Hôm nay,  

Nửa Chữ Hay Không Chữ

06/09/201000:00:00(Xem: 174906)

Nửa Chữ hay Không Chữ

Tác giả: Nguyễn Thi
Bài số 2984-28284-vb2090610

Tác giả là cư dân Bắc California, đã nhận giải đặc biệt viết về nước Mỹ 2008 với nhiều bài viết giá trị về nhà trường và gia đình. Bà hiện là một Facilitator -giúp  hướng dẫn những buổi học thảo về hệ thống học đường tại California. Bài viết mới nhất của bà là truyện về một “ông thầy tình nguyện” và lớp học Việt ngữ trên đất Mỹ.

***

Đã tám giờ sáng nhưng trời vẫn còn âm u, không một tia nắng nào chào đón một ngày mới.  Ông Tân mở cửa chiếc xe Honda mầu xanh gần 15 tuổi đời, tay mở máy xe miệng lâm râm khấn vái cho xe nổ máy.  Chiếc xe này ông mua lại của một cậu thanh niên cách đây 5 năm.  Có lẽ cậu ấy tận dụng chiếc xe mỗi khi bước chân ra khỏi nhà nên khi nó tới tay ông thì đã chạy được 170.000 dặm.  Mấy hôm nay trời trở lạnh, chiếc xe bắt chước ông hay dở chứng ho lên ho xuống mỗi khi ông đề xe đi làm buổi sáng.  Ông hứa với chiếc xe ráng chờ tới thứ tư khi lãnh lương xong ông sẽ đưa nó đi chuẩn bệnh tại tiệm ông Bảy gần nhà. 
Chiếc Honda có lẽ biết số phận mình nên sau khi đằng hắng vài tiếng nó bắt đầu nổ máy đều đặn.  Ông Tân ngồi chờ vài phút cho xe ấm áp trước khi lái đi.  Đường phố vào giờ này của ngày chủ nhật vẫn còn vắng vẻ, thỉnh thoảng có vài chiếc xe chạy vượt trên chiếc Honda.  Ông Tân nhẫn nại cứ lái xe theo tốc độ ấn định 55 dặm một giờ.   Mười lăm phút sau ông lái xe vào bãi đậu xe của trường trung học Washington.  Đồng hồ đeo tay của ông Tân mới có 8:20 sáng.  Hãy còn sớm, ông Tân với tay qua chiếc ghế kế bên lấy chiếc cặp da màu đen.  Ông mở ra kiểm soát lại một lần nữa, sách giáo khoa, cuốn tự điển tiếng Việt, cuốn vở, một cây bút đỏ, một cây bút đen, và mấy cây bút đen viết bảng vẫn nằm yên trong chiếc cặp da như ông đã kiểm soát trước khi rời nhà.
Tay trái cầm chiếc cặp da, tay phải ông khóa xe lại.  Ông Tân đi về hướng các lớp học, ông muốn đi một vòng quanh trường để hít khí trời trong lành và tận hưởng sự thanh tịnh của một buổi sáng mùa đông trước khi học sinh đến trường.  Học sinh đi học vào sáng ngày chủ nhật"   Đúng thế, ông Tân cũng ngạc nhiên như vậy cách đây năm năm khi mới dọn về thành phố này.  Hôm ấy ông và Hải, một người bạn làm cùng hãng, tản bộ đến công viên gần nhà Hải và tình cờ đi ngang qua trường vào đúng giờ ra chơi.  Nghe tiếng học sinh chơi đùa và gọi nhau ơi ới bằng tiếng Việt làm ông bàng hoàng.  Hải giải thích vào ngày chủ nhật thì trường này trở thành một trung tâm Việt ngữ dạy các trẻ em từ 6 tuổi trở lên.  Hải than học sinh thì cả mấy trăm em mà thầy cô thì không có bao nhiêu, giá như không phải đi làm mỗi chiều cuối tuần thì anh đã làm thầy giáo thiện nguyện rồi. 
Hai tuần sau trung tâm Việt ngữ có thêm một thầy giáo mới, thầy giáo Tân, phụ trách giảng dạy lớp 1 cho học sinh lứa tuổi từ 8 đến 10 tuổi.  Đi dọc theo dãy lớp học khu 200 thầy Tân tưởng nhớ lại ngày ấy khi về bàn với mấy người bạn việc phụ dạy tiếng Việt thì ai cũng bàn ra.  Nào là con cái ông ai cũng đã thành tài và có công ăn việc làm, chỉ còn có vài năm là ông có thể về hưu non, nên sống cuộc sống thoải mái cho mình, việc dạy các em để thiên hạ hoặc giới trẻ lo.  Tuy nhiên khi đưa ý kiến với hiền nội thì bà ấy hoan hô hết mình.  Ông nghĩ có thể vợ mình thiên vị vì xưa kia cả hai cũng đã có thời kỳ làm nghề gõ đầu trẻ tại quê nhà.  Mặc dầu ông nêu ra những lý do của bạn bè kèm theo việc làm không lương, hao xăng, xe mòn, và nhất là sẽ không có nhiều thì giờ chở vợ đi chợ búa cuối tuần vì phải dạy học và chấm bài.  Bà liền nhắc ông "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", dù dạy nửa chữ hay một chữ cũng vẫn hơn không chữ, hơn nữa giới trẻ sinh trưởng bên này vốn liếng Việt ngữ có bao nhiêu để truyền lại cho thế hệ sau.  Thế hệ trước có trách nhiệm phải hướng dẫn để các em có thể noi gương mà đi đúng đường hầu làm rạng danh con Rồng cháu Tiên.
- "Dạ, chào thầy Tân.  Thầy khoẻ không ạ""
Tiếng chào làm thầy Tân giật mình nhìn quanh, một nhóm học sinh khoảng 13-14 tuổi đang đứng khoanh tay chào trước lớp 4.  Thầy gật đầu chào lại những khuôn mặt quen quen mà thật tình trong đầu không nhớ tên cho từng khuôn mặt.  Các em lớn nhanh như thổi.  Cách đây 4 năm những em này chưa cao tới vai thầy, thế mà giờ này có đứa cao hơn thầy cả cái đầu.  Nhìn chúng khom người chào mà thầy thấy cảm động, ít ra các em vẫn còn nhớ tới bài học lễ phép mà thầy khổ công tập luyện cả tháng trời.
Sân trường bây giờ đã ngập tràn học sinh và phụ huynh.  Tiếng cười nói, những câu chào hỏi làm sân trường càng thêm nhộn nhịp.  Hôm nay là ngày khai giảng khóa học mùa đông.  Hai bảng ghi danh sách học sinh và phòng học niêm yết tại cổng trường lúc nào cũng có người bu quanh.  Dọc hành lang đến văn phòng có hai hàng phụ huynh xếp hàng dài chờ ghi danh.  Cô thư ký Hiền đang đi lên đi xuống dãy hàng này để hướng dẫn phụ huynh điền đơn và ký chi phiếu trả 70 Mỹ kim toàn khóa cho mỗi em, và ghi tên em vào chi phiếu để khỏi thất lạc.  Phải khó khăn lắm thầy Tân mới len lỏi qua khỏi đám đông để vào văn phòng hầu có thể lấy sách giáo khoa và hồ sơ học sinh lớp 1.
Thầy Tân rảo bước lại dãy lớp khu 200 và nhờ ông cai trường José mở phòng 202.  Ông José đã làm việc tại trường này trên 10 năm, tính tình ông cởi mở nhưng rất cẩn thận.  Ông không bao giờ mở cửa lớp học sớm nếu không có sự hiện diện của thầy cô lớp đó.  Nhiều phụ huynh than phiền con họ phải đứng ở ngoài khi trời buổi sáng còn lạnh, nhưng Ban điều hành cũng như thầy cô rất đồng ý với ông cai trường vì lý do an toàn cho học sinh cũng như để bảo vệ lớp học không bị phá phách.  Thầy Tân bước vào lớp và đảo mắt nhìn chung quanh phòng một lần với ông cai trường để chứng nhận lớp học không có gì khác thường, vẫn sạch sẽ và bàn ghế xếp gọn gàng.
Học sinh lác đác bước vào lớp học sau khi coi lại tên mình trong danh sách trước cửa mỗi lớp.   Thầy Tân viết tên mình, tên lớp, số điện thoại cũng như địa chỉ email của thầy lên bảng.  Vừa viết xong thì tiếng chuông báo hiệu giờ vào lớp cũng bắt đầu reng.  Học sinh lục đục chạy vào ghế ngồi.  Thầy mở hồ sơ lớp ra xem, khóa này lớp thầy có 22 học sinh và một giáo viên tập sự tên Thanh.  Thanh là học sinh cũ của thầy cách đây 4 năm, em vừa mới ra trường khóa trước nhưng phụ huynh xin nhà trường cho em trở lại phụ dạy.  Vì Thanh mới 14 tuổi nên em được Ban điều hành gửi vào phụ lớp thầy Tân với chức vụ giáo viên tập sự.


Học sinh lớp 1 khóa này gồm đủ mọi lứa tuổi, em nhỏ nhất 8 tuổi, em lớn nhất 15 tuổi.  Nhìn lướt qua danh sách học sinh thầy Tân thấy đa số các em khoảng 9 tuổi, như vậy việc giảng bài tương đối dễ dàng vì các em có độ tuổi ngang nhau.  Sau khi điểm danh tất cả mọi học sinh đều có mặt, thầy Tân nhờ Thanh phát sách giáo khoa cho mỗi học sinh và nói mọi người mở sách trang thứ hai để cùng theo dõi khi thầy đọc nội quy của trường.  Cả lớp ngồi im nghe thầy nhắc lại nội quy mà các em đã nghe nhiều lần mỗi đầu khóa.  Tuy nhiên đến điều lệ cuối cùng thì cả lớp nhao nhao lên có vẻ không đồng ý.  Một vài cánh tay giơ lên, thầy Tân chỉ trò Huy. 
Huy rụt rè hỏi:
- Tại sao khóa trước em được mang máy MP3 mà khóa này lại không cho" 
Trò Lâm ngồi kế bên chêm vào:
- Đúng đó thầy. Khi nghe MP3 chúng em dùng  earphones  (ống nghe nhỏ để vào lỗ tai) đâu có làm phiền ai đâu.
Trò Lan ở cuối lớp giơ tay lên nói:
- Em không thích  rule  này.  Ipod  của em cũng xài  earphones. Em cần nó để nghe nhạc cho lớp  music  của em.
Sau khi ra dấu cho học sinh bỏ tay xuống, thầy Tân giải thích:
- Các em biết là chúng ta chỉ học có 3 giờ cho tiếng Việt mỗi tuần.  Nếu các em đem máy nghe nhạc theo thì sẽ không tập trung vào việc học được.  Sở dĩ điều lệ này được Ban điều hành ghi vào nội quy khóa này một phần vì lý do trên, nhưng lý do chính là vì khóa trước có một số em đem máy theo và nói làm mất trong trường.  Thôi bây giờ các em viết tên, số điện thoại, địa chỉ email của thầy vào chỗ trống dưới trang nội quy.  Nếu các em hoặc cha mẹ có thắc mắc gì về lớp học thì cứ liên lạc với thầy.
Khi cả lớp viết xong, thầy Tân bảo mọi người gấp sách lại và nhìn lên bảng.  Thầy nắn nót viết hàng chữ lớn: "Thầy, Cậu, Tía" và hỏi ai biết nghĩa của ba chữ này. 
Cả lớp nhao nhao trả lời:
- Thầy là thầy giáo.  Cậu là cậu bé.  Tía là lá tía tô để ăn bún riêu." Nghe đến bún riêu cả lớp cười ồ lên.
Thầy Tân lắc đầu:
- Những chữ này nói về người thân trong gia đình". 
Các học sinh ngơ ngác nhìn nhau vẫn không đoán được câu trả lời.  Nhìn quanh lớp chỉ thấy có Thanh, GVTS, đang chúm chím cười ra điều biết mà không nói, nên thầy Tân giải thích:
-  Trong tiếng Anh, khi nói đến chữ Cha thì có người gọi là "Father", "Dad", "Daddy", hoặc là "Pop".  Tiếng Việt cũng vậy, khi nói đến chữ Cha thì chúng ta thường gọi là "Ba", "Bố"; người miền Bắc Việt Nam gọi là "Thầy" hoặc "Cậu", trong khi ở vùng quê miền Nam thì gọi là "Tía".  Khi gọi Cha là "Thầy" thì phải gọi Mẹ là "U", cũng như "Mợ" đi với "Cậu", và "Má" đi với "Tía".
Nhận thấy học sinh còn lúng túng trong việc gọi tên của người thân trong gia đình, thầy Tân dành trọn buổi học của ngày khai giảng để giải thích và khuyến khích các em xử dụng đúng tên gọi theo cấp bậc như "Chú, Bác, Cô, Dì, Dượng ..."
Tiếng chuông trường reng lúc 12 giờ trưa cũng là lúc các học sinh lớn bé ùa ra các lớp học để tìm kiếm cha mẹ.  Đây đó tiếng Anh, tiếng Việt lẫn lộn.  Hầu hết tiếng Việt do người lớn hỏi và tiếng Anh do các em trả lời.  Thầy Tân đi quanh lớp học kiểm soát bàn ghế ngăn nắp lần cuối trước khi tắt đèn và đóng cửa lớp lại. 
Mặc dù thầy Tân có dư khả năng để dạy những lớp cao hơn, nhưng suốt mấy năm thiện nguyện ở đây thầy chỉ chọn dạy lớp 1.  Đối với thầy, tiếng Việt và văn hóa đi đôi với nhau.  Sau khi học ráp vần ở các lớp mẫu giáo, học sinh học tiếp lớp 1 với chủ đề về gia đình.  Trong lớp này các em cần phải biết và hiểu về tên gọi của những người trong gia đình cũng như bổn phận của kẻ trên người dưới.  Được như thế các em sẽ biết cư xử lễ độ không những trong gia đình, trường học mà ngay cả ngoài cộng đồng.
- Thầy Tân ơi!  Có cái này gửi thầy đây.
- Chào cô Thảo.  Sao dạo này dạy mấy lớp "cao cấp" cô thấy đã quen công việc chưa"
- Cám ơn thầy.  Lớp học khóa này tương đối không đông lắm, chỉ có 17 em thôi nên không phải thức đêm chấm bài như khóa trước.  À, đây là mấy bài thơ của học sinh khóa trước đã làm trong lớp, tôi gửi thầy đọc cho vui.  Cũng nhờ công lao các thầy cô lớp dưới chỉ bảo cẩn thận nên khi lên đến lớp học về thơ văn thì trình độ tiếng Việt của các em tương đối khá.
- Đây đúng là món quà vô giá mà các thầy cô đều luôn mong đợi.  Cám ơn cô đã cho tôi món ăn tinh thần này.  Thôi chào cô nhé.  Hẹn gặp lại tuần sau.
Nhìn ra bãi đậu xe vẫn còn tấp nập phụ huynh đang rước con cái nên thầy Tân ghé đến băng ghế dưới gốc cây táo và ngồi đọc những trang thơ cô Thảo vừa đưa.  Thầy liếc qua một vài trang và bật cười với những ý tưởng ngộ nghĩnh của các em học sinh năm nào.
Mùa hè năm ngoái oi bức đến độ toàn dân nước Mỹ đều than trời như bọng nên em Kathy diễn tả mùa hè ở nhà:

Mùa hè em hái cà
Xong rồi em vào nhà
Nóng quá không chịu nổi
Mở quạt luyện Na Tra.

Và em cũng đưa ra hai nhận xét của ngày đầu năm:

Tết này là tết con trâu,
Ba em thất nghiệp mẹ rầu quá đi.
Giao thừa pháo nổ rền tai,
Tối nay vui nhộn ngày mai đi làm.

Trong khi đó em Hải thì nói về khu vườn ông cậu:

Bây giờ mùa hè
Ông cậu hay khoe
Hãy xem cây tre
Cây cao lắm nè
Nó mọc khỏe re
Cây khác lè tè
Nhỏ quá, chán phè
Lá không xanh lè.

Em Thư đang ở độ tuổi mộng mơ nên đặt câu hỏi:

Tình yêu là gì"
Mà làm người quỳ"
Thiệt rất là kỳ
Như bong bóng xì.
Em lại rất lì
Nhưng anh vẫn đì
Kêu em làm mì
Và cơm tấm bì.

Còn em Như tuy đang phân vân về mối tình mùa xuân:

Em không thấy ai
Trái tim bị chai
Đang nằm trên vai
Của hai chàng trai
Tình yêu phôi phai
Giống như cây gai.
Không một, mà hai
Em sẽ chọn ai"

Nhưng em không quên bổn phận làm con làm cháu:

Mỗi Tết con chúc ông bà,
Một năm mạnh khoẻ lâu già trẻ ra.
Kế đến con chúc mẹ cha,
Luôn luôn mạnh khoẻ như là thép gang.

Những em khác thì thực tế hơn, đề tài thơ văn của các em xoay quanh ăn, học và chơi:

Amy:     
Thầy me đi chợ mua cam
Khi về em nhỏ ăn ham cả ngày
Tới hồi bụng đau hết hay
Thầy me cho thuốc bị say ngủ hoài.

Cindy:     
Bữa nay bố mẹ chở đi
Chợ cho mua món cơm bì về ăn
Ăn rồi con vẫn muốn thêm
Nhưng mà bố nói không thêm món gì.

Christine:     
Sáng nay em học Việt Nam
Chị em đi học tiếng Nam trong trường
Ra chơi em ăn kẹo đường
Trong lớp em viết thơ Đường rất vui.

Anh:     
Hôm nay em gặp ông bà,
Nên em chuẩn bị làm trà mầu nâu.
Mà em không biết trà đâu,
Em tìm trong tủ rất lâu nên buồn.

Joshua:     
Hôm nay em làm bài thơ,
Trong lớp em nghĩ bơ phờ không ra.
Em nhìn ra cửa thấy ma,
Ma nói tía má em đang đứng chờ...

Thầy Tân chợt nhìn đồng hồ đeo tay thấy 15 phút đã trôi qua. Thầy mở cặp táp bỏ những trang thơ vào trong rồi chậm rãi đứng lên tiến lại chỗ đậu xe.  Đối với các bậc cha mẹ học tiếng Việt có muôn ngàn lợi ích, đối với các em không cần học Việt ngữ có cả trăm lý do. Nhìn các phụ huynh tươi cười đón con đi học về ngoài bãi đậu xe, thầy Tân tự nhủ: "Ngày nào cha mẹ còn đưa con em đi học, ngày đó thầy còn tiếp tục dạy các em Việt ngữ, ngôn ngữ của một văn hóa trên 4.000 năm văn hiến, hoàn toàn khác với Anh ngữ, với những chữ  You  và  I  dùng chung cho già lẫn trẻ, cho nam lẫn nữ, cho anh lẫn em."

Nguyễn Thi

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,249,125
Vân Hải Nguyễn Xuân Hùng là Cựu Sĩ Quan Tiểu Đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị (Khoá 16 Thủ Đức)
Tên thật: Trịnh Thị Đông. Sanh quán: Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên cấp 2, môn Anh Văn. Hiện cư ngụ tại thành phố Fort Smith, tiểu bang Arkansas, Hoa Kỳ.
Trần Nguyên Đán là bút hiệu của Mục sư Lữ Thành Kiến, từng quản nhiệm Hội Thánh Maryland, miền Đông, rồi Fort Worth, Texas. Sau giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ năm 2007, ông nhận thêm giải Việt Bút 2009 và là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2010. Ngoài Việt Báo Online, nhiều thơ và truyện của ông hiện có trên tạp chí văn chương trên mạng internet, như da mầu, tiền vệ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 2007, cô nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.” Chỉ ít tuần sau đó, cô “chạy” đủ giấy tờ đón ba má từ Việt Nam dự lễ phát giải. Sau chuyến du lịch, hồ sơ bảo lãnh gia đình được hoàn tất và từ 2011, ba má, và vợ chồng người em trai đã chính thức định cư, đoàn tụ. Hiện nay, cô là một thành viên trong ban điều hành Mount Vernon, di sản của vị Đệ nhất Tổng Thống Hoa Kỳ George Washington, tại Alexandria, Virginia.
Tác giả là một cựu chiến binh Mỹ từng đóng quân ở Biên Hoà và kết hôn với một phụ nữ Việt. Viết Về Nước Mỹ, ngày 18 -12-2012 phổ biến bài viết trực tiếp bằng tiếng Việt đầu tiên của ông, kể chuyện tình 40 năm trước giữa chàng thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ và một cô gái Việt. Với bài "Hành Trình Tiếng Việt của Một Người Mỹ", Sáu Steve Brown đã nhận Giải Việt Bút mang tên Bà Trùng Quang năm đầu tiên, 2013. Ông bà nay có 7 người con, hiện ở Ohio. Sau đây, thêm một bài mới của ông Sáu.
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười chín, 2017-08. Sau đây là bài viết thứ 12 trong năm.
Tác giả Tâm Chánh là người con gái của Trung Tá Từ Tôn Khán, Tỉnh Đoàn Trưởng Tỉnh Đoàn Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Huế, thời 1968. Ông bị Việt Cộng bắt và sát hại trong Tết Mậu Thân tại Huế. Hiện nay Tâm Chánh là Vice President of the Real Estate Entitlement Development Incorporation tại Southern California.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Chủ Nhật tuần này là Father’s Day 2018 tại Hoa Kỳ. Mời đọc bài viết về thân phụ của một nhà giáo. Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt Bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến