷ từ ngày anh bỏ làng bỏ xứ ra đi. Lâu lâu nhớ nhà nhớ má, anh lại nhắc đến những món tủ má anh hay nấu ngày xưa. Tháng tám mùa nước nổi, anh thèm ếch xào lăn, má anh lội chợ cắt củm rinh về nguyên xâu ếch tươi, chặt đầu lột da, xào lăn một chảo thơm lừng, rổi sung sướng ngồi nhìn anh ăn ngon lành. Bà đã ăn chay suốt mấy ngày sau đó để sám hối tội sát sinh. Má anh nay đã ngoài tám mươi, bạc phơ mái tóc, một mình lụm cụm bến sông. Nhất nhất không chịu rời xa quê cha đất tổ. Đi rồi ai hương khói cúng quẩy tía bây. Ba anh qua đời lúc anh hãy còn thơ ấu. Anh lớn lên trong tiếng ru hời của má giữa mênh mông sông nước miền Tây.

Nước Cửu Long sóng dồn cuồn cuộn,
Cửa Hà Luông mây cuốn cánh buồm xuôi,
Bậu với qua hai mặt một lời,
Trên có trời, dưới có đất,
Ngãi trăm năm vương vấn sợi tơ mành,
Tử sanh, sanh tử chung tình,
Dầu ai ngăn đón, tôi với mình cứ thương.
(Ca dao Việt Nam)

Tuy gốc miền Nam, nhưng anh không sính cải lương, lại ca mùi mấy bản nhạc vàng. Các bác trong xóm say mê khi anh ngọt giọng mía lùi qua những bài tình tự quê hương. Anh thuộc lòng nhiều bài hát. Những bài được các bà các bác yêu cầu nhiều nhất là Múc Ánh Trăng Vàng và Hương Tóc Mạ Non. Anh có một bài ruột, và cũng là bài tôi yêu nhất, đêm nào cũng nghe anh nghêu ngao bên tiếng đàn thùng tình tang:

Tôi muốn thành cánh chim trời.
Bay về quê cũ thăm quê hương tôi.
Nơi đó tôi có mẹ già, có người yêu dấu, có trời Việt Nam...
(Cánh Chim Trời - Linh Giang)

Những hôm ể mình cảm mạo, vắng tiếng ca anh, con xóm nhỏ bỗng dưng nghe thiêu thiếu tiêu điều làm sao ấy.  Gọi là cái xóm cho xôm, chứ thật ra chỉ có hai dãy nhà đối lưng nhau. Mỗi dãy bốn căn, nằm ép mình ở góc cuối của con lộ nhỏ. Lô đất nằm lọt vào cái vùng mang tiếng là có nguy cơ lụt lội, mà oái oăm thay cái mương đào bên hông xóm cứ quanh năm cạn nước. Ấy vậy mà ở cái xứ thiếu mưa nhiều nắng này vườn nhà ai cũng xum xuê xanh mát. Mỗi căn có được một mảnh đất con con, lại được chủ phố bao nước, nên nhà nhà người người tha hồ tưới lút. Thôi thì ngò om húng quế bí cà cứ um tùm đua nhau chen chúc. Mà lạ, cà vốn là giống dễ trồng, mà sau trước dọc ngang chỉ có vườn anh Ba là cà sai trái tốt nhất. Mãnh vườn tôi đâu lưng sát vách với mảnh vườn anh, vẫn thường được anh dúi cà dúi bí sang cho. Còn tôi nấu được món gì ngon lại đem qua biếu anh lấy thảo.
Bếp nhà anh Ba Cà thường vẫn lạnh tanh vì anh bận rộn chuyện mưu sinh hàng ngày. Và người bạn sống chung, có hổn danh là anh Ba Pháo, cũng đầu tắt mặt tối ít khi chuyện trò cùng ông Táo. Anh Ba này không rõ khi xưa có gốc Pháo binh hay chăng, chỉ biết hiện nay anh chuyên nghề bán pháo lậu chợ trời, và còn cáng đáng trăm việc linh tinh lưu động, đâu cần anh có. Duyên dáng trong lối kể chuyện, lắm khi anh thao túng chuyện một nổ mười, dòn dã tự nhiên. Lễ giỗ tiệc tùng ở đâu có anh Ba Pháo là ở đó nổi đình nổi đám.
Chuyện qua chuyện lại mới biết té ra anh Ba Pháo khi xưa là dân nhà binh thứ thiệt. Đăng lính tình nguyện hẳn hòi.  Anh xuất thân từ một gia đình khá giả, là con trai một. Ba anh chạy chọt làng trên xóm dưới để anh được miễn dịch, hầu ông có cơ may kiếm được đứa cháu đích tôn nối dõi tông đường. Cuối cùng ông xin cho anh được một chân lính kiểng loanh quanh trong vùng. Một cô vợ trẻ được tuyển sẵn, để dành đó, chỉ chờ ngày lành tháng tốt, cho anh hoàn thành nhiệm vụ. Rồi vì một chuyện bất đồng tranh chấp không rõ lắm, giận nhà bỏ đi, anh đăng lính ra mặt trận. Mới tháng trước tháng sau đã nghe tin anh nằm nhà thương chợ Rẫy. Một viên đạn vô tình lướt ngang xớt đi mất một hòn ngọc của anh. Cướp đi  đứa cháu đích tôn. Niềm mơ ước của ba anh mãi mãi chỉ còn trong giấc mộng. Quả người tính không bằng trời tính. Cao xanh thật quá trớ trêu.


Đến khi qua Mỹ, tình cờ gặp anh Ba Cà, đồng hội đồng thuyền độc thân vui tính, hai anh đã mau chóng kết mối tương liên khắn khít. Lúc tôi dọn vào xóm, thì cả hai góp gạo thổi cơm chung cũng đã được hơn ba niên lẻ. Với tôi, anh Ba Pháo là một người láng giềng tốt bụng. Với anh Ba Cà, anh là một người bạn chí tình, và là mẫu người share phòng lý tưởng. Tiền nong sòng phẳng đầy đủ, mà ở thì chỉ dăm bữa nửa tháng. Khi nào có mặt ở nhà thì anh bới việc ra làm, cổng trước vườn sau, tay liền miệng, miệng liền tay, từ sáng sớm đến chiều tà.  Căn nhà yên lặng trở nên rôm rả hẳn lên. Ngoài cái tật nổ, anh còn thêm cái tật nhậu. Cứ chạng vạng tối là thấy anh khởi xướng nhậu nhẹt lia chia. Rồi lại nổ tung tóe. Rượu vào lời ra, ai có lạ gì.
Anh Ba Cà, tuy không thuộc hàng cao tửu võ lâm, cũng chịu khó làm dăm món nhậu lai rai đưa cay  với anh Ba Pháo. Khổ nổi, chai Bud Light, chỉ mới ngụm trước ngụm sau đã thấy mặt anh đỏ ké, xếp ve xịu lơ, im ru bà rù. Anh Ba Pháo, thật đích danh bợm nhậu chính hiệu, hủ chìm hủ nổi bao nhiêu vẫn không hề thấy anh đổi sắc. Uống càng nhiều nổ càng to. Tính nết hai người quả một trời một vực đối nghịch nhau. Vậy mà hai anh Ba tui vẫn hòa bình chung sống với nhau từ bao nhiêu năm nay. Hòa bình một cách tương đối. Công bình mà nói. Ở sát bên nhà, dù muốn gác chuyện thiên hạ qua một bên, nhưng cũng khó bình chân như vại, khi pháo cứ nổ đôm đốp bên tai.
Thôi thì tin tức thời sự, trong nước ngoài nước, từ chính trị thị trường đến tin xe cán chó, chó cán xe, được cập nhật nóng hổi qua giọng lè nhè hằng đêm của anh Ba Pháo. Một đề tài, tuy mới mà cũ, cũ mà mới, thường được nhắc nhở đến trong những buổi rượu vào lời ra này. Ấy chính là con số 8 trên lá phiếu của bang Cali. Hết thuận rồi chống, chống rồi thuận, lằng nhằng dây dưa suốt mấy năm nay. Nước Mỹ đã tốn biết bao nhiêu giấy mực, tiêu hết bao nhiêu triệu bạc, cũng vì cái con số 8 này. Bao nhiêu đoàn thể tôn giáo, giáo chức sinh viên, mọi tầng lớp nghành nghề trong xả hội đều góp phần lên tiếng. Nhóm này bầu, nhóm kia bỏ. Không chỉ đơn thuần ý dân là ý trời như câu khẩu hiệu thường nghe thấy trong những mùa bầu cử. Chắc rồi đây ý dân sẽ không bằng quan tính. Mà cũng không chừng con số 8 sẽ còn xuất diện dài dài, sẽ tốn thêm nhiều giấy mực và đô la. Anh Ba Pháo sẽ tiếp tục nổ, anh Ba Cà sẽ tiếp tục lừng khừng. Điển hình như mẫu đối thoại giữa hai ông, tôi cứ phải nghe ngày lại ngày, dây dưa lằng nhằng:
- Thôi...thôi... ông ơi, cái miếng...miếng giấy lộn có kể xá gì, chỉ mong cái tình cái nghĩa lâu..lâu... dài dzới nhau.
- Cái quyền căn bản phải được thực thi, tụi nó kỳ thị, mày nghe tao cứ tính tới.
- Tui nói goài, chưa dìa...dìa gặp bà già nói một lời, tính tới tính lui chi...chi.. mất công.
- Mày cứ giỏi cái miệng, định ngày nào nói đi, tao đặt vé liền. Mày không đi, tao đi một mình.
Lần này thì anh Ba Pháo không nổ suông. Một hôm tôi thấy anh kéo cái va li ra khỏi ngõ, gặp tôi anh vẩy tay chào chúc sức khỏe. Khác với mọi lần tiễn biệt, anh có vẻ bâng khuâng bịn rịn, như đi không có ngày về. Mà thiệt, anh biệt tích giang hồ, đã hơn hai tháng rồi.
Cái bàn nhỏ sau vườn, chỗ anh Ba Pháo hay ngồi hút thuốc, ánh lửa rít lên từ điếu thuốc cháy dở, hằng đêm tôi vẫn thấy qua lớp rào thưa. Nay anh Ba Cà, dù không hút thuốc vẫn ngồi đó, bật tới bật lui cái zippo cũ của anh Ba Pháo để quên. Tia lửa lóe sáng, soi rọi nổi buồn người ở lại, hàng giờ mỗi đêm. Giọng hát anh dường như da diết hơn trong những bài ca quen thuộc. 

*
Vắng bóng anh Ba Cà suốt mấy hôm nay, chẳng thấy người mà cũng không nghe tiếng, dù chiếc xe anh vẫn còn đậu ở bên lề. Rảo bước sang nhà anh thăm hỏi, tôi bấm chuông tới lần thứ ba mới thấy anh ló dạng. Khuôn mặt thiểu nảo, tóc tai chơm bơm. Hỏi ra mới biết tin má anh đã qua đời.
Anh Ba Cà bệu bạo:
- Tui trù cùng...cùng...Ba Pháo dìa làng thăm...thăm bà già, mà bận...bận...goài, thằng chả sùng bỏ...bỏ...dìa mình ơn. Má tui giờ...giờ...cũng đi trớt.
Tôi quay mặt đi tránh nhìn dòng lệ đang chảy dài trên gò má anh. Tôi biết, có nhiều cái phải chi thế này, phải chi thế nọ, đang tuần tự diễn hành trong ký ức anh. Nổi thương đau có thể làm tê liệt bộ thần kinh hệ. Sự tiếc nuối có thể gặm mòn khả năng bén nhậy thường ngày. Những điều muốn làm, có thể làm, sẽ không bao giờ làm được. Những lời muốn nói, chưa kịp nói, nay chỉ có thể nói cùng hư vô. Nổi xót xa của anh, tôi hiểu lắm, vì mẹ tôi cũng vừa ra đi cách đây không lâu.
Khu xóm nhỏ tiêu điều thê thiết. Vì vắng tiếng ca anh Ba Cà. Vì thiếu tiếng nổ anh Ba Pháo.  Trời tháng Chín vẫn còn cháy nóng, không gian yên ắng, tưởng chừng nghe được tiếng vỗ cánh của bầy chim đang chấp chới trước ngõ. Bỗng lời hát quen thuộc lại cất lên, xóa tan cái thinh lặng giữa giấc trưa hừng hực.
“Tôi muốn thành cánh chim trời.
 Bay về quê cũ thăm quê hương tôi.
Nơi đó tôi có mẹ già...
Tôi háo hức lắng nghe, bỗng tiếng hát ngập ngừng ở hai chữ cuối, rồi nửa chừng tắt ngấm. Eo xèo như đàn đứt giây. Tiu nghĩu như diều thiếu gió. Nổi nghẹn ngào từ đâu ập tới, đã sắc lẽm cắt ngang giọng hát anh. Có tiếng thở dài từ phía sau hàng rào thưa.
Xuyến xao. Não nuột.
Tôi biết anh Ba Cà vẫn còn nhớ má. Và có lẽ nhớ cả người anh thương. Ở đâu đó bên trời quê hương xưa cũ.
Không biết khi nào tôi mới nghe lại giọng hát anh với bài ca thương mến ấy. Có lẽ phải chờ đến khi nổi sầu anh phai nhạt. Ôi có biết bao nhiêu loại thuốc trên đời, thuốc Tây thuốc Ta thuốc Nam thuốc Bắc, sao chẳng có phương thuốc nào mau chóng chữa lành vết thương lòng.
 Ấu Chi

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,000,727
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến